Đúng hẹn để nhận bài cho báo Tết, tôi gọi điện thoại đến nhà truyền thống quận Gò Vấp xin gặp nhà văn Sơn Nam. Bên kia đầu dây, ông trả lời ngắn gọn: "Cho hẹn lại sáng mai nghen, sáng nay mắc ra báo Công an mượn tiền xài, hiện giờ trong túi chỉ còn mấy chục đồng". Tôi nói: "Vậy thì tía ở đó đợi con vào chở tía đi"
Khi ngồi sau lưng tôi trên chiếc honda, ông nói: " Sáng nay có mấy cô ký giả trẻ đến hạch hỏi mấy tiếng đồng hồ, trả lời muốn khan cổ họng mà chẳng có đồng xu. Nhưng kể ra cũng tội nghiệp tụi nó, sinh viên từ miền Tây mới ra trường, đang thử việc, không có bài hay thì chủ báo không ký hợp đồng nên ráng giúp tụi nó".
Phỏng vấn, kể chuyện là phải trả tiền, gần như đó là nguyên tắc của ông - một người cả đời chỉ sống bằng nghề viết - Bởi những tư liệu mà ông có được, ông cũng phải tốn tiền. Ông kể, ngày xưa, ngay từ khi ông viết Lịch sử khẩn hoang miền Nam, sở dĩ ông có nhiều tư liệu quý là vì mỗi khi vào thư viện ông đều tặng phong bì cho thủ thư nên họ rất nhiệt tình. Ông nói cụ Vương Hồng Sễn là một người rất sòng phẳng trong chuyện ấy, mỗi khi đến nhà cụ để đọc và ghi chép tài liệu hoặc nhờ cụ trả lời một vấn đề gì, trước khi ra về, dù ít hay nhiều cũng phải để lại một cái bao thư. Lý giải về sự sòng phẳng ấy, ông nói rằng, mình viết bài đăng báo được lãnh nhuận bút thì không lý do gì bắt người khác phải cung phụng cho mình.
Tôi kể cho ông nghe rằng cách nay ba ngày, trong một tham luận đọc tại hội nghị những người viết văn trẻ của thành phố, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín có nói về một nền văn học ăn lương, đại khái rằng có những người suốt đời được trả lương để làm văn học nhưng chưa hẳn là có lợi cho văn chương. Nghe xong, ông cười có vẻ tâm đắc lắm: " Cái thằng đó hay à ! Nói vậy là nó loại trừ tôi ra".
Cả một đời gắn bó với văn chương, ông đã tự mình làm nên một Sơn Nam cho nền văn học - nói theo nghĩa một nền văn học ăn lương của Nguyễn Trọng Tín - bây giời, khi ông ngồi sau lưng tôi đi đến một Tòa báo để mượn tiền xài, tôi chợt ngậm ngùi nhận ra ông thiếu đi nhiều thứ so với một thường dân : Cả đời không biết chạy xe, dù là xe đạp, tròn năm mươi năm qua sống trên đất Sài Gòn, ông chỉ biết đi bộ, đi xe buýt, xích lô và xe honda ôm; không có nơi tiếp khách dù là khách của ông ngày nào cũng có; không có điện thoại, dù là điện thoại bàn; cho đến bây giờ, ông vẫn viết bằng tay hoặc chiếc máy chữ mini mà tuổi thọ của nó cũng xấp xỉ tuổi nghề của ông.
Hồi tòa soạn báo Văn nghệ thành phố còn ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mỗi sáng ông từ nhà tới đó ngồi uống café trong căn-tin đến 9 giờ, đó là khoảng thời gian ông tiếp khách. Hay nói đúng hơn đó là văn phòng giao dịch của ông để giao và nhận bài cho các cơ quan báo chí trong nước, và cả nước ngoài. Khi báo Văn nghệ dời đi cũng là lúc ông bỏ nhà đi lang thang vì chuyện cơm không lành, canh không ngọt. Từ đó văn phòng giao dịch của ông dời về quán café trong khuôn viên nhà truyền thống quận Gò Vấp, gần chục năm nay. Bây giờ ông đã trở về với mái ấm gia đình, nhưng địa chỉ văn hóa của ông vẫn còn chỗ cũ. Mỗi sáng, lúc 7 giờ 30, ông lên xe honda ôm từ Bình Thạnh ra Gò Vấp cũng giống như người ta đi đến cơ quan. Ơ đó có một cô nhân viên thư viện chuyên làm công việc chữa bản thảo cho những bài viết của ông, bởi do tuổi cao , mắt mờ, tay rung nên ông hay gõ sai nốt chữ. Ai muốn gặp ông qua điện thoại thì cứ gọi vào số máy của nhà truyền thống, nhân viên ở đây rất vui vẻ hỏi người gọi tên gì, ở đâu để chạy ra sân báo cho ông. Ơ đây, ngoài những biên tập viên của các cơ quan báo chí tìm đến ông đặt bài, nhận bài, trả nhuận bút, còn có những sinh viên báo chí, du lịch, ngữ văn, những nghiên cứu sinh đang làm luận án Tiến sĩ cũng tìm đến ông như để tra cứu một quyển từ điển sống, một kho địa chí văn hóa sài Gòn và đồng bằng Nam bộ.
Tôi mạo muội hỏi ông: " Nhà xuất bản Trẻ mua đứt bản quyền của tía bao nhiêu ?". Ông nói: " Đây là chuyện tế nhị mà cả hai bên đã cam kết rằng không ai được nói ra". Rồi ông lại cười giòn và tấm tắt khen bài tham luận của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín mà tôi vừa kể với ông.
Đến Tòa soạn báo Công an, ông có vẻ thất vọng khi biết anh Trần Tử Văn đi vắng. Ra trước sân, ông trầm ngâm đứng lặng. Tôi hỏi ông cần khoảng bao nhiêu, ông nói khẽ: " Càng nhiều càng tốt, mấy đứa nhỏ đang gặp khó khăn, chứ bản thân tôi thì hề hấn gì". Tôi đang nghĩ đến số nhuận bút bên Thời báo Kinh tế sài Gòn, nhưng khi nghe ông nói " mấy đứa nhỏ đang gặp khó khăn" thì tôi biết ngay rằng nhuận bút của một vài bài báo sẽ chẳng có nghĩa lý chi, phận mình mới chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, cái nhà còn chưa có ở . . . Nhìn ông già còm cõi, tem hem, môi rung, mắt mờ, chân yếu trong cơn tuyệt vọng trước nợ áo cơm giữa chốn phồn hoa đô hội mà tôi muốn rơi nước mắt. Một nhà văn bậc thầy, một tinh hoa của dân tộc mà thân phận như thế nầy sao ? Lòng tôi xót xa tự vấn.
Trong lúc đầu óc tôi đang bối rối thì ông già giục đi. Tôi hỏi đi đâu, ông bảo sang Hãng phim Giải phóng. Đi dọc đường, ông nói rằng ở bên đó ông còn mấy ngàn đô-la nhưng không biết nó đã về tới bên nây chưa hay là còn bên Mỹ. Tôi chở ông đi như sự cầu may.
Nhưng thật bất ngờ, khi vừa dừng trước cổng thì anh Trần Khải Hoàng, phụ trách tài vụ vừa dắt xe ra, gặp ông, anh mừng rỡ: " Trời ơi, tía ! Vô đây con gởi tiền, con đợi tía mấy ngày nay !"
Anh Hoàng cho biết, một đạo diễn người Mỹ gốc Việt đã chuyển thể truyện ngắn "Mùa len trâu" của ông thành phim truyện nhựa, họ trả nhuận bút cho ông ba ngàn đô-la, tạm thời họ ứng trước cho ông một ngàn, số còn lại sẽ trả sau khi phim phát hành hai tháng. Anh Hoàng nhờ tôi chuyển chứng từ cho anh Phạm Sĩ Sáu ở nhà xuất bản Trẻ, bởi về mặt thủ tục, số tiền nầy phải trả cho nhà xuất bản Trẻ vì bên ấy đã mua đứt bản quyền của nhà văn Sơn Nam.
Trên đường đi, ông Sơn Nam tỏ ra phấn chấn: " Thằng xuất bản Trẻ nầy chơi ngon, bản quyền tôi đã bán cho nó rồi, vậy mà số tiền nầy nó vẫn để cho tôi hưởng trọn, không lấy tiền cò mặc dù hợp đồng do nó ký"
Như ngẫm nghĩ điều gì một lúc rồi ông nói: "Tôi còn mấy chuyện hây lắm, nhưng về già mới viết được". Nghe ông nói thế, tôi bật cười. Nhưng rồi tôi bổng giật mình chợt nghĩ : ông có lẫm cẫm rồi chăng ? Gần tám mươi tuổi rồi mà ông còn nghĩ "về già mới viết".
Khi dừng lại một vỉ hè để uống café, tôi nhìn kỹ ông và nhận ra làn da ông hơi mọng nước, đôi môi rung rẩy nhiều hơn. Nhớ lại hồi sáng tôi phải dìu ông đi từng bước chậm xuống cầu thang ở báo Công an thành phố.
Lạy trời và lạy trời . . . !