Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.209.928
 
Rộn ràng ơi , những ý nghĩa rời : Đọc tập thơ “Vạn Xuân” của Trần Hữu Lục – NXB Trẻ 2006
Lê Thiếu Nhơn

Nhiều năm đăm đắm với thơ, nhưng tác giả Trần Hữu Lục viết không nhiều và viết tương đối chậm so với bạn bè cùng thế hệ. Sau hai tập thơ “Lời của hoa hồng” và “Thu phương xa”, bước chân thứ ba từ tốn của anh bước vào làng thơ mang thông điệp “Vạn Xuân”. Một cái tên gọi sẽ trở thành kiêu hãnh, nếu như ngót nghét 100 trang sách không để lại một giá trị thẩm mỹ đáng kể nào. Thật lòng tôi có tâm trạng hồi hộp ấy khi lần giở những rung động xa vắng của người đàn ông vừa qua tuổi 60 này.

   

Đọc thơ Trần Hữu Lục đã nhiều, ngay cả trong “Vạn Xuân”, tôi cũng không thể tìm thấy một dự định phá cách hay làm dáng nào. Dù được chuyển tải qua một lớp ngôn ngữ thi ca thì giọng điệu của anh vẫn cứ nhỏ nhẹ theo cách riêng người Huế. Chỉ cần tinh ýmột chút sẽ dễ dàng nhận ra Trần Hữu Lục rất thích dùng hai chữ “dạ thưa” thủ thỉ cốt cách đất cố đô, lúc nhớ nhung “Khói sương bay về ngõ hẹp. Sông xanh xa vắng bóng người. Hàng cây dạ thưa mấy độ. Sắc trời thu không nên lời” (Bài “Mùa sen khô”), lúc bồi hồi “Một thoáng chiêm bao lạc lối. Phút phải lòng tiếng dạ thưa” (Bài “Hoa cát tường”) và cả lúc đau đáu “Tiếng dạ thưa đâu phải là cam chịu. Ai qua sông rồi vội quên đò” (Bài “Huế”). Chính sự nặng lòng nơi chôn nhau cắt rốn đã khiến dặm dài thơ phú nặng trĩu của anh cứ đeo bám hình Huế, dáng Huế, bóng Huế trong mỗi chuyến đi nôn nao, trong mỗi chặng dừng bâng khuâng. Bài thơ “Trong vườn xa xứ” đoái vọng một chút tình như gặp ai cũng mong chia sớt: “Tuyết mùa rơi phong phanh áo lụa. Nền nã dáng xưa gió lạnh về. Bạn tôi bươn chải nhịp mùa đi. Nửa đời còn giữ thơm quê Mẹ”

   

Với cách cấu tứ và hình ảnh quen thuộc, thơ Trần Hữu Lục hầu như chỉ thả sương khói lòng mình vào những mảng hồi ức xa xưa. Lắng chìm dưới từng lời thơ lãng đãng của anh, chút tình yêu cũ kỹ cứ dần lên men thương nhớ: “Đi qua, đi qua con phố cổ. Hoàng hôn vàng rụng trên hai vai. Biết không có ai đợi đầu ngõ. Rộn ràng ơi những ý nghĩ rời” (Bài “Hoàng hôn chỉ một”), chút kỷ niệm xa vời cứ dần thắp lửa tiếc mong: “Lần lữa vẫn chưa về được. Thương lắm trái vả hiên nhà. Giá như có con gà đất. Thổi hơi dài đỡ nhớ quê” ( Bài “Tình quê”). Nhiều khi đọc thơ Trần Hữu Lục cứ thấy sốt ruột về một chốn nghèo hồn hậu buổi ban đầu trong trẻo. Có người thiết tha với cuộc sống nào mà thoát khỏi ám ảnh dĩ vãng đâu. Nhà thơ Trần Hữu Lục hiểu điều ấy và anh đứng hẳn trong những giác quan định mệnh đời mình mà tỉ tê điệu buồn cố nhân: “Ao con trai trả lại chợ Dinh. Tiếng rao giữa đời thương biết mấy. Chợ Dinh à ơi…bán áo con trai” (Bài “Qua cầu chợ Dinh)

   

Thơ Trần Hữu Lục có khá nhiều bài được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ thành ca khúc. Thế nhưng, chất nhạc trong thơ anh không phải rung bằng va đập chữ nghĩa và ngân bằng chính hồn vía chênh chao. Đôi lần anh òa lên hướng ngoại “Đừng tưởng hoa nở rồi hoa tàn. Đất thiêng gọi bao lớp người mở cõi” (Bài “Vạn Xuân) nhưng cái khẩu khí ấy chỉ mang tính bất chợt gân guốc. Vẻ đẹp khoả đầy những câu thơ của Trần Hữu Lục thường đứng về phía yếu mềm và chân thật. Dẫu lỡ làng, dẫu âm u, dẫu đắng đót, thơ anh vẫn không màng bọc đường trách giận và cay cú: “Tìm đâu trong màn ký ức. Phù hoa che mất nửa tôi. Đôi khi cũng còn rớt lại. Tiếng chimlẻ bạn bùi ngùi”.

   

Tập thơ “Vạn xuân” nối tiếp mạch cảm xúc tình tự quê hương của Trần Hữu Lục. Hình như thơ anh không thích hợp với cao giọng quảng trường hay khề khà trà dư tửu hậu, mà dành cho những người biết đào sâu vào trắc ẩn số phận. Có khi nghe lòng mình vắng lặng nhân tình hay bẽ bàng thế thái, thì người đọc rất dễ đồng cảm với góc nhỏ vắng vẻ trong thơ anh: “Đoá sen hồng những ngày vắng mẹ. Làm sao tâm tịnh trước chùa xưa?” (bài “Chùa xưa”).

                                                                         

Sài Gòn, tháng 7-2006

Lê Thiếu Nhơn
Số lần đọc: 2627
Ngày đăng: 22.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghe ấm một tình yêu : Đọc tập thơ Phía sau tôi của Nguyễn Đông Nhật - Huỳnh Minh Tâm
Nhà văn Đồng bằng sông Cửu Long đang cần liên kết lại - Tường Vi
Nỗi niềm tha hương, tha nhân trong thơ Đặng Ca Việt (*) - Thai Sắc
Hoa xuân Trong tĩnh lặng : Đọc tập thơ Trong tĩnh lặng của Trần Thị Huyền Trang . - Trương Tham
Dặm đường văn học: Nguyễn Lương Ngọc , sự sống hát lời lửa nước. - Nguyễn Thanh Mừng
Thơ là câu bắc bơ vơ - Phạm Lưu Vũ
Văn học trong - Tường Vi
Trần Đức Tiến trong nỗi mơ yên tĩnh Tuyệt đối - Inrasara
Lê Vĩnh Tài,Đi tìm huyền thoại mới cho Tây Nguyên :Đọc: Vỡ ra mưa ấm (trường ca), Lê Vĩnh Tài, Nxb. Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2005. - Inrasara
Chín tới để toả hương : Đọc Lục bát thơ của Mai Văn Hoan NXB Văn Học 2006. - Nguyễn Nguyên An