Từ giã các kim tự tháp Ai Cập cổ đại, đoàn chúng tôi trở lại Roma nơi khởi đầu con đường Via Appia. Được xây dựng từ năm 312 trước Công Nguyên bởi vị Censor khiếm thị Appius Claudius, Via Appia là con đường đầu tiên bằng xi-măng lát đá, cũng là con đường khởi nguyên của kỹ thuật xây dựng xa lộ trên thế giới. Con đường lịch sử này xuôi về đông nam đến vùng duyên hải miền tây nước Ý, rồi chuyển sang đông đến các hải cảng Brindisi, Tarent và Bari (H1), lúc bấy giờ đã giúp người La Mã mở cửa ra với phương Đông qua ngả Địa Trung Hải.
Trên thực tế, Via Appia hay kỹ thuật xây dựng xa lộ đã khởi đầu cho những bước đột phá của Cộng hòa La Mã (509-27tcn) dẫn đến phát triển toàn diện trong thời Đế quốc La Mã (27tcn-493). Kể từ đó một mạng lưới giao thông đường bộ được thiết lập trên toàn lãnh thổ rộng lớn, nối liền các provinciae –nay là các quốc gia độc lập- trải dài từ châu Âu sang châu Phi và châu Á đến tận Ấn Độ. Có cả thảy 372 con đường với tổng chiều dài lên đến 15.000 dặm, tạo thành một hệ thống lưu thông mà “mọi con đường đều dẫn đến kinh thành La Mã”. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là nhiều trong số các con đường đó còn được bảo tồn cho đến ngày nay, thậm chí một số còn được khai thác sử dụng cho đến hết thời đế quốc Đông La Mã là Byzantin (330-1453) sang thời đế chế Ottoman.
Xuất phát từ bức tường thành Servia ở trung tâm kinh thành La Mã rồi băng qua cổng thành Porta Capena, Via Appia chạy về phía nam song song với đại lộ Via Nova (H2). Phải khó khăn lắm tôi mới hiểu được ý cô Ann Alice rằng chúng tôi đang đi trên một xa lộ xưa nhất hành tinh. Chỉ khi đến dặm đường thứ ba –III Miglio- tôi mới nhận ra ở đây có hai con đường song hành: Một con đường cũ gọi là Via Appia Antica được giữ nguyên trạng dành cho khách du lịch, và một con đường mới gọi là Via Appia Nouva được vị Giáo hoàng Pius VI cho xây dựng từ năm 1784, nhờ đó con đường cũ đến nay còn được nguyên vẹn. Hai thế giới xưa và nay, yên tĩnh và ồn ào, xa vắng và hối hả tất bật... chỉ nằm cách nhau có vài chục mét và tiếp tục đồng hành với nhau hàng chục cây số từ Sebastiano đến hồ Albano.
Con đường có chiều dài tổng cọng 563km. Đoạn đầu dài 195km từ Roma đến Napolis được xây dựng nhằm mục đích chuyển quân và tiếp liệu trong cuộc chiến thứ hai giữa liên minh Roma-Capua với người Samnites (323-304tcn). Đoạn đường này thẳng tắp xuyên qua vùng đồi phía nam Roma đến hồ Albano và cánh đồng sình lầy Pontine rộng lớn, rồi uốn éo theo bờ biển giữa Terracina đến Formia trước khi đến Capua. Để xây dựng con đường khó khăn này người ta đã phải bạt thấp các ngọn đồi, lấp đầy các thung lũng, đắp cao nền đất đầm lầy sụt lún mà ngày nay chúng ta gọi là kỹ thuật highway hay xây dựng xa lộ. Kèm theo đó là vô vàn các hạng mục công trình từ mương hào thoát nước, các cầu cống, các đoạn tường chắn đất... và cả các đài chỉ huy cùng các mốc dặm đường gọi là Miglio. Mặt đường tại đây rộng 14 pies, khoảng 4,15 mét, được xây bằng các tảng đá basalt to lớn nhẵn bóng kết dính bởi loại xi-măng La Mã gồm vôi và tro núi lửa (H3). Nhiều nơi như ở Villetri mặt đường bằng phẳng đến độ chúng tôi không cảm nhận dược xe đang chạy trên mặt đá của một Via Appia hơn 2300 năm tuổi.
Từ dặm đường thứ bảy nghĩa là vượt ra khỏi giao lộ đường vòng thành phố, Via Appia trải ra như những trang sách với bao nhiêu thời kỳ lịch sử in dấu hai bên vệ đường: Từ đài chỉ huy dựng tại Terre in Selci (H4&5) đến các cột đền Hercules, từ lăng tẩm của Quincus Verannius với những hàng vòm cung còn lại của hệ thống ống dẫn nước aquaduct đến hàng trăm ngôi mộ La Mã cổ đắp cao như những qủa đồi, và cả hình bóng những cây thập tự gía nơi đóng đinh hàng ngàn nô lệ theo sau cuộc nổi dậy của Spartacus. Trong khi viếng thăm nhà thờ Domino Quo Vadis (H6) nổi danh với tác phẩm văn học cùng tên, người hướng dẫn lữ hành đã giải thích cho chúng tôi ý nghĩa của câu “Venio Romam Iterum Crucifigi” –đi đến La Mã để chịu đóng đinh- và rồi từ đó Thiên Chúa Giáo lan truyền nhanh chóng theo mọi nẻo đường La Mã.
Lăng mộ Hoàng đế Gallineus được xây dựng ở IX Miglio (dặm đường thứ 9). Đây cũng là Mutatio đầu tiên nơi mà các người đưa thư thời bấy giờ dừng lại để thay ngựa. Khoảng cách giữa các Mutatio hay trạm thư thường từ 10 đến 15km. Thực ra trong suốt thời kỳ khai thác hàng ngàn năm đó, Via Appia và các con đường La Mã khác bao hàm một hệ thống gồm các trại quân và kho tiếp vận lương thực, các trạm giao bưu và lưu chuyển mệnh lệnh hành chánh đến các provinciae đồng thời là nơi chăm sóc bệnh nhân và nhà nghỉ cho người cho ngựa, đặc biệt là các thương điếm tạo nên một mạng lưới hữu hiệu lưu thông phân phối hàng hóa trên toàn lãnh thổ rộng lớn của đế quốc. Có thể nói việc xây dựng Via Appia là khởi đầu cho việc hình thành một La Mã thực sự quyền uy và phát triển, cùng với sự giàu có và vinh quang cho đến hàng trăm năm. Tuy rằng lúc đầu con đường chỉ được thiết kế để sử dụng trong một thời gian nhất định với sự duy tu cá nhân và các sắc thuế đánh vào người đi đường.
Ngày thứ năm trong chuyến hành trình, chúng tôi thuyết phục công ty lữ hành kéo dài thời gian để tiếp tục di chuyển trên các con đường La Mã đến tận miền bắc Hy Lạp viếng thăm vị trí khảo cổ đoạn đường 3km ở Komotiti, nằm cách Thassoliniki khoảng 270km về phía đông. Đây là một đoạn của con đường Via Egnatia dài 861km, được xây dựng sau năm 146 trước Công Nguyên, chạy từ bờ biển Adriatic của Albani, băng qua Macedoni và Hy Lạp, rồi đi về hướng đông đến tận Thổ Nhỉ Kỳ. Đoạn đường khai quật có hình hộp rộng khoảng 10 mét, được xây bằng đá tảng với xi-măng vôi-pozzolan, bao gồm hai tường chắn ở hai bên và một dải ngăn cách ở giữa (H7). Các nhà nghiên cứu cho rằng dải ngăn cách được xây dựng nhằm tránh cho các doàn xe ngựa khỏi đâm vào nhau, vì đây là con đường của các đạo binh La Mã tiến về phương đông, và rồi trở thành một trong các con đường bận rộn nhất vì nối về phía đông vào con đường tơ lụa từ Trung Á và về phía nam với con đường hương liệu từ Ấn Độ và Đông Nam Á.