Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.232.312
 
Thay lời giới thiệu
Võ Ðắc Danh

            Đọc bút ký của Võ Đắc Danh người đọc còn biết được nhiều chuyện, chỉ là chuyện ruộng đồng, phân  bón, chuyện nước mặn ngọt thôi nhưng qua đó lại là bao nỗi niềm của những người nông dân đã một đời thân cò lặn lội vì độc lập dân tộc hôm qua rồi lại vì miếng cơm manh áo hôm nay.

            Tinh, gọn và chắc khi dựng chân dung, những con người thật, qua lời kể chân thật của tác giả, làm người đọc cứ mong gặp họ một lần, chỉ một lần thôi là chẳng quên được bao giờ.

Hiểu cặn kẽ những điều mình viết, những câu chuyện thật về người - đất và rừng cháy, sông cạn chất chứa sự day dứt không chỉ của riêng mình…

      (THÚY NGA - Câu chuyện về một vùng đất - Báo Tuổi trẻ, 3-11-2001)

 

            Qua Nỗi niềm U Minh Hạ, ta thấy bật lên một tâm hồn yêu tha thiết đất đai quê nhà Minh Hải - Cà Mau. Anh viết như nói, nhưng là tiếng nói của một nhà hùng biện. Nó cuốn hút người ta như thể một dòng sông đang cuộn chảy ra biển, để gặp những gì to tát hơn, bao la hơn và mặn nồng tình nghĩa hơn. Đó là những mặn nồng tình nghĩa của một khí chất Nam Bộ, chơn chất, gãy gọn, thỉnh thoảng khôi hài ý vị và một chút bóng bẩy văn hoa. Qua Nỗi niềm U Minh Hạ, ta thấy một Võ Đắc Danh của những con số và những sự kiện, nhưng là những con số và những sự kiện ngoài việc khái quát được vấn đề còn là những nghĩa tình dào dạt ẩn chứa bên trong một nhà báo dũng cảm. Đọc nó, ta như thấy được một "Hồi ức làng Che" của Nguyễn Đức Thọ hoặc "nổi cộm" hơn là "Cái đêm hôm ấy..." của Phùng Gia Lộc đã làm xôn xao dư luận một thời. Trong Nỗi niềm U Minh Hạ ta như sống lại cái thời "người thật việc thật thì ít, người giả việc giả thì nhiều quá" (tr.130), để thấy người nông dân Minh Hải không đầu hàng hoàn cảnh. Họ dũng cảm đứng lên bảo vệ công bằng và lẽ phải. Hơn thế nữa, ta còn thấy ở họ những phẩm chất cao quý của những con người lúc nào cũng muốn làm giàu, làm đẹp cho quê cha đất Tổ, để càng yêu họ hơn. Và Võ Đắc Danh đã thành công trong việc tạo cảm tình trân trọng nơi người đọc qua tác phẩm này, bởi anh "đã viết đúng và viết hay", "để đường hoàng bày tỏ với bạn đọc những gì thuộc về cuộc sống - mà số đông cho là chân lý" - như lời ngỏ của nhà thơ Nguyễn Bá cho quyển sách này…

             (PHÙ SA LỘC - Nỗi niềm U Minh Hạ - Báo Cần Thơ, 13-11-2001)

 

            Do từng sống chung trong một cơ quan, từng chơi với nhau nhiều năm, quan hệ cá nhân giữa hai chúng tôi cũng trải qua những thăng trầm với nhiều bất đồng, lầm lẫn... Cũng chính vì mối quan hệ này mà phần lớn các bài viết in trong tập sách, tôi đã được tác giả của nó cho đọc từ khi chúng còn là bản thảo. Người và việc, cảnh vật và đất đai trong những trang viết ở quyển sách này của Võ Đắc Danh, phần lớn rất quen thuộc với tôi. Cũng phải nói thật điều này, không phải bản thảo nào khi được đọc, tôi cũng tán thành với cách cảm, cách nghĩ, cách kể và không kể ra của anh. Giờ đây, khi chúng được xếp lại thẳng hàng trong một  quyển sách, tôi thật sự khâm phục ở anh điều này: Anh đã vững bước trên con đường mà anh đã chọn, dù con đường ấy không ít chông gai, trắc trở. Tôi đọc Nỗi niềm U Minh Hạ như đọc lại ký ức của mình. Và, tôi cũng muốn nói lời cảm ơn với tác giả quyển sách, bởi vì nếu không có những con chữ này của anh, thì ký ức tôi cũng đã lãng quên đi rất nhiều điều, nhờ chúng mà những đốm lửa đã tắt trong trí nhớ tôi được thắp sáng lại. Mới hay, ký ức cần thiết với cuộc sống một con người biết dường nào, dù đó là những ký ức đau buồn nhất.

 

            Võ Đắc Danh thường nói rằng, anh là một người viết văn nghèo trí tưởng tượng, nên lượng sức mình, anh chọn bút ký làm thể loại để gắn bó dài lâu. Tôi không có lời bình luận nào về trí tưởng tượng trong văn chương của Võ Đắc Danh. Thực ra đây cũng chỉ là cách anh nói cho vui. Tự thân mỗi người viết văn, ngay từ lúc manh nha bước vào cái nghiệp cô đơn này, phải chọn lấy cho mình một con đường đi. Mà vẫn có hằng hà những con đường được chọn không dẫn đến đâu cả. Nói gì đến những người viết, mà theo cách nói nôm na của nông dân, là: "Thấy người ta ăn khoai vác mai mà chạy"!… Điều mà tôi có thể nói được với cuốn sách này của Võ Đắc Danh là không phải người viết nào cùng sống, cùng đi, cùng nhìn cũng có thể thấy, có thể viết ra và cả từ chối không viết ra được như tác giả của chúng. Ở anh, cái được nhìn thấy, được viết ra nó nằm ẩn sâu ở bên trong một lương tâm ngay thẳng, trong sáng và một tình yêu với cuộc sống. Nói cụ thể hơn, đó là tình yêu đối với nông dân. Cũng là tình yêu mà nhà văn Võ Đắc Danh dành cho mình: Người nông dân Võ Đắc Danh. Xếp hàng lại các bài viết trong Nỗi niềm U Minh Hạ theo trình tự thời gian, tôi còn thấy được một bước tiến dài của Võ Đắc Danh: Anh đã đi từ sự trung thực, dẫn đến nỗi bất bình, để rồi nhận ra thân phận của từng con người cụ thể. Càng về sau, những con chữ càng trĩu nặng hơn tâm tư và thân phận…

(Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TÍN - Đằng sau những trang viết chân thật - Báo Văn Nghệ TP.HCM, 15-11-2001)

 

            Tôi đọc Nỗi niềm U Minh Hạ - tập bút ký của Võ Đắc Danh vào những tháng cuối năm, trời đã trở mùa, se lạnh. Chín bút ký - hàng chục, hàng trăm cuộc đời của những con người nơi mảnh đất tận cùng Tổ quốc dần dần hiện qua từng trang viết của anh - những con người oằn vai dưới gánh nặng đau khổ của chiến tranh, của thiên tai và cả của cơ chế ở những năm đầu mở cửa nhưng vẫn bất khuất, trung kiên chống lại áp bức bất công. Những con người mang khí khái "sống bộc trực, không khách sáo, hễ chịu chơi là chơi hết mình, chơi phạch ngực. Còn hễ thương nhau là thương hết lòng hết dạ, tình thương lai láng tràn trề như con nước lớn trong con nước rong"…

 

            Có những con người nếu chỉ ngồi một chỗ mà nghe nói về họ, nghe kể về họ dễ khiến ta có những nhận định phiến diện. Thế nhưng tiếp xúc với họ rồi mới thấy hết cái đẹp của tâm hồn ẩn trong cái "vỏ nông dân" chân chất bộc trực. Võ Đắc Danh đã đi và đến được những góc cạnh đời sống, tâm tư của họ, hiểu và viết về họ bằng cái tâm của con người với con người, của một nhà báo với những nỗi khổ của dân. Chất liệu cuộc sống ngồn ngộn qua từng trang viết giản dị, mộc mạc mà đầy ắp ân tình, làm sáng lên cái TÂM của người cầm bút…

            (NGUYỄN KHUÊ - Tình người nơi cuối đất - Báo Cần Thơ, 20-12-2001)

 

            Văn thực sự có hồn, câu chữ có nhịp thở - đó là trường hợp của Võ Đắc Danh. Tác giả không chọn lối viết liệt kê sự kiện mà viết cho mỗi một số phận, cho con người cụ thể. Đồng cỏ chát nói về chị Thiện với căn chòi giữa đồng ở giữa khu rừng tràm U Minh Hạ. Chồng theo vợ bé, cuỗm gần hết gia sản, để lại một mình chị Thiện chèo chống cùng với bầy con nheo nhóc. Đau khổ giáng từng đợt nặng nề, uất nghẹn, cay đắng đến không tưởng nổi. Trang viết của Võ Đắc Danh hướng về con người thấp cổ bé họng, nhỏ nhoi, cứ ngỡ không tồn tại trên đời. "Cái màu vàng của bông cỏ chát - mà tôi từng bị đánh lừa tưởng là màu của bông lúa chín - và màu tím của hoa mua đã nhuốm lên mảnh đất này, trùm lên bao nhiêu thế hệ, nó vẫn rực lên, ung dung như lời thách thức…". Bút ký được tác giả kết lại ở đoạn cuối không chút thanh thản...

            (NGUYỄN CHƯƠNG - Tìm ra một nội lực mới - Báo TTVH, 4-12-2001)

 

            Ai bảo người đồng bằng chỉ được cái thẳng ruột ngựa mà ít văn, ít thâm trầm? Mỗi giọng kể thủng thẳng từ tốn mà ẩn chứa trong từng chữ, từng câu nỗi đau xé lòng về từng mảnh đất, từng cảnh ngộ. Võ Đắc Danh với tập bút ký Nỗi niềm U Minh Hạ đã giới thiệu trước - phần nào - về mình, với độc giả. Anh tham gia cuộc thi lần này bằng hai bút ký: Đồng cỏ chátChuyện cũ. Chuyện về những người đàn bà. Một phụ nữ tham gia cách mạng rồi bị đánh tư sản, hơn hai mươi năm đi kêu oan mà chưa được giải quyết. Còn chị Thiện, nhân vật chính của Đồng cỏ chát, là một người đàn bà bình thường. Bao nhiêu tai họa đến với chị và đàn con, mà anh chồng thì cứ vô tư chồng thêm những thảm họa khác. Thực ra đó là chuyện văn hóa - Võ Đắc Danh nói. Khi không có nền tảng văn hóa, người ta xử với nhau như thế, không ưu tư gì. Thiếu nền tảng văn hóa, cán bộ xử với dân như cường hào mới, và dân xử với nhau chẳng có tình người. Đó là nỗi đau căn cơ nhất. Những trang bút ký đậm chất văn và đầy dũng cảm của anh bắt người đọc nhìn thẳng vào sự thật: Nếu sự thật là điều không nghe nổi. Thì còn gì ta đến với nhân dân (Lê Chí).

 

            Vậy đó, hãy lắng nghe người đồng bằng kể chuyện, để biết thêm về những mảnh đất, những cảnh đời mà nếu không sinh ra, lớn lên bên cạnh, sẽ không bao giờ biết đến, và lắng nghe hơi hướng của khí khái đồng bằng vang lên trong những giọng kể đồng bằng chẳng trộn lẫn vào đâu…

            (NHẬT HUY - Lắng nghe, người đồng bằng kể chuyện - Báo Thanh Niên, 15-12-2001)

 

            Ký là mặt mạnh của văn học Đồng bằng sông Cửu long, chuyện người thật việc thật có địa chỉ hẳn hoi lại thật phong phú sinh động được độc giả hân hoan đón nhận. Như  chuyện về chị Thiện ở Đồng cỏ chát U Minh  Hạ ấy, vùng đất có thứ cỏ không cây trái gì khác có thể mọc lên được, số phận chị cũng thế, long đong chìm nổi không một nhà văn nào có thể hư cấu ra được, sự cùng cực đến thế là cùng…

             (Nhà văn LÊ VĂN THẢO - Tổng kết cuộc thi ký văn học ĐBSCL, 14-12-2001)

 

            Võ Đắc Danh vừa là nhà báo, nhà đạo diễn phim tài liệu, vừa sáng tác văn học. Vì vậy mà những trang viết của anh hội tụ khá nhiều yếu tố: sự phát hiện vấn đề sắc sảo của nhà báo, cách nhìn sâu sắc của nhà văn, và trái tim đa cảm của người nghệ sĩ. Những tác phẩm của Võ Đắc Danh thường gây ấn tượng mạnh và có sức truyền cảm lớn tới công chúng…

             (Nhà thơ ĐẠO TĨNH - Trái tim đồng bằng - Đài TNVN, 31-12-2001)

 

            Nỗi niềm U Minh Hạ là một tập bút ký hay. Hay vì nó chân thật, có nội lực trong con chữ, có sức lay động tâm hồn người đọc, hay vì tác giả hòa tâm hồn mình với nông dân nghèo khổ, bày tỏ trái tim mình như bóc một cái bánh, với những tình cảm thiết tha nhất dành cho người nông dân và quê hương, một vùng sông nước hào hiệp ở tận cùng đất nước. Nó như một tiếng gọi đàn nhắc nhở các nhà văn hãy hướng lòng mình về những nỗi niềm khó nói của những người nông dân trong rừng, trên đồng ruộng.

(Nhà văn NGUYỄN QUANG THÂN - Nỗi niềm U Minh Hạ, nỗi niềm người cầm bút - Báo Văn Nghệ TW số Xuân 2002)

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3659
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)