Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.122
123.228.628
 
Những dòng sông xa xôi
Hào Vũ

Hơn hai chục năm trôi qua, dòng sông của Tuyến vẫn cứ ám ảnh tôi. Thời gian gần đây, dòng sông ấy thường hiện về trong giấc mơ tung bọt trắng xoá. Dòng sông giống như một dải bông gòn trắng toát bồng bềnh. Cũng có lúc nó hiện ra như một dải khăn màu xanh da trời với những cánh buồm mờ ảo và thơm nức hương tóc con gái. Dòng sông ấy chảy trong tôi suốt bao nhiêu năm nay, lúc chìm sâu vào ký ức, lúc bừng dậy chói chang. Trong những giấc mơ tôi luôn thấy mình trầm mình trong dòng sông ấy bơi mãi, bơi mãi… Đôi khi tôi cứ để cho dòng nước ôm ấp, vuốt ve, đem đi đó đây, giống như một con thuyền vô định.

 

Vào đúng ngày dòng điện 500KV từ miền Bắc vô tới trạm Phú Lâm (Sài Gòn) dòng sông ấy lại hiện về, trong một giấc mơ kỳ ảo nhất của tôi. Tôi lại lặn ngụp trong dòng sông ấy, dòng sông thơm nức mùi tóc con gái, nước sông đẹp như đựơc pha màu và ngọt như nước đường. Tôi lại để mặc dòng nước ôm ấp vuốt ve, tôi trôi theo dòng sông, không một ý nghĩ, chỉ thấy một cảm giác nhẹ nhõm như đang bay trên mặt nước. Phía trước là nụ cười của Tuyến, cái cười hồn nhiên với hàm răng trắng bóng. Nó vẫn trẻ như ngày nào 19 tuổi, mãi mãi 19 tuổi.

Tuyến hi sinh trên tay tôi trong một trận đánh càn ác liệt ở huyện Đức Hòa. Chúng tôi đóng quân trên bờ kinh. Suốt đêm, hai đứa hỳ hục đào đắp cái công sự chiến đấu cho thật kiên cố. Không ai nghĩ ngày mai sẽ có một trận đấu ác liệt ở đây. Chúng tôi đang thời kỳ ém quân chuẩn bị cho đợt mới. Chúng tôi tin vào nhận định của các vị chỉ huy. Đây là vùng đất an toàn, ít nhất cho hết ngày mai.

-   Anh có khoái tắm sông không anh Hào?

-   Khoái chớ, gần nhà tao cũng có một con sông.

-   Gần nhà em cũng có một con sông.

Tôi hơn Tuyến 1 tuổi, nhưng luôn được Tuyến gọi bằng anh, xưng em. Cái gì Tuyến  cũng hỏi tôi, như tôi là một người từng trải. Một đôi bài viết của tôi trên báo Văn nghệ tỉnh, thời ấy in theo kiểu “quét guốc” lem nhem nhưng làm Tuyến rất nể phục tôi. Tuyến quê ở Ninh Bình. Không hiểu lúc ấy tại sao tôi lại không hỏi Tuyến tên dòng sông ấy. Mà Tuyến cũng không một lần nhắc tới tên nó mỗi khi hai đứa có dịp ngủ chung trong một chiếc mùng trái sáng nóng nực. Nhưng ấn tượng về dòng sông của Tuyến thì tôi không bao giờ quên.

-   Lần ấy em đang tắm thì Hà cũng nhảy xuống tắm. Nhà Hà cùng ở bên này sông với nhà em. Em cũng không hiểu vì sao bữa ấy Hà lại bạo như thế. Hà bận nguyên cả quần áo như ở trên bờ nhảy xuống nước. Hà bơi giỏi lắm.

Trước nay chưa bao giờ Tuyến nhắc tới tên người con gái ấy. Thằng này coi vậy mà kín đáo gớm. Mãi bữa ấy tôi mới biết được Hà là cô bé hàng xóm, em mới 17 tuổi, kém Tuyến một tuổi. Hai cô cậu thường gặp nhau ngoài đường, hoặc trong các buổi sinh hoạt thanh niên nhưng chưa bao giờ nói chuyện với nhau.

-   Có lẽ nghe tin em khám nghĩa vụ, tức là sắp đi bộ đội, tức là sắp vào Nam, nên Hà chủ động tới nói chuyện.

-    Nhưng tại sao lại chọn vào lúc… đang tắm như  thế. Kỳ cục bỏ mẹ.

-    Em cũng không biết nữa. Có thể là Hà đã có cảm tình với với em từ trước…. Thì em ví dụ như thế. Lúc ấy sông vắng lắm. Hà bơi tới gần em, mắt nhìn em rất lạ. Hà hỏi: “Sắp đi hả?”. Tự nhiên em thấy làm sao ấy, trả lời một câu: “Ừ”. Hà tiến sát gần em đột nhiên cắn vào vai em một cái rồi lặn biến xuống dòng sông, mất hút. Em cứ ngơ ngẩn cả người. Răng con gái nó lạ lắm anh ơi, nó cứng mà lại mềm mềm làm sao ấy… Lúc em sực tỉnh, tìm Hà gọi Hà thì trước mắt em chỉ còn là dòng sông mênh mông nước. Từ đó cho tới lúc lên đường em không gặp Hà nữa. Bữa lên đường, đi được một đoạn xa Hà mới đột ngột xuất hiện theo tiễn em. Hà đi tiễn em xa lắm, lâu lắm. Hà dúi vào tay em mấy nghìn đồng, nói là để tiêu vặt. Chỉ có vậy, chẳng thư từ, khăng mù xoa kỷ niệm gì hết.

 

Tuyến kể rằng, sau này đi đâu, gặp nơi nào có sông cậu cũng tìm cách tranh thủ tắm một cái. Và lần nào cậu cũng vốc nước lên mặt để ngửi nước sông. Và cậu thất vọng. Không ở đâu có dòng sông như ở quê cậu, như dòng sông bữa hôm đó, dòng sông thơm nức mùi tóc con gái.

Hôm sau Tuyến hy sinh. Trận đánh dữ dội diễn ra trên bờ kinh giữa một đại đội thiếu có gần ba chục tay súng của chúng tôi và một tiểu đoàn giặc có xe tăng, trọng pháo yểm trợ. Chúng tôi bị chỉ điểm, bốn giờ chiều địch rút, những loạt pháo bắn vô trận địa chặn trước truy kích của ta. Tuyến “bị” trong đợt pháo cuối cùng ấy. Tuyến nói với tôi lời cuối cùng:

-   Nước sông thơm lắm anh Hào ạ. Em muốn được tắm sông quá.

Tuyến cười, mắt mơ màng. Và thế là nó lặng lẽ ra đi.

 

Hơn hai chục năm rồi.

Dòng sông của Tuyến ở đâu?

Tôi chưa có dịp về quê Tuyến chơi, cũng như chưa có dịp về quê nhiều đồng đội khác của tôi. Nhưng ấn tượng về họ, tình yêu của tôi đối với họ thì luôn tươi mới, càng ngày càng tươi mới.

Ngày 8 tháng 6 năm 1994, sau ba ngày dòng điện 500KV về tới Phú Lâm (Sài Gòn), tôi có việc phải đi Cần Thơ. Tân An nằm bên bờ Vàm Cỏ Tây, dòng sông màu xanh, nó gần gụi quá khíên tôi nhiều lúc quên đị sự có mặt của nó. Và những cây cầu, những cây cầu đôi khi cũng làm ta quên đi sự có mặt của những dòng sông, dầu rằng ta vẫn sống bằng hơi thở của chính nó, chịu đựng sự đỏng đảnh của chính nó.

 

Tôi ngồi trên chiếc ghế dài của chiếc phà chạy qua sông Tiền. Dòng sông sóng sánh phù sa, dòng sông hổn hển thở… và những chiếc ghe bé nhỏ chợt chạy dọc theo sông làm tôi không yên ổn. Sóng nước, sự mênh mông của dòng sông… những chiếc ghe trở nên nhỏ bé đến tội nghiệp, có cảm giác như nó sắp bị dòng sông nuốt chửng. Dòng sông của Tuyến chợt hiện về trong tôi. Tôi lặng nhìn dòng sông Tiền sung mãn đang cựa quậy, gầm gừ… Người ta đang dự tính làm cây cầu bắc qua sông Tiền. Có lẽ không riêng tôi, ai cũng mong có cây cầu như thế. Chỉ có dòng sông là không muốn, tôi chợt có ý nghĩ ngộ nghĩnh. Những cây cầu đôi khi làm ta quên đi sự có mặt của dòng sông, quên đi sự gầm dừ, doạ dẫm của nó. Cây cầu làm giảm đi uy quyền của dòng sông đối với con người. Giống như con ngựa bất kham cây cầu là bộ yên cương choàng lên lưng nó. Nó phải khuất phục. Nhưng ta chưa choàng được bộ yên cương lên lưng con ngựa ấy.

 

Rồi thì dòng điện 500KV sẽ qua sông Tiền, về tới các tỉnh miền Tây. Hơi thở của dòng sông địa đầu phía Bắc tổ quốc sẽ phả hơi ấm tới mảnh đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc. Có cả một kế hoạch làm cáp ngầm đưa điện qua đáy sông Tiền. Thời buổi hiện đại, chẳng lòng sông sâu nào mà chẳng dò được, chỉ lòng người là càng lúc càng khó dò thôi.

Dòng sông của Tuyến thì  chẳng thể tạo thành điện năng, nó tạo ra một sức mạnh khác, sức mạnh chinh phục những dòng sông.

 

Tôi cứ nghĩ miên man về những dòng sông. Có những dòng sông đã chết. Dòng sông của Tuyến không bao giờ chết. Có những dòng sông vẫn còn đó, nhưng nó đã chết, nó đã hoá kiếp thành dòng sông khác. Cứ theo thứ tự thời gian, những dòng sông ấy dịch chuyển từ Bắc vô Nam. Sông Gianh của thời Trịnh Nguyễn, sông Bến Hải năm xưa, sông Thạch Hãn nơi trao trả tù binh giữa ta và địch vào năm 1973. những dòng sông ngăn cách đất nước đã chết. Và một dòng sông chảy dọc đất nước, đan quyện mọi miền đất nước với nhau, dòng sông điện 500KV đã xuất hiện.

Cách đây khoảng chục năm, tôi có dịp về Vĩnh Long, vùng đất bên kia sông Tiền, nếu đứng ở phía thành phố Hồ Chí Minh. Hồi ấy đất nước đang cơn trở dạ cho sự đổi mới, cơn đau vật vả thật dữ dội. Bằng một chút mánh khoé nghề nghiệp báo chí, tôi đã có mặt trong một tiệc nhậu phải nói là  khá lạ lùng. Trong một con hẻm sâu lầy lội của thị xã Vĩnh Long. Trong một căn nhà lá lụp xụp nhưng nền nhà lót gạch bông sáng loáng, chúng tôi ngồi quây quần bên nhau trên nền nhà. Chai rượu trở thành tâm điểm của vòng tròn ngừơi. Họ là những sĩ quan của chế độ cũ học cải tạo trở về. Người quê ở đây, người quê ngoài Bắc, người ngoài Trung. Họ tự nhận là dân Vĩnh Long hết thảy. Họ nói, họ yêu mảnh đất bên bờ sông Tiền này, và sẽ sống trọn đời, trọn kiếp với nó. Anh sĩ quan quê ở miền Trung, tên Trung, tôi chú ý tới anh vì khuôn mặt anh toát lên một cái gì đó hết sức u ẩn, như có một lớp khói mỏng phủ lên khuôn mặt . Anh là sĩ quan pháo binh của chế độ cũ, mới về đất Vĩnh Long này chưa được bao lâu. Anh sống không có hộ khẩu.

-    Quê tôi, mấy cha vi-xi làm ngặt quá, những thằng sĩ quan cải tạo về như tôi khó sống quá. Tôi trốn vô đây, tìm gặp bạn cũ nương nhờ mà tìm cách sống.

-    Anh trốn đi à?

-    Ừ. Chắc ở quê tôi người ta tưởng tôi vượt biên. Cũng được, thôi kệ.

Có thể ngày xưa chính anh đã bắn trái pháo vào Tuyến của tôi. Tôi nhìn anh với một cảm giác trống rỗng. Trung nói, anh muốn tìm nơi sinh sống mà ở đó người ta quên được quá khứ của anh. Tôi ủng hộ một cách chừng mực quan điểm ấy của anh. Đôi khi cách nghĩ cố chấp cũng làm hỏng nhiều việc lớn.

 

Rượu say, Trung chợt bày ra trò chơi hết sức ngớ ngẩn và nguy hiểm cho chính họ. Trung lấy tấm bìa khổ lớn vẽ lên đó nghệch ngoạc hình dáng một dòng sông. Anh ghi lên đó hai chữ Bến Hải to tướng. Rồi anh đặt nó lên cao, đặt trước nó một lon sữa bò sét rỉ có ít đất và cát. Trung cắm vô lon sữa bò mấy nén nhang. Trung đã đầu têu chơi trò cúng một dòng sông đã chết.

-   Mình làm đám giỗ cho dòng sông Bến Hải.

Cả đám ai cũng đốt một nén nhang cúi đầu khấn vái dòng sông đã chết mong nó sống lại, dù chỉ giây lát. Tôi giả bộ say để khỏi tham gia vào cái trò chơi ngớ ngẩn và nguy hiểm ấy, nhất là vào thời điểm những năm đó. Và thầm nghĩ. Nếu bất ngờ công an tới thế nào tôi cũng bị liên quan. May mà mọi chuyện không đến nỗi tồi tệ như tôi nghĩ. Con hẻm này quá sâu, quá lầy lội, ít được chú ý. Nhìn cả đám sĩ quan chế độ cũ khấn vái dòng sông đã chết, tự nhiên dòng sông của Tuyến lại hiện về trong tôi. Tôi như được nếm cả mùi vị nước con sông ấy, dòng sông của Tuyến như đang thở hào hển quanh tôi. Tôi lặng người vì xúc động. Thương Tuyến quá. Nó hy sinh mà chưa biết hôn con gái như thế nào.

 

Tôi đang đi qua sông…

Dòng sông sau mười năm hình như không có gì thay đổi. Vẫn cái ầm ào dữ dằn, vẫn những lượn sóng đập mạnh vào bờ, vật vã như có điều chi muốn giãi bày. Tôi không ngờ gặp lại Trung khi một mình lang thang theo các con đường của thị xã Vĩnh Long. Những con sóng ban nãy vẫn dội mạnh trong tôi, những con đường của thị xã Vĩnh Long như có một chút gì đó chao nghiêng.

 

Trung vẫn ở Vĩnh Long. Mừơi năm, anh già đi nhiều. Tóc bạc trắng. Tuy có đôi mắt là vẫn giữ được nét linh lợi. Chúng tôi vào một quán cà phê ven đường. Trung cho biết anh có đủ điều kiện đi Mỹ diện H.O (diện được chính phủ Mỹ bảo trợ). Anh đã không đi. Vì sao ư? Thật khó nói. Trung tâm sự: “Chỉ biết sau cùng tôi đã quyết định ở lại. Quá khứ của tôi đang được quên đi. Và chính tôi cũng đang quên dần cái quá khứ ấy. Thằng bạn tôi, cũng là sĩ quan như tôi, nó cũng không đi, nhưng lại vì một lý do khác. Một sự hoang tưởng”. Trung cười. “Tôi  tin là rồi nó cũng nhận ra sự hoang tưởng của mình”. “Sự hoang tưởng ấy là gì?” Trung  ngần ngại một chút mới nói: “Nó muốn quá khứ trở lại. Làm sao có thể như vậy được? Nó sẽ phải trả giá cho sự hoang tưởng ấy. Nhưng biết làm sao. Trời đã định sẵn cho mỗi người một số phận”.

 

Tôi trầm ngâm. Trước mặt chúng tôi, những tấm bảng quảng cáo xanh đỏ, một đặc trưng của kinh tế thị trường, rực rỡ trên những nóc nhà cao tầng. Và dòng sông Tiền từ phía nào đó đang thở hổn hển, phả đầy hơi gió trong không gian. Tôi chợt bàng hoàng. Dòng sông của Tuyến lại hiện về đâu đó quanh tôi.

           

Tháng 7 năm 1994

Hào Vũ
Số lần đọc: 2758
Ngày đăng: 26.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tam Đảo sương mù - Nguyễn Thanh Mừng
Nơi ấy bây giờ-phần 1 - Võ Ðắc Danh
Nới ấy bây giờ-phần 2 - Võ Ðắc Danh
Nới ấy bây giờ-phần 3 hết - Võ Ðắc Danh
Đời cố nông - Võ Ðắc Danh
Nỗi niềm U Minh Hạ - Võ Ðắc Danh
Thới Sơn - Một nông trại - Nguyễn Văn Hầu
Đoàn nhà văn miền núi phía bắc đi thực tế ở nam bộ - Văn Dương
Không thể rời xa - Nguyễn Thành Nhân
Rượu Điện Biên - Nguyễn Thanh Mừng