Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.230.441
 
Dưới chân đài tưởng niệm
Võ Ðắc Danh

           Đoàn phim chúng tôi thuê nhà trọ ngay cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, một trong những cửa biển giàu có nhất của tỉnh Cà Mau. Ngồi trước nhà nhìn ra chỉ thấy biển mù khơi, tàu cá vào ra tấp nập. Phía sau nhà là Đài Tưởng niệm đồng bào bị tử nạn trong cơn bão Linda. Hơn ba năm trước, tôi đến đây vào những ngày sau bão, cửa biển này đã trùm lên một màu tang tóc. Toàn bộ phố xá hai bên bờ sông sập thành bình địa. Ngoài cửa biển, hàng ngàn người chen nhau đứng ngóng trông, tìm kiếm người thân trong niềm tuyệt vọng. Những ngày ấy, tiếng sóng biển được thay bằng tiếng khóc than, gào thét, rên rỉ đến mỏi mòn của những người vợ mất chồng, của những người mẹ mất con…

 

            Bây giờ, tất cả đã đổi thay, sự giàu có của Khánh Hội tưởng như đã xóa đi dấu vết tàn khốc của Linda nếu không có những con số thiệt hại về của, về người được khắc ghi trên Đài Tưởng niệm.

 

            Nhưng không...

 

            Đoàn làm phim chúng tôi về đây cũng vì cái lẽ nhưng không ấy.

 

            Công việc đầu tiên của chúng tôi là nhờ chính quyền địa phương mời khoảng vài chục bà góa phụ của cơn bão Linda đến thắp nhang dưới chân Đài Tưởng niệm để chúng tôi thực hiện những cảnh quay. Nhưng sáng hôm sau, vào giờ hẹn đã có hàng trăm bà kéo đến. Tôi chưa kịp làm công tác đạo diễn thì tiếng khóc gọi chồng, gọi con đã dậy lên thê lương cả một vùng cửa biển và khói hương bay lên nghi  ngút cả vùng trời. Đoàn phim của chúng tôi cũng không ai cầm được nước mắt.

 

            Tôi đứng lặng người bên hàng rào chờ cho dịu đi cơn sốc, và chợt nhận ra, trong số họ có những người mà tôi đã gặp cách đây hơn ba năm, cũng tại cửa biển này vào những ngày tang tóc ấy, trong sổ tay của tôi vẫn còn nguyên vẹn những trang tốc ký về sự mất mát của mỗi người: Bà Trương Thị Lài, mất bốn người con ruột, một đứa cháu nội cùng với ba chiếc ghe; bà Quách Thị Huê, mất ba người con ruột, hai người con rể, hai đứa cháu ngoại và sáu chiếc ghe; bà Huỳnh Thị Kiểm, mất một ghe, ba người con ruột, hai người con rể và hai mươi ngư phủ;... và, trong hàng ngàn ánh mắt tuyệt vọng ngoài bãi biển hôm ấy, tôi gặp một gương mặt thiếu phụ còn rất trẻ - cô Trần Thị Thu Vân, 21 tuổi - bụng đang mang thai, tay bồng đứa bé mới lên hai tuổi, cô lê từng bước trên bãi bùn với tiếng khóc nghêu ngao. Giờ đây, cô đang đứng dưới chân Đài Tưởng niệm, một tay dắt đứa bé gái năm tuổi, tay bồng đứa bé trai ba tuổi, trông cô già đi gấp mấy lần so với ba năm trước.

 

            Tác giả kịch bản của đoàn phim chúng tôi - nhà báo Đỗ Văn Nghiệp - cho biết, cô Vân đặt tên cho đứa con trai của cô là Dương Hận Bão. Chồng chết, nhà sập, con nhỏ, bụng mang thai. Trong cảnh lá rách ít đùm lá rách nhiều của một vùng tâm bão, bà con lối xóm dựng lại cho mẹ con cô căn chòi  không quá mười mét vuông trong khóm bạch đàn. Căn chòi như cái tổ chim vì cây đòn dông cột dính vào hai cây bạch đàn đang sống, ngọn cao ngút trời xanh. Cho nên mỗi lần gió thổi thì căn chòi cứ sàng qua lắc lại theo cây bạch đàn. Vậy mà ba mẹ con cô đã sống ở đó đến ba năm! Căn chòi chỉ đủ lót mấy tấm ván và để một cái lò nấu cơm, còn bàn thờ chồng cô phải gởi nhà người khác.

 

            Sau khi chồng chết hai tháng, cháu Bão chào đời trong một trường hợp rất thảm thương: Nửa đêm, khi biết mình trở dạ, cô ôm manh chiếu lết ra sân và thảng thốt gọi người hàng xóm, khi người đàn bà hàng xóm nghe được thì trên manh chiếu rách ấy, cô đã tự sinh con.

 

            Sau khi thực hiện xong những cảnh quay tại nhà cô, chúng tôi gởi lại cho cô một trăm ngàn đồng và năm mươi ký gạo. Mấy người hàng xóm nói thay cô lời cảm ơn, còn cô thì ngồi lặng im với hai dòng nước mắt. Bà con cho biết: Mấy ngày nay cô đi hốt cỏ mướn, mỗi công cỏ được trả 23.000 đồng, nhưng phải mất bốn ngày lao động. Trong khi đó cô phải thuê giữ con hết 4.000 đồng, như vậy bốn ngày lao động dầm mưa dãi nắng của cô chỉ còn 19.000 đồng mà phải tự lo cơm! Song, mỗi ngày kiếm được 4.750 đồng vẫn hơn những ngày không có ai mướn gì để làm, cô phải đi mượn gạo để nấu cháo mà ăn!

            Chị Lê Hồng Việt, chồng chết để lại chín đứa con. Hai đứa con trai lớn chưa đến tuổi lao động nhưng phải theo ghe biển làm thuê rồi ở luôn ngoài đảo không về. Cũng như cô Vân, chị Việt phải làm mướn bất cứ việc gì để nuôi bảy đứa con nhỏ. Nhưng đâu phải ngày nào cũng có việc làm, thế là tám mẹ con chị thường xuyên ăn cháo.

 

            Chị Đào Kim Ngân, chồng mất tích, mất luôn cả chiếc ghe biển, chị phải bươn chải nuôi hai đứa con với nghề chèo đò ngang bằng chiếc xuồng ba lá. Nhưng chiếc xuồng cứ mục, cứ bể dần, cứ đe dọa nguồn thu nhập hiếm hoi của chị. Khi tâm sự trước ống kính của chúng tôi, chị nói: Tôi chỉ hy vọng vay được quỹ xóa đói giảm nghèo chừng hai triệu đồng đủ đóng lại chiếc xuồng mới để chèo đò nuôi con!

 

            Song, được vay hai triệu đồng lại là ước mơ xa vời với các chị, như chị Trần Thị Bạch cho biết, để có vốn mua cá làm chả đi bán, các chị phải vay bạc ngày, bạc góp, tính ra lãi suất từ 50% đến 60%/ tháng. Ở đây có hai phương thức cho vay: Nếu vay bạc ngày thì cứ 100.000 đồng mỗi ngày trả lãi 2.000 đồng, còn vay bạc góp thì cứ 100.000 đồng mỗi ngày góp 10.000 đồng trong thời hạn 12 ngày.

 

            Các chị đùm bọc nhau bằng cách đi học nghề vá lưới rồi truyền lại cho nhau để kéo nhau đi làm mướn cho các tàu đánh cá. Nhưng số lượng ghe lưới ở đây cũng không đủ công việc cho cả một tập thể góa chồng. Nhiều chị còn trẻ, có chút ít nhan sắc đành phải bán mình để nuôi con.

 

            Phía sau chợ Khánh Hội có một xóm nhà lá liền vách nhau tạo thành hình vuông bao quanh dưới chân Đài Tưởng niệm là khu vực hoạt động mại dâm một cách bán công khai. Trong đó có nhiều địa chỉ có tên gọi là Linda hoặc Bão số 5 là nơi tập trung những chị em có chồng chết trong cơn bão. Số chị em ấy tuy không nhiều nhưng nó làm nhức nhối tâm can những ai đã từng chứng kiến cơn bão Linda trên mảnh đất này.

 

            Trước cơn bão Linda, cửa biển Khánh Hội đang vào thời kỳ hưng thịnh của nghề câu mực, mà đặc điểm của nghề câu mực là lao động càng đông thì năng suất càng cao. Thế là lực lượng lao động nhàn rỗi khắp nơi trong tỉnh Cà Mau và các tỉnh miền Tây kéo về Khánh Hội để theo ghe biển. Bất ngờ bão đến. Tất cả đã không về. Không thể thống kê được số liệu thiệt mạng của những người tứ xứ bởi khi ra đi họ trốn tránh sự kiểm soát của Bộ đội Biên phòng. Chỉ biết rằng bằng phương pháp điều tra hộ khẩu, riêng huyện U Minh đã chết 700 người.

Song, chưa có phương pháp điều tra nào để xác định rằng từ đó cuộc mưu sinh đã trút lên đôi vai của bao nhiêu trẻ con và phụ nữ?

 

            Thật đáng tiếc, Nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho những dự án khắc phục hậu quả cơn bão Linda, nhưng vì lý do gì nguồn vốn ấy không đến được với những người vợ mất chồng trong cơn bão?

 

            Một trong những người được thừa hưởng nguồn vốn ấy, anh Bùi Minh Trí đã nói trước ống kính của chúng tôi:

- Trong cơn bão số 5, tôi bị mất một chiếc tàu trị giá 100 triệu đồng cùng với tám ngư phủ. Nay tôi được Nhà nước đầu tư 570 triệu đồng  để đóng lại tàu mới. Tôi vô cùng mang ơn Nhà nước nhưng tôi cũng luôn luôn xót xa và ray rứt vì mình mất của mà được đền bù còn những người mất mạng, để lại cho vợ con họ những hậu quả nặng nề mà Nhà nước không quan tâm giúp họ khắc phục. Tôi luôn tâm nguyện rằng, mai mốt tôi làm ăn khá giả, tôi sẽ giúp đỡ gia đình họ.

 

            Lạy trời cho anh Trí làm được điều  ấy và nhiều chủ tàu có cùng tâm nguyện như anh.

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3644
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)