1. Vài nét về địa lý hành chính của Vĩnh Long xưa:
Cũng như bao tỉnh miền Tây khác, Vĩnh Long vốn do đất phù sa cấu tạo, phì nhiêu thích hợp để trồng lúa các loại cây ăn trái và cây kỹ nghệ như: bố, bông vải. Đa số người dân sống bằng nghề nông. Vĩnh Long nằm ở vị trí trung tâm của Nam phần Việt Nam, giáp ranh với các tỉnh: Kiến Tường, Định Tường, Phong Dinh, Vĩnh Bình, Kiến Hoà và An Giang.
Khảo sát về lịch sử tỉnh Vĩnh Long qua nhiều giai đoạn, chúng tôi nhận thấy: từ 1658 trở về trước, Vĩnh Long thuộc địa phận nước Chân Lạp; từ 1658 -1730 Vĩnh Long được đặt dưới sự bảo trợ của chúa Nguyễn; từ 1730 -1759 là thuộc địa của chúa Nguyễn; từ 1760 trở về sau, vua Chân Lạp nhượng đứt cho Việt Nam; từ 1867 bị đặt dưới chế độ thuộc địa của Pháp. Năm 1867, quân Pháp từ Định Tường (Mỹ Tho) kéo đến chiếm thành Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, dân tình sống trong cảnh lầm than, Vĩnh Long đầy tang tóc. Cụ Phan Thanh Giản tử tiết trên mảnh đất này, làm cho mọi người xúc động, cảm phục sự hy sinh cao quý của cụ, thà chết chứ không bao giờ khuất phục trước vũ lực bạo tàn của kẻ xâm lăng.
2. Những di tích lịch sử - văn hoá:
2.1. Đình:
Khi nói đến một làng xưa Việt Nam thì tâm điểm trọng yếu đầu tiên mà ai cũng nghĩ đến là đình làng. Ngôi đình là nét đặc trưng hay có thể gọi là bản sắc của làng xã truyền thống Việt Nam. Đình là nơi tôn thờThành hoàng, vị thần bảo hộ cho làng, là trái tim điều khiển chi phối những hoạt động đời sống cộng đồng của đơn vị hành chính cơ sở tạo nên đất nước. Ngôi đình không chỉ là cơ sở tín ngưỡng quyền lực siêu nhiên mà còn là nơi hội họp bàn bạc tất cả những vấn đề to nhỏ liên quan đến làng. Đời sống cộng đồng hưng thịnh hay suy bại, cư dân có an khang phú quý hay không, phong tục thuần hậu tốt đẹp hay không, tất cả đều liên quan đến tâm điểm thiêng liêng – ngôi đình. Đó là nơi biểu hiện chỉnh thể kinh tế, văn hoá, xã hội của một địa phương.
Các triều đại hưng rồi vong, đất nước có thể thăng trầm nhưng đình vẫn sừng sững đứng đó và làng không thể mất đi, làng lại kết tụ thành đất nước. Qua hai cuộc chiến tranh kháng Pháp và chống Mỹ, có biết bao đình, chùa của làng quê Việt Nam đã bị huỷ hoại. Sau 1975, do thiếu ý thức bảo vệ, chúng ta đã tự làm mất đi không ít ngôi đình. Ngoài ra, sự tác động hàng trăm năm của văn hoá phương Tây, tinh thần thiêng liêng của ngôi đình cũng không tránh khỏi mờ khuất, dần dần bị mai một và biến dạng. May thay, có một ngôi đình cổ ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn giữ được khá toàn vẹn diện mạo ban sơ – đình Tân Giai (một ngôi đình cổ kính từ thời Gia Long). Bên cạnh đình Khao cổ kính, Vĩnh Long còn có nhiều ngôi đình mang nhiều sắc thái độc đáo và lạ kỳ. Đình Tân Giai là ngôi đình lớn nhất trong tỉnh Vĩnh Long.
Được biết, vào đời Gia Long, nhận thấy dân chúng địa phương rất nặng lòng tín ngưỡng, chính quyền tán thành công cuộc xây dựng một ngôi đình thần. Đình toạ lạc trên vuông đất công điền, nằm sát mé sông Cổ Chiên, tại Vàm Cái Cá, mặt tiền hướng về phía bờ sông. Dân chúng đều hoan hỉ, tới nơi sùng phụng, tưởng niệm đất nước, tiền nhân, khói hương chiêm bái không ngớt. Đặc biệt nhất là vào những ngày đáo lệ Kỳ Yên, đủ mọi tầng lớp nhân dân hội họp cung thỉnh sắc thần, cực kỳ long trọng và tôn nghiêm.
Trải qua cuộc binh biến, ngôi đình vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, biểu dương tinh thần dân tộc. Chạnh lòng hoài cổ, các ông Phó tổng Ngô Văn Lân, hương cả Tống Hữu Viên là thân phụ ông Tống Hữu Trung có công lập làng Tân Giai, các vị kỳ lão trong làng cùng nhau đứng ra lo việc tu bổ ngôi đình, nối tiếp phụng thờ.
Năm 1924, vì bị dòng nước sông Cửu Long đổ xuống sông Cổ Chiên, làm lở mé hữu ngạn sông này, từ trên Vàm Tuần Bắc Mỹ Thuận chạy xuống Vàm Cái Cá và sông Long Hồ, làm ảnh hưởng đến ngôi đình. Quý vị hương chức hội tề bèn lo việc dời ngôi đình vào trong giữa đất liền của làng Tân Giai, gần mé rạch Cái Cá, cầu Kinh Cụt.
Hiện nay, nhằm đáp ứng niềm sùng kính của nhân dân địa phương, các vị trong ban hội hương đã đứng ra trông nom và tái thiết lại ngôi đình. Trước hết là để bảo tồn cổ tích, sau nữa là nơi tôn nghiêm thờ phụng trong làng, gợi tinh thần yêu nước thương nòi, nhen nhúm lửa thiêng nơi lòng đồng bào không quên đất nước, tiền nhân.
2.2. Miếu:
Miếu Văn Thánh là dấu tích cổ xưa nhất ở Vĩnh Long (theo Địa phương chí tỉnh Vĩnh Long). Với lòng nhiệt thành của mình, Đề học Nguyễn Thông đã đứng ra vận động và xây cất Văn Thánh Miếu để thờ Đức Khổng Tử và các bậc hiền triết là môn đệ của đức Khổng. Công trình được khởi công năm Giáp Tý 1864 và hoàn thành vào cuối năm Bính Dần 1866 với kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam:
1) Chánh điện: Thờ Đức Khổng Tử. Hai bên Tả ban, Hữu ban thờ Tứ phối, Thập triết.
2) Hai miếu nhỏ hai bên: Tả vu, Hữu vu thờ Thất thập nhị hiền.
3) Văn Xương Các: Phía trước và bên tả Văn Thánh Miếu có xây dựng toà Văn Xương Các. Tầng trên lầu thờ 3 vị Văn Xương Đế Quân. Tầng dưới lầu, căn giữa để một cái khánh sơn son thiếp vàng, để bài vị thờ cụ Võ Trường Toản và hình cụ Phan Thanh Giản, phía ngoài cái khánh có khắc một đôi liễn với nội dung: "Hoàng phong xử sĩ thanh cao lão. Tự hiệu thư sinh tiết liệt thần" (Câu trên nói về cụ Võ Trường Toản, là một ông già thanh cao, ở ẩn dạy học, không chịu ra làm quan, được vua Gia Long cho là "Sùng đức xử sĩ". Câu dưới nói về cụ Phan Thanh Giản, vốn là bề tôi tiết liệt, khi sắp chết, dặn ghi trong tấm triện là "lão thư sinh" mà thôi)
2.3. Danh nhân:
Theo Địa phương chí tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Long xưa vốn là một dinh, một trấn lớn, bao trùm một góc miền Tây. Biết bao nhân vật ưu tú đã làm rạng danh đất Vĩnh. Ngày nay, nhiều di tích vẫn còn lưu lại trên đất Sa Đéc (Đồng Tháp), Bến Tre, là những vùng thuộc Long Hồ dinh ngày trước. Chẳng hạn như: Nguyễn Cư Trinh và Trương Phúc Du – hai nhân tài đã dày công khai phá Long Hồ dinh; quốc công Tống Phước Hiệp – quan lưu phủ Long Hồ dinh đầy đủ ân oai được dân chúng xưng phục; Lâm thao quận công Châu Văn Tiếp; Kinh môn quận công Nguyễn Văn Nhơn; Nguyễn Khoa Thuyên – cai bộ Long Hồ dinh, từng sát cánh với Tống Phước Hiệp xông pha chiến trận, Nam Kỳ kinh lược đại thần Phan Thanh Giản; Trương Vĩnh Ký – nhà bác học, nhân tài của nước Việt Nam; Đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao – hai vị hào kiệt chống thực dân Pháp; Lê Long An - vị tiền hiền có công khai mở ba thôn: Mỹ Thạnh, Mỹ Hưng và Mỹ Hội; Tri huyện Tống Hữu Trung - một viên quan gương mẫu được nhiều người cảm đức; Bà Trần Thị Thọ - nhà từ thiện nổi tiếng khắp ba kỳ, được vua Khải Định tặng Kim Bảng "Háo Nghĩa Khả Gia",.v.v…
2.4. Văn hoá - Nghệ thuật:
2.4.1. Văn học:
Nếu xưa kia Hà tiên từng nổi tiếng là nơi văn học do Mạc Thiên Tích chấn hưng nền văn hoá thì vĩnh Long cũng chẳng kém chi phong khí nho văn. Mặt khác, khi họ Mạc bị suy sụp, nhóm Chiêu Anh Các phân tán, nền văn học Hà Tiên cũng dần sút kém, trong khi đó ở Vĩnh Long lại rất hưng khởi dẫn đầu 3 tỉnh miền Tây lúc bấy giờ.
Từ lúc Vĩnh Long bắt đầu thiết lập "Nền văn" và miếu Văn Thánh, hằng năm sĩ phu miền Tây tề tựu về đây để nhóm họp đàm luận vă chương, giảng binh kinh sách tạo nên học phong sĩ khí đáng ca ngợi.
Trong lĩnh vực văn học không ai lại chẳng nghe tên, biết tiếng những tao nhân mặc khách đất Vĩnh như: Đỗ Minh Giám (Nhiêu Tâm), Đỗ Văn Sỏi (Bồng Dinh), Nguyễn Hữu Đức, nữ sĩ Trần Ngọc Lầu, Tống Hữu Định… Ông Phan Quốc Sang – tác giả 10 bài "Khuê phụ thán" nổi tiếng, ông Nguyễn Văn Dần – tác giả hai quyển sưu khảo "Vĩnh Long nhân vật chí" và "Sa Đéc nhân vật chí" . Ngoài ra, còn có các ông Nguyễn Phú Toàn (Nhập Vương Thị), Lê Ngũ Bá, Bùi Văn Khánh, Bùi Văn Triều, Lương Tử Mạnh, Nguyễn Phan Tần đều là những trang văn học tiếng tăm.
2.4.2. Sân khấu cải lương:
Ở bộ môn sân khấu, Vĩnh Long cũng có nhhiều nhân tài đặc sắc. Trong đó, ông Tống Hữu Định được biết đến như người có công đầu trong việc sáng tác tuồng và cũng là ngưồi đầu tiên đưa vở tuồng cải lương lên sân khấu trình diễn. Ông Tống Hữu Định xuất thân là một Phó tổng, tổng Bình Long, thường gọi là ông Phó Mười Hai, đặc biệt có năng khiếu văn chương, luôn yêu mến và quý trọng nghệ thuật. Ông họp bạn đồng điệu lại để cùng trao đổi ý kiến rồi sáng chế ra điệu ca ra bộ, đặt để bài ca cho hoà rập với dàn đờn thêm vui tai, làm thích ý những người mộ điệu ca cầm.
Bên cạnh đó, còn có ông Trần Quan Quờn, thường gọi là ông Kinh Lịch Quờn, nổi tiếng là bậc ưu tú về cổ nhạc, sáng tác rất nhiều bài vọng cổ nổi tiếng. Có thể nói, Vĩnh Long là "cái nôi" của nhệ thuật ca kịch, cùng với các nghệ sĩ ở Sa Đéc, Mỹ Tho đã đẩy mạnh sân khấu cải lương phát triển.
Ngoài ra, có thể kể đến nữ sĩ Bảy Ngọc – ca sĩ hữu danh nổi tiếng nhất ở Vĩnh Long xưa nay. Soạn giả nổi tiếng có ông Năm Mãn với vở "Phật Tổ Thích Ca đắc đạo". Lớp hậu bối có kịch sĩ Duy Lân, nhạc sĩ Bửu, danh ca Út Trà Ôn lừng danh với bài vọng cổ "Tình anh bán chiếu" của soạn giả Viễn Châu. Nữ ca sĩ Thanh Tùng với làn hơi thiên phú và độc đáo làm say lòng khách mộ điệu cầm ca. Cô đã từng vô dĩa phô trương tài nghệ góp công tô điểm nền ca kịch nước nhà nói chung, Vĩnh Long nói riêng.
Nhắc đến Vĩnh Long, chúng ta không thể không hoài niệm về các nhân vật: Nguyễn Văn Nhơn, Tống Phước Hiệp, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông,v,v… lại thêm đình Khao, Nền Văn, Văn Thánh Miếu… Tất cả những nét cổ kính và khả ái ấy ngày nay hãy còn di tích. Điều đó đã chứng tỏ đất Long Hồ là nơi văn hiến, đầy vượng khí. Có thể nói, nhân dân Vĩnh Long nói riêng, người Nam bộ nói chung đã trải qua mấy trăm năm văn hiến rạng rỡ và xứng đáng để thế hệ sau tưởng niệm với tấc lòng cảm khái, miên man niềm hoài cổ, xứng đáng là địa chí văn hoá của vùng đất phương Nam.
NGUYỄN BÌNH ĐÔNG
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Vĩnh Long xưa, Huỳnh Minh, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2002.
- Địa phương chí tỉnh Vĩnh Long.
- Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long, Khoa Ngữ Văn Đại học Cần Thơ, Nhà xuất bản Giáo dục, 1997.
Chú thích ảnh:
- Ảnh 1: Ca ra bộ - Loại hình sân khấu được yêu thích ở Vĩnh Long
- Ảnh 2: Đình Long Thanh ở Vĩnh Long.
- Ảnh 3: Văn Thánh Miếu ở Vĩnh Long.