Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.074
123.202.029
 
Thơ Trịnh Công Sơn
Thai Sắc

 

Ca khúc của Trịnh Công Sơn là một trong những hiện tượng đặc biệt của nền âm nhạc Việt Nam. Từ ca khúc đầu tay có tên Ướt mi xuất hiện đến nay, hàng trăm tác phẩm của Trịnh Công Sơn đã như một miền gió hiền làm mát lành khí quyển âm nhạc của nước nhà suốt mấy chục năm qua. Những ca khúc ấy đã có sức mê hoặc lòng người đến kì lạ ! Nó không chỉ hấp dẫn người ta khi thưởng thức, chiêm ngưỡng mà còn cuốn hút người ta tìm hiểu, khám phá. Nhiều người đã đến với ca khúc của Trịnh Công Sơn ở lĩnh vực thứ hai, trong đó có cả người nước ngoài và đã gặt hái những kết quả đáng ghi nhận.

 

Khi nghiên cứu ca khúc Trịnh Công Sơn, thường người ta nặng về phân tích các yếu tố âm nhạc như giai điệu, tiết tấu, phong cách…cũng như sức phổ biến rộng lớn của nó trong khán thính giả mà chưa quan tâm đúng mức đến một lĩnh vực không kém phần nổi trội đó là ca từ. Ca từ, nói một cách dễ hiểu là phần lời trong ca khúc của Trịnh Công Sơn, nếu được bóc tách khỏi phần nhạc và được xem xét với tư cách là ngôn từ của văn chương, không hoặc ít bị tác động, câu thúc bởi giai điệu, tiết tấu…sẽ đem đến cho người đọc những khám phá bất ngờ, thú vị.

 

Tôi gọi phần ca từ ấy là những thi phẩm và Trịnh Công Sơn là người phổ nhạc chính những bài thơ của mình. Hơn thế, đó là những bài thơ hay, có thể tuyển in thành một (nhiều) tập thơ độc đáo, có giá trị nghệ thuật không kém bất cứ một tập danh thi nào trong nền thơ hiện đại Việt Nam !

Trước hết, xét về mặt  bố cục, hầu hết phần ca từ trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn đều là những bài thơ chặt chẽ, súc tích; thường được chia thành từng khổ gồm 3; 4 hoặc 5 dòng thơ, có bài dài trên 10 khổ nhưng cũng có bài gọn ghẽ chỉ 4 khổ; mỗi khổ thơ nhằm diễn đạt trọn vẹn một ý tưởng nào đó dệt thành qũi đạo bay quanh tứ thơ được tác giả nêu lên như một biểu tượng (ấn tượng) trong từng bài.

 

Để thể hiện thật rõ cái tứ : tình yêu - lời ru, Trịnh Công Sơn đã viết đến 10 khổ thơ đầy ắp hình ảnh đẹp, sống động như :

 

“Ru em đầu con gió

Em hong tóc bên hồ

Khi sen hồng mới nở

Nụ đời ôi thơm quá !

 

Ru em tình khi nhớ

Ru em tình lúc xa

Ru cho bầy lá nhỏ

Rụng đầy một mùa thu”

                     (Ru tình)

 

Hoặc để diễn đạt tứ thơ : sự lãng quên đồng nghĩa với sự lụi tàn, sự kết thúc, tác giả viết :

 

“Mười năm chân bước trên đường dài

Gặp nhau không nói, không nụ cười

Chút tình dường như hiu hắt bay.

 

Mười năm khi phố, khi vùng đồi

Nhìn nhau ôi cũng như mọi người

Có một dòng sông đã qua đời”

            (Có một dòng sông đã qua đời)

 

Bố cục chỉ là một trong những ưu điểm của thơ Trịnh Công Sơn, bởi nói đến thi phẩm của ông, có lẽ điều cần quan tâm nhất phải là các yếu tố vần điệu, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ…mới mẻ, độc đáo. Sở dĩ ca khúc của Trịnh Công Sơn được yêu thích đặc biệt, một phần không nhỏ là nhờ sự tác động trực tiếp của các yếu tố trên.

 

Trước hết, thử tìm hiểu vài nét về cách gieo vần trong thi phẩm của Trịnh Công Sơn. Nói đến thơ, dù cách tân táo bạo đến đâu, người ta cũng không bao giờ dám phủ nhận sạch trơn yếu tố vần điệu. Vần như là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của thơ; bởi chỉ trừ thơ tự do (với nghĩa rộng nhất), còn lại, bất cứ thể thơ nào trong thi ca tiếng Việt cũng có vần và tồn tại nhờ vần. Vần là cứu cánh của lục bát, của song thất lục bát… Vần là một trong những nguyên tắc thi pháp cơ bản của Đường thi…Nhưng đó là thơ, còn với ca từ trong ca khúc, người ta có thể khước từ vần nhờ sự che chở và chắp cánh của các yếu tố khác thuộc lĩnh vực âm nhạc. Nhiều nhạc sĩ đã không mấy chú ý đến thao tác gieo vần trong ca từ mà ca khúc của họ vẫn đứng vững đấy thôi !

 

Vậy mà Trịnh Công Sơn thì khác : vần là một đặc điểm nổi trội trong ca từ của ông, bởi theo tôi, tất cả đều được viết ra trước hết với tư cách là những bài thơ. Cách gieo vần của Trịnh Công Sơn không những phong phú mà còn sáng tạo. Nhìn chung, trong những thi phẩm của ông, vần chân là chủ đạo. Tuy nhiên, trên cơ sở cách gieo vần ấy, tác giả đã đưa ra những biến thể kiểu vần chân - vần lưng – vần chân khá thuần thục, mang tính nhạc cao (đương nhiên !) :

 

“Em đi qua chốn này ôi a vui như ngày hội

Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi

Em đi qua chốn này ôi a sao em đành vội

Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài”

                         (Biết đâu nguồn cội)

Hoặc :     “Hai mươi năm em trả lại rồi

Trả nợ một đời tay vắng vòng tay

Hai mươi năm vơi cạn lại đầy

Trả nợ một thời môi vắng vần môi

                        (Xin trả nợ người)

 

Cách sử dụng từ ngữ trong thơ của Trịnh Công Sơn cũng là một miền nghệ thuật cần khám phá. Đó là một hệ thống từ ngữ có chọn lọc, gợi tả, gợi cảm nhưng rất dung dị và đầy mới lạ. Có những từ ngữ ngỡ như Trịnh Công Sơn là người đầu tiên nói ra : con trăng (em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ); nắng khuya (có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím); giọt chiều (giọt chiều trên lá như mắt người cười giữa chiều phai); đá lên (người lặng nghe đá lên trong mình); tôi xin làm đá cuội (tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài); áo xưa dù nhàu (áo xưa dù nhàu; cũng xin bạc đầu; gọi mãi tên nhau); từng ngón xuân nồng (ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng)… Có những từ ngữ được Trịnh Công Sơn sáng tạo để đặt tên cho tác phẩm của mình và dường như đã trở thành những cụm từ cố định trong giao tiếp của không ít người như : Diễm xưa; cát bụi; hạ trắng; mưa hồng; biển nhớ; phôi pha; ở trọ

 

Thơ Trịnh Công Sơn bao giờ cũng đầy ắp những hình ảnh đẹp và thật sự mới mẻ, tạo nên nét mĩ cảm độc đáo cho người thưởng thức, tìm hiểu. Tính hình tượng là một trong những đặc điểm quan trọng của thơ. Tính hình tượng của thơ chủ yếu thể hiện bởi các hình ảnh thơ. Nhưng không phải bài thơ nào, không phải thơ của ai cũng giàu có hình ảnh. Ca từ trong ca khúc lại không yêu cầu cao về điều này. Có không ít ca khúc mà phần lời chỉ là những lời tường thuật khô, mộc, nếu tách khỏi nhạc thì không thể nào coi đó là một sản phẩm văn học nghệ thuật.

 

Trịnh Công Sơn, như đã nói, với tư cách một thi sĩ chân chính đã không như thế. Ông đã làm thơ trước làm nhạc, hay nói đúng hơn ông đã phổ nhạc cho thơ mình nên ngôn ngữ của ông có khả năng công phá mãnh liệt bởi hệ thống hình ảnh phong phú, sáng tạo. Đó là hình ảnh nhỏ bé của những hạt mưa – phận người (tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời) hay hình ảnh của mặt trời – biểu tượng tuần hoàn của thời gian (mặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần). Đó là hình ảnh con sông quê và mảnh vườn xưa nhân hậu (có con sông vạm vỡ, có bóng cây vườn cũ) hay hình ảnh ngọn núi lặng gió nên thơ (cuồng phong cánh mỏi về bên núi đợi)…Và đôi khi, đó là những hình ảnh lạ lẫm, bất ngờ, khiến người ta ngỡ ngàng thán phục vì không hiểu sao tác giả lại có đủ bản lĩnh để dựng nên một hình ảnh táo bạo đến thế :

 

“Đàn bò vào thành phố

Đêm buồn vắng buồn hơn

Đàn bò bỗng thấy buồn

Rồi một hôm đứng mơ mây ngàn”

                        (Du mục)

 

Chính nhờ ngôn ngữ Trịnh Công Sơn giàu có hình ảnh nên nhiều tác phẩm của ông có tính hình tượng cao, có tính biểu tượng rõ nét. Các tác phẩm : Cát bụi; Hạ trắng; Biển nhớ; Ở trọ; Bốn mùa thay lá; Hoa vàng mấy  độ; Một cõi đi về…là những ví dụ tiêu biểu.

 

Nổi bật nhất trong thơ Trịnh Công Sơn là tần số xuất hiện cao của hệ thống các biện pháp tu từ tiếng Việt và hiệu qủa đạt được khi sử dụng chúng. Ta bắt gặp thường xuyên trong thơ ông lối ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, cường điệu…được dùng một cách mới lạ, sáng tạo. Đây chính là một trong những nét khu biệt làm nên sự độc đáo của ca từ Trịnh Công Sơn. Ta nói ca từ của ông rất thơ cũng vì điều đó ! Dường như phẩm chất giao tiếp của Trịnh Công Sơn là luôn luôn làm lạ hóa ngôn ngữ, luôn luôn sáng tạo để làm giàu có thêm vốn tiếng mẹ đẻ vốn đã rất giàu có !

Không thế sao Trịnh Công Sơn có được những ẩn dụ sau :

Nụ mầm mớinụ cười là cái đẹp vĩnh hằng của tình yêu và sức sống bất diệt của cuộc đời trước thời gian vô tận :

 

“Bên trời xanh mãi những nụ mầm mới

Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười

                                  (Bốn mùa thay lá)

 

Nhưng thời gian vô tận trôi đi và lòng người cũng như chiếc lá thu phai thì lau trắng trong tay chính là dòng tóc dài của người quá vãng :

 

“Chiều hôm thức dậy ngồi ôm tóc dài

Chập chờn lau trắng trong tay”

                                 (Chiếc lá thu phai)

 

Không thế sao Trịnh Công Sơn có được hàng loạt những so sánh sau :

- Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du.

- Con sông là thuyền, mây xa là buồm.

- Chợt một chiều tóc trắng như vôi.

- Chiều đi như nắng vẫn cho đời lửa bếp hồng khơi.

- Có người lòng như khăn mới thêu.

- Có người lòng như nắng qua đèo.

- Thấy đời mình là những chuyến xe

                         (đám đông; quán không…)

- Mặt trời như trái cây tuyệt vọng.

- Môi em là đốm lửa

hoặc : Đôi  môi em là đốm lửa hồng.

- Bàn chân ai rất nhẹ

Tựa hồn những năm xưa.

- Vai em gầy guộc nhỏ

Như cánh vạc về chốn xa xôi.

- Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời

Như một lời chia tay.

Sau cùng, xin nói đôi điều về sự phong phú các thể thơ mà Trịnh Công Sơn đã chọn làm nên ca từ của mình. Như đã nói ở trên, Trịnh Công Sơn đã làm thơ trước khi phổ nhạc chính những bài thơ đó cho nên ông rất có ý thức lựa chọn thể thơ phù hợp với nội dung mình diễn đạt.

Có khi đó là những dòng lục bát  nhẹ nhàng, lãng đãng :

 

“Sương kia ở trọ miền xa

Cơn gió ở trọ bao la đất trời”

                             (Ở trọ)

Có khi là dòng thơ thuộc thể bốn chữ nhịp nhàng, thanh thoát :

“Tìm em tôi tìm

Mình hạc sương mai

Tìm trên non ngàn

Một cành hoa khôi”

        (Đóa hoa vô thường)

hay thể thất ngôn rõ ràng, nhấn nhá :

“Tôi vẫn nhìn thấy em

Giữa đám đông xa lạ

Vì em như hoa lá

Giữa thiên nhiên hiền hòa”

      (Em đến từ nghìn xưa)

hoặc sự kết hợp giữa bốn chữ và năm chữ :

“Tôi ru em ngủ

Một sớm mùa xuân

Em hôn một nụ hồng

Hỏi thăm về giọt nắng”

           (Tôi ru em ngủ)

Có khi dó là những dòng thơ lục ngôn, thất ngôn hoặc dài hơn và sự phối hợp giữa chúng nhằm diễn tả sự đan xen, thấm đẫm nhiều ý tưởng, nhiều cung bậc tình cảm :

“Trời ươm nắng cho mây hồng

Mây qua mau em nghiêng sầu”

                               (Mưa hồng)

“Ôi mênh mang những chiều gió lên

Tình như lá bỗng vàng bỗng xanh”

                               (Tạ ơn)

“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng

Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông”

                               (Tôi ơi, đừng tuyệt vọng)

“Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ

Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra”

                               (Biết đâu nguồn cội)

Trên đây là vài nét phác thảo về thơ Trịnh Công Sơn xét trên bình diện nghệ thuật. Những gì thuộc về bình diện nội dung như các vấn đề nhân sinh nói chung, về thân phận con người, về tình yêu lứa đôi, về chống chiến tranh phi nghĩa… người nghe ít nhiều cũng đã cảm nhận được qua việc thưởng thức tác phẩm của Trịnh Công Sơn với tư cách là những ca khúc phổ biến rộng rãi. Bài viết này không nhắm vào điều đó.

Để kết luận, rất chủ quan, tôi xin được gọi Trịnh Công Sơn là một nhà thơ tài hoa.

Thai Sắc
Số lần đọc: 3880
Ngày đăng: 01.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử khảo sát hai thái độ với truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu - Lê Anh Hoài
Mượn rìu để múa . . . - Dư Thị Hoàn
Cái cũ trong một truyện ngắn mới đoạt giải - Lê Anh Hoài
Khi những quả mìn ý tưởng phát nổ - Lê Anh Hoài
Rộn ràng ơi , những ý nghĩa rời : Đọc tập thơ “Vạn Xuân” của Trần Hữu Lục – NXB Trẻ 2006 - Lê Thiếu Nhơn
Nghe ấm một tình yêu : Đọc tập thơ Phía sau tôi của Nguyễn Đông Nhật - Huỳnh Minh Tâm
Nhà văn Đồng bằng sông Cửu Long đang cần liên kết lại - Tường Vi
Nỗi niềm tha hương, tha nhân trong thơ Đặng Ca Việt (*) - Thai Sắc
Hoa xuân Trong tĩnh lặng : Đọc tập thơ Trong tĩnh lặng của Trần Thị Huyền Trang . - Trương Tham
Dặm đường văn học: Nguyễn Lương Ngọc , sự sống hát lời lửa nước. - Nguyễn Thanh Mừng
Cùng một tác giả
Chim lá rụng (truyện ngắn)
Bà ngoại (truyện ngắn)
Xí bệt , xí xổm (truyện ngắn)
Em (thơ)