Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.211.239
 
Sân khấu ca nhạc : “Xem” hơn là “nghe”
Nguyên Quốc

Một nguyên nhân đưa đến tình trạng đa số ca sĩ trẻ và  các nhóm nhạc “triển vọng” hiện nay chưa tạo được đặc trưng riêng và không định hình được phong cách biểu diễn là việc hàng loạt nhóm nhạc và ca sĩ chia tay với ông bầu hay nhà quản lý.

 

Trang phục, vũ đạo át giọng ca

 

Điển hình là các trường hợp: Lưu Gia Bảo (với TT Đồng Giao), Quách Thành Danh (với ca sĩ Anh Khanh), Thiên Trường-Địa Hải (CTy Kha Khang Lê), Anh Kiệt (CTy Nhạc Xanh), Cao Thái Sơn (CTy H.T Production)… Nguyên nhân của việc chia tay này thì vô khối nhưng rõ ràng, không có người hướng dẫn, việc chọn lựa bài hát, dòng nhạc, đối tượng khán giả, các nhóm nhạc và ca sĩ trẻ rất mau chóng rơi vào tình trạng hụt hẫng, khủng hoảng trong việc định hướng biểu diễn.

Hệ quả là nhạc gì ca sĩ cũng “chơi”, lên sân khấu gào thét hoặc rên rỉ những bài hát “sớm nở tối tàn”, nhảy nhót tứ tung. Ông bầu hay nhà quản lý (nghiêm túc) luôn giữ một vị trí quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh ca sĩ hay nhóm nhạc.

 

Gần đây, phong trào nhạc hip-hop nở rộ tại các sân khấu ca nhạc bình dân như: Cầu Vồng, Trống Đồng, NVH Thanh Niên. Sự nở rộ đó đã trở thành dịp cho các ca sĩ hoặc nhóm nhạc trẻ muốn mau nổi tiếng. Kha khá thì đầu tư quần áo, đầu tóc, trang điểm cho vài nhóm múa minh họa sao cho cùng “tông” là được. Còn các ca sĩ trẻ thường nhanh chóng tự “bồi dưỡng” vài ba tuần học “vũ đạo”, rồi lên sân khấu nhảy nhót quay cuồng, đánh át giọng ca và giai điệu được xử lý không chuyên nghiệp. Như một hệ lụy, cả dàn nhạc sĩ trẻ lao vào vòng xoáy sáng tác ca khúc hip-hop để đáp ứng “thị hiếu người nghe” (và cũng để mau nổi tiếng).

 

Tuy TPHCM là nơi có nhiều tụ điểm và phòng trà ca nhạc nhiều nhất nước nhưng số lượng này vẫn không đủ thỏa mãn nhu cầu “xem” ca nhạc-giải trí của giới trẻ. Điều đó tác động rất mạnh đến mức như tạo một áp lực cho giới nhạc sĩ-ca sĩ trẻ, vốn thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ sáng tác và khả năng biểu diễn. Thậm chí có trường hợp ca sĩ trẻ lên sân khấu đã biểu diễn những ca khúc “tự chế, tự nhái”. “Tiền nào của nấy”, đó là lập luận của ông bầu ở các tụ điểm mà giá vé vào cửa hàng đêm chỉ vài ba chục ngàn như Trống Đồng (4.000 ghế) và Cầu Vồng (hơn 2.000 ghế). Cũng vì giá vé rẻ như vậy nên việc mời một vài “sao” cho chương trình hàng đêm, hàng tuần là việc phải cân nhắc.

 

Tác động không nhỏ tới sự lên ngôi của các ca sĩ trẻ với dòng nhạc break-dance và hip-hop hiện nay còn là sự thoái trào của các chương trình ca nhạc dàn dựng công phu với các ca khúc hay của các nhạc sĩ tên tuổi trong vài ba năm trở lại đây. Sự lặp đi, lặp lại các phong cách biểu diễn cũ và ca khúc không mới không đáp ứng được mong mỏi của công chúng cũng như người trong giới nên hầu hết các dự án biểu diễn lớn của các ca sĩ dạng top-ten lẫn nhiều đơn vị không thuyết phục được các nhà tài trợ tài chính. Điều này lý giải tại sao nhiều live show gần đây đã buộc phải hủy bỏ, trong khi đó các ca sĩ trẻ, nhóm nhạc trẻ với dòng nhạc hip-hop “mì ăn liền” lại lên ngôi.

 

Âm thầm xây dựng thương hiệu

 

Trong nỗ lực tạo dựng tên tuổi và làm mới mình, nhiều phòng trà ca nhạc và ngay cả bản thân các ca sĩ chuyên nghiệp đã thành danh của VN đã âm thầm đầu tư xây dựng các chương trình, kế hoạch cho tương lai. Các phòng trà như: MTV, M & Tôi, Không Tên, 32 Coffee, Sax n’Art Club, Yesterday Piano, 2B Lê Duẩn… đã cố gắng co kéo, cân đong để mỗi đêm thứ bảy, chủ nhật hàng tuần có thể có một chương trình có chủ đề, dàn dựng nghiêm túc, với sự góp mặt của các ngôi sao trong nước và cả ca sĩ Việt kiều.

Phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết nhờ sử dụng các bài hát của các nhạc sĩ đã đi vào lịch sử âm nhạc VN thế hệ những năm 30-60 của thế kỷ trước tuy luôn xử lý, phối khí mới, sáng tạo nhưng vẫn giữ nguyên cái hồn, vẻ đẹp của ca khúc nên vẫn thu hút lượng khán giả ổn định.

M & Tôi là điểm hẹn thường xuyên của công chúng lứa tuổi trung niên yêu thích các giọng ca Anh Bằng, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Hương Lan… với các ca khúc hoài niệm một thời say đắm lòng người. Với phòng trà Nghê Thường (của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9), khán giả có thể thưởng thức những ca khúc trẻ trung, mượt mà và bay bổng của tác giả qua giọng ca của ca sĩ Uyên Thanh trong những đêm cuối tuần.

 

Có “dòng” công chúng riêng của mình, các phòng trà-ca nhạc tại TPHCM hiện là chiếc cầu nối giữa các ca sĩ kinh viện đã và đang theo học thanh nhạc tại nhạc viện TP và công chúng. Về phía phòng trà, đây là nguồn ca sĩ trẻ, có đầy đủ kỹ thuật và chất giọng để chuyển tải các chương trình ca nhạc với những ca khúc đòi hỏi trình độ biểu diễn cao. Với công chúng, đây là dịp thưởng thức âm nhạc qua các gương mặt mới, hấp dẫn, có phong cách biểu diễn trẻ trung, sáng sàn diễn nhưng không kệch cỡm, quái dị. Có thể kể những tên tuổi ca sĩ đã được “thị trường” bắt đầu quen tên và mến mộ là: Đức Minh, Quỳnh Lan-Hoàng Minh, Hoàng Lê Vi, Nam Khánh, Trọng Tấn, Đăng Dương, Tấn Minh, Lan Anh…

 

Theo nhạc sĩ Thanh Tùng, chính những gương mặt và giọng ca này khi đã có công chúng sẽ làm thay đổi căn bản diện mạo sân khấu biểu diễn của VN trong tương lai, vấn đề còn lại là phải có ca khúc mới, hay và đa dạng để họ thả sức thể hiện.

 

Trong nỗ lực tự làm mới mình và muốn đi vào con đường biểu diễn chuyên nghiệp, bản thân nhạc sĩ và nhiều ca sĩ, dù đã được đào tạo bài bản trong nước cũng đầu tư đào tạo thêm ở nước ngoài, cả về phong cách biểu diễn lẫn giọng ca.

 

Như Lương Bích Hữu cho biết, sau live show cuối tháng này, cô sẽ qua Hồng Công tham gia khóa đào tạo thanh nhạc, biểu diễn của Đài truyền hình ATV. Ca sĩ Trí Hải cũng đã ghi tên theo học tại đây. Đức Tuấn thì đăng ký học tại trường nhạc Berklee (Boston, Mỹ). Riêng CTy Thế giới giải trí cũng lên kế hoạch đưa các ca sĩ độc quyền của mình tham gia các khóa đào tạo chuyên nghiệp tại Đài truyền hình TVB của Hồng Công.

 

Ca khúc mới, chuyện sống còn

 

Ca khúc mới không chỉ là băn khoăn mà đã trở thành nỗi lo đau đáu của không chỉ giới tổ chức biểu diễn (vốn gắn liền với chuyện cơm áo) mà còn của cả ca sĩ, cơ quan quản lý văn hóa và công chúng hiện nay. Rất nhiều nhạc sĩ tên tuổi như: Thanh Tùng, Dương Thụ, Tuấn Khanh, Quốc Bảo, Đức Trung, Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy…, là những nhạc sĩ có nhiều người nghe trẻ, dường như đã chuyên tâm vào việc khác. Người thì kinh doanh, người thì chuyển qua biên tập chương trình, rồi công tác hành chính hay viết nhạc cho phim… nên từ lâu không thấy tác phẩm của họ xuất hiện trên sân khấu biểu diễn.

 

Cũng có không ít đợt vận động sáng tác ca khúc được tổ chức nhưng khi kết thúc đều “bèo dạt mây trôi”, chẳng có ca khúc nào đứng được trên sân khấu như 10 năm về trước. Nguyên nhân của việc thiếu vắng ca khúc mới còn là tình trạng “bắt bí nhau” xung quanh các ca khúc độc quyền. Đơn vị (người) chủ sở hữu các ca khúc độc quyền cứ giữ rịt lấy, hoặc sang nhượng lại với các điều kiện rất khó khăn, đôi khi rất nhiều “bẫy” ngôn từ, rất dễ đưa nhau ra tòa.

Đây là điều đáng tiếc vì trong thời gian qua, đã có hàng chục vụ tranh chấp bản quyền giữa các nhạc sĩ vốn là “chiến hữu” hàng chục năm của nhau, hoặc giữa nhạc sĩ và ca sĩ, giữa nhà tổ chức biểu diễn, người làm chương trình với nhạc sĩ và giữa ca sĩ với các nhà phát hành… Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, nguyên là GĐ TT Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc phía Nam đã từng thụ lý rất nhiều vụ việc như trên, than thở: “Nhiều khi họ là bạn bè thân quen với nhau, với mình và nhiều người trong giới, bỗng đùng một cái, lôi nhau ra kiện cáo, bươi móc nhau đủ điều, giải quyết rất khó”.

 

Ngược lại, nhiều nhạc sĩ đã bán hàng chục, hàng trăm ca khúc của mình cho một đơn vị nào đó để rồi chờ mãi chẳng thấy “đứa con tinh thần” của mình xuất hiện, có chăng chỉ làm nhạc chuông, nhạc hiệu, nhạc chờ của các mạng khai thác điện thoại di động hoặc trong các nhà hàng karaoke... Điều này có lẽ cũng là một trong những lý do tạo ra sự thiếu vắng các ca khúc mới trên sân khấu biểu diễn hiện nay.

 

Một ca sĩ trẻ cùng nhóm múa minh họa biểu diễn tại tụ điểm ca nhạc. Ảnh: CAO THĂNG.

SGGP

Nguyên Quốc
Số lần đọc: 1982
Ngày đăng: 01.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất mẹ - Nguyễn Thành Nhân
Về với biển, nhé em - Huỳnh Hữu Võ
Buổi chiều vô ngôn - Nguyễn Thành Nhân
Đà Lạt, trên đỉnh sương mù - Huỳnh Hữu Võ
Nhớ nhau hoài - Thiên Hà
Nhạc sĩ LÊ ANH người kết sóng tình ca - Võ Quê
Ngại ngùng tương lai - Lâm Thành Liêm
Khúc hát xa bờ - Lâm Thành Liêm
Bình minh bắc đảo - Lâm Thành Liêm
Chờ - Hàn Sĩ Nguyên