Trong những con vật biết gáy có lẽ con gà là gần gũi với con người nhất và trong 12 con giáp thì gà (Dậu) đứng ở vị trí số 10. Âm hưởng tiếng gáy của những chú gà trống với bộ lông đặc sắc, cái mồng đỏ hoe, tươi roi rói đã dội vào cảm thức chúng ta nỗi xao xuyến, bồi hồi, có khi phấn khích, vui nhộn, lúc thì quặn thắt, đau xót và thỉnh thoảng lại gợi lên nỗi niềm nhung nhớ vời vợi. Từ thời xa xưa khi con người chưa sáng chế ra đồng hồ, có lẽ tiếng gà gáy đã góp phần vào việc báo thức cho người nông dân thức dậy chuẩn bị công việc đồng áng.
Không giống những con vật biết gáy khác, tiếng gà gáy trong ngày có thể chia thành ba thời: sáng, trưa và xế chiều. Thông thường, buổi sáng bắt đầu từ giờ Dần (từ 3 giờ đến 5 giờ) những chú gà bắt đầu gáy, khi đã có một tiếng gáy cất lên phá vỡ bầu không gian im ắng thì sau chốc lát sẽ có những tiếng gáy nối đuôi liên hồi của những chú gà hàng xóm. Tuy mỗi chú gà có một giọng gáy khác nhau; con thì trong thanh, tươi tắn, con thì khàn khàn đục, có chú gà giọng ngân nga quyến luyến, chú gà khác thì tiếng gáy gãy gọn, cụt lủn... nhưng khi xướng lên thì tạo thành khúc hợp tấu đón chào bình minh. Buổi trưa gà thường gáy vào giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ) và buổi chiều những chú gà thường gáy vào giờ Dậu (từ 17 giờ đến 19 giờ). Có lẽ những chú gà trống là con vật gáy khoẻ và trữ tình nhất trong những loài biết gáy.
Những chú gà trống trưởng thành hầu như gáy suốt bốn mùa. Mùa xuân tiếng gà gáy nghe tươi tắn, hớn hở, mùa hạ nghe khan khảng, ray rứt còn mùa thu nghe kiêu bạc, mơ hồ và mùa đông thì gây cảm giác hiu đìu. Ba thời sáng, trưa và chạng vạng chiều tiếng gáy cũng có những âm hưởng khác nhau. Buổi sáng tiếng gà gáy thường hối hả như báo hiệu ngày mới bắt đầu, buổi trưa thì xa xôi, quạnh vắng và buổi chiều thì gây cho người nghe cảm giác nao lòng…
Ngoài những hiệu ứng tâm lý khi nghe tiếng gà gáy, vào đầu xuân người ta thường tổ chức hội gà đá để mọi người xem. Gà đá ở những trường gà chuyên nghiệp là những chú gà cồ, thân hình cao to, lực lưỡng, đôi chân rắn chắc, cựa nhọn, cổ cao ngồng, đỏ ong ong và rất ít lông. Những chú gà chiến có thần thái như những chiến binh oai hùng được chăm sóc chu đáo, “om” rất kỹ lưỡng. Còn ở các bãi đá nghiệp dư thì đủ loại gà, miễn sao ngang chạng là được cho thử sức chiến đấu. Có khi nơi những bãi cỏ ven đường, hoặc ngẫu nhiên hai chú gà gặp nhau và vì lý do nào đó thế là cuộc chiến bắt đầu. Có những con gà bại trận, mặt mày thê thảm sau cuộc chiến, khiếp quá mất luôn cả tiếng gáy về sau này, còn những chú gà chiến thắng, mặc dù trên mồng và mặt đầy máu và vết thương nhưng vẫn vỗ cánh tự hào rồi trương cổ cất tiếng gáy tràn đầy niềm kiêu hãnh.
Vào ngày mồng ba Tết hầu hết mọi nhà ở Huế thường làm thịt một chú gà trống đã trưởng thành, nhưng phải là gà kiến để làm lễ cúng đưa, nhằm tiễn ông bà ra đi sau những ngày xuân về sum họp với con cháu. Ngoài ra, ở Huế mỗi năm có 2 tháng để cúng đất là tháng 2 hoặc tháng 8 Âm lịch, trong lễ cúng đất ngoài những lễ vật độc đáo như cua, trứng vịt luộc, rau muống luộc mắm nêm,… còn có luộc một chú gà kiến tuổi đã trưởng thành và chú gà đó phải được chọn lựa kỹ lưỡng, đặc biệt đôi chân phải “đẹp”. Sau khi cúng đất xong, theo tục lệ cặp chân gà được đem đi nhờ thầy xem bói giò để biết thời vận trong gia đình, hoặc được đem treo ở chàng bếp cho khô.
Nhớ thời còn thơ trẻ, tôi thường chơi với những chú gà con nho nhỏ với bộ lông vàng mà mượt. Tiếng kêu chiêm chiếp và đôi mắt tròn xoe ngơ ngác của những chú gà con giữa thế giới muôn vàn hình sắc và âm thanh đã giúp tôi kéo dài tuổi ngây thơ. Những năm học phổ thông, cả lớp góp tiền mua gà choi choi gửi nhà đứa nào có vườn để nuôi, thỉnh thoảng cả lớp đến ngắm nghía, chăm sóc, cho ăn và vui đùa...
Hình ảnh gà mẹ dẫn đàn gà con nhỏ xíu đi kiếm ăn khiến tôi liên tưởng đến truyền thuyết tổ mẫu Âu Cơ đẻ trăm trứng nở trăm con. Và có lẽ từ xa xưa người Việt đã rất quý trọng và gần gũi với những con gà, bởi các di chỉ khảo cổ trên trống đồng Hoàng Hạ cũng có khắc hình những con gà. Phải chăng, chỉ những xứ sở của nền văn minh lúa nước mới có được sự gắn bó mật thiết giữa những chú gà và người nông dân? Tiếng gà gáy ngoài việc báo thức còn gửi gắm cho chúng ta cảm giác thanh bình của ngày mùa. Ở nước Pháp, chú gà trống Gaulois là một biểu tượng cao quý và may mắn. Trong một vài trận đá bóng có đội Pháp chúng ta lại thấy xuất hiện những chú gà trống giữa sân cỏ hoặc trên tay các cổ động viên nhiệt cuồng của đội Pháp.
Gà ngoài việc cung cấp thực phẩm thịt, trứng và chia sẽ vui buồn với con người, thì những cô gà mẹ còn tham gia ấp trứng cho những cô vịt mẹ, rồi khi nở ra, những con vịt con cũng theo tiếng gọi của gà mẹ một thời gian rồi mới được tách riêng. Thời gian ấp trứng gà trong vòng 21 ngày, nhưng với trứng vịt thì khoảng chừng 28 ngày. Trong các loài gà trên thế giới có lẽ thịt của gà kiến Việt Nam là ngon nhất và ngào ngạt hương vị đồng quê.
Tiếng gà gáy không những tác động đến tâm thức người Việt mà còn đi vào trong âm nhạc và thi ca, như trong ca khúc Lời thiên thu gọi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu: “Về trên phố cao nguyên ngồi/ Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi/ Chợt như phố kia không người/ Còn lại tôi bước hoài”, đúng là tiếng gà trưa, một tiếng gáy khan lạc giọng bên đồi vắng nghe sao mà hiu quạnh, rã rời đã khiến cõi hồn cô độc của nhạc sĩ lạc loài giữa phố lạ hoang vắng. Hay trong bài Nhớ tuổi thơ của Chế Lan Viên có câu: “Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế! / Lại dồn thêm tiếng gáy trưa! ”. Lại một tiếng gáy trưa đã khiến cõi hồn thi sĩ gia tăng nỗi niềm xao xuyến, ray rứt… Và trong dân gian tiếng gà gáy rất gần gũi với người nông dân:”Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu” hay trong khía cạnh thời tiết có câu “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”. Không hiểu vì sao âm hưởng tiếng gà gáy lại quan hệ mật thiết với con người và thiên nhiên vậy? Nơi xứ Huế thơ mộng đã có câu ca dao mang đậm âm hưởng của Phật giáo: “Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”. Phải chăng tiếng chuông và tiếng gà gáy đã có sự liên hệ khăng khít khiến trong dân gian đã lưu truyền những câu ca dao trữ tình như vậy? Tiếng chuông chùa canh ba thức tỉnh những vị tu sĩ dậy công phu, tiếng gà gáy canh ba đánh thức những người nông dân dậy chuẩn bị công việc đồng áng. Ô hay! Tiếng chuông u minh vào giờ chạng vạng chiều và tiếng gà gáy buổi xế chiều nghe sao mà xa xăm như nghìn trùng… Tiếng chuông và tiếng gà gáy hoà phối nhịp nhàng, khoan thai, quyện vào nhau như âm dương rồi lan toả theo tiết nhịp du dương của gió nghe sao mà mơ hồ như có như không, như mộng như thật, nghe rất gần gũi mà lại quá xa xôi… Có lẽ trong mỗi người Việt đã ẩn tàng những âm hưởng của tiếng gà gáy, tiếng chuông chùa tận trong sâu thẳm cõi lòng. Bỗng nhiên một ngày đại hoạ ùa đến cho loài gia cầm, bệnh dịch đã giết chết hàng triệu con gà từ bé đến lớn, khiến tôi lo lắng rồi đây sẽ không còn nghe tiếng gáy của những chú gà trống nữa. Ôi gà ơi! Mắc cái nghiệp gì mà nặng thế? Để rồi phải chết tập thể! Nhưng đại hoạ đó không khiếp đảm bằng sự thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm của con người trước tiếng gà gáy… để rồi tiếng gà phải trốn vào cổ tích: “Thành phố/ không nuôi nổi một tiếng gà/ bỏ vầng trăng đi lạc /…Thành phố đói trăng / đẩy tiếng gà vào cổ tích ” trong bài Lối Về của Tôn Phong. Rồi một ngày bất chợt đâu đó trong không gian bỗng ngân vọng tiết điệu đầm ấm, ngây ngất tình người khiến xốn xang những mảnh hồn hoài cổ và gợi lên trong mỗi chúng ta cảm giác vời vợi nỗi nhớ quê hương và một hôm trên đường về, chợt nghe một tiếng gà gáy dằng dặc, hư ảo,… khiến cõi hồn nao nao đồng vọng về miền quê mơ mộng, có những khuôn mặt chất phác, hồn nhiên mà cảm tác nên những vần thơ:“Tôi về trong lặng im/ Nghe tiếng gà xưa gáy/ Sầu muộn giăng mắt tím/ Vỡ khung trời hư vô”.