Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.213.481
 
Học trò
Nguyễn Quang Nhàn

Buổi chiều, trời nắng đẹp quá. Đúng là màu nắng thủy tinh mà Trịnh Công Sơn đã diễn tả. Tôi mở cửa cuốn của garage, ngồi vào bàn. Bên ngoài bầu trời trong xanh và cao vút. Với tay lấy cây đàn ghitar, tôi thả hồn thơ thẩn đi tìm những nốt nhạc vẫn còn lơ lửng ngoài khoảng không . Ngoài đường, không gian vẫn lặng im như tôn trọng cái đầu lãng đãng. Chỉ thỉnh thoảng vài chiếc lá cuốn theo một cơn gió nhẹ . Một buổi chiều quá tuyệt vời…

 

Hình như có một chiếc xe chạy qua, rồi chạy lại. Tôi cũng không để ý lắm, nhưng con đường này là một đường cụt, nên ít khi có xe chạy qua lại . Và rồi, khi tôi sắp tìm ra một hợp âm đẹp cho đoạn nhạc đang viết dở từ tuần trước, thì chiếc xe hơi chính hiệu BMW đột ngột thắng lại ngay trước cửa garage, làm cho cái hợp âm đẹp kia chưa kịp chui vào cái đầu của tôi đã vội vã bay mất. Trên xe bước xuống một anh chàng khá đẹp trai, cao ráo với nụ cười tươi, chào tôi bằng tiếng Việt đúng giọng miền nam:

- Chào anh, chạy qua nghe anh chơi đàn hay quá, nên em ghé vào chơi thăm anh.

Trời ạ, ở xứ này mà đột ngột nhảy vô nhà người ta hỏi làm quen kiểu đó coi bộ hơi hiếm, vì hơn mười năm nay tôi mới… bị lần đầu tiên. Mà kể ra đôi tai của anh ta cũng hiếm có, vì ngồi trong xe đóng cửa xe kín mít và xe chạy ngoài đường mà nghe được tiếng đàn?!? Cũng hơi lạ là hình như tôi cũng chưa kịp… đánh cây đàn của mình, chỉ là những ngón tay của bàn tay trái đang tìm hợp âm, và ngón tay của bàn tay phải chỉ lướt nhẹ trên dây. Nhưng dù sao, tôi cũng không thể im lặng:

- Chào anh…

- Dạ, em ở gần đây, thỉnh thoảng em đi ngang qua, thấy anh chơi đàn hay quá, nay mới có dịp gặp. Xin anh cho em học nhạc với, em cũng biết chơi sơ sơ, biết vài tông thôi.

Tôi nghe muốn lùng bùng trong tai, mới gặp lần đầu mà bị tấn công thô bạo như thế này làm sao mà tôi sống cho nổi:

- Chắc là nhầm ai rồi, tôi cũng chỉ biết… đánh cho vui thôi, chứ không chơi hay đâu.

Vậy mà vẫn không được buông tha, dù rằng tôi chưa dám mời vào bên trong. Mà bên trong làm gì còn chỗ để ngồi, vì ngoài chiếc bàn và cái ghế mà tôi đang ngồi, thì phía sau lưng tôi được bảo vệ bởi bóng dáng lừng lững của chiếc xe Jeep loại 4x4 được sản xuất từ thế kỷ trước. Anh chàng vẫn tiếp tục tự giới thiệu:

- Em làm cán sự điện tử cho hãng cũng lâu rồi, vợ em có tiệm nails trong khu shopping gần đây. Thỉnh thoảng mấy anh thợ trong tiệm rủ em ra chơi, tụi em cũng đàn hát cho vui. Em biết nhạc ít lắm. Ồ, em mới mua cây đàn ghitar ở Sears, để em chạy về lấy cho anh xem. Anh chờ em một chút thôi.

Tôi ậm ừ trong miệng, cầu trời cho anh chàng về nhà, rồi có chuyện nhà gì đó hay vợ sai đi chợ chẳng hạn, và tôi sẽ lo mà đóng cửa garage này lại.

 

Mà trời lại chưa thương cho kẻ ăn ở hiền lành là… tôi. Vì tôi chưa kịp thực hiện ý định của mình, thì vẫn chiếc xe BMW đời thế kỷ hai mươi mốt xuất hiện, nhẹ nhàng dừng lại ngay trước cửa garage.

Lần này, anh chàng hớn hở hơn, xuống xe tay cầm cây đàn ghitar đựng trong một cái bao. Tôi không thể nào không lịch sự, dù rằng lịch sự trong tôi vốn không được nhiều cho lắm, cho nên tôi chỉ đem ra dùng trong những trường hợp hết sức cần thiết (vì dùng nhiều tôi sợ nó mau hết). Tôi đứng lên, qua bên bàn có máy vi tính, kéo thêm ra cái ghế và mời anh ta ngồi chơi. Anh ta lấy ra cây đàn ghitar và khoe:

- Em mua ở Sears trên ba trăm, anh coi dùm em có được không?

Tôi cầm lên, đồ mua rồi có được hay không gì cũng dùng thôi mà. Có điều ba trăm cũng hơi nhiều, vì cây đàn của tôi mua trong tiệm bán đàn chỉ có chín mươi chín đồng thôi. Dân chơi đàn mà mua đàn ghitar ở Sears cũng hiếm, vì hệ thống của tiệm này như một cửa hàng bách hóa tổng hợp, bán từ quần áo đến máy cắt cỏ, từ nữ trang, nước hoa cho quí bà quí cô cho đến đồ nghề của thợ xây dựng, bán từ nồi niêu chén dĩa trong nhà bếp đến bình điẹn, vỏ xe hơi… Kể ra cây đàn này… coi cũng được, thêm phần điện tử, rồi nút cắm qua âm ly và những hoa văn trang trí chung quanh viền… Nhưng nhìn vào mặt đàn tôi biết âm thanh của nó sẽ nhạt như nước ốc. Loại này chỉ dụ dỗ được những người thích nhìn đàn hơn là chơi.

Anh ta với tay lấy cây đàn của tôi chơi một đoạn như để so sánh:

- Ồ, cây này anh mua bao nhiêu mà ngon quá, tiếng cực kỳ ấm.

Tôi chỉ ậm ừ, vì đâu dám nói là tôi mua chưa tới một trăm.

Như không tin lắm vào đôi tai của mình, anh ta lấy cây đàn với những đường hoa văn trang trí đến rối mắt của mình ra chơi để so sánh:

- Sao kỳ thiệt, đàn lúc em mua nghe cũng được lắm mà.

Tôi phải giải thích cho anh ta, vì lúc mua cũng chỉ có những cây đàn cùng một cỡ như nhau lấy gì mà so sánh hay hay dở. Và tôi giải thích thêm cho anh ta biết sự khác nhau của miếng gỗ của mặt trước cây đàn:

- Với đàn ghitar, thì gỗ thông làm mặt trước thùng đàn cần phải có sớ gỗ cực kỳ mịn màng, thì âm thanh nghe mới hay hơn.

Và tôi chỉ cho anh ta cách phân biệt sớ gỗ của hai cây đàn. Anh ta thán phục:

- Anh đúng là nhạc sĩ, em mua mà không biết phân biệt như vậy.

Trời ơi, chuyện này thì có liên quan gì đến âm nhạc đâu. Mà tôi cũng đâu muốn nói tới kinh nghiệm trên hai mươi năm làm… thợ mộc của mình. Với những thành tích đáng kể trong quá trình góp phần làm hủy hoại môi trường thiên nhiên vì sự tiện nghi của con người, thì việc nhìn và phân biệt chất lượng gỗ đối với tôi là chuyện còn nhỏ hơn con thỏ.

Chợt nhìn thấy bản nhạc mà tôi đang viết chưa xong anh ta cầm lên và ngạc nhiên hỏi:

- Ồ, anh là nhạc sĩ ? Vậy mà ở gần đây em không biết.

Lần này thì tôi sợ quá và không thể nào im lặng:

- Ồ, không, thỉnh thoảng tôi viết cho vui thôi, chứ không phải là nhạc sĩ.

Và lại phải giải thích sự khác nhau giữa một nhạc sĩ và người viết nhạc như thế nào. Anh ta chưa chịu buông tha:

- Anh có bài nào mà ca sĩ hát không, cho em nghe với.

Mãi đến bây giờ, tôi mới nghe được một câu nói… dễ thương. Chẳng lẽ mới vừa quen biết mà bắt người ta nghe những sáng tác của mình thì tôi sợ bị khép vào tội ngược đãi người khác. Còn người ta tình nguyện nghe thì đó lại là chuyện khác. Tôi thật thà và… khiêm tốn nói:

- Thì có chừng vài ba chục ca khúc đã ghi âm, và cũng chừng vài ba chục bài còn chờ ca sĩ hát. Để tôi mở nghe vài bài.

Đến bàn vi tính, tôi không biết cho anh ta nghe bài nào. Thôi thì cho nghe ca sĩ Xuân Phú hát bài Vết tích, và nữ ca sĩ Quỳnh Lan hát bài Đưa người qua những dòng sông. Bấy giờ anh ta nhìn tôi bằng cặp mắt đầy ngưỡng mộ:

- Bài hát lời rất là hay và đẹp, anh viết hay quá.

Nhìn vẻ mặt đầy ngưỡng mộ của anh ta, tôi chưa dám nói ngay là tôi viết nhạc thôi, còn lời chính là thơ của người khác, của những thi sĩ thứ thiệt.

Khi tôi tắt máy, anh ta tiếp tục tâm sự:

- Em mê nhạc lắm, rất thích đàn hát mà chưa có điều kiện học nhạc. Em cũng thích nghe nhạc lắm, em sắm giàn máy trên mười ngàn nghe cũng khá lắm, chắc giàn máy trong nhà anh cũng xịn lắm.

Tôi không dám nói gì chỉ ậm ừ cho qua chuyện:

- Giàn máy trên mười ngàn thì nghe cũng… được.

Làm sao tôi dám nói tôi cũng có giàn máy nghe CD mà mười lăm năm trước nó thuộc hàng xịn nhất trong năm. Còn bây giờ thời đại văn minh vi tính thì nghe nhạc bằng máy vi tính cho nó kịp với… thời đại.

Anh ta cầm lấy cây ghitar của tôi hát và đệm một đoạn với điệu bolero, nghe cũng khá mùi.

Tôi nhạc nhiên hỏi:

- Anh chơi cũng khá lắm, đâu cần gì phải học thêm. Tôi chơi ghitar không hay đâu, tôi chỉ dùng nó để ký âm trong sáng tác mà thôi.

Anh ta ngạc nhiên hỏi:

- Ủa, vậy anh sáng tác trên đàn ghitar hả, em tưởng người ta sáng tác nhạc bằng piano chứ.

Tôi không biết nói thế nào, chẳng lẽ tôi như thế này mà không biết chơi… piano hay sao, tại vì tôi chưa bao giờ có piano để… tập chơi thôi:

- Thì người ta sáng tác nhạc… nặng, còn tôi viết nhạc… nhẹ nên dùng ghitar là thích hợp hơn.

Vậy mà anh ta vẫn chưa chịu:

- Em thấy ống sáo nhẹ hơn ghitar nữa đó anh.

Lần này tôi muốn giơ hai tay đầu hàng:

- Thì nhẹ hơn, nên người ta dùng nó để sáng tác những nhạc… nhẹ hơn nữa, thí dụ như… dân ca.

Và tôi vội vã kết thúc chuyện sáng tác nhạc nhẹ, nhạc nặng trước khi nó đi quá xa:

- Vậy hiện tại anh biết những gì về nhạc như là hợp âm, luật về cấu tạo một hợp âm?

- Dạ, em không biết gì hết, mà em biết có vài tông. Em muốn học hỏi thêm. Nói thiệt với anh, em biết có nhiêu đó thôi, nhìn vô bản nhạc, em không biết nốt, đàn cũng vậy.

Thì ra là như vậy , và anh ta tiếp tục năn nỉ:

- Dạ chỗ hàng xóm, hồi nào anh rảnh, em chạy qua, nhờ anh chỉ cho em biết thêm chút đỉnh. Em biết có những lớp dạy nhạc mà xa quá em đi không được.

Thôi thì coi như tôi bị… xui, đành tìm kế hoãn binh:

- Nhưng tôi chỉ rảnh vào trưa chủ nhật thôi, còn như bây giờ tôi cũng sắp đi làm rồi.

Anh ta chụp ngay cơ hội:

- Dạ trưa chủ nhật này em sẽ đến, em cảm ơn anh…

Hình như ông trời lại muốn thử thách kẻ hiền lành, vì trưa chủ nhật sau, vừa mở cửa garage là vài phút sau “học trò” của tôi xuất hiện nhẹ nhàng như chiếc BMW. Thôi thì cũng được, kể ra tôi cũng qua giai đoạn “xóa mù nhạc lý” thì bây giờ coi như dạy “bổ túc nhạc lý” cho kẻ còn… mù.

Trên xe bước xuống, ”học trò” tôi hai tay khệ nệ những túi mua hàng trong chợ, mà không thấy cầm đàn. ”Học trò” cười tươi rói:

- Hồi sáng, em có chạy xuống nhà hàng Việt Nam, em mua biếu anh hai con vịt quay anh ăn với bánh mì cho vui.

 

Nhìn nhãn hiệu, tôi biết “học trò” phải chạy đi và về hơn tám mươi cây số. Đúng là “học trò” thực hiện đúng theo sách vở của Thánh hiền, vì không có thực (phẩm) làm sao vực được đạo. Mà học nhạc lại đem đến ra mắt thầy những hai con vịt quay như thế này chắc chắn rồi đây sẽ đàn hát như một bầy… vịt (thì hai con chứ đâu phải là một con!). Tôi cầm lấy vì cũng không thể từ chối tấm lòng của “học trò”:

- Chỗ hàng xóm với nhau, đừng bày vẽ chi nhiều, tôi không thích đâu.

Và trước tiên, tôi kiểm tra trình độ thật sự của “học trò”. Công nhận “học trò” rất can đảm, thật sự không biết note nhạc trên giòng nhạc và trên cây đàn ghitar, vậy mà thường mang đàn đi… hát trong những buổi nhậu nhẹt.

 

Buổi học đầu tiên rồi cũng tạm ổn. Sau phần phân biệt những nốt nhạc trên giòng nhạc, tôi để cho “học trò” ngồi đánh nhau với những nốt đồ, rê, mi… còn mình tranh thủ vào trong nhà làm việc cùng với mấy ổ bánh mì và món vịt quay để chuẩn bị đi làm. Công nhận bánh mì với vịt quay lâu lâu ăn cũng ngon, nhất là khi nó có thêm mùi… “nhang khói”. Và sau đó tôi giao hẹn với “học trò”, tuần sau, nếu thật sự… thuộc nốt trên giòng nhạc và trên cây đàn thì mới đến để học bài tiếp theo.

Rồi tuần sau, ”học trò” tôi đem đến thêm những cuốn sách tự học ghita, những tập bài nhạc có ghi sẵn hợp âm, thêm cuốn sách nhạc lý căn bản, tôi ngạc nhiên quá hỏi:

- Hình như tôi đâu có nói phải mua những cuốn sách này.

- Dạ đúng rồi, mấy cuốn sách này là của nhóm bạn em, làm ở tiệm nails của bà xã em. Tại tụi nó cũng muốn đến học mà em biết anh bận công chuyện nhiều, nên em nói có gì em học xong sẽ về chỉ lại. Và tụi nó thích học sách gì thì mua sách đó, rồi em học xong, em chỉ lại.

 

Nghe nói tới đó tôi muốn hết hồn luôn, muốn học sách nào thì mua sách đó. Vậy ra “học trò” của tôi còn giỏi hơn tôi gấp nhiều lần, vừa xong bài học đầu tiên về đồ, rê, mi… là có ngay vài “đệ tử“. Và đặc biệt còn dạy theo nhu cầu (hay yêu cầu) của đám “đệ tử”. Tôi hỏi lại cho chắc:

- Vậy anh đã chỉ gì cho mấy đứa bạn chưa?

- Thì chiều chủ nhật nào cũng vậy, đóng tiệm nails xong, tụi em hay lai rai vài chai, ca hát với nhau một chút cho vui. Còn bây giờ, trưa chủ nhật em đến nhà anh học, rồi chiều tối em ra tiệm của vợ em cũng lai rai vài chai, rồi em vừa học được cái gì là em chỉ lại hết.

Hình như, bây giờ tôi có thể hình dung là ông chủ tiệm khỏi phải mua bia cho thợ lai rai cuối tuần, mà là đám “đệ tử“ mua bia cho “sư phụ”, để “sư phụ“ (là “học trò” của tôi) có đủ hứng thú mà lên lớp tiếp tục sự nghiệp… xóa mù nhạc lý. Kể ra cũng rất hay, cứ như là qui luật của muôn đời: “Tôi chỉ cho anh, anh chỉ cho người khác, và người khác chỉ cho người khác nữa, cứ thế đến muôn đời…”. Có điều tôi dám bảo đảm rằng, đôi khi xóa mù kiểu này xong cũng chưa chắc đã thật sự thấy đường. Và linh cảm của tôi trong ngày đầu tiên về một đàn vịt coi chừng cũng… không sai.

 

Nhưng cũng may là nhờ mấy cuốn sách đó mà tôi có thêm điều kiện để hoàn chỉnh phần “giáo án“ của mình.

 

Kể ra, “học trò” của tôi khá thông minh, hiểu khá nhanh, nhất là phần thực hành trên đàn, dù sao “học trò” cũng đã từng mang đàn đi “biểu diễn” nhiều nơi trước khi xóa mù nhạc lý…

 

Và lần sau nữa, “học trò” lại mang đến mấy túi trái cây và hộp bánh. Ừ, ít ra cũng phải vậy, vì sau đó “học trò” tôi sẽ có… bia nhậu của đám “đệ tử“ mà. Đem trái cây và bánh để đổi lại buổi nhậu cuối tuần thì cũng xứng đáng lắm chứ. Kể ra cũng vui, vì tôi nhớ ngày xưa Ba của tôi làm thầy, được mọi người gọi là ông giáo với tất cả sự kính nể. Đến thế hệ anh chị em của tôi cho dù không có ai được làm thầy, nhưng cũng không phải bán sách, vì sách làm gì còn để bán. Và hình như tôi cũng không có số làm thầy. Vì tôi nhớ ngày xưa khi làm thợ mộc, có một trại mộc, và tôi cũng có ba đứa học trò theo học nghề. Mà tại tôi không có số làm thầy nên học nghề xong, một đứa theo nghiệp đạp xe xích lô, một đứa phụ vợ buôn bán, và một đứa sắm ghe đánh cá. Vậy mà giờ đây, tôi có thể ung dung ăn bánh ngọt, trái cây (sau khi ăn bánh mì, vịt quay) của “học trò” mang đến.

 

Và tôi thật sự kính nể “học trò” của mình, khi một buổi chiều tối chủ nhật đâu khoảng gần tám giờ tối, vì ở nhà hết cafe nên tôi ra ngoài khu shopping để mua. Khi đi ngang qua tiệm nails, thấy để bảng đóng cửa, mà bên trong vẫn còn ánh điện. Tôi ghé mắt nhìn vào, thấy “học trò” đang lên lớp cho ba “đệ tử” đang chăm chú ngồi nghe với những chai bia đang uống. Vì “học trò” ngồi quay lưng ra ngoài nên tôi không sợ bị thấy. Một “học trò” cùng ba “đệ tử” và bốn cây đàn ghitar (hình như lại thiếu món vịt quay). Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu như tất cả cùng hòa giọng một lúc. May mà hệ thống cửa kiếng hai lớp làm rất tốt nhiệm vụ cách âm. Mà cũng may là “học trò” chọn nơi này để lên lớp, chứ cũng đâu có chỗ nào dám chứa lớp học đặc biệt này…

 

Mà cũng đúng là tôi không có số làm thầy, vì mấy tháng sau “học trò” bùi ngùi báo tin sắp dọn nhà. Hãng của “học trò” chuyển đi xa, đến vùng Modesto. Trên đó nhà cửa rẻ hơn và mở tiệm nails cũng dễ làm ăn hơn, dưới này làm ăn ngày càng khó vì sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

“Học trò” xin mấy CD của tôi để làm kỷ niệm. Và ngày học cuối, để tạm biệt, “học trò” tặng lại tôi cây đàn ghitar mà “học trò” đã lỡ dại mua. Thì cây đàn này dùng để nhìn thôi mà, ít ra khi nhìn nó, cũng biết là mình đã có lúc làm thầy, cho dù số phận không cho làm…

 

Bây giờ, tôi không dám mở cánh cửa cuốn ngoài garage mỗi khi chơi đàn. Ừ, tôi sợ có một buổi chiều đẹp trời nào đó, khi đang thả hồn đi tìm những note nhạc, thì có một chiếc xe chạy qua, chạy lại rồi dừng trước cửa. Rồi có ai đó bước xuống xe và nói với tôi rằng:

- Em chạy xe ngang qua, nghe anh chơi đàn hay quá nên ghé vào chơi thăm anh…

 

5/2006

Nguyễn Quang Nhàn
Số lần đọc: 2333
Ngày đăng: 04.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ẩn số cuộc đời-1 - Lê Xuân Quang
Ẩn số cuộc đời -2 và hết - Lê Xuân Quang
Ngày đùa - Nguyễn Ngọc Tư
Khúc sonate đêm trăng - Nguyễn Thành Nhân
Đá cũng cần có nhau - Đinh Lê Vũ
Chị em ruột thịt - Bích Ngân
Con đường - Nguyễn Quang Nhàn
Cảm giác khi rời biển - Tiến Đạt
Dưỡng chất trần gian - Thu Trân
Đêm của thiên thần nhạc Jazz - Vũ Ngọc Tiến
Cùng một tác giả
Con đường (truyện ngắn)
Học trò (truyện ngắn)
Mưa trắng (âm nhạc)
Thềm xưa (âm nhạc)
Giấc Mơ Phai (âm nhạc)