Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.095
123.231.538
 
Những thước phim của đời thường
Võ Ðắc Danh

1- Cô nữ sinh mặc áo dài trắng, đội nón lá, tay ôm cặp đứng đợi đò ở ngã ba sông.

           

            Dũng đang chuẩn bị động tác máy, bỗng dưng anh dừng lại, lắc đầu tỏ ra mất hứng, tôi hỏi tại sao, Dũng chỉ về phía hậu cảnh có mấy cây bạch đàn và bức tranh cổ động với chủ đề phòng chống HIV. Tôi chợt nhớ Dũng từng nói với tôi rằng bộ phim này không thể có bóng dáng của cây bạch đàn và tranh cổ động. Không ai bảo ai, chúng tôi xuống vỏ dời máy qua phía đầu voi bên kia. Lúc ấy chiếc đò chèo cũng từ từ vào bến, cô nữ sinh bước xuống, chiếc đò lui ra. Cô nữ sinh đứng trên đò giữa dòng sông rộng, tà áo dài lất phất. Hậu cảnh là rừng dừa nước chen lẫn với rừng mắm ven sông.

 

            Dũng rời tay máy với nụ cười đắc ý.

            Đến một vàm sông khác, chúng tôi gặp bốn chiếc xuồng chài đang nằm đợi nước ròng. Kẻ nằm ngủ, người ngồi hút thuốc đăm chiêu. Dũng nhìn tôi như muốn hỏi chủ đề của cụm hình này, tôi nói đây là phút nhàn rỗi hiếm hoi của những con người suốt ngày vật lộn cùng sông nước cho cuộc mưu sinh. Dũng gật đầu. Tôi yêu cầu các diễn viên hãy giữ nguyên hiện trường, ai ngủ cứ ngủ, ai hút thuốc cứ hút, không được nhìn vào ống kính, quay xong tôi sẽ trả tiền cát - sê mỗi người... mười ngàn đồng. Sau cái cười, họ bắt đầu diễn y như thật.

 

            Trên đường đi, Dũng nói rằng anh rất khoái trong cụm hình lúc nãy có cảnh quay từ cận mặt người đàn bà đang ngủ lia qua rổ cá, trong rổ có mấy con cá chốt đang ngáp ngáp giống như người ta đang trong trạng thái buồn ngủ.

 

            Chúng tôi xuôi theo con sông Gành Hào, đến một ngã ba thì thấy một tốp người đứng trên voi lá đưa tay vẫy gọi:

 

            - Ê, ghé lại chơi mấy anh ơi!

 

            Tôi ra hiệu cho người lái vỏ quay lại. Thì ra một đám cúng miễu. Tôi nói với Dũng, có lẽ tổ độ chúng ta. Bộ phim này không thể thiếu cái miễu lá ở ngã ba sông. Thì đây, cái miễu lá vừa mới cất giữa rừng dừa nước mênh mông hoang vắng, những con gà luộc tréo cánh đang bày ra giữa khói nhang nghi ngút. Tôi yêu cầu mọi người cúng kiến tự nhiên để chúng tôi quay phim. Dũng đưa ống kính từ trên ngọn dừa nước thật cao lia xuống trong lúc mọi người đang trang nghiêm hành lễ. Người già đứng trước, người trẻ đứng sau, hai tay cầm ba nén nhang cúi đầu khấn vái thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, được mùa tôm mùa lúa, làng xóm bình yên, thoát khỏi đói nghèo bệnh tật...

 

            Xong, hai chiếc chiếu bông được trải ra trên nền đất trước sân miễu, mâm cháo gà cũng được bày ra.

 

            - Ngồi vô đi mấy anh ơi, uống vài cốc rồi làm quen sau. Bữa nay khánh thành cái miễu mà được mấy anh quay phim, vậy là hên lắm.

 

            Chúng tôi vừa uống rượu vừa giới thiệu tên để làm quen. Lúc ấy có một cô gái từ trong xóm nhà đi ra, một tay cầm dĩa tép luộc, tay kia xách bình nước đá. Cô gái trắng trẻo với mái tóc dài trong bộ bà ba đen như cánh hoa muống biển mọc lên giữa rừng cỏ dại. Tôi chợt nghĩ đến chất liệu đậm đà của một vùng sông nước. Thấy chiếc xuồng máy đang đậu dưới bến sông, tôi bàn với Dũng nhờ cô gái lái xuồng máy trên sông để thực hiện một cụm hình. Làm phim về sông nước Cà Mau thì không thể thiếu hình ảnh cô gái mặc áo bà ba, tóc dài, đội nón lá lái xuồng máy đuôi tôm lướt trên sông nước. Ban đầu cô gái từ chối vì mắc cỡ, được cha mẹ cô và những người trong tiệc nhậu động viên, cuối cùng cô đồng ý. Anh sáng lúc này hơi ngược nên Dũng bảo phụ quay Huỳnh Lâm mang đèn và phản quang xuống xuồng. Tôi yên trí ngồi nhậu với nguồn cảm hứng lâng lâng thì mọi người bỗng hốt hoảng nhốn nháo lên:

 

            - Chìm xuồng! Chìm xuồng!

 

            Tim tôi muốn vỡ toang ra khi thấy Dũng, Lâm và cô gái đang hì hục chống chọi với con sông Gành Hào đang chảy xiết. Mọi người xô xuồng ra vớt lên từng người một, mặt mày xanh mét, thất thần như vừa thoát chết. Chiếc máy betacam Dũng quàng trên cổ nước chảy ròng ròng.

 

            Máy caméra mà rơi xuống nước mặn thì kể như vứt đi, những cảnh quay vừa qua mà Dũng tâm đắc nhất cũng vứt đi theo chiếc máy.

 

            Tôi tiễn anh em trong đoàn phim về Sài Gòn bằng một bữa cơm gia đình, thức ăn cũng ngon, rượu đế cũng ngon mà sao nghe chát ngấm. Thỉnh thoảng chỉ biết an ủi nhau bằng cái câu mất của còn người trong tiếng thở dài.

 

                                        *

 

            2 - Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua.

 

            Hai tuần sau, chúng tôi làm lại cuộc hành trình bằng một máy quay mới hơn, hiện đại hơn.

            Sợ Dũng còn mang cái ám ảnh chìm xuồng trong đầu rồi đâm ra mất hứng nên khởi đầu cho chuyến đi này tôi không muốn lang thang tìm chất liệu trên sông mà đi thẳng xuống nhà anh Hai Ô Rê ở kinh Hai Hạt. Theo kịch bản văn học, anh Hai Ô Rê là một biểu tượng đẹp của con người trên sông nước Cà Mau. Một vùng đất với hàng ngàn sông ngòi kinh rạch chằng chịt đan chéo nhau mà sinh thái của nước sông là hai mùa mặn ngọt. Vì vậy, muốn trồng được lúa, người ta phải đắp đập ngăn mặn để giữ ngọt, cho nên vào mùa nước mặn thì hàng ngàn con đập hình thành ở các đầu kinh. Xuồng đi qua phải kéo đập. Mỗi lần qua đập là cả một nỗi nhọc nhằn. Xuồng lớn, chở lúa gạo, cá mắm, hàng hóa phải chất hết lên bờ, chờ người đi qua nhờ kéo giúp. Có khi mất cả buổi mới đưa được chiếc xuồng qua đập.

           

 

            - Năm ấy tía tôi cho miếng đất cất nhà ngay chỗ cái đập này - anh Hai Ô Rê kể trước ống kính chúng tôi - Người ta gọi là đập Hai Hạt. Thấy mình ở ngay đập, mấy ông chính quyền xã giao cho giữ cái đập đừng cho nước mặn tràn vào thì khỏi phải đi lao động công ích. Tưởng giữ đập có mấy tháng nước mặn sướng hơn vác dá đi dân công, ai dè cực còn hơn trâu. Mỗi ngày có hàng trăm chiếc xuồng lớn nhỏ qua lại. Thấy ông già, bà cả, con nít, đàn bà giá kéo không nổi mình phải kéo tiếp chớ không lẽ ngồi đó dòm, coi sao được. Riết rồi muốn le lưỡi. Có khi nửa đêm nửa hôm cũng bị kêu cửa, gặp phải mấy bà lỡ thời đi qua, mấy bả nhờ mình kéo tiếp, đã mệt còn bị vợ ghen. Nhiều đêm tôi có suy nghĩ làm cách nào để chế ra cái máy kéo, vừa đỡ cực, vừa kéo mướn lấy tiền. Kệ mẹ, làm một ngày bằng đào mướn một công đất cũng được. Chớ kéo tay kiểu này nhiều khi  gặp xuồng chở hàng hóa người ta cho tiền bồi dưỡng mình cũng đâu dám lấy, mà kéo giùm riết chắc chết.

 

            Đầu tiên tôi dùng cái tay quay bằng gỗ, gắn sợi dây thừng vòng qua chiếc ròng rọc rồi chuyền xuống một trục quay cũng bằng gỗ nằm giữa hai đường ray hình vòng cung ôm choàng con đập từ đáy bên này qua đáy bên kia. Rồi từ cái trục quay ấy lại có một sợi dây thừng nối xuống lườn một chiếc xe cũng bằng gỗ với bốn bánh bằng sắt áp sát đường ray. Khi xuồng đến, tôi buông tay quay cho chiếc xe chìm xuống nước, người khách chỉ việc rấn lườn xuồng lên chiếc xe và tôi siết tay quay mấy vòng là chiếc xe chở chiếc xuồng qua đập. Xuồng nhỏ thì một người quay, xuồng chở lúa hoặc tàu đò thì hai người quay, khỏe re, khỏi phải xuống hàng xuống khách. Sau đó tôi nghĩ kéo tay được thì có thể kéo bằng máy được. Tôi mua chiếc D12 của Trung Quốc về chế thêm giàn nhông, kéo dây cua-roa trực tiếp qua cái trục quay. Thế là xong, mình chỉ ngồi một chỗ điều khiển, khỏi phải dùng đến sức người.

Xong phần thu phát biểu, chúng tôi dựng cảnh quay anh Hai điều khiển động cơ diesel để kéo xuồng qua đập. Dũng mải mê không rời ống kính trước hàng chục chiếc xuồng lớn nhỏ cứ lướt qua lướt lại con đập theo nhịp bàn tay lắc qua lắc lại của anh Hai như một phù phép lạ lùng.

Quả là một kỳ công. Một sáng kiến giải phóng sức lao động cho hàng triệu con người. Mỗi năm, Nhà nước thu thuế hàng chục tỷ đồng từ những chiếc xe kéo xuồng qua đập. Trong lúc uống rượu, chúng tôi hỏi anh Hai thì được biết rằng, chẳng những anh không được thưởng công đồng xu cắc bạc nào mà ngay con đập của anh vẫn phải nộp thuế sòng phẳng như bao nhiêu người khác. Sau thành công của anh, bà con các nơi tìm đến học hỏi cách làm, được anh hướng dẫn tận tình, thậm chí anh còn đến tận nơi để giúp họ thiết kế, thi công mà không nhận tiền bồi dưỡng.

 

            Cũng như anh Năm Nhanh, người mà chúng tôi đi tìm hai ngày nhưng không gặp. Các thợ máy ở Cà Mau kể rằng, anh Nhanh là người đầu tiên thử nghiệm việc dùng máy xe hơi cải tiến thành máy thủy động cơ để chạy vỏ tốc hành. Anh Năm Nhanh thành công cho thỏa mãn sự tìm tòi sáng tạo rồi sau đó là phá sản, người khác ứng dụng sáng kiến của anh trở nên giàu có. Ngày nay, vỏ lãi tốc hành chạy bằng máy xe đã trở thành phương tiện chính trên sông nước miền Tây. Nhiều công ty ra đời chuyên nhập máy xe nghĩa địa từ Nhật, Pháp, Mỹ để cải tiến thành máy thủy, nhiều chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh vỏ tốc hành, họ trở thành những nhà tỷ phú, riêng anh Năm Nhanh thì âm thầm về U Minh chạy xe Honda ôm.

 

                                          *

3 - Chúng tôi xuôi theo dòng sông Cửa Lớn về vàm Kinh Tắc Năm Căn, một thị trấn sầm uất nằm ở đoạn cuối cùng trên Quốc lộ 1A được bao bọc bởi một vùng sông nước. Người ta gọi Năm Căn là cái túi chứa các dòng di dân từ đời này sang đời khác để rồi hình thành bộ mặt xã hội trên sông với một tính cách riêng biệt của vùng Đất Mũi Cà Mau. Ở đây, người ta xúm nhau khai thác dòng sông để kiếm sống, từ những hàng đáy bè cho đến các loại câu, lưới, rập  cua, phương tiện giao thông… Người giàu có cách khai thác dòng sông của người giàu và kẻ trắng tay cũng có cách riêng của họ. Có người đầu tư bạc tỷ để sắm một đoàn ca nô từ sáu mươi mã lực đến siêu tốc làm phương tiện đưa rước khách trên các tuyến sông từ Cà Mau đi Năm Căn, Rạch Gốc, Viên An, Tam Giang, Đất Mũi..., cũng có kẻ suốt ngày lặn hụp dưới đáy sông để kiếm tìm phế liệu, của rơi hay mò lặn thuê cho những người bị chìm xuồng.

 

            Tôi gặp cha con ông Đàm Văn Phúc và Đàm Bé Tư chuyên sống nghề thợ lặn. Ông Phúc năm nay gần bảy mươi tuổi, đã bỏ nghề vì sức yếu, anh Bé Tư mới ba mươi tuổi nhưng đã có thâm niên mười sáu năm sống dưới đáy sông. Những ngày ở vàm Kinh Tắc, tôi thường bắt gặp hai cha con họ ngồi thu mình trong căn nhà sàn lộng gió bên bờ sông Cửa Lớn. Trong nhà có cái bàn thờ tang khói hương nghi ngút. Dưới bến là hai chiếc ghe chuyên dùng cho nghề thợ lặn. Trên bờ, ngổn ngang những thứ phế liệu, từ thanh gỗ mục, tấm ván xuồng, thỏi sắt, tô chén bể… đó là những thứ còn lại sau khi đã bán tất cả những gì có thể bán được cho những người chuyên mua đồng nát. Cái dáng ngồi của hai cha con ông Phúc lúc nào cũng giống như người đang lạnh cóng, mắt trũng sâu đờ đẫn khác thường, nước da ngấm một màu nâu, tóc vàng cháy, bù xù như đống dây cước mục. Anh Bé Tư kể, cái nghề của anh là nghề cha truyền con nối từ Cần Thơ theo những dòng sông trôi dạt về đây. Vàm sông này hồi chiến tranh là căn cứ hải quân ngụy nên dưới đáy sông có rất nhiều đầu đạn và vỏ đạn đồng, nhờ thế mà gia đình anh phất lên được mấy năm. Khi anh cưới vợ, cha anh tách ra cho anh một chiếc ghe. Lúc cha anh nghỉ hưu, chiếc ghe truyền thống của gia đình được trao lại cho người anh kế - anh Ba Đức. Hơn mười năm nay, dù dưới đáy sông không còn đầu đạn và vỏ đạn đồng nhưng họ vẫn trụ lại đây vì hai lẽ: thứ nhất, Năm Căn đã là xứ tận cùng, gần giáp biển rồi thì còn biết đi đâu; thứ hai, sông Cửa Lớn vào mùa chướng thường xảy ra tai nạn chìm xuồng, những lần như thế người ta đều đến thuê anh lặn vớt tài sản, tiền công được tính theo trị giá của mỗi món đồ, nhờ thế mà sống được. Nhưng rồi tai nạn lại đến với chính người anh ruột của Bé Tư - anh Ba Đức - cách nay hai tháng, Ba Đức được thuê đi lặn mò một chiếc tàu cá bị chìm  ở độ sâu quá mức cho phép, anh bị vỡ mạch máu và tắt thở dưới đáy sông.

 

            Tôi định mua vài món đồ thả xuống dòng sông rồi thuê Bé Tư lặn mò để thực hiện những cảnh quay về cái nghề đầy nghiệt ngã này nhưng bị  anh từ chối, anh nói rằng cái chết của anh Ba Đức đã làm cho anh không còn can đảm để lặn xuống đáy sông. Anh định mua tay lưới về kéo cá sống qua ngày. Tôi nhìn cái bàn thờ tang trong căn chòi lộng gió, nhìn hai chiếc ghe bị sóng vỗ nhào lộn dưới bến sông, nhìn hai cha con ông Phúc ngồi thu mình bên ngổn ngang những đống đồ phế thải - những sản phẩm của đáy sông được vớt lên qua nhiều năm tháng - tôi chợt nghĩ, câu chuyện của gia đình họ đã vượt khỏi chất liệu của phim tài liệu bởi vì bản thân nó đã hoàn chỉnh một bộ phim truyện đầy tính nhân văn.

 

            Những ngày ấy, cứ mỗi lần bất chợt nhìn thấy cái dáng ngồi cú rũ của Bé Tư bên dòng sông mênh mông sóng nước, tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện huyền thoại về một loài chim mà có lần tôi được nghe các cụ già ngoài Thủ Tam Giang kể lại, rằng ngày xửa ngày xưa - khi con sông Cửa Lớn còn nằm giữa hai bên rừng già cô tịch - có hai anh em nhà nọ làm nghề giăng câu cá úc trên sông. Trong một đêm tối trời, lưỡi câu mắc gốc, người anh lặn xuống đáy sông để gỡ rồi bị  cá mập ăn mất xác, người em chờ mãi không thấy nên giật mạnh dây câu, lưỡi câu bị quác, người em hốt hoảng gọi: "Câu quác anh ơi! Câu quác anh ơi!". Cứ thế người em gọi mãi cho đến khàn hơi rồi gục chết trên ghe. Sau một trận mưa đêm, người em biến thành con chim câu quác. Con chim nhỏ nhắn có bộ lông màu xanh, mỏ đỏ. Đặc tính của loài chim này là chỉ sống một mình, hay đậu cú rũ trên những thân cây mục ở ven sông sau mỗi cơn mưa. Ban đêm tối trời, nó bay la đà trên mặt sông và cất tiếng kêu "câu quác! câu quác!". Tiếng kêu toát ra một thứ âm thanh thật não nùng, bi thiết.

 

            Từ ấy đến nay, cứ mỗi lần nhìn thấy con chim câu quác là tôi lại nhớ đến Bé Tư với cái dáng ngồi cú rũ.

                                            *

                                     

4 - Chúng tôi chọn nhà khách của Ủy ban huyện Ngọc Hiển làm cứ điểm để từ đó, mỗi sáng xuôi theo những dòng sông và những cánh rừng đi tìm chất liệu và chiều trở về ăn nghỉ. Nhà khách nằm bên bờ sông Cửa Lớn, cách ngã ba Kinh Tắc chừng trăm mét. Đó là nơi tạm dừng chân của những đoàn ghe từ tứ xứ đổ về. Trong những buổi chiều la cà dưới bến, tôi làm quen với một người mà sau này anh trở thành một trong những nhân vật hấp dẫn của bộ phim - anh Nguyễn Văn Sấn - hai vợ chồng cùng với bốn đứa con trên một chiếc ghe câu.

Một buổi chiều tôi phát hiện Sấn ngồi trầm ngâm trước mũi ghe với tấm lưng trần cháy nắng, hai tay khoanh trước ngực, mắt ngó bâng quơ về phía xóm nhà xa tít bên kia sông. Anh đang mơ ước một ngôi nhà chăng? Phía sau lái ghe, chị Hen - vợ anh - đang làm bữa cơm chiều, đứa con gái lớn khoảng mười sáu tuổi đang gọt bầu giúp mẹ, ba đứa nhỏ vô tư ôm con chó cò vạch lông tìm bọ chét.

 

            Quay xong cảnh ấy, Dũng quệt mồ hôi trán rồi lắc đầu nói nhỏ với tôi:

 

            - Tội nghiệp con bé, nó sắp trở thành một cô gái hẳn hoi rồi. Những sinh hoạt cá nhân của nó, sinh hoạt vợ chồng của anh Sấn sẽ ra sao khi tất cả phải diễn ra trên một chiếc ghe nhỏ xíu.

            Sáng hôm sau, chúng tôi vào quán cà phê thì thấy anh Sấn đã ngồi trong đó, anh nói:

 

            - Hôm nay là ngày lễ Vu Lan, vợ chồng em nghỉ giăng câu một ngày để nấu nồi chè, trước cúng ông bà, sau cho mấy đứa nhỏ nó ăn. Vả lại… tụi nó cũng muốn được xem vidéo một đêm cho đã.

 

            Sấn kể, quê anh ở xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Một vùng đất chuyên sống nghề trồng lúa, gia đình anh có sáu anh em nhưng chỉ có sáu công ruộng. Người anh lớn lấy vợ và sống nhờ bên vợ, đứa em gái lấy chồng và theo chồng về quê. Sấn với người chị thứ ba và ông anh thứ tư cộng lại tới mười ba đứa con phải sống chung một nhà với cha mẹ và thằng em trai út. Sáu công ruộng không thể nuôi nổi hai mươi mốt miệng ăn. Năm 1995, sau khi cưới vợ cho thằng em út, gia đình họp lại bàn kế sinh nhai và đi đến một quyết định cuối cùng: giao sáu công ruộng lại cho thằng út nuôi cha mẹ, ba gia đình anh chị kéo nhau xuống ba chiếc ghe câu. Gọi là ghe vì nó không phải là chiếc xuồng chớ thật ra nó chỉ lớn hơn chiếc xuồng một chút. Một chiếc ghe gỗ tạp, một chiếc máy thủy bốn mã lực tân trang, một ngàn năm trăm lưỡi câu cá ngát, tất cả trị giá khoảng hai chỉ vàng, vậy mà nó lại là phương tiện ăn ở cho cả sáu người.

           

            Trong trường hợp này, tôi không thể hỏi anh Sấn về chuyện học hành của những đứa con anh. Khi tôi hỏi anh có dự định lên bờ không, anh nói:

 

            - Sống bằng cái nghề này thì biết chừng nào mới có vốn để lên bờ. Em chỉ mong sao có đủ tiền để sắm thêm một chiếc ghe cho hai đứa lớn.

 

            Ở cái bến sông này, anh Sấn không phải là những số phận hiếm hoi.

 

            Chiều hôm ấy, chú Ba Hồ Tây - một thành viên trong đoàn phim phụ trách nhiếp ảnh - dẫn tôi xuống bến để làm quen với ông Ba Lợi, năm mươi ba tuổi, cụt cánh tay mặt. Khác với anh Sấn, ông Ba Lợi góa vợ, ông sống trên chiếc ghe câu với một đứa con gái chín tuổi và một đứa con trai bảy tuổi. Ông nói hồi trước vợ chồng ông cũng có căn chòi nhỏ trong khu rừng bên xã Tam Giang, khi Lâm trường 184 thành lập, ông bị đuổi đi vì cư trú trái phép. Vợ chồng ông phải dời qua khu rừng khác, vài năm sau, Lâm trường Tam Giang ra đời, ông lại bị đuổi đi cũng vì lý do cư trú trái phép. Lần này vợ chồng ông nghĩ rằng trên rừng không còn đất sống nên quyết định mang hai đứa con xuống ghe, một đứa ba tuổi và một đứa mới lên sáu tháng. Hai tháng sau, vợ ông bệnh nặng, trút hơi thở cuối cùng ngay trên chiếc ghe câu. Không có chiếu, ông lấy tấm cao su che mưa để bó xác vợ mình rồi lấp vội bên bờ sông Tam Giang, ba cha con ông tiếp tục cuộc hành trình trên sông nước. Ba năm sau, tình cờ một buổi chiều đậu ghe ở vàm Ông Định, ông gặp một người đàn bà cùng cảnh ngộ - bà Nguyễn Thị Út, bốn mươi tuổi, góa chồng, nuôi sáu đứa con nheo nhóc trên chiếc ghe câu. Từ chỗ đồng nghiệp, đồng cảm đến đồng vợ đồng chồng. Hai người chung sức nuôi tám đứa con. Thế nhưng không đầy một năm, những đứa trẻ bất hòa, hai người không dàn xếp được, thế là ghe ai nấy đi, mỗi người trôi theo một dòng sông khác.

 

            Khi dựng cảnh quay cuối cùng về ông Ba Lợi, tôi cho hai đứa bé nằm ngủ, ông ngồi hút thuốc bên cạnh cái bếp un. Tôi bảo ông hãy nhìn lên bìa rừng và tưởng tượng trên đó là ngôi mộ của người vợ quá cố. Ông lặng lẽ làm theo, vài phút sau, trên đôi má nhăn nheo và đen sạm của ông bỗng ánh lên hai dòng nước mắt.

 

                                     *

 

            5 - Đã có nhiều, thậm chí rất nhiều nhà văn trên đất nước này bày tỏ cảm xúc trước đầm Bà Tường bằng nhiều cách viết khác nhau. Nhà văn Nguyễn Quang Thân không kiềm chế được đã hô vang trên mặt đầm khi anh vừa mới đến: Ôi, tuyệt vời hơn cả Hồ Tây! Tôi là người bản địa, đã đến đây không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn cảm thấy bồi hồi trước một vùng nước mênh mông hiện ra trong mắt. Làm phim về sông nước Cà Mau thì không thể thiếu đầm Bà Tường dù chỉ một cảnh quay.

 

            Lần này trở lại đầm, tôi tỏ ra lấy oai với đoàn phim vì mình đã có ông anh kết nghĩa ở đây, ở căn chòi giữa mênh mông đầm nước, đó là vợ chồng anh Ba Hùng và chị Phượng. Thật ra cũng là chuyện tình cờ, cách nay hai tháng, tôi thuê chiếc vỏ lãi đưa hai vợ chồng nhà văn Dạ Ngân và Nguyễn Quang Thân một chuyến chu du khắp vùng Đất Mũi, khi đến đầm Bà Tường, thấy căn chòi bỏ trống giữa đầm, chúng tôi bày rượu ra nhậu để thưởng thức cái không khí trong lành của trời nước hoang vu, vừa chờ đến tối để xem đèn lú rực lên như hàng triệu ngôi sao lung linh trên mặt nước. Không ngờ đang nhậu thì hai vợ chồng anh chủ nhà bơi xuồng về tới. Chúng tôi đang ngượng ngùng chưa biết ăn nói ra sao về cái tội xâm phạm gia cư bất hợp pháp thì vợ chồng anh chủ nhà tỏ ra áy náy và lên tiếng xin lỗi chúng tôi vì khách đến mà chủ nhà không kịp về để tiếp. Thế rồi anh vô bờ mua gà và mời mấy người bà con trong xóm ra nhậu với chúng tôi gần suốt cả đêm. Sau chuyến đi ấy, anh Nguyễn Quang Thân về Hà Nội lấy oai với bạn bè đồng nghiệp về cái bản sắc văn hóa của những con người ít chữ nghĩa trên Đất Mũi Cà Mau qua những trang mô tả tính cách của vợ chồng anh Ba Hùng và chị Phượng.

 

            Khác với những trang viết của anh Nguyễn Quang Thân, tôi tìm đến anh Ba Hùng lần này là để tìm một nhân vật cho bộ phim Một vùng sông nước. Anh Ba Hùng quê ở Kiên Giang, năm mười ba tuổi, anh đã đi làm liên lạc cho ông Nguyễn Ngọc Hoằng - ông Hoằng sau này là giám đốc Nông trường Sông Hậu nổi tiếng, cha của chị Nguyễn Ngọc Sương, vị giám đốc kế nhiệm và đương nhiệm ngày nay.  Năm mười bảy tuổi, Ba Hùng đi bộ đội. Đến năm 1981, anh sang chiến đấu ở Campuchia. Năm 1986, anh được giải ngũ và về cưới vợ - tức chị Phượng bây giờ. Ở Vĩnh Thuận, anh làm ngư phủ được ba năm, anh bỏ nghề lên bờ làm thầu số đề, bị sập thầu, vỡ nợ đến trắng tay, hai vợ chồng ẵm đứa con mới sanh đi trốn nợ. Đó là lý do vì sao anh không còn đất sống phải ra cất chòi ở giữa đầm. Về đây, Ba Hùng mua lại giàn lú tám chục miệng để đặt tôm mua gạo sống qua ngày. Mới đó mà đã mười năm, vợ chồng anh sanh thêm một đứa con trai, còn tài sản thì vẫn là căn chòi và tám mươi miệng lú.

 

            Chúng tôi đến lần này cũng vào một buổi chiều. Thấy tôi, chị Phượng mừng rỡ như gặp người thân. Chị nói anh Hùng đi đám cúng cơm trong bờ, chị bảo chúng tôi ngồi chơi để chị bơi xuồng đi rước. Lát sau anh Hùng về, có cả mấy người trong xóm. Anh ngồi giữa xuồng, hai tay ôm choàng can rượu, đầu gục lên gục xuống, miệng hát nghêu ngao: Xưa thật là xưa, nhớ mấy cho giừa nhớ mẹ kể đêm mưa, có ông Ba Hùng, dắt con ra đầm tự nhiên xây cất…

 Sáng hôm sau chúng tôi tỉnh dậy trong một cơn mưa tầm tã, mưa trắng xóa mặt đầm, sóng to, gió lớn. Mở chiếc radio, nghe đài báo tin áp thấp nhiệt đới.

 

            Chúng tôi ở trong căn chòi của anh Ba Hùng suốt bốn ngày mưa gió. Căn chòi khoảng mười sáu mét vuông nằm chơi vơi giữa đầm ấy, vừa chịu đựng những cơn giông của áp thấp nhiệt đới, vừa phải gồng gánh một đoàn phim sáu người cộng với hai vợ chồng và hai đứa con của anh Ba Hùng. Thật là một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp. Căn chòi nằm cách bờ có hơn năm trăm mét, mỗi ngày chị Phượng phải bơi xuồng đưa hai đứa con lên bến, ở đó chúng đón tàu đò đi thêm năm cây số nữa mới đến trường. Buổi chiều, chị lại bơi xuồng lên bến đón chúng trở về. Như vậy, nếu tính ra một năm học của hai đứa con, chị Phượng phải bơi hàng trăm cây số.

 

            Công việc mưu sinh của vợ chồng chị cũng chẳng dễ dàng chút nào. Khi mặt trời sắp lặn là chị phải trầm mình dưới nước sâu ngang ngực để kéo chiếc xuồng đi treo đèn lú. Sáng sớm, lại phải trầm mình đi đổ lú. Mỗi ngày kiếm được vài trăm gram tôm bạc, bán được vài chục ngàn đồng. Phần cá tạp gồm nhiều thứ như cá đối, cá nâu, cá phi, cá mè… chị dành lại cho bà con trên bờ. Tôi hỏi sao không bán, chị nói cho để giữ cái tình với bà con trên bờ, ở đầm này ai cũng vậy, hễ tôm thì bán còn cá thì cho, có khi cá nhiều hơn tôm cũng cho, thay vì bán cũng được vài chục ngàn đồng. Cứ mỗi sáng, trước khi chị Phượng đi đổ lú về thì đã có bốn năm người bơi xuồng đến chòi chờ sẵn. Sau khi cân tôm cho lái, chị chia đều phần cá ra cho mỗi người, kể cả phần của chị. Thì ra điều ấy đã trở thành một thói quen, một nguyên tắc sống của đạo lý trên đầm Bà Tường.

 

            Bốn ngày lánh nạn áp thấp nhiệt đới trong căn chòi của anh Ba Hùng kể ra cũng là điều may mắn vì trong cái sự bất khả kháng ấy, ống kính chúng tôi đã mô tả được sự tần tảo của vợ chồng anh Ba Hùng trên đầm trong sự nghiệt ngã của gió mưa.

 

                                           *

 

            6 - Uống gần cạn bình trà, tôi hỏi anh Ba Dũng :

 

            - Anh Ba năm nay mấy mươi rồi ta?

 

            - Bốn mươi chín.

 

            - Già rồi mà còn chơi cái đầu đinh kỳ lắm nghen! - Tôi nói.

 

            Ba Dũng đưa tay vuốt đầu và nhăn mặt cười bẽn lẽn:

 

            - Chú nói tới cái đầu tôi mới nhớ. Hồi tôi nghèo, cái đầu tôi bạc trắng, bạc đến nổi thành danh Dũng đầu bạc ở cái xứ này. Mà hồi đó tôi mới có ba mươi tuổi chớ bao nhiêu. Vậy mà bây giờ, khi mình giàu lên rồi, bỗng dưng tóc nó đen lại. Nhiều lúc tôi nghĩ, chẳng lẽ khi mình đổi đời thì mái tóc nó cũng đổi màu theo?

 

            Sáng hôm ấy tôi nói với Đào Anh Dũng rằng hãy dựng lại cái cảnh anh Ba Dũng đang kè những tảng đá dưới bờ sông để khẳng định cái bến của nhân vật này đã vững vàng so với những mảnh đời còn lênh đênh trên sông nước.

 

            Theo sự hướng dẫn của anh Út Ky, cán bộ xã Đất Mới, chúng tôi đến nhà anh Ba Dũng chỉ với mục đích là quay cảnh xổ tôm để giới thiệu cái sản vật độc đáo của Một vùng sông nước. Nhưng không ngờ lại bắt gặp một con người có cái lai lịch vô cùng hấp dẫn.

- Hồi năm 1980 - Ba Dũng kể - Hai vợ chồng tôi về đây, tài sản vỏn vẹn chỉ có chiếc xuồng be chín chở mười bó lá dừa với một hũ gạo chừng hai chục ký, một cái nồi nhôm, hai cái chén, hai đôi đũa. Tôi mà có nói gian cho trời giết tôi chết liền. Xứ này hồi đó rừng không, dân có tiền ai thèm vô đây.

            - Mà tại sao anh vô đây?

            - Vậy chớ hổng vô đây thì biết đi đâu với hai bàn tay trắng?  Chú nghĩ coi, gia đình tôi tới mười hai anh em mà chỉ có mười ba công ruộng. Mình cưới vợ rồi thì chết sống gì cũng phải ra riêng chớ ở đó mà giành ăn với em út coi sao được.

           

            Một chiếc xuồng con, mười bó lá dừa, một hũ gạo mà trở thành tỷ phú…

 

            Tôi đang say mê với ý tưởng ấy thì Ba Dũng kể tiếp:

 

            - Chú biết không, năm năm sau tôi mới mua được cái khạp da bò để đựng nước uống, chớ lúc đầu mượn không.

 

            - Kể chuyện lúc mới lên bờ nghe chơi!

 

            - Tôi dựng căn chòi chừng hơn chục mét vuông. Thằng Dừa, con trai đầu lòng của tôi, lúc đó mới mười sáu tháng. Sáng sớm vợ chồng tôi đi làm, đóng cửa nhốt nó trong nhà, lấy dây cột ngang eo ếch, một đầu cột vô vách không cho nó bò xa. Có hôm chiều về thấy nó ỉa trây cho tới cứt khô luôn.

 

            Vợ thằng Dừa đứng sau cửa buồng nhìn chồng cười chọc quê, cả nhà cười rộ lên. Tôi hỏi tiếp:

 

            - Lúc đầu anh làm gì?

           

            - Phá rừng làm ruộng. Hồi đó đất này toàn rừng tạp, mắm, vẹt dù, cóc, xu, đước, chà là, cóc kèn,… Giải phóng ra, Nhà nước quy hoạch khu kinh tế mới cho dân Hà Nam Ninh mà tôi lại là dân bản xứ nên lúc mới vào đây bị chính quyền đuổi đi không cho ở. Tôi năn nỉ hết mấy ngày, cuối cùng mấy ông xã bảo tôi làm đơn mang về quê cho chính quyền địa phương bên huyện Cái Nước xác nhận là không có đất rồi cắt hộ khẩu chuyển qua. Phải chèo tới chèo lui cả tháng trời mới làm xong thủ tục. Năm ấy tôi khai phá được hai chục công. Chú biết không, khai phá đất rừng đâu phải là chuyện dễ, phải đốn cây gom lại thành đống, chờ cho khô rồi đốt. Sau đó phải đào bới từng gốc, vợ chồng ì ạch khiêng lên bờ. Dọn đất xong rồi phải chèo đi khắp nơi mua từng xuồng mạ, gần hai tháng trời mới xong vụ cấy. Vậy mà có dễ ăn đâu. Lúa vừa chín thì lũ heo rừng, chồn, sóc, chim, chuột phá sạch. Mình chỉ ăn được lúa mót. Dân Hà Nam Ninh chịu không nổi lần lượt bỏ đi, vợ chồng tôi kiên trì ở lại, hết làm ruộng tới làm rẫy, hết làm rẫy thì đi đào đất mướn. Dần dà cũng có dư chút đỉnh, tôi mua lại phần đất của những người bỏ đi. Nói cho ngay, giá đất hồi ấy rẻ mạt, nhờ vậy mà tôi mua thêm được tám chục công, tính ra khoảng vài chục cây vàng.

 

            - Còn giá bây giờ thì sao?

 

            - Bây giờ hả? Một trăm công đất của tôi, nói xin lỗi, ba trăm cây vàng chưa rớ được!

           

            - Anh giàu lên từ lúc nào?

 

            - Khi con tôm lên ngôi, cả vùng này chuyển sang nuôi tôm. Nhờ diện tích đất tôi lớn nên thu nhập cao, tích lũy được. Đến năm 1994, nạn tôm chết kéo dài, nhiều người lại bỏ đất ra đi. Một lần nữa, vợ chồng tôi kiên trì ở lại. Tôi chuyển sang nuôi cá, nuôi cua, vậy mà năm nào tôi cũng kiếm được cả trăm triệu đồng. Đến năm 1997, tôi chuyển sang nuôi tôm sú bán thâm canh, ông trời đãi tôi mấy năm lên tiếp.

 

            - Bây giờ Dũng đầu đinh tích lũy được bao nhiêu rồi?  Nói thiệt nghe chơi!

 

            Ba Dũng vừa gãi đầu, vừa ngập ngừng nói:

 

            - Cái này... nói thiệt nghen. Anh em tới đây chia sẻ niềm vui với tôi, tôi hãnh diện lắm nên chẳng giấu giếm làm gì. Vàng thì một trăm tám chục cây, mới mua miếng vuông bên Kinh Đứng một trăm cây nữa là hai trăm tám, cộng thêm miếng vuông sau nhà tính giá bèo ba trăm cây nữa là năm trăm tám, cọng thêm căn nhà mới xây năm chục cây nữa là sáu trăm ba.

 

            Còn đồ đạc trong nhà thôi nghen, lặt vặt khỏi tính.

           

            - Có lưới điện quốc gia bao lâu rồi?

 

            - Hồi tháng ba năm 1999. Chú nói tới điện tôi mới nhớ, hồi đó vợ tôi phải bơi xuồng đi đổi nước cách đây ba cây số. Xứ này nước chảy xiết, phải đợi nước lớn bơi đi, nước ròng bơi về. Có bữa về gần tới nhà gặp xuồng máy chạy qua, sóng đánh chìm xuồng. Vậy là phải lặn mò khạp lên, tát nước xuồng, đợi con nước sau mới đi chở tiếp. Còn bây giờ, khoan giếng nước tại nhà, đặt cái bồn inox trên lầu, gắn cái máy bơm có rờ - le tự động. Hễ hết nước thì nó tự bơm, bơm đầy thì nó tự ngắt.

 

            - Bây giờ Dũng đầu đinh còn mơ ước gì nữa không?

 

            - Tôi chỉ có ba đứa con. Thằng Dừa có vợ có con rồi, tôi sẽ cho nó một cái vuông tôm, cái vuông mới mua một trăm cây vàng bên Kinh Đứng. Thằng Nước đang học lớp mười, con Ngọt đang học lớp tám. Tôi phải lo cho hai đứa nó học hành tới nơi tới chốn. Đó là mơ ước lớn nhất của tôi, nếu tụi nó mà hư hỏng thì dù tôi có vàng kho cũng kể như vô nghĩa.

 

            Chúng tôi thực hiện cảnh quay cuối cùng của bộ phim: Thằng Dừa mở chương trình vidéo ca nhạc trên đầu CD, vợ chồng anh Ba Dũng và đứa cháu nội - con trai đầu lòng của thằng Dừa, cũng mới mười sáu tháng - ngồi xem trên bộ salon. Khi tiếng nhạc phát ra, thằng bé nhìn lên màn hình vừa cười vừa nhảy nhót lưng tưng. Vợ thằng Dừa đứng nép bên cửa buồng, hết nhìn con rồi lại nhìn chồng cười chúm chím. Trong ánh mắt ấy, chắc có hình ảnh thằng Dừa hồi mười sáu tháng tuổi mà cha chồng nó vừa kể với chúng tôi.

Ôi! Những thước phim của đời thường vô giá!

 

                                                         Cà Mau, tháng 3 năm 2001

                                                                                                                            V. Đ . D

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3652
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)