Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
646
123.242.447
 
Hai nửa cuộc đời
Ngô Thị Ðồ Mi

            Cổng và hàng rào nhà tôi trồng hoa quỳnh anh.Cổng và hàng rào nhà  Ngọc Cầm trồng hoa tím leo. Tôi và cô ấy luôn giữ ý thích mình.Có điều trên bàn tôi thỉnh thoản có vài cành hoa " Forget me not" do cô ấy đem sang. Ai đó đã bảo " hoa bâng khuâng", tôi cũng cho như thế, những cánh hoa bé nhỏ tim tím vẫn làm tôi bồi hồi nhớ đến một tình yêu.

           

            Ngọc Cầm ở cạnh nhà tôi, học chung lớp thời trung học, đến Long Xuyên cũng học chung trường sư phạm, chúng tôi mặc nhiên coi nhau như anh em. Thụy Yến là bạn học của Cầm. Yến hiền dịu,xinh đẹp và không biết tự lúc nào tôi chợt nhớ nhung khi không gặp em, tôi bắt đầu vơ vẩn làm thơ tình và đưa đón em. Con ngõ nhỏ ra đại lộ có bóng râm và hoa vàng rực rỡ đã in bao dấu chân của hai đứa tôi.

           

            Thụy Yến đố tôi tên của hoa tím trồng ở trước nhà trọ. Tôi được Ngọc Cầm mách hộ và không biết ở đâu cô ấy có câu chuyện đầy xúc động về loài hoa tim tím bé nhỏ. Tôi kể cho Thụy Yến  nghe và nói rằng tôi yêu loài hoa này nhất, hoa forget me not !

 

            Thế rồi chuyện tình nên thơ trong sân trường sư phạm đã kết thúc. Ngày em ra trường, những cánh thư về tôi thưa dần và một ngày không xa, tôi hay tin em lấy chồng. Tôi thờ thẩn khi giận khi buồn, tìm lý do biện bạch cho chuyện em sang ngang. Mười sáu năm đã trôi qua ( tôi gần ở tuổi bốn mươi mà vẫn còn độc thân). Nhiều lúc tôi đã chế nhạo mình làm người chung thủy. Thật ra có những mối tình đi qua trong đời nhưng tôi vẫn chưa có niềm rung động nào thật sự. Ngọc Cầm lập gia đình và đã dang dở. Cô ấy vẫn là người láng giềng đáng mến của tôi, hiểu tình tôi nên vẫn thỉnh thoảng d8em vài cành hoa tím cắm trên bàn nhà tôi. Có lúc tôi muốn nói với cô ấy rằng đừng làm chuyện vớ vẫn ấy nữa ( vì lần nói yêu hoa này với Thụy Yến chỉ là nói dối). Nhưng đọc được ánh mắt và tình cảm của Ngọc Cầm tôi lặng yên. Cứ để cô ấy nghĩ rằng chưa quên thụy Yến. Vắng một tuần, cô ấy nuôi mẹ bệnh ở Long Xuyên, con bé Ngọc Tú đem hoa sang :

 

            - Mẹ bảo con sang cắm hoa cho chú.

            - Cám ơn hai mẹ con nghen.Sức khỏe ngoại như thế nào rồi ?

            - Ngoại con khỏe nhiều rồi chú ạ !

            - Con có định đithăm ngoại không ?

            - Mẹ bảo con dự lễ sơ kết học kỳ I xong là xuống rước ngoại về với mẹ.

            - Học kỳ này con được hạng mấy ?

            - Dạ … hạng ba.

           

            Con bé thế mà giỏi. Vừa đi học vừa phải tiếp mẹ chăm sóc ngoại thường xuyên đau ốm  lại còn tiếp dì buôn bán ở chợ để kiếm thêm tiền quà bánh sách vở. Nếu có điều kiện chắc khả năng nó còn vượt xa hơn.

            - Con xuống Long Xuyên cho chú gởi lời thăm ngoại nhé !

            - Dạ…

 

            Nhìn theo bóng con bé, tôi thoáng chút tiếc rẻ cho cuộc đời độc thân của mình. Nếu Thụ Yến không lấy chồng,nuế mình và Thụy Yến … Ôi , có lẽ tôi cũng có những đứa con dễ thương…

            Mười sáu năm trong nghề dạy học, tôi mới gặp trường hợp này. Tôi cố bình tĩnh nhìn thằng bé trước mắt :

            - Ý kiến này là của ai ?

            - Dạ… của em.

Tôi gằn giọng :

            - Thật không ?

            - Thật..!.

 

            Tôi thở phào, cũng may là không phải ý kiến của phụ huynh, và tôi cố tin như thế. Tôi mới làm chủ nhiệm lớp này thay cô Vân nghỉ hộ sản. Tuy không nắm hết học sinh nhưng tôi cũng biết vài phần tử đặc biệt trong lớp. Hoàng Dũng là con của một cán bộ nào đó mới chuyển về, gia đình thuộc loại khá, học có năng lực nhưng thích chơi nên cuối học kỳ chỉ đạt loại trung bình. Giờ đây nó gặp tôi làm thêm một tờ giấy khen " Học sinh giỏi" để trình với bố, như thế nó sẽ được bố sắm cho một chiếc xe gắm máy và nghỉ tết ở thành phố Hồ Chí minh, thỏa thích rong chơi. Nó bảo bố chẳng có thời gian đâu mà đối chiếu, hỏi tới lui, cứ có giấy khen  là được, chẳng hề gì đâu mà phải ngại. Tôi nghiêm giọng:

 

            Sao em không cố gắng trong lớp học để khỏi phải yêu cầu tôi làm chuyện này, khả năng em có thừa mà ?

            Dũng lí nhí :

            - Lỡ rồi thầy ơi ! - Nó năn nỉ tiếp - Thầy ráng giúp em. Em sẽ hậu tạ cho thầy.

            "Bốp"  tôi giáng cho em một bạt tay, run giọng :

            - Em về đi, tôi sẽ bàn chuyện này với ba mẹ em…

 

            Thằng bé không ngờ tôi phản ứng mạnh quá, đưa tay xoa mặt bước ra. Tôi bần thần, bực tức, khó chịu thế nào ấy.Cơn gió mùa đông lộng qua khung cửa lành lạnh, cành hoa tím trên bàn khẽ rung ring… Tôi bổng sợ cái không khí vắng lặng của ngôi nhà.

 

            Tôi bước vào phòng giáo vụ, gặp phụ huynh của Dũng theo lời mời. Một người đàn bà dáng vẻ sang trọng đứng lên chào tôi. Cả hai ngỡ ngàng.

            - Thụy Yến.

            - Anh Quang…

            Một thoáng xôn xao đi qua, tôi kéo ghế ngồi đối diện với Yến. Mười sáu năm, gặp lại em, tuy có nét già dặn hơn xưa nhưng em xinh đẹp hơn, vẻ đẹp phấn son, quần áo… Tôi thấy chút gì se sắt.

            - Yến là mẹ của Dũng ?

            - Dạ.

            - Yến hiểu chuyện của Dũng chứ ?

            Yến lắc đầu :

            - Chưa anh ạ.

            - Tôi kể cho Yến nghe, Yến thở dài :

            - Thật hết nói nổi.

            Yến cho tôi biết những khó khăn trong việc giáo dục con cái. Chồng Yến lo công tác. Lo kiếm tiền, chiều con. Yến dạy con nhưng nó không nghe… Yến dịu dàng nhưng thiếu cương quyết. Điều này tôi chợt hiểu ra. Ngày đó,yêu em chỉ gặp được em là tôi hạnh phúc. Đứng trên cửa sổ lớp học trường sư phạm tôi thấy em cùng bạn bè đang cắt lá trên luống khoai của lớp lao động, tôi nói lớn :

            - Bán bao nhiêu anh mua cho ?

            - Em giả bộ ngó lơ, lũ bạn thì réo ầm ĩ.

            - Ê này anh kia, không xuống tiếp mà leó nhéo gì đấy !

            Tôi cũng la lên :

            - Cho nhé !

            Rồi tôi chạy như bay xuống cầu thang :

            - Đâu nào, cho tôi làm việc gì nào ?

            Một cô bạn liếng thoắng :

            - Thụy Yến hái lá, anh lấy lá gắn vô.

            Cả bọn cười. Tôi cũng cười rạng rỡ vì có em, gần em. Em bối rối chẳng mồn mép như lũ bạn, em chỉ cười.

 

            Đúng, em hiền dịu thấy thương nhưng em không chủ định được tình cảm mình. Em trao tôi những bài thơ trản đầy xúc cảm vậy mà… Tôi chẳnng biết mình giận ai đây, giận em hay giận tôi ? Hắn đã xuất hiện, xen vào chuyện của tôi và em như một trò đùa, một định mệnh. Một buổi trưa khi lũ bạn kéo xuống thư vịên, ở đấy đã có hai cô giáo sinh đang ngồi xem sách. Cả bọn tôi tìm sách, đọc sách. Hắn hỏi nhỏ tôi :

            - Ê Quang cậu thấy con nhỏ tóc dài dài ấy được không ?

            - Được !

            - Được là thế nào ? Mấy diểm ?

            - Không đẹp nhưng dễ coi, hiền dịu, với tớ thì trên trung bình rồi.

            - Quen không ?

            - Tất nhiên, học chung lớp văn với Ngọc Cầm mà !

            - Tên ?

            - Thụy Yến.

            - Nghe hay nhỉ !

            Thế rồi chẳng biết vô tình hay cố ý mà hắn nhờ tôi trao thư. Nhận thấy điều nguy hiểm cho mình, tôi nói thật :

            - Cô ấy là người yêu của tớ.

            Hắn bĩu môi không tin, có lẽ là vì tôi là người hay đùa. Hay biết mà hắn cố tình giành em ra khỏi tôi ? lần chia tay ra trường hắn bắt tay từ giã, mặt hắn đầy vẻ xúc động, em bối rối trong tay hắn. Thế rồi cái may nắm của hắn là cái rủi của tôi. Hắn ra trường chung nhiệm sở với em. Để tôi…

 

            Tôi dối tôi rằng em phụ tôi vì lòng hiếu thảo. Giờ đây qua lời kể của em về việc giáo dục con bằng cưng chiều, tiền bạc, tôi hiểu thêm rằng em dịu dàng nhưng thiếu cương quyết vì thế mà không gian dễ bắc cho em nhịp cầu mới,  dễ dàng ru em ngủ quên trong bóng mát tùng quân. Lần trở lại nay em đã khác xưa rồi. Khác lần đầu " về thăm quê anh". Em nói rằng em yêu những đường phố Châu Đốc loanh quanh nhỏ hẹp nhưng yên ả, em yêu cảnh thanh bình của đêm trăng trên ngã ba sông và cây phượng già đón đàn chim ém mùa xuân… Ừ nhỉ, tại sao tôi đòi hỏi em những hoài niệm thừa thải ấy ? Em không hỏi thăm, không nhắc chuyện cũ. Em như người lạ… Tất cả là đúng. Một thoáng xôn xao, se sắt qua đi.Tôi ngạc nhiên sao mình cũng bình thản lạ lùng. Tôi nói với em đôi điều về vấn đề sư phạm. Em nhận lỗi, hứa dạy bảo con cái cẩn thận hơn.

 

            - Cần phải cứng rắn hơn nữa Yến ạ - Khi tôi tiễn Yến ra cửa, em còn dặn dò tôi :

            - Anh đừng nói lại với Ban Giám Hiệu nghe, nó bị kỷ luật tội nghiệp.

            Tôi cười buồn không nói gì. Tội nghiệp nó hay tội nghiệp tôi hở Yến. Cuộc sống của gia đình em quen mua rồi sao ? Ngày trước ba nó mua tình yêu bằng tiền rồi hôm nay nó định mua nhân phẩm ngừơi thầy của tôi nữa. Cái từ " hậu tạ" nó dành cho tôi thật chua chát quá.

           

            Chưa muốn về nhà vội. Tôi đạp xe dọc theo bờ sông. Ừ nhỉ, sao mấy hôm nay tôi sợ cái không khí lặng lẽ của ngôi nhà. Như thiếu một cái gì đó, không gian cô đặc nỗi quạnh quẽ, làm mình xốn xáng không chịu được.

 

            Những ngày giáp tết, bên bờ sông Châu Đốc lại xuất hiện chợ hoa xuân rực rỡ, những cành mai mảnh dẻ mang cánh vàng nhỏ bé nhưng trràn đầy sức sống, nững đóa hồng đỏ thắm, những đóa vạn thọ vàng tươi… Mỗt loại hoa mang lại một ý vị cho cuộc đời. Cánh hao tím bâng khuâng trên ban không phải là một hoài niệm mà là sự tô điểm. Tôi mỉm cười với ý nghĩ mới mẻ này.

 

            - Con bé Ngọc Tú đem hoa cắm trên bàn nhà tôi

            - Chút nữa con đi Long Xuyên rước ngoại về. Ngoại hết bệnh vui quá chú ơi.

            - Chú cũng vui nữa.

            Tôi dừng lại ở ý nghĩ" niềm vui cộng hưởng hai nửa cuộc đời"

            - Chú sẽ đi với con.

            Con bé ngạc nhiên nhìn tôi. Nó không hiểu. Chỉ có tôi hiểu tôi nói gì và nghĩ gì. Mùa xuân xôn xao ngoài ngõ, trên giàn hoa tím và quỳnh anh…

Ngô Thị Ðồ Mi
Số lần đọc: 2440
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Hai nửa cuộc đời (truyện ngắn)