Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.216
123.206.988
 
Hò giã gạo Bình Định – sản phẩm độc đáo của nhà nông
Mai Thìn

Cũng như nhiều điệu hò khác, hò giã gạo ở  Nhơn Thành cũng như Bình Định xuất phát từ những yêu cầu của đời sống nhà nông, mà cụ thể ở đây là công việc giã gạo. Bởi vậy, nó nhịp nhàng laị mạnh mẽ và giàu tính chiến đấu, song không thiếu chất trữ tình và lãng mạng. Nội dung câu hò thường mộc mạc, rõ ràng, dứt khoát, có tác dụng kích thích làm việc, xua tan mọi mệt mỏi và là thứ giải trí cho người lao động đỡ buồn trong lúc phải mãi làm cái công việc đều đều là nâng lên hạ xuống.

Hát hò giã gạo còn là nơi hò hẹn, nơi thổ lộ tâm tình đôi lứa, chẳng thế mà không ít trường hợp từ hát hò đã nên duyên, nên nợ, sống trọn đời  hạnh phúc.

          Sau một ngày gặt lúa, chiều xuống, trăng lên, những đôi nam nữ hẹn gặp nhau trước sân nhà đã tụ hội về với cối, chày, với   giần, sàn và những mẻ lúa vàng tươi … Dăm ba người dục nhau cầm chày. Thế là có tiếng thình thịch, có điệu lấy hơi, có điệu cầm tay, lại có lời nồng nàn khi giải lao, nghỉ sức.

 

Công việc giã gaọ thường làm chung hai người một cối, có lúc một nam một nữ, hoặc hai nam hai nữ. Nhưng hò đối đáp thì chia hai phe, một bên nam, một bên nữ.

 

Gọi là hát hò bởi trong một đám hát để tạo sự phấn chấn trong khi hát, bắt đầu là tập thể cùng hò: Ớ lên  bạn hò-hò là hê, tiếp sau đó một người hát, cứ dứt một nhịp thì tất cả đồng thanh: Hò là hê và kết thúc một câu hoặc bài  thì: Hò là hê khoan.

            Em hỏi anh con rít mấy chưn                       - Hò là hê

            Cầu ô mấy nhịp                                           - Hò là hê

            Chợ Dinh mấy người                                   - Hò là hê khoan

 

            Hát    có thể tiến hành được ở mọi nơi, mọi công việc, từ  đi cấy, đi nhổ cỏ, kéo sợi, quay tơ, giã vôi đến kéo lưới… miễn là đủ người hát. Hình thái sinh hoạt này có khi ngẫu hứng bất chợt, có khi được chuẩn bị  chu đáo, đặc biệt là  hò giã gạo thì phải có  địa điểm, phải có lúa thóc, giầng sàng…

 

            Trên sân rộng được bày ra một hàng từ 3 đến 5 cối giã, hay nhiều hơn, tuỳ số lượng người tham gia. Mỗi cối là một đôi nam nữ cầm chày,  đứng đối diện thành hai hàng,  nam một bên, nữ một bên.

 

 Để đủ thời gian suy nghĩ đối, đáp phải hát theo hàng mà thường là nữ hát trước nên phái yếu bao giờ cũng chủ động hơn.

 

 Mở đầu cho buổi hát hò là: Hát gặp gỡ, hát chào mời , hoặc còn gọi là hát rao:

 

Trước xin chào cây lê cây lựu

Sau xin chào bạn cựu bạn tân

Chào luôn một tiếng ngoài sân trong nhà

Chào chung một tiếng giao hoà

Xin người bạn ngọc một lời ca kết nguyền.

 

Người  đến trước hát  với người   còn ở bên ngoài chưa  nhập cuộc:

 

 Vô đây ớ bạn vô đây

Trước thời giã gạo sau ta vầy nghĩa nhơn

 

Người ngoài cuộc nhận lời thì hát đáp:

 

Tới đây sẵn rạp hò nhờ

Chớ tôi đâu dám dựng cờ chiêu minh

Đường đi vốn thiệt một mình

Ngửa tay xin bạn đồng tình cho vui

Bạn đừng đàng điếm tội thân tôi quá chừng

Thân tôi như con nai một lạc rừng

Năm ba trận thảm, chín mười tầng gian nan

Ngửa tay xin hết bạn vàng

Hát câu ơn nghĩa chớ điếm đàng tôi xin

Cũng có đôi khi, người ngoài cuộc tự hát trước khi được mời:

 

 Lâu ngày mới được vãng lai

Dưới sông nước chảy, trên nhành mai chim chuyền

Chốn ngô đồng hạt ngự chơi tiên

Cá trừng, biển phục mọi miền chờ trông

Cả tiếng kêu  ớ nhạn trong lồng

Gáy lên một tiếng cho nhạn đồng gáy theo

Xuống thuyền phải cậy dây neo.

 

 Đó là một trong nhiều cách mở đầu cho buổi hò giã gạo. Ở một số buổi khác, có khi mở đầu là một câu khiêu khích bộc trực:

 

                                    “ Tới đây giã gạo ăn chè

                        Ai mà không giã ngồi hè trật ăn”

 

            Hay: “   Hô hô khoan, khoan lại hò khoan

                        Anh đứng làm chi cho muỗi cắn ong châm

                        Vô đây cầm chày giã gạo kết nghĩa tri âm cho đỡ buồn”

 

Người con trai nghe lời mời mọc, thách thức liền bước vào nhập hội. Anh chào chủ nhà và đôi bên nam nữ:

 

“ Quay bên nam tôi chào trai nam tử

Quay bên nữ tôi chào thục nữ thuyền quyên

Chào chung trở lại chào riêng

Chào người bạn lạ kết duyên buổi đầu”

 

Lời chào của chàng trai vừa lịch sự đàng  hoàng vừa dí dỏm đưa tình với người đã hát mời mình vô.

 

Khi vào cuộc,  đôi bên nam nữ bắt đầu hò đối đáp với những lời trao duyên chân tình mộc mạc:

 

“ Bước vô cối gạo đổ đầy

hò chơi đôi cối sau gá gầy lương duyên

đũa tre nó đỏ cũng nhờ tre

tôi với mình mới gặp cũng nhờ ơn phật trời

ở chi cách biển xa trời

bớ nghĩa  ơi!… Hò khoan đôi một hò khoan …”

 

Xen giữa câu hò này còn có một người khác đếm theo nhịp giã gạo “ Đôi mốt, mốt một hai, hai đôi hài, đôi hai ba, ba đôi bà, đôi ba tư, bốn đôi bồn, đôi bốn năm…” cứ thế, tiếng hò cùng tiếng chày với nụ cười, ánh mắt và hơi thở luân phiên cho đến lúc cối gạo trắng đầy .

 

            Có những khi vì chưa hợp nhau, hay mới làm quen chưa hiểu kỹ về nhau, đôi bên nam nữ có những câu hò  đâm bắt chòng ghẹo  tạo nên những tiếng cười vang đầy nhà,đầy sân . Cũng có nhiều khi có những câu đâm bắt, đối đáp khó quá, không đối được, phải cử người tìm đến nhà các cụ tú, cụ cử trong vùng để xin mách bảo.

 

Cuộc vui cứ thế kéo dài cho đến khi trăng đã xế mái  Tây, cối gạo đã trắng đầy, mọi người mới lục tục ra về, câu hò  cũng loang trên từng ngõ xóm .

 

            Ở xã Nhơn Thành cũng như  Bình Định nói chung  hò giã gạo thường được tổ chức ở các nhà làm hàng xáo, hoặc ở những gia đình chuẩn bị dựng nhà, cưới hỏi, đại tiệc… cần có nhiều gạo  để thết đãi.Trước đó cả tuần, gia chủ đánh tiếng nhờ đám thanh niên trong làng  hẹn ngày giã gạo.Thế là những cuộc hẹn hò, rủ rê loang ra cả thôn, cả  xã . Đúng  đêm  đã hẹn, thanh niên nam nữ tập trung ở nhà chủ  để vừa giã gạo, vừa hát hò tình tự. Nhiều cặp đã nên vợ, nên chồng từ nghững đêm hò giã gạo.

 

          Ngày nay hò giã gạo  đã không còn,tiếng chày thình thịch nhịp nhàng thuở nào  được thay bằng tiếng máy ù ù nhanh nhạy, và con người cũng không còn những cảm xúc gần gũi thân quen của những buổi hò giã gạo../.

 

(Bài trích từ cuốn “ Văn hoá dân gian xã Nhơn Thành “ của Mai Thìn,  NXB khoa học xã hội – Hà Nội,  2004 )

Mai Thìn
Số lần đọc: 3891
Ngày đăng: 09.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình yêu quê hương đất nước của người Vĩnh Long qua ca dao - Tăng Tấn Lộc
Rối nước - Khánh Phương
Mượn kiếp đào nương... - Khánh Phương
“Yêu nhau chẳng lấy được nhau...” - Khánh Phương
Tuồng , còn hơn một nghệ thuật - Khánh Phương
Nghi lễ Bàu Đá “Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly” - Nguyễn Thanh Mừng
Ngày nghinh ông bên vàm sông ông Đốc - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Văn hóa dân gian và bản sắc văn hóa dân tộc - Ngô Ðức Thịnh
Tín ngưỡng phồn thực qua trò diễn hội làng châu thổ Bắc bộ - Đặng Hoài Thu
Thơ rơi, Một thể loạI văn học dân gian nam bộ - Nguyễn Hữu Hiệp