Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.214.036
 
Người có tóc hay kẻ trọc đầu
Lê Duy

Ông nọ chơi trò “Trúc Xanh” đố rằng “Nắm người có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu” là nghĩa làm sao?”. Quá dễ. Nghĩa đen là có tóc mới có cái mà nắm chứ trọc đầu thì nắm chỗ nào. Ý muốn nói phải nắm người mà mình có thể quản lý, điều khiển được. Hay lắm. Bạn bị trừ 100 điểm. Sao vậy? Sai à? Không sai nhưng mà thời buổi bây giờ câu ấy không còn đúng nữa!!

            Không phải sao. Muốn thu thuế thì phải tìm những người có thu nhập cao để đánh thuế. Mục đích là để trang trãi các nguồn phúc lợi xã hội cho công bằng. Những người giàu sẽ đóng góp nhiều hơn để bù đắp cho người có thu nhập thấp hơn. Trong xã hội của mình hiện nay rất nhiều người có thu nhập rất cao, không phải khó tìm thấy mà là nhan nhãn, nhưng thuế có sờ gáy được đâu. Mà có muốn sờ cũng không sao chứng minh được nguồn thu nhập. Thôi thì những kẻ có tóc nắm không được ta nắm người trọc đầu. Được cọng nào hay cọng đó.

Có người bảo rằng mọi người dân đều phải đóng thuế ít nhiều tùy theo thu nhập. Rất đúng trong trường hợp ta nắm được hết những trường hợp có thu nhập cao. Không sót một ai. Như vậy mọi người đều vui vẻ đóng, không tỵ hiềm kêu ca gì hết. Đằng này, người có thu nhập một triệu đồng/tháng không cam lòng đóng thuế khi chung quanh họ còn đầy những người có thu nhập cao hơn mà có đóng thuế đâu.

Còn nữa, thuế thu nhập cá nhân phải tính đến mức chính xác tình trạng cá nhân người chịu thuế. Như họ phải nuôi ai, chi phí bao nhiêu. Ở các nước, đến mùa khai thuế người ta sẽ tập hợp hết các hóa đơn để chứng minh các chi phí này rồi quyết toán thuế. Mà hóa đơn ở mình thì mặc dù qui định rất chặt chẽ nhưng lại hóa lỏng le. Bắt chi phí gì cũng phải có hóa đơn đỏ, nhưng tiếp khách cỡ hơn trăm ngàn phải chờ ba ngày cho quán đi trình cho thuế rồi mới có. Thế là muốn thanh toán phải chẽ nhỏ hóa đơn, viết tay cho xong. Liệu tính thực tế không xong nên khoán cho khỏe: tính 300.000 ngàn đồng cho một người già phải nuôi, cho một trẻ còn đi học. Không hiểu người nào đó có từng nuôi con cho đi học, ăn uống các thứ mà chỉ tốn có ngần ấy chăng? Chứ ở thành phố này, tiền xăng đưa đi học và tiền ăn sáng cho thằng nhỏ cũng đã không đủ, nói gì cho đi học thêm...

            Có phải vì không nắm được người có tóc nên chộp kẻ trọc đầu. Tận thu những người có thu nhập thấp để bù cho những người không bắt đóng thuế được? Chắc không ai bảo là mình làm như vậy đâu, nhưng sờ sờ trước mắt như vậy bảo sao người dân có thu nhập thấp không phản ứng.

           
Hôm trước, vì không thể nào ngăn được mấy tay buôn lậu xăng dầu người ta đã đánh đồng người dân với buôn lậu. Người dân bị xí gạt và bị “đánh úp” để bọn buôn lậu trở tay không kịp! Khổ thay cho người dân một phen tá hỏa khi nghe tin xăng dầu lên giá, mới hôm trước người ta còn trấn an họ rằng không dám đâu, làm gì có... Khổ thay vì chỉ có người dân tin chứ bọn buôn lậu đâu có tin. Lợi bất cập hại. Sau này khi có việc gì quan trọng cần trấn an họ, liệu họ có còn tin nữa không?

           
Sự ra đời của thuế gắn liền với sự hình thành và phát triển của nhà nước. Thuế là một công cụ mà mọi người đóng góp để nhà nước hoạt động. Khi nhà nước và xã hội phát triển, đại đa số dân chúng trở thành người chủ của xã hội (dân chủ) thì chính sách thuế phải mang tính công bằng xã hội hướng theo sự an sinh của xã hội. Đòi hỏi người đại diện cho nhân dân (nhà nước) phải quan tâm đến những đối tượng có thu nhập thấp, không có khả năng tạo thu nhập...


Xã hội càng văn minh, thuế càng công bằng và phát triển. Khi ấy người dân coi việc đóng thuế là tự nhiên. Chua có sự công bằng thì chưa có tự giác đâu. Hãy nghĩ đến người dân hơn nữa./.
Lê Duy
Số lần đọc: 5276
Ngày đăng: 13.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Huyền Anh Quán - Nguyễn Nguyên An
Vẫn nguyên vẹn một hòn Phụ Tử - Lê Chí
Tiết tháng bảy đọc Văn chiêu hồn - Phạm Lưu Vũ
Cánh bướm ngày xưa - Tăng Tấn Lộc
Vườn đá ở Huế - Lê Huỳnh Lâm
Nỗi buồn sông - Lê Huỳnh Lâm
41 giai thoại làng Văn nghệ Đồng Tháp những năm cuối thế kỷ XX-1 - Thai Sắc
41 giai thoại làng Văn nghệ Đồng Tháp những năm cuối thế kỷ XX-2 - Thai Sắc
Tiếng gà gáy trong tâm thức Người Việt - Lê Huỳnh Lâm
Xưa là chợ rượu - Nguyễn Thanh Mừng