Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.118
123.229.070
 
Cuống rún thiên thần
Bích Ngân

Tim đập mạnh, có lúc nhoi nhói như đau. Rất ít khi Thi gặp cái cảm giác đó khi đọc những trang bản thảo. Tác giả bản thảo Thi đang đọc lại có cái tên, cũng có thể chỉ là một bút danh mang ý nghĩa hết sức biểu trưng, Mùa Thu.

 

Mùa Thu gởi đến Nhà xuất bản, nơi Thi đang làm một biên tập viên, một bản thảo gồm 99 bài thơ được đóng lại thành một tập, trang bìa đánh máy hai từ “Ám ảnh” bằng mực đen. Đó là những ám ảnh mất mát và tiếc nuối, những ẩn ức dồn nén và bục vỡ, những tiếng gọi thiết tha và mất hút.

 

Theo thói quen của một biên tập viên có ít nhiều kinh nghiệm, Thi đặt bút viết chữ “gác lại” ở góc bên phải hết gần một nửa trong số 99 bài thơ của Mùa Thu, dù có những câu những tứ khiến Thi bần thần.

 

Bần thần, không chỉ vì những hình ảnh bất ngờ táo bạo mà còn vì sự chân thành nghiệt ngã ở từng con chữ. Tuy nhiên, những bài thơ sẽ không bao giờ được phép khai sinh từ Nhà xuất bản mà Thi trực tiếp làm “bà đỡ”, lại khiến cô bồn chồn. Thi lại lật từng trang bản thảo, đọc đi đọc lại từng bài và một lần nữa, cô thấy thẩm định của mình là chính xác. Vậy mà, tim Thi vẫn không trở lại nhịp đập bình thường. Có cái gì đó cứ phấp phỏng, bất an. Có cái gì đó như mặc cảm của một kẻ vô tình đã nhúng tay vào một việc khuất tất. Mặc cảm ấy lớn dần, rõ dần. Thi thấy mình chính là một bà đỡ lạnh lùng đã bóp chết những đứa con tinh thần của Mùa Thu, dù đó là những đứa con thiếu tháng xanh lả, quặt quẹo, những đứa con thiếu đôi chân để bước đi, thiếu đôi tay để ôm ấp, và có cả những đứa con thiếu đôi mắt để có thể  cảm nhận được ánh sáng và bóng tối.

 

Rất may là Mùa Thu có ghi số điện thoại liên lạc vào trang cuối của bản thảo, số điện thoại để bàn. Đắn đo một hồi, Thi quyết định gọi cho Mùa Thu.

Bên kia đầu dây là giọng nói thật trẻ:

- Xin lỗi chị, ở đây không có ai có cái tên là Mùa Thu  cả !

- Nhưng…xin lỗi, đó có đúng là Công ty quảng cáo Búp Bê ? – Thi sợ mình nhầm.

- Đúng, đây là công ty quảng cáo Búp Bê !

- Vậy em chịu khó soát lại xem có ai tên Mùa Thu - Thi dặn thêm - Nếu tìm được em chịu khó gọi cho chị nhé !

Thi nói số điện thoại của mình cho cô gái bên đầu dây kia ghi và gác máy.

Mười phút sau, điện thoại reo, Thi nhắc máy. Bên kia đầu dây cũng là giọng con gái nhưng không phải là cô gái lúc nãy. Giọng hơi lưỡng lự, thăm dò:

- Xin lỗi, chị có đúng là người đã đọc tập thơ của Mùa Thu ?

- Phải, tôi đã đọc và muốn được gặp Mùa Thu !

- Vậy tập thơ “Ám ảnh” có được xuất bản không chị ?

- Xin lỗi, tôi muốn được biết mình đang nói chuyện với ai ?

- Em là Hương, bạn của Thu.

 - Vậy Hương chuyển dùm máy cho chị gặp Mùa Thu…

- Bạn em vừa về !

- Vẫn chưa hết giờ làm mà?  

- Thu về sớm để cho con nó bú !

 Có lẽ vì lỡ lời nên Hương im bặt. Thi cũng không nói tiếp được lời nào. Vạt nắng cuối ngày, bóng của một cành cây bị cưa mất một đoạn và những ngọn gió cứ  đưa đẩy bóng cây bóng nắng chờn vờn bên ngoài cửa kính. 

 

Ngoài cửa kính, cách chỗ Thi ngồi chừng mươi bước chân, đường phố tấp nập  người xe. Trong dòng người xuôi ngược ngoài kia, biết đâu Mùa Thu cũng đang hối hả phóng xe về với đứa con đang khát sữa. Thi đọc lại bài thơ  bị “gác lại” với lời đề tặng cho con của Mùa Thu: Bé con của mẹ. Thiên thần của mẹ. Cuống rún nhỏ quấn chặt mẹ với từng giây tất tả. Dù có làm quạ đen và rã rời đôi cánh. Mẹ mỉm cười nhìn con trắng muốt bay lên...

 

Vạt nắng cuối ngày nhạt dần, bóng cây không còn vương ngoài cửa kính, đường phố nhìn từ chỗ Thi ngồi, trông như một đám rước kéo dài, đông nghịt và xe từng chiếc, từng chiếc đang nhích lên, nhích lên từng chút một. Tiếng còi cảnh sát bỗng vang lên. Chắc có ai đó vượt đèn đỏ hoặc va quẹt nhau. Ít phút sau, cả một đoạn đường ùn tắc. Nhiều người không đủ nhẫn nại đã luồn lách, chen lấn và thoát lên vỉa hè. Vài giây sau, vỉa hè trở thành một con đường lũ lượt người xe. Biết đâu, Thi chợt nghĩ, Mùa Thu cũng là một trong những người phạm luật, tức vượt đèn đỏ hoặc leo lên vỉa hè. Dù có làm quạ đen và rã rời đôi cánh... Một linh cảm, thoạt đầu, hết sức mơ hồ nhưng hình ảnh quạ đen cứ chập chờn, chập chờn. Có lúc Thi thấy con quạ nghiêng cánh, cắt một đường bay và nhanh như chớp, đớp gọn con gà có bộ lông vàng óng đang lon ton chạy theo chân mẹ; lúc lại thấy chiếc mỏ sắc nhọn của nó rúc vào xác một con chim nâu nâu nhỏ xíu, và có lúc dường như Thi còn nghe được tiếng đập cánh mỏi mệt nhọc nhằn của nó… đã khiến Thi không thể đọc tiếp và cũng không muốn về ngôi nhà thiếu vắng Lê. Thi bấm số điện thoại gọi cho Hương và bảo đợi cô ở Công ty quảng cáo Búp Bê.

 

Công ty quảng cáo Búp Bê nằm trên một mặt phố chuyên bày bán các mặt hàng trang trí nội thất. Các cửa hàng, ngoài các bảng hiệu lung linh màu sắc, các loại đèn bày bán, vô số đèn trang trí dành cho phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách, sân thượng, sân vườn… dường như đều bật sáng. Ánh sáng tỏa lan, khiến cả dãy phố bừng sáng và ấm. Công ty quảng cáo Búp bê thu gọn trong một ngôi nhà ba tầng quét vôi màu hồng. Vừa quảng cáo vừa bày bán các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ. Văn phòng quảng cáo có lẽ đặt ở tầng trên. Tầng trệt bày bán nôi, giường, chăn, gối, áo, mũ, bình pha sữa, núm vú nhựa và nhiều nhất là búp bê với nhiều cỡ, nhiều loại, bằng chất dẻo có, gỗ có, bông có, thạch cao cũng có và được xuất xưởng từ Tây, từ Ta, từ Tàu. Chen chúc trên các giá gỗ là những nàng búp bê bình dân tóc vàng mắt xanh chớp chớp như đợi chờ như trông ngóng. Hai người khách, một người đàn bà tóc hoa râm và một bé gái buộc tóc thắt nơ, đều chọn hai nàng búp bê có bộ mặt mũm mĩm hồn nhiên. Đợi cho hai vị khách ôm búp bê đi ra khỏi quầy hàng, Thi bước đến bên cô bán hàng trông rất trẻ, trẻ như một sinh viên vừa ra trường, nói: “Chị muốn gặp Hương, chị có hẹn…”. Cô gái trẻ ngước đôi mắt một mí nhìn Thi: “Em là Hương đây…”.

 

Hương bảo Thi chờ cô ít phút đợi đến lượt người khác tới thay ca trực. Trong lúc Hương bận bịu việc bán hàng, Thi bước tới trước tủ kính đặt sát vào tường, bên trong trưng bày một loại búp bê duy nhất, búp bê Barbie. Nhìn những nàng búp bê mảnh mai, kiêu kỳ được xếp thành từng hàng với nhiều thế đứng, nhiều dáng ngồi, nhiều cách ưỡn ngực, vươn cổ và ngẩng cao mái đầu với những đôi mắt mở to nhìn xa xăm đâu đó, Thi lại liên tưởng đến vóc dáng và nỗi khát khao của những người đàn bà được yêu chiều nhưng không một lần được sinh nở như Thi, những người đàn bà thường ngồi hàng giờ, lặng lẽ nhìn bóng đêm. “Cô ơi, sao con Matơriôsca này thiếu mất hai con nhỏ?”, Thi vội bỏ đám búp bê quý tộc và hướng mắt về phía cô gái vừa cất lên câu hỏi?. Hương cầm lấy con búp bê gỗ từ tay vị khách, mở ra và lần lượt xếp từng con lên bàn - đúng là thiếu mất hai con, áp và út. Trên quầy cũng không còn con Matơriôsca nào khác. Người mua mân mê con búp bê đánh mất hai phiên bản của mình, rồi đặt lại trên mặt quầy, hỏi: “Sáng mai tôi ghé có hàng mới không cô?”. Hương đáp: “Chị ghé trê trễ một chút!”. Nhìn người phụ nữ tiu ngỉu bước ra khỏi cửa, Hương nói với Thi: “Em không rõ vì sao dạo này loại búp bê Matơriôsca rất hút hàng!”. Thi cầm lên con Matơriôsca cũng mở ra, săm soi rồi buột miệng: “Nhiều người chọn Matơriôsca có lẽ vì nó biết chứa đựng!”. Hương nhìn Thi: “Chứa đựng… nhưng chỉ chứa đựng chính nó?”. Khi nói câu đó, mặt Hương trông già đi nhiều tuổi. Hồi cỡ tuổi Hương, Thi sống nhẹ nhõm hồn nhiên, cô chưa biết thốt ra bất kỳ một câu hỏi hoài nghi đối với những gì mình tin, mình yêu, mình vọng ngưỡng, nhất là đối với Lê. Cô thấy mình may mắn và hạnh phúc khi tìm gặp một người đàn ông đủ rộng lớn có thể chứa đựng và bảo bọc mình cho đến khi cái vỏ bọc của Lê rạn nứt; và kể từ lúc ấy, trong Thi không sao vứt khỏi nỗi ám ảnh đớn đau của một người đàn bà không biết thu mình bé nhỏ, một người đàn bà không đủ sức dưỡng nuôi hạnh phúc.

 

Khi có người đến thay, Hương lật đật xách túi dắt xe ra và đề nghị: “Chị em mình đi kiếm cái gì ăn rồi sau đó đến nhà Thu”. Thi hưởng ứng vì thấy bụng đói cồn cào.

 

Lúc cầm lát chanh vắt vào tô bún bò Huế  bốc khói, Hương nói: “Thu nó ghiền món này!”. Thi chợt hỏi: “Thu ở Huế?”. “Không, tại nó yêu chết yêu sống một người gốc Huế!”. Hương cắm cúi ăn và không nói thêm một lời nào. Cho đến lúc uống cạn ly trà chanh, Hương mới mở miệng: “Cho đến bây giờ em vẫn không lý giải được vì sao Thu lại dại dột điên khùng đến chừng đó. Nó đã khước từ tất cả để dành tất cả cho một kẻ lười biếng, bòn rút, vô tâm…”. Thi bất ngờ trước thái độ lên án gay gắt của Hương đối với người đàn ông của Mùa Thu, dù Thi biết đằng sau lời lẽ thiếu kềm chế kia là một tình bạn chân thành và là một trái tim rạch ròi yêu ghét. Mắt Hương rươm rướm: “Nếu không trút được nỗi đau đó ra trang giấy chắc nó đã không sống nổi! À, mà chị, em nhớ, tập thơ đó Thu đã gởi đi lâu lắm rồi, lúc hắn bỏ đi, lúc thằng bé vừa biết chòi đạp trong bụng mẹ, lúc nó chới với không còn chỗ để bấu víu…”. Hương lầm lì nhìn dòng người ngược xuôi lướt qua trước mặt, chợt quay lại Thi, hỏi: “Chị có gặp ai mê muội như nó chưa?”. Thi ngập ngừng: “Chắc… chắc Thu vẫn còn nuôi hy vọng…”. Hương thở dài: “Cũng chính vì ảo tưởng đó mà nó làm mọi việc có thể làm được vì thằng bé”.

 

Đường đến chỗ ở của Mùa Thu tuy không xa nhưng không thể đi nhanh được. Rẽ vào một con hẻm, rồi lại vòng vèo những con hẻm, hết rẽ trái lại lại rẽ phải và hết rẽ phải lại rẽ trái, đường đi mỗi lúc mỗi hẹp nên Hương chạy xe chầm chậm dẫn đường, Thi rà rà theo sau. Đến trước một ngôi nhà dẹp như cái hộp diêm, Hương dừng xe. Thi cũng kéo xe nép sát vào tường rào. Hương nhấn chuông. Cửa mở. Ánh sáng tràn ra làm con hẻm bớt tối. Bước vào nhà, Thi biết ngay là nhà trọ của sinh viên. Sách vở, quần áo, chiếu mùng, xe đạp…chiếm một phần trong một cái diện tích trên dưới 15 mét vuông. Mấy cô gái mặc quần lửng, quần short vội ngồi nép lại, tránh đường cho Hương và Thi bước vào nhà, đi lên thang gác. Thang gác hẹp và dốc. Không quen nên vừa đi Thi vừa vịn như đang bò lên từng nấc một. Tầng trên cũng là chỗ trọ của sinh viên. Các cô nàng đang trò chuyện gì đó mà cười nói thật to. Họ lại thu gọn sách vở nhường lối đi cho Thi và Hương bước qua và leo lên một thang gác nữa. Thang gác lần này còn dốc hơn. Khi leo đến bậc thang cuối cùng, Thi nghe tim mình đập thình thịch. Hương đưa tay vừa vẹt tấm ri-đô vừa gọi: “Thu ơi, có khách!”. Người quay mặt lại không phải là người mẹ trẻ mà là một bà cụ tóc bạc trắng bới “củ tỏi” nhỏ xíu ở sau gáy. Bà cụ đang ngồi đung đưa chiếc nôi phủ vải hồng, chiếc nôi xinh xắn chắc cũng được mua từ gian hàng của Công ty quảng cáo Búp bê, rồi các vật dụng khác cũng tinh tươm, kể cả con Matơriôsca đứng chơ vơ trên đầu chiếc giường, chỗ ngủ duy nhất đặt trong căn phòng hẹp. Hương khựng lại: “Cháu…cháu là bạn của Thu!”. Người đàn bà thoáng nhìn Hương rồi nói: “Thu nó đi làm tối chưa về !”. Vẻ mặt Hương bồn chồn: “Bà ơi, Thu đi làm chừng nào về ?” Bà cụ tiếp tục đưa đẩy chiếc nôi: “Chừng nào thằng bé tới cữ bú thì mẹ nó về!”. Rồi không ai bảo ai, cả Hương và Thi như một lúc cùng bước đến bên chiếc nôi. Thằng bé đang ngủ. Nó đẹp còn hơn thiên thần. Đôi môi đỏ hồng của nó mút mút như đói. 

 

Tp.HCM, 30/06/2005  
Bích Ngân
Số lần đọc: 3135
Ngày đăng: 14.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lái gà - Lê Xuân Quang
Chưa kịp bình minh - Triệu Từ Truyền
Như là cổ tích - Nguyễn Một *
Xí bệt , xí xổm - Thai Sắc
Cô gái gọi mặt trời - Hồ Tĩnh Tâm
Chia đôi - Trần Huyền Trang
Kẻ phá thối - Lê Xuân Quang
Tạm biệt quán Con nai vàng - Nguyễn Hồ
Tạm biệt quán Con nai vàng - Nguyễn Hồ
Người vợ trẻ và Con chó già ! - Lê Xuân Quang
Cùng một tác giả
Với con (tạp văn)
Hai chấm sao xa (truyện ngắn)
Đất không cưu mang (truyện ngắn)
Cầu thang dốc đứng (truyện ngắn)
Cõi riêng (truyện ngắn)
Giọt đắng (truyện ngắn)
Thần tượng (truyện ngắn)
Ba người đàn bà (truyện ngắn)
Đứa con không về (truyện ngắn)
Trái tim bướng bỉnh (truyện ngắn)
Những chiếc lông cò (truyện ngắn)
Mặt trời ký ức (truyện ngắn)
Ám ảnh dòng sông (truyện ngắn)
Bồng bềnh thiên sứ (truyện ngắn)
Tin chiều (truyện ngắn)
Hoa cốc kèn (truyện ngắn)
Bóng tối (tạp văn)
Chị em ruột thịt (truyện ngắn)
Giọt nắng (truyện ngắn)
Thần sông (truyện ngắn)
Trăng bạc (truyện ngắn)
Những chiếc lá thu (truyện ngắn)
Trong im lặng (truyện ngắn)
Hồi kết (tạp văn)
Rượu đắng (truyện ngắn)
Hồ đêm thăm thẳm (truyện ngắn)