Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.562
 
Chất thơ" hay cái Kitsch?
Lê Anh Hoài

(Đọc "Chất thơ trong cánh đồng bất tận" của Đào Duy Hiệp) .

 

Cánh đồng bất tận - một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, gây lên nhiều tranh cãi về đạo đức, thậm chí có tranh cãi mang màu sắc quan điểm chính trị. Tuy nhiên, nhận định, bình luận về nghệ thuật của truyện ngắn này không nhiều, "Chất thơ trong cánh đồng bất tận" ( của Đào Duy Hiệp) là một trong số bài ít ỏi dạng này. *

Là người quan tâm đến vấn đề **, tôi xin tranh luận, phản bác một số quan điểm của Đào Duy Hiệp. Bài viết sau đây giới hạn trong việc đó, hoàn toàn không phân tích, mổ xẻ truyện ngắn Cánh đồng bất tận.

 

1.

Ngay đầu bài, Đào Duy Hiệp ( ĐDH ) viết: " Cánh đồng bất tận là một bài thơ bằng văn xuôi. " ( trích dẫn, được để trong ngoặc kép, từ bài đã dẫn ).

 

Sau nhiều trích dẫn, dưới tiêu đề "Nỗi nhớ ngập tràn qua mỗi trang truyện", ĐDH liệt kê: "bắt đầu từ nỗi nhớ mẹ", "nhớ con - người", "nhớ trường học", "nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa", "nhớ một cách trò chuyện", "nhớ một người nghe được tim mình", "nhớ một người che chở"...

 

ĐDH bình: "Biết bao nỗi nhớ... như những lớp sóng cồn cào, trùng điệp, lặp lại, vang xa, khắc khoải và day dứt... Bởi thế, sự côi cút, đơn lẻ của người kể chuyện (...) càng sâu xa hơn, buồn bã hơn trong ta. Nỗi nhớ đó thấm vào ta, lan toả quanh ta". Nỗi nhớ - từ "cụ thể, gần gũi đến những nỗi nhớ thương, vời xa về con - người, về đồng - loại"...

 

Đến đây, nảy sinh một câu hỏi:

- Vậy những tác phẩm không "nỗi nhớ" thì ít/ không chất thơ?

Tôi có thể dẫn ra hàng loạt bài thơ Đường kinh điển (xin miễn vì quá dài không cần thiết) - dấu mốc sừng sững trên con đường thi ca nhưng không/ rất ít "nỗi nhớ". Vậy số phận chúng thế nào đây, theo lập luận của ĐDH ?

 

Gần lại một chút, có "bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương, như những gì còn lưu lại được của bà, trừ mấy bài khóc mấy ông chồng là có âm hưởng "nhớ", còn lại chẳng có tị ti nào. Gần lại nữa, có "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa. Cũng một hàm lượng rất ít "nỗi nhớ". Vậy là đa số thơ của các tác giả này ít "chất thơ"?

 

Tôi lại nhớ đến bài "Nhớ" của Hồng Nguyên, phải chăng nó đậm "chất thơ" hơn những bài thơ khác? (quá trình tìm ví dụ của tôi nhấn mạnh đến những tác giả hay nhóm tác phẩm được đông đảo công chúng biết đến, không bao hàm sự đánh giá giá trị tuyệt đối - LAH).

 

Dưới một góc độ khác, viết (làm thơ, viết văn...) là tư duy nghệ thuật, kết hợp với tưởng tượng, từ nguyên liệu là trí nhớ. Có người đã ví von, đại loại: Với con chim thi ca, tư duy là đôi mắt, đôi cánh là trí tưởng tượng, những bộ phận còn lại là trí nhớ, là phần từng trải của nhà văn, nhà thơ. Vậy thì, có thể nói viết tức là "nhớ". Sao còn phân định hàm lượng "nhớ" cao hay thấp, mà lại còn phân định bằng cái vỏ từ ngữ cụ thể?!

 

2.

Lập luận của ĐDH tiếp tục được diễn giải dưới một tiêu đề khác: "cánh đồng, dòng sông: ẩn dụ của tình thương, niềm đau, nỗi nhớ và thời gian".

 

a- Mở đầu đoạn này, ĐDH khẳng định "những câu văn xuôi mang âm hưởng và cấu trúc thơ", sau đó trích dẫn rất nhiều, công phu. ở đây tôi chỉ xin điểm qua vài câu:

- "Có phải vì cha mà chị ở lại với chúng tôi, trên một cánh đồng vắng ngắt".

- "Đàn vịt đưa chúng tôi đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác".

- "Vẫn gió hiu hiu, vẫn nắng võ vàng trên những cánh đồng hoang lạnh".

 

b- "Những hình dung từ về nỗi cô đơn, buồn bã tăng trưởng cường độ theo thời gian, cho đến.... bất tận". Tiếp theo là hàng loạt cụm từ có từ "cánh đồng" trích ra từ Cánh đồng bất tận. Cũng xin điểm qua chút ít:

- Cánh đồng rộng

- Cánh đồng vắng ngắt

- Cánh đồng lúa chết khô

- Cánh đồng vắng người...

 

Đến đây, tôi thấy không cần đi sâu vào những điều rất đáng tranh luận mà bản thân tôi rất nghi ngờ nhưng trong khuôn khổ bài này, tôi cho không căn bản như: những trích dẫn - đề cập ở (a) - có đúng là "mang âm hưởng và cấu trúc thơ" không, hay "tần xuất lặp lại của "nỗi nhớ", của "cánh đồng" - đề cập ở (b) - có phải "đều cùng chung một hướng thao tác: cường độ về sự chia cắt tăng dần" không, hay việc ĐDH suy diễn "... "Cánh đồng" ở đây là ẩn dụ cho niềm thương, nỗi nhớ, cho tình yêu quặn thắt nơi người kể chuyện..."...

 

Tôi xin đi thẳng vào "Kết luận" của ĐDH: "Truyện ngắn Cánh đồng bất tận lay động người đọc bởi chất thơ từ sự lặp lại về nỗi nhớ, về cánh đồng." (phía trên, ĐDH cũng đã một lần lập luận: "Chất thơ đó nằm trong sự lặp lại ở các cấp độ từ ngữ, hình ảnh thấm tình người" (...).

 

Tôi không có ý cản trở ai bị lay động vì một tác phẩm văn học nói chung, vì "chất thơ" nói riêng. Tuy nhiên, sự lặp lại về nỗi nhớ, về cánh đồng hay về bất cứ cái gì dù được gán cho tính trữ tình đến đâu cũng hoàn toàn không thể tạo nên chất thơ - xem thêm (1). Nếu quả thật nhà văn sáng tác bằng một thao tác cơ học như thế, sẽ chỉ tạo được những bài văn, bài thơ học trò. Cũng như, nếu nhà văn sáng tác bằng cách chăm chăm tìm những câu, những chữ có "chất thơ", để rồi sắp đặt, gọt giũa thì cũng chỉ có thể tạo nên một mớ chữ vô hồn.

 

Mặt khác, nếu chỉ đơn thuần là hình thái nghệ thuật, theo tôi, không quyết định được tầm vóc tác phẩm. Cái tác động đến người đọc, xuyên suốt là nội dung, chủ đề tác phẩm. Cụ thể như trong Cánh đồng bất tận, câu chuyện, hoàn cảnh, tâm lý của các nhân vật, cao nhất là số phận của họ mới là cái quyết định. "Chất thơ" ư, cho dù nó có, theo tôi cũng không quan trọng.

 

3.

Lâu nay, ở Việt nam, lối viết, lối đọc, lối thưởng thức nghệ thuật "sến" nặng. Về phần tôi, tôi nghĩ "sến" có nhiều nét tương đồng với "Kitsch".

 

Milan Kundera, Nhà văn Pháp gốc Séc khi viết tiểu thuyết Nhẹ bồng cái kiếp nhân sinh - như chính nhà văn bộc bạch - đã dùng từ Kitsch làm một trong các từ - trụ cột của cuốn tiểu thuyết ấy.

 

Vậy Kitsch là gì? Milan Kundera viết: Trong bản dịch ra tiếng Pháp của thiên tiểu luận nổi tiếng của Herman Broch, từ "Kitsch" được dịch là nghệ thuật tầm tầm. Một phản nghĩa, bởi vì Broch chứng minh rằng Kitsch là cái khác với một tác phẩm chỉ đơn giản là thị hiếu tồi. Có thái độ Kitsch. Cách ứng xử Kitsch. Nhu cầu Kitsch của con người - Kitsch (Kitschmensch): đấy là cái nhu cầu tự nhìn mình trong tấm gương dối trá làm đẹp người lên và tự nhận ra mình trong đó với một sự thoả mãn đầy xúc động. (...) cái Kitsch gắn chặt một cách lịch sử với chủ nghĩa lãng mạn tình cảm... ***

 

21-8-2006

L.A.H



* Văn nghệ, số 32 (ra ngày 12-8-2006)

** LAH cũng đã có một bài dạng này, xin tham khảo vannghesongcuulong.org

*** Trang 139, Tiểu luận, Milan Kundera, người dịch: Nguyên Ngọc, NXB VH-TT, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây 2001.

Lê Anh Hoài
Số lần đọc: 4237
Ngày đăng: 21.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự thật, Từ ngòi bút Phùng Quán - Nguyễn Khắc Phê
Lưu Ly & Bốn Mùa Yêu : Đọc tập thơ Bốn Mùa Yêu - Nhà xuất bản Thuận Hoá 2005. - Nguyễn Nguyên An
Trần Hoàng Vy, Hạt bụi phấn rơi cũng làm em cay đôi mắt - Nguyễn Đức Thiện
Nguyễn Lâm: Người say thơ đến lạ - Nguyễn Tý
Từ BẾ KIẾN QUỐC đến ĐỖ BẠCH MAI ,từ đất hứa đến một mình đi trong mưa . - Nguyễn Đức Thiện
Thơ Trịnh Công Sơn - Thai Sắc
Lê Xuân Đố và tiếng thơ giọng muối tìm thấy. - Inrasara
Những ảo ảnh và giấc mơ từ chối tỉnh táo - Lê Anh Hoài
Thử khảo sát hai thái độ với truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu - Lê Anh Hoài
Mượn rìu để múa . . . - Dư Thị Hoàn
Cùng một tác giả
Tìh êu (truyện dài)
(thơ)
Lời (thơ)
Thẩm tranh (tuyển truyện)
Khóc (thơ)
Bộ râu (tuyển truyện)
Viên đạn lạc (truyện ngắn)
Lưỡng lự * (truyện ngắn)
Lãnh đạo cười (truyện ngắn)
Tìh êu (kịch)