Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.209.369
 
Chất thơ trong ‘Cánh đồng bất tận’
Đào Duy Hiệp

SCL.Có nhiều bạn đọc,sau khi đọc bài của tác giả Lê Anh Hoài có đề nghị đăng bài Chất thơ trong ‘Cánh đồng bất tận’ Đào Duy hiệp .Chúng tôi xin trích đăng theo các yêu cầu.

 

 

“Cánh đồng bất tận” là một bài thơ bằng văn xuôi. Chất thơ đó nằm trong sự lặp lại ở các cấp độ từ ngữ, hình ảnh thấm tình người được diễn đạt bằng một giọng văn dung dị, hiền lành. Bài viết sẽ bắt đầu bằng “nỗi nhớ” và “cánh đồng” từ chính văn bản truyện ngắn này.

 

1. Nỗi nhớ ngập tràn qua mỗi trang truyện:

 

Bắt đầu từ nỗi nhớ nhớ mẹ “niềm nhớ lúc đi xa,...”; “suốt nhiều năm sau đó không dám nhớ má, bởi ngay vừa khi nghĩ đến má, ngay lập tức hình ảnh ấy hiện ra”; bị cha đánh đòn: “và tôi tự nhớ lại coi hồi sáng này, hồi trưa này mình đã làm gì giống má”; đến “nhiều lúc tôi hơi nhớ con - người”; “Hai nhớ trường học quá à, cưng”; “Đôi khi tôi nhớ người đàn bà ở Bàu Sen, nhớ bóng người xấp xãi, ngơ ngác chạy theo chiếc ghe sáng ấy”; “Tôi nhớ nó (và nhớ chị) không thôi” và “Tôi nhớ Điền, bao gồm nhớ một đồng - loại (và tôi là đồng - loại còn lại), nhớ một cách trò chuyện (đọc thấu lòng nhau), nhớ một người nghe được tiếng tim mình (điều này thì con vịt mù làm được, nhưng nó đã chết rồi), và nhớ một người che chở (công việc này, đáng lẽ là của cha, má tôi)”; “nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa ngẽn trong bùn quánh”. Còn với những người đàn ông: “... kí ức trống trơn, họ phơi phới ra đi, còn mình thì nhớ hoài, đau hoài...”; “Dường như chúng tôi nhớ, nhớ cồn cào. Nỗi nhớ bao gồm được chạy chơi trên cái vuông sân mọc đầy vú sữa đất...”.

- Biết bao nỗi nhớ: Nhớ Má, nhớ lớp, nhớ em, nhớ chị, nhớ con - người, nhớ bóng người, nhớ một đồng - loại, nhớ một người che chở, nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa... như những lớp sóng cồn cào, trùng điệp, lặp lại, vang xa, khắc khoải và day dứt...

- Bởi thế, sự côi cút, đơn lẻ của người kể chuyện, của đứa em, của những đứa trẻ càng sâu xa hơn, buồn bã hơn trong ta.

- Nỗi nhớ đó thấm vào ta, lan tỏa quanh ta: từ nỗi nhớ cụ thể, gần gũi đến những nỗi nhớ thương lớn lao, vời xa về con - người, về đồng - loại.

Nỗi nhớ đó gắn với cánh đồng.

 

2. Cánh đồng, dòng sông: ẩn dụ của tình thương, niềm đau, nỗi nhớ và thời gian

 

Những câu văn xuôi mang âm hưởng và cấu trúc thơ: “Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng”; “Cánh đồng không có tên. (...) những kỷ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng”; “Có phải vì cha mà chị ở lại với chúng tôi, trên một cánh đồng vắng ngắt”; “Những cánh đồng chúng tôi qua, lúa chết khô khi mới trổ bông”; “Đàn vịt đưa chúng tôi đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác”; “vẫn gió đìu hiu, vẫn nắng võ vàng trên những cánh đồng hoang lạnh”; “Và chiếc ghe, cánh đồng, dòng sông thênh thang mãi…”; “Nhà chúng tôi là cái này, là cánh đồng nào đó, con sông nào đó... ”; “Có ai chờ chúng tôi, trên những cánh đồng khơi?”; “Sống đời mục đồng, chúng tôi buộc mình đừng yêu thương, quyến luyến bất cứ ai, để khỏi ngậm ngùi, để lòng dửng dưng khi cuốn lều, nhổ sào đi sang cánh đồng khác, dòng kinh khác”; “Lúc và cơm, tôi hay bị ảo giác, tưởng mình đang ngồi trên cánh đồng của chín năm trước. Một cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, một nhúm mây rất mỏng và rời rạc bay tha thểu trên cao”; “Gió chướng trở ngọn, trên những cánh đồng ủ ê tin buồn”; “dồn tất cả vịt trên cánh đồng lại và đào hố chôn”; “ngay cả trên những cánh đồng hoang liêu nhất thì chúng tôi vẫn bị ràng buộc bằng hàng vạn luật lệ”; “Tôi đã chờ nó đến khi mùa mưa đổ xuống cánh đồng Chia Cắt (tôi tạm gọi vậy) một trời sao”; “Bây giờ, gió chướng non xập xoè trên khắp cánh đồng Bất Tận (tên này tôi tự dưng nghĩ ra)”; “Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa ngẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hất hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần”; “trên cánh đồng này, cũng đang lảng vảng những thằng Hận, chúng lớn hơn, cũng thất học, hung hãn”.

 

- Những hình dung từ về nỗi cô đơn, buồn bã tăng trưởng cường độ theo thời gian, cho đến ... bất tận: cánh đồng rộng, cánh đồng vắng ngắt, cánh đồng lúa chết khô, cánh đồng vắng người, cánh đồng hoang lạnh, cánh đồng, dòng sông thênh thang mãi, cánh đồng khơi, cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, cánh đồng ủ ê tin buồn, cánh đồng hoang liêu, cánh đồng Chia Cắt, cánh đồng Bất Tận,...

 

- Những không gian cánh đồng cứ chồng chất lên nhau, vô danh mà gần gũi. Tần suất lặp lại của “nỗi nhớ”, của “cánh đồng” gắn với “dòng sông”, “con kinh” - tâm linh và ngoại giới - đều cùng chung một hướng thao tác: cường độ về sự chia cắt tăng dần.

 

- Qua những hình ảnh thấp thoáng về “đô thị”, “vất vơ... nơi thị thành” dường như không gian tâm linh của “nỗi nhớ” đang tranh chấp gay gắt với không gian của những “cánh đồng” đang “bị thu hẹp dần”. Nó xót xa và không kém gay gắt như “Lỡ bước sang ngang” ngày xưa của Nguyễn Bính, khi đã chót: “Ta đi dan díu với kinh thành”...

 

- Với những thao tác lặp lại, trùng điệp, vang động chất thơ, “cánh đồng” ở đây là ẩn dụ cho niềm thương, nỗi nhớ, cho tình yêu quặn thắt nơi người kể chuyện, nơi chính tác giả về dòng sông, cánh đồng, về con người, về Mẹ.

 

3. Kết luận

 

Truyện ngắn Cánh đồng bất tận lay động người đọc bởi chất thơ từ sự lặp lại về nỗi nhớ, về cánh đồng.

 

Trong cánh đồng đã có những dòng sông. Những dòng sông cuộc đời, dòng sông thời gian thấm thía tình người, niềm đau và nỗi buồn. Những dòng sông-thơ ấy cứ thênh thang chảy mãi từ ngôn ngữ rất riêng, rất trong trẻo, độc đáo và đa âm sắc của Nguyễn Ngọc Tư.

 

Cũng như thơ (như nhạc, như tranh), ta chỉ có thể thưởng thức chất thơ văn xuôi của Cánh đồng bất tận từ nguyên bản, mà không sao có thể “kể lại” được.

 

Hà Nội, tháng 7/2006

Nguồn: Văn Nghệ,evan.com.vn  
Đào Duy Hiệp
Số lần đọc: 2955
Ngày đăng: 22.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những nhận định về tác giả và tác phẩm của Giáo sư Nguyễn Văn Hầu. - Nguyễn Bạch Trúc
Đã đến lúc cần một cách nhìn toàn diện , tôn trọng sự thật - Nguyễn Khắc Phê
Chất thơ" hay cái Kitsch? - Lê Anh Hoài
Sự thật, Từ ngòi bút Phùng Quán - Nguyễn Khắc Phê
Lưu Ly & Bốn Mùa Yêu : Đọc tập thơ Bốn Mùa Yêu - Nhà xuất bản Thuận Hoá 2005. - Nguyễn Nguyên An
Trần Hoàng Vy, Hạt bụi phấn rơi cũng làm em cay đôi mắt - Nguyễn Đức Thiện
Nguyễn Lâm: Người say thơ đến lạ - Nguyễn Tý
Từ BẾ KIẾN QUỐC đến ĐỖ BẠCH MAI ,từ đất hứa đến một mình đi trong mưa . - Nguyễn Đức Thiện
Thơ Trịnh Công Sơn - Thai Sắc
Lê Xuân Đố và tiếng thơ giọng muối tìm thấy. - Inrasara