Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.232.207
 
Trò chuyện với Cáo-3
Nguyễn Trần Thiên Lộc

Bản đồ

 

Thấy tôi về, mẹ hỏi:

- Bác Lâm bảo sao?

- Ổng nói con bị mộng du bộc phát thôi. Không sao đâu!

Tôi nói y sì những gì bác sĩ Lâm dặn. Mẹ hơi nghi ngờ:

- Mộng du bộc phát là sao? Mẹ chưa nghe bao giờ cả!

Mẹ hỏi tôi hệt như tôi đã hỏi bác Lâm. Tôi tủm tỉm:

- Đó là một chứng mộng du nhẹ. Ở trẻ con chỉ phát bệnh có một lần.

- Vậy sao hồi nhỏ mẹ không bị?

- Mẹ ơi, chứng bệnh này mới được phát hiện mà. Với lại đâu phải ở trẻ em nào cũng gặp đâu!

Mẹ nháy mắt:

- Vậy kia đấy!

Và tôi thấy mặt mẹ có tươi hơn được một chút.

Ôi, giá mà tôi có thể kể cho mẹ nghe chuyện về con cáo. Giá mà tôi không phải nói dối mẹ. Nhưng điều đó là không thể. Nếu biết chuyện, ắt hẳn mẹ sẽ làm ầm ĩ lên ngay.

Sau giấc ngủ trưa, tôi sang nhà bác sĩ Lâm. Thấy tôi lấp ló ngoài cửa, ông vẫy tay:

- Vào đây, con trai! Chúng ta đang có một rắc rối đấy.

- Chuyện gì vậy bác?

- Con cáo này- Bác chỉ tay vào con cáo hiện đang nằm khoanh mình trong góc nhà- Nó hoàn toàn mù tịt về bản đồ. Bác không tài nào chỉ dẫn cho nó được.

Số là buổi trưa tôi để con cáo ở lại để bác sĩ hướng dẫn đường bay cho nó. Không ngờ sự việc lại xoay chuyển thế này. Tôi cắn môi, ngó bác sĩ:

- Bây giờ phải làm sao đây bác?

Bác sĩ lắc đầu:

- Bác cũng không biết nữa!

Con cáo nằm lim dim trong góc nhà. Bác sĩ ngồi bất động trên ghế, ánh mắt đầy suy tư. Tôi đi qua đi lại cho đỡ sốt ruột. Mắt tôi chạm vào cuốn sách trên bàn.

- Cái gì đây ạ?- Tôi cầm cuốn sách lên, đưa mắt về phía bác sĩ.

- Đó là cuốn cẩm nang bản đồ Việt Nam.

Tôi ngắm nghía cuốn sách, bìa của nó được vẽ minh họa đoàn tàu Thống Nhất. Đầu tôi lóe lên một ý tưởng.

- Hay chúng ta cho nó đi tàu!

Bác sĩ lắc đầu:

- Không được! Bây giờ người ta không để cho súc vật lên tàu đâu!

- Ý con không phải vậy. Nó sẽ biến thành chim bồ câu và đậu trên mui toa của một chuyến tàu ra Bắc.

Bác sĩ gật gù:

- Ý tưởng được đấy! Nhưng chúng ta lại gặp phải hai vấn đề mới. Thứ nhất là thức ăn. Từ đây ra đến đó chắc phải mất cả ngày. Bác e là nó không chịu nổi.

- Không sao!- Con cáo thức dậy nằm dỏng tai nghe chuyện tự lúc nào và bây giờ lên tiếng.- Ta từng phải nhịn đói cả tuần liền. Chỉ một ngày thôi thì nhằm nhò gì!

- Vậy thì tốt!- Bác sĩ tiếp tục- Nhưng vấn đề thứ hai là làm sao mày biết được ở đâu là ga Ninh Bình và xuống cho đúng địa điểm. Mày đâu có biết chữ, đúng không?

- Aa! Đó mới thực sự là vấn đề đấy!

Tôi nói:

- Bác sĩ ơi! Khi tàu dừng lại ở mỗi ga, người ta luôn thông báo trên loa đó là ga nào mà!- Rồi tôi quay sang con cáo- Chỉ cần mày chú ý nghe là được thôi!

Bác sĩ xoa hai tay vào nhau, phấn khởi:

- Tốt rồi! Bây giờ bác sẽ gọi cho nhà ga hỏi lịch tàu chạy. Con quả là đứa bé sáng chói đấy!

Tôi đỏ mặt vì lời khen. Trong khi đó, bác sĩ nhấc điện thoại lên và bắt đầu quay số.

 

Tạm biệt

 

Suốt đêm đó, tôi cứ trằn trọc không sao ngủ được. Mọi chuyện xảy ra nhanh chóng và lạ kỳ như một giấc mơ. Ngày mai tôi đã phải chia tay nó rồi. Tình bạn một ngày ngắn ngủi nhưng biết bao kỷ niệm. Một nỗi buồn len lỏi xâm chiếm tâm hồn. Tự nhiên tôi cảm thấy bồi hồi. Tôi sắp mất một người bạn rồi sao?

Mải suy nghĩ, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Trong cơn mơ, tôi thấy con cáo hóa thành một con bồ câu. Nó tung cánh vút lên tầng không bao la, bay xa mãi, để mặc tôi chạy theo gào khản giọng. Vấp té, tôi nằm im đó, khóc tấm tức. Và lúc tỉnh dậy, tôi thấy nước mắt giàn dụa trên má. Những giọt nước mắt nóng hổi, chảy cho một cuộc phân ly.

oOo

Ăn sáng xong, tôi tót ra khỏi nhà. Mẹ tôi gọi với theo:

- Đi đâu vậy con?

- Con sang nhà bác Lâm mẹ ạ!- Tôi đáp.

Đến nơi, tôi thấy tất cả đã sẵn sàng. Bác dắt xe máy ra:

- Lên đi con trai! Chuyến tàu sẽ khởi hành lúc tám rưỡi.

Bác khóa cửa lại. Bỗng một phụ nữ ăn mặc diêm dúa trờ tới. Trên chiếc xe máy sang trọng là một con chó kiểng lông xù. Thấy con cáo, nó sủa nhặng xị lên. Bà ta vỗ về:

- Yên nào, Kiki!- Rồi quay sang bác sĩ, bà ta hỏi- Anh chuẩn bị đi đâu hả?

- À! Tôi có việc một chút!- Bác sĩ đáp.

- Tiếc nhỉ! Con Kiki của tôi bị cảm, định nhờ anh khám giúp.

- Vậy chiều chị quay lại đi! Giờ tôi phải đi rồi.

Bà ta hơi thất vọng:

- Vậy cũng được! Còn cậu bé nào đây?

- Hàng xóm của tôi đấy!

Bỗng nhìn thấy con cáo, mắt bà ta sáng lên:

- Cái gì đây? Một con cáo phải không? Tôi không lầm chứ?

- Chị lầm rồi! Nó là một giống chó lai.

- Mặc kệ nó là chó lai hay gì gì đi nữa! Coi bộ lông nó kìa! Thật là tuyệt vời! Hãy để nó cho tôi, bác sĩ! Anh muốn bao nhiêu?

Bác sĩ lộ vẻ khó chịu:

- Nó không phải của tôi! Nó là của cậu bé này.

Bà ta quay sang tôi:

- Hãy nhượng lại nó cho cô, chú bé! Cô sẽ cho cháu tiền.

Tôi nhăn mày:

- Không bao giờ!

Bà ta cáu kỉnh:

- Cháu thật là hỗn hào đấy! Hãy nhượng nó cho cô đi, và nói cháu muốn gì!

Bác sĩ cắt ngang:

- Chúng tôi có công việc gấp. Và chúng tôi muốn đi.

- Các người thật là cố chấp!

Bà ta nói xẵng và rồ ga bỏ đi. Tôi, bác sĩ, và cáo cũng lên đường.

- Con không thích bà ta!- Tôi nói.

- Bác cũng vậy!

- Ta cũng thế!- Con cáo đồng tình.

- Bà ta rất khó ưa!- Bác sĩ kể- Có lần bà ta đánh thức bác dậy vào lúc nửa đêm để… bôi thuốc đỏ vào vết sầy tí xíu ở chân con chó. Đừng có nghĩ bà ta thương yêu động vật! Bả chỉ thương con chó của bả thôi. Bác đã thấy có lần bà ta cho người đập chết một con chó vì nó dám làm cho con Kiki hoảng sợ đấy!

- Bả đúng là một mụ phù thủy!

Con cáo rủa:

- Đồ cóc ghẻ thối tha! Ta không ưa gì lũ chó lắm nhưng con mụ đó thật độc ác.

Và chúng tôi thi nhau tìm những từ ngữ xấu xa nhất để nói xấu bà ta. Bác sĩ không tham gia nhưng rõ ràng ông cũng đồng tình.

Đề tài của chúng tôi chỉ ngừng lại khi đã tới ga. Bác sĩ gửi xe rồi dẫn con cáo vào một góc khuất. Và ông đi ra chỉ một mình.

- Nó biến thành bồ câu rồi!- Bác sĩ thì thầm khi hai chúng tôi đi vào phòng đợi.

- Con cũng đoán vậy!- Tôi đáp.

Khi loa thông báo tàu đến, bác sĩ mua một vé tiễn và dẫn kèm tôi ra sân ga. Trên sân có khá nhiều bồ câu đi qua đi lại. Bác sĩ bảo:

- Con thử đoán xem con cáo đâu!

Tôi đưa mắt quan sát. Thật là khó! Nhưng rồi tôi nhận ra một con bồ câu đứng một mình gần đường ray. Tôi reo lên:

- Nó kìa! Bác sĩ! Phải nó không?

Bác sĩ cười:

- Đúng là nó đấy! Mình lại đằng đó đi!

Chúng tôi lại gần con cáo (À! Bây giờ là con bồ câu chứ!), đứng thành hàng ngang và cùng nhìn thẳng về một hướng. Bác sĩ nói nhỏ, đủ để tôi và nó nghe:

- Đến đó rồi mọi chuyện còn lại mày phải tự lo lấy. Ta nghĩ việc tìm ra một môi trường sống tự nhiên rộng lớn như thế chẳng phải là vấn đề đối với một con cáo thông minh, đúng không?

- Ông nói đúng đấy, bác sĩ!

Tôi dặn nó:

- Ở trên tàu, phải bám chắc vào. Nó chạy nhanh lắm đó. Và cẩn thận với những họng súng đấy! Người ta không tha cho một con bồ câu đâu!

- Cảm ơn ngươi đã nhắc nhở!

Tiếng còi tàu đột ngột vang lên. Bác sĩ giục:

- Đi đi!

Nó quay sang nhìn tôi:

- Ta rất quý ngươi đấy cậu bé ạ!

Tôi bùi ngùi:

- Tao cũng vậy!

- Cả ông nữa, bác sĩ!

- Rất vinh hạnh!- Bác sĩ đáp.

Nó vỗ cánh bay lên. Đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh. Tôi ngậm ngùi nhìn theo. Tiếng bánh tàu lăn trên đường ray hay tiếng lòng tôi thổn thức? Tôi hét to:

- Tạm biệt!!!…

Con bồ câu- cáo quay đầu lại nhìn. Và tôi thoáng thấy nụ cười chực trào ra nơi khóe mắt, của tôi và của nó.

 

Đi du lịch

 

Bẵng đi nửa năm trời, tôi cũng nguôi ngoai về chuyện của con cáo. Tôi đã bước vào kỳ nghỉ hè. Trong khoảng thời gian này, tôi hay sang nhà bác sĩ Lâm để xem ông chữa bệnh cho các con thú. Nhưng không phải lúc nào cũng có khách. Những khoảng thời gian rảnh rỗi đó, ông sử dụng vào việc đọc sách. Và tôi lúc đó cũng chìm đắm trong những cuốn sinh vật vui dành cho thiếu nhi. Nhờ thế mà tôi có một lượng kiến thức kha khá về động thực vật so với những đứa trẻ cùng lứa.

Một hôm, bác sĩ hỏi tôi:

- Chàng trai! Hè này con có đi đâu không?

Tôi lắc đầu:

- Ba con chẳng có kế hoạch nào cả!

- Vậy con có muốn đi du lịch cùng bác không?

- Tất nhiên là muốn chứ!

Bác sĩ nói:

- Bác vừa nhận được thư mời đi tham quan. Được bao trọn gói. Có thể dẫn kèm một người. Bác muốn con đi cùng!

- Nhưng chúng ta sẽ đi đâu hở bác?

- Con đoán thử xem! Đó là nơi con mong muốn được đến nhất đấy!

Nơi tôi muốn đến nhất à? Nhiều lắm! Tôi từng ôm giấc mơ ra Hà Nội để xem tháp Rùa, từng ao ước được lên Đà Lạt để hưởng gió cao nguyên, từng mộng tưởng về đảo khỉ ở Nha Trang. Nhưng từ nhỏ đến giờ tôi chỉ được vô Sài Gòn đúng một lần vào năm ngoái để ăn đám cưới bà chị họ. Rốt cuộc, bây giờ tôi cũng chẳng biết mình muốn đi đâu.

- Con thua rồi! Bác nói cho con biết đi!

Bác sĩ mỉm cười:

- Hãy bình tĩnh nhé! Chúng ta sẽ được tham quan… rừng Cúc Phương!

Tôi không tin vào tai mình:

- Thật sao? Bác nói cho con biết là con không mơ đi!

Bác sĩ nhẹ nhàng:

- Không! Không phải là một giấc mơ đâu con trai! Đó là sự thật!

Tôi nhảy cẫng lên:

- Chúng ta sẽ gặp lại nó chứ bác? Ý con là con cáo đó!

- Không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ gặp lại nó thôi!

Tôi nghĩ tới thực tế trước mắt:

- Nhưng mẹ sẽ không cho con đi đâu!

- Bác sẽ thuyết phục cả ba và mẹ con!

Tôi lắc đầu:

- Bác không làm được đâu!

Bác sĩ quả quyết:

- Bác sẽ làm được! Hứa danh dự đó!

oOo

Bác sĩ Lâm là một người trọng danh dự. Ngay hôm đó, ông sang nói chuyện với ba mẹ tôi suốt buổi tối.

Ba ngày sau, tôi và ông có mặt trên chuyến tàu ra Bắc. Chính đoàn tàu mà con cáo đã ra đi.

Tôi ngồi trên tàu gần một ngày trời với tâm trạng vô cùng háo hức. Vừa xuống ga, bác sĩ ngoắt một chiếc taxi và chúng tôi đến địa điểm tập trung.

Đó là một nhà khách hạng trung nằm ở thị trấn trung tâm của huyện Nho Quan. Đã có một vài đoàn đến trước chúng tôi. Hầu hết đều là người quen của bác sĩ Lâm. Sau một hồi tay bắt mặt mừng, chúng tôi được đưa về phòng.

Căn phòng nằm ở cuối hành lang tầng hai, yên tĩnh và thoáng mát. Buổi sáng, tôi thường ra ban công để hưởng không khí trong lành của sớm mai và ngắm không biết chán màu xanh ngắt của núi rừng bao bọc xung quanh. Không biết bây giờ con cáo đang làm gì. Nó có nhớ đến tôi không hay mải vui với núi rừng mà quên đi người bạn thành phố này rồi!

 

 

Trong rừng

 

Đoàn tham quan có khoảng ba mươi người. Hầu hết là bác sĩ thú y và các nhà nghiên cứu môi trường. Tôi là đứa trẻ duy nhất trong đoàn. Chúng tôi sẽ tham quan rừng Cúc Phương trong ba ngày với một hướng dẫn viên.

Qua khỏi cửa rừng, tôi có cảm giác như mình đang trở lại những ngày xa xưa khi con người “trồng bằng lửa, cày bằng dao”. Khung cảnh núi rừng kỳ vĩ, hoang sơ và tự nhiên hết mức có thể. Dưới ánh sáng lung linh của những giọt nắng rơi qua kẽ lá, một đàn bướm lượn chập chờn, kỳ ảo như là cổ tích. Rồi tiếng chim ríu rít trên những tàng cây xanh mát cho con người chìm đắm trong sự yên bình, thanh thản mà nơi đô thị phồn hoa không thể nào có được. Một con voọc quần trắng địu con trên bụng, chuyền cành chạy theo đoàn tham quan. Nó cứ trố mắt nhìn chúng tôi, lạ lẫm và thích thú y hệt như… trẻ con xem khỉ xiếc.

Đi cả buổi sáng trong rừng, giẫm lên không biết bao nhiêu lớp lá mục nát, gặp vô số những con vật kỳ lạ, tôi không thấy bóng dáng con cáo đâu. Bác sĩ Lâm trấn an tôi. Ông bảo có lẽ nó ở sâu tận trong kia. Và tôi tiếp tục nuôi hi vọng.

Đến trưa, mọi người dừng lại bên một khe suối. Tôi vẫn chưa tìm ra con cáo. Sau bữa trưa, mọi người tản ra xung quanh tìm một góc cho riêng mình. Tôi khoèo anh hướng dẫn viên:

- Anh ơi! Rừng này có cáo không?

Anh nhìn xuống tôi, đáp:

- Có đấy em ạ! Chúng thường đào hang dưới những gốc cây, mô đất hay những tảng đá lớn. Em thích loài cáo hả?

- Không ạ! Em chỉ hỏi cho biết thôi! Vậy ở đây có hổ không hả anh?

- Có chứ!

- Vậy lỡ mình đang đi nó nhảy ra đớp một phát thì sao ạ?

Một số người ở gần đấy bật cười trước thắc mắc vô cùng chính đáng của tôi. Lỡ tôi mắc tiểu đột xuất phải tìm chỗ vắng giải quyết, nó nhảy ra đòi… “đánh bạn” với tôi thì sao. Anh hướng dẫn viên xoa đầu tôi:

- Không đâu em! Hổ vốn rất nhát người. Chúng ta đông người thế này mà lo gì.

- Nhưng bà em bảo ở vùng núi, hổ hay ăn thịt những người đi rừng và mò vào bản bắt trộm gia súc.

Một bác già ngồi cạnh đó xen vào:

- Đúng là có chuyện đó! Nhưng vì hổ bị dồn vào đường cùng nên mới làm như vậy. Ở đây, môi trường thiên nhiên dịu dàng, phóng túng đã làm đằm bớt tính hung hãn của hổ. Nó sẽ không tấn công chúng ta một cách vô lý đâu!

Nghe bác nói vậy, tôi yên tâm được chút chút. Tôi quay lại chỗ bác Lâm:

- Con chẳng thấy nó đâu cả!

- Không sao đâu con! Chúng ta chỉ mới đi có một phần rừng thôi mà!

- Nhưng con cứ lo lo. Lỡ nó không đến được đây…

Tôi bỏ lửng câu nói. Bác Lâm choàng tay qua, kéo tôi xích lại gần vỗ về:

- Đừng lo! Không có chuyện đó đâu. Nó là một con cáo thông minh. Thông minh và may mắn!

oOo

Mười ba giờ, chúng tôi đi thăm động Người xưa và ghé qua cây chò nghìn tuổi. Đứng trước cái cây khổng lồ, tôi cảm thấy mình thật nhỏ nhoi. “Thân cây dễ chừng phải mười người ôm mới hết”. Vừa thầm nghĩ, tôi vừa quan sát dưới gốc cây, săm soi từng góc rễ để xem thử có cái hang nào không. Tuyệt nhiên không!

Kết thúc ngày đầu tiên, tôi vẫn chưa tìm ra nó. Leo lên xe về nhà nghỉ, tự nhiên tôi thấy trong lòng rưng rưng muốn khóc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tái ngộ

 

Về đến phòng, tôi ngồi thu lu trên giường. Bác sĩ Lâm cũng im lặng đọc báo trên chiếc ghế bành bên cạnh bàn nước. Không ai nói tiếng nào.

Bỗng có tiếng gõ cửa. Bác sĩ bảo tôi:

- Con ra mở cửa giúp bác đi!

Tôi uể oải nhảy xuống giường. Đến gần cửa, tôi nhận ra không phải có ai đang gõ cửa, mà là có một con gì đó đang cào cửa. Tuy vậy tôi vẫn lên tiếng thăm dò:

- Ai đấy ạ?

Không có ai trả lời. Chỉ tiếng cào cửa vẫn vang lên, gấp gáp hơn trước. Con cáo chăng? Không thể nào! Làm sao nó biết tôi ở đây được! Tôi xoay nắm đấm cửa, mở bung ra. Vắng ngắt, trống trơn!

Nghĩ rằng có ai đùa mình, tôi ló đầu ra hành lang xem thử. Và tôi đứng sững. Có một con cáo nép sát bức tường. Một giây, hai giây, rồi tôi nhảy tới ôm chần lấy nó:

- Đúng là mày rồi! Anh bạn. Tao nhớ mày lắm!

Con cáo kêu lên:

- Từ từ thôi! Ngươi làm ta nghẹt thở bây giờ!

Tôi buông tay ra, vẫn tưởng mình đang mơ. Tiếng bác sĩ vang lên:

- Ai ở ngoài đó vậy con?

Liền theo đó là tiếng bước chân. Bác sĩ ló mặt ra. Ông lập tức hóa đá. Con cáo nhe răng cười:

- Ông không mời ta vào phòng sao, bác sĩ?

oOo

- Con tàu đó chạy khiếp thật!- Con cáo bắt đầu câu chuyện.- Ta đã cố bám vào với tất cả sức lực. Gió cứ vun vút, cứa vào da thịt lạnh căm. Không bị rụng mất cái lông nào là may lắm rồi! Đáng sợ nhất là lúc nó chạy xuyên qua lòng núi. Chẳng biết mình đang ở đâu mà sấm chớp cứ đì đoàng bên tai. Thật là kinh khủng!

Vừa kể, con cáo vừa rùng mình. Tôi âu yếm vuốt ve bộ lông ấm áp của nó. Bác sĩ ngồi trên ghế bành cười khà khà. Con cáo tiếp tục:

- Tàu chạy xuyên đêm. Ta buồn ngủ kinh khủng nhưng không dám chợp mắt. Nó đến ga Ninh Bình vào lúc tờ mờ sáng hôm sau. Lang thang suốt năm ngày, cuối cùng ta cũng đến được rừng Cúc Phương. Đúng như ngươi nói, thật là một nơi tuyệt vời. Tại đây, ta đã gặp được cô ấy.

- Cô ấy?- Tôi nhổm dậy- Mày muốn nói là…

Con cáo gật đầu:

- Ta đã kết hôn lần nữa! Giống như vợ cũ của ta, cô ấy là một phụ nữ tuyệt vời!

- Vậy mày có một mái nhà hạnh phúc chứ nhỉ?

Bác sĩ hỏi. Tôi thấy ông hơi buồn. Có lẽ ông nhớ người vợ quá cố của mình. Con cáo không để ý đến điều đó. Nó đáp:

- Tất nhiên rồi! Chúng ta đã có bốn nhóc!

Tôi trố mắt:

- Bốn?

Bác sĩ nói:

- Cũng phải thôi! Chúng ta chia tay nó hơn nửa năm rồi chứ ít ỏi gì!

Tôi hỏi:

- Sao mày biết tao và bác sĩ ở đây?

Con cáo đáp:

- Ta bám theo hai người từ trong rừng. Lúc đó đông quá, ta không thể ra mặt được!

- Mày chạy nhanh đến vậy à?

- Không! Ta đã bay! Ta đâu đã quên cách biến thành một con bồ câu. Vào đây mới là một khó khăn. Dưới tiền sảnh đầy người. Để theo kịp các ngươi, ta đã biến thành một con chuột.

Tôi thắc mắc:

- Sao mày không vào theo đường ban công?

- Ngươi vẫn ngốc như ngày nào! Ta đã biết các ngươi ở phòng nào đâu!

Bác sĩ nói:

- Mày ở lại đây nhé! Mai hẵng về!

- Tất nhiên rồi bác sĩ! Ta đâu thể bay trong đêm với đôi mắt của một con bồ câu. À! Nhân đây ta muốn hỏi một chuyện. Đoàn người lúc sáng là ai thế?

- Đó là đoàn tham quan. Bọn ta cũng được mời. Thế nên mới có thể ra đây để thăm ngươi được chứ.

Con cáo tự nhiên lúng túng. Nó lí nhí:

- Vậy mà… Vậy mà ta cứ tưởng là hai người dẫn họ đến để… bắt ta!

Bác sĩ kêu lên:

- Đừng nghĩ xấu bạn bè thế chứ anh bạn!

- Ta xin lỗi!- Con cáo cúi gằm mặt, khổ sở- Nhưng hoàn cảnh bắt buộc ta lo sợ!

Tôi thấy tội nghiệp nó nên lên tiếng:

- Đó chỉ là hiểu lầm thôi! Chúng ta không trách mày đâu! Phải không bác sĩ!

Bác sĩ gật đầu:

- Đúng vậy! Nếu ở trong hoàn cảnh của mày, ta cũng sẽ nghi ngò!

Mặt con cáo tươi lên:

- Hai người không giận ta thật chứ?

Cả tôi và bác sĩ cùng nói:

- Thật! Bạn bè ai lại giận nhau!

 

 

 

 

Gia đình cáo

 

Sáng hôm sau, đoàn tiếp tục khởi hành. Không ai để ý đến con bồ câu bay phía sau xe, trừ tôi và bác sĩ.

Lúc xuống xe, tôi nhìn quanh quất nhưng không thấy nó đâu. Có lẽ nó đã chui tọt vào rừng.

Lần này, chúng tôi đi theo hướng khác. Tôi và bác sĩ đi ở cuối đoàn. Khi dừng lại nghỉ chân một lúc, con cáo lại xuất hiện sau một lùm cây. Nó ra hiệu cho tôi và bác sĩ đi theo.

- Chúng tôi ra đây một lát nhé!

- Đừng đi quá xa!- Anh hướng dẫn viên nói với theo.

- Ngay đây thôi!- Bác sĩ đáp, không quay đầu lại.

Chúng tôi theo chân con cáo đến một trảng cỏ xanh rì. Đây là nơi thứ hai trong rừng tôi thấy tràn ngập nắng và không bị che phủ bởi những tán cây.(Nơi đầu tiên là bên bờ suối). Trên trảng cỏ là bốn chú cáo con đang nô đùa. Cách đấy không xa, con cáo mẹ đang dịu dàng ngắm nhìn lũ con tinh nghịch. Trông nó thật là mãn nguyện.

Con cáo bảo:

- Đợi ở đây đi! Ta sẽ bảo gia đình đến chào hai người!

Nói rồi nó chạy ra. Bọn cáo con lập tức bỏ cuộc vui, chạy đến đón cha. Con cáo mẹ bước lại gần. chúng nói với nhau bằng ngôn ngữ Cáo. Một lát, cáo cha kêu lên bằng ngôn ngữ cấp cao:

- Nào! Hôm nay chúng ta có khách! Đó là hai vị ân nhân ngày xưa của ta.

Vừa nói, nó vừa hướng ánh nhìn về phía chúng tôi. Bác sĩ bước ra trảng cỏ. Tôi đi theo ông.

Cáo mẹ làm một cử chỉ chào giống như là e lệ. Lũ cáo con hơi bỡ ngỡ trước khách lạ, lại là hai con người. Nhưng rồi thấy cha mẹ không tỏ thái độ gì, chúng xúm quanh và đùa giỡn với tôi. Tôi bế một chú cáo con lên và nựng nịu. Nó thật là dễ thương. Đây không phải là nhận xét của một mình tôi. Trong lúc tôi đang mải mê đùa giỡn với lũ cáo con thì một giọng nói vang lên:

- Cả một gia đình cáo! Thật dễ thương làm sao!

Tôi và bác sĩ quay lại. Đoàn tham quan đã đứng đó tự lúc nào. Tôi cầu trời là họ không nghe thấy con cáo cha nói. Có lẽ là vậy thật! Bà vừa lên tiếng bước tới định bế một chú cáo khác lên. Đàn cáo giật mình chạy về phía cái hang ở dưới một gốc đại thụ rồi chui tọt vào. Mọi người ồ lên tiếc rẻ. Họ xúm xít quanh hang cáo. Một ông cao cao bảo tôi:

- Cậu bé! Gọi chúng ra đi!

Tôi lắc đầu.

Ông ta quay sang bác sĩ Lâm:

- Anh Lâm! Bảo cháu anh kêu lũ cáo ra cho mọi người chiêm ngưỡng chút đi!

Bác sĩ cũng lắc đầu:

- Không được đâu! Lũ cáo hoang đời nào lại nghe lời cháu tôi!

- Nhưng ai cũng vừa chứng kiến anh và cháu anh nô đùa cùng lũ cáo con.

Bác sĩ nắm lấy tay tôi:

- Đó chỉ là ngẫu nhiên thôi! Tôi dám chắc là lũ cáo sẽ không bao giờ chịu thò ra nếu chúng ta cứ đứng quanh quẩn ở đây! Tôi nghĩ anh biết điều đó mà, phải không? Đừng làm phiền chúng nữa! Đi thôi!

Và mọi người tiếp tục cuộc hành trình với tâm trạng đầy tiếc rẻ. Chỉ có hai người phấn khởi. Một là tôi, và một là bác sĩ Lâm. Khi ngoái nhìn về phía sau, tôi thấy gia đình cáo đứng trước cửa hang nhìn theo. Một chú cáo con đưa chân trước lên vẫy vẫy. Tôi khẽ mỉm cười. Tôi thực sự mãn nguyện với chuyến đi này! Có lẽ bác sĩ cũng vậy.

 

Kết

 

Nếu bạn có dịp đến rừng Cúc Phương và bắt gặp một trảng cỏ xanh rì đầy nắng với một gia đình cáo đang nô đùa trong ngập tràn hạnh phúc, hãy vẫy tay chào! Biết đâu, bạn sẽ có thể bắt chuyện với chúng. Hay ít ra, bạn sẽ nhận được nụ cười trong mắt cáo!

Hãy nuôi hi vọng!

 

Quy Nhơn,07/08/2006

Nguyễn Trần Thiên Lộc
Số lần đọc: 2256
Ngày đăng: 23.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện người, chuyện ma - Nguyễn Một *
Cò.. Cưa... Cứa ! - Lê Xuân Quang
Trưa hè - Đinh Lê Vũ
Nỗi buồn rất lạ - Nguyễn Ngọc Tư
Kẻ vô học - Nguyễn Một *
Xóm phố - Hồ Tĩnh Tâm
Chuyện tình trên đảo Khỉ -1 - Vũ Ngọc Tiến
Chuyện tình trên đảo Khỉ -2 - Vũ Ngọc Tiến
Cá độ - Lê Xuân Quang
Vòng quay của ngựa - Hồ Tĩnh Tâm
Cùng một tác giả