Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.472
 
Thế động của văn hoá
Trần Kiêm Ðoàn

Khi nói đến “thế động” người ta sẽ liên tưởng đến phía đối nghịch: Đó là “thế tĩnh”. Động hay tĩnh trong văn hóa hay trong tư tưởng không hẳn là hai trạng huống đối nghịch ; trái lại, đó là hai “thế” bổ sung cho nhau tùy theo thời điểm, thế đứng và phương pháp luận của người tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa. Như khi nói đến văn hóa Việt Nam, phần lớn những nhà nghiên cứu thuộc thế hệ đàn anh thường nói lên một khái niệm ước lệ như “Nước Việt ta có bốn nghìn năm văn hiến”. Đó là cách nói ở “thế tĩnh”. Coi văn hóa là một gia tài quá khứ, mang một giá trị tương trưng và mơ hồ cần được chưng trong tủ kiếng hay cất kỹ trong cái tráp sơn son thếp vàng của lòng tự hào dân tộc.

Thực tế, văn hóa chính là cuộc sống đầy sinh động, là một tổng thể của những giá trị vật chất lẫn tinh thần của một xã hội, một quần thể hay một dân tộc, kéo dài từ quá khứ cho đến hiện tại và đang theo đà tiến hóa của nhân loại để bước vào tương lai. Nghiên cứu văn hóa, vì thế, cần ở vào thế động. Cho dù tìm hiểu một nền văn hóa đã ra đời và chìm sâu trong quá khứ như khi tìm hiểu về nền văn hóa Đông Sơn, Hy Lạp, La Mã, Hằng Hà, Aán Hà… chẳng hạn cũng cần đặt trong “thế động” của sự tương quan về nhiều mặt trong bối cảnh thời bấy giờ.

1 . Khái niệm tương đối về văn hóa.

Văn hóa là một từ Hán Việt. Người Trung Hoa dùng từ “văn hóa” với một khái niệm tương đương với từ “culture” của Tây Phương. Nhưng có sư khác biệt giữa Đông và Tây là khái niệm văn hóa của người Trung Hoa tập trung trên khía cạnh đạo lý và xã hội. Họ giới hạn “văn hóa” trong tác dụng tích cực (văn: là vẻ đẹp, vẻ sáng; hóa: là hành động biến đổi và đạt tới). Trong khi đó khái niệm văn hóa của Tây phương là một tổng thể bao gồm cả cái đẹp, cái xấu; cả mặt tích cực và mặt tiêu cực trong lịch sử đời sống của con người. Bởi vậy, với người Tây phương, sự sống đồng thời cũng là sự hiện sinh về “culture”. Đông phương, theo quan niệm của Tàu, thì một nếp sống “có văn hóa” phải là một kiểu sống có văn minh, tiến bộ, tốt đẹp.

Trong vùng ảnh hưởng quá nặng nề của nếp suy nghĩ lâu đời “rất Trung Hoa”, Việt Nam chúng ta mặc nhiên chấp nhận một khái niệm hạn hẹp và khiên cưỡng về thế giới nhân sinh phong phú gọi là “văn hóa” của Tàu như một tiêu chuẩn căn bản để nhìn vào và nhìn về đời sống. Chính sự chấp nhận không điều kiện, không thắc mắc nầy đã làm cho chúng ta trôi giạt sâu vào “thế tĩnh” của văn hóa. Xếp văn hóa vào hàng những tiêu chuẩn đạo lý đã ngư trị vùng trời tư tưởng Trung Hoa (và lấn chiếm hết nguồn tư tưởng truyền thống Việt Nam) như tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức… là một cách hệ thống hóa và dán những nhãn hiệu đã có sẵn cho từng vùng của đời sống chứ không phải là khai phá, truy tìm giá trị đích thực để phát huy văn hóa dân tộc. Chính “thế tĩnh” của văn hóa đã làm cho những người quan tâm đến văn hóa Việt Nam hết sức lúng túng trong nỗ lực tìm kiếm nội dung của một hệ thống giá trị Việt Nam thuần nhất, một tập đại thành tư tưởng Việt Nam độc lập, một dòng triết lý Việt Nam (nếu có thể gọi như thế) thuần túy.

Trong một hội nghi trao đổi văn hóa được tổ chức tại đại học Pacific Lutheran (PLU) ở Tacoma (WA, Mỹ) trong 2 ngày 24 và2 5 tháng 6 năm 2001 vừa qua, một giáo sư tiến sĩ trẻ tuổi người Việt, anh Trần Hiếu, đã nhiệt tình giới thiệu những đặc tính của con người và văn hóa Việt Nam như : Cần cù, chăm học, hiếu hòa, hiếu khách, hiếu thảo, trọng thanh danh, có tinh thần độc lập, tự cường, yêu gia đình, xóm làng, bằng hữu… Khi đến phần thảo luận, một câu hỏi chính được đặt ra là: “Những đặc tính đã được trưng dẫn là đặc tính chung của hầu hết các dân tộc trên thế giới. Vậy thì đâu là bản sắc riêng biệt, sự phát triển tư tưởng độc đáo và lối sống truyền thống trong văn hóa Việt Nam? Thế nào là một lai lịch (identity) Việt Nam?”

Ngày nay, nước Tàu không còn là “Trung Quốc” (như người Tàu vẫn từng tự xem nước họ la cái “rốn” của thế giới). Việt Nam kính trọng văn hóa của Trung Hoa, nhưng không thể xem họ là chuẩn mực cho đời sống tư tưởng và xã hội của mình. Vì thế, khi bàn về “văn hóa”, chúng ta vẫn phải dùng một từ ngữ đã quá quen thuộc và thiết thân với ngôn ngữ Việt Nam qua nhiều thế hệ. Về hình thức, cứ tạm quy ước cho đó là một tên gọi, một cách gọi. Nhưng về khái niệm, cần trả nội dung “văn hóa về cho văn hóa”.

Vậy, văn hóa là gì?

Đó có thể là một câu hỏi quá muộn màng và nhàm chán liên quan đến một đề tài, một lĩnh vực quá xưa cũ và xuất hiện thường xuyên trên cửa miệng của mọi người. Thế nhưng, cho đến phút này vẫn chưa có câu trả lời trọn vẹn và dứt khoát. Nghĩa là vẫn chưa có một định nghĩa về văn hóa ổn định, minh bạch đầy đủ ý nghĩa nhất được mọi người từ Đông sang Tây chấp nhận. Trong khi tiến sĩ Sumi Zakura (Nhật) cho rằng văn hóa là “một kho tàng tổng hợp túi khôn và lối sống của một dân tộc trải qua nhiều thế hệ” thì nhà nghiên cứu nhân văn của Tàu là giáo sư KC Chan lại định nghĩa văn hoá như là một sinh hoạt tinh thần lẫn vật chất, ở mức độ cao cấp “hình nhi thượng” của một nhóm người có chung ngôn ngữ, chung bối cảnh lịch sử, chính trị, kinh tế và xã hội. Tây phương thì “đa ngôn đa quá” hơn. Từ năm 1952, hai nhà nhân chủng học Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckholn đã cho xuất bản một danh sách gồm 160 định nghĩa khác nhau về văn hóa căn cứ trên 8 phạm trù tiêu biểu trong đời sống nhân loại như: Lịch sử, đạo lý, phong cách, tri thức, thể tài, cấu trúc, phận sự, tượng trưng.

Trong các ngành học về nhân văn ở châu Mỹ, khi nói đến văn hóa, người ta thường nhắc nhở đến ba khuôn mặt bàn về văn hóa được trích dẫn nhiều nhất là Matthew Arnold, Raymond Williams, và Cliffort Geertz.

Quan điểm văn hóa của Arnorld thiên về lý tưởng. Ông ta cho rằng văn hóa là những gì liên quan quan đến cái đẹp, sự thông minh và toàn hảo: “Văn hóa là sự hiểu biết và thưởng thức tinh tế các nghệ thuật, tư tưởng ở mức độ cao”. Ngược lại, Williams tranh biện lại rằng, văn hóa không chỉ là những gì cao siêu mà văn hóa còn là những gì rất bình thường trong cuộc sống. Geertz thì lại đứng trên quan điểm của dân tộc học để nhìn văn hóa như là sản phẩm tinh thần lẫn vật chất riêng biệt, độc đáo liên quan đến từng dân tộc bao gồm “Những gì con người nghĩ, những gì họ làm, và những gì họ sản xuất”.

Nhìn chung, các khái niệm văn hóa thời danh có thể khác nhau về tiểu tiết và mức độ cao thấp trong cách nhìn, nhưng về đại thể vẫn có cái “sườn” tượng hình, khả dĩ tạm chấp nhận như dáng trái núi không giống dáng con sông hay giá trị tinh thần không thể so với gia tài có bao nhiêu mẫu đất. Đó là một khái niệm tương đối về văn hóa: “Văn hóa là sự thể hiện tổng hợp đời sống tinh thần lẫn vật chất ở nhiều mức độ và mang đặc tính riêng của một nhóm người hay một dân tộc qua nhiều thế hệ”

2- Thế động của văn hóa

Khi nói đến văn hóa Việt Nam là nói đến đất nước, con người và lịch sử Việt Nam. Vì xuất phát từ khái niệm văn hóa mang một nội dung mỹ học theo mô thức “văn là vẻ đẹp, vẻ sáng...” nên khi nói đến đất nước chỉ có “giàu đẹp, rừng vàng bể bạc, đất phì nhiêu”. Nói đến con người thì là “con Lạc, cháu Hồng”. Và nói đến lịch sử thì “chiến thắng Nguyên Mông với truyền thống hào hùng của Quang Trung, Lê Lợi”. Là người Việt Nam, ai mà chẳng tự hào với truyền thống vẻ vang đó. Nhưng văn hóa đâu phải là một bức tranh cổ động, một khẩu hiệu tuyên truyền hay một bích chương quảng cáo nhất thời!

Nói về văn hóa Việt Nam mà bỏ quên sự khốn khó truyền đời với đất lở, đất bồi, đất phèn, đất “đá ong pha nhiều ngấn lệ” của cảnh đồng chua nước mặn; quên đi thiên tai, hạn hán với những “cơn nắng cháy da cháy thịt, những cơn mưa héo úa tâm hồn” thì mới chỉ thấy được bề mặt hoa gấm của đất nước Việt Nam. Cũng tương tự như thế, khi nhìn con người và lịch sử Việt Nam mà chỉ thấy nét thanh lịch, vẻ hào hùng, quên đi lớp người chân lấm tay bùn, không ngó ngàng tới hơn 60 bộ tộc thiểu số trên rừng – từng bị cho là “man ri, mọi rợ” – hay lờ đi ách đô hộ của Tàu, xiềng xích đô hộ của Tây, chiến tranh triền miên – công lý lẫn phi lý – thì cũng chỉ mới nói đến Việt Nam bằng một mặc cảm tâm lý nhằm thỏa mãn tự ái dân tộc hơn là tinh thần khách quan nghiên cứu văn hóa.

Thậm chí văn hóa đã bị nhìn qua dáng vẻ đơn thuần của học vấn, thẩm mỹ hay tư cách. Ví dụ như “đo trình độ văn hóa” bằng trình độ học vấn (Tiểu, Trung, Đại học) hoặc khen chê “xử sự thiếu/có văn hóa”!

Trở lại với khái niệm văn hóa vừa nêu trên, muốn nhận chân, tìm hiểu hay nghiên cứu văn hóa của một dân tộc cần phải đưa văn hóa trở về “thế động”. Văn hóa phải được đặt trên bánh xe tiến hóa đang chuyển mình từ quá khứ, qua hiện tại, đến tương lai. Văn hóa là dòng đời sống trôi chảy luân lưu. Sự lụi tàn của một nền văn hóa nầy, vô hình chung, trực tiếp hay gián tiếp, sẽ là thửa đất nẩy mầm cho một nền văn hóa khác. Nền văn hóa thái cổ Việt Nam như Bắc Sơn, Hoà Bình, Đông Sơn và sự phát triển của nền văn hóa lưu vực sông Hồng về sau tưởng chừng như riêng rẽ và đứt đọan nhưng vẫn có một sự tồn tục lưu truyền của hành trình văn hóa Việt Nam về phương Đông và phương Nam.

Văn hóa thường xuất hiện dưới ba dạng: Thuần nhất, kết hợp, phân vùng và đa chủng.
Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng thường đuợc coi là nơi tiêu biểu cho những nền văn hoá dân tộc thuần nhất vì nền văn hóa quốc gia ít bị pha trộn, tác động hay phân hóa bởi những nguồn văn hóa khác. Nền văn hóa kết hợp là một nền văn hóa mất dần bản sắc nguyên thủy để pha trộn với những nguồn văn hóa mới như trường hợp Phi Luật Tân, Hạ Uy Di sau khi tiếp cận với văn hóa Tây phương. Trong nền văn hóa chung của một nước hay một địa phương rộng lớn, có những vùng văn hóa, dòng văn hóa, nhóm văn hóa hay cụm văn hóa (subculture)... thường là một hình thái sinh hoạt có phong cách riêng, có cách suy nghĩ và hệ thống giá trị riêng. Như ở Mỹ có những cụm văn hóa của giới đồng tính luyến ái, giới bụi đời vô gia cư, giới siêu sao nổi tiếng, giới cựu chiến binh... Hay như ở Canada có vùng văn hóa nói tiếng Pháp, vùng văn hóa nói tiếng Anh. Trong trường hợp người di dân như các nhóm sắc tộc ở Mỹ, Úc, Canada... thì họ còn có chung tiếng nói, nguồn gốc, lịch sử và lối sống còn mang nặng bản sắc của đất nước gốc. Họ hợp thành những nhóm văn hoá chủng tộc nhỏ trong lòng một nền văn hóa lớn. Như văn hoá Mỹ hiện nay là một nền văn hóa đa chủng, có hơn 160 nền văn hóa chủng tộc nhỏ trong lòng văn hóa đại thể của Hoa Kỳ.

Khái niệm “văn hóa xé nhỏ” thành những dòng văn hóa hay cụm văn hóa... còn hoàn toàn xa lạđối với một đất nước được coi là thuần chủng như Việt Nam. Vì vậy, một số các nhà nghiên cứu văn hóa ở quê nhà thường bị “dị ứng” với những khái niệm văn hóa có vẻ hơi “chướng” của một số các nhà xã hội học phương Tây. Hy vọng rằng, với thời gian và điều kiện kinh tế, xã hội mở rộng, mảnh đất chung của khái niệm văn hóa sẽ trở nên gần gũi và thoáng đạt hơn trong một tương lai không xa.

3. Sự hội nhập văn hóa

Bước vào thế kỷ 21, dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước đang đứng trước một viễn ảnh đầy thử thách của một khúc quanh văn hóa. Một nền văn hóa Việt tương đối thuần nhất, trôi thuận chiều theo dòng lịch sử dân tộc trong bao nhiêu nghìn năm đang chuyển động. Ở quê nhà, sau cuộc chiến dài 30 năm là thời kỳ đất nước đổi thay dưới một chế độ mới với phương thức lãnh đạo, triết lý chính trị và hệ tư tưởng hoàn toàn khác biệt. Đồng thời, sự thành tựu vượt bực của khoa học kỹ thuật của nhân loại bên cạnh sự phát triển sốt dẻo của nền kinh tế thị trường đã làm cho thế giới nhỏ lại và các dân tộc với nền văn hóa khác biệt có dịp tiếp cận với nhau dễ dàng và thường xuyên hơn. Những yếu tính và yếu tố cấu tạo nền văn hóa dân tộc sẽ không tránh khỏi luật đào thải hay hỗ tương ảnh hưởng.

Nếu thử cứ mỗi 5 năm về thăm quê hương một lần, người ta sẽ rất dễ dàng nhận ra sự thay đổi trong nếp suy nghĩ, trong cung cách sống, trong kỹ thuật diễn đạt và cảm quan nghệ thuật của người trong nước, nhất là lớp người trẻ tuổi sinh sau 1975. Và người trong nước lại nhìn thấy anh em, bà con, bạn bè của mình dường như đãbị “Tây hóa, Mỹ hóa” sau một thời gian sống xa quê có dịp trở về cố hương thăm lại quê nhà. Sự thay đổi về cung cách văn hóa là một tiến trình khách quan và tất yếu, vượt lên trên và tràn ra ngoài những quy ước về chính trị và xã hội.
Đối với người Việt ở hải ngoại, nhất là ở Mỹ thì sự thay đổi về văn hóa là một quá trình hội nhập (integration), đồng hoá (assimilation) và biến thái văn hóa (acculturation). Có thể nói đây là một sự chuyển mình tận gốc rễ của cuộc sống để tồn tại trong một xã hội mới. Sự chuyển mình có khi tự nhiên và êm xuôi; nhưng cũng lắm lúc đầy gian nan và đau xót. Không thiếu những trường hợp một gia đình êm ấm dần dần bị phân ly vì mức độ hội nhập và biến thái văn hóa khác nhau của mỗi thành viên trong gia đình. Sự xung đột giữa hai thế hệ già và trẻ (Intergenerational conflicts), giữa vợ và chồng (Marital conflicts) thường dẫn đến sự đổ vỡ của gia đình. Tốc độ hội nhập vào khung cảnh văn hóa mới rất khác nhau và phần lớn tùy thuộc vào tuổi tác, bản chất, học vấn, kinh nghiệm của từng cá nhân. Tuy nhiên, nhìn chung theo thống kê của Viện nghiên cứu văn hóa The East-West Review (CA., IV, 2001) thì sự hội nhập văn hóa của người di dân Việt Nam vào xã hội Hoa Kỳ được ghi nhận như sau:

Đối tượng Độ tuổi T* Tỷ số**

Nam Lão niên Trên 60 15 5%
Trung niên 30 -50 8 12%
Thanh niên 18 - 25 4 12%
Thiếu niên Dưới 15 2- 18%
Lão niên Trên 60 13 9%
Nữ Trung niên 30 – 50 6 13%
Thanh niên 18 -25 4 12%
Thiếu niên Dưới 15 2- 19%
* Thời gian tính bằng năm trung bình để hội nhập vào văn hóa Mỹ. (2-) = Ít hơn hai năm.
** Phần trăm trên tổng số ngườiViệt Nam nhập cư vào đất Mỹ.

Bảng thống kê tuy chỉ là mới là một cuộc khảo sát giới hạn, nhưng phản ánh được một phần mức độ khác nhau quá lớn giữa hai thế hệ già và trẻ trong quá trình hội nhập vào một nền văn hóa mới. Tuổi thiếu niên chỉ cần một khoảng thời gian dưới 2 năm để hội nhập, trong khi tuổi già phải cần đến 15 năm. Ngoài ra, vai trò giới tính cũng thay đổi. Người đàn ông không còn ở vị trí “thống lĩnh – nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” so với phụ nữ trong tốc độ hội nhập. Người đàn bà Việt Nam với bản chất chịu thương chịu khó, mềm dẽo và nhạy bén thường hội nhập nhanh hơn và có cơ hội thành công cao hơn nam giới trong xã hội Tây phương. Sự thay đổi về tác dụng của vai trò giới tính nầy sẽ có một ảnh hưởng rất lớn về lâu, về dài trong sự chuyển biến của văn hóa Việt Nam tương lai.

Sự hội nhập, đồng hóa hay ảnh hưởng văn hóa diễn ra như thế nào?
Trước khi tìm lời giải đáp cho câu hỏi nầy, cũng nên xác định về “thái độ văn hóa”. Đây là một thái độ phân biệt tự nhiên giữa hai thế giới văn hóa: “Của ta” và “của người”.
Hai thái độ truyền thống – Bảo thủ và cấp tiến – gần như tương phản: (1) “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” và (2) “Ở nhà nhất mẹ nhì con. Ra đường có kẻ săn giòn hơn ta” sẽ có tác dụng như thế nào giữa một thế giới đang có khuynh hướng Toàn cầu hóa xã hội con người.

Với tư thế một nhóm người, một cộng đồng hay một dân tộc tự hào với truyền thống văn hoá dân tộc lâu đời, chúng ta tự hỏi rằng, trước sự chuyển biến và tác động hỗ tương của xu hướng biến chuyển văn hóa toàn cầu, chúng ta sẽ chọn lựa một thái độ như thế nào khi phải tiếp cận với một nền văn hóa mới, có thế lực rộng khắp và thuộc về khối đa số? Để có một khái niệm tổng quát sơ khởi, xin theo dõi bảng phân tích sau đây:

Có đáng duy trì lai lịch nguồn gốc và văn hóa của chúng ta hay không?
Có đáng duy trì mối quan hệ tích cực giữa chúng ta và họ hay không? CÓ KHÔNG
CÓ Hội nhập Đồng hóa
KHÔNG Cô lập Buông xuôi

Phản ứng trực tiếp có khả năng đưa đến 4 thái độ: Hội nhập, đồng hóa, cô lập và buông xuôi.
Thực tế hoàn cảnh của người Việt định cư tại nước ngoài và phản ứng của giới trẻ trong nước trước những luồng sóng văn hóa mới trong vòng gần 30 năm qua đã chứng minh rằng, sự hội nhập văn hóa “biết mình biết người” là một phản ứng có ý thức thường mang đến những kết quả tích cực nhất. Nếu chỉ biết mình mà không biết người sẽ đưa đến tình trạng cô lập văn hóa; hay ngược lại, chạy theo người mà chẳng giữ được mình thì sẽ bị đồng hóa. Trước một thực tiễn đời sống mà văn hóa đang ở trong thế động, luân lưu và biến chuyển không ngừng thì sự đồng hóa, cô lập và buông xuôi về văn hóa đồng nghĩa với thái độ tự phủ nhận hay loại bỏ chính mình. Đã có những nền văn minh, văn hóa cổ đại một thời vàng son của nhân loại đã bị mất đi không còn dấu vết vì thiếu sự tồn tục và kế thừa.
Hết nhìn “ta” lại qua nhìn “người”.

Người ở đây chính là đối tượng văn hóa rộng lớn hơn mà những dòng văn hóa nhỏ có khả năng hội nhập. Như khi các nhóm di dân vào đất Mỹ thì văn hóa Mỹ đương nhiên trở thành nguồn chính (Mainstream). Vì vậy, trong ngôn từ chính thức, người Mỹ luôn luôn xác định “gốc” và “ngọn”. Như trường hợp người Việt qua định cư ở Mỹ sau 5 năm, đủ điều kiện lưu trú để trở thành công dân Mỹ thì sẽ là “Người Mỹ gốc Việt” (Vietnamese American). Thái độ văn hóa của các nước dang tay ra đón người nhập cư dù là ở Mỹ, Úc, Canada, Tây, Tàu, Nhật, Anh... bao giờ cũng trịch thượng và đầy vẻ thi ân.

Thử trưng dẫn trường hợp tiêu biểu bằng cách nhìn lại lịch sử “Thái độ văn hóa” của Mỹ chẳng hạn, sẽ thấy ngay điều đó.

Đối với làn sóng người da đen từ Phi Châu nhập cư đầu tiên vào châu Mỹ trong thế kỷ thứ 16 với thân phận người nô lệ thì thái độ văn hóa của người Mỹ da trắng đối với họ là “Tuân giáo” (Conformity). Dân nhập cư phải “cải văn hóa” như cải đạo. Liên tiếp những thế kỷ sau, luồng sóng nhập cư càng ngày càng đông, màu sắc văn hóa càng muôn hồng ngàn tía. Để phù hợp với thực trạng xã hội, thái độ văn hóa của người Mỹ bản xứ đổi qua một khái niệm “lãng mạn hơn” bằng lý thuyết “Melting Pot”. Nghĩa là họ cho rằng mọi đặc tính và hình thái văn hóa ngọai lai mang vào Mỹ se õbị trộn lại với nhau cùng với văn hóa Mỹ trong một “Nồi súp de văn hóa nóng chảy”. Phải cần cả trăm năm sau người ta mới nhận ra rằng, cái nồi Melting Pot đó đặt hoài trên lò bát quái của văn hoá mà không bao giờ chịu sôi lên để nóng chảy. Thực tế chỉ có một nền “Đa văn hóa” (Cultural pluralism) vẫn tồn tại và trơ gan cùng tuế nguyệt. Do đó, người ta phải “xuống cấp” cho giả thuyết sáp nhập văn hóa bằng cách dùng hình ảnh của bức khảm (Mosaic) hay là dĩa xà lách (Salad bowl) để hình tượng hóa một nền văn hóa đa chủng của xã hội Hoa Kỳ hiện nay.

Dùng văn hóa Mỹ như là một trường hợp nghiên cứu để minh họa một bức tranh văn hóa rất có khả năng diễn ra sau nầy khắp toàn cầu mà Việt Nam có thể là một thành tố trong đó.

4. Thay lời kết luận

Trong lãnh vực tâm lý, xã hội và văn hóa..., có phải chăng vì xuất phát từ mô thức tổ chức đời sống trên căn bản đơn vị làng xã và đại gia đình nên người Việt có khuynh hướng coi việc bảo tồn rất gần với bảo thủ. Sự bình phẩm căn cứ trên hiện tượng hơn là phân tích rốt ráo và nghiêm túc bản chất khá phổ biến. Vì vậy, khi có hiện tượng hội nhập quá nhanh hay trì trệ trước một trào lưu văn hoá mới, thường bị chê trách một cách đầy cảm tính và chủ quan bằng những lời phê phán, đại khái như “Lai căng, mất gốc” hay “Chậm tiến, lạc hậu”! Hiện trạng nầy tự nó đã nói lên được rằng người Việt tự hào với văn hóa truyền thống của mình và ít sẵn sàng để thay đổi hay hội nhập văn hóa theo trào lưu mới. Thái độ khép kín văn hóa trong quá khứ có tác dụng vừa tiêu cực vừa tích cực. Tiêu cực vì rất dễ dẫn đến thái độ tự cô lập văn hóa. Tích cực là có thể đương đầu để tồn tại trước sự chinh phục vũ bão của các thế lực “Phát xít văn hoá” hay “Sô Vanh mẫu quốc văn hóa” như sự đô hộ và âm mưu nô lệ văn hóa của Tàu lẫn Tây trong lịch sử Việt Nam thời xa xưa và cận đại.

Tuy nhiên, thực tiễn và kinh nghiệm của khối người Việt ở nước ngoài trong gần 30 năm qua đã chứng minh rằng, thái độ “Ta không mê của người, ta không chê của ta” là con đường trung đạo thích hợp nhất trong một hoàn cảnh văn hoá mới. Một thái độ tĩnh táo để tiếp thu và học hỏi những cái hay, cái đẹp của văn hóa người và phát huy những cái tốt, cái khéo của văn hóa ta đã mang lại những kết quả tích cực nhất cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Văn hóa cũng như những dòng sông cứ luân lưu chảy mãi từ nguồn đến biển. Trong đại dương văn hóa của nhân loại, có sự đóng góp của những dòng sông văn hóa Hồng Hà, Cửu Long, Hằng Hà, Dương Tử, Nile, Seine, Mississippi... và bao nhiêu suối nguồn thầm lặng khác. Con người tự hào vì có văn hóa và văn hóa cũng phải tự hào vì nó là sản phẩm của con người. Không ai có thể chối bỏ sự hiện hữu của văn hóa vì ngay cả sự chối bỏ cũng là một cách biểu hiện thái độ trong đời sống và chính đời sống đó cũng vô hình chung là một thành phần văn hóa.


www.trankiemdoan.net

Trần Kiêm Ðoàn
Số lần đọc: 3663
Ngày đăng: 23.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Harold Pinter : Nghệ thuật, Sự Thật, và Chính trị .(Diễn từ nhận giải Nobel Văn học 2005) - Harold Pinter
Thời của tản văn và tạp bút - Trần Hoàng Nhân
Canh Giấc Mơ Xanh - Nguyễn Nguyên An
Hà Tiên thập vịnh-1 - Hùynh Công Tín
Hà Tiên thập vịnh-2 - Hùynh Công Tín
Hà Tiên thập vịnh-3 - Hùynh Công Tín
Những bài thơ mới tìm thấy của Lưu Trọng Lư - Thi Nhân
Tản mạn cùng Văn nghệ Sĩ miền nam của Nguyễn Tý,nxb Hội Nhà Văn.Lời giới thiệu của Nhà thơ Hoài Anh. - Hoài Anh
Thi sỹ Đông Hồ [ Hà Tiên] đã có công “ phục sinh” tác phẩm lục bát thế kỷ 18 ( Truyện Song Tinh của Nguyễn Hũu Hào ). - Nguyễn Văn Hoa
Trong tác phẩm nghệ thuật, sự kế thừa tinh hoa của quá khứ, còn ý nghĩa nữa hay không ? - Dư Thị Hoàn
Cùng một tác giả
Cầm chầu HÁT BỘI (truyện ngắn)
Cơm Hến, (dân gian)
Bờ bên kia (truyện dài)
Duyên Tu-1 (truyện ngắn)
Duyên Tu-2 (truyện ngắn)
“Thế à ! ” (phê bình)
Nam mô A-ME-RI-CA (truyện ngắn)
Xuân trong ta (văn hóa)
Thế Hệ Kế Thừa (đối thoại)