Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.121
123.228.591
 
Lộ trình thơ Mai Văn Phấn-1.
Dương Kiều Minh

Trước khi bước vào lộ trình thơ Mai Văn Phấn, ta không thể không nhận thấy áp lực từ bầu không khí văn chương vốn đã định hình, từng đẩy lùi những khái niệm cách tân vào những góc tối chỉ còn tồn tại dưới dạng tiềm ẩn, khiến cho cả những người ít ham muốn không thể cầm lòng trước những đổi mới của thơ Việt đương đại.

 

Thơ của các nhà thơ xuất hiện sau năm 1975 ( theo tên gọi của một số các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam ) thảng hoặc có một vài ý kiến nhắc đến những khởi sắc, đổi mới... nhưng rồi  chìm đi bởi những làn sóng ào ập của những quan niệm văn chương định sẵn. Trong bối cảnh đó, ta hãy đọc Mai Văn Phấn để cảm nhận lộ trình cách tân trong thơ anh.

 

Mai Văn Phấn được bạn đọc và đông đảo giới làm thơ quan tâm, có lẽ phải lấy mốc là giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ năm 1995 (Hội nhà văn Việt Nam) mà anh đã giành vương miện. Nhưng thực tế sáng tạo, cách tân thơ của Mai Văn Phấn lại khác. Chính những bài thơ được trao giải lại không đại diện cho thơ Mai Văn Phấn trong thời điểm này. Và thực tế, giải thưởng mà Mai Văn Phấn nhận, đã làm nhiều người hướng đến thơ anh theo đặc điểm những bài thơ được giải, chứ không theo thực trạng sáng tạo của anh. Điều này là một trong những nguyên nhân tạo ra sự nghi ngại của người trong giới đối với sự cách tân thơ của Mai Văn Phấn, đặc biệt là đối với những sáng tác của anh trong những năm đầu thế kỷ XXI.

 

Không ai có quyền trách cứ bạn đọc, nhưng sự thờ ơ lãnh đạm và lười nhác của những người cùng giới đối với sáng tác của nhau là không thể chấp nhận được. Đối với sự cách tân thì họ lại tăng cường thái độ gần như thù địch, hoặc khả dĩ hơn, là họ coi như một thứ dịch bệnh cần phải lánh xa.

 

Sự cách tân vốn nằm ở nhiều chiều kích của nghệ thuật thơ ca. Bất kể lộ trình của một nghệ thuật nào nếu không có sự cách tân tiếp nối thì đó là một ( nghệ thuật) dẩy chết. Thơ của lớp nhà thơ xuất hiện sau 1975 (được xuất bản hoặc đăng tải trên báo chí...) thực sự chưa được đánh giá đúng với thực trạng sáng tác, đặc biệt chưa từng được thừa nhận như những giá trị mang tính cách tân. Nếu có sự đánh giá nào đó thì còn quá mờ thoảng, hoặc lại rơi vào phiến diện; và, nguy hiểm hơn có khi nhầm đối tượng... Và, cuộc cách tân thơ của  Mai Văn Phấn vẫn chỉ tồn tại ở dạng “hòn than cháy dở” như một hình ảnh trong thơ anh.

*

Dù có thể bất cập, nhưng tôi vẫn phân lộ trình thơ Mai Văn Phấn làm ba giai đoạn. Lý do bởi hình thức thể hiện thơ của Mai Văn Phấn có sự chuyển biến rõ rệt qua các thời kỳ. Nếu không tìm hiểu kỹ thời kỳ đầu, sẽ cảm thấy hụt hẫng và rời rạc khi tiếp xúc với thơ Mai Văn Phấn giai đoạn sau, đặc biệt là các sáng tác 5 năm trở lại đây.

 

Giai đoạn thứ nhất gồm những sáng tác thơ được xuất bản từ năm 1990 đến 1998; giai đoạn thứ hai là những sáng tác xuất bản năm 1999, nổi bật là trường ca Người cùng thời; giai đoạn thứ ba gồm những sáng tác từ năm 2000 với tập thơ Vách nước (xuất bản năm 2003) và những bài thơ gần đây.

 

Giai đoạn thứ nhất: đây là thời kỳ mở đầu của thơ Mai Văn Phấn, gồm những bài viết trong thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Hình thức thể hiện trong giai đoạn này, từ nhịp điệu, kết cấu bài thơ... chưa vượt ngoài những hình thức giá trị ổn định của thơ Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Nhưng, Mai Văn Phấn đã chủ động, độc lập tìm tòi những ý tưởng, hình ảnh lạ, tạo nên sự độc đáo nhất định. Ngay những bài thơ lục bát đã bắt đầu hiển lộ:

“Cầm tay gió dắt vào đêm

Mà hồn xanh lỡ để quên cuối trời

Dấu chân xin cát chớ vùi

Cho ta niệm chắc ban mai lại về”

              (Qua hoàng hôn)

Sự gửi gắm, tái sinh của tâm thức tiếp tục trường tồn qua thời gian, đó là gợi ý mà ta đón nhận từ những câu thơ này.

“Hương hoa giăng với tơ tằm

Ta hay con kén đang nằm trên nong

Bầu trời tựa cái chén không

Đem hồn ta rót cho hồng chân mây”

                (Rượu xuân)

“Hồn mình dựa chốn mong manh

Rồi hư danh ấy cũng thành hư không”

               (Kinh cầu ban mai)

Mai Văn Phấn đưa những hình ảnh mang tính biểu tượng “Ta hay con kén đang nằm trên nong ” rồi “bầu trời tựa cái chén không”, rồi “hồn mình dựa chốn mong manh”.... Những ý tưởng mang tính triết học đã trỗi lên trong những vần thơ lục bát du dương và rất uyển chuyển. Điểm này chúng ta không thể không lưu ý, khi đặt thơ Mai Văn Phấn trong thơ Việt Nam giai đoạn đó và kể cả sau này.

“Tán lá hiện ngôi nhà bình yên

Phía sau nằm úp một con thuyền

Lá rụng khi dòng xanh tưởng cạn

Con thuyền phía ấy lật mình lên”

             (Chiếc lá)

Chiếc lá hay con thuyền? Con thuyền hay chiếc lá? Chiếc lá hay sức sống quật khởi? Bốn câu thơ của bài thơ 4 câu đã gợi lên một ý tưởng mở về một sự sống được trỗi dậy trong bài thơ này.

“Bất chợt vệt cánh chim bay qua

Hay quanh quất bóng mình sót lại

Cánh chim tựa que diêm quệt vào ngây dại

Ngọn lửa thiên thần nào có thể bén vào tôi”

               (Cánh chim bay qua)

Kỳ lạ quá ! Một vệt cánh chim bay qua mà lại nghĩ là “bóng mình sót lại”. Không chỉ thế, sự liên tưởng tiếp theo càng độc đáo “cánh chim tựa que diêm quệt vào ngây dại”. Cánh chim và tuổi thơ là những hình ảnh thơ nhiều nhà thơ đã sử dụng; điểm sáng tạo ở đây là cánh chim như que diêm thổi bùng tâm hồn của tuổi thơ đầy ước ao bay bổng và cháy bỏng.

“Nỗi nhớ biến thành sương khói

Lá khô thoát xác bay lên

Tôi thì nồng nàn như đất

Để em linh ẩn chùa chiền”

               (Thoáng thu)

Những chiếc lá khô trong thơ mang hình bóng của nỗi nhớ. Những làn khói bốc lên từ những đám lá khô gợi hình ảnh về đất. Nhà thơ ước mình như đất, còn em là chùa chiền linh ẩn trên đó. Tứ thơ không kém sự lạ. Cuối giai đoạn này, Mai Văn Phấn không thật ngoan ngoãn hài lòng với những cái đã định sẵn. Anh đã xé toạc cái vỏ kén bao bọc và những bài thơ với hình thức mới mẻ, tự do, phóng khoáng đã ra đời. Những ý tưởng, hình ảnh thơ và sự tưởng tượng như con kỵ mã tung vó trên thảo nguyên mênh mông.

“Trái đất – căn nhà hộ sinh

Tiếng trẻ con chào đời truyền trong không gian xanh những dòng mật mã...”

         (Màu xanh)

“Ngoài vườn gió thu đang xéo lên tán lá

Phải tĩnh tâm để bàn tay hoang dã

Cúi nhặt từng chiếc lá rơi”

        (Mơ thực)

“Gieo mình xuống phù sa

Bàng hoàng nghe tách vỏ

Ủ chân thật vào giữa

Chờ mùa xuân nảy mầm

         (Chân thật)

Trái đất là nơi nương náu che chở cho sự sống. Một đứa trẻ mới ra đời, sự sống mới như tin mừng được truyền vào không gian vô tận. Gió thu với những chiếc lá là dấu hiệu già nua, sự trở về cội rễ... Đó chính là ý nghĩa nhân văn nằm ngoài câu thơ. Sự tái sinh của sự sống thật hiếm qúy, chúng được hiện lên trong nín thở chờ đợi nâng niu. Để có sự tái sinh của sự sống cũng như của nghệ thuật thơ ca “mùa xuân nảy mầm” thì điều cốt tủy là phải “Ủ chân thật vào giữa ”. Sự “chân thật” là hạt nhân, nền tảng làm nên sự phong phú sống động của trái đất và của nghệ thuật.

 

Mai Văn Phấn luôn khát vọng mở toang cánh cửa vào thế giới con người. Anh đã trực cảm xây dựng những hình ảnh thơ với nhiều sắc độ cung bậc khác nhau hướng tới những cánh cửa hữu hình và vô hình.

“Giờ tôi đứng lên bằng đôi chân con dế

Trên ngọn cỏ mềm lướt đi nhè nhẹ

Cố gọi lên bằng tiếng loài người

Lỡ qua cửa rừng không ai nhận ra tôi”

                  (Ngủ quên trong rừng)

“Đến lượt những ý tưởng của tôi giữa đầm lầy khắc khoải

Thèm một nắm đất ai ném trước mặt

Để choảng tỉnh thấy mình thành  con vịt ngẩn ngơ”

                 (Lẩn thẩn lúc chăn vịt)

 

“Ký ức tuổi thơ hun hút xa như chiếc vòi rồng

(...)

Giờ nỗi cô đơn lại sà xuống vần xoay tựa chiếc vòi rồng

Đang muốn hóa thân tôi thành cát bụi

Mặt trời chiều hay  trái cây chín vội

Rụng xuống lòng mình

                                Trĩu nặng

                                  Trần gian”

         (Cát bụi và tôi)

Khát vọng dâng hiến, khát vọng sáng tạo thường trực trong mỗi bài thơ, đã làm xuất hiện nhiều hình ảnh khác lạ, sống động trong những không gian thơ đa chiều, riêng biệt. Hình như ẩn giấu một điều gì đó, ở đâu đó qua các thời đại, cứ mãi mãi kiềm giữ, có lúc đã từng hủy hoại những khát vọng muốn được bày tỏ, hiến dâng cùng sáng tạo của những con người nhiệt huyết, ôm bầu nhiệt huyết băng qua sa mạc của người đời; ở đấy chúng được lật lên bằng những hình ảnh mùa vụ và đất đai. Sự gieo vãi những hạt giống luôn luôn là biểu tượng của khát vọng loài người về sự sống sinh sôi xuyên từ Đông sang Tây, từng được thể hiện không chỉ trong nghệ thuật mà cả các tôn giáo lớn trên thế giới hàng mấy ngàn năm nay. Biểu tượng của khát vọng này được tái sinh trong những đoạn thơ sau:

“Đất đai - người đàn ông nằm ngủ

Mắt khép một vùng cửa sông

Hạt hạt phù sa mê man bên gốc rạ.

 

Da thịt râm ran từng cơn trút lá

Heo may! Heo may! Heo may!

Phía sau giấc mơ bồi hồi tàn lửa.

 

Những đám cháy bò lan bùng lên điệu múa

Thức dậy người đàn ông

Trên ngực còn vương tro than của mùa đốt đồng.”

           (Sau mùa gặt)

“Tôi chếnh choáng rỗng không chiếc hũ

Đợi những mùa vàng rạo rực hiến dâng”

           (Tự thú trước cánh đồng)

“Tôi hay con cá vừa trườn qua khe đá

Vội hớp lấy những bọt mưa phùn giăng kín mặt sông”

            (Dấu hiệu mùa xuân)

“Cùng góp với ai ngọn lửa

Dẫu là mình thành lá khô”

          (Anh về)

“Ta thèm một lần nhân danh đất đai”

           (Khúc phóng túng)

Và đây là hình tượng phóng dụ khát vọng, một trong những hình tượng có tính toàn mỹ về cách tân thi ca của Mai Văn Phấn, khi nhà thơ phóng chiếu tâm tưởng vào vũ trụ:

“Tôi thổi vào lòng ống sáo tối đen địa ngục, để tìm ra bảy lối tới thiên đường: Đồ-RÊ-MI-FA-SON-LA-SI”  (Viết cho cây sáo).

*

Đặc trưng thơ Mai Văn Phấn ở giai đoạn thứ hai tập trung ở trường ca Người cùng thời. Trường ca này chứa đựng tất cả các hình thức thơ anh đã sáng tác trước đó, đồng thời cũng xuất hiện ở một số chương những hình thức thơ mới, những cấu trúc câu, nhịp điệu, ý tưởng khác biệt, những kết cấu mảng khối bị phá vỡ... Có những chương mà hình thức thơ là những từ nối tiếp không có dấu chấm, phảy, xuống hàng, duy nhất còn lại là những ký tự vang lên như những câu hỏi mang theo thách thức. Trường ca gồm 10 chương, chương I: Nhóm lửa, đến Chương X: Phía trước bàn chân. Phần giữa có 3 chương với tiêu đề: Cộng hưởng I, Cộng hưởng IICộng hưởng III làm thành những trụ cột của ngôi nhà Người cùng thời. Đây là một ý đồ mới mẻ của tác giả trong trường ca này. Trong chương cuối của trường ca, nhà thơ đã dựng lên những ý tưởng chủ đạo:

 

“Ở giữa thiên nhiên ngỡ trong lòng mẹ, giây phút bình yên cho ta thêm lặng lẽ, tạm biệt những sắc nhọn tinh khôn để cảm nhận mình đẹp như bào thai, mới như phôi thai.

Khi đôi môi ngậm vào bầu diệp lục hít thở non tươi thanh sạch, ánh sáng tràn qua những hốc sâu. Nghe rân rân những mạch sông Mê Kông, sông Hồng, sông Mã... Lịch sử cùng cuộn chảy với bao mạch ngầm tha thiết ngàn sau... Nối vào ta tựa những cuống nhau, những chùm rễ cái.

 

Những bờ vai thức dậy và bắt đầu chuyển động. Nghe thầm thĩ tiếng phù sa vỗ về dẫn dắt từng con nước, hay lòng tay các vua Hùng giản dị dưới lòng sông.

 

Tiếng sét trong cơn mưa đóng dấu bàn chân hay nghi lễ cho ta nhận mặt. Mây êm ái bay qua khoảng không thơ ngây vừa được cắt rốn. Xin thấm đẫm ơn sâu các dòng sông đã đem ta vào thế kỷ sau!

 

Từng cung bậc trong các Cộng hưởng đang mở những bàn tay vào không gian phía trước. Cùng thời với cả những người chưa kịp sinh ra mà gương mặt đã hiển hiện trong vòm cây, bóng nước. Cùng thời với cả những người đã chết bởi những từ ngữ hằng ngày ta vẫn thường gọi đến tên nhau.

(...)

Khắp nẻo không gian đã giãn ra cho tiếng trẻ con đồng thanh trong lớp :

Muôn năm con người! Muôn năm thiên nhiên!”

 

Cũng không sai khi nói rằng đó là tuyên ngôn thơ Mai Văn Phấn. Sáng tạo của anh xuyên suốt với tinh thần cao ngất “Muôn năm con người! Muôn năm thiên nhiên!”. Cùng tư tưởng lớn này, một loạt hình ảnh truyền tải những suy tưởng về cội nguồn, về dân tộc, về Tổ quốc thông qua hình tượng Trống đồng và những biểu tượng quen thuộc của quá khứ đã được tấu lên trong một bản hoàn tấu hùng vĩ, lúc vang dội, khi hiện hình, khi thúc gọi:

 

- “Mỏ nhọn con chim nào vừa mổ vào ban mai

Lại lặng lẽ nằm yên trên mặt trống

Bao bình minh sinh ra có hình bọc trứng

Hoàng hôn nào mang khuôn mặt Âu Cơ ?”

- “Hình bóng tổ tiên bén vào rơm rạ”

- “Mỗi miền đất đều căng thành mặt trống”

- “Hình Tổ quốc ngàn năm đóng đinh vào ký ức, mang nét  vẽ dáng tổ tiên ta đội nón đứng bên trời. Giờ Tổ quốc cùng tôi mỗi buổi sớm lại tưng bừng tái hiện...”

- “Biển tựa mặt chiếc trống đồng vừa mới đào lên”.

- “Tiếng thở dài bay đi lớp bụi thời gian, ta sửng sốt thấy hồn vía tổ tiên trong nét hoa văn đình làng, trống đồng, ngọn tháp...  Những thân phận khóc cười đêm ngày làm kén ở hồn ta. ”.

- “Ra triền sông ngắm hồn tổ tiên

 Thả xuống nước tro than, áo tơi, nón mê cùng gạo muối.

Nước biển dâng lên đón nước nguồn chảy tới

Tương lai đến tìm ta bằng con sóng vồ vập oà lên”

- “Tiếng chuông mùa xuân ấp lên vòm ngực âm u hang động, vọng tiếng tổ tiên khàn đặc gọi tên mình”.

- “Bàn tay săn bắt và hái lượm tìm đường lên vì sao và xuống các đại dương”.

 

Những dẫn chứng trên cho thấy hình tượng về cội nguồn, về tổ tiên giống nòi của người Việt Nam chúng ta được nhà thơ liên tưởng với nhiều hình ảnh thơ, với những trường đoạn và những cảnh tượng khác nhau, chúng khẳng định sự truyền nối sức sống bất diệt của giống nòi. Khát vọng của tổ tiên vẫn còn hắt sáng đến hôm nay; và, khát vọng của người thời nay vang dội lại cội nguồn. “Trong tiếng dội âm thanh đô thị, trái tim lại tru lên tiếng gọi đơn âm thời hồng hoang tiền sử, biến thân xác ta thành đảo xa, vách đá, rừng hoang... ” hoặc “Hạt giống để dành được gieo vãi. Ta cũng gieo vãi vầng trán ta vào chân mây hy vọng”, “Những mặt người thắp trên mặt sóng”, “Muôn mép chân trời có bàn tay người xưa và người nay níu giữ”. Trường ca Người cùng thời được kết cấu bởi 10 chương, với dung lượng lớn. Mỗi chương của trường ca được nhà thơ triển khai theo những mạch vỉa trong không gian và thời gian được dịch chuyển biên độ rộng lớn. Những vỉa mạch nổi bật như tôi vừa nêu được nhà thơ chú tâm dùng những hình ảnh và liên tưởng khoáng đạt, ý tưởng hướng tới một tương lai khả định dựng lên một cảnh tượng mang tính hiện thực hoành tráng, lý tưởng đã khép lại trường ca này.

 

Khắp nẻo không gian đã giãn ra cho tiếng trẻ con đồng thanh trong lớp :

Muôn năm con người! Muôn năm thiên nhiên!”

 

Hình ảnh lý tưởng cuối cùng đã đẩy bản trường ca mở cửa sang một đời sống mới, một thế giới lý tưởng khác. Và thực tế, đang ngân vang một bản trường ca mới tiếp theo.

Dương Kiều Minh
Số lần đọc: 2973
Ngày đăng: 24.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhớ “Chiều mưa đường số 5” của Thâm Tâm - Trương Tham
Vũ Trọng Quang đưa con đi thi - Trần Nhã Thụy
Chất thơ trong ‘Cánh đồng bất tận’ - Đào Duy Hiệp
Những nhận định về tác giả và tác phẩm của Giáo sư Nguyễn Văn Hầu. - Nguyễn Bạch Trúc
Đã đến lúc cần một cách nhìn toàn diện , tôn trọng sự thật - Nguyễn Khắc Phê
Chất thơ" hay cái Kitsch? - Lê Anh Hoài
Sự thật, Từ ngòi bút Phùng Quán - Nguyễn Khắc Phê
Lưu Ly & Bốn Mùa Yêu : Đọc tập thơ Bốn Mùa Yêu - Nhà xuất bản Thuận Hoá 2005. - Nguyễn Nguyên An
Trần Hoàng Vy, Hạt bụi phấn rơi cũng làm em cay đôi mắt - Nguyễn Đức Thiện
Nguyễn Lâm: Người say thơ đến lạ - Nguyễn Tý
Cùng một tác giả
Thu ẩm (thơ)