Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.157
123.224.892
 
Đi lễ chùa hay hành trình giác ngộ ?
Võ Anh Minh

Đi lễ chùa

 

Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa

Tay khư khư ôm đầy vật tế lễ

 

Người thứ nhất thở dài:

- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng

Người thứ hai chép miệng:

- Vô phúc nhất người đàn bà không con

Người thứ ba cười buông:

- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi

                                               trước mặt chồng

Người thứ tư điềm đạm:

- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được

                                                          khi thấy con

Người thứ năm:

- Mô phật!

 

Lão xà ích giật dây cương

Roi quất

Tung bụi đường.

 

Dư Thị Hoàn

 

            Đi lễ chùa để làm gì ? Vô vàn câu trả lời, nhất là ở thời kỳ phú quý sinh lễ nghĩa như hiện nay. Đi để cầu duyên cầu may cầu tiền cầu tài... Thôi thì đủ cả. Song đó là điều không bàn ở đây. Nhưng có một câu trả lời đã trả lại chân giá trị, gọi về được bản chất ban sơ của việc đi lễ chùa, đó là : Đi để kiếm tìm sự thảnh thơi cho cõi lòng. Cứ nghĩ mà xem , trước không gian u tịch của ngôi chùa, mùi hương trầm, trước tượng Phật với bàn tay bắt ấn cùng cái nhắm mắt trầm mặc mà như thấu suốt cả vị lai của cõi nhân sinh…, tất cả sẽ đưa lại cho ta cảm giác thư thái mang sắc điệu tâm linh hiếm khi có được ở không-gian-đời ngoài kia.

           

            Năm người đàn bà trên chuyến xe ngựa hôm ấy đi lễ chùa cũng để cầu sự thanh thản. Dường như chuyến xe này được người xà ích điều khiển bằng sức mạnh của Chuyển pháp luân, nên năm người đàn bà đã đi vào hành trình giác ngộ, họ đã dần đạt được sự thanh thản. Nhưng đốn ngộ trước lúc tới chùa, duy chỉ  một người chứ không phải là tất cả. Thế cũng là quá đủ!

           

            Nhà thơ đã gói nỗi đau nhân tình vào cái nhìn có tính phóng chiếu của phái nữ - những người bao giờ cũng sôi nổi nhất trước hạnh phúc và cũng quằn quại nhất trước thương đau. Để cho năm người đàn bà trò chuyện (hay là độc thoại?), nhà thơ đã giúp họ sẻ chia nỗi lòng của riêng mình. Người thứ nhất: không chồng; người thứ hai: không con; người thứ ba: không khóc được trước chồng; người thứ tư: không cười được khi thấy con. Bốn mặt trái, bốn đớn đau của tình yêu và hạnh phúc. Riêng người thứ năm chỉ im lặng và niệm Mô Phật. Cái hay của bài thơ đọng lại nơi này.

           

            Không có chồng, người phụ nữ rơi vào nỗi cô lẻ, ái tình thiếu đi một nửa, suốt đời mang gánh dở dang. Người thứ nhất thở dài: - Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng.

           

            Không có con, người phụ nữ đã đánh rơi thiên chức của mình. Như bông hoa không bao giờ cho quả, lấy gì để tiếp nối về sau. Người thứ hai chép miệng: - Vô phúc nhất người đàn bà không con. Con cái là phúc phận của phái nữ. Không con, lấy gì để được gọi là hưởng phúc?

            Thế nhưng đó đâu đã phải là tất cả. Đau khổ đâu lảng tránh những cô gái không chồng, những bà mẹ không con. Ai chẳng mang nỗi niềm riêng u uất.

           

            Có chồng mà không thể cùng chồng chia sẻ tấm lòng, không thể nương tựa vào chồng những lúc khổ đau, anh ta không phải điểm tựa cho mình gục vào và hồn nhiên khóc. Người thứ ba cười buông: - Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng. Không may thay khi đời sống vợ chồng thiếu vắng sự hoà hợp cảm thông.

           

            Có con, đó là cái phúc người phụ nữ được hưởng, là hy vọng để cả đời người phụ nữ “đắm đuối vì con”, đó là mục đích, là niềm vui sống của bao tâm hồn nữ. Vậy mà… Người thứ tư điềm đạm: - Tuyệt vọng nhất là người đàn bà không cười được khi thấy con. Còn gì buồn bã hơn khi chính hy vọng lại cướp đi hy vọng của người mẹ.

           

            Bốn người phụ nữ và bốn tâm sự, cái vô thường trong đời sống tinh thần của nữ giới đã được thâu tóm. Chẳng biết ai khổ hơn ai, chỉ biết rằng ai cũng cho đau khổ của mình là nhất. Qua bốn người, những đau-khổ-nhất ấy vẫn như tăng cấp thêm qua ba tính từ chỉ tâm trạng: tội nghiệp, vô phúc, bất hạnh và kết thúc ở một động từ tuyệt vọng đẩy nỗi đau rơi vào đáy vực sâu. Tận cùng!

           

            Chỉ có người thứ năm không ta thán gì mà lặng lẽ Mô Phật. Bí hiểm quá chăng? Không phải! Người thứ năm viên mãn nhất khi đã đi trọn vẹn con đường giác ngộ. Nhà thơ dửng dưng như không, tung người phụ nữ này vào giữa bốn người kia, buông lời Mô Phật vào giữa những tiếng kêu thương. Người giác ngộ nói lời giác ngộ. Giác ngộ lẽ đời.

           

            Người ta chỉ có thể giác ngộ được khi thấu hiểu lẽ đời và bình thản trước nó. Đời là bể khổ. Sinh ra đời là đã chịu khổ đau. Bốn người phụ nữ nọ cũng phần nào hiểu được duyên do này, nên người ta chỉ buồn bã thở dài than tội nghiệp nhất, người ta chỉ chán chường chép miệng than vô phúc nhất, người ta chỉ nhạt nhẽo cười buông than bất hạnh nhất và người ta chỉ điềm đạm than tuyệt vọng nhất mà thôi, không có gì quá nặng nề cả.  Từ tội nghiệp cho tới tuyệt vọng, nỗi đau lên tới tận cùng, nhưng hãy xem, cảm xúc của bốn người đàn bà trước nỗi đau của mình lại đi theo chiều ngược lại, chiều của Diệt đế. Từ thở dài qua chép miệng rồi cười buông đến điềm đạm, cảm xúc đã dần dần lặng sóng để đạt tới độ từ tốn tĩnh tại, tĩnh lặng, và dần bước vào hành trình thoát khỏi vô minh. Nhưng chỉ có một người… Buông lời niệm Mô Phật, chưa cần và không cần phải hành lễ, người thứ năm đã bước nốt con đường mà bốn người kia bỏ dở, đốn ngộ chân lý thánh mà bốn người kia vô minh. Như vậy, trong năm người đã có một người tìm thấy cho mình sự thảnh thơi thanh thản trước nỗi đời. Vậy đó, không ai giải thoát cho ta cả, chỉ có ta mới có thể tự giải thoát cho chính ta! Khi thấu hiểu là khi giải thoát. 

           

            Bài thơ không chỉ dừng lại ở đó:

Lão xà ích giật dây cương

Roi quất

Tung bụi đường

           

            Ba dòng thơ cuối, tác giả đã tung ra một lớp hồng trần, đã đặt năm người đàn bà vào dòng chảy luân hồi của cuộc đời. Giải thoát chỉ là nhất thời, luân hồi mới là mãi mãi. Con người ta luôn cầu mong sự thanh thản, luôn cầu mong được giác ngộ, nhưng hãy xem, ba dòng thơ cuối là bước ngoặt trong kết cấu của bài thơ cho thấy rằng bể khổ là vô tận: tôi và anh cứ cầu mong sự giải thoát thảnh thơi đi, song hãy nhớ rằng, ở đâu đó trong đời sống này, luôn có một lão xà ích đang âm thầm một cách tàn nhẫn điều khiển bánh xe luân hồi của đời ta; ta càng tiến gần tới sự giải thoát, lão càng ra sức quất roi tung bụi đường – bụi đời – bụi khổ đau. Tính chất triết lý, bề sâu ý nghĩa của bài thơ chính là chỗ ấy: cuộc sống là vòng tròn của luân hồi, giải thoát rồi lại rơi vào luân hồi. Đời người là một vòng khép kín vậy ư? Không! Hãy cố gắng tìm ra một khe hở, dù là nhỏ nhất. Người đàn bà thứ năm đã làm được điều này, dù chỉ trong khoảnh khắc!   

 

            Không ngần ngại khi nói đây là bài thơ hay với ý nghĩa mang màu sắc triết luận ẩn ở tầng sâu ngôn bản. Bài thơ vạch ra nỗi niềm thương cảm của người phụ nữ nhưng cũng an ủi rằng may rủi hoạ phúc là vô thường. Hiểu được vậy, người ta sẽ có được thăng bằng trong kiếp sống. Đó là giá trị lớn nhất của bài thơ này, để mỗi khi nói tới Dư Thị Hoàn, bạn đọc lại nhớ ngay tới Đi lễ chùa. Và ngược lại.

Võ Anh Minh
Số lần đọc: 4104
Ngày đăng: 25.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc mưa xuân thì : Hồ Thế Phất - NXB Thuận Hoá 2005. - Nguyễn Nguyên An
Lộ trình thơ Mai Văn Phấn-1. - Dương Kiều Minh
Nhớ “Chiều mưa đường số 5” của Thâm Tâm - Trương Tham
Vũ Trọng Quang đưa con đi thi - Trần Nhã Thụy
Chất thơ trong ‘Cánh đồng bất tận’ - Đào Duy Hiệp
Những nhận định về tác giả và tác phẩm của Giáo sư Nguyễn Văn Hầu. - Nguyễn Bạch Trúc
Đã đến lúc cần một cách nhìn toàn diện , tôn trọng sự thật - Nguyễn Khắc Phê
Chất thơ" hay cái Kitsch? - Lê Anh Hoài
Sự thật, Từ ngòi bút Phùng Quán - Nguyễn Khắc Phê
Lưu Ly & Bốn Mùa Yêu : Đọc tập thơ Bốn Mùa Yêu - Nhà xuất bản Thuận Hoá 2005. - Nguyễn Nguyên An
Cùng một tác giả