Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.207.840
 
Pho tượng tình yêu
Nguyễn Một

Dì tôi cúi xuống gỡ những bông cỏ may dính đầy ống quần.Tôi phóng tầm mắt nhìn bao quát cánh đồng trước mắt. Đầu mùa gạnh, xanh mơn mởn màu mạ non, cánh đồng thật đẹp! Tầm mắt tôi bị chận lại bởi dãy núi bao bọc cả ba phía. Dòng Lại Giang mọc ra từ núi, lượn lờ như đường chì xanh vạch ranh giới  giữa khu thị trấn và cánh đồng. Từ đây, có thể quan sát tổng thể vùng đất trù phú nhất của quê ngoại tôi. Như vậy ngôi mộ của ông tôi được đặt trên đỉnh đồi cao nhất xứ Bồng Sơn.

Gỡ xong những bông cỏ may, dì kéo tôi ngồi xuống bên mộ ông:

-Ở đây trước kia là vùng đồi sim, vào mùa này hoa sim nở tím một góc trời. Bây giờ, người ta chặt đốt lò gạch hết rồi, chỉ còn cỏ may thôi.

Dì tôi nhìn về phía dòng sông, nơi duy nhất còn thấy chân trời. Ở đó có những đám mây cuộn lên với nhiều hình thù kỳ lạ. Hôm nay,t ôi thay mặt mẹ về thăm mộ ông. Dì dẫn tôi lên đây. Vậy mà...tôi cứ mê mãi với cánh đồng. Như thấy mình có lỗi, tôi hỏi dì một câu ngớ ngẩn:

-Mộ ông ở đây hả dì?

-Ừ! Ở đây!

Dì vẫn cứ dõi  mắt về hướng dòng sông. Tôi đứng lên thắp nén nhang trước mộ. Nhìn thấy dòng tên”Nguyễn Kha”trước mộ, tôi hỏi:

-Ủa !Tên thật của ông ngoại là Nguyễn Kha hả dì? Vậy mà mẹ không hề nói cho con biết.

-Trong giấy tờ ông khai là Nguyễn Năm. Ở đây ai cũng gọi là ông Năm thợ .

Nghe tên Năm thợ, tôi nhớ những tác phẩm điêu khắc của ông mà tôi đã được trông thấy trước khi ra đây. Tôi thắc mắc:

- Ông ngoại học điêu khắc ở đâu hả dì?

- Ở tình yêu!

Dì trả lời tôi mà mắt vẫn không rời khỏi những đám mây ở cuối chân trời. Dì nói như nói với chính mình:

-Ngày trước, khi còn sống  ông thường dẫn dì lên đây đứng ngắm những đám mây kia. Sau này dì mới biết ông cố tìm cho ra khuôn mặt một người trong đám mây ấy.

Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên bởi câu trả lời của dì. Tôi nghĩ: “Thời của ông làm gì có tình yêu. Ngay ba mẹ tôi còn do người mai mối mới thành vợ thành chồng”

-Ông của con là con người kỳ lạ.Đến khi ông mất bà ngoại mới cho dì biết sự thật về ông.

Vừa nói dì vừa vuốt ve tấm bia mộ

*

Những năm tháng miệt mài với ruộng lúa nương dâu đã tạo cho Kha một thân hình rắn chắc dẻo dai. Không ai nghĩ rằng đôi tay thô kệt với các bắp thịt cuồn cuộn như vậy lại có thể tạo ra các sản phẩm rất đẹp từ mây và tre gai. Những vật dụng dùng trong gia đình thôn quê như: rổ, rá, nong, nia mà được chính tay anh đan dát không chê được chỗ nào. Quê anh bên bờ sông Giao Thuỷ nổi tiếng nghề trồng dâu nuôi tằm.Thời bấy giờ, cả vùng dâu bạt ngàn bên sông là sở hữu của ông Hương Nhu. Không riêng gì Kha, hầu như tất cả mọi người ở đây đều làm thuê cho ông. Vợ chết sớm, ông sống cùng con gái, họ cai quản cả một gia tài đồ sộ. Vân -  con gái ông – là cô gái duy nhất trong làng được đi học. đã có nhiều đám quan quyền để ý nhưng cô lại mê Kha. Bất chấp dư luận, cô thường lân la trò chuyện với anh. Kha không hiểu được tình cảm của Vân giành cho anh bởi trái tim anh đã hướng về Lụa, cô gái nghèo cùng cảnh ngộ như anh. Hai người gặp nhau thường xuyên. Qua ánh mắt, họ biết được tình yêu mà họ đã giành cho nhau tuy chưa ai mở lời. Đến mùa trăng, ông Hương Nhu mở hội hát hò khoan mừng được mùa kén, Kha mượn câu hát hò để tỏ tình cùng lụa :

Hò... là hò... khoan...!

Muốn qua khỏi bậu vài lời

Tằm đà ăn rỗi, bậu đã có nơi mô bỏ trầu.

Lụa kín đáo trả lời anh :

Hò là hò khoan...!

Tằm em ăn rỗi đã lâu,

Ngặt nhà đơn chiếc, nên thiếu dâu nuôi tằm

Hò là hò khoan,

Em cũng có ý chờ ai đó hỏi thăm,

Để em còn tính chuyện trăm năm vuông tròn

Cả hai bên nam nữ đều cười ồ. Tan cuộc vui, dưới ánh trăng dát bạc trên ngàn dâu, hai người ra về với lời hò hẹn trăm năm. Trên lầu cao, Vân dõi theo bóng họ, âm thầm khóc. Kha thức trọn đêm hôm ấy hoàn tất cái cơi trầu, anh đã bỏ công chuốt cả tháng để có những sợi mây nhỏ như sợi cước.

 

Gà gáy canh tư, anh cũng vừa làm xong công trình của mình. anh thầm nhủ: “Món quà cầu hôn này sẽ làm cho Lụa vừa ý lắm!”. Quả vậy, về sau các cô gái trong làng đều ganh tị với cái cơi trầu đẹp nhất làng của Lụa. Anh cũng không ngờ cái tài nghệ định mệnh ấy đã chuyển cuộc đời anh sang hướng khác.

 

Bà cô họ lấy chồng quan ở Huế về thăm quê. Thấy anh khéo tay, bà cho biết hiện người Pháp rất ưa chuộng đồ thủ công mỹ nghệ của dân An Nam. Nếu ở đó chỉ trong vòng một năm, anh có thể đủ tiền sắm ruộng vườn, thoát kiếp làm thuê. Nghe lời cô, anh khăn gói về kinh thành để kiếm tiền lo cho tương lai. Anh chia tay Lụa bên bờ sông với lời hứa hẹn:

- Chỉ một năm thôi, anh về, mình sẽ có đủ tiền để mua đất trồng dâu cho em nuôi tằm.

Tháng mười năm ấy, con sông Giao Thủy trở nên hung hãn lạ thường. Suốt cả tháng trời “mưa như cầm chĩnh đổ”. Nước ngập trắng đồng, dòng sông đỏ ngầu cuốn phăng nhà cửa hai bên bờ sông. Không còn cách nào cứu cho cha mẹ khỏi cảnh “màn trời chiếu đất”, Lụa đến nhờ lòng từ thiện của ông chủ. Sắc đẹp mặn mà của cô thôn nữ đã lọt vào mắt ông từ lâu. Lụa được ông ưu ái nhất trong số những người làm thuê cho ông. Để trả ơn ông, cha mẹ buộc cô nhận lời làm vợ ông. Ngày theo chồng cô khóc như mưa, của hồi môn cô đem theo không gì ngoài cái cơi trầu của người tình cũ.

 

Ơ kinh thành, Kha trở thành người thợ thủ công nổi tiếng nhờ tài nghệ và sự cần cù, anh đã dành dụm đủ tiền để thực hiện ước mơ của mình. Anh trở về, dòng sông vẫn hiền hòa chảy như ngày anh ra đi, nhưng cảnh vật tiều tụy quá! Ghé quán bà lão bên bờ sông, chưa kịp uống bát nước chè xanh thơm ngát, anh đã được bà cho biết về những biến cố xảy ra ở làng quê từ ngày anh ra đi. Bà kết luận :

-Tội nghiệp con Lụa. Từ khi về làm vợ ông Hương Nhu, ăn sung mặc sướng vậy mà cứ như người mất hồn, chiều chiều thơ thẩn bên bờ sông. Tôi cứ sợ cô ấy nghĩ dại nhảy xuống sông tự tử thì uổng đời. Không phải cô ấy ham giàu mà phụ bạc anh, chẳng qua cái số nó vậy.

 

Mấy tháng liền Kha chẳng thiết gì đến công việc. Anh sống bê tha,vung vít số tiền đã dành dụm cả năm cho rượu. Anh uống như chưa bao giờ được uống, suốt ngày say sưa. Anh tiều tuỵ và xốc xếch người điên. Dân làng ai cũng tiếc cho anh. Trước đây họ thông cảm cho hoàn cảnh của Lụa, nay họ quay sang công kích cô. Họ thương hại anh nhưng  chẳng ai dám xông vào cuộc đời của người khác để can thiệp. Chỉ có Vân vẫn còn thương anh như ngày xưa. Cô chăm sóc cho anh như để chuộc lại lỗi lằm của cha mình. Cô được gần anh trong lúc say, khi tỉnh anh lại xua đuổi cô, nguyền rủa gia đình cô. Không hiểu “ma ám” thế nào mà cô yêu anh bằng tình yêu mãnh liệt và lạ lùng so với thời bấy giờ. Trong một cơn say, anh ôm cô, bản năng đàn ông mạnh mẽ trong anh bùng lên. Cô không đủ sức kháng cự hay đúng hơn cô chỉ kháng cự theo phản xạ tự nhiên của các cô gái, không đủ để dập tắt  ngọn lửa trong anh...

 

Dù có đau khổ đến tột cùng, Kha cũng chưa mất hết lương tri để trút bỏ trách nhiệm của mình. Anh biết tục lệ của dân làng không dể gì tha thứ cho cô gái có mang trước hôn nhân, dù cô có là con gái của địa chủ trong làng.Vân có tội tình chi đâu...

Anh quyết định cùng Vân bỏ xứ ra đi. Đêm hôm ấy, họ đi về phía thượng nguồn của dòng sông...

*

Ông rất mê điêu khắc kể từ lần ông nhìn thấy cái gốc cây có dáng dấp cô gái. Ông mang về nhà và mang mớ đồ nghề ông đã bỏ trong rương khoá kỹ gần ba mươi năm trời .Trong rương còn đủ những dụng cụ dùng để đan mây, chạm gậy rồng khi ông còn làm thợ ở kinh thành. Ông mài gọt gốc cây hết ngày này qua ngày khác cho đến khi nó thành hình cô gái. Ông ngắm nghía, lắc đầu và lang thang trong rừng với cây rựa và cái cuốc chim trong tay. Ông bỏ ruộng vườn cho vợ. Bà lo toan mọi thứ để mặc ông với niềm say mê của mình. Ông vác gốc cây về rồi hì hục đục dẽo gọt dũa. Không biết bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, không biết bao nhiêu pho tượng thành hình từ những gốc cây. Người vợ già đi nhanh chóng theo số lượng tác phẩm của ông. Con gái lớn theo chồng vào Nam. Ngày ra đi, cô ôm thân hình tiều tuỵ của mẹ khóc ròng. Bà cũng khóc. Ông quay lưng giấu hai giọt nước mắt. Sau ngày con gái lấy chồng, ông đóng cửa kho, ở nhà gần ba tháng, bà như trẻ lại nhưng ông già sọm đi trông thấy. Ông ôm bầu rượu uống như uống nước. Bà nhớ ngày xưa! Không chịu nổi sự đau khổ của ông, buổi sáng hôm ấy, bà lặng lẽ trao cây rựa và cái cuốc chim cho ông, kèm theo một gói lương khô. Lần này ông đi khá lâu và mang về một khúc gỗ to. Ông đóng cửa kho cả tuần liền, bà đưa cơm nước cho ông qua cửa sổ. đến ngày thứ bảy, từ ngoài cửa sổ bà nhìn thấy ông ôm pho tượng trong tay. Bà giật mình thốt lên: “Giống quá!”

 

Bà không thể quên được khuôn mặt ấy. Khuôn mặt đã ám ảnh bà suốt thời con gái. Bà nhớ rất rõ cô gái từng là người hái dâu rồi trở thành kế mẫu của bà. Bà biết ông tìm kiếm khuôn mặt ấy từ lây, nhưng bà không ghen. Bà yêu ông, yêu cả sự điên rồ của ông!

Ông nhìn pho tượng đắm đuối, cặp mắt rạng rỡ niềm vui, điều mà bà chưa bao giờ nhìn thấy suốt năm mươi năm qua. Ông cười, nụ cười đọng lại trên môi rất lâu. Linh cảm báo cho bà biết điều chẳng lành. Bà tông cửa chạy vào vừa kịp đỡ ông. Pho tượng rơi xuống đất, vang lên  tiếng “cộc”  khô khốc. Ông lắp bắp:

- Tôi ...tôi xin lỗi bà...

Rồi nghiêng đầu sang một bên, tắt thở.

*

Rời tay khỏi bia mộ, không nhìn tôi, dì nói, giọng của dì loãng vào cơn gió đồng quê, tôi nghe như từ dòng sông vọng lại:

-Sau khi ông mất ít lâu, bà ngoại kế từ bên Pháp trở về, bà cũng lên ngọn đồi này nhìn về dòng sông và khóc!

Tôi ngạc nhiên:

- Bà Lụa ư? Sao bà ấy biết?

- Có lần đoàn nhà báo nước ngoài về làng tham quan những ngôi nhà cổ trong làng, tình cờ nhìn thấy pho tượng, họ đề nghị mua với giá ca, nhưng bà ngoại của cháu không bán. Họ chụp hình đăng báo, bà Lụa tình cờ đọc được liền về nước tìm đến đây. bà ôm pho tượng khóc như mưa, khôngbiết khóc cho mình hay khóc cho ông. Sau đó bà Lụa lấy từ trong chiếc túi xách da sang trọng ra cái cơi trầu ngày xưa, những sợi mây lên nước đen bóng. bà trao cho ngoại con và nói trong tiếng nấc:

- Bà Vân ....bà hãy nhận vật này. Bà mới thật xứng đáng giữ nó.

Tôi tò mò:

- Sao bà Lụa ở bên Pháp hả dì?

- Ừ, thì qua bao biến cố lịch sử, vật đổi sao dời. Ông cố đã mất từ lâu, bà theo con trai qua Pháp từ trước ngày giải phóng.

- Vậy bây giờ pho tượng ở đâu?

- Bà ngoại đã tặng cho bà Lụa.

Dì tôi đứng lên, hướng mắt về phía chân trời. Ráng chiều vàng rực. Những đám mây mang hình thù kỳ lạ đã tản ra, dát vào nền trời từng mảng xà cừ lấp lánh.

 

Nguyễn Một
Số lần đọc: 2240
Ngày đăng: 28.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giọt nắng - Bích Ngân
Đêm hoang - Đông La
Trò chuyện với Cáo-1 - Nguyễn Trần Thiên Lộc
Trò chuyện với Cáo-2 - Nguyễn Trần Thiên Lộc
Trò chuyện với Cáo-3 - Nguyễn Trần Thiên Lộc
Chuyện người, chuyện ma - Nguyễn Một *
Cò.. Cưa... Cứa ! - Lê Xuân Quang
Trưa hè - Đinh Lê Vũ
Nỗi buồn rất lạ - Nguyễn Ngọc Tư
Kẻ vô học - Nguyễn Một *