Hít một hơi thuốc thật dài rồi hớp thêm một ngụm trà đậm, ông Ba Thắng hất hàm về phía bờ Kinh Xáng Mới và giải thích với tôi rằng, cái tên Kinh Xáng Mới được người ta đặt cách nay ba bốn năm, kể từ khi Nhà nước đưa xáng cạp vào nạo vét, làm cho nó rộng thêm, sâu thêm để dẫn nước mặn vào cho bà con nuôi tôm, chớ từ thuở ông được sinh ra đến bây giờ, đã ba phần tư thế kỷ, nó vẫn là con Lung Cấm. Lung Cấm, một con kinh ngoằn ngoèo nối từ vàm Đất Sét qua kinh xáng Thọ Mai với chiều dài chưa được mười cây số nhưng có nhiều huyền thoại được nhà thơ Nguyễn Trọng Tín - cháu gọi ông Ba Thắng bằng cậu ruột - ghi lại như sau: Ngày xưa, kinh Trâm Bầu chỉ là con lung trời sanh có tên là Lung Cấm. Thuở nhỏ, tôi có nghe những người già kể rằng, con lung này thật ra không phải tự nhiên mà có. Nó là lối của đàn voi đi ăn, mùa mưa nước theo dấu voi đi, chảy ra sông, lâu ngày thành lung. Lại có câu chuyện khác cũng của những người già, rằng nó do những cư dân đầu tiên đến đây làm nghề bắt cá sấu khai thông mà thành. Ngày đó, phía đầu trong Lung Cấm có một đầm lầy rộng lớn, là nơi sinh sống của vô vàn cá sấu. Ngày đó, đất còn chưa trồng được cây lúa. Những di dân khẩn hoang đầu tiên ấy sống bằng nghề bắt sấu đổi gạo. Họ dừng chân ở bờ sông Giáp Nước nhưng phải vào bắt sấu tận trong đầm lầy. Để đem được sấu ra bờ sông bán cho ghe thương hồ của các thương nhân Hoa kiều, dân săn sấu phải khơi thông từ đầm lầy ra một đường nước để dẫn sấu. Cách dẫn sấu người già mô tả nghe đã ngoạn mục: Sau khi bắt sống được cá sấu, người ta trói quặt hai chân sau của nó qua lưng bằng cách cắt đầu móng chân nó rồi rút gân, cột lại. Sau đó dùng mây rừng xỏ ngang mũi sấu, dắt chúng lội bè theo đường nước. Sấu chỉ còn biết ngoan ngoãn bơi lũm bũm bằng hai chân trước mà theo người dắt. Cái đường nước dẫn sấu ấy cứ thế mà rộng dần thành con Lung Cấm. Vẫn còn lưu truyền trong dân gian câu chuyện về nguồn gốc của cái tên Lung Cấm. Câu chuyện lại không dính dáng gì tới voi và cá sấu vừa kể, nhưng lại có liên quan đến một loài mãnh thú khác, đó là cọp. Một con cọp cái ba chân hung ác và tinh khôn, dân trong vùng vẫn kiêng dè gọi là ông ba móng. Con cọp này một lần bị mắc bẫy, để giải thoát, nó đã tự cắn đứt một chân để lại trong thòng lọng bẫy. Từ đó, nó căm thù và trở nên hung ác với con người. Cọp ba móng hùng cứ trên một gò đất cao nằm bên con lung, có tên là gò Chà Là. Một ngày kia, có chiếc ghe thương hồ của đôi vợ chồng trẻ dừng lại nghỉ qua đêm nơi đầu lung. Trời chiều chập choạng, người vợ ra lái ghe vo gạo nấu cơm, bất ngờ bị cọp ba móng tấn công rồi cắp xác mang đi. Anh chồng lần theo dấu máu mong giành lại xác vợ. Nghe nói cọp là loài thú rất sợ lửa, anh chồng với cây đuốc lớn trên tay, vững tin là sẽ được an tòan. Nhưng khi vừa tới bên gò Chà Là, chưa kịp nhìn thấy xác vợ, liền bị cọp ba móng vồ lấy. Không có ai dám tìm kiếm thi thể của đôi vợ chồng kia, vì cuộc tìm kiếm chẳng khác nào đi vào bụng cọp. Những người khẩn hoang treo lên chiếc ghe vô chủ một lá cờ đen, như một lời cảnh báo, một cái bảng cấm để những ghe thương hồ đến sau đừng đậu lại. Từ đó, địa danh Lung Cấm ra đời.
Ông Ba Thắng là người gốc Bến Tre nhưng được sinh ra, lớn lên, sống trọn kiếp người trên mũi đất Cà Mau, bên bờ con Lung Cấm. Theo lời ông kể, khi ông lớn lên thì dòng họ ông đã hoàn tất công cuộc khẩn hoang thành vườn thành ruộng trên hai bờ kinh này, và ấn tượng đầu tiên trong tuổi thơ ông là chứng kiến một điều nghịch lý: Vườn ruộng là công lao, là mồ hôi nước mắt của dân khẩn hoang nhưng chủ quyền lại nằm trong tay của Xã Phuông, một điền chủ khét tiếng thời Pháp thuộc. Khi biết được thân phận của mình, có người bỏ đất ra đi, có người cam chịu làm kiếp tá điền ngay trên mảnh đất do chính mình khai khẩn. Chỉ riêng dòng tộc ông Ba Thắng dưới sự tập hợp chỉ huy của cha ông dùng dao phảng chống lại Xã Phuông để giành quyền làm chủ đất. Khi cuộc chiến sắp bại trận dưới họng súng của bọn cò Tây thì Xã Phuông "bắn tin" cho cha ông rằng nếu muốn làm chủ đất vườn thì hãy gả cô em gái Út của ông - tức cô ruột của ông Ba Thắng - cho Xã Phuông làm vợ bé. Bà Út lúc ấy mới mười sáu tuổi, đã chít khăn tang đi lạy lục từng người trong gia đình xin được hy sinh cuộc đời mình cho Xã Phuông để cứu nguy dòng họ. Cha của ông Ba Thắng uất ức đến nghẹn ngào rồi trở thành người câm không nói được, ông treo cây dao dùng để bứng lúa cây lên xuyên nhà như một lời nguyền rửa hận.
Sau Hiệp định Genève, Xã Phuông theo chân chính quyền Ngô Đình Diệm trở về đòi thu tô trên mảnh đất mà Cách mạng đã tịch thu của y để cấp lại cho dân. Lúc bấy giờ, cha của ông Ba Thắng đã qua đời. Nhớ lại lời nguyền của cha, nhớ lại cảnh vợ lớn của Xã Phuông hành hạ cô ruột của mình bằng cách trói vào gốc cây vú sữa rồi cho đầy tớ giê lúa phía trên gió để cho bui bui và lúa lép bay lấp lên người của cô mình vào buổi trưa nắng gắt. Trong một đêm tối trời, ông Ba Thắng vác cây xom hồng dài hai thước, to bằng ngón tay cái, ông dùng hết sức lực đâm vào vách nơi phòng ngủ của Xã Phuông. Mũi xom xuyên từ lưng qua ngực làm Xã Phuông chết không kịp trối. Thực hiện xong lời nguyền của người cha, Ba Thắng vào rừng tham gia kháng chiến.
Sau Đồng khởi 1960, Ba Thắng được cử đi học lớp quân sự ở Quân khu 9 rồi trở về làm chính trị viên phó Huyện đội Năm Căn, được bầu vào Ban Chấp hành Huyện ủy. Thế nhưng đùng một cái, ông bỏ ngũ trở về Lung Cấm. Cả xóm xầm xì bàn tán, nghi ngờ rằng ông bị kỷ luật hay bất mãn chuyện gì. Ông thì bình thản với mảnh vườn thửa ruộng, dốc hết mình vào cuốc bẫm cày sâu. Chẳng bao lâu ông trở thành người khá giả, heo gà vịt đầy vườn, lúa ví bồ hàng ngàn giạ. Lúc bấy giờ người ta mới hiểu ra rằng ông bỏ tất cả chỉ vì ông yêu mến cái nghề nông, ông muốn làm một nông dân chân chính. Thế rồi sau Tết Mậu Thân, trực thăng đổ quân vào Lung Cấm cùng với pháo bầy từ Chi khu Giá Ngựa bắn vào. Hôm ấy ông đang ở ngoài đồng, vợ con ông thì đi chợ, chỉ có đứa con gái thứ ba mới lên 9 tuổi đang ở trong nhà. Khi nhìn thấy căn nhà ông bốc khói, ông lao trong tầm pháo để chạy vô nhà thì đứa con gái của ông bị vùi dưới hố pháo. Tất cả tài sản mà ông tạo ra mấy năm trời trong phút chốc đã trở thành mây khói, cả xóm Lung Cấm cũng trở thành bình địa. Đêm ấy, một mình ông chôn cất đứa con.
Sau trận ấy, dân trong xóm kéo nhau đi tạm lánh nạn ngoài vùng tạm chiếm, chỉ có thanh niên là ở lại. Ba Thắng đứng ra thành lập đội du kích ấp. Không được cấp trên tin tưởng để giao súng, ông vẫn không nản lòng. Với mấy trái MK6 lượm của giặc bỏ rơi, ông động viên anh em lấy ngắn nuôi dài bằng cách lấy vũ khí của giặc để đánh giặc. Mấy hôm sau, trực thăng lại đổ quân. Thấy khí thế của giặc quá mạnh, bộ đội ta tạm rút vô rừng sâu. Ba Thắng kiên quyết ở lại, ông leo lên ngọn dừa cao để theo dõi bãi đổ quân của giặc. Khi biết được hướng di chuyển của chúng, ông nhanh chóng đi gài lựu đạn chặn đầu rồi leo lên ngọn dừa theo dõi tiếp. Giặc lọt vào bẫy của ông, lựu đạn nổ, hàng chục tên tử trận. Chúng hốt hoảng co cụm lại rồi gọi trực thăng đến rước. Ba Thắng gom nón sắt của chúng về cắm cây máng dọc trên bờ Lung Cấm như báo cáo chiến công. Các nhà quân sự địa phương phân tích rằng nếu trận ấy ta đưa cả tiểu đoàn ra đối đầu cũng chưa chắc gì thắng giặc, mà tổn thất thì không thể nào lường được. Từ đó bộ đội D10 đã trang bị súng và lựu đạn cho đội du kích của Ba Thắng và giao cho ông sử dụng phương pháp ấy khi giặc đổ quân. Ông thắng liên tục ba trận, giặc không dám đổ quân xuống nữa.
Năm 1972, giặc bình định cấp tốc, đồn bót đóng dày đặc ở nông thôn. Đội du kích của Ba Thắng bấy giờ đã lên đến gần năm mươi người, ông biến vùng đất Lung Cấm, Rạch Láng, Giáp Nước, Phú Mỹ thành một vùng tử địa. Hễ giặc đi ra khỏi đồn vài trăm mét là bị vướng trái nổ của ông. Nhờ vậy mà ông nuôi chứa mấy chục cán bộ trong vườn một cách bình yên cho đến ngày giải phóng.
Sau giải phóng, anh em trong đội du kích của ông hầu hết đều đi học tập và công tác. Chỉ có ông ở lại đi gỡ từng trái nổ, ông gỡ không sót một trái để bà con trong vùng trở về vườn cũ một cách an toàn. Ông gom trái nổ lại, chất đầy một xuồng be kèm chèo ra giao cho Huyện đội rồi trở về cuốc bẫm cày sâu. Ông nói ông sinh ra là để làm nông dân, hồi trước thất bại một lần là vì chiến tranh, chính ông cũng sai lầm vì lo làm giàu trong lúc chiến tranh. Bây giờ ông sẽ làm giàu bởi chúng ta đã thắng giặc rồi, không ai có thể làm cho ông nghèo đi được ngoại trừ ông không biết làm giàu mà thôi.
Nhưng sự nghiệp của ông Ba Thắng lại mang sắc màu của một câu chuyện cổ tích, nó gắn liền với cuộc đời làm du kích của ông.
Số là năm 1973, lúc đang gài trái trong một khu vườn hoang, ông phát hiện một con gà mái tơ nằm trong bụi cỏ, con gà đói đến mức chỉ còn da bọc xương. Ông mang về vỗ béo rồi cho phối giống. Mấy tháng sau, con gà đẻ được hai mươi ba trứng, nở mười tám con. Ông nuôi lớn rồi để giống mười con gà mái. Khi bầy gà được mấy trăm con, ông bán gà mua một cặp heo. Từ một cặp heo giống, ông nhân ra thành mấy bầy heo. Rồi bán heo mua trâu, trâu mẹ lại đẻ trâu con, chẳng bao lâu ông có một đàn trâu. Vừa cày ruộng nhà, vừa đi cày mướn. Lúa thóc đầy bồ, ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Có lẽ đây là những năm tháng hạnh phúc nhất của đời ông. Năm đứa con, một gái bốn trai lần lượt biết cấy biết cày, biết chăm chỉ làm ăn.
Năm ấy trong một chuyến đi công tác về Lung Cấm, tình cờ chúng tôi ngủ lại nhà ông ngay trong cái đêm mà ông phải chia tay với đàn trâu để đưa chúng vào tập đoàn sản xuất.
Cũng cần nói thêm rằng chúng tôi bước vào nghề báo ngay cái thời điểm nóng của cuộc Cách mạng quan hệ sản xuất. Cải tạo nông nghiệp đang trở thành một phong trào rầm rộ ở nông thôn và hạt lúa đang là nền tảng của nền kinh tế bao cấp. Mỗi gia đình nông dân được cấp một cuốn sổ xay xát lúa gạo và chỉ được giữ lại đủ số lúa để ăn, phần lúa còn lại phải bán hết cho Nhà nước theo giá quy định, thấp hơn giá thị trường gấp nhiều lần. Công việc của chúng tôi lúc bấy giờ là đi tôn vinh những người sẵn sàng thắt lưng buộc bụng để bán lúa dư cho Nhà nước, những người mạnh dạn đưa ruộng, đưa trâu vào tập đoàn sản xuất và phê phán những người có đầu óc tư hữu, lén lút bán lúa ra thị trường để tiếp tay cho con buôn, lén lút lùa trâu đi bán cho các lò mổ thịt.
Đêm cuối cùng chia tay với đàn trâu, ông Ba Thắng không ngủ được. Chúng tôi thấy ông lầm lì không nói, chắp hai tay sau lưng và cứ đi quanh quẩn sau nhà. Cứ nghĩ rằng ông sẽ lén lút bán trâu cho bọn lái buôn. Nhưng không, ông ôm rơm nhúng vào cái lu nước mưa cuối cùng của gia đình - lu nước chỉ để dành nấu trà đãi khách - rồi mang đến cho trâu ăn trước khi chia tay với chúng.
Sáng hôm sau, ông đến ban quản lý tập đoàn ký vào biên bản giao trâu, giao đất.
Sau chuyến đi ấy, tôi thấy mình có lỗi với nông dân vì chỉ biết ca ngợi những hành động của họ mà không hiểu gì về nỗi lòng của họ.
May thay, mấy năm sau, công cuộc cải tạo nông nghiệp không thành, đất nước chuyển mình vào thời kỳ đổi mới. Đất và trâu được trả về cho chủ cũ. Ông Ba Thắng được trả lại là một người nông dân đúng nghĩa của mình. Có lẽ từ biến cố ấy đã làm cho ông vốn đã yêu đất yêu trâu giờ lại càng yêu tha thiết hơn. Chính tình yêu ấy đã tạo cho ông thêm một giác quan để cảm nhận thiên nhiên. Mùa sa mưa, ông nhìn cỏ cây để quyết định ngày gieo mạ, nhìn mây trời thì biết tháng nào nắng, tháng nào mưa để điều tiết nước trên đồng, nhìn chất phù sa trên sông thì biết tháng nào nước mặn về để ngăn đập. Cả xóm Lung Cấm làm theo quyết định của ông.
Dù thương trâu, gắn bó với trâu nhưng tình cảm ấy cũng không đến nỗi biến ông thành con người cực đoan, bảo thủ. Khi con ông trưởng thành, khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa tác động lên đồng ruộng thì ông cũng nhường bước cho thế hệ tiếp theo, đành phải bán trâu mua máy cày giao cho đàn con canh tác.
Tôi trở lại Lung Cấm lần này đã ngót nghét một phần tư thế kỷ kể từ cái đêm ông Ba Thắng chia tay với đàn trâu. Ông bây giờ đã bảy mươi bốn tuổi, mái tóc trắng màu mây nhưng thân thể vẫn còn gân guốc, vẫn cầm dá quăng đất bay vèo vèo, vẫn còn uống một lít rượu đế không say, vẫn tới lui với xóm làng khi hữu sự.
Chỉ vào tấm vách tường nham nhở, ông thở dài rồi giải thích: Vừa xây được ngôi nhà, chưa kịp tô tường thì lúa rớt giá, đành để vậy mấy năm nay. Cây lúa hết thời, bà con kiến nghị lên tỉnh đòi đưa nước mặn vào nuôi tôm, thế là đùng một cái, đất trồng lúa mấy trăm năm giờ chuyển sang nuôi tôm. Tưởng dễ ăn, tới chừng té ngửa ra mới biết, nuôi tôm đâu phải giống như trồng lúa. Mà khi biết thì cũng đã muộn rồi, nhà nhà vỡ nợ, cả xóm, cả làng vỡ nợ vì tôm chết. Vườn tược, cây cối xác xơ vì nước mặn. Hai chiếc máy cày của ông Ba Thắng nằm bất động như hai đống sắt vụn sau nhà. Chỉ riêng bảy công vườn của ông thì còn nước ngọt, cha con ông cố đào đắp, cố bao ví lại không cho nước mặn tràn vào như cố giữ gìn thành quả lao động của cha ông từ thời khai khẩn.
Hai mươi lăm năm trôi qua, vật đổi sao dời, đồng đất cũng thay hình đổi dạng. Chiều hôm ấy, bỗng dưng tôi thèm rong chơi trên cánh đồng rạ khô sau mùa gặt lúa, thèm nghe mùi khói un trâu: Khói un trâu bên bờ mương/ Vẽ lên trời lằn cong mềm mại/ Mùi khói rơm thơm ơi hương thơm khó nói/ Một đời tôi nhớ tôi thương/ Bón đâm nhoi nhói bàn chân nhớ mùa đốt đồng/ Con ốc bươu chín trong bờ giồng/ Mùi khen khét ngọt hoài trong trí nhớ. Chính ở cái Lung Cấm này, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín đã viết những vần thơ đáng yêu như thế.