Cho đến nay, sau 60 năm tròn nằm lặng lẽ, lẩn khuất giữa vùng đồi hoang dại bên dòng sông Ô Lâu (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế ), tên LÊ VĂN MIẾN đã được trân trọng đặt cho một con đường ở phường Tây Lộc, thành phố Huế. Tuy vậy, nhiều người - kể cả cư dân sống trên con đường mang tên cụ, vẫn chưa biết Lê Văn Miến là ai! Giữa cả biển thông tin với các phương tiện nghe nhìn chen vai thích cánh hoạt động náo nhiệt 24/24 giờ một ngày thì vài bài báo, một cuốn sách mỏng in một-hai ngàn bản , quả là “muối bỏ biển”. Vậy mà cuộc đời cụ Lê Văn Miến, lại có biết bao điều đáng cho hậu thế noi theo.
Từ hai mươi năm trước, trong tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, cụ Lê Văn Miến đã được thể hiện không chỉ với tư cách một thầy giáo được cậu học sinh lỗi lạc Nguyễn Tất Thành ngưỡng mộ mà còn là người được cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc tin cậy. “...Con nghe danh thầy đã lâu, nay con lại vinh dự được gặp thầy...Thầy là gương sáng về cốt cách người Nam để chúng con noi theo: thầy đã từng du học ở bên Tây, ăn cơm Tây, nói tiếng Tây, nhưng không hề thấy thầy đã bị trừ đi một phần nào cái cốt cách dân tộc... Không có lớp các thầy, những người như thầy, thì đâu có lớp chúng con... ”
Nguyễn Tất Thành đã nói về cụ Miến như thế. Còn cụ Phó Bảng Sắc trước ngày đi Bình Khê nhận chức đã gửi gắm hai người con trai đang sống ở Huế cho cụ Miến... Hồi ấy, thiên hạ “ồn ào” quanh hình bóng nửa thật nửa hư của một cô gái trong trái tim chàng thanh niên rời bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, nên ít ai để ý đến vai trò người thầy họ Lê. Ngày Nguyễn Tất Thành rời Trường Quốc học Huế ra đi, Sơn Tùng chỉ miêu tả thầy Miến đến chia sẻ tâm sự với người học trò yêu quý: “Con hãy đi theo tiếng gọi của lòng con.” Nhưng từ mối thâm giao giữa hai gia đình họ Nguyễn và họ Lê, từ mối quan hệ gắn bó giữa hai thầy trò, một người hiểu văn hoá Pháp sâu sắc mà cũng căm ghét thực dân Pháp sâu sắc như thầy Miến hẳn đã góp phần không nhỏ “định hướng” cho Nguyễn Tất Thành, gợi cho chàng chọn nơi dừng chân đầu tiên trên lộ trình tìm đường cứu nước là Tổ quốc của cuộc Cách mạng 1789 – nơi đã dương cao ngọn cờ “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” vào thời đó. Vậy Lê Văn Miến là ai mà có thể đóng được vai trò ấy?
* Từ làng Ông La đến Paris:
Lê Văn Miến xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, quê làng Ông La, xã Kim Khê, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), vùng đất có truyền thống hiếu học và cách mạng. Thân phụ là cụ Cử Lê Huy Nghiêm, thời gian nhậm chức tri huyện tại Phú Lộc là bạn tâm giao với cụ Phan (lúc này, cụ Phan Đình Phùng bị cách chức quan Ngự sử, thường vào Phú Lộc chơi...). Sau khi đổi ra Sơn Tây, cụ lại bày tỏ thiện cảm và giúp đỡ cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Thiện Thuật, không chịu kết án và tha bổng cụ Hà Văn Bao – một lãnh tụ của nghĩa quân – nên bị cách chức. Về sau, cụ được cử làm Đốc học Hải Dương, rồi thăng Án sát Hải Dương, nhưng không bao lâu, cụ về chịu tang thân phụ và không chịu ra làm quan nữa.
Lê Văn Miến là người con thứ 3 trong gia đình 12 anh em. Năm 1888, nhằm đào tạo những quan chức cao cấp trung thành với chúng, thực dân Pháp cho tuyển chọn một số thanh niên đưa sang học Trường Thuộc địa (Ecole Coloniale) ở Paris. Ba người được chọn lần đó là Hoàng Trọng Phu (con Hoàng Cao Khải), Thân Trọng Huề (con Thân Trọng Nhiếp – một vị quan to ở Triều đình Huế và người thứ 3 là Lê Văn Miến. Thoạt đầu, cụ Nghiêm định cho người con thứ hai là Lê Huy Thản đi. Nhưng ở độ tuổi 16, Lê Huy Thản đã có chính kiến rõ ràng, thù ghét Tây ra mặt, nên cụ Nghiêm đã cho Lê Văn Miến đi thay, sau khi khai tăng thêm 2 tuổi (để đủ 16 tuổi). Không có cứ liệu nào để biết vì sao cụ Nghiêm lại phải cử Lê Văn Miến đi thay cũng như động cơ du học của chàng trai xứ Nghệ này. Nhưng từ truyền thống của quê hương và gia đình, từ mối quan hệ “nhân-quả”, chúng ta có thể suy đoán một cách chắc chắn là chàng trai họ Lê đã được thân phụ gửi gắm những ý nguyện tốt lành, có ích cho đất nước.
Là người ít tuổi nhất lớp, nhưng Lê Văn Miến được bạn đồng học nể trọng không chỉ vì học giỏi mà còn vì anh sớm tỏ rõ khí phách không khuất phục trước cường quyền. Lê Văn Miến đã lãnh đạo học sinh các xứ thuộc địa học cùng lớp bãi khoá, kéo đến Bộ Thuộc địa đấu tranh chống hành vi kỳ thị chủng tộc của viên Hiệu trưởng. Cảnh sát Pháp phải dùng ngựa và xịt nước giải tán.
Với chí hướng ấy, sau khi tốt nghiệp, Lê Văn Miến đã không chịu về nước làm quan như Hoàng Trọng Phu (sau lên chức Tổng đốc Hà Đông) và Thân Trọng Huề (sau trở thành Thượng Thư Bộ Học). Anh xin ở lại theo học Trường Mỹ thuật Paris – một trường Mỹ thuật có tiếng nhất ở châu Âu thời ấy . Là người thanh niên Việt Nam đầu tiên học ở đây, lại bị theo dõi hồ sơ về vụ bãi khoá, bị viên Hiệu trưởng Jérome đối xử có phần khắt khe, nhưng Lê Văn Miến vẫn đạt thành tích cao trong học tập, nghỉ hè được đi du lịch các nước châu Âu. Năm 1895, sau khi tốt nghiệp xuất sắc hai trường danh tiếng của nước Pháp, theo tiếng gọi của quê hương và tình yêu đất nước, chàng trai họ Lê đành chia tay với Paris, mang theo mớ tóc vàng mà một cô bạn cùng lớp đã cắt tặng chàng trước lúc chiếc tàu thuỷ kéo còi rời bến cảng Marseille.
* Tìm đường:
Trở về nước, tránh nghiệp làm quan, nghề vẽ cũng khó có đất sống khi khắp nơi dân chúng nghéo đói, thất học, Lê Văn Miến đã phải trăn trở tìm đường mất mấy năm. Ngay khi mới bước chân lên bến cảng Sài Gòn, chàng đã gặp một “bức tranh” hiện thực xót xa, uất ức mà có vẽ nên được cũng không có chỗ treo lúc đó. Ấy là cảnh một tên Pháp to béo, hơi thở nồng mùi rượu, nghênh ngang ghếch chân ngồi trên một chiếc xe kéo, tay cầm chiếc can gõ nhịp lên đầu anh phu xe hối thúc chạy cho nhanh. Đây cũng chính là hình ảnh trong một bức ký hoạ của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ) 27 năm sau. Lúc này, cụ Lê Huy Nghiêm cũng đã từ quan về Kim Khê. Trong nước, cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng và nhiều cuộc khởi nghĩa khác ở miền Bắc bị thất bại. Sau 5-6 tháng trú tại quê nhà, Lê Văn Miến ra Hà Nội xin làm thuê tại nhà in Seheider trên bờ Hồ Tây – cơ sở in đầu tiên do Pháp xây dựng ở Hà Nội. Với chức trách hoạ sĩ, hẳn là Lê Văn Miến đã lo phần trình bày, minh hoạ sách báo in ở đó. Ngoài giờ làm việc, nhiều người biết tiếng chàng trai Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Paris, đã tìm đến nhờ vẽ tranh truyền thần cho ông bà, cha mẹ, nhưng chàng chỉ nhận vẽ cho một số ít người thân...
*Phẩm giá người nghệ sĩ và những bức tranh vô giá:
Mặc dù Lê Văn Miến là một hoạ sĩ “sinh bất phùng thời” và bản thân cụ - nói theo ngôn ngữ hiện đại - chỉ làm hội hoạ bằng “ tay trái”, nhưng sự nghịêp hội hoạ của cụ cũng tạo nên danh giá mà nhiều nghệ sĩ mong ước. Giới nghiên cứu nghệ thuật biết đến cụ trước hết với tư cách tác giả hai bức tranh “Chân dung cụ Tú Mền” và bức “Bình văn” (còn có tên là “Buổi học chữ Nho xưa”) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức “Bình văn” đã được chọn in ở bìa cuốn sách lớn “100 hoạ sĩ Việt Nam thế kỷ 20”. Nhà nghiên cứu Thái Bá Vân, trong bài viết kể lại việc phát hiện bức tranh “Bình văn” năm 1971 tại một căn nhà ở phố Khâm Thiên (thật may mắn là chỉ mấy tháng sau khi bức tranh được đưa vào Bảo tàng thì căn nhà ấy bị bom B.52 Mỹ đánh tan!) đã nhận xét: “... Chưa thấy một hoạ sĩ nước ngoài nào dựng được hình và cử chỉ người Việt với thần thái chính xác, sâu và trân trọng như thế... Đối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam , hoạ sĩ Lê Văn Miến với bức tranh “Bình văn” là một cái mốc mà lịch sử mỹ thuật nước nhà chỉ có thể coi là thuận lợi và đẹp đẽ. Nó làm cho hội hoạ hiện đại Việt Nam có thêm một phần tư thế kỷ tuổi đời...”
Theo Thái Bá Vân chứng minh thì đến nay, bức “Bình văn” vừa có trăm tuổi thọ. Đáng tiếc là thời gian và điều kiện bảo tồn tác phẩm mỹ thuật hạn chế, nên màu sắc, đường nét bức tranh không còn giữ được thần thái như xưa. Có một điều lạ là bức chân dung cụ Nguyễn Khoa Luận với chất liệu phấn màu, cỡ 60x80cm, cũng có tuổi thọ tương tự, hiện treo ở chùa Ba La (Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) lại còn như mới nguyên! Liệu có phải hương khói nhà chùa đã tạo nên môi trường bảo tồn tranh tốt nhất? Điều này xin được dành cho các nhà nghiên cứu mỹ thuật trả lời. (Cụ Nguyễn Khoa Luận là nhạc gia của hoạ sĩ và là ông nội của Hải Triều Nguyễn Khoa Văn. Sau khi thi đỗ cử nhân và học Trường Quốc Tử Giám, cụ được cử giữ chức Bố Chánh tỉnh Thanh Hoá. Khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương và giặc Pháp đưa Đồng Khánh lên ngôi, cụ treo ấn từ quan, bỏ đi tu! Cụ qua đời năm 1900, như vậy bức chân dung cụ còn “thọ” hơn bức “Bình văn”.)
Nhiều tác phẩm của hoạ sĩ Lê Văn Miến đã bị mất, nhưng những câu chuyện thể hiện khí phách, tài năng của cụ lưu lại mãi trong tâm trí nhiều thế hệ. Lúc dạy ở Trường Quốc học Huế, viên Công sứ tỉnh Thừa Thiên nhờ hoạ sĩ vẽ chân dung cho vợ và con ông ta. Vừa khó thoái thác, vừa là dịp tỏ cho quan đầu xứ người Pháp biết tài năng của dân Việt, hoạ sĩ đã không vẽ chân dung bình thường như viên công sứ yêu cầu mà trổ tài dựng một bức tranh nghệ thuật thật sự, có thể đặt tên là “Mẹ con người đàn bà Pháp và con mèo nhỏ”. Vẽ xong, viên công sứ hỏi tiền công,, hoạ sĩ đòi 30 đồng (bạc Đông Dương, thời đó cũng có thể gọi là một gia tài nho nhỏ), nhưng ngay lúc đó, hoạ sĩ đã gọi người thợ mộc, đưa cho ông ta tất cả số tiền ấy để trả công đóng khung. Về sau, hoạ sĩ nói với con trai là bác Lê Văn Yên rằng: “Nó có học mà chẳng hiểu gì về mỹ thuật cả, lại thiếu phép lịch sự tối thiểu, tao lấy 30 đồng cho người thợ mộc ngay trước mắt nó cho nó mở mắt!” Bức tranh có tiếng là “rất thần tình” ấy khiến nhiều người Pháp đua nhau tìm đến, nhưng hoạ sĩ nhất mực từ chối. Cả với nhà vua, hoạ sĩ cũng không chiều luỵ, khi đó là con người không đáng kính trọng. Hoạ sĩ đã từng vẽ chân dung cho vua Thành Thái, cho Đào Tấn, nhưng thời làm Tế tửu Quốc Tử Giám, vua Khải Định vời vào cung nhờ vẽ chân dung. Với người khác thì đó là dịp may mắn để cầu cạnh thăng quan tiến chức; trái lại, Lê Văn Miến đã thoái thác, viện cớ mắt yếu không vẽ được! Những tác phẩm của cụ có thể gọi là “vô giá”, trước hết vì sinh thời, hoạ sĩ vẽ tranh không phải để bán, người có chức có tiền cũng không “mua” được cụ; phần nữa, nào ai định giá được những tác phẩm đã mất, số ít còn lại thì đã trở nên tài sản quý hiếm của quốc gia, không ai đem ra mua bán.
*Người thầy của các danh nhân:
Trong cuộc đời 70 năm, sự nghiệp mà cụ Lê Văn Miến bỏ nhiều tâm huyết nhất lại là nghề giáo. Người đưa cụ đến ngành giáo chức là ông quan-nghệ sĩ Đào Tấn. Đó là năm 1899, Đào Tấn đương chức Tổng đốc An-Tĩnh, Trường Pháp-Việt được thành lập ở Vinh và Lê Văn Miến được cử làm Đốc giáo (hiệu trưởng). Ba năm sau (1902) khi Đào Tấn được cử làm Thượng thư Bộ Công, vì duyên nợ với vị Tổng đốc yêu nghệ thuật (và có thể cả vì sự nghiệp lớn mà vua Thành Thái cùng Đào Tấn đang âm thầm chuẩn bị) Lê Văn Miến phải tạm xa mái trường vừa thành lập ở Vinh để vào Huế làm Hành Tẩu – một chức quan nhỏ thuộc Bộ Công. Không có chứng tích nào để biết được trong thời gian này chàng hoạ sĩ họ Lê đã đóng góp gì vào những công trình kiến trúc-nghệ thuật ở hoàng cung. Chỉ còn một dòng trong bài viết của giáo sư Lê Thước tưởng niệm người thầy cũ: “...Với chức vụ ấy, cụ Lê Văn Miến đã vẽ nhiều tranh và bản đồ trong nội phủ, trong ấy có cả những mẫu súng mà Thành Thái muốn đúc.” Mối quan hệ mật thiết giữa Thành Thái-Đào Tấn-Lê Văn Miến cùng những việc làm “bí mật” của họ đã bị mật thám Pháp theo dõi. Năm 1904, Nguyễn Thân bức Đào Tấn phải về hưu và đẩy Lê Văn Miến trở ra Vinh. Nhưng trở về quê hương Nghệ Tĩnh – cái nôi của nhiều phong trào cách mạng, thấy “quan” Đốc giáo họ Lê giao lưu với nhiều chí sĩ yêu nước nổi tiếng như Ngô Đức Kế, Lê Huân, Đặng Nguyên Cẩn..., năm 1907, cùng với việc bắt vua Thành Thái đi đày và đàn áp phong trào yêu nước ở khắp nơi (chỉ riêng tại Nghệ Tĩnh, các chí sĩ vừa nêu tên đều bị bắt), thực dân Pháp điều cụ Miến vào dạy Trường Quốc học Huế. Theo giáo sư Lê Thước, chúng không bắt Lê Văn Miến, một phần do viên Công sứ ở Nghệ An lúc đó là Sestier, vốn là bạn học cũ của cụ tại Trường Thuộc địa, y đã tìm được cách cư xử khôn ngoan, vừa được tiếng là người biết quý tình bạn cũ, vừa cắt đứt mọi quan hệ của cụ Miến với các đầu mối hoạt động bí mật.
Tại Trường Quốc học, khi cụ Phó bảng dẫn hai anh em Tất Đạt, Tất Thành đến gửi gắm cho Lê Văn Miến (cụ Phó bảng từng quen biết thầy hồi ở Vinh, khi cả hai thường lui tới các tổ chức chính trị trá hình ở Vinh như Hoan Châu học hội, Triều Dương thương điếm) chính thầy Miến đã nói: “...Tôi sẽ có vinh dự được làm một người thầy học của trò Nguyễn Tất Thành...Không phải bất cứ ai học chữ Tây rồi cũng ra làm tay sai cho Tây đâu...” (Theo “Búp sen xanh” của Sơn Tùng) Đây là chi tiết của nhà tiểu thuyết, nhưng nhiều bằng chứng cho biết trong suốt 30 năm theo nghề giáo chức, cụ Miến luôn giữ tròn nghĩa khí của một kẻ sĩ, khiến các “quan Tây” cũng phải vì nể. Giáo sư Lê Thước và ông Lê Thanh Cảnh - học trò của cụ Miến từ năm 1910, cho biết: trong khi giảng bài, cụ thường dùng tiếng Việt, không nói tiếng Pháp; cụ xem thường tay Hiệu trưởng là Logiou, vốn xuất thân là tên lính viễn chinh, đã bị nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám bắt sống; cả khi quan Khâm sứ đến Trường, mời cụ lên gặp, cụ cũng khước từ, lấy cớ “tôi đang bận dạy, không thể lên được.” Trớ trêu thay, quan Khâm sứ lúc đó lại chính là Sestier vừa được thăng chức. Lát sau, chính y phải đến lớp cụ đang dạy, ôm chầm lấy thầy Miến, cụng tai, cụng má rất thân mật và hỏi: -“Sao không đến thăm tôi, khi nghe tôi làm Khâm sứ ở đây?” –“Khó thăm mà cũng vô ích!” Thầy Miến đáp vậy và sau đó không hề bước chân đến Toà khâm.
Thời gian ở Trường Hậu Bổ (1913-1921) cũng như ở Trường Quốc Tử giám (1921-1828), dù làm Trợ giáo, Đốc giáo hay Tế tửu (tương tự như Viện trưởng Đại học quốc gia), cụ Miến vẫn giữ tròn nghĩa khí của một kẻ sĩ. Trong một kỳ thi tốt nghiệp ở Trường Hậu bổ, thầy Miến đã đánh hỏng người cháu của quan Thượng thư Bộ Lễ kiêm Bộ Học, đồng thời là ông gia của nhà vua, vì người này đem theo tài liệu để chép; một lần khác, cụ đánh hỏng một người con ông anh ruột, vì sức học chưa đạt, làm cho tất cả quan trường và Hội đồng coi thi kinh ngạc. Những năm giữ chức Tế tửu Quốc Tử giám, cụ luôn thể hiện cảm tình và sẵn sàng giúp đỡ những người cách mạng yêu nước, như đã tạo điều kiện tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh, khuyến khích sinh viên lui tới thăm nom và giúp đỡ cả vật chất cho cụ Phan Bội Châu đang bị an trí ở dốc Bến Ngự...
Trong gần 30 năm làm nghề giáo, “sản phẩm” cụ để lại cho đời sau là rất nhiều học trò đã trở nên những tên tuổi lớn, những nhân vật lịch sử của đất nước. Ở trên đã nhắc tới người thanh niên lỗi lạc Nguyễn Tất Thành, giáo sư Lê Thước; còn có thể kể tiếp: Lê Đình Thám, Lê Đình Dương, Trần Trọng Kim, Lê Văn Kỷ, Trần Đình Nam, Nguyễn Đình Chi, Phạm Phú Tiết, Nguyễn Đình Ngân, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Huy Nhu, Võ Liêm Sơn... Tất nhiên, những thành đạt của các tên tuổi nêu trên còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, nhưng “nhất tự vi sư" - cụ Miến thì không chỉ dạy chữ; bài học về lòng yêu nước, về nghĩa khí của một kẻ sĩ mà cụ Miến gieo trồng cho bao thế hệ học trò hẳn có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của họ.
Do mắt bị mờ, cụ Miến phải xin nghỉ hưu sớm. 15 năm cuối đời, cụ phải sống trong cảnh mù loà buồn nản, luôn thay đổi chỗ ở, những mong tìm được lối thoát, tìm bạn tâm giao. Cho đến năm 1939, học trò cũ 3 trường Quốc học, Hậu Bổ, Quốc Tử giám đã góp tiền mua tặng cụ gian nhà lợp ngói gần sông Ô Lâu, cách ga Phò Trạch vài trăm mét. Đặc biệt, có một học trò cũ thường xuyên tới thăm cụ; đó là ông Nguyễn Tất Đạt, còn gọi là Cả Khiêm. Sau khi Nguyễn Tất Thành rời Huế, ông Đạt bị “an trí” ở Thừa Thiên do có tư tưởng bài Pháp. Cụ Miến không có may mắn được chứng kiến ngày đất nước độc lập và người học trò yêu quý hồi nào trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng có một chi tiết con trai cụ Miến kể lại, chứng tỏ cụ vẫn dõi theo và biết chàng đã tìm ra con đường cứu nước. Ấy là một ngày, ông Đạt - chắc là nghe nguồn tin thất thiệt của báo chí thực dân - hấp tấp tới bên giường cụ Miến nói với giọng đau đớn: “Thầy ôi! Nguyễn Ái Quốc nó đã chết rồi!”... Mối thâm giao giữa hai thầy trò đến mức cụ Miến đã uỷ thác cho ông Đạt đi hỏi vợ cho con trai và lúc cụ qua đời (ngày 6/6/1943), ông Đạt đã ở luôn bên cạnh, lo chôn cất, để tang như con trong nhà...
60 năm đã qua từ ngày đó! 60 năm, cụ Miến nằm lặng lẽ trên một ngọn đồi bên sông Ô Lâu, một vùng quê hẻo lánh, xa phố phường, suốt mấy chục năm chỉ biết có chiến tranh và bom đạn... Có phải vì thế mà thiên hạ biết đến cụ muộn màng. Cho đến hôm nay...
Trường An - Huế 4/2003
Trong Hiện thực & sáng tạo tác phẩm văn nghệ.NXB Hội Nhà Văn- 2006