Bữa cơm được dọn ra với mẽ cá rô kho khô queo khô khốc, vài trái dưa leo đèo héo, vậy mà hai cha con ổng cứ hít hà khen lấy khen để. Thằng bé sáu tuổi mắt đỏ hoe vì cay nhưng hình như nó không dám nói, nó cứ và cơm như muốn ăn đua với ba mình. Đặt dĩa đậu đũa xào thịt ba rọi cùng bát nước chấm xuống mâm tôi bảo:
- Má kêu em đem thức ăn qua cho hai cha con nè! Khổ thân anh , má đã biểu vô nhà ăn chung luôn mà…
- Dì út cho tôi gởi lời cảm ơn má, cảm ơn dì . Nhưng tôi còn khoẻ mạnh như vầy mà để má nấu cho ăn thì tội lắm…
- Vậy anh có nghĩ tới con anh không, nó là cháu má, là cháu em. Ngày nào cũng bắt thằng nhỏ ăn như vầy làm sao lớn nỗi ?
- Đâu phải bữa nào cũng vậy, hôm nay tôi về trễ…
- Không cãi với anh nữa, ăn cơm đi, không thôi nguội hết à!
Thằng cháu tôi vô tư như lứa tuổi của nó dù một phần hai hạnh phúc tuổi thơ đã bị đánh cắp. Tôi nhìn ông anh rễ ăn từ tốn như để vị béo của thịt, vị bùi của từng hạt đậu đũa vương lâu hơn trên đầu lưỡi mà lòng không khỏi bâng khuâng. Hình như trên khoé mắt anh đang cố kìm giòng nước mắt. Chị tôi đã bỏ đi vì không chịu được cảnh nghèo ! Bảy năm trước cô gái mười tám với tâm hồn đa cảm và mơ mộng, đôi bàn tay biết thêu hoa trên đá của anh đã làm tâm tư chị rung động. Anh nghèo, côi cút nhưng hiền và chăm chỉ lắm, người chú họ xa đứng ra làm chủ hôn mà lễ cưới cũng tinh tươm vui vẻ. Cưới xong ba má tôi không “bắt rễ” nhưng anh vẫn sống chung nhà, bỏ qua cảnh nhà thuê cơm hàng cháo chợ như lúc trước. Năm sau chị tôi sinh thằng Nhớ “gái một con trông mòn con mắt”, chị bắt đầu ý thức được nét đẹp của mình, nhất là khi những cô bạn thời con gái cứ se sua áo quần lượn lờ trước nhà, nay rủ chị đi shop này, mai rủ đi shop nọ rồi ướm lên người chị đủ mọi trang phục cao cấp với những câu tiếc rẻ “ Chu choa ơi… dáng này mà chưa chồng thì nhiều thằng theo lết bánh”. “Oanh ơi, mày không thấy tiếc cuộc đời sao? Anh Toàn hiền thật nhưng không mài tính ấy ra tiền nuôi mày được, một ngày anh ta khắc bao nhiêu tấm bia, một bộ đồ tụi tao mặc bằng mấy tháng lương của ảnh rồi!”. Và chị Oanh tôi sa ngã, chị bỏ chồng cùng đứa con lên hai để theo những cô bạn nhàn rỗi xuống thành phố “tân trang” lại đời con gái và đăng ký lấy chồng nước ngoài. Thằng Nhớ khóc như mẹ chết, bỏ ăn uống cả mười ngày, gương mặt lúc nào cũng ngờ ngờ nghệt nghệt không tài nào tìm thấy vẻ hiếu động lém lĩnh của thằng nhóc đáng yêu ấy nữa. Anh rễ hiền bây giờ càng nín lặng hơn, sau bốn tháng chị tôi bỏ nhà ra đi thì anh xin ba má một xẻo đất để hai cha con “ra riêng”, tất nhiên không ai đồng ý, nhưng anh bảo “Ở trong nhà đi chỗ nào cũng thấy bóng hình Oanh, chắc con điên mất”. Buộc lòng ba má phải thuận lời, má còn bảo: “Ở riêng cũng được nhưng sáng chiều hai cha con phải vô nhà ăn cơm nghe!”. Anh vâng dạ cốt để má vui lòng. Còn về phía gia đình, ba má vẫn lo tìm chị Oanh, ngay cả những người quen biết đi nước ngoài về ba má cũng cố dò hỏi xem có gặp chị Oanh không, mà tuyệt nhiên như bóng chim tăm cá. Thời gian trôi vùn vụt, mới đó mà đã bốn năm, tôi không còn là cô bé dễ cười khi thấy chị mình mặc áo cô dâu, cũng không dễ khóc khi biết chị bỏ cháu mình đi biền biệt.
Đong đưa trên võng hoài cũng chán, nhắm cha con họ đã sắp tàn bữa cơm, tôi bông đùa:
- Anh rễ, người ta vẫn hay nói “… em vợ là thiên nga”?
- Ừ, thiên nga… nhưng để ngắm thôi, ai diễm phúc lắm mới bắt được con ngỗng trời xinh đẹp đó. Anh đáp
- Sao anh không nghĩ mình là người là người diễm phúc?
- Tim tôi chưa lành, tôi không chạy nỗi dì út à!
- Ví dụ có con thiên nga tự dưng rớt vào lòng anh có giữ lại không?
- “Chim sa cá luỵ” không hay đâu.
Vậy là hết, chắc anh biết thẳm sâu trong cõi lòng tôi đó không phải là những câu bông đùa. Anh cứng rắn quá, tôi cúi chào và cầm cái dĩa không ra về, tim nghe đau thắt từng cơn không nguyên lý.
*
Thằng Nhớ lao vào nhà gọi to:
- Bà ngoại, bà ngoại ơi, ra coi giùm con đi, ba con bị gì mà đau bụng dữ lắm!
Má tôi tất tả chạy đi, không kịp tắt lửa nồi canh đang nấu nửa chừng. Tôi cũng bỏ việc chạy theo, anh rễ đau bụng oằn oại, má hỏi anh có ăn gì bậy không, có tiêu chảy gì không, hay đi làm có xô xát với ai không? Đáp lại những câu hỏi tới tấp là những cái lắc đầu nguầy nguậy. Tôi không nghĩ anh rễ đánh lộn đánh lạo với người ta, trúng thực thì có thể lắm, nhưng anh chỉ đau bụng thôi, vậy không phải lý do này rồi. Xe đưa đi bệnh viện thì anh không ngồi nỗi, đành nhờ bác Tư hàng xóm lấy chiếc xe lôi rồi tôi nhoáng nhoàng đặt lên đó chiếc ghế xếp, quơ nhanh vài bộ đồ của anh rễ, quái, thằng cha này sao không có lấy một bộ quần áo nào mới mới vậy nè? Toàn quần áo cũ của… năm nảo năm nao dày lên bởi bụi đá, bụi đường, có còn hơn không, tôi quay vô nhà lấy thêm cái bình thuỷ rồi lên xe ngồi cạnh anh rễ, cố kìm cho những cú dằn xốc không làm anh rớt xuống sàn xe.
Anh rễ bị đau ruột thừa cấp tính, phải mổ ngay! Ba má anh không có, chú họ ở xa, má tôi còn loay hoay ở nhà, chỉ có ba tôi đi ra đi vô nóng ruột đến nỗi trông tay chân ba cứ như thừa thải, vụng về. Tiếng các bác sĩ giục:
- Ai là người nhà bệnh nhân Nguyễn Thanh Toàn, ký biên bản nhanh lên để bác sĩ còn làm việc.
- Dạ… nhưng ba bệnh nhân Toàn không biết chữ. Tôi thật thà khai báo “lý lịch gia đình” mặc cho nhiều ánh mắt nhìn như ngạc nhiên hết sức.
- Còn chị là gì của bệnh nhân Toàn?
- Dạ, là vợ! Không biết lúc ấy điều gì khiến xui mà tôi có thể thốt ra câu nói trơn tru như vậy.
- Có vợ ký được rồi, nhanh lên giùm đi!
Anh rễ vô phòng mổ rồi mà lòng tôi thắc thỏm không yên, vừa lo lắng, sờ sợ pha lẫn thẹn thùng. Trời ơi, nếu gặp người quen nào đó biết tôi chỉ là em vợ mà dám mạo danh thì tôi biết chui vào đâu mà trốn đây nè? Bệnh tình êm xuôi thì thôi, bằng ngược lại tôi sẽ là người có lỗi, là người đưa anh vào cõi chết chứ không ai khác. Cháu tôi xa me, bây giờ lại mất cha sao hở trời? Nếu như vậy thì tôi không phục, người đời có câu “Trời không phụ người hiền”, anh rễ tôi hiền như đất, không lẽ ông nỡ ...?
Bệnh viện luôn tấp nập những người ra vô, nhưng anh rễ tôi bây giờ chỉ có hai người thân duy nhất, ông già vợ ngoại lục tuần cập rà cập rập khi gặp chuyện gấp, cô em vợ chỉ giỏi tính “tài lanh”. Hơn hai giờ trôi qua mà tôi tưởng như hàng thế kỷ, cuối cùng thì anh rễ cũng được đẩy ra, trên người là chiếc “ra” trắng toát rờn rợn. Mắt anh nhắm mệt mỏi, tôi lay:
- Anh khoẻ chưa, đau lắm không?
- Khoẻ. Anh đáp khẽ… Thằng Nhớ…?
- Nó ở nhà với má, anh đừng lo. Đói không, em mua gì anh ăn nhé?
- Bệnh nhân chưa ăn đựơc đâu chị ! Tiếng cô hộ lý đi bên cạnh nhắc làm tôi thẹn đỏ mặt, kiến thức chăm người bệnh của tôi sao “yếu” dữ vậy cà, ai đời bệnh nhân mới mổ mà hỏi “ăn gì”. Đường đến phòng hậu phẩu phải qua dãy hành lang hun hút, vài bậc cửa phải đi qua, những cái dằn xốc tôi cùng cô hộ lý cố kìm nhẹ lại nhưng cũng làm anh đau nhăn mặt, tim tôi nhoi nhói theo từng cái chau mày của anh.
- Chị nhớ chăm sóc ông xã nhẹ nhàng, có gì khác thường thì gọi chúng tôi nhé!
Cô hộ lý sau khi kẹp bệnh án lên đầu giường đi ra còn dặn vói lại. Anh rễ nằm yên, đôi mắt nhắm hờ hờ, tôi ghé mép giường ngồi mà không biết làm gì. Hết đứng lên xếp lại mấy cái ly, rồi cất giỏ xách vô tu, lại soạn tìm chiếc khăn lông nhỏ định thấm nước lau mặt cho anh rễ, vậy mà không hiểu sao đôi bàn tay cứ ngường ngượng không cho ý nghĩ làm chủ.
- Dì út, tôi khát nước quá…
Tâm tư đang xuôi theo dòng mông lung chợt anh gọi làm tôi sực tỉnh.
- Dạ, để em rót cho anh.
Nước chưa bưng tới mà anh đã gượng ngồi dậy, nhưng vết thương còn nóng hổi không cho anh làm theo suy nghĩ.
- Anh cứ nằm im, em đút cho. Tôi bảo mà tự nghe - chu choa… sao mà ngọt ngào đến lạ.
- Cực dì út quá.
- Có gì đâu ạ, chỉ là cát-ca -đơ thôi. Trong kịch bản người ta vẫn tưởng là việc của vai chính. Tôi hờn hờn
- Thôi, tôi muốn ngủ, không uống nữa, cám ơn. Dì út về nhà nghỉ chút đi.
Vậy đó, trên đời có còn ai vô tình như ông anh rễ quý hoá của tôi không?
*
- Bà ngoại, bà ngoại, ba mua cho con cặp mới nè! Bà ngoại thấy có đẹp không? Đẹp ác chiến luôn ?
- Đẹp lắm, mà sao ngoại biểu ba con khoan đi làm mà không nghe lời ngoại vậy? Bộ ngoại không lo nỗi cho con đi học sao?
- Dạ, không phải, nhưng ba con nói khoẻ rồi thì đi làm chứ ở nhà tay chân tù túng lắm. Ba con đi hai bữa nay nhưng lén ngoại thôi.
Thằng Nhớ “thật thà khai báo” làm má tôi bật cười, trong mắt má là cả trời thương người con rễ hiền lành chăm chỉ nhưng phải tội nghèo mà hạnh phúc vụt bay xa. Con gái má thật là nông nổi, tiền muôn bạc vạn mà bất nghĩa bất nhân thì loại người ấy coi như bỏ đi; nghèo khó gian nan nhưng lòng thanh cao trong sạch, tấm tình đó đáng quý ngàn lần. Sao con gái má vì một phút yếu lòng đã bỏ qua bao điều hay lẽ phải cha mẹ dạy, Oanh ơi, cuộc sống con trước giờ đâu quá thiếu thốn, mà ba má cũng chưa từng có ý nghĩ cần những đồng tiền không do mình tạo ra? Bậy giờ con ở phương nào, có biết con mình như chú vịt mồ côi, không tình thân nào bằng tình con với mẹ. Nhiều khi nó nhớ con –má biết- nét mặt đờ dại lạ lùng, cũng như má từng đêm nhớ con ruột đau từng đoạn.
Tôi ra nhà anh rễ lúc trời đã chập choạng, thằng Nhớ đang dọn cơm, lanh canh tiếng chén đũa, chắc hôm nay cha con họ ăn nhiều món nên bày la liệt những dĩa, tô.
- Ba ơi, lẹ lẹ đi, dì út qua nè!
- Dì qua có gì lạ mà con kêu ba dữ vậy?
- Dạ, có chuyện đặc biệt. Với lại ba đang tắm, không kêu lẹ sao được?
- Người ta tắm mà kêu gấp như vậy chắc mang luôn cái mình đầy xà bông ra quá! Tôi trêu thằng cháu.
- Dì út coi thường ba con quá, lúc này ba “ngon lành” rồi.
- Ngon lành là sao? Tôi thật sự thắc mắc
- Không hay buồn nè, không ngồi hút thuốc một mình nè, không cho con ăn cơm với cá kho quẹt nữa nè…
- Chứ cho ăn gì?
- Thịt nướng, có khi hai cha con còn ăn phở nữa đó dì út. Hôm kia ba với con còn đi chợ mua mấy bộ đồ nữa…
- Quần áo dì mua con không đủ mặc à ?
- Dạ đủ, nhưng ba nói ba mua cho con mau lớn .
- Vậy mấy bộ đồ dì mua cho hai cha con đây hoá thừa rồi. Tôi buồn buồn.
- Thì con để dành mặc, sao mà thừa được?
- Hai dì cháu trò chuyện đủ chưa, ăn cơm thôi, tôi đói bụng lắm rồi. Mời dì út ăn cơm đi con.
Anh rễ tôi từ sau đi lên, chà, hôm nay trông ảnh khác hẳn, chiếc áo thun trắng tinh, quần cũng mới coóng.
-Dạ, mời dì út ăn cơm, bữa nay ba con nấu nhiều món lắm, canh chua cá lóc rau nhút nè, khô lù đù chiên và thịt ba rọi xào đậu đũa nữa, ba nói dì thích món đó nhất mà?!
- Sao biết tui thích? Tôi hướng ánh mắt về anh rễ.
- Chứ hai ngày là cho cha con tôi ăn một lần, không thích sao dì cực công làm như vậy?
- Bữa nay hai cha con “hối lộ” việc gì mà làm cơm cho tui ăn?
- Để cảm ơn dì chăm sóc tôi tận tình những ngày ở bệnh viện vậy mà.
- Vậy sao không mời trước, chờ qua đây mới kêu là sao?
- Không phải đâu dì út, con bảo ba mời trước , nhưng ba bảo như vậy mất tự nhiên . Ba biết thế nào dì cũng ra đây hà!
- Sao anh biết hay dzậy?
- “Thần giao cách cảm” mà! Anh tủm tỉm cười, lần đầu tiên sau hơn bốn năm tôi mới thấy nụ cười của anh.
08/2006