Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.104
123.229.943
 
Đi trong mùa nước nổi
Võ Ðắc Danh

CHUYẾN ĐI THỨ NHẤT

 

Anh Ba Chặt cho máy nổ hết ga mà chiếc ghe cứ ì ạch, tròng trành vượt qua từng cơn sóng. Đồng ngập sâu năm, sáu mét. Sóng to, gió lớn, nước từ Campuchia tràn qua như cắt. Tôi sẽ ngỡ đây là biển nếu không có những ngọn cây gáo già còn nhô lên mặt nước. Tôi hỏi anh Ba Chặt tại sao người ta lại trồng cây gáo giữa đồng. Anh nói không phải giữa đồng, chỗ nào có cây gáo là những bờ kinh, bờ đìa hoặc những gò cao. Cây gáo chịu được nước lũ nên người ta trồng nó để lấy ván đóng xuồng hoặc làm sàn nhà. Thấy tôi cứ mải mê nhìn một loài cây lạ, Ba Chặt nói: Coi vậy chớ nhiều lắm, nước rút rồi chú sẽ thấy cả rừng, nhiều cây to bằng một tay ôm. Thì ra, cả một rừng gáo đang chìm trong biển nước!

 

Khó nhọc lắm chiếc ghe của chúng tôi mới bươn đến cụm dân cư trên bờ đê giáp với vùng biên giới. Hàng trăm căn chòi chen nhau trên cái ốc đảo giữa bốn bề sóng nước mênh mông. Ở đầu con sông Cỏ Lau nước chảy ầm ầm như thác đổ. Nếu không có những tấm cao su sọc bó quanh chân đê thì hàng trăm căn chòi và hàng ngàn con người ở đây có lẽ đã không tồn tại nổi với dòng nước lũ hung hăng. Chị Nguyễn Thị Rừng - một trong những hộ mới dời nhà lên đê - kể trong ánh mắt kinh hoàng: Năm ngoái nhà tôi còn kê lên ở qua mùa lũ, năm nay mực nước thấp hơn nhưng chảy xiết quá nên phải di dời. Nước chảy đến mức không đi giăng câu giăng lưới gì được. Hôm qua có sáu chiếc xuồng lưới bị chìm, trong đó có chiếc xuồng của ông Năm Dình bị va vào cây gáo, xuồng gãy làm đôi, trôi mất nửa chiếc, cũng may là ông leo lên nhánh cây nắm dây giữ lại được nửa chiếc. Chị Rừng ngồi giữa bầy con nheo nhóc trong căn chòi. Tôi hỏi chị không đi giăng câu được thì lấy gì sống, chị nói mấy tháng trước lũ vợ chồng chị đi làm mướn mua được mười giạ lúa, ăn đến nay sắp hết rồi, nếu tình trạng này kéo dài thì không biết sẽ ra sao. Bên cạnh căn chòi chị Rừng là ông Ba Nghĩa, 71 tuổi, mình trần đang nấu cơm ở ngoài sân. Tôi hỏi nhà ông đâu, ông chỉ tay vào tấm tôn che trên chiếc giường và giải thích: Đêm qua, trong lúc dọn đồ chuẩn bị di dời thì bất thần lũ cuốn căn nhà đi mất, cũng may là hai vợ chồng và đứa con gái ông còn sống. Nhưng khi tôi hỏi sống ra sao thì ông chỉ cười, không trả lời được.

 

Làm thế nào để sống được trong mùa lũ là một câu hỏi triền miên nhưng chưa có lời giải đáp. Những năm trước còn có thể thả lưới giăng câu, nhưng năm nay do hệ thống đê bao cục bộ quá nhiều làm cho nước trên đầu nguồn chảy xiết, lại gió lớn, sóng to. Đành chịu! Nhiều hộ có xuồng lớn sang đánh bắt cá bên Campuchia, nhưng kiếm được miếng ăn trên đất bạn không phải là chuyện dễ dàng. Anh Tư Thao, một người giăng câu chuyên nghiệp kể: Muốn qua bên ấy giăng câu trong đêm thì phải nộp mãi lộ cho mỗi trạm Biên phòng của họ hai ngàn đồng. Đêm qua anh vô ba trạm, nộp hết sáu ngàn đồng, vì không có tiền để vô sâu hơn nên giăng ít cá, chỉ được bốn ký cá trèn, bán được hai chục ngàn đồng. Trừ tiền nộp mãi lộ với mười ngàn tiền mồi, chỉ còn lại bốn ngàn đồng. Bốn ngàn đồng cho một đêm ngâm mình trong nước. Anh nói vậy còn khá, có những đêm lỗ vốn. Anh Ba Hữu, một người được gọi là có máu làm ăn nhất nhì ở xứ này kể lại: Mùa lũ năm ngoái anh sang đất Campuchia giăng câu. Muốn có cá nhiều thì phải làm giấy tạm trú và vào sâu trong đất bạn. Tính ra các khoản tiền phải nộp cho họ hơn một chỉ vàng, làm hết hạn tạm trú mà vẫn không đủ vốn. Mùa lũ năm nay anh chạy sang Long An, chở hai ngàn lưỡi câu và ba ký lưới. Từ An Phú - An Giang trên đầu nguồn sông Hậu vượt qua con sông Tiền, băng qua Hồng Ngự đến Long An mất cả ngày xuồng máy, không phải là chuyện dễ dàng. Ba Hữu quyết chí làm ăn cho ra trò một chuyến. Nhưng tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Ba ngày đầu còn kiếm được hơn trăm ngàn, đến ngày thứ tư thì nước dâng lênh láng, lại gió to sóng lớn, nước cũng chảy xiết như ở quê nhà. Ba Hữu lên bờ đào chuột, ngày đầu đào được mười lăm ký, bán được ba chục ngàn đồng. Ngày sau anh cố gắng thức sớm hơn, đào được trên hai chục ký, nhưng bán chẳng ai mua, anh lột da làm khô, rồi gặp mưa, chuột không khô nổi, đành phải bỏ. Cuối cùng chẳng lẽ chạy xuồng không về quê? Thấy ở Long An người ta bán rắn nước chỉ có bảy ngàn đồng một ký, trong khi ở chợ Phú Hữu mỗi ký đến mười hai ngàn đồng. Ba Hữu gom hết vốn liếng mua được hai mươi bảy ký rắn, anh gởi câu, lưới lại Long An để làm một chuyến đi buôn, ai dè đến nơi, rắn chết, bị mất ký, rồi tiền xăng, tiền ăn uống dọc đường, trừ đi tính lại còn lãi được hai chục ngàn đồng! Tôi hỏi chừng nào trở qua Long An lấy lưới, lấy câu về, anh nói ngày mai anh đi, nếu chưa giăng câu được thì đi làm mướn, ở bên ấy công lao động có giá, đắp bờ ruộng một ngày kiếm cũng được ba chục ngàn đồng. Rồi như nghĩ ra được điều gì, mắt Ba Hữu bỗng sáng lên, anh khoe với chúng tôi: Kể ra con vợ tôi cũng giỏi thiệt nghen mấy cha, tôi đi cả chục ngày tưởng mẹ con nó đói, ai ngờ ở nhà nó hái bông điên điển bán, chẳng những đủ mua gạo nuôi mấy đứa nhỏ mà còn dư tiền mua cho tôi cái võng nữa chớ! Cái võng cả chục ngàn đồng chớ ít lắm sao?! Dứt lời, Ba Hữu đưa mắt nhìn xa xăm ra đồng nước mênh mông, gương mặt cháy nắng của anh hiện lên một nụ cười vừa tự hào vừa thách thức.

 

Xuôi theo dòng sông Cỏ Lau, chúng tôi dừng lại căn nhà của chị Sáu Thạnh, một trong những căn nhà vững chãi còn trụ lại với cơn nước lũ ở đoạn sông này. Ngồi trên sàn tre mà nghe nước chảy róc rách như suối reo. Chị Sáu khoe căn nhà mới cất ba triệu rưỡi, nhờ thằng em cho toàn bộ phần kèo cột và nống bạch đàn. Chị kể, nhà chị có năm công ruộng nên không đủ lúa ăn. Vào mùa khô, hai vợ chồng với hai đứa con lớn phải đi làm mướn: cuốc rẫy, làm cỏ, tỉa đậu, hái bắp... mỗi ngày kiếm được bốn chục ngàn, kể ra cũng đủ sống qua ngày. Nhưng mùa lũ hằng năm kéo dài đến sáu tháng nước dâng, không có công ăn việc làm. Để có ba ký gạo nuôi sống mỗi ngày, mẹ con chị phải đi bán bánh cam, chị nói bán được lắm, ngày nào cũng có lời từ tám đến mười ngàn đồng, nhưng kẹt cái là không có xuồng, phải mướn xuồng của người ta, mỗi ngày mất hết hai ngàn đồng. Chị Sáu kể rất thản nhiên mà tôi cứ nghe như là cổ tích!

 

Ở cái xứ sở này dường như mỗi con người là một số phận do tạo hóa sinh ra. Chiều hôm ấy tôi nằm lắc võng trước hành lang căn nhà sàn của anh Ba Chặt, tình cờ nghe được câu chuyện của anh Năm Kháng tâm sự với người bạn đồng nghiệp của tôi mà buồn đến nao lòng. Anh Kháng kể, gia đình anh có đến hai mẫu đất, nhưng đất của anh chỉ làm rẫy chớ không trồng lúa được vì chỗ thì gò cao, chỗ thì trũng sâu, mà làm rẫy thì hoa màu cứ luôn rớt giá. Giận quá, năm ấy anh vay hai mươi triệu đồng thuê xe ủi ban ra cho bằng phẳng để trồng lúa. Lúa trúng, thu hoạch một vụ được bảy trăm giạ, nhưng rồi lúa lại rớt giá thê thảm hơn hoa màu. Từ bốn mươi lăm ngàn đồng tuột xuống còn hai mươi ngàn đồng một giạ. Năm Kháng bán sạch bồ lúa chỉ được mười lăm triệu đồng, nợ vay ban đất không trả nổi, lại chồng lên thêm nợ phân bón, lúa giống, thuốc sâu… Giận hạt lúa rẻ mạt, năm sau anh chạy vay mười triệu đồng để trồng đậu xanh, đậu vừa trổ bông thì dịch sâu ăn mất trắng. Bây giờ anh ngồi trên đống nợ gần ba mươi triệu đồng, rao bán đất cũng chẳng ai mua, rao bán nhà cũng chẳng ai ngó tới, lại phải chạy tiền hằng tháng để nuôi thằng con đang học năm thứ ba ở Đại học Cần Thơ. Nhắc đến thằng con trai, Năm Kháng chẳng những bớt buồn mà còn sôi nổi hẳn lên. Anh kể tiếp, vợ chồng anh có bốn đứa con, ba đứa con gái lớn gả đi, cuộc sống cũng chẳng hơn anh được chút nào. Còn thằng Dương, anh cưng nó như vàng và quyết tâm lo cho nó ăn học để đời nó đừng lặp lại đời anh. Hồi năm nó học lớp bảy ở trường xã, anh lo làm rẫy mà thiếu quan tâm chăm sóc, cuối năm hay tin nó ở lại lớp, anh vừa giận vừa buồn đến rơi nước mắt. Nhập trường năm sau, anh vay bốn trăm ngàn, lãi mười lăm phân một tháng để đưa nó ra trường huyện gởi trọ nhà người bác. Bất ngờ năm năm sau, khi thi tốt nghiệp phổ thông, anh được tin nó đậu Thủ khoa ở An Giang và được tuyển thẳng vào Khoa Sư phạm Toán - Tin học của Trường Đại học Cần Thơ. Lần này, anh mừng đến rơi nước mắt. Anh nói thằng nhỏ ngon lắm, chẳng những học giỏi mà còn tốt bụng, dù bất cứ hoàn cảnh nào anh cũng lo cho nó học đến cao học anh mới chịu.

 

Thì ra, con người ở đây không phải bằng lòng với số phận của mình như tôi tưởng. Họ cũng như cây gáo ngoài đồng, cứ sống chung với lũ hết mùa này sang mùa khác. Ngay cả người chủ nhà mà tôi đang ở - anh Ba Chặt - năm ngoái nước ngập sàn nhà, năm nay anh cơi cọc nhà vượt lên đỉnh lũ. Phía sau nhà anh còn một chuồng heo mười hai con và một hầm cá tra sáu trăm mét vuông mặt nước. Anh nói, cuối năm nay anh sẽ thu hoạch, trị giá trên năm mươi triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lời phân nửa. Thế nhưng muốn làm ăn như Ba Chặt thì ít nhất phải có hai mươi lăm triệu đồng vốn bỏ ra. Đành chịu!

 

Ngay cả việc nuôi cá lóc bè, một cách làm ăn nhẹ vốn gấp mười lần anh Ba Chặt mà không phải ai cũng có cơ hội để làm. Chúng tôi gặp bà Năm E đang nuôi một bè cá lóc, bà kể: Năm ngoái bà đóng chiếc bè tre bề ngang hai thước, dài ba thước, đáy sâu hai thước rưỡi, trị giá năm trăm ngàn đồng. Không có vốn, bà chỉ mua được bốn trăm con cá lóc môi trề bằng ngón tay út do ông Năm Điểm mang về từ Đồng Tháp với giá một trăm ngàn đồng. Hằng ngày bà bơi xuồng đi giăng lưới cá linh thả xuống bè cho ăn, sau ba tháng rưỡi, bà thu hoạch được hơn hai trăm ký, bán được ba triệu đồng. Mừng quá, năm nay bà nuôi một ngàn năm trăm con, còn một tháng nữa thu hoạch, lợi nhuận cầm chắc năm triệu đồng.

 

Dọc theo dòng sông Cỏ Lau có đến gần một trăm hộ nuôi cá lóc bè, nhiều hộ đã thu lợi nhuận từ năm bảy triệu đồng chỉ trong vòng bốn tháng. Anh Chín Trượng, Bí thư xã Phú Hữu, tâm sự với tôi: Sự xuất hiện nghề nuôi cá lóc bè cũng giống như một cái phao để cứu người dân vùng lũ. Nhưng để có được cái phao ấy thì phải tốn tiền mua. Anh nhẩm tính: Chiếc bè tre năm trăm ngàn, cá giống năm trăm ngàn, chiếc xuồng gỗ tạp năm trăm ngàn, cái chài để bắt cá linh hai trăm ngàn, tổng cộng là một triệu bảy trăm ngàn, dân xứ này lấy đâu ra khoản ấy? Tôi hỏi sao không lập dự án để vay vốn ngân hàng? Chín Trượng giải thích: Phú Hữu có ba ngàn ba trăm hộ dân thì đã có đến ba ngàn hộ không có việc làm trong mùa lũ, trong số ấy có hơn hai ngàn hộ thiếu nợ ngân hàng với tổng số nợ trên ba tỷ đồng không có khả năng thanh toán do mất mùa, do lúa rớt giá trong hai năm qua. Số còn lại không có đất thì lấy gì thế chấp để vay! Nhà sập bìm bìm leo là thế! Sau chiến tranh biên giới, Phú Hữu bị giặc đốt không còn một căn nhà, tất cả phải làm lại từ đầu, vậy mà mười năm qua, dân xứ này phải chịu năm trận lũ lớn, mà mỗi trận như thế phải khắc phục từ ba đến năm năm, không nghèo sao được!

 

Nghe Chín Trượng nói, tôi cứ lặng người đi không dám hỏi thêm một điều gì nữa.

 

Chiều xuống, từng vệt lân tinh chiếu vào mặt đồng trắng xóa. Chín Trượng chỉ tay về phía con đê và khoe với tôi, con đê dài gần ba mươi cây số chạy dọc theo đường biên giới từ An Phú đến Tân Châu, mặt đê rộng hai mươi lăm mét, chiều cao vượt trên đỉnh lũ do Nhà nước mới đầu tư tám mươi bốn tỷ đồng để làm cụm dân cư chống lũ, một công trình kinh tế xã hội kết hợp với an ninh quốc phòng. Mặc dù trước khi vào đây tôi đã nghe nhiều ý kiến khác nhau về con đê kia, nhưng tôi không tham gia tranh cãi, tôi chỉ ao ước một điều, nếu trên đời này có phép màu huyền thoại để biến một phần đất trên con đê kia trở lại thành tiền, tôi sẽ làm ngay việc ấy để cho mỗi hộ dân ở đây có một bè nuôi cá lóc, không phải bè tre mà là bè gỗ lớn hơn, và trên mỗi bè ấy có một căn nhà nho nhỏ để họ có thể ở được qua mùa lũ mà khỏi phải dời lên cất chòi lúc nhúc trên con đê.

 

CHUYẾN ĐI THỨ HAI

 

Vượt một chặng đường hơn ba trăm cây số, chúng tôi mang bốn trăm phần quà lên thượng nguồn sông Hậu - trở lại huyện An Phú, tỉnh An Giang. Bốn trăm phần quà, thật ra chẳng là gì so với bảy ngàn hộ dân với hàng vạn con người ở đây đang cần cứu nguy khẩn cấp. Cái đói đang đe dọa từng ngày trong khi họ còn phải chịu đựng gần nửa chặng đường của cơn nước lũ. Cứu trợ, theo cách nói nôm na của bà con mình tức là cứu giúp, trợ giúp nhau trong lúc hoạn nạn, nguy biến. Chính vì vậy mà chúng tôi không cảm thấy áy náy khi mang những phần quà nhỏ mọn để đến với sự mất mát to lớn của bà con. Dù ít hay nhiều cũng là tấm lòng, là tình cảm chân thành của bạn đọc báo Người Lao Động, kẻ gạo, người tiền, người năm ba gói mì, thậm chí người nghèo thì cho vài bộ quần áo cũ... tất cả đã làm nên một chuyến hàng ấm áp tình đồng loại, nghĩa đồng bào!

 

Chị Huỳnh Thị Ngói, 39 tuổi, sau khi nhận quà chị nói một câu thay cho lời cảm tạ: Hôm qua đi vay một trăm ngàn để đưa đứa con gái lên Long Xuyên ở mướn nhưng không ai dám cho vay. Bây giờ thì có tiền rồi! Một câu nói thật lòng mà làm cho tôi đau nhói. Không thể ngờ nổi một trăm ngàn tiền cứu trợ với chị lại có ý nghĩa đổi đời cho một đứa con bằng con đường đi ở mướn! Chị kể, hôm đầu mùa lũ, chị đã vay một trăm năm chục ngàn đồng  cho anh Tấn - chồng chị -  mua lưới, mỗi tháng đóng lãi hai chục ngàn đồng. Nhưng mùa lũ năm nay ít cá, lại gió to sóng lớn, nước chảy xiết, mỗi đêm anh Tấn chỉ kiếm được từ hai đến năm ngàn đồng. Bốn ngày qua chị đi bán bún nước lèo đều lỗ vốn, nợ tiền bún, tiền mắm hết bốn chục ngàn đồng. Đứa con gái chị - bé Ngọc Dung 13 tuổi, đêm nào cũng đi hái bông điên điển mỗi đêm kiếm được một hai ngàn đồng. Đêm qua nó đi đến gần sáng không về, trời mưa giông, chị hốt hoảng mượn xuồng đi tìm, gặp nó ở ngoài đồng đang lạnh cóng, hỏi sao không về, nó nói cố gắng hái cho được một ký. Tôi hỏi một ký bông điên điển giá bao nhiêu, chị nói hai ngàn đồng. Tôi hỏi tại sao phải hái ban đêm, chị nói bông điên điển không ai hái ban ngày vì sáng ra nó nở sẽ có vị đắng, vả lại phải hái ban đêm để sáng đi bán sớm!

 

Chị Nguyễn Thị Lan, mới có 42 tuổi mà trông chị già như bà lão. Nhà bị ngập lên tới nóc, chị cùng bốn đứa con dọn lên chợ Phú Hữu che chòi ở tạm. Cũng may có người giúp đỡ, cho vay ba chỉ vàng với lãi suất ưu đãi, mỗi tháng chỉ đóng bốn chục ngàn đồng. Ngày ngày mẹ con chị bơi xuồng đi mua phế liệu, nửa tháng chở qua chợ Tân Châu bán một lần. Nhưng trừ tiền mướn ghe, tiền xăng, tiền ăn uống dọc đường, tiền lãi, cuối cùng cũng lỗ vốn. Chị nói nhờ nhận được quà cứu trợ, nếu không sẽ ăn thâm vào cả vốn vay.

 

Vợ chồng chị Bùi Thị Lệ cùng năm đứa con sống trong căn chòi rách nát, ngoài chiếc xuồng cũ kỹ, vật dụng trong chòi không món nào đáng giá hai chục ngàn đồng. Song, chị nói may mắn gặp người chủ vựa cá tốt bụng, anh ta bỏ vốn ra đầu tư cho chồng chị giàn câu một ngàn lưỡi trị giá sáu chục ngàn đồng, lại cho mượn một trăm ngàn đồng để nộp mãi lộ cho các trạm biên phòng trên đất Campuchia để được tạm trú làm ăn bên ấy mười ngày. Mười ngày anh đi, chị lại được người chủ vựa cho mượn ba chục ngàn đồng để mua gạo. Nhưng khi anh về, trừ các khoản chi phí thì còn lại được ba chục ngàn đồng. Người chủ vựa lại tiếp tục cho anh mượn tiền để đi chuyến nữa. Chị nói tội nghiệp anh quá, mới đi có một chuyến mà ghẻ lở đầy mình, mà liệu chuyến này có đủ vốn hay không? Cha mẹ chị nghèo không có ruộng đất, đến đời chị cũng thế. Mùa khô thì vợ chồng con cái dắt díu nhau đi làm mướn, đào đất, nhổ cỏ, tỉa đậu, hái bắp lấy tiền công đắp đổi qua ngày. Mùa lũ thì dựa vào bông điên điển, bữa đói bữa no. Mà bông điên điển hái riết rồi cũng hết. Ba bốn mẹ con hái cả đêm không mua nổi một ký gạo. Chị phải vay lúa để ăn, vay mười giạ đến mùa trả mười tám giạ. Với một gia đình làm thuê như chị, để trả được mười tám giạ lúa thật không phải là chuyện dễ dàng. Dứt lời, chị lẫn vào dòng người đi nhận hàng cứu trợ. Tôi nhìn theo mà cứ nghĩ đến những đứa con của chị, cả năm đứa đều không được học hành...!

 

Những người không có ruộng đất  thì mùa lũ sống nhờ vào con cá, cọng rau, bông điên điển. Những thứ ấy bây giờ đã cạn kiệt ở quê nhà. Muốn có phải sang tận Campuchia, cho nên cuộc hành trình của những cọng rau ở đây tuy rẻ mạt nhưng cái giá phải trả thì đắt vô cùng. Chị Huỳnh Thị Lai, một trong những người sang Campuchia  nhổ bông súng và hái rau muống, kể cứ mỗi chuyến đi về mất hết ba lít xăng, phải vật lộn với sóng to gió lớn. Qua mỗi trạm biên phòng trên đất bạn phải nộp mãi lộ hai ngàn đồng. Chiều nay đi, ngủ bên ấy một đêm, có khi trùm cao su ngủ trong mưa giông, sáng sớm thức dậy nhổ bông súng và hái rau, chiều tối về tới nhà, sáng hôm sau ra chợ bán, chiều lại ra đi. Như vậy, để có một phiên chợ, phải mất hai ngày hai đêm, tôi hỏi bán được bao nhiêu, chị nói trừ tiền xăng và tiền nộp mãi lộ, mỗi chuyến còn khoảng mười lăm đến hai chục ngàn đồng (!).

 

Tôi hình dung cái hệ thần kinh của con người ở đây mạnh đến vô địch mới có thể chịu đựng nổi sự nghiệt ngã trên mảnh đất này. Song, cũng có những người không chịu đựng nổi, phải bỏ xứ ra đi. Nhưng đi đâu, về đâu? Chẳng có xứ sở nào lại dung nạp những kẻ tha phương không tiền, không chữ, thậm chí không có sức lao động. Bà Nguyễn Thị Điệp, 55 tuổi, cùng cô con gái là Võ Thị Ngọc Hương, 21 tuổi, dắt nhau lên thành phố Hồ Chí Minh. Hai mẹ con thuê một phòng trọ hai trăm năm mươi ngàn đồng một tháng. Bà đến các công trình xây dựng xin trộn hồ nhưng không ai nhận vì lý do sức khỏe. Cô Ngọc Hương thì may mắn hơn, được người ta thuê đẩy xe đi bán cá viên chiên. Nếu bán một ngày trên năm chục ngàn đồng thì cô được trả công hai chục phần trăm, còn nếu dưới năm chục ngàn đồng thì cô chỉ được ăn một bữa cơm. Làm hơn một tháng không sống nổi, bà Điệp về quê, cô con gái ở lại. Tôi hỏi cô Hương ở lại làm gì, bà nói nó trả chiếc xe, về phòng trọ chờ người ta giới thiệu cho đi làm việc khác. Dứt lời, bà vội vã đi về phía dòng người đang nhận hàng cứu trợ, để lại trong tôi hình ảnh cô gái chất phác, quê mùa đang bơ vơ giữa đất Sài Gòn với trăm ngàn cạm bẫy. Biết đâu, cô lại gặp một mùa lũ khác còn khủng khiếp hơn mùa lũ ở quê nhà...!

 

Từ nhiều năm qua, tôi được nghe nói đến những giải pháp để con người có thể sống chung với lũ. Nhưng cho đến nay, mặc dù Nhà nước đã tốn hàng trăm tỷ đồng cho những công trình dân cư vượt lũ nhưng giải pháp vẫn còn là sự tìm kiếm mà lũ thì càng ngày càng trở thành tai họa lớn hơn trong đời sống con người. Cứ mỗi mùa lũ đến thì vấn đề được quan tâm hàng đầu của chính quyền các cấp vẫn là di dời và cứu trợ. Như vậy, nghịch lý còn đang tìm ẩn ở chỗ nào?

Tình cờ, tôi gặp một con người đang lạc quan sống chung với lũ: Anh Trương Văn Tuất, 32 tuổi, ngồi vá lưới trên chiếc bè nổi ở đầu sông Tắc Trúc, một nhánh của thượng nguồn sông Hậu giáp với biên giới Campuchia. Cái bè gỗ bề ngang hai mét, chiều sâu hai mét rưỡi. Trên bè, anh cất một căn chòi nhỏ có thể ở được năm người. Trong bè anh nuôi bầy cá bông 1.700 con. Những con cá to bằng bắp chân đang chen nhau đớp mống. Anh Tuất cho biết, anh đóng chiếc bè này chi phí hơn một triệu đồng cộng với ba trăm năm chục ngàn đồng tiền cá giống, anh nuôi đến nay được sáu tháng, còn một tháng nữa thu hoạch, ước tính khoảng mười tám triệu đồng. Nhờ tự đi đánh cá linh làm thức ăn cho cá bông nên lợi nhuận khoảng mười lăm triệu đồng. Anh Tuất dự tính rằng mùa lũ năm sau anh sẽ đóng một cái bè lớn hơn và đóng trên đó một ngôi nhà chắc chắn hơn để cả gia đình xuống ở và nuôi được khoảng năm ngàn con cá bông. Như vậy nhà anh khỏi phải di dời mà có thể kiếm được năm ba chục triệu đồng trong mùa lũ. Tôi hỏi anh học nghề này ở đâu, anh chỉ tay dọc theo bờ sông mà nói, xóm này có đến mấy chục hộ nuôi cá bông bè, do nghiên cứu và học hỏi lẫn nhau, cái khó là làm sao để có vài triệu đồng vốn ban đầu. Anh Tuất cho rằng đây là cách tốt nhất để con người sống chung với lũ.

 

Nghe anh Tuất nói, tôi chợt nhớ cách đây vài tuần tôi có dự một cuộc họp báo ở huyện An Phú để đánh giá tình hình thiệt hại và tìm giải pháp khắc phục hậu quả của mùa lũ năm nay, anh Sáu Việt, Bí thư Huyện ủy, có nói một câu làm tôi tâm đắc rằng, sống chung với lũ có nghĩa là phải hiểu biết hết nó để tổ chức cuộc sống cho phù hợp. Tôi cho rằng lời  nói ấy là một chân lý, và chân lý ấy cũng chính là một hiện thực đang nẩy sinh ngay trong cuộc sống của những con người bình dị trên mảnh đất này.

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3608
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)