Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.217.644
 
Kí sự đường xa :Bên dòng sông Thajin
Huỳnh Kim

Chảy ra vịnh Thái Lan, sông mang tên Thajin; trôi lên phương Bắc ghé qua thủ đô Bangkok, có nhánh mang tên Chao Phraya. Họ, hàng trăm nghìn dân nhập cư, đang hòa nhập vào nền kinh tế Thái Lan với nhiều dáng dấp, tên gọi khác nhau; thầm lặng chảy đi, trôi đi, qua cửa sông Thajin…

 

Lưng buổi sáng, nắng đã gay gắt trên cảng cá Samutsakorn. Hàng chục chiếc tàu đánh cá đang cập cảng, ba chiếc đang làm hàng. Có cả trăm ngư dân và dân bốc vác rần rần chuyển cá biển vào hai chiếc xe đông lạnh đậu gần đó. Tiếng Thái, tiếng Myanmar xen một ít tiếng Anh, rộn ràng như vỡ chợ. Anh Hang, dân vốc vác người Myanmar, nói tiếng Thái rào rào: “Vợ chồng tôi làm ở đây hai năm rồi, mỗi ngày tôi kiếm được 180 bạt (gần 70.000 đồng), vừa đủ sống. Ở Mayanmar, dân như tôi khó kiếm việc làm”.

 

Ông Arnon Tritrong, giám đốc cảng cá tỉnh Samutsakorn, cho biết có khoảng 1.200 người nhập cư làm nghề đi biển và bốc vác tại cảng này. “Cá biển từ đây được đưa lên phía Bắc và nhiều tỉnh khác ở Thái Lan” - ông Arnon nói tiếp:  “Ngành này sinh lợi nhiều và tạo công ăn việc làm cho đại đa số dân nhập cư ở đây”. Ông cũng cho hay, mỗi tuần có khoảng 100 tàu đánh cá ra vào cảng và mỗi năm các dịch vụ tại cảng cho doanh thu khoảng nửa tỉ bạt.

Theo thống kế của Quĩ Toàn cầu (The Global Fund), một tổ chức phi chính phủ ở Thái Lan, nước này hiện có khoảng 2,5 triệu dân nhập cư, trong đó 80% đến từ Myanmar, 10% từ Lào và 10% từ Campuchia. Riêng ở tỉnh Samutsakorn này - nơi cách biên giới Myanmar 200 kilômét - có chừng 200.000 dân nhập cư, đa phần đến từ Mayanmar, nhưng chỉ có khoảng 90.000 người đăng kí, còn lại cư ngụ bất hợp pháp.

 

Bác sĩ Moleen, Phó giám đốc bệnh viện tỉnh Samutsakorn, cho biết người  đăng kí nhập cư phải nộp 3.800 bạt mỗi năm để có giấy phép lưu trú, hành nghề và hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, số người không đăng kí vẫn thuê nhà và làm đủ thứ nghề gắn với sông, biển và các chợ cá ở thị trấn này. Nhiều người sống ở đây từ ba năm, năm năm, mười năm; có người về nước rồi quay lại xin nhập cư tiếp.

“Tình hình khám chữa bệnh hiện nay khá tốt nhưng trong tương lai thì không rõ lắm”, bác sĩ Moleen nói. Giải thích với đoàn nhà báo từ sáu nước vùng hạ lưu sông Mekong tìm hiểu chuyện này, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cố gắng tránh các loại bệnh lây lan từ dân nhập cư sang cộng đồng dân địa phương, như các bệnh về phổi, hô hấp, sốt, cảm cúm, tiêu chảy, đỏ mắt và nhất là HIV/AIDS”. Ông nói, bệnh viện tỉnh thường có đông bệnh nhân và mỗi năm phải chi khoảng 60 triệu bạt cho họ, trong đó chính phủ lo gần một nửa còn lại là nguồn kinh phí của bệnh viện và  từ các tổ chức phi chính phủ (NGO).

 

“Ngay trong ngôi nhà này cũng có một hộp bao cao su (condom boxes) như vậy” – chị Maw Zaw, người Myanmar, chuyên viên khu vực của tổ chức NGO mang tên Yêu Người Thái (Raks Thai Foundation), thông báo với đoàn nhà báo tại hội trường của cảng cá Samutsakorn, làm mọi người nhốn nháo tìm xem hình dạng “cái hộp” đó ra sao. Chỉ là cái hộp cứng bình thường, có hai mái che như mái nhà. “Thị trấn này có 50 hộp đặt rải rác trong các khu dân cư có đông người nhập cư, một tháng họ xài hết khoảng 30.000 bao ca su” - chị  Maw Zaw nói tiếp: “Những tình nguyện viên của chúng tôi cũng chính là dân nhập cư. Họ được tập huấn kỹ rồi chỉ vẽ cho từng người cách xài bao cao su và nhiều cách tự bảo vệ sức khỏe sao cho dễ hiểu và hiệu quả”.

 

Yêu Người Thái cũng như nhiều tổ chức NGO khác ở Thái Lan chuyên lo cho dân nhập cư, họ có mạng lưới hợp tác khá rộng, gần 20 đầu mối, từ địa phương tới trung ương. Họ lo nhiều việc với những chương trình, dự án khác nhau liên quan tới y tế, giáo dục, quan hệ cộng đồng… miễn sao giúp được cho dân nhập cư và dân địa phương sống hòa nhập được với nhau mạnh giỏi và luôn nhìn về ngày mai, dù hiện nay còn bao cảnh khổ.

Trưa nắng cháy da, chúng tôi ghé vào làng Krok-Krak thuộc huyện Muang của tỉnh Samutsakorn. Trong một con hẻm nhỏ nhiều rác, dãy nhà lợp tôn chừng ba chục căn, nằm san sát bên nhau nép mình dưới nắng, dù chỉ cách bờ sông Thajin vài trăm mét. Vắng hoe, không nghe tiếng người; té ra con nít không đi học thì theo cha mẹ đi làm ngoài cảng cá, chợ cá. Chỉ có một nhà mở cửa; một phụ nữ tên Ma Sein Htay đang ru thằng con trai ngủ võng trong cái nóng trưa hầm hập (xem ảnh). Chị nói, chồng chị đi biển rồi; có sáu người cùng thuê căn nhà nhỏ xíu này với giá 4.800 bạt một tháng. Một phụ nữ khác đang hứng nước từ vòi nước công cộng của khu nhà tập thể, cũng giải thích chuyện ở một mình: chồng đi làm còn con gái thì gởi học tại một trung tâm dạy trẻ ở gần đó.

 

Chúng tôi lội bộ ra trung tâm này. Nó nằm bên đường làng, tên là Trung tâm dạy trẻ Krokra-nai, do tổ chức Yêu Người Thái lập ra từ hai năm nay. Tự dưng thấy vui lên và khỏe người ra khi nghe tiếng trẻ con ê a đánh vần. Tôi kịp chụp được tấm hình đứa nào cũng đang tròn miệng đọc theo tiếng nhịp thước của cô giáo (ảnh kèm). Tới chừng nghe cô giáo Manunchaya Inklai kể, mới sực nhớ đây là lớp học của “dân nhập cư”. Mà quá nể: 85 em nhỏ này, từ 2 -14 tuổi, đang được dạy miễn phí bốn thứ tiếng: Myanmar, Mon (tiếng dân tộc thiểu số của 80% dân nhập cư Myanmar), tiếng Thái và tiếng Anh. Các em còn được học toán và nhiều kỹ năng sống. Chuyện về cái “hộp bao cao su” cũng có trong nội dung học của các em lớn tuổi (với nội dung tiếng Anh: Teaching Aerobic and life skills by Sex Workers).

 ***

Chị Hương Giang, gốc Hà Nội, làm việc cho Học viện Thực thi pháp luật quốc tế của Mỹ đóng tại Bangkok – người được nhà tổ chức Inter Press Service (IPS) mời làm phiên dịch hôm ấy, cho biết chính phủ Thái Lan đang khuyến khích phụ huynh đưa con em từ các lớp này vào học tại các trường của người dân địa phương.
Dịch xong câu chuyện đó, chị Hương Giang nhìn ra phía cửa sông Thajin, nhắc mọi người: “Con sông này chảy ra vịnh Thái Lan đấy”.  ./.

Huỳnh Kim
Số lần đọc: 3098
Ngày đăng: 09.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nước mắt người già - Võ Ðắc Danh
Dưới tán rừng xanh - Nguyễn Đức Thiện
“Đá nung” ở Đôn Châu - Nắng Xuân
Thế là đã chạm được bàn chân trần lên đất Kỳ Anh - Hồ Tĩnh Tâm
Một ngày ở Côn Đảo - Nguyễn Đức Thiện
Kho báu của người nghèo - Ngọc Hiệp
Bình Thuận biển xanh và thảo nguyên cũng xanh - Nguyễn Đức Thiện
Đoá bạch lan trong mây trắng - Nguyễn Thanh Mừng
Mùa Xuân Về Thăm Quê Hương Nhà Thơ Nguyễn Khuyến - Nguyễn Mộng Giao
Sâu lắng Ban Mê - Nguyễn Đức Thiện
Cùng một tác giả
Hàn vi (thơ)
(thơ)
Xa nhau (thơ)
Đêm (thơ)
Thu (thơ)
Nuôi cu (thơ)
Cánh Bướm nâu (truyện ngắn)
đất (thơ)
(thơ)
Đây là Scotland. (lịch sử)