Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.232.074
 
Sách “Đông Chu Liệt Quốc ” - NXB Văn Học 2005 – Một sản phẩm của... con buôn .
Phạm Lưu Vũ

Tôi có may mắn được tiếp xúc với bộ sách “Đông Chu Liệt Quốc chí” (sau đây gọi tắt là Đông Chu) của Phùng Mộng Long tiên sinh từ hồi học lớp tám, lớp chín, trên tủ sách của nhà ông bác họ trong làng. Bấy giờ gồm tổng cộng mười hai mười ba tập gì đó, sách rất cũ, giấy ngả màu vàng, ngoài bìa mỗi tập đều có vẽ một bức tranh cổ minh họa tác phẩm rất nghệ thuật. Bộ Đông Chu ấy do cụ Nguyễn Đỗ Mục (1866-1948) dịch. Mặc dù không đậm chất kiếm hiệp để cầu lấy sự hấp dẫn như Tam Quốc, song Đông Chu thực sự đã hút hồn tôi từ đó. Sau này, khi đã có chút kiến thức về văn học cổ điển cũng như lịch sử Trung Quốc, rồi đọc đi đọc lại bộ sách đó, tôi mới có thể thưởng thức được một phần tài nghệ tuyệt luân của cụ Nguyễn Đỗ Mục trong việc dịch kiệt tác đó ra chữ quốc ngữ. Dịch văn chương mà đến như thế, như có lần tôi đã từng viết, có thể nói là đã gọi được hết ba hồn chín vía của chữ nghĩa ra. Nói thì có người bảo rằng nói ngoa, chứ nếu trong thi ca có bản dịch “Chinh Phụ Ngâm” thiên tài của Đoàn Thị Điểm từ nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn, thì trong văn xuôi, cũng có bản dịch “Đông Chu liệt quốc” tuyệt tác của Nguyễn Đỗ Mục tiên sinh. Những bản dịch khác không kể làm gì, duy có bản dịch ấy của tiên sinh mới đích thực là một sự sáng tạo lại một cách kì vĩ, gần như nguyên vẹn tác phẩm bất hủ của Phùng Mộng Long bằng ngôn ngữ tiếng Việt yêu dấu của chúng ta. Xin được nghiêng mình kính phục và tri ân bậc túc Nho tiền bối ấy.

 

Thời cách đây chưa lâu, những sách như thế này là cực hiếm, nó chỉ có thể được tìm thấy trong Thư viện Quốc gia hoặc trong tủ sách của những nhà có truyền thống học hành, đỗ đạt từ mấy đời truyền lại. Khoảng giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi tình cờ mua được một bộ ở một tiệm bán sách cũ gần ngã tư Sở - Hà Nội. Giá bấy giờ bằng gần hai tháng lương của kĩ sư mới ra trường. Không còn nhớ do “nhà” nào xuất bản, nhưng rồi bộ sách ấy cũng ở với tôi được không lâu thì bị thất lạc, có lẽ cái “duyên” của tôi với sách Đông Chu là chưa đến lúc chăng? Khoảng hơn chục năm sau, tôi lại có may mắn mua được một bộ khác cũng ở một tiệm sách cũ tại Sài Gòn. Lần này thì sách do NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội xuất bản năm 1989. Bộ Đông Chu này cũng vẫn là bản dịch của cụ Nguyễn Đỗ Mục, có sự hiệu đính của cụ Cao Xuân Huy (1900-1983). Sách được in thành tám tập, giấy đen sì, chất lượng xấu khủng khiếp. Đến nỗi tôi chỉ đọc được chừng chục lần thì từng trang, từng trang đã gãy rời khỏi gáy sách. Có trang thậm chí đã bắt đầu mủn ra như những mảnh vải liệm trong quan tài của người tiền sử. Tôi đã cố giữ gìn, xắp xếp, mỗi khi giở ra đọc dù nóng mấy cũng không dám bật quạt. Vậy mà vẫn không tránh khỏi bị thất lạc lúc thì trang này, lúc thì trang khác. Những trang sách quý có khi bị gãy nát làm bốn năm mảnh, có khi bị gió thổi bay ra ngoài trời, bay lên trần nhà hoặc lăn lộn vào các xó xỉnh... Rồi thì nhện giăng, bụi bặm, rồi thì lũ trẻ nghịch ngợm, phá phách, rồi thì chuyển nhà chỗ nọ, chỗ kia... Bộ Đông Chu già nua, khổ hạnh ấy của tôi thế là mang thương tích đầy mình, nó không còn được nguyên vẹn, tử tế như xưa nữa. Tôi rất ân hận về điều đó, lòng vẫn hằng canh cánh như thể đang bị khuyết mất một phần kiến thức trong đầu mình.

 

May mắn cho những kẻ ham sách như tôi là đất nước đã chuyển mình sang thời chợ búa. Những sách như thế này bây giờ không còn hiếm nữa, miễn là có tiền hoặc chịu khó nhịn đói một ít, là có thể mua được ở bất cứ hiệu sách lộng lẫy và hoành tráng nào. Và... tôi đã nhìn thấy bộ sách đó trong một hiệu sách lớn giữa Sài Gòn, cùng vô số sách quí khác, đủ các loại cổ kim, bày xếp la liệt như hàng rau, hàng cỏ chợ đầu mối. Mừng quá, tôi vội vàng cầm lên, giở xem qua. Sách mới ra, ghi nộp lưu chiểu quý 2/2005, in giấy tốt, trình bày cực đẹp, bìa cứng hẳn hoi. Vẫn là bản dịch thông kim bác cổ của cụ Nguyễn Đỗ Mục, do cụ Cao Xuân Huy hiệu đính đây thôi, lại có cả bài tựa của đích danh Cao tiên sinh in ở đầu sách. Càng yên tâm hơn khi sách do một nhà xuất bản danh giá, độc tôn, đúng “chuyên môn” là nhà xuất bản Văn Học - Hà Nội ấn hành. Bộ Đông Chu này được in dồn lại làm ba tập, mỗi tập hơn năm trăm trang khổ 14,5 x 20,5. Tổng cộng ngót một nghìn sáu trăm trang. Tập một từ hồi thứ nhất đến hồi 43; tập hai từ hồi 44 đến hồi 75; tập ba từ hồi 76 cho đến kết thúc ở hồi 108. Giá trọn bộ là một trăm bẩy mươi ngàn đồng, tương đương khoảng tám, chín mươi ki lô gam thóc, bằng thu nhập thực tế trong sáu tháng của một nông dân quê tôi với điều kiện không bị thiên tai, mất mùa. Tất nhiên là lần thứ ba trong đời, tôi đã không ngần ngại dốc hầu bao để rước bộ sách quý ấy về.

 

Tiếc thay, niềm vui tậu được sách quí ấy kéo dài không lâu. Mặc dù trong phần “Lời Nhà Xuất bản” in ở đầu sách, có khẳng định chỉ in lại, không sửa chữa, vì đây là một công trình có tính nghệ thuật cao”. Song càng đọc bộ sách mới cáu này, tôi càng ngờ ngợ. Vẫn tư tưởng Nho gia của Phùng Mộng Long và văn chương Quốc ngữ của Nguyễn Đỗ Mục đây thôi. Song tôi vẫn cảm thấy có gì hụt hẫng đâu đây. Ngoại trừ những lỗi chính tả, những dấu chấm, dấu phẩy bị thiếu hoặc đặt lộn chỗ làm cho câu văn trở nên ngô nghê, tối nghĩa mà tôi cho là lỗi do đánh máy. Dù sao thì mình cũng vẫn hiểu, vẫn tự bổ sung, sửa lỗi bằng mắt những dấu chấm, dấu phẩy ấy mỗi khi đọc thấy là được. Và con mình, cháu mình sau này nếu có đọc đến, chắc chúng cũng làm được như vậy. Thế thì cũng không sao. Tôi tự an ủi mình như vậy để thông cảm với những lỗi in ấn muôn đời khó tránh khỏi ấy của nhà xuất bản.

 

Đó là lý do mà bài viết này sẽ không nhắc đến những lỗi in ấn, sai chính tả, sót một vài chữ... thậm chí nước Tần đánh thành nước Trần (và ngược lại), họ Triệu đánh thành họ Trịnh... mặc dù rất nhiều và phát hành sách cũng không hề kèm theo một mảnh “đính chính” nào. Nhưng nếu đó là một ấn phẩm được làm một cách cẩu thả, bôi bác, nhất là đối với một tác phẩm lớn, “một công trình có tính nghệ thuật cao” - (chính lời NXB) như sau đây thì khó mà thông cảm cho được. Đầu tiên là việc nhắm mắt lặp lại cái sai, y như cái sai của bản in lần trước. Bản in này của NXB Văn học, tôi đồ rằng được đánh máy lại từ bản in năm 1989 của NXB Khoa học Xã hội. Ngay tập 1, hồi thứ 5, trang 63, có câu nói của Thạch Hậu (con Thạch Thác) người nước Vệ, kẻ bày mưu cho Chu Hu giết anh là Vệ Trang công để cướp ngôi. Trong đó có đoạn: “duy có nước Trịnh nhân việc loạn sai Công tôn Hoạt đem quân sang đánh nước ta...” Đoạn này ở cả hai bản in đều sai. Công tôn Hoạt là con trai Thái Thúc Đoạn, em của Trịnh Trang công. Thái Thúc Đoạn vì mưu cướp ngôi nước Trịnh của anh không thành mà bị giết. Công tôn Hoạt phải chạy sang nước Vệ, mượn quân nước Vệ về đánh nước Trịnh. Cớ sao lại nói ngược lại 180 độ như thế? Đoạn trên đúng ra phải là: “duy có nước Trịnh nhân việc loạn Công tôn Hoạt, đã đem quân sang đánh nước ta...”.

 

Tiếp đến là bỏ sót chữ, thậm chí sót cả một đoạn... (cẩu thả mà), làm hỏng cả nội dung, khiến người đọc không biết đâu mà lần. Cũng vẫn tập 1, hồi thứ 5, trang 66, đoạn Trịnh Trang công nói với các quan. Đây là một trong những lời bàn tuyệt hay trong Đông Chu, thể hiện tầm nhìn chiến lược, cực kì sáng suốt của một vị vua giỏi trước họa chiến tranh. Tiếc rằng sự cẩu thả của kẻ làm sách đã làm hỏng đi ít nhiều. Trang 66 ấy in câu nói của Trịnh Trang công có đoạn sau: “Nay ta đưa công tử Phùng lại sai công tử Lã đem quân ra cửa đông đánh nhau với nước Vệ...”. Có ai hiểu nổi câu văn này không hở giời? Đơn giản là nó đã bị người ta bỏ sót mất hẳn 15 chữ (những chữ in đậm sau đây). Đoạn văn ấy đầy đủ (từ giờ trở đi, các phần đối chiếu như thế này, người viết đều dẫn từ bản in năm 1989 của NXB KHXH - Hà Nội) là: “Nay ta đưa công tử Phùng ra ở đất Trường - cát thì Tống tất kéo quân ra đấy; bấy giờ ta lại sai công tử Lã đem quân ra cửa đông đánh nhau với nước Vệ...

 

Tôi tưởng tượng trong một buổi ngoài trời mưa dầm dề, trong phòng gió hây hây làm cho người đánh máy bỗng nhiên buồn ngủ. Thế rồi người sửa bản in, người chịu trách nhiệm xuất bản... chẳng bao giờ thèm ngó lại. Thế là những trang sách cứ bị hẫng đi theo những cơn gà gật. Sở dĩ tưởng tượng như thế là vì chỉ sáu trang tiếp sau đó, ở hồi thứ 6, trang 73, có câu nói của Sái Túc, một quan đại phu giỏi của nước Trịnh, lại bị người ta làm hỏng chỉ vì bỏ sót quá nhiều chữ. Câu ấy trong sách đã dẫn in như sau: “Ngày trước năm nước họp quân đánh Trịnh, bây giờ ta đánh Tống thì bốn nước kia tất nhiên sợ hãi, mà phải đem người đi giảng hoà với Trần, lại lấy điều lợi chung mà giao kết với Lỗ...

 

Cái sai của đoạn in này nguy hiểm ở chỗ dễ làm cho người đọc loạn trí. Bốn nước kia vì sợ hãi (Trịnh) mà phải đem người đi giảng hòa... với nước Trần hay sao?, lại lấy điều lợi chung (với ai?) mà giao kết với Lỗ(?) Cụ Nguyễn Đỗ Mục ở dưới suối vàng nếu biết được điều này chắc sẽ phiền lòng lắm đây. Bởi vì nguyên văn câu của cụ dịch rõ ràng, rành mạch đến thế này kia mà: “Ngày trước năm nước họp quân đánh Trịnh, bây giờ ta đánh Tống thì bốn nước kia tất nhiên sợ hãi, mà phải đem quân giúp Tống. Thế là bất lợi cho ta. Bây giờ ta nên sai người đi giảng hoà với Trần, lại lấy điều lợi chung mà giao kết với Lỗ...

 

Ôi! cái cơn ngủ gật này biết bao giờ dừng lại, có lẽ bởi “mưa cứ rơi dầm dề, ngày cứ dài lê thê...” chăng?. Những câu bị rơi rụng mất trong tập sách này, trong khuôn khổ một bài viết kể sao cho xiết. Xin dẫn thêm một trường hợp nữa. Trang 102, hồi thứ 9, trong hồi này, Phùng Mộng Long đặc tả sự nhỏ nhen, tầm thường của kẻ xưng là thiên tử nhà Chu, người ta đã đánh máy một đoạn văn thế này: “Bấy giờ công tử Đà nước Trần giết thế tử Vấn mà cướp ngôi, người trong nước không phục, bỏ đi nhiều lắm. Vì cớ ấy nên khi vua nhà Chu lấy quân đi theo ngay...” Biến mất toi 12 chữ quốc ngữ của cụ rồi cụ Nguyễn Đỗ Mục ôi. Đoạn dịch ấy của cụ đầy đủ như thế này cơ mà: “Bấy giờ công tử Đà nước Trần giết thế tử Vấn mà cướp ngôi, người trong nước không phục, bỏ đi nhiều lắm. Vì cớ ấy nên khi vua nhà Chu lấy quân đi đánh Trịnh, công tử Đà không dám trái mệnh, phải cất quân theo ngay...”

 

Trong Đông Chu, có lẽ những đoạn viết về Tề Hoàn công và Quản Trọng chính là nằm trong số những đoạn khoái hoạt nhất của ngòi bút Phùng Mộng Long. Ông vua anh hùng ấy, một trong năm vị ngũ bá thời Xuân Thu có một sự nghiệp lẫy lừng, song kết thúc lại cực kì thảm hại. Không thấy Phùng Mộng Long tiên sinh miêu tả cái tướng khí của Tề Hoàn công ra sao. Song cứ theo sự khởi đầu - kết thúc của cái nghiệp bá chủ ấy mà đoán, thì trên gương mặt Tề Hoàn công hẳn phải có hai đường gọi là đường pháp lệnh xuất phát từ hai bên cánh mũi, chạy xuống chui tọt vào hai bên mép, mà các nhà nhân tướng học gọi là tướng “lưỡng xà nhập khẩu” (hai con rắn cùng chui vào miệng). Tiếc rằng trên đầu lưỡi lại không có nốt ruồi thành ra đó là một tướng hung. Tướng ấy có thể đạt đến phú quí cực đỉnh đấy, song kết cục bao giờ cũng là... chết đói mà thôi. Cùng có cái tướng số này với Tề Hoàn công, ở những phần sau của Đông chu còn hai vị vua nữa là Sở Linh vương và Triệu Chủ phụ (Triệu Vũ vương). Ba cái đỉnh phú quí khác nhau, đồng thời cũng là ba kiểu chết đói bi thảm khác nhau. Bằng cách miêu tả cực kì sinh động những số kiếp và những kết cục bi thảm ấy, Phùng Mộng Long tiên sinh muốn ngầm răn chúng ta rằng, lẽ huyền cơ của cõi nhân sinh này thật là đáng sợ, không chừa ra bất cứ đẳng cấp xã hội nào. Những chuyện ấy có dịp mà “tán”, chắc sẽ còn rất nhiều điều lý thú. Đây đang nói về bộ Đông Chu kia của NXB Văn học. Than ôi, người ta đâu cần tôn trọng cái sự “khoái hoạt” ấy của ngòi bút Phùng Mộng Long. Bằng chứng là đến hồi thứ 23, đoạn viết về Tề Hoàn công đem quân bảy nước chư hầu đi đánh Sở. Những trang như trang 272; 273; 274, thì sự cẩu thả đã đạt đến trình độ... không sửa được nữa. Thậm chí có đoạn rõ ràng là cố tình “tóm tắt” một cách bôi bác, không đếm xỉa gì đến văn chương chữ nghĩa, đến tư liệu cần phải thể hiện của cả người viết lẫn người dịch. Chỉ xin dẫn chứng ra đây một đoạn “tóm tắt”... tối om ấy ở trang 273-274 (chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy...):

 

“Nước Sái vẫn cậy thế Sở không phòng bị. Khi quân Tề đến mới chống giữ. Thụ Điêu diễu quân dưới chân thành nước Sái. Sái hầu biết rõ Thụ Điêu là kẻ tiểu nhân sai đem vàng lụa lễ Thụ Điêu. Thụ Điêu nhận lễ và cho biết Tề Hoàn công sẽ còn đánh Sở : các nước sẽ phá huỷ kinh thành nước Sái.

Sái hầu sợ hãi trốn sang Sở, dân Sái bỏ chạy cả. Thụ Điêu tự nhận công mình, phi báo với Tề Hoàn công. Sái hầu đến Sở gặp Sở Thành vương biết rõ mưu kế Tề Hoàn công sai quân sĩ phòng giữ các nơi, triệu Đấu Chương ở Trịnh về.

Đại binh Tề Hoàn công và quân bảy nước chư hầu kéo sang nước Sái.

Hứa mục công đang ốm cũng đem quân hội ở nước Sái. Tề Hoàn công cho Hứa mục công ngồi trên Tào chiêu công. Đêm ấy Hứa mục công mất. Tề Hoàn công đóng quân ở Sái ba ngày để phát tang.”

 

Trích đến đây, tôi vừa nghe như có tiếng thở dài xót xa của cụ Nguyễn Đỗ Mục ở bên cạnh mình. Ai mà tin được lời khẳng định “không sửa chữa” của NXB in ở đầu sách nữa? Mà dẫu có sửa thì cũng phải sửa thế nào kia, chứ cái kiểu “tóm tắt” như đoạn in trên là quá ẩu, không còn tý hơi hướng văn chương nào so với bản dịch mà tất nhiên, tôi cũng phải trích dẫn ra đây để bạn đọc tự đối chiếu:

 

“... Nước Sái vẫn cậy thế nước Sở, không phòng bị chút nào cả; khi quân Tề kéo đến nơi, mới vội vàng đem quân ra chống giữ. Thụ Điêu diễu quân ở dưới chân thành nước Sái. Sái hầu trông rõ là Thụ Điêu, năm trước vẫn hầu hạ Sái Cơ ở trong Tề cung, sau lại đưa Sái Cơ về nước Sái. Sái hầu biết Thụ Điêu là kẻ tiểu nhân, đêm hôm ấy sai người đem một xe vàng lụa đến lễ Thụ Điêu, để nhờ Thụ Điêu hãy hoãn binh cho.

Thụ Điêu nhận lễ, rồi lại đem việc bí mật của Tề Hoàn công đại hội chư hầu, trước đánh Sái, sau đánh Sở, nói hết cả cho nước Sái biết, lại bảo với sứ giả nước Sái rằng:

- Chẳng bao lâu nữa thì các nước chư hầu sẽ đem quân đến phá huỷ kinh thành nước Sái, âu là người nước Sái nên liệu mà trốn trước đi.

Sứ giả nước Sái về nói với Sái hầu. Sái hầu sợ hãi, đêm hôm ấy đem cung quyến mở cửa thành trốn sang nước Sở. Dân nước Sái thấy Sái hầu đi trốn, tức khắc vỡ chạy cả; Thụ Điêu tự nhận là công mình, sai người về phi báo với Tề Hoàn công. Sái hầu sang đến nước Sở, vào yết kiến Sở Thành vương, thuật lại những lời nói của Thụ Điêu.

Sở Thành vương biết rõ mưu kế của Tề Hoàn công, tức khắc truyền cho quân sĩ phải phòng giữ các nơi; rồi một mặt sai người đi triệu quân Đấu Chương ở nước Trịnh về. Mấy hôm sau, đại binh của Tề Hoàn công đến nước Sái. Thụ Điêu đem quân ra nghênh tiếp. Bảy nước chư hầu cùng kéo quân đến, nghi vệ rất là nghiêm chỉnh. Bảy nước ấy là:

1-       Tống Hoàn công (Ngự Thuyết)

2-       Lỗ Hi công (Thân)

3-       Trần Tuyên công (Chử Cữu)

4-       Vệ Văn công (Huỷ)

5-       Trịnh Văn công (Thiệp)

6-       Tào Chiêu công (Ban)

7-       Hứa Mục công (Tân Thần)

Kể cả bá chủ là Tề Hoàn công (Tiểu Bạch), cộng thành 8 nước.

Bấy giờ Hứa Mục công đang ốm, cũng miễn cưỡng đem quân đến hội ở nước Sái, Tề Hoàn công khen cái công khó nhọc ấy, thăng tước cho ở trên Tào Chiêu công. Đêm hôm ấy Hứa Mục công mất. Tề Hoàn công đóng quân ở nước Sái ba ngày để phát tang Hứa Mục công.”

 

So sánh hai đoạn trích trên, chưa kể những câu tóm tắt cẩu thả, tối nghĩa và cụt ngủn của bản in lần này. Người ta thậm chí còn lược bỏ hẳn danh sách bảy nước chư hầu theo Tề đánh Sở. Danh sách này không chỉ có ý nghĩa tư liệu, mà còn rất cần để giúp người đọc hình dung ra một cách rõ ràng, sáng sủa cái tính chất của “liệt quốc” trong quá trình nghiền ngẫm Đông Chu (bản in năm 1989 của NXBKHXH thậm chí còn in kèm cả bản đồ thời đó để người đọc tiện tham khảo nữa cơ đấy. Chứ bản in này thì... chả cần). Đến đây, hẳn bạn đọc đã bắt đầu nhận thấy bản dịch quốc ngữ công phu của Nguyễn Đỗ Mục tiên sinh, “rơi” vào tay NXB Văn học ở lần in này đã bị “biến dạng” như thế nào. Chưa hết đâu. Bạn cứ chịu khó đọc đi, rồi sẽ phải công nhận rằng, bộ Đông Chu mới cáu ấy vừa mới ra khỏi nhà in thì đã bị mang thương tích đầy mình.

 

Kẻ viết những dòng này dù đã bắt đầu cảm thấy sắp cạn hết kiên nhẫn, song cũng phải cố dẫn thêm một số chỗ nữa của bản in, mà sự cẩu thả đã đạt đến một “đẳng cấp” khó tưởng tượng nổi. Ví dụ đoạn viết về cái điềm “đương bích” trong cung nước Sở, tập 2, hồi thứ 69, trang 397, bản in của NXB Văn học như sau: “Trong năm người con ấy, Sở Cung vương muốn chọn một người để lập làm thế tử mà chưa biết lập ai, muốn tế các thần, rồi chôn một viên ngọc bích ở giữa ở trong sân nhà thái miếu, đánh dấu chỗ chôn rồi đến canh năm cho năm người con vào yết tổ, xem người nào đứng làm lễ đúng vào chỗ chôn ngọc bích, thì người ấy được quỷ thần chọn làm vua. Khang vương vào trước, đứng cách ngọc bích xa lắm. Công tử Khí Tật bấy giờ tuổi hãy còn nhỏ, người vú ẵm vào lễ đứng chính giữa ở trên ngọc bích, Sở Cung vương biết là có thần giúp, bởi vậy rất yêu công tử Khí Tật...”

 

Rõ ràng cả năm người con cùng phải vào lễ, mà đọc chỉ thấy có hai, lại sai be bét. Cũng đơn giản tại cái “đẳng cấp” cẩu thả đó (hay là lại “tóm tắt” đây?) đã làm hỏng cả một câu chuyện ly kỳ. Bởi nguyên văn đoạn ấy của Nguyễn Đỗ Mục trong bản in năm 1989 là như thế này: “Trong năm người con ấy, Sở Cung vương muốn chọn một người để lập làm thế tử mà chưa biết lập ai, mới tế các thần, rồi chôn một viên ngọc bích ở giữa ở trong sân nhà thái miếu, đánh dấu chỗ chôn rồi đến canh năm cho năm người con vào yết tổ, xem người nào đứng làm lễ đúng vào chỗ chôn ngọc bích, thì người ấy được quỷ thần chọn làm vua. Khang vương vào trước, đứng lễ quá lên trước chỗ chôn ngọc bích; Linh vương vào sau, lúc lễ với tay đến chỗ ngọc bích; Tử Can và Tử Tích thì cách ngọc bích xa lắm. Công tử Khí Tật bấy giờ tuổi hãy còn nhỏ, người vú ẵm vào lễ đứng chính giữa ở trên ngọc bích, Sở Cung vương biết là có thần giúp, bởi vậy rất yêu công tử Khí Tật...”

 

Người ta chỉ sai có một chữ (chữ mới đánh thành chữ muốn) thôi. Nhưng lại thiếu hẳn 26 chữ. Cái thiếu cực kì tai hại này vừa tạo ra một cái sai khác rất cơ bản (vị trí đứng lễ của Khang vương), vừa không thấy ba người con còn lại đứng lễ ở đâu. Chưa kể chi tiết “với tay đến chỗ ngọc bích” của Linh vương là rất quan trọng, không thể xem thường.Chỉ cần mô tả một động tác đứng lễ đó thôi,cũng đủ nói lên bản chất khao khát quyền lực đến ghê người của Sở Linh Vương. Chi tiết đó liên quan đến việc Linh vương sau này giết Vua (là Hùng My) để cưỡng chiếm ngôi vua nước Sở, rồi cuối cùng cũng bị truất ngôi mà chết thảm ở trong buồng nhà một kẻ thứ dân. Nói như thế để chứng tỏ một điều, rằng đã là văn chương của một bậc thiên tài thì không được phép bỏ sót một chi tiết nào. In sách như thế này thì có khác gì xẻo thịt lột da?

 

Đông Chu có những bài ca về mưu lược trùm đời như Quản Trọng, kì tích về lòng kiên nhẫn như Trùng Nhĩ (Tấn Văn Công), bản lĩnh dùng người điêu luyện như Tấn Điệu công, trí tuệ thần thoại như Khổng Tử, quân sự cái thế như Tôn Vũ, nhẫn nhục đến giun dế cũng phải kinh như Câu Tiễn, ngoại giao lắt léo như Tử Cống... Lại có những hạng gian thần như Bá Hi, dẻo mỏ như Tô Tần, quay quắt như Trương Nghi, tởm lợm như Lao Ái... Lại có Ngũ Viên (Ngũ Tử Tư) mà kiến thức, mưu trí cũng như cuộc đời của ông là cả một thiên đại bi hùng. Đây cũng chính là những trang khoái hoạt đặc biệt của ngòi bút Phùng Mộng Long. Nhất là đoạn tả Ngũ Viên trút sự hận thù trong mười chín năm ròng rã của mình lên cái xác khô của Sở Bình vương. Tất cả những điều đó sở dĩ lưu truyền được hàng nghìn năm, cho đến tận ngày nay, chủ yếu là nhờ ở văn tự, chữ nghĩa đấy. Tiếc thay, ở đây cũng gặp phải sự cẩu thả kinh người. Xin hãy xem ở tập 3, hồi thứ 76, trang 18, sách đã dẫn in như sau:

 

“... Ngũ Viên lại lấy chân dẫm lên bụng xác Sở Bình vương, rồi hỏi ông cụ già rằng:

- Tại sao cụ lại biết rõ chỗ chôn Sở Bình vương và sự thể quan quách như thế?

Ông cụ già nói:

- Tôi có phải là ai đâu, chính là thợ đá đã làm cái mộ này lúc bấy giờ!...”

 

Chẳng biết có phải người ta lại tiến hành một cuộc “tóm tắt” hay không, mà thiếu hẳn lời kể tội rất đặc sắc, có thể áp dụng cho cả những đời sau của Ngũ Viên, lại biến mất một đoạn văn tiếp theo nữa, thành ra Ngũ Viên cứ dẫm lên bụng cái xác đó không biết đến lúc nào thì mới bỏ chân xuống? Đoạn trích ấy đầy đủ phải như sau:

 

“... Ngũ Viên lại lấy chân dẫm lên bụng xác Sở Bình vương, rồi thò tay khoét mắt, mà kể tội rằng:

- Lúc mày sống có mắt cũng như không! Mày có mắt mà không biết ai trung, ai nịnh, lại giết oan cha ta và anh ta!

Nói xong, cắt lấy đầu Sở Bình vương, còn áo quan và xương, sai đem quẳng ở giữa cánh đồng. Ngũ Viên đã đánh vào xác Sở Bình vương rồi, lại hỏi ông cụ già rằng:

- Tại sao cụ lại biết rõ chỗ chôn Sở Bình vương và sự thể quan quách như thế?

Ông cụ già nói:

- Tôi có phải là ai đâu, chính là người thợ đá đã làm cái mộ này lúc bấy giờ!...”

 

Đến đây, ta lại bắt gặp một trận ngủ gật nữa của người đánh máy (chắc thế), bởi chỉ ba trang tiếp theo đó, trang 21, người đọc lại phải đọc một đoạn như thế này: “Lại nói chuyện công tử Thân đóng quân ở Lỗ Phục Giang nghe tin Sính Đô đã mất rồi, Sở Chiêu vương phải chạy trốn, sợ người trong nước tan tác, không có ai làm chủ, mới mặc đồ vương phục, để cho yên lòng dân. Dân chạy loạn, đều theo. Sở Chiêu vương mới nói với Hạp Lư rằng...”. In như thế thì ai mà hiểu nổi kia chứ? Công tử Thân chỉ cần mặc đồ vương phục vào là yên được lòng dân sao? Lại còn Sở Chiêu vương, đang bị Hạp Lư đuổi cho chạy toé khói sang tận nước Tuỳ, ngồi đấy mà nói với Hạp Lư? Người đánh máy buồn ngủ đã đành, chẳng lẽ cái người gọi là “sửa bản in”, người “chịu trách nhiệm” kia cũng ngủ gật hết hay sao? Nào có phải sót một vài chữ cho cam, đằng này sót hẳn mấy câu, lại còn làm loạn cả văn cảnh đi như thế, thử hỏi không gọi là cẩu thả thì gọi là cái gì?. Nguyên văn đoạn ấy trong bản dịch đầy đủ là: “Lại nói chuyện công tử Thân đóng quân ở Lỗ Phục Giang, nghe tin Sính Đô đã mất rồi, Sở Chiêu vương phải chạy trốn, sợ người trong nước tan tác, không có ai làm chủ, mới mặc đồ vương phục, đi xe vương dư, tự xưng là vua Sở, đóng ở đất Bế - tiết  để cho yên lòng dân. Dân chạy loạn, đều theo về đấy. Sau công tử Thân nghe tin Sở Chiêu vương ở nước Tuỳ, liền hiểu dụ cho dân biết, rồi tìm sang nước Tuỳ để theo Sở Chiêu vương. Ngũ Viên vẫn căm tức vì không bắt được Sở Chiêu vương mới nói với Hạp Lư rằng...”.

 

Mạch “ngủ gật” của người đánh máy chưa dừng ở đấy. Bởi vì chỉ tám trang sau đó (trang 29), lại thấy biến mất toi một câu của vua Hạp Lư hỏi Ngũ Viên, trong khi ở một câu khác, rõ ràng là Ngũ Viên nói thì lại “gán” sang cho Hạp Lư. Lại có trường hợp chỉ cần in thiếu đúng ba chữ, mà ý nghĩa và tư tưởng của câu nói bị đảo ngược hẳn 180 độ. Ví dụ vẫn ở tập 3, trang 35, câu nói của Sở Chiêu vương: “Kẻ kia định báo thù cho cha, thế tức là hiếu tử. Đã là hiếu tử thì không làm được trung thần!” (???) Than ôi! người ta đã đánh máy thiếu mất ba chữ cực kì quan trọng. Câu đầy đủ phải là: “Kẻ kia định báo thù cho cha, thế tức là hiếu tử. Đã là hiếu tử thì khó gì không làm được trung thần!”. Lỗi kiểu này không những người dịch là cụ Nguyễn Đỗ Mục phải nuốt hận, mà ngay chính Phùng Mộng Long tác gia chắc cũng phải... khóc rưng rức.

 

Trang 62, thế tử Ba nước Ngô không hề bị truất, mà bỗng dưng tự “bốc hơi” đi đâu mất, để vua cha là Hạp Lư phải chọn người khác lập làm thế tử, chỉ vì người ta đánh máy thiếu hẳn câu: Thế tử Ba thương nhớ nàng Thiếu - Khương quá, sau cũng thành bệnh, chưa được bao lâu cũng chết.”.

 

Trang 119, cụt mất đoạn Trần Hằng nước Tề sai bọn Trần Nghịch và Trần Bão giết chết Hám Chỉ nhằm chuyên quyền, lấn vua. Thành ra tự dưng đọc đến câu: “Tề Giản Công sợ hãi bỏ chạy...”, người đọc bỗng chẳng hiểu ông vua này sợ ai?.

 

Trang 138: “Ngày hôm sau, Câu Tiễn biến sắc mà bảo Văn Chủng rằng...” - Văn chương gì mà cụt ngủn như thế? Tự dưng vô cớ mặt Câu Tiễn lại biến sắc...? Đúng ra là: “Ngày hôm sau, Câu Tiễn sai người triệu thì Phạm Lãi đã đi rồi. Câu Tiễn biến sắc mà bảo Văn Chủng rằng...

 

Trang 195: “Đất nước Tần nguyên là của nhà Chu chia cho, chỉ hơn trăm năm thì tất lại hợp...” Thiếu một chữ thôi nhưng dễ làm đời sau hiểu sai mất tới... bốn trăm năm. Đúng ra là: “Đất nước Tần nguyên là đất của nhà Chu chia cho, chỉ hơn năm trăm năm thì tất lại hợp...

 

Kể ra thì còn nhiều nữa. Nhưng thôi! Tiền nhân đang nổi giận ở dưới suối vàng kia kìa, kể cả kẻ phải viết ra những dòng này cũng đang giận không kém. Thật chẳng khác nào hí hửng ra siêu thị, lại mua về một thứ đồ kém phẩm chất, bỏ đi thì tiếc của, mà để dùng thì không yên tâm, huống chi lại là cái thứ mà (biết đâu) sau này, cả con cháu, chắt, chút... của mình cũng sẽ còn dùng đến. Tóm lại là kẻ viết đã cạn hết kiên nhẫn và mệt mỏi lắm rồi, xin dừng lại ở đây thôi, kẻo thời buổi miếng cơm manh áo này, người ta dễ mắng mình là đồ vô tích sự, chỉ biết bày trò “bới lông tìm vết”... lắm.  Mà có khi đọc đến đây, người ta đang mắng thật rồi ấy cũng nên...

 

Văn chương mà đến cỡ như Đông Chu liệt Quốc chí của Phùng Mộng Long, thì có thể nói là đã đạt đến bực thần thông quảng đại. Chuyện của cả thiên hạ suốt bốn trăm năm với hàng nghìn nhân vật, hàng trăm cuộc chiến, hàng vạn âm mưu... mà cứ như từ trong bụng tuôn ra, mạch lạc, khúc chiết, rõ ràng, trùng trùng điệp điệp, không nhân vật nào mang máng nhân vật nào. Cái thiện cũng như cái ác, trung cũng như nịnh, giỏi cũng như ngu, anh hùng cũng như hèn hạ... tất cả cũng không cái nào giống với cái nào. Sức khái quát tư tưởng của Đông Chu lớn đến nỗi, muôn đời đều có thể soi vào đấy mà nhận ra mình, mà nhìn rõ thực chất thế sự của thời đại mình. Những quy luật của trời đất, nhân gian, của quỷ thần, chiến tranh, của tham tàn, đểu cáng... mà Đông Chu đã vạch ra, cho đến tận thời hiện đại bây giờ vẫn đúng, vẫn có thể vận dụng được. Đặc biệt là luật nhân quả thì có thể nói không ở đâu triệt để bằng Đông Chu. Vạn sự thịnh suy của những đời sau, dẫu có biến tướng kiểu gì đi chăng nữa, cũng đều không ra ngoài bộ sách ấy. Đó thực sự là cả một pho kiến thức nhân sinh vĩ đại, kiến thức triết học, văn học, sử học, chính trị, quân sự, ngoại giao... khổng lồ, chẳng những kẻ làm quan, làm tướng đời đời cần phải học, mà kể cả thứ dân cũng có thể học được ở trong đó rất nhiều điều. Pho kiến thức ấy ví như những vỉa quặng quý, có vỉa lộ thiên, có vỉa chìm sâu trong lòng đất, vỉa nọ chồng lên vỉa kia, tầng tầng lớp lớp, dẫu có khai thác mãi cũng không thể nào hết được. Đặc biệt ghê gớm nữa là tuy viết về lịch sử đấy, song điều đó vẫn không ngăn cản thiên tài Phùng Mộng Long múa bút sáng tạo nên những chi tiết đầy văn chương, siêu (và) thực đến bạt vía kinh hồn. Chỉ xin dẫn ra đây một ví dụ thôi cũng đủ. Ví dụ đoạn viết về Việt Vương Câu Tiễn, vì nếm phân Ngô Phù Sai, mà đến khi trở lại ngôi vua rồi mới mắc chứng hôi mồm(!). Quân sư Phạm Lãi bèn bắt tất cả triều đình đều phải nhai một thứ lá hái trên núi gọi là lá trấp, để cho mọi cái mồm cùng nhất tề thở ra tuyền một mùi hôi, giống như cái mùi hôi phát ra từ cửa miệng của đấng quân vương kia vậy... Thật là một hình ảnh tượng trưng thiên tài. Cái chuyện cam tâm thở ra một thứ thối tha để cùng a dua với đấng chí tôn của mình như thế, thì chẳng riêng gì lũ kẻ sĩ, quí tộc thượng đẳng cha mẹ dân của nước Việt thủa xưa, kể cả những đời sau này, đời nào mà chẳng có. Thậm chí cho đến tận bây giờ, “truyền thống” ấy hình như vẫn còn hiện hữu đâu đây... Một chi tiết trào lộng thâm trầm, sâu sắc đến như thế, đắt đến như thế, vậy mà Phùng Mộng Long tiên sinh viết ra cứ tỉnh bơ như không. Thử hỏi từ cổ chí kim, với biết bao thiên tài văn chương lừng lẫy trên thế gian này, liệu đã có mấy ai nghĩ ra nổi một tình huống tương tự? Vậy thì, Đông Chu xứng đáng là một trong những áng văn chương không tiền khoáng hậu. Và sở dĩ ngày nay, chúng ta có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với siêu tác phẩm đó, với những điều ghê gớm đó, là nhờ ở công lao to lớn của cụ Nguyễn Đỗ Mục, của cụ Cao Xuân Huy. Thế thì lẽ ra người ta phải hết sức nâng niu, hết sức cẩn trọng với văn bản của các cụ mới phải chứ? Đó chính là những con chữ của bậc Thánh hiền để lại đấy. Vậy mà...

 

Người ta vẫn nói sách là một loại sản phẩm văn hoá. Thậm chí các nhà xuất bản còn được “rêu rao” một thứ chức năng rất “thiêng liêng” là góp phần “định hướng” văn hoá (đọc) cho toàn xã hội(!). Định hướng cái kiểu bát nháo, giả cầy, bất chấp văn chương, sặc mùi lợi nhuận như cái thị trường sách mênh mông bát ngát hiện nay (mà bộ Đông Chu này chỉ là một ví dụ) thì thà cứ hiếm sách như ngày trước còn hơn. Tóm lại là, dẫu có sản xuất ra để bán kiếm lời, thì người sản xuất thứ sản phẩm đặc biệt là sách ấy cũng phải có chút gì đó gọi là văn hoá tương xứng. Ít nhất cũng phải tôn trọng người sẽ mua sản phẩm của mình, tôn trọng người đã viết ra những cuốn sách, đặng giúp mình có cái để mà làm tiền, làm quan, để mà (nếu biết muối mặt nữa) thì còn làm... điếm (văn hoá) chứ? Nếu bất chấp những điều đó, thì có khác nào cách tính toán của những loại con buôn mạt hạng, mãn kiếp chỉ biết coi đồng tiền là trên hết? Xuất bản sách cái kiểu cẩu thả, vô trách nhiệm như thế này thì không những coi thường người mua (cũng tức là coi thường người đọc), mà còn phạm tội đại bất kính đối với các bậc tiền nhân đã kì công làm ra sách ấy cho hậu thế. Những cuốn sách sẽ còn nằm trên giá cho người đời nay, người đời sau, và người đời sau nữa... Tội lỗi này liệu có lấp liếm nổi chăng?

 

2/9/2006

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 4160
Ngày đăng: 11.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hỡi tờ xanh - ghê gớm – của ta ơi ! - Lê Xuân Quang
Mênh mang thương nhớ… - Lê Vĩnh Tài
Về Quê Bùi Giáng - Nguyễn Nguyên An
Dậy đi em, hãy chui khỏi giấc mơ dài ! - Bích Ngân
Tôi học viết văn - Hồ Tĩnh Tâm
TNT - Gối đầu trên mây. - Vũ Trọng Quang
Thạch ngôn - Phạm Lưu Vũ
Siêu thị ở miền tây - Lê Duy
Người có tóc hay kẻ trọc đầu - Lê Duy
Huyền Anh Quán - Nguyễn Nguyên An
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)