Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.600
 
Có một Quỳnh Giao “Tiền chiến”
Nguyễn Khắc Phê

Nhắc tên Quỳnh Dao, hẳn là nhiều người nghĩ đến văn sĩ Đài Loan với rất nhiều tiểu thuyết tình cảm và là tác giả kịch bản bộ phim “Hoàn Châu cách cách” chiếu trên màn ảnh nhỏ từng cuốn hút rất đông khán giả gần đây.

 

Nhưng còn có một Quỳnh Dao khác, “Quỳnh Dao tiền chiến” (1918-1947) bạn của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Thanh Tịnh... Ông là người cùng làng với tôi, vậy mà nay tôi mới có dịp “biết” ông một cách kỹ càng. Chỉ vì không may ông mất khi còn quá trẻ, lúc chưa đầy 30 tuổi và giọng thơ lãng mạn của ông (cũng như của nhiều thi sĩ tiền chiến khác) thì gần như là bị cấm kỵ việc truyền bá trong một thời kỳ dài. Các tác giả “Thi nhân Việt Nam” thì chỉ nhắc tên ông trong nhóm thơ Hàn Mặc Tử và trích dẫn hai câu thơ của ông khi nói đến Huế đẹp , Huế thơ và thơ về Huế: “Một hàng Tôn Nữ cười trong nón / Sông mở lòng ra đón bóng yêu”; có lẽ vì tập thơ “Tơ Trăng” in năm 1939 của ông với lượng bản in không tới 200 bản, lại có dòng ghi ở cuối sách “Tập thơ này không bán, chỉ để tặng nhà báo và thi sĩ...”, nên chưa hẳn đã có trong tay Hoài Thanh-Hoài Chân và những tác phẩm về sau của ông (trong đó có “Bài thơ Huế” đã trích dẫn) thì chỉ mới in báo và xuất hiện sau khi bản thảo “Thi nhân Việt Nam” hoàn thành, như nhà thơ Anh Chi đã nhận xét trong bài giới thiệu “Văn phẩm Quỳnh Dao”. 

 

Nhà thơ Anh Thơ trong bài “Nhớ bạn thơ Quỳnh Dao” đã viết: ”Quỳnh Dao và tôi đã từng tham gia viết cho Tiểu thuyết thứ năm vào thời kỳ 1938-1940. Thơ anh có nét dịu dàng và vị ngọt ngào của người xứ Huế. Nói vậy, nhưng thực ra hồi đó tôi nào có biết quê anh ở đâu...”

 

Quỳnh Dao tên thật là Đinh Nho Diệm, quê làng Gôi Mỹ (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), con một nhà nho nghèo yêu nước. Dòng họ “Đinh Nho” từ lâu đã nổi tiếng ở vùng “đất học” này với những tên tuổi như Đinh Nho Công đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670), Đinh Nho Hoàn đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700), Đinh Nho Điển đỗ tiến sĩ khoa  Ất Hợi đời Tự Đức (1875)... Tài học của Đinh Nho Hoàn đến vua Tàu cũng phải nể trọng. Khi đi sứ về, ông lâm bệnh mất dọc đường, vua Tàu nghe tin đã gửi văn điếu ông...(Theo Hồ Hữu Phước, trong sách "Làng cổ Hà Tĩnh")

 

Tiếp nối truyền thống ấy, Quỳnh Dao từ lúc 16 tuổi (năm 1933) đã có thơ đáp lại bài thơ xướng của một vị tiến sĩ vịnh cảnh về hưu với những câu sớm tỏ rõ chí hướng của nhà thơ sau này: “Phú quý phong lưu cũng đã vừa / Ngẫm mùi danh lợi ngọt hay chua..../ ...Vuốt râu xem lại người trong cuộc / Xiêm áo, ô kìa, bận sớm trưa.” Điều thú vị là bài “xướng” của vị tiến sĩ không ai nhớ, nhưng bài “họa” của cây bút trẻ 16 tuổi lại được người đời truyền tụng. (Theo Nguyễn Trọng Thụ, Văn nghệ trẻ, số 26 - 1997)

 

Không như các nhà thơ “tiền chiến” khác, cuộc đời sáng tác của Quỳnh Dao quá ngắn ngủi. Ngoài tập “Tơ trăng” gồm 25 bài xuất bản năm 1939, ông còn có truyện thơ dài “Dưới cầu Giang Tô” gồm 324 câu, viết theo thể lục bát, xuất bản năm 1941 và một số bài thơ, văn đăng các báo trong khoảng từ năm 1940-1942 - chủ yếu là trên Tạp chí Đông Tây, do ông làm chủ bút. “Bàì thơ Huế” mà “Thi nhân Việt Nam” trích dẫn đăng trên Tạp chí Đông Tây số 1/1941 chỉ 12 câu, nên xin giới thiệu để bạn đọc cùng thưởng thức:

 

Cầu trắng phau phau màu ánh sáng,

Mây xanh lánh lánh cánh chim chiều...

Một hàng Tôn Nữ cười trong nón,

Sông mở lòng ra đón bóng yêu...

 

Khuôn ngà xao xuyến mười phương lại,

Gót ngọc huy hoàng một lối đi.

Em liếc sang người trai trẻ đẹp,

Cả trời tan vỡ giữa đôi my.

 

Có ai vô lý như thi sĩ,

Môi nở qua đường cũng nhớ thương.

Đã hết mơ rồi hay vẫn mộng,

Ngang cầu lưu luyến tự nhiên hương.

 

Trong văn phẩm Quỳnh Dao để lại, truyện thơ Dưới cầu Giang Tô rất đáng chú ý. Về mặt nghệ thuật, tác giả đã viết một cách cẩn thận, trau chuốt, nhiều đoạn làm ta liên tưởng  đến giọng điệu của Truyện Kiều:

...Giang Tô cầu vẫn xanh màu / Mà sao khăn trắng trên đầu chịu tang / Chàng ôi! Lầu dát trăng vàng / Lạy trời là giấc mơ màng chiêm bao / Nhưng sao tim cứa ruột bào / Bàn tay đứt đoạn buốt vào tận xương...

 

Mặt khác, để tránh sự kiểm duyệt khắt khe khi họa phát xít đã cận kề, tác giả mượn một câu chuyện “Tàu”- một đôi trai gái yêu nhau, chàng tòng quân cứu nước, nàng ở nhà sa vào tay giặc Nhật, nhưng trong khi giả vờ cam chịu chung chăn gối với tên tướng Nhật, nàng đã “tay quờ bao súng, tay vờ ôm nhau”; tiếc là nàng đã không bắn trúng đích và đã bị bọn Nhật xử bắn bên cầu Giang Tô... Với nội dung thức tỉnh tinh thần chống phát xít, tác giả đã thể hiện trách nhiệm trước thời cuộc của nhà thơ.

Một số bài văn đăng trong Tạp chí Đông Tây như “Bổn phận nhà phê bình sách”, “Nhân trận lụt vừa rồi ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh”, “Thanh niên hãy trở lại với gia đình”, “Phải phổ thông học vấn cho toàn thể dân chúng”... cũng chứng tỏ tinh thần công dân và thái độ nhập cuộc tích cực của Quỳnh Dao. Nhờ thế, tuy chỉ mới ngoài đôi mươi, đứng làm chủ bút một tạp chí giữa thủ đô, ông đã tập hợp được nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Mộng Tuyết, Anh Thơ, Yến Lan, Nguyễn Bính, Hoài Thanh.... trên tờ Đông Tây. Nhà thơ Anh Thơ trong bài “Nhớ bạn thơ Quỳnh Dao” đã kể lại giai đoạn cộng tác với Tạp chí Đông Tây như sau:

 

“...Những lúc rỗi rãi đôi chút anh còn rủ tôi đi thăm các văn, thi sĩ tên tuổi như Vũ Ngọc Phan, Hằng Phương, Vân Đài, Ngân Giang... để làm quen và mời các vị gửi bài cho tờ báo. Tôi thực sự kính phục anh về nhân cách và lòng tận tụy với văn học nghệ thuật, cảm mến anh về thái độ chân thành, cởi mở và tế nhị với đồng sự bạn bè... Sau số Tết và Xuân 1942 (số 5,6,7) Quỳnh Dao buồn rầu bảo tôi: “Lưu Hồ hết tiền rồi, chúng ta khó mà duy trì được tờ báo. Tại mình làm ăn còn giữ lương tâm ngay thật...” Và cũng chẳng đợi cho số phận tờ báo chết dần chết mòn do thiếu thốn về kinh tế, mấy ngày sau đó, Quỳnh Dao bị gọi lên Sở Liêm phóng... Họ ra lệnh cấm tờ báo...”

 

Không ai biết được chính xác vì sao sau khi Tạp chí Đông Tây bị đình bản, Quỳnh Dao không có tác phẩm nào in trên các sách báo, nhưng xét những biến chuyển thời cuộc lúc đó (1942-1945), chúng ta có thể suy đoán rằng ông đã biết thời kỳ dùng văn thơ tranh đấu công khai dưới chế độ thực dân đã kết thúc. Mà quả thực, ông đã mang vợ con về quê hoạt động trong phong trào phản đế cứu quốc ở miền Trung và sau Cách mạng 1945, ông làm công tác tuyên truyền, phụ trách đội kịch của địa phương...

 

Thật tiếc là cuộc đời sáng tác của ông quá ngắn ngủi. Cũng thật tiếc là một thời kỳ dài, tên tuổi và văn nghiệp Quỳnh Dao hầu như ít được biết đến. Cũng như trường hợp nữ sĩ Cao Ngọc Anh (1878-1972) mà tôi đã nêu trước đây, Quỳnh Dao không có tên trong cuốn sách khá quy mô “Nhà văn Việt Nam hiện đại”.(Trong đó có không ít tên tuổi chỉ là tác giả của một vài bài đáng nhớ). Rất mừng là cuốn “Văn phẩm Quỳnh Dao” và “Tuyển thơ Hà Tĩnh thế kỷ 20” vừa xuất bản đã khắc phục được thiếu sót đó. Dù chỉ công bố các sáng tác trong 5 năm (1938-1942), văn nghiệp Quỳnh Dao vẫn rất đáng trân trọng, rất đáng được “bổ sung” vào những công trình tổng kết văn chương Việt Nam thế kỷ 20.

 

( Theo "Văn phẩm Quỳnh Dao", NXB Thanh Niên, 1999.

Tạp chí "Kiến thức ngày nay" số 360, Tháng 8/2000)

Nguyễn Khắc Phê
Số lần đọc: 4541
Ngày đăng: 14.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nam Trân với Huế - Nguyễn Khắc Phê
Người không ai thay thế được . - Nguyễn Khắc Phê
Cảm nghĩ sau khi đọc tập thơ “CẢNH & TÌNH” của tác giả Lâm Văn Lan - Nắng Xuân
Nghe “Tiếng chim báo nước” của Lê Tân - Nắng Xuân
Một “ Chỗ đứng ” cho nữ sĩ Cao Ngọc Anh trong làng thơ Việt Nam . - Nguyễn Khắc Phê
Nhà văn Chu Hồng Hải - Từng là công nhân gang thép - Nguyễn Đức Thiện
Trò chuyện với Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác. - Nguyễn Khắc Phê
Nhớ Nhà Văn Vân An : Nhân ngày giỗ đầu của anh. - Nguyễn Đức Thiện
Đi lễ chùa hay hành trình giác ngộ ? - Võ Anh Minh
Thiên Hà ,còn đó tuổi tình yêu. - Trương Đạm Thủy
Cùng một tác giả
40 năm ấy … (chân dung)