Đối với anh, lý lịch của nàng sẽ được tóm tắt đơn giản như sau:
Họ tên : Không nhớ rõ. Biệt hiệu: Sơn Nữ.
Tuổi: khoảng mười tám, hai mươi. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Thiên chúa giáo
Văn hóa: thi rớt đại học. Nghề nghiệp: công nhân gạch ngói kiêm làm rẫy.
Nơi cư trú: rừng núi.
Tất nhiên, cái lý lịch mơ hồ này là sản phẩm của trí nhớ không lấy gì làm tốt của anh. Và theo thời gian dài đăng đẳng, nó lại càng nhạt nhòa hơn.
Và cũng tất nhiên, lý lịch trên chỉ đúng vào thời xa xưa ấy. Nghĩa là cách đây hơn mười năm. Bây giờ mọi cái đã thay đổi. Cả anh và cả nàng, nếu nàng còn sống ở một nơi nào đó.
Còn anh, mỗi lần nhớ đến nàng, anh như thấy bóng dáng một người con gái, ăn mặc hệt một cô gái Thượng. Cũng chiếc gùi trên lưng. Buổi sáng, bước đi nhảy nhót trên đường ra nương rẫy. Hình ảnh ấy, luôn gây cho anh một ấn tượng không bao giờ phai mờ.
Rồi anh nhớ những thân cây, mùa đông thưa thớt lá. Dãy núi âm u khi chiều xuống. Những con đường quạnh quẻ trong rừng. Một con suối, cạnh đó là lò trại làm gạch ngói và căn nhà nàng đang ở chung với người cậu ruột. Căn nhà người Kinh duy nhất bên những mái nhà sàn nghèo nàn của đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh lại nhớ, bên bờ suối, những buổi chiều Sơn Nữ thường ra đó. Có lúc mang giặt hộ bọn anh bộ quần áo lính. Xong việc, nàng thích ngồi một mình, nhẩn nha bứt từng chiếc lá chung quanh, thả xuống suối, cho dòng nước cuốn trôi đi.
Còn anh, hồi ấy ra sao nhỉ? Mới rời trường học vào bộ đội. Nông nổi và mơ mộng. Còn trẻ - dĩ nhiên, và cũng khá nghịch ngợm. Thích gán cho người khác những biệt danh do mình nghĩ ra thay vì gọi tên thật. Những biệt danh thường chẳng làm ai vui vẻ cả, và đặt cho ai thường chết tên luôn. Có lẽ đó là biệt tài duy nhất của anh. “ Sao lại gọi em là Sơn Nữ ?”. Có lần nàng đã hỏi anh.
- Vì cái tên ấy rất hay. Nó xứng đáng với em. Chỉ hai chữ mà gợi bao điều thơ mộng. Rất đúng với tính cách và cuộc sống của em.
- Trước đây anh có tặng biệt danh cho cô gái nào khác không?
- Nhiều! Nhất là hồi còn đi học. Ví dụ như Me-Nữ Ngụy-Tiểu - Thư ... có một cô tên Dương Thị Tích, sau khi gây lộn với anh thế là thành Diêm Bà Tích, (một nhân vật trong truyện Thủy Hử, vợ Tống Giang, lăng loàn, đanh đá).
Nàng bật cười :
- Anh thật ác. Ai nỡ đặt tên con gái như thế bao giờ.
Anh cũng cười:
- Chính họ mới ác với anh. Có lẽ, em là người con gái tốt đầu tiên anh được quen.
Nàng tốt thật. Với anh và tất cả mọi người. Cái tốt xuất phát từ bản chất dịu dàng nhân hậu. Tất cả đồng đội anh, những người lính xa nhà, tìm thấy ở Sơn Nữ những tình cảm trìu mến của một người em gái.
Nơi anh đóng quân gần một thị trấn nhỏ . Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, đơn vị chọn một vùng đất rừng cách xa hơn chục cây số để tăng gia sản xuất. Thế là từng tiểu đội, trung đội thay phiên nhau lên rừng, cuốc xới, trồng trỉa và trông nom rẫy hoặc lấy củi về cho bếp đơn vị.
Trong một lần lên rừng như thế, anh đã gặp và quen với Sơn Nữ. Anh còn nhớ cảm giác đầu tiên ấy. Thật bất ngờ. Một người con gái sống giữa núi rừng hiu quạnh. Ngoài cách phục sức như một cô gái Thượng và hồn nhiên như chim rừng thì gương mặt và dáng dấp đó, rõ ràng là người phố thị. Sao lại sống ở đây ? Anh băn khoăn tự hỏi, trong khi nàng tự nhiên, líu lo cười nói với mọi người đang vây lấy nàng. Những người thân quen mà chắc đã lâu nàng mới gặp lại. Rồi nàng cũng nhìn thấy anh, đang đứng một mình, tách biệt với mọi người. Nàng tiến lại thì nhận ra anh là người lạ. Nụ cười vụt tắt khi bắt gặp ánh mắt đăm đăm dò xét của anh. Nàng ngượng ngùng quay lại đồng đội anh dò hỏi. Có tiếng cười rồi tiếng giới thiệu:
- Lính mới đấy. Cùng xê. Cũng mới lên rừng lần đầu.
- Nó hiền lắm. Cù lần nữa. Bắt tay làm quen đi em gái, không sao đâu .
Nàng cười, rụt rè đưa tay ra với anh. Lúng túng, anh bắt lấy. Anh thoáng thấy một màu xanh thẳm trong mắt, khi nàng ngước lên nhìn anh. Và khi bàn tay nhỏ nhắn nằm trong tay anh, anh có một cảm giác nôn nao, buồn bã nhưng mơ hồ không tên tuổi dâng lên tràn ngập trong lòng.
Dù quen sau cùng so với đồng đội, nhưng chỉ một thời gian ngắn, Sơn Nữ và anh đã thành thân thiết. Nàng đến và mang theo bao nghịch cảnh đời thường cho anh nhiều bận tâm, suy nghĩ. Những đối cực biểu lộ trong nhân cách Sơn Nữ luôn làm anh ngạc nhiên. Cái ngây thơ khờ dại nằm trong sự già dặn, sâu sắc. Nỗi nhọc nhằn vất vả không xóa được nét đài các. Sự trong sáng hồn nhiên hòa hợp với một tâm hồn thường buồn rầu u tối.
Anh nói với Sơn Nữ :
- Em có một điều quyến rũ. Đó là hai tính cách trái ngược. Vừa nghịch vừa hiền. Lúc vui lúc buồn. Chính xác hơn em vừa là bà cụ, vừa là đứa trẻ thơ. Em có biết không?
- Có biết – nàng cười – cái đó chẳng có gì quyến rũ cả. Người ta ai mà không thế, lúc vui, lúc buồn. Có lúc em đã chán nãn ghê gớm. Nhưng nhờ trời, rồi lại vui. Lại tin vào cuộc sống... Còn anh, anh cũng có hai tính cách trái ngược, anh có biết không?
- Không biết.
- Anh vừa thông minh, vừa khùng khùng.
Đúng quá! Hèn gì những đứa con gái trước đây cũng bảo anh khùng. Nhưng có điều không giống như Sơn Nữ. Họ đã từ từ xa lánh anh.
Bộ tịch tiu nghỉu của anh làm nàng cười ngặt nghẽo. Nàng nói trong tiếng cười :
- Nhưng không sao. Có lẽ thương anh hơn bởi cái tính khùng khùng ấy.
Đối với bọn anh nàng quả là đứa em gái tuyệt vời. Nàng nấu giúp bữa cơm. Giặt giũ hay khâu vá giúp bộ quần áo lính. Tận tình và ân cần săn sóc, nếu trong bọn anh có ai đó thình lình bệnh giữa rừng, xa đơn vị. Tất cả những gì nàng làm – anh nghĩ, chỉ đơn thuần từ bản chất nhân hậu, dịu dàng. Biết tin yêu, thương cảm mọi người chung quanh.
Đời lính, thời gian khó khăn, nhưng vừa xong mùa huấn luyện. Đơn vị tập trung sản xuất nên anh cũng thường có cơ hội để lên rừng với nàng, với núi rừng yên ả. Để những buổi chiều bên suối nghe nàng kể chuyện. Nàng thích ngắt những hoa dại, cỏ lá chung quanh, rồi thả cho trôi theo dòng nước. Nàng kể những kỷ niệm, những người thân, thành phố mà nàng đã sống qua thời thơ ấu. Nàng đang cô độc nên nói về người thân với nỗi nhung nhớ thiết tha. Ba nàng, một sĩ quan cấp tá của quân đội Sài Gòn, sau giải phóng đã trình diện học tập cải tạo chưa về. Mẹ cùng em trai về tìm sinh kế ở quê ngoại tận miền Tây. Gởi nàng cho người cậu ở thị xã để tiếp tục việc học. Xong cấp ba, nàng trượt đại học. Rồi chính sách kinh tế mới. Gia đình cậu đến khu rừng này khai hoang trồng trọt, lập lò sản xuất gạch ngói. Nàng cũng theo đến đây sinh sống, phụ giúp cậu trong mọi công việc.
Nàng đã va chạm những ưu phiền của cuộc sống. Nàng tìm nơi anh sự thông cảm và chia xẻ. Còn anh, một thằng vốn vụng về trong cư xử, giao tiếp, thường, chỉ biết nghe và im lặng. Vả lại, anh cũng chưa hiểu hết bao phức tạp đời thường.
Một đêm, bên ngọn đèn dầu, anh đọc cho Sơn Nữ nghe một câu chuyện trong tờ báo, viết về một người con gái ở Trường Sơn thời chiến tranh. Về những gian khổ, mất mát, tuổi thanh xuân và sự hy sinh... Nàng nghe một cách chăm chú. Câu chuyện hình như làm nàng xúc động. Nàng yên lặng hồi lâu. Như đang nghĩ ngợi điều gì
- Anh thấy thế nào? Đột ngột nàng hỏi.
- Gì cơ ?
- Người con gái trong truyện ấy.
- À!...Chiến tranh mà – Anh gãi đầu lơ đãng – Biết nói sao nhỉ ? Con người sinh ra vốn đã đau khổ. Chiến tranh càng đẩy nỗi khổ đến tận cùng.
- Em ước mình được như cô gái ấy – giọng nàng xa xăm.
Anh ngạc nhiên :
- Sao lại thế. Đó là do hoàn cảnh bắt buộc. Có ai ước mơ chịu đau khổ bao giờ.
- Sao lại không ? Tự hào lắm chứ. Xã hội luôn kính trọng sự hy sinh. Anh không thấy giọng điệu nhà văn đó sao. Cả tấm lòng ngưỡng mộ, yêu mến đằng sau những dòng chữ. Nỗi đau rồi cũng dễ chịu hơn. Cũng có những người đau khổ mà vẫn bị thờ ơ, rẻ rúng, điều đó, em nghĩ, càng khốn khổ biết chừng nào.
Giọng nàng man mác buồn. Anh ngỡ ngàng, và bất ngờ anh chợt hiểu những gì đang vò xé, day dứt lòng nàng. Những điều mà với nàng, có lẽ nó còn hơn sự vất vả của thân xác, nỗi cô quạnh của cuộc sống núi rừng.
Cầm tay nàng, thật dịu dàng, anh nói :
- Sơn Nữ này, anh hiểu lòng em, tuy không diễn tả được. Hãy tin anh. Nếu có những người từng bất công với em thì đó là cá biệt, là hiện tượng nhất thời. Làm sao một người ngây thơ, nhân hậu như em phải chịu hậu quả do người khác gây ra, dù người đó là ruột thịt của mình. Anh nghĩ, ai cũng biết yêu mến người tốt. Em không thấy đồng đội của anh sao ? Họ cũng tham gia cách mạng. Tình cảm họ dành cho em thế nào?... Rồi ba em sẽ trở về. Gia đình lại đoàn tụ. Mọi cái rồi sẽ ổn. Em sẽ tiếp tục việc học, nếu muốn. Nên tin vào ngày mai, Sơn Nữ ạ!
Vâng! Anh vẫn tin vào tương lai. Nhưng còn Sơn Nữ thì từ đó đến giờ anh đã không biết nàng đã ra sao. Vì đó là lần sao cùng anh còn gặp nàng.
Biên giới tây nam, chiến tranh đã xảy ra.
Bất ngờ và khẩn trương, đơn vị anh chuyển quân làm nghĩa vụ quốc tế. Ngày đi, anh không liên lạc được với Sơn Nữ.
Những năm tháng tiếp theo là sự ác liệt và gian khổ. Môi trường chiến tranh dần dần tạo cho thể xác và tâm hồn anh sự trầm tỉnh và dày dạn với cuộc đời. Anh xa Sơn Nữ và cũng xa rồi thời lính mới tò te của đất nước mới hòa bình.
Xa nhau, anh mới hiểu Sơn Nữ cần thiết biết bao đối với anh. Nhớ nàng, nhưng anh lại không có một địa chỉ cụ thể nào để liên lạc. Và anh lại tự an ủi : Thôi thì sẽ có lúc mình sẽ trở về và gặp lại em.
*
Rồi anh cũng trở về, sau năm năm đăng đẳng.
Đó là chuyến công tác kết hợp đi phép đầu tiên từ khi sang K.
Về quê hương, anh tranh thủ hoàn thành công việc của đơn vị. Thời gian còn lại, trong tâm trạng lo âu, thắc thỏm, anh vượt chặng đường dài hàng trăm cây số đến chổ rừng xưa, nơi Sơn Nữ ở.
Tất cả đã thay đổi đến không ngờ. Con đường từ quốc lộ vào rừng đã mở rộng. Cơ quan lâm trường và xí nghiệp nào đó đã mọc lên. Vài quán xá và nhiều căn nhà mới dựng. Tiếng máy kéo ầm ì ... Thật khác xa cảnh hoang sơ ngày nào.
Anh đến chổ dòng suối, tìm nhà nàng và căn nhà ngày xưa đám lính bọn anh tạm trú để sản xuất và trông coi nương rẫy. Tất cả mọi dấu vết đã biến mất. Một dãy lán trại của công nhân lâm trường thay thế lò gạch ngói và căn nhà cũ của Sơn Nữ. Những thân cây cổ thụ cũng được hạ sạch. Quang đãng và trống trải. Rừng đã lùi xa hơn.
Anh ngỡ ngàng. Đâu rồi khu rừng ngày xưa đã cưu mang một người con gái. Đâu rồi khung cảnh đã in sâu và sống với anh theo những chặng đường.
Anh lân la hỏi thăm, nhưng chẳng ai hay biết. Anh tìm đến buôn đồng bào thiểu số. Bằng những lời lẽ rời rạc, mơ hồ, họ cho anh biết gia đình người Kinh có cô thiếu nữ ấy dời đi đã hai hay ba năm rồi, họ không nhớ chính xác. Họ cũng chẳng biết đi đâu. Còn vùng này, giờ nhà nước đang quy hoạch v. v...
Anh lang thang ghé vào những nơi mà hy vọng có thể dò được tung tích Sơn Nữ. Nhưng anh tuyệt vọng. Mọi người ở đây đều mới đến. Không một ai biết rõ. Anh lại đi loanh quanh ...
Buổi chiều, về thị trấn, nơi đơn vị đóng quân xưa. Ghé vào quán cà phê năm nào. Nơi đây, anh thường trốn ra ngồi trầm ngâm trong những ngày mới vào lính. Những ngày tháng mà trái tim thơ dại đầu tiên biết yêu thương một người con gái.
Anh ngồi đó, lòng ngổn ngang. Sẽ bày tỏ với ai bao điều ấp ủ. Bao nghiền ngẫm trong suốt thời gian dài. Nói với ai những điều chưa kịp nói. Bao nhiêu năm anh không chờ đợi cho trường hợp này.
Anh tin Sơn Nữ vẫn luôn nhớ đến anh. Nhưng biết tìm nàng ở đâu ? Anh tự rủa xả tính đãng trí, thiếu thực tế của mình. Phải chi, lúc xưa anh tìm hiểu cụ thể địa chỉ, gốc gác, nhà cửa thời nàng còn ở thành phố. Còn bây giờ, ngay cái tên người cậu ruột của nàng, một chi tiết mà may ra nhờ đó, anh tìm dấu nàng, anh cũng đã quên béng.
Thật khốn khổ cho anh. Nàng ở đâu? về với mẹ ở quê ngoại hay cha nàng trở về và gia đình sum họp ở thành phố. Hay là nàng và gia đình cậu lại dắt díu nhau đến một khu rừng khác khi nơi đây người ta đã khai phá. Lẽ nào nàng chỉ là một giống chim, chỉ cảm thấy an bình khi sống giữa núi rừng.
Hay là nàng đã lấy chồng? Anh hụt hẫng với ý nghĩ ấy. Tâm hồn và tính cách cùng vẻ xinh xắn của Sơn Nữ dễ gây yêu thương nơi kẻ khác. Mặc dù nàng không biết điều đó và luôn mang nặng mặc cảm trong lòng. Sơn Nữ thuộc loại người không biết giá trị đích thực của mình. Anh nhớ lại những tình cảm trìu mến của đồng đội anh ngày đó dành cho nàng. Một nỗi đau không rõ rệt vồ chụp lấy anh. Anh cảm giác vừa vuột mất một cái gì rất đỗi thân thuộc đã từng là sở hữu của riêng mình.
Anh ngồi đó, buồn rầu bên ly cà phê nguội lạnh. Đời sống như trăm sông về biển. Tìm em ở đâu giữa lô nhô loài người, trong khi anh chỉ còn vài ngày nữa cho riêng mình. Hết thời gian đó, anh sẽ về lại vùng đất xa xôi. Một nơi chẳng hứa hẹn cho anh điều gì may mắn cả.
Phải! Chỉ vài ngày nữa cho riêng mình. Trước khi anh lại cầm súng trở về tư thế người lính. Nhưng bây giờ thì cái thời gian quý giá ấy chẳng có ý nghĩa gì.
Hy vọng bao nhiêu năm đã tắt ngấm như que diêm anh vừa ném vào ly nước.
*
Hơn mười năm trôi qua.
Giờ anh đã có gia đình, vợ con.
Đời lính và chiến tranh đã lùi vào kỷ niệm. Anh đã từ giã áo lính. Từ giã quãng đời gian nan.
Số phận đã không bạc đãi anh. Đồng đội anh, có người thương tật, có người nằm xuống vĩnh viễn. Còn anh, chỉ vài vết thương nhỏ trên vai, trên lưng, không đáng kể.
Anh cũng tìm được công việc thích hợp. Anh có người vợ tốt và đảm đang. Con anh rất kháu khỉnh. Những điều đó mang niềm vui cho anh. Giữa thời buổi khó khăn, cuộc sống anh, nói chung, không có gì phải phàn nàn.
Còn Sơn Nữ, anh chưa một lần gặp lại.
Những ngày mới phục viên trở về, dư dã thời gian, anh đã đi đến những nơi hy vọng có thể tình cờ gặp lại Sơn Nữ. Hay ít ra cũng biết được tung tích nàng. Nhưng không bao giờ anh gặp may.
Giờ tất cả đã lùi xa vào dĩ vãng. Anh có cuộc sống hiện tại với bao bề bộn, lo toan. Cũng như Sơn Nữ, ở đâu đó, hẳn nàng đã có cuộc sống gia đình. Hơn mười năm rồi còn gì. – Nàng có được hạnh phúc không? – Đôi khi anh tự hỏi.
Cuộc sống ngày càng dễ dàng. Những định kiến xã hội không còn nặng nề và con người cũng dần cởi mở hơn. Thời gian có nghĩa là biến đổi. “ Không chừng nàng sung sướng hơn mình nghĩ ”. Suy nghĩ đó làm dịu lòng anh khi nhớ về kỷ niệm xưa. Anh lại hòa mình vào dòng đời chảy tuôn.
Đôi khi tình cờ ngang qua một cánh rừng. Tình cờ thấy bóng dáng một người con gái Thượng với chiếc gùi trên long, anh không khỏi chạnh lòng. Bất giác, lòng anh dâng lên nỗi u hoài. Anh không hiểu đó là cảm giác êm đềm của kỷ niệm, hay là sự bâng khuâng nuối tiếc.
Dù sao, đó là chặng đường mà tuổi trẻ anh đã đi qua và ghi lên bao dấu vết. Trong đó có dấu vết một người con gái phố thị, xinh đẹp, đài các, mà sống nhọc nhằn, hiu quạnh nơi núi rừng.
Lâu lâu, anh có nằm mơ thấy Sơn Nữ. Mặc dù khoảng thời gian đó anh quên bẵng nàng.
Anh thấy gặp lại nàng giữa khung cảnh rừng núi ngày nào. Bên bờ suối với những thân cây cổ thụ như xưa. Nàng ngồi bứt những chiếc lá, thả theo dòng suối trôi về phía anh. Ở cuối dòng, anh thò tay cố vớt tất cả những chiếc lá ấy. Nhưng bao giờ anh cũng vụng về, để nước cuốn trôi đi mất hút. Nàng cười khanh khách trêu anh...
Trong mơ, anh cũng biết mình đã luống tuổi. Anh ngậm ngùi nhớ ra mình không còn thời trai trẻ nữa. Nhưng còn Sơn Nữ, lạ quá! Sau hơn mười năm xa cách, nàng – với vóc dáng, khuôn mặt, mái tóc và luôn cả tiếng cười nữa – Tất cả vẫn còn ở tuổi hai mươi.
1994
Trong tập NẰM NGHIÊNG NHỚ NÚI Tập truyên ngắn NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN-2006