Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.143
123.227.082
 
Vài lời mở đầu : Trong Hiện thực & sáng tạo tác phẩm văn nghệ.NXB Hội Nhà Văn- 2006
Nguyễn Khắc Phê

Cho đến nay tôi cũng không hiểu vì sao ông cụ thân sinh lại đặt tên cho tôi là “Khắc Phê”? Chỉ biết ông cụ là nhà nho, nên tên mấy anh em trai trong nhà đều có bộ “thủ” (.....) một bên, ý chừng muốn rằng con cái phải tự "tay", tự lực làm nên sự nghiệp. Còn các bạn văn thỉnh thoảng gặp nhau lại xướng to cái tên ấy kèm theo nụ cười với ẩn ý khác nhau - hẳn là có bạn “cười” rằng: “tên nghe dữ thế mà người thì hiền khô!” Nhưng hình như cũng có bạn ngụ ý: “mang cái tên như thế, hèn chi...Coi chừng lại bị hắn phang cho đó!”

 

Thực ra thì tôi chưa dám “phang” ai cả. Anh bạn ngụ ý vậy chắc là do ấn tượng một bài báo nhỏ tôi viết nhân vụ hai toà cao ốc “chọc trời” ở Mỹ bị máy bay đâm đổ, nhắc nhở con người ta chớ có đua đòi lối sống ngạo nghễ chỉ muốn cưỡi lên đầu thiên hạ (trong đó có cơ quan vung tiền bạc của nhân dân xây trụ sở thật cao to cốt cho oai hơn thiên hạ, chứ nhiều phòng để trống!) - “chọc trời” thì sớm muộn cũng bị “Trời phạt” ( “Trời” đây là lẽ công bằng); nghe đâu mấy người có trách nhiệm cho đăng bài báo ấy bị kiểm điểm “xanh mặt”, bị trừ lương nữa, vì “mất cảnh giác” để “lọt” bài báo có điều ám chỉ không tốt! Thú thật đến nay tôi chẳng biết mình “mất lập trường” và sơ hở chỗ nào, ngược lại, tự khen rằng đó là một bài báo có tính Đảng rất cao. (Xin hiểu, từ “ĐẢNG” ở đây đồng nghĩa với LƯƠNG TÂM-TRÍ TUỆ-NHÂN ÁI, chứ những kẻ lộng quyền, tham nhũng ức hiếp nhân dân, dù chúng mang tước hiệu gì, nhân danh gì cũng không còn là “ĐẢNG” nữa.) Vì ngay trong lúc mấy bạn nhà báo cho đăng bài ấy đang bị “phang” thì trên diễn đàn Quốc hội Nước CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, rất nhiều vị đại biểu kính mến đã mạnh mẽ lên án nhiều cơ quan, địa phương lãng phí tiền bạc xây trụ sở quá to. Còn các vụ việc khác, những kẻ “ngạo nghễ” từng dám “chọc trời” và hiển nhiên đã bị “trời phạt” mà bài báo nhắc qua, như đám hồng vệ binh ở Trung Quốc thời “cách mạng văn hoá” hay những kẻ tự xưng “nhất Đội nhì trời” thời Cải cách ruộng đất ở Việt Nam thì đã bị những người CỘNG SẢN CHÂN CHÍNH lên án từ “xưa”, đã được ghi vào sử sách nhân loại hàng trăm nghìn lần. Chẳng lẽ nhắc lại những điều ấy lại là có tội hay sao? Hay là có “vấn đề” gì đó thật hệ trọng đã thay đổi?...

 

Thế đó! Xin được dông dài đôi chút bên lề quanh chuyện “phê”; để thấy mới “phê” một chút mà đã rắc rối vậy, đã khó phân xử đúng-sai, huống chi “khắc phê”; cũng vì thế, những trang sách sắp hiện ra trước mắt các bạn tuy cũng thuộc loại “phê bình”, nhưng hầu hết là bài viết hiền lành, chẳng hề “dữ” như cái tên mà mình mang. Không phải là nhà phê bình chuyên nghiệp, lại không có được sự thông minh hóm hỉnh như nhà thơ Trần Đăng Khoa (trong “Chân dung & đối thoại”) hay tinh thần can đảm như nhà thơ Trần Mạnh Hảo (trong hàng loạt sách báo đã công bố) thường chọn những tác giả và tác phẩm nổi tiếng để “mổ xẻ”, tôi chỉ viết về những con người, những cuốn sách mà mình có “duyên” được sống cùng, được gặp, được đọc trong tròn ba chục năm hoạt động văn nghệ - trong đó, nhiều tác giả, tác phẩm còn ít người biết đến. Vì thế, hầu hết bài viết trong tập sách “hiền khô”, nếu không muốn nói là “ngon ngọt”. Thì với bạn bè, người thân quen, ai lại trương gân trương cổ đấu đá vạch ra khuyết tật - nhất là trên “giấy trắng mực đen”. Tuy vậy, thiết nghĩ, trong chuyện bình phẩm văn chương, nhiều khi chỉ khen ngợi thôi cũng có ích. (Như “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân; nhân tiện nhắc vậy, xin đừng nghĩ tôi dám so những bài viết lặt vặt của mình với tác phẩm lớn này.) Cũng thiết nghĩ, lịch sử không chỉ do những người nổi tiếng làm nên, do đó hẳn các bài viết về những nhân vật bình thường cũng có ích và chắc cũng có chỗ làm bạn đọc thú vị hoặc cảm động. Cuốn sách còn gồm một số chân dung các họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân ca kịch Huế danh tiếng như Vĩnh Phối, Bửu Chỉ, Mộng Điệp, Cẩm Vân... Cuộc đời vốn phong phú; nhà văn cũng như người thưởng ngoạn văn chương luôn có nhu cầu tìm hiểu các ngành nghệ thuật khác để làm giàu thêm vốn sống và vốn văn hóa của mình.

 

Đại thể là vậy, nhưng đã gọi là phê bình thì ít nhiều cũng có chỗ “gây sự”, cũng đề cập đến những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, với chính kiến riêng của mình. Có những vấn đề tưởng đã “xưa” lắm rồi (như “Tác dụng tích cực của cái tiêu cực trong tác phẩm văn nghệ” - tham luận tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3, tháng 9/1983) vậy mà gần đây vẫn thành chuyện thời sự do có tác phẩm này hay bài viết kia bị “kẹt”. Hoá ra quanh lĩnh vực văn nghệ có những vấn đề muôn thuở “mỗi người một ý”, chẳng ai chịu ai! (Thì tạo hoá sinh ra, nào có ai giống ai đâu!) Vì thế, chắc rằng có không ít bài trong tập sách sẽ “trái ý” người này, vị nọ; và nếu có ai đó bị “đụng chạm”,  xin hiểu cho người viết cũng chỉ muốn điều “tích cực” khi buộc lòng phải nhắc đến “cái tiêu cực” đó thôi.

 

Cuối cùng, xin dựa ý một bài viết trong tập sách này để kết thúc mấy lời tản mạn thưa cùng bạn đọc quý mến:

“...Tôi không thích ăn ớt và canh mướp đắng, nhưng mời bạn bè một bữa cơm tại Huế, vẫn muốn có hai thức ấy trên bàn. Tôi dọn ra, nhưng có bạn không ưa hai vị cay đắng đó thì trên mâm đã có các vị ngọt và béo, xin mời! Không tin, xin các bạn chịu khó lật giở tất cả các bài trong cuốn sách này mà xem!...”

 

Trường An – Huế, Tháng 8/2004

Trong Hiện thực & sáng tạo tác phẩm văn nghệ.NXB  Hội Nhà Văn-  2006

Nguyễn Khắc Phê
Số lần đọc: 3413
Ngày đăng: 19.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ - Kỳ 4: Rong ruổi đất phương Nam - Trần Đình Thu
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ cuối: Chia tay dòng thơ lãng mạn - Trần Đình Thu
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ 1: Chú bé si tình Nguyễn Bính - Trần Đình Thu
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ 2: Giữa phố phường Hà Nội - Trần Đình Thu
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ 3: Bài thơ tạo ra hiệu ứng kỳ lạ nhất - Trần Đình Thu
Mười năm ....chợt nhớ Nguyễn Tuân - Nguyễn Khắc Phê
Nguyễn Thiên Đạo - Nghệ sĩ VN duy nhất có tên trong từ điển : “LE PETIT LA ROUSSE” - Nguyễn thụy Kha
Khoa cử ở Việt Nam - Tạ Đức Tú
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Nữ sĩ Mai Am ( 1904-2004 ) : Trăm năm giờ mới thấy đây... - Nguyễn Khắc Phê
Viễn Ảnh Về Một Giải Nobel Văn Chương Cho Giới cầm Bút Việt Nam-1 - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả
40 năm ấy … (chân dung)