Tôi đến Hội An vào một ngày tháng ba nắng ấm. Thị xã mênh mang một màu cổ tích. Mỗi khi nghĩ đến Hội An - một phố cổ trầm lắng đến một thị xã có ấn tượng trong mọi người, trong tôi luôn hiện ra những người đàn ông cốt cách nông dân thẳng thắn, bản lĩnh vững gót trước biển Cửa Đại hào phóng sóng gió với một tấm lòng thanh bạch. Cũng có thể tôi từng may mắn gặp gỡ những người con phố cổ suốt đời một lòng một dạ sống cho quê hương ; những con người tiềm tàng chất anh hùng và đã trở thành Anh hùng trong thời kỳ đổi mới như : Ông Nguyễn Sự, Chủ tịch UBND thị xã Hội An, nay Bí thư UBND thị xã Hội An ; nhà văn Cao Kim - anh thương binh nặng giàu nghị lực, tâm huyết với cuộc đời và trang viết, như con tằm vắt ruột nhả những dòng tơ vàng óng cho ngày mai tươi đẹp...
Lần này, từ Huế tôi chạy xe Honda đến Trung tâm Xã hội (TTXH) Hội An, tỉnh Quảng Nam. Mới vào cổng, tôi được một người đàn bà nhanh nhẩu, hỏi tôi cần gặp ai. Gần tôi, một thanh niên có thể bệnh Down ngồi trên xe lăn, mặt ngơ ngác và một số người tàn tật nằm, ngồi, đi lại thư thái trong phòng, trên hành lang, trong vuông sân khuôn viên Trung tâm. Vài phút sau, người đàn bà dẫn đến trước mặt tôi một người đàn ông có khuôn mặt nhân hậu với những bước đi khập khiểng ; ông từ trong đống giàn giáo vôi vữa bước ra chào tôi với nụ cười cởi mở thân thiện. Đó là ông Trần Văn Chí thương binh 2/4, Phó Giám đốc TTXH Hội An.
TTXH Hội An đang nuôi dưỡng 89 người, trong đó 21 nam. Theo Nghị định 600 của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội. Nam tuổi từ 60, nữ tuổi 55 và người tàn tật từ 18 tuổi trở lên được Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương giám định 81% trở lên và thuộc diện già yếu neo đơn, không gia cư, không nơi nương dựa, không người thân, thì được nhận vào Trung tâm nuôi dưỡng với mức ăn 140.000$/tháng/người, không tính những chi phí khác như, nước, điện... Riêng ở tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh cấp 150.000$/tháng/người… Dù là vậy, mức ăn vẫn còn hạn chế, cho nên TTXH Hội An luôn thiết lập tốt mối quan hệ với các đoàn thể, cơ quan có lòng hảo tâm và tổ chức làm quạt rế, giúp vốn, cấp giống cho trại viên chăn nuôi, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của trại viên. Chẳng hạn, bữa điểm tâm mỗi người một gói xôi 1.000$, bây giờ 2.000$. Và hàng năm, Trung tâm cấp thêm cho trại viên từ 14 đến 15 triệu đồng để liên hoan tháng một lần với suất ăn tươi 20.000$/người. Ngoài ra, trong những ngày lễ, ngày 8 tháng 3, ngày 20 tháng 10, Ban giám đốc cho trại viên đi tham quan, hội nghị và mời Hội bài chòi Hội An đến phục vụ giúp vui. Ngày 8 tháng 3 vừa qua, Trung tâm tổ chức buổi Hội nghị trại viên, nói lên người Phụ nữ anh hùng xưa và nay, trưa liên hoan, 14 giờ đưa trại viên đi tham quan hầm đường bộ Hải Vân rồi trở vào Đà Nẵng du thuyền trên sông Hàn, 21 giờ mới trở về Trung tâm. Hiện nay, Trung tâm đang xây thêm phòng để tới đây đón tiếp trại viên mới, bởi toàn tỉnh Quảng Nam có 4000 đối tượng tàn tật, trong đó cũng có nhiều đối tượng không gia đình, người thân cần nơi nương dựa.
Tôi đi qua nhiều phòng trong Trung tâm, phòng nào cũng có ti vi cho các trại viên nằm liệt hoặc không thích đi lại. Các trại viên già yếu, què cụt đang nằm ngồi tịnh dưỡng trên những chiếc giường cá nhân của họ. Tôi mừng, bởi không thấy ai xanh xao, bợt bạc như những người cơ nhỡ lang thang, trước đây vào những thập niên bảy, tám mươi của thế kỷ 20, tôi từng gặp ở đầu chợ, sân ga, bến xe, bến tàu… và xúc động khi nhìn một bà lão gần 70 tuổi, ngồi thổi từng thìa cơm nóng hổi bón cho một cụ già trên 80 tuổi. Đó là cụ Đặng Văn Sâm bán thân bất toại, được cụ bà Cao thị Tăng đồng cảnh ngộ, chung phòng thương tình chăm sóc. Tôi sang nhà nuôi lợn, các nữ trại viên đang xắc chuối, nấu cám lợn cho một đàn lợn mười mấy con, con nào con nấy cũng trên dưới 50kg. Đến nhà bếp, các phụ bếp đang chia từng phần cơm tối, phần nào cũng có khúc cá vàng ươm màu mỡ. Ông Chí nói : “Có người ăn nhanh, ăn chậm, có người mù, người liệt ăn không kịp với người khoẻ. Chia phần ai cũng được ăn no. Hơn nữa các cụ già rồi chướng lắm, nhiều khi không vừa lòng chuyện gì, lẫy không thèm ăn đó anh, mình phải nói dịu, nói ngọt họ mới nghe… Anh thấy chỗ ăn, chỗ ở sạch sẽ cũng nhờ chúng tôi đề ra tiêu chí phòng ở văn hoá. Một là Đạo đức lối sống, hai là Trật tự nội vụ, ba là Vệ sinh cá nhân vệ sinh nhà ở. Chúng tôi còn tổ chức cho họ có công việc làm nhẹ nhàng như quét nhà, quét sân, hái rau, chứ tuổi già để họ ngồi không dễ sinh chuyện lắm. Ai muốn đi ra ngoài phải ăn mặc bảnh bao, tuyệt đối không được đi xin… Bệnh tình thì có Bảo hiểm Y tế. Trung tâm có hợp đồng 8 hộ lý để đổ bô, tắm giặt cho những người nằm một chỗ không tự làm được. Nuôi dưỡng họ như chăm con mọn vậy…” Tôi ngạc nhiên khi thấy ở Trung tâm có một thiết bị tậpthể dục nhiều chức năng, một xe đạp tập thể dục và một ti vi trong hội trường nhỏ gồm nhiều dãy bàn ghế cho trại viên sinh hoạt đọc báo tuần ba lần. Cho dù, các trại viên không ai qua hết lớp 2, nhưng Trung tâm vẫn thường xuyên tổ chức mỗi tuần ba buổi đọc báo, lồng trong buổi đọc báo là buổi sinh hoạt để trại viên có gì không vừa ý với nhau phát biểu, bày tỏ nguyện vọng để Ban giám đốc tìm cách giải quyết. Trung tâm không chỉ chăm lo cho người sống mà còn lo đám tang chu đáo cho những trại viên qua đời. Khi một trại viện tạ thế, toàn thể 10 cán bộ, công nhân viên Trung tâm đều đưa đám tiễn biệt trại viên tới nơi an nghỉ cuối cùng và xây mộ cho họ có bia, có nấm đàng hoàng. Trước đây, Trung tâm từng nuôi dưỡng cụ Bùi Hay mấy chục năm ròng cho đến năm 2005, cụ qua đời, thọ 105 tuổi. Hai chị trại viên Nguyễn Thị Hoa, Trương Thị Út tâm sự : “Nhà nước nuôi ba bữa, tiền có mức, biết thu xếp, tiết kiệm cũng no đủ”, “Cán bộ thương yêu trại viên như con…”.
Tôi tận mắt chứng kiến cuộc sống của các trại viên trong ngày Chủ nhật và nhiều bằng khen của lãnh đạo tỉnh, trung ương khen thưởng Trung tâm, như : Năm 2002 Thủ tướng Phan Văn Khải khen TTXH Hội An đã có nhiều thành tích trong công tác xây dựng XHCN và BVTQ. Bằng khen của Bộ Thương binh & Xã hội và UBND tỉnh mỗi năm mỗi cái. Và bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao đông Việt Nam công nhận TTXH Hội An đạt danh hiệu Đơn vị có đời sống Văn hoá tốt… Tôi thật sự tin tưởng TTXH Hội An đúng là một địa chỉ ấm cúng cho những vô gia cư, người tàn tật, già yếu neo đơn, không nơi nương dựa. Bởi đa phần, khi họ còn ở trong những hóc hẻm ngoài xã hội, họ thường bị đói cơm, rách áo, cô đơn, lạnh lẽo. Họ được vào đây, cái đói cái rét đã lùi xa vĩnh viễn, sự nghiệt ngã của số phận dường như bớt dẳng dói, đeo bám thân phận họ, mà hầu hết ai cũng có cuộc sống ổn định, thậm chí nhàn hạ trong những ngày bóng xế. Đó chính là những tấm lòng nhân hậu, cốt cách nông dân chất phát, hiền lành của người Hội An mà tôi hằng quý mến !