Lúc hai nhà còn gần nhau như câu nói: “Bà con xa không bằng láng giềng gần” thì tuổi thơ của tôi và anh thật êm đềm, rồi sau đó nhà tôi dời ra chợ, tuổi nhỏ quá không biết gì nhưng từ khi hiểu ra thì tôi đã học chung với anh được hai năm. Anh hiền và trắng như con gái lại rất thông minh, anh luôn đứng đầu trong các môn học, còn tôi chỉ tầm tầm… các bạn thấy hai đứa con trai con gái nhỏ xíu ngồi học chung bàn, đi về chung đường lại rất thân nên hay trêu “Đường từ nhà Thuần tới nhà Bích Hương dù xa đến mấy có thương cũng gần”. Lúc đó là đầu năm lớp tám, không hiểu sao các bạn lại trêu như vậy tôi chả hiểu gì lắm câu trêu ấy.
Nhà tôi ở chợ, chợ quê nên không bán buôn gì nhiều, đất rộng, ba mẹ tôi chẳng biết làm gì nên… nuôi dê. Nhà anh trong đồng, những buổi chiều sau khi đi học về anh còn phải cắt cỏ, một ít thì cho mấy chú bê con nhà anh, phần nhiều thì cho gia đình tôi, anh luôn bảo “sẵn liềm cháu cắt luôn…” nhưng tôi hiểu đó là anh muốn “có qua có lại”, vì mẹ tôi hay biếu bà ngoại anh sữa mới vắt để bà bồi dưỡng, bởi nhà tôi không có gì ngoài sữa dê mà lại chẳng có người cắt cỏ. Ba tôi luôn bận theo máy tuốt lúa của người bạn để kiếm cái ăn cho cả gia đình, có khi đi xuống tận Long An vào tuốt trong đồng, trong bưng cả tháng mới về. Bốn chị em ở nhà với mẹ, dê có hơn chục con nhưng lúc đó có bán chác gì cho cam, lâu lâu có người ở xa đến mua một hai con với giá rẻ mạt, họ nói mua nuôi cho vui cửa vui nhà, thành ra dê nuôi nhiều nhưng kinh tế cũng bấp bênh. Cỏ quê thơm lắm, những chú dê ăn trào trạo còn tôi đứng bên vô tình nghe mùi thơm dâng lên khắp mũi, ngọt thanh trên đầu lưỡi.
Là con trai nhưng anh rất thích đọc các loại sách về hoa cỏ, nào là cách trồng hoa cúc sao cho hoa to, đẹp; làm sao trồng hoa vạn thọ Pháp nở đúng tết; hoa hồng nhung làm sao thơm và nhiều cánh…
Lớp mười anh đã biết phụ giúp kinh tế gia đình bằng những liếp rau muống, rau dền, cải ngọt, cải quăn… Tết đến thì trồnghoa vạn thọ, hoa nhà anh trồng nhiều đến nỗi bán từ hăm ba đưa ông Táo đến tận rằm tháng giêng mới hết. Ba tôi rất quý anh, điều mơ ước của ba luôn làm cho tôi ganh tỵ và ghét anh đến mấy tuần “Phải chi con Hương là con trai thì ba đỡ biết chừng nào… thấy thằng Thuần mà thương, nó giỏi giang tháo vát lại rất hiền…”. Nhưng tôi không ghét anh được lâu thì ba tôi bị tai nạn lao động, một lần đi làm ba trượt chân thế nào đó mà té gãy xương đùi! Bao việc trong nhà của người đàn ông anh đều phải giúp mẹ tôi hết, người lớn tuổi xương gãy lâu lành, có khi phải mổ ra xếp lại hai ba lần, ba tôi xui xẻo trong trường hợp đó. Của cải trong nhà thứ gì bán được đều bán để lo thuốc cho ba hết, ba xót lòng cứ nói “Tôi già rồi… âu cũng là cái số, của cải bà để dành mà lo cho các con…” thì anh lại an ủi ba như một người thân thật sự rằng “Người làm nên của chứ của không làm nên người, bác hãy lo tịnh dưỡng… cháu sẽ cố gắng giúp bác gái…”. Anh trong lòng tôi lúc đó vĩ đại vô cùng, cô gái mười bảy trong tôi đã biết bâng khuâng, lòng thầm nghĩ ai được anh “để ý” chắc hạnh phúc lắm. Mùa mưa sang, ba tôi không lợp lại mái nhà được vì chân chưa lành thì anh cũng là người làm giúp, tôi đứng bên dưới đưa từng tấm lá… khói bếp lâu ngày thành bụi bám vào vai, vào mặt cả hai lem luốt như chú hề, thế mà nhìn nhau cười rũ rượi.
*
Hết lớp mười hai anh vào đại học theo mơ ước, còn tôi kinh tế gia đình chỉ cho phép học trường trung cấp… tôi chọn trường Trung học Nông nghiệp khoa chăn nuôi. Thư anh viết về thật thân thương ý nhị rằng: “Nơi phồn hoa xa lại, kỷ niệm xưa giúp Thuần có nhiều nghị lực để sống và tồn tại, có xa rồi mới hay “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”… Hương biết không, mình mong từng giờ từng phút ngày ra trường để về làm việc tại quê nhà vì có ai lớn lên mà không cần cánh võng với vòng tay mẹ… Hương ơi, Thuần nói như vậy chắc Hương hiểu và còn một điều sâu xa thầm lặng nữa mà lâu rồi Thuần chưa dám nói ra…”.
“Thuần ơi, quê nhà bao giờ mãi mãi vẫn là quê, luôn mong đợi những người con đi xa như Thuần, nếu mang kiến thức về xây dựng quê hương là điều đáng hoan nghênh còn không cũng không đáng trách, cốt yếu là đừng vì phồn hoa đô hội mà đánh mất mình… Tình cảm Hương đối với Thuần vẫn như ngày nào, mình vẫn mong ngày gặp lại…”. Tôi hồi âm thư anh bằng cả niềm vui chân thật, lòng cứ mong một ngày…
Từ dạo chân bị thương thành tật ba tôi không còn theo máy tuốt lúa nữa, ông ở nhà nuôi dê với niềm tin ngày nào đó sẽ khác và điều mong mỏi đó thời gian gần đây đã thành hiện thực. Dê thịt nuôi không đủ bán, những “Làng nướng” “Quán ăn gia đình” thi nhau ra đời và món ăn thời thượng của thực khách là thịt dê đủ món: Lẩu dê tay cầm, dê nướng, sườn dê xốt tiêu… đã giúp ba tôi khấm khá. Cỏ phải thuê vài người cắt, lá cây trong vườn nhà không tài nào đủ cho chúng ăn, có dạo “cao điểm” người ta phải dặn trước, ba tôi khó khăn lắm mới không làm phiền lòng các bạn hàng.
“… Hương ơi, Thuần sắp ra trường, đã xin được chỗ làm tốt lắm, lương bốn triệu chưa tính phụ cấp và huê hồng phần trăm đó nghe! Nhớ lại những cơ cực xưa kia mà… sởn tóc gáy vậy đó! Hương cũng có kiến thức về chăn nuôi, hay là hợp tác với cơ quan mình đi, mình nói một tiếng với “sếp” Hương sẽ có một chỗ đứng với lương bạc triệu cho mà xem! Trang trại to lắm ở ngoại ô, nuôi trồng, chăn thả đủ các loại… Nói chung là thứ gì mà các “thượng đế” bây giờ thích ăn nhất. Quên đi Hương những nhọc nhằn ngày xưa góc quê lắm cỏ nhiều muỗi ấy có gì cho ta lưu luyến chứ? Ở nơi đây, chốn phồn hoa này tương lai tốt đẹp đang chờ đón chúng ta, chỉ cần Hương ừ một tiếng…”.
Tôi buông lá thư Thuần mà lòng trống rỗng, Thuần đã khác nhiều quá, tôi bỗng nghe buốt lòng khi nhớ lại lời thư, có phải bạn tôi bây giờ đã quá thực dụng, chữ “tiền” đã cướp Thuần của ngày xưa mất rồi?! Cỏ quê còn kia xanh ngắt một màu, cũng nhờ màu cỏ đó mà tôi, mà Thuần và bao nhiêu người nữa nên người, sao bạn tôi có thể dễ dàng phụ phàng như vậy?