Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.065
123.234.255
 
Bên hồ sen trắng
Hồ Tĩnh Tâm

Bà Chín hồi nào đến giờ vẫn vậy, vẫn quạnh quẻ sống mình ên trong cái chòi lá bên một ao sen trắng. Cả làng chỉ biết bà là người xứ khác trôi dạt đến, cách nay đã ba mươi năm. Hồi mới đến cư ngụ tại làng, bà Chín ba lăm tuổi. Nghe nói cũng có vài đám đánh tiếng mai mối, nhưng đám nào bà cũng lắc đầu. Riết rồi bà Chín héo hắt đi vì tuổi tác, chẳng ai nhòm nhỏ gì nữa.

 

Cái ao sen rộng khoảng một công đất. Cấp trước bà Chín cắt lá đem bán cùng với ngó sen, củ sen, gương sen. Nhưng tới giờ lá sen không bán được nữa, bà chỉ sống nhờ vào ngó sen, củ sen và gương sen. Ông từ chùa làng thỉnh thoảng có đến hỏi mua hoa sen về chưng trên điện thờ, nhưng bà Chín chỉ cho chứ không bán. Đổi lại, ông từ thường đem trái cây hái trong chùa biếu cho bà. Nhờ vậy, bà Chín với ông từ thành chỗ thân thiết. Có điều, bà Chín không mấy khi lên chùa; dường như bà không mấy mặn mà với thần phật. Cứ nhìn cái chòi lá của bà cũng biết, chẳng có bàn thờ, chẳng có tranh Phật, tượng Phật, chẳng có gì cả. Đến ông địa, ông thần tài bà cũng không có. Trống trếnh trong chòi chỉ có cái chỏng tre, dùng để ngã lưng nằm ngủ và để ngồi ăn cơm mỗi bữa.

 

Không ai biết chút gì về lai lịch bà Chín, thành ra người ta thêu dệt về cuộc đời bí ẩn của bà đủ chuyện. Có lần tôi đem chuyện ấy nói với bà. Bà Chín nghe xong chỉ chép miệng nói: Mô Phật! Tôi lại hỏi: Bà sống mình ên vầy, lỡ đêm hôm ngã bịnh thì sao? Bà cũng lại mô Phật. Hình như với bà, bệnh tật ở đâu xa lăng lắc, không thể ghé thăm bà được. Nếu cứ như tôi biết, bà Chín từ hồi nào tới giờ, chưa bao giờ phải uống một viên thuốc. Hàng ngày, bà hay lụm cụm ngồi bên vệ đường đào rễ cây bông nổ để đem về nấu nước. Rễ cây bông nổ màu vàng nhạt, nấu lên rất thơm, có vị ngòn ngọt, dân quê tôi gọi là sâm Nam. Bất cứ lúc nào ghé thăm, bà cũng rót cho tôi một chén. Và bao giờ tôi cũng chỉ uống một chén, bởi tôi thấy cái ấm nhôm của bà không lớn lắm.

 

Hàng ngày bà Chín chỉ ăn cơm có một buổi. Buổi còn lại bà thường ăn một hai trái bắp, hoặc hai ba củ khoai lang, khoai mì. Hàng qùa của bà là chè do bà nấu lấy. Lúc thì mươi hột sen nấu với đường, lúc thì lá nha đam nấu với đường. Bà nói: Con ạ, nhớ ăn rau sống thiệt nhiều vào! Nhất là chịu khó đâm lá nha đam uống với đường mà ngừa bịnh gan. Gan khỏe mạnh mới không bịnh tật. Qua hồi nào tới giờ vẫn xài các thứ thuốc nam kiếm lòng vòng trong xóm, nhiều nhất là xài lá nha đam. Nhớ xài cả vỏ mới tốt. Hồi đó ông từ trên chùa bị bệnh xơ gan, mỗi ngày qua đâm cho ông một chén nước lá nha đam. Chỉ có vậy mà ông khỏe mạnh tới giờ.

 

Tôi nghe lời bà Chín, thường ngày vẫn kiếm đọt nhãn lồng luộc ăn, kiếm lá đinh lăng ăn sống cặp với cá kho. Ăn riết mắc ghiền, bữa cơm nào không có rau sống thì không biết ngon. Vợ con tôi cũng theo tôi mà thích ăn các thứ rau dại mọc hoang trong vườn, hay ngoài gò, ngoài bãi. Có lẽ nhờ vậy mà cả nhà tôi không thấy ai bệnh hoạn bao giờ.

 

Vợ tôi cũng rất qúy bà Chín. Lâu lâu có thức gì ngon cũng đem qua biếu bà một ít. Mỗi lần qua chơi, vợ tôi lại học được bà Chín một điều gì đó. Còn như có chuyện gì hay, bao giờ vợ tôi cũng kể lại với tôi. Cứ như vậy, dần dà tôi cũng hiểu được ít nhiều về bà Chín. Là hiểu về tính cách của bà, chứ cũng không hiểu gì về qúa khứ của bà. Bởi lẽ ngay cả với vợ tôi, được bà coi như con cái, bà cũng không bao giờ kể về cuộc đời của bà.

 

Một lần tôi đem cái máy đánh chữ ra ngồi gỏ trước hàng hiên, bỗng cảm giác như có ai ở sau lưng. Ngoái lại, thấy có thằng bé lủn củn, đội trên đầu một xề bánh cam. Nó toét miệng cười với tôi, rồi hỏi: Chú viết truyện à? Tôi gật đầu. Nó lại nói: Hồi nẳm con cũng biết đọc, nhưng giờ quên rồi. Con học chưa hết lớp một, mà con học dốt lắm. Cô con chê hoài. Mẹ thì nói con là thằng tối dạ. Tôi hỏi nhà nó ở đâu. Nó toét miệng cười: Con làm gì có nhà. Ba mẹ con lật xuồng chết trong đồng. Năm đó nước lớn, làng con có mấy người cũng lật xuồng chết. Vậy là con bỏ làng đi. Giờ con sống với ông từ trong chùa. Bà Tám Quắn thương, biểu con tới lấy bánh cam đem bán. Lúc nào đủ tiền đóng học phí, con xin ông từ đi học. Con cũng thích viết truyện như chú. Con biết nhiều chuyện hay lắm, nhưng con không biết viết.

 

Nghe nó nói, tôi giật mình nghĩ: Ừ nhỉ, cái thằng lủn củn này, nó đến làng lúc nào mà mình không biết. Khi tôi kể chuyện này cho bà Chín nghe, bà Chín ngồi trầm ngâm, rồi nói: Con xin cho nó vô học được không? Tiền trường để qua đóng cho. Qua chắt mót bi nhiêu năm, giờ cũng được một mớ. Chỗ quen biết với ông hiệu trưởng trường làng, tôi xin được cho thằng nhỏ đi học.

Nó học được gần hai tháng thì tới ở luôn với bà Chín. Nhìn hai bà cháu ngồi ăn cơm trên cái chỏng tre, thấy cái chòi cũng ấm cúng được phần nào. Do chuyện này mà bà Chín kê thêm trong chòi một cái giường, mua thêm một cái bàn, một cái tủ gỗ, và cái ra dô nhỏ cho thằng bé nghe đài.

 

Té ra thằng bé không tối dạ như nó nói. Cô giáo nó nói với tôi, thằng bé học khá lắm, chữ viết rất đẹp; hơn nữa nó lại rất ngoan, giao việc gì cũng làm đến nơi đến chốn. Tôi cũng cảm thấy như vậy. Bởi lẽ từ khi về ở với bà Chín, thằng bé thường thay bà đi cắt gương sen, ngồi bó lại thành từng chục một. Thấy sau nhà còn vạt đất trống, nó biết đi xin cây chuối con về trồng. Biết bà Chín hay ăn các thứ cây cỏ có vị thuốc, nó biết đi tìm cây con về trồng cặp theo mép hồ sen. Thỉnh thoảng nó vẫn ra đồng mò cua bắt ốc. Có khi bắt được nhiều, hai bà cháu ăn không hết, nó vẫn đem sang cho vợ tôi. Vợ tôi qúy nó như con trong nhà.

 

Từ khi có thằng bé đến sống chung, bà Chín đổi sang ăn ngày hai buổi. Trước đây bà chỉ ăn cá kho với rau sống, giờ thỉnh thoảng bà cũng mua thịt về nhà. Trước đây bà chỉ ăn chè, giờ thỉnh thoảng bà cũng cặm cụi ngồi đổ bánh xèo, ngồi gói bánh ú, bánh ít. Ở tuổi tám mươi mà bà vẫn lẹ chân lẹ tay, làm việc gì cũng gọn bân đâu vào đó. Nhờ vậy, thằng bé từ khi đến ở với bà Chín, cứ mỗi ngày mỗi mởn ra; trông có da có thịt như con nhà khá giả. Những lúc đi học, nhìn nó mặc đồng phục, coi cũng sáng sủa, bắt con mắt.

 

Vào một buổi chiều, lúc trời đang mưa tầm tả, có chiếc xe ôm chạy vào sân nhà tôi. Rồi một ông già quắc thước bước vào. Ông hỏi tôi, bên kia hồ sen có phải nhà bà Chín không? Nghe tôi nói phải, ông lão nói: Tui từ Bảy Núi xuống, muốn ở nhờ nhà chú vài ngày được không? Nhà tôi tuy là nhà tre lá, nhưng rộng rinh, nên tôi gật đầu đồng ý.

 

Khi đã cất bọc đồ vào góc giường, ông lão cho tôi biết, ông xuống đây để tìm bà Chín. Có người làng ông từ đây về, cho ông biết bà Chín sống ở làng này. Bà Chín bỏ xứ ra đi đã hơn ba chục năm. Trong ba chục năm ấy, ông đã dọ hỏi khắp nơi mà không thể nào tìm ra tung tích. Tưởng bà đã mất, nào dè bà con sống tới giờ. Ông muốn nhờ tôi chuyển giúp cho bà Chín một ít tiền để đỡ đần bà khi tuổi tác. Nghe ông lão nói, tôi giật mình nghĩ, có lẽ ông lão là chồng bà Chín, vì lý do nào đó mà họ chia tay. Tôi tỏ ý sẽ dẫn ông lão qua nhà bà Chín, nhưng ông lão lắc đầu nói: Gượm gượm vài hôm rồi tính. Ông cần dò hỏi coi tánh ý bà Chín ra sao đã, xa nhau suốt ba chục năm, nay đường đột xuất hiện, e không được tiện cho lắm. Ngay cả chuyện gởi tiền, ông cũng sợ bị bà từ chối, nên mới có ý nhờ tôi.

 

Đêm đó vợ tôi nấu nồi cháo cá đãi khách. Tôi nướng thêm mấy con khô bống kèo, mời ông lão uống rượu. Khi đêm đã khuya, ông lão mới cho tôi biết, ông là em ruột của chồng chưa cưới của bà Chín.  Chồng chưa cưới của bà Chín mất cách nay đã bốn năm. Những ngày cuối đời, ông thường nằm sảng nhắc tên bà Chín. Khi gần khuất núi, ông biểu người nhà lôi trong hộc tủ thờ ra cái hộp gỗ, bên trong có cái bọc ni lông. Mở ra thấy có hai tấm hình chụp bà Chín lúc còn trẻ. Ông cho gọi người nhà đến, rồi nói: Hai tấm hình này, một tấm chôn xuống mộ theo ông, một tấm đem truyền thần, rồi chưng lên bàn thờ cùng với tấm hình của ông.

 

Ông lão lôi trong giỏ xách ra tấm hình bà Chín. Đó là tấm hình chụp trên giấy lụa, đã ngã màu nâu vàng theo năm tháng, nhưng coi vẫn còn rõ nét. Trong ảnh, bà Chín rất đẹp, rất tươi, tóc chải bồng ra phía sau, hệt như hình tài tử. Cứ như tấm hình ấy, thì con gái làng tôi không ai đẹp được như vậy.

Thế rồi ông lão kể cho tôi nghe chuyện qúa khứ của một đời người.

 

Thuở ấy bà Chín là đào chính của một gánh hát. Gánh hát ấy có lần lên hát tại Lương Phi Bảy Núi. Ngay đêm hát đầu tiên, Tấn Hưng, con trai ông Hội đồng, đã bết cô đào Chín mê mết. Rồi thì từ đó, đêm nào Tấn Hưng cũng đeo dính theo gánh hát, cũng mua cho bằng được chỗ ngồi tốt nhất ở hàng ghế đầu. Gánh hát rong ruổi lưu diễn cả tháng ở Bảy Núi. Ròng rả cả tháng Tấn Hưng đeo theo gánh hát. Ông bầu gánh hát biết tình ý của Tấn Hưng, đem chuyện kể lại cho đào Chín. Đào Chín lúc đó có tên là Quế Hường. Quế Hường là cô đào bốc lửa cả dưới ánh đèn, cả dưới ánh mặt trời. Khi biết chuyện, Quế Hường lại càng bốc lửa, khiến con trai ông Hội đồng càng thêm ngơ ngẩn, lúc nào cũng như người mất hồn.

 

Càng mất hồn, Tấn Hưng càng đeo dính theo Quế Hường từng bước. Đeo riết rồi cũng dính. Quế Hường đã một vài lần nhận lời ra ngồi chơi bên gốc cây còng dưới bến sông với Tấn Hưng. Ánh trăng rưới sữa lồng lộng, Quế Hường càng trở nên bốc lửa ngùn ngụt, thiêu đốt Tấn Hưng tới mụ mẩm. Nhưng họ cũng chỉ ngồi với nhau vậy thôi. Bởi vì mỗi lúc Tấn Hưng muốn tấn tới, bao giờ cũng bị Quế Hường khôn khéo tìm cách chặn lại. Và càng bị chặn lại, Tấn Hưng càng trở nên mụ mẩm.

 

Tấn Hưng mụ mẩm tới mức, một lần bắt gặp người bạn trai của Quế Hường tại phòng trọ của cô, anh đã không kìm được mình, đã kiếm cớ gây sự với người ta. Trong cơn nóng giận vì say rượu, Tấn Hưng đã chụp lấy con dao mà Quế Hường vẫn thường dùng để gọt cam, đâm liên tiếp mấy nhát, khiến bạn trai của Quế Hường gục xuống bất tỉnh.

 

Khi ấy, Quế Hường dùng cả hai tay nắm chặt hai vai Tấn Hưng, vừa lắc như điên như dại, vừa hét lên: Anh khùng rồi! Anh điên rồi! Làm sao em cấm được người ta đến thăm mình! Tại sao anh lại giết người! Tại sao anh lại tồi như vậy! Anh khùng rồi! Nói xong cô vụt chạy ra ngoài. Và cô chạy luôn từ đó, không bao giờ còn trở lại vùng Bảy Núi.

 

Ra tù nhờ chạy tội bằng tiền, Tấn Hưng nhớ người yêu, lang thang đi tìm hết tháng này tháng khác. Nhưng biển khơi tăm cá, biết đâu mà tìm. Nỗi nhớ quay quắt nhấn chìm Tấn Hưng vào rượu trắng. Rượu đốt gan ruột Tấn Hưng tới cháy mủn ra, tới phải đi mổ vì xơ gan. Năm này sang năm khác, Tấn Hưng sống vất vưởng trong nỗi nhớ như người chán đời. Và bởi ám ảnh về tội lỗi, càng lúc Tấn Hưng càng héo hắt, càng vất vưởng như người tâm thần. Ông Hội đồng Hà thương con, nhờ người mai mối cho Tấn Hưng một người vợ. Nhưng có vợ cũng như không, Tấn Hưng không thể ngủ chung cùng buồng, cùng giường với vợ. Vò võ hai năm trời, vợ ông chán nản bỏ chồng về với mẹ. Rồi bà đâm đơn ra Tòa xin ly dị để đi bước nữa với người khác. Tấn Hưng sống thui thủi như vậy cho đến già, cho đến chết.

 

Khi tôi kể chuyện này cho bà Chín nghe, bà chắp tay nói: Mô Phật! Nhưng từ đó, bà càng trở nên trầm lặng hơn hẳn. Chìm trong nỗi trầm lặng u ẩn của cuộc đời, bà héo hắt dần như chiếc bóng bên hồ sen trắng. Thường cứ vào lúc chiều buông lãng đãng, bao giờ bà cũng bắc ghế ra ngồi trầm ngâm sát bên hồ sen. Thằng bé tên Tuấn cũng ra ngồi với bà.  Hai bà cháu đều im lặng như hai cái dấu chấm, chấm vào trời chiều bầm đỏ.

 

Một hôm bà Chín cho thằng Tuấn qua mời tôi tới nhà. Khi đã sai thằng bé đi mua dầu hôi, bà Chín nói với tôi: Nếu muốn cất cái nhà gạch bằng khung sắt tiền chế, rộng chừng năm chục mét vuông thì hết bao nhiêu tiền. Nghe tôi nói khoảng hai lăm triệu, bà Chín nói: Qua nhờ con kêu thợ cất giùm qua cái nhà.

 

Ngôi nhà cất xong thì bà Chín ngã bệnh. Bà nhờ tôi nhắn tin lên Bảy Núi cho em ruột ông Tấn Hưng. Khi hai vợ chồng em ông Tấn Hưng xuống, bà mới chỉ chỗ cho tôi đào xuống góc nhà, lấy lên cái thùng sắt đựng đạn đại liên của Mỹ. Không hiểu vì sao cái thùng sắt vẫn còn rất mới. Mở ra thì thấy một bọc ni lông màu đen, bên trong có sợi dây chuyền mặt ngọc, hai cái lắc vàng, một chuỗi cườm ngọc trai, một cái nhẫn cầu hôn. Đó là tất cả những gì bà Chín dành dụm được trong quãng đời đi hát. Bà Chín cầm cái nhẫn lên, nói: Cái nhẫn này là của Tấn Hưng gởi cho bà, nay bà xin đeo nó để tỏ lời hứa hôn với ông lúc trước. Khi nào bà mất thì tháo ra, giữ lại với tất cả những gì bà có cho thằng Tuấn. Trời đã đem thằng Tuấn đến cho bà, bà nhờ tôi trông nom giúp đỡ để thằng Tuấn nên người.

 

Tối đó, vào lúc nửa đêm, trời nổi giông rất mạnh, nhưng lại không mưa. Phía vườn chùa, không hiểu sao cò nổi lên kêu qùa qùa suốt cả tiếng đồng hồ. Tôi thấy chờn chợn như linh tính đang mách bảo một điều gì, liền chạy qua nhà bà Chín. Thằng Tuấn thức dậy mở cửa cho tôi. Nó nói: Bà cháu ngủ trong buồng từ chập tối. Bán tin bán nghi, tôi biểu thằng Tuấn vào buồng xem bà nó có còn nóng sốt không. Thằng Tuấn vào buồng chưa đầy một phút đã thốt lên khóc hù hụ. Bà ơi! Bà đừng bỏ cháu mà đi bà ơi! Thức dậy đi bà ơi!

 

Tôi chạy vào buồng, thấy thằng Tuấn đang gục đầu trên ngực bà Chín, khóc nấc lên tức tưởi. Tôi vừa dợm chân tính chạy về nhà gọi vợ, đã thấy vợ tôi cùng vợ chồng em ông Tấn Hưng qua tới. Tôi chạy đi nhờ hàng xóm kéo điện từ nhà tôi sang nhà bà Chín để thắp mấy ngọn đèn điện. Không biết từ đâu, khi mấy bóng đèn bật sáng, thì nhiều bà con lòng vòng lối xóm cũng lần lần kéo đến. Cả ông từ giữ chùa cũng đến.

 

Sáng ngày, khi tôi đã lo xong cỗ hậu sự cho bà Chín, em ông Tấn Hưng đến gặp ông Chủ tịch xã, xin phép cho vợ chồng ông đưa bà Chín về Bảy Núi chôn cất. Mới đầu ông Chủ tịch xã còn lưỡng lự, nhưng khi nghe tôi kể lại chuyện ông Tấn Hưng, ông Chủ tịch đã bàn lại với ông bí thư xã, và cả hai đều đồng ý. Em ông Tấn Hưng nói với tôi: Qua cũng đoán trước có chuyện, nên có đem theo ít tiền, nhờ vợ chồng chú kéo điện về nhà cho thằng Tuấn.

 

Chúng tôi mướn trọn gói một chiếc xe lam để đưa bà Chín về Bảy Núi. Do con đường từ lộ xã vào ngôi nhà của bà Chín quá nhỏ, chúng tôi phải khiêng chiếc quan tài đi vòng qua ao sen. Nắng đổ rười rượi, mượt như lụa. Cả hồ sen hoa nở trắng tới không tưởng nổi. Hương sen thơm ngào ngạt, quyện cùng hương khói nhang đèn, đưa bãng lãng đến nao cả lòng dạ.

 

Trời trong văn vắt, không vẩn một gợn mây. Phía vườn chùa, những cánh cò cứ liên tục bay lên bay xuống, chớp nắng lấp lánh lấp lánh.

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3263
Ngày đăng: 21.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tóc xanh mấy mùa - Nguyễn Vĩnh Long
Đuối Bông thóat xác. - Phan Trung Thành
Bộ ấm trà sáu chén - Trần hữu Lục
Trần Quang Diệu - Trần Thị Huyền Trang
Khoảnh khắc tình yêu - Bích Ngân
Sơn Nữ - Lương Minh Vũ
Đêm trắng của Nam Việt Vương - Đặng Thân
Đối thọai với người nằm nghiêng hay Chào em , anh yêu em. - Nie Thanh Mai
Nghi án Yên Tử - Nguyễn Thị Thu Hiền
Những miếng tồi tàn - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)