Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.091
123.232.554
 
“Mẫu Thượng ngàn” - một tác phẩm vừa có danh, vừa có... giá
Phạm Lưu Vũ

Không biết thiên hạ thường đọc sách trong tư thế nào, chứ một kẻ tạm coi là mọt sách như tôi thì tư thế ưa thích nhất bao giờ cũng là nằm đọc. Vì thế tôi vừa không thích, lại vừa ớn những cuốn có bìa cứng. Huống chi đây lại là một cuốn tiểu thuyết dày tới 800 trang khổ 13,5x20,5 bìa đẹp, bóng láng nhưng cứng như sắt nguội, thì nằm đọc quả là vất vả. Dùng một tay thì không đỡ nổi, mà dùng cả hai tay thì chỉ một lát đã mỏi rã rời. Thế là hết xoay bên nọ, lại trở bên kia, bê cuốn sách trên tay chẳng khác nào bê một cái thớt gỗ nghiến, mới đọc được vài chục trang đã đỏ ửng cả lòng bàn tay, chỉ sợ ngủ gật mà đánh rơi sách xuống mặt thì dễ... đi bệnh viện như chơi.

 

Đó là tiểu thuyết “Mẫu Thượng ngàn” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, do NXB Phụ nữ ấn hành năm 2006. Dù sao thì cái vụ bìa cứng bìa mềm trên cũng chỉ là nói cho vui, không hề quan trọng. Điều quan trọng là tiểu thuyết này vừa đoạt giải “Nô ben Hà nội” năm 2006 của Hội Nhà văn danh giá đất Kinh kỳ (Hội Nhà văn Hà Nội). Rất cám ơn nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã mua tặng tôi và anh Nguyễn Hoà (SCL) mỗi người một cuốn. Tôi đã phải thoa rượu mật gấu (nuôi) vào hai bàn tay để quyết đọc trong khoảng bốn năm hiệp, mỗi hiệp vài tiếng, từ đầu cho đến cuối cuốn tiểu thuyết đó. Với tư cách là một bạn đọc, tôi cũng xin mạn phép được (liều mạng) phát biểu một số suy nghĩ (thiển cận) của mình về cuốn tiểu thuyết này, đặng góp vui tí chút cho văn đàn như sau:

 

Đúng như những gì mà các báo, mạng đã giới thiệu gần đây về “Mẫu Thượng ngàn”. Đây là một tiểu thuyết có những trang mô tả rất quý, rất sinh động, đầy chất tư liệu về văn hóa phong tục của làng quê VN hồi cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Nhưng nếu “văn hoá” nghĩa là dùng cái “văn” để “cảm hoá”... thì cuốn sách này còn mang một nét khác, đậm hơn cả cái nét “văn hoá” kể trên. Đó là nét “dâm hoá” - dùng cái “dâm” để cảm hoá... Hình tượng người phụ nữ nông thôn hiện lên trong cuốn sách như những thiên thần dâm dục hạng lực điền (sàng), những cái máy hút tinh khí đàn ông có công suất cực lớn. Mặc dù đã được giải thích bằng “tư tưởng” của “chủ nghĩa” phồn thực, được núp dưới những tính cách “cao thượng” trứ danh (như quảng cáo ở bìa 4), song, công bằng mà nói, thì đó chẳng qua chỉ là những cái dâm nhà quê, dâm cổ điển. Những cái dâm pha trộn giữa sự hút hồn, sát đực kiểu Hạ Cơ thời Xuân Thu bên Tàu, với cái dâm man dại trong “trăm năm cô đơn” của Gacia – Marquez (nhân vật bà Mùi trong truyện là một ví dụ).

 

Ngoài những thành công về “văn hoá” và “dâm hoá” kể trên, đọc cuốn sách này, người đọc có cảm giác như được vào thăm một ngôi chùa cổ, nhưng là một ngôi chùa mới được dựng lại, trên cái nền chùa đã bị phá huỷ từ lâu. Tiếc rằng các nghệ nhân thời xưa hầu như đã khuất bóng, thành ra ngôi chùa đó dẫu cũng có bố cục chữ công, chữ đinh gì đấy, dẫu cũng được trang trí long, ly, quy, phụng gì đi nữa... thì thực chất, cũng chỉ là một ngôi chùa... giả cổ mà thôi. Oái oăm nhất, đồng thời cũng đáng tiếc nhất là nhân vật chính mang cái tên của một vị đại Nho thời Tam Quốc (là Trịnh Huyền) lại (hơi bị) mờ nhạt, chẳng tạo nên ấn tượng nào đáng kể ngoại trừ cái tài thổi kèn đám ma và bộ mặt nửa thiên thần nửa quỷ sứ(!) của mình, chưa kể đến cái kết cục của ông ta cũng hơi bị đột ngột và có phần... lãng xẹt. Dù sao, trong tác phẩm cũng có những “xen” miêu tả rất đạt, rất hay như cảnh đám ma vùng đồng chiêm trũng, cảnh dịch tả ở làng Cổ đình, cảnh vì tránh chết “trùng” mà phải chôn người “bán âm bán dương”... Đặc biệt “xen” người chết sống lại (anh chàng Điều, con “giống” của họ Đinh) tả rất xuất sắc, công phu. Tiếc rằng sự công phu ấy về sau hầu như... chẳng để làm gì. Lại có những “xen” không mấy thuyết phục, thiếu thực tế như đoạn tả việc tìm xác tên thực dân Henri Rivière, đoạn tả về hai nhân vật Mường, Ngơ, đoạn tả những cái hấp dẫn, mượt mà, đầy... dâm lực của mấy bà nạ dòng nhà quê lam lũ ngót bốn mươi tuổi, lại có tới năm sáu con... Văn này mà mấy bà nhà quê ở quê tôi nghe được, chắc thể nào mấy bà ấy cũng bảo là tác giả... nói điêu! Lại còn những cách đặt tên nhân vật. Đồng ý là người nhà quê xưa đặt tên con rất nôm na, dân dã... nhưng không đến nỗi tuỳ tiện, dễ dãi kiểu Cỏn, Tẻo, Liến, Láu... như trong truyện. Làm như thế chỉ tổ giảm chất “thực” của văn chương đi, đồng thời lại tăng chất “kịch” của tiểu thuyết lên... Nhưng thôi, theo “thông lệ” xưa nay, thì một tác phẩm đã được trao giải “chính qui, chính thống”, do một ban chung khảo, toàn những “tên”, “tuổi” có “cỡ” như thế này, thì thói thường, người đọc chỉ được phép “khen” mà thôi. Vậy xin nói về những cái “được” của tác phẩm này.

 

Cái được thứ nhất là những sự ẩn ý, thâm trầm (chưa bàn đến đúng, sai) của tác giả gửi gắm vào câu chuyện. Hai dòng họ Đinh và họ Vũ trong làng đối lập, kèn cựa với nhau, tạm gọi là sự đối lập giữa quân tử (họ Đinh), và tiểu nhân (họ Vũ)... Rốt cuộc họ Đinh (quân tử) lại để lại trong làng một cái dòng giống giả, lai Tây (con dâu họ Đinh là Nhụ bị gã chủ đồn điền Julien cưỡng hiếp, sinh một đứa con đặt tên là Nhị). Còn dòng giống thực nếu có, chắc chỉ còn cách tha phương, reo rắc ở ngoài thiên hạ mà thôi (nhân vật Đinh Công Điều - chồng Nhụ trốn đi Sài Gòn hay Cao Miên gì đó...). Nhưng thực ra, dòng quân tử (họ Đinh) ấy ở làng Cổ Đình vẫn chưa phải đã đến nỗi tuyệt tự. Có điều cái gien “quân tử” đó phải “ẩn” vào dòng... tiểu nhân là họ Vũ thì mới tồn tại được (nhân vật Cò - Xuân là con hoang của Đinh Công Phác (Trịnh Huyền) với bà ba Váy, vợ Lý Cỏn (họ Vũ)). Tuy nhiên, tất cả những “rắc rối” đầy ẩn ý triết học, lẫn lộn quân tử với tiểu nhân đó chưa phải quan trọng. Điều quan trọng là những kẻ láng giềng gọi là “Tàu” kia, dù đã hơn hai nghìn năm có mặt ở xứ sở này, lại có hẳn một nghìn năm đô hộ, vậy mà vẫn bị coi là những “chú khách” (lời nhân vật Lềnh trong truyện), vẫn không “lai” được tí dòng giống (văn hoá) nào. Trong khi cái kẻ mũi lõ mắt xanh ở tận phương trời Tây kia, dẫu có mặt ở xứ sở này chưa đầy trăm năm, nhưng đứa con lai (do cưỡng hiếp) của nó vẫn được (Thánh Mẫu) chấp nhận, vẫn từ đó hoà nhập với cái cộng đồng tín ngưỡng mũi tẹt da vàng này. Câu nói đầy tính thoả hiệp, ngụy biện của nhân vật Nhụ về đứa con lai Tây của mình ở những dòng cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, chính là muốn (ngầm) nói lên cái tư tưởng đó của tác giả: “Anh ạ, ngày xưa có lần mẹ em bảo: “Đã là người ta, con ơi, ai chẳng là con của Mẫu”...”

 

Cái được thứ hai của cuốn tiểu thuyết là nó không sa vào “lối mòn” của cả một nền “văn học minh họa” (chữ dùng của cố NV Nguyễn Minh Châu) xưa nay. Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết rõ ràng gắn với những mâu thuẫn gay gắt mang tính thời đại của cả một nền văn hoá, của cả dân tộc. Song tác giả đã để cho những mâu thuẫn đó tự phát triển, và tự giải quyết một cách hết sức tự nhiên, hết sức con người, không bị chi phối bởi bất cứ một thứ “ánh sáng”, hay một thứ “chủ nghĩa” (bịp bợm) nào. Ở đây, ta cũng bắt gặp một vài dáng dấp của cái gọi là “luồng gió mới” (những nhân vật như Tuấn, Huy, Hoa...) song đó chỉ là những hiện tượng nhân sinh tất yếu, chỉ là sự báo hiệu của những tư tưởng cấp tiến mà  thôi (chưa hẳn đã là Cách mạng). Cuối cùng, kết thúc của cuốn tiểu thuyết cũng không phải là một cái kết có “hậu”, không phải một cái kết “bừng sáng tương lai” như thông lệ của những tiểu thuyết, hoặc những truyện ngắn đầy tác dụng tuyên truyền được cấp giấy phép thời cách đây chưa lâu (ví dụ truyện “Vợ nhặt” của NV Kim Lân...).

 

Nếu cần phải “bàn” thêm một tý, thì bố cục của cuốn tiểu thuyết này cũng hơi bị “có vấn đề”. Xem xét kĩ, sẽ thấy sự lúng túng của tác giả khi muốn thể hiện một loạt những nội dung mà ông không biết xắp xếp vào đâu cho hợp lý, đành để cho nhân vật tự kể (ví dụ những chương bà ba Váy kể chuyện). Cách kết cấu này (lạ sao) thi thoảng lại bắt gặp ở một số nhà văn Trung Quốc thời hiện đại (ví dụ Khâu Hoa Đông). Không thể nói là ai bị ảnh hưởng của ai, chắc là “tư tưởng lớn” gặp nhau đó thôi.

 

Nói gì thì nói, bằng việc trao giải cho tác phẩm dày dặn này, HNV Hà Nội muốn chứng tỏ một điều, rằng nền tiểu thuyết của văn chương Việt Nam hiện nay mà được như cuốn “Mẫu Thượng ngàn” này, thì kể như cũng ... quí hoá lắm rồi.

 

20/9/2006

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 5133
Ngày đăng: 22.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc Cõi mê của Triệu Xuân:Hiện thực sâu sắc ,tận cùng nỗi đau ,đầy lòng nhân ái . - Hoài Anh
Văn chương là cả cuộc đời - Trần Nhã Thụy
Từ một áng thơ Đường đến với một tập thơ đương đại - Thái Anh
Có một Quỳnh Giao “Tiền chiến” - Nguyễn Khắc Phê
Nhớ tác giả ‘Cánh chim Phù Đổng’ với điếu văn tạ lỗi muộn màng - Nguyễn Tý
Nam Trân với Huế - Nguyễn Khắc Phê
Người không ai thay thế được . - Nguyễn Khắc Phê
Cảm nghĩ sau khi đọc tập thơ “CẢNH & TÌNH” của tác giả Lâm Văn Lan - Nắng Xuân
Nghe “Tiếng chim báo nước” của Lê Tân - Nắng Xuân
Một “ Chỗ đứng ” cho nữ sĩ Cao Ngọc Anh trong làng thơ Việt Nam . - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)