Tình cờ tôi biết anh trong một chiều tháng tám khi anh vừa trãi qua một cuộc hàng trình dài: từ Huế vào thành phố Hồ Chí Minh và đang ngồi ở Tây Ninh cùng nhà văn Nguyễn Đức Thiện và nhà thơ Nguyễn Quốc Việt trò chuyện.
Sau nhiều phút ngớ ngẩn với âm giọng Huế trầm mà lạ lẫm, tôi bắt đầu hiểu những "nì, tê, hỉ, rứa…" của anh. Nguyễn Nguyên An trong mắt tôi bình dị, chân tình rất đời thường, không tìm thấy một nét nào bóng bẩy, bay bổng của nhà văn. Nhưng khi đọc tác phẩm của anh mới thấy, ẩn sau những bình dị, thật thà đó là một tâm hồn sâu sắc và rất đa cảm. Anh viết thật như đang trò chuyện, như xen lẫn vài mẩu chuyện kể về những vui buồn của cuộc đời, về những ngang trái chồng chéo của kiếp người. Ngòi bút của nhà văn Nguyễn Nguyên An gần đời thường đến nỗi, truyện mà tôi cứ ngỡ đó là thực tại vừa diễn ra chung quanh mình.
Nếu "Ngọn đèn vẫn tỏ" là tác phẩm chính của tập truyện, có nhân vật Nam là bộ đội "Hồi Camphuchia tụi Pônpốt bắt nó lột truồng treo bốn tay chân lên chuẩn bị chọc tiết, có thằng nghịch cắt bén giống nó…" và Nam đâm ra ngớ ngẩn, không thể lấy vợ nhưng vẫn còn biết choáng ngợp trước mùi hương con gái, mùi tinh khiết nồng nàn"…. Làm tau mơ tưởng mông lung…" và cuối cùng cô gái chết vì say mê đánh móoc làm hiệu cho ngư dân tránh bão rồi bị sóng táp ra biển mất tăm. Nam ngày đêm giữ ngọn đèn trong miếu thờ cô gái như giữ cả mối tình chưa kịp nói (hay không thể nói). Thì ở "Đất sau mưa" nhân vật "tôi" càng cao thượng đến vô cùng, có mấy ai can đảm cưới một người đàn bà đã bao phen "tan tát mùa gió cát" làm vợ ? Vậy mà "tôi" không những làm được điều ấy mà còn mang hạnh phúc cho Miên bằng tất cả yêu thương tinh thần và vật chất. Tự dưng tôi lại thích "Đất sau mưa" dừng lại ở "… Nồi cơm khô khét tự bao giờ", hơn là cả phần sau: Miên nông nổi và tàn nhẫn quá!
Lướt qua hai mươi sau truyện của Nguyễn Nguyên An, ta thấy những hoàn cảnh rất thực tại hiển hiện lên trong đó. Có "Duyên nợ trăm năm", có "Độ Lượng", có "Nhân cách..'', có "Người cũ" rất ý nhị…
Tập truyện "Ngọn đền vẫn tỏ " thích hợp với những ai yêu dòng văn học chính thống, còn những người thích "sex hoá" và "Tây hoá" chắc chắn sẽ bảo "có gì đâu mà đọc"