Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.216.442
 
Chút tâm sự sau Bình Phong Long Mã .
Trần Kiêm Ðoàn

Năm mươi, bảy mươi, rồi một trăm năm sau…

Quốc Học trường tôi.  Có lẽ tất cả những thế hệ học trò và thầy giáo trong suốt dòng lịch sử 110 năm của trường Quốc Học đều tự hào nhận mình là “dân Quốc Học”.  Quốc Học, cái tên chững chạc vươn lên như tiếng trống đồng đánh thức lòng tự hào dân tộc. Sau một trăm năm bị Pháp đô hộ trong cảnh văn hóa còn bị trói buộc giữa gọng kềm ngôn ngữ, Tây học chiếm lĩnh hết đời sống tri thức, không còn chỗ đứng cho quốc học. 

 

Quốc Học, trong bối cảnh lịch sử còn nặng tính ngoại lai, đồng nghĩa với tiếng Việt thân yêu được chính thức sử dụng trong môi trường giáo dục. Sau đêm dài của cái học “nào có ra gì cái chữ Nho, ông Nghè ông Cống cũng nằm co” trước cái Tây học “thà rằng đi học làm thầy Phán, tối rượu sâm-banh, sáng sữa bò…” mà Tú Xương từng than thở; sáng dậy, chữ nghĩa chỉ còn lơ thơ những câu đối sáo mòn, mục rỗng trên các đình chùa miếu vũ.  Trường Quốc Học xuất hiện như một khúc quanh mới của sự định hình “vần quốc ngữ, chữ nước ta…” trên đất Huế giữa và giữa lòng đất Việt.

 

Quốc Học ơi!  Cảm động và tuyệt vời biết mấy.

Tôi thuộc thế hệ Quốc Học 63-66, đó là ba năm sôi động nhất của một cố đô Huế trầm lặng, bỗng nóng bừng lên và xuống đường, biểu tình, bãi khóa. Năm đầu tiên, tôi từ Hàm Nghi qua Quốc Học, học lớp đệ tam giữa lúc phong trào tranh đấu Phật giáo đang ở vào giai đoạn cao điểm.  Năm học qua nhanh chẳng để lại một dấu vết kỷ niệm học trò nào tạm gọi là êm đềm trong tôi.  Năm sau, tôi lên lớp đệ nhị.  Đây là năm đầy quyết định giữa việc học hành đàng hoàng để chuẩn bị thi Tú tài Bán phần cho đậu hay hỏng thi, khoác áo “trellis” ra mặt trận. Nhu cầu thi đỗ ăn sâu vào bản năng sinh tồn đối với lớp học trò con trai Quốc Học.  Học ngấu, học nghiến, học để cố xây một lớp vỏ “an toàn trong khói lửa” trước những tin chiến sự dồn dập và tiếng máy bay vần vũ đến đâu và về đâu trong cõi gió cát vô thường ấy.  Tôi đậu được cái “Tú tài vớt” vì cả năm học ban B mà mê làm thơ con… quăng hơn là mê giải toán đạo hàm, đại số.  Qua truông Tú tài bán phần, lên lớp đệ nhất cũng chẳng thấy gì hơn là học với học.

 

Xứ Huế xưa nay chỉ có con đường “nhất học cho hay, nhì cày cho chín”.  Đối với một học sinh bình thường thuộc thế hệ những năm 1960 như tôi thì ba năm ở trường Quốc Học là ba năm quyết định cho cả một đời.  Cao nhất thì được du học bên Tây bên Mỹ, thành tài về nước làm “xếp nhớn”.  Trung bình thì vào được đại học, tốt nghiệp kiếm một nghề nghiệp vững chắc nào đó sống đời an phận với vợ con.  Chấp nhận kiếp sống thăng trầm thì vào trường sĩ quan Thủ Đức hay Đà Lạt.  Thi hỏng, bỏ trường thì đi lính “đơ dem cùi bắp”, “cánh gà rô ti” hay về quê làm ruộng hoặc sống làng nhàng với những nghề dọc đường gió bụi.

 

Dân Quốc Học thời chiến chinh ít ai có những kỷ niệm mượt mà đầy lưu luyến rất Huế, rất thơ, rất mộng… với ngôi trường của mình như các cô em nữ sinh Đồng Khánh bên cạnh.  Sau bóng Bình Phong Long Mã cổ kính, uy nghi trước trường Quốc Học đối mặt với sông Hương là mối ưu tư sách đèn dằng dặc.  Quốc Học như một người cha nghiêm khắc.  Đồng Khánh như một người mẹ dịu hiền.  Biết bao đứa con của Quốc Học và Đồng Khánh đã thành đôi, thành đũa.  Nếu gọi hết con cháu của lịch sử 110 năm Quốc Học và 90 năm Đồng Khánh nắm tay nhau, dang ra xa thì có thể đứng trọn 3 vòng trái đất!

 

Cái thế giới “Anh, Em” của Quốc Học - Đồng Khánh một thời quá khứ cũng theo lịch sử xoay vần mà chuyển hướng.

 

Quốc Học và Đồng Khánh bây giờ đều có học trò cả nam lẫn nữ.  Huyền thoại vườn Địa Đàng chấm dứt khi A-Đam và Ê-Và ăn trái cấm.  Huyền thoại “Sâm Thương” của sự cách trở sao Hôm, sao Mai trong cảm xúc hết lý do hiện hữu khi khái niệm về một thế giới cách trở không còn ngăn đôi.  Có một cái gì rất thơ, rất lãng mạn riêng tư của Huế đã bị phai rồi hay không còn nữa?  Bây giờ, có còn chăng một “con đường áo trắng dưới hai hàng long não” dọc bờ Nam sông Hương từng níu kéo những trái tim đa tình, hào hoa về lại Huế?

 

John Milton trong đại trường ca Thiên Đường Đã Mất (Paradise Lost) đổ hô vụ “mất Thiên Đường” cho ma quỷ yêu tinh. E trật mất thôi!  Chính A- Đam và Ê-Và là hai con người nguyên thủy trung thực.  Cả hai đều muốn sống thực, yêu thực; muốn nếm trải hương vị trần gian chua ngọt nầy ra… “răng” mới đam mê nếm trái cấm của nhau tận tình đến thế chứ chẳng có rắn rết, yêu tinh nào vào quấy phá cả.  Không ai quấy phá mình nếu nỗi ước ao, lòng ham muốn của mình chưa ra tay tóm bắt cái tâm mình trước. Khuynh hướng đổ tội cho người là một ngõ cụt hờn mát của con người nhỏ bé trước sự bất lực của chính mình.

 

Một thời học Quốc Học, chú học trò làng quê chân đất trong tôi vẫn thường nhướng mắt nhìn bâng quơ qua “thế giới bên tê”.  Thế giới của những cô nữ sinh Đồng Khánh “Một nàng e lệ thẹn thuồng. Ba nàng xúm lại như tuồng bồ chao!”. Dòng tưởng tượng đậu trên tà áo trắng. Dù cố kiểng chân cao hơn để nhìn cho rõ thì cùng lắm, cái ý tưởng lãng mạn đam mê… miệt ruộng của tôi cũng chỉ vươn lên tới mái tóc thề là cao chót vót.  Ba năm học trên hai dãy lầu Quốc Học, chưa bao giờ tôi bạo gan, lớn phổi dám nghĩ đến có ngày mình sẽ tiếp cận với cái thế giới lạ lùng “bên tê”.

 

Ngày đó, tôi thường băn khoăn tự hỏi, có chăng một trường Đồng Khánh với tất cả những nét tiêu biểu nhất của người con gái Huế như:  Dịu dàng, sâu kín, e ấp, kiên trinh, đảm đang, thương con, thương chồng và giữ chồng nghiêm cẩn như giữ… cọp – sợ cọp sổng chuồng… ăn thịt người ta (?!)  Hôm nay, tôi mới tự tìm được câu trả lời sau 38 năm cưới nàng Đồng Khánh.  Nhưng đây là bí mật A-Đam.  Làm sao chia sẻ được phút huy hoàng chất ngất và chút dâu bể tang thương thuở ăn nhằm trái cấm!

 

Sau năm 1975, tôi có một cảm giác là lạ khi đứng trên bục giảng của trường Đồng Khánh mỗi buổi sáng. Nhìn một lượt quanh lớp, gã thầy giáo văn chương tôi cảm thấy như đám học trò con trai thành khách lạ trong những lớp học có tường vôi hồng chuyển qua tim tím giữa nắng mai mùa Thu. Dáng yểu điệu thục nữ từ màu vôi hồng tím đến cửa vào trường, khung cửa sổ trên cao, lối vào lớp học… đều vương mang dáng vẻ đường cong mềm con gái.  Vì sợ cái ảo giác một thời ngự trị trong tôi thành định kiến, tôi hỏi hai người bạn sinh ra và lớn lên ở xứ Bắc, mới vào Nam và đến dạy ở trường Đồng Khánh lần đầu là Hà Thúc Định và Lê Huy Linh, cả hai đều có cảm nhận tương tự về “nét mềm con gái” của cấu trúc trường Đồng Khánh.  Chính trong thời điểm nầy, tôi học được bài học rất sâu về khái niệm “quán” của đạo Phật.  “Quán” là sự cảm nhận sâu xa, trực tiếp và sống thực bằng một cái tâm rỗng lặng hoàn toàn.  Đấy là kinh nghiệm trực tiếp rất khó để trao truyền hay chia sẻ. Những rung động thuở học trò của tôi khi đứng trên dãy lầu phía Đông trường Quốc Học, nhìn sang trường Đồng Khánh rộn lên những cảm xúc, những mê mẩn, những ân tình mà tôi không thể nào chuyển tải bằng phương tiện ngôn ngữ đến hai bạn Định và Linh từ Hà Nội mới vào Nam được.  Riêng tôi khi đã thành thầy giáo, đứng ngay giữa sân trường và lớp học trong khuôn viên Đồng Khánh, cũng không thể tìm lại được cái cảm xúc miên man, sâu lắng của thuở học trò trong tôi khi từ Quốc Học “dòm qua” Đồng Khánh.  Có lẽ từ tuổi học trò Quốc Học tôi đã để hết tâm tư mình để “quán” về Đồng Khánh và tôi đã tiến rất gần với sự “ngộ đạo”. Nếu ngộ đạo là cái đẹp muôn đời như John Keats mở đầu cho bài thơ Đẹp – Beauty –: “Ngộ ra cái đẹp muôn đời còn vui.” (A thing of beauty is a joy forever.)

 

Hè năm ngoái, đứng trước trường Sorbonne ở Paris, tôi nhìn cái tháp tròn cổ kính và những đường nét chạm trổ đã đứng đó hơn 7 thế kỷ, tự nhiên một nỗi nhớ mơ hồ lại đến.  Tôi nhớ về lịch sử 700 năm công Chúa Huyền Trân; nhớ những nét chạm trổ kỳ tú trên cái bình phong Long Mã trước trường Quốc Học.  Sau chiếc bình phong ấy, ngày xưa, tôi vẫn thường cố dấu mo cơm bới.  Bên trong mo cơm thường có gói lá chuối nhỏ gói chút mắm cà, ớt ướp kho với ruốc mà mẹ tôi chuẩn bị sẵn cho tôi bới theo.  Ngày ngày tôi phải đạp xe đi học đâu khoảng 15 cây số từ làng qua trường Quốc Học. Ngày đó, tôi sợ bị chọc “cụ nhà quê”, chọc “học trò làng”, chọc “dân mắm ruốc” nên cố dấu mo cơm.  Khổ nhất là nỗi lo sợ những cặp mắt xanh của các em Đồng Khánh bắt gặp mo cơm… chiến đấu chẳng nên thơ lãng mạn chút nào của tôi.

 

Có những ngày trời nóng hay gió lớn, bình phong Long Mã lúc nào cũng có các em lai vãng cho vạt áo dài đỡ cuốn theo chiều gió. Thế là tôi không tài nào có đủ bản lĩnh cao cường để mở mo cơm bới mà ăn trước những đôi mắt ngọc ngà quý phái của các em trong suốt giờ ăn trưa.  Tôi nghe thương thương những vị tiền bối đồng môn “cá rô gỗ” trên quê mẹ ngày xưa.

 

Học hành, ra trường, nghề nghiệp, làm ăn, chiến tranh qua hơn 40 năm… hoàn cảnh đã đưa đẩy những người học trò cũ Quốc Học, Đồng Khánh đi xa.  Sống khắp năm châu mà vẫn có cùng nỗi nhớ:  Nhớ Huế, nhớ trường, nhớ Quốc Học Đồng Khánh của thuở hoa niên.

 

Bốn mươi năm, trong một buổi tiệc họp mặt Quốc Học Đồng Khánh ở San Jose, tôi đã gặp lại một khuôn mặt quen quen.  Dường như thời đó, người nầy thường lảng vảng sau bình phong Long Mã.  Tôi có dịp nhắc lại kỷ niệm cũ,  “em” Đồng Khánh ngày xưa, nay đã lên hàng mệ ngoại, ngỏ lời an ủi:

 

“Ui chao! Thời nớ trưa mô em cũng ăn thịt bò bít-tết hay thịt heo cốt-lết với bánh mì và bánh pa-tê-sô phát ớn. Cơ chi biết anh có mo cơm bới ngon lành dữ rứa là em đã tới gạ đổi rồi…”

Tôi cười nói với em như nói với bóng quá khứ của chính mình:

“Ước chi anh là thằng Bờm, cô em hỉ!”

Không chắc “cô em bà ngoại” đã hiểu hết ý tôi nhưng vẫn “dạ” một tiếng rất hiền ngoan, nhưng vẫn đầy vẻ ngang tàng mà ngọt lịm.

Tôi hỏi:

“Nếu cho em một ước mơ… vào lứa tuổi về chiều, em sẽ mơ điều chi trước nhất?”

Em hỏi lại:

“Mơ chi tề?”

Tôi gợi ý:

“Mơ về ngôi trường cũ.”

Sau cái nhìn xa xăm nhưng cũng đủ băng qua biển lớn trôi về quê hương,  em nói:

“Đồng Khánh! Còn mô nữa…”

“Thì Đồng Khánh vẫn còn đó nhưng chỉ đổi tên thôi.”

Cô em cười buồn, chỉ một “em bà ngoại” khác đang cười nói trên bàn tiệc phía góc phòng:

“Như con Tôn Nữ Hoàng Lan thân với em lắm… thê, nhưng qua đây lấy chồng Mỹ đổi tên là Linda Norton làm em cảm thấy dường như hắn mất đi mô, chỉ còn một nửa.”

“Đổi tên là mất một nửa?”

“Dạ, em cảm thấy rứa nhưng không giải thích được.”

“Rứa em có biết vua Đồng Khánh là ai không?”

“Học sử em biết chớ, nhưng không quan tâm.”

“Em nghĩ Đồng Khánh là chi?”

“Em cũng hiểu đó là tên của một ông vua thứ 9 của triều Nguyễn làm vua chỉ được 3 năm thì mất, mới 25 tuổi.  Đó là một ông vua tính tình hiền lành vô thưởng vô phạt. Nhưng dân Đồng Khánh tụi em thì không có đứa nào để ý đến tên vua.  Em mang ý nghĩ “đồng khánh” là cùng vui, cùng mở hội như đồng tình, đồng ý… đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu mà thôi.”

“Nghĩa là em vẫn còn hy vọng một ngày nào đó tên trường Đồng Khánh sẽ trở lại với Huế, vì dẫu cho tên cũ của trường mang tên ông vua Đồng Khánh nhưng chẳng ảnh hưởng gì về lịch sử và chính trị cả phải không?”

“Dạ. Nếu chúng ta nhìn ra xa hơn sẽ thấy tên những ngôi trường xưa nhất thế giới, dẫu cho có lần thay đổi thì truyền thống văn hóa và lịch sử vẫn có khuynh hướng hoàn lại tên trường cũ.  Quốc Học, Đồng Khánh đối với Huế cũng như Havard, Stanford ở Mỹ, Sorbonne ở Pháp, Oxford ở Anh.  Havard lấy tên của một một “ông Tây thuộc địa” Anh là John Harvard; Sorbonne lấy tên của nhà thần học Pháp, Robert de Sorbon; Stanford lấy tên của Leland Stanford… thì cũng là những nhân vật bình thường trong dòng lịch sử nhân văn mỗi nước như vua Đồng Khánh ở nước ta mà thôi.  Giữ tên Đồng Khánh để có sự liên tục về mặt lịch sử văn hóa và giáo dục gần cả trăm năm.  Đồng thời tạo ra một sự tác động tâm lý kế thừa có lợi rất nhiều cho thế hệ đàn em mà chẳng thấy gì đáng ngại.”

 

Tôi đồng ý về giá trị truyền thống của một sự kế thừa như thế.  Các đại học, học viện, trường học có lịch sử lâu dài trên thế giới thường có điều kiện thuận lợi phát triển về cả hai mặt phẩm và lượng nhờ sự đóng góp, hỗ trợ tích cực của cựu học sinh hay sinh viên đã thành tài và thành công ngoài xã hội.

Trong ý nghĩ đó tôi hỏi:

“Trường Đồng Khánh bây giờ đã thành trường Hai Bà Trưng.  Thế những cựu học sinh Đồng Khánh như em không xem trường Hai Bà Trưng bây giờ là trường Đồng Khánh cũ của mình sao?”

“Không anh ạ.  Tình cảm và kỷ niệm thường nằm ngoài tầm lý luận.  Nếu chỉ thuần lý luận thì Quốc Học hôm nay cũng là Quốc Học của anh ngày xưa và Hai Bà Trưng hôm nay cũng là Đồng Khánh của em ngày trước.  Nhưng về tâm cảm thuần túy thì Quốc Học vẫn là Quốc Học; nhưng Đồng Khánh lại mất tên nên Đồng Khánh không còn…”

Câu trả lời thật thẳng thắn nhưng tôi vẫn nghe một chút gì hơi cay cay trong đó. Tôi liên tưởng đến trường Bưởi ở Hà Nội mà tôi đã đọc trong tiểu thuyết; trường Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị và trường Đồng Khánh mà tôi đã dạy; trường Hàm Nghi ở Huế mà tôi đã học; trường Gia Long, Petrus Ký ở Sài gòn mà tôi đã từng chấm thi Tú Tài… đều đã được thay tên khác. Tất nhiên sự thay đổi nào cũng có những yêu cầu nội tại mà kẻ đứng ngoài làm sao hiểu hết được.  Nhưng ngôi trường mang một tên khác sao mà giống một người con gái làng lấy chồng xa.  Hơi hướm chân quê bỗng phôi pha như cô gái quê lên phố về trong thơ Nguyễn Bính: “Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều.”

 

Tôi có dịp ghé thăm và quan sát những tiểu bang hay thuộc địa xa vời của Mỹ như Alaska, Hawaii, Guam… Những nơi đó, giới cầm quyền Mỹ vẫn tiếp tục giữ lại những tên cũ, dẫu đó là những tên phát âm hoàn toàn xa lạ của các nhóm dân tộc ít người bản xứ.  Ngay nơi tôi đang ngồi viết những dòng nầy, thành phố Sacramento và những vùng lân cận nguyên ngày xưa là đất của người Mexico có tên gốc như San Francisco, San Jose, Santa Anna… vẫn còn giữ nguyên tên cũ viết theo tiếng Tây Ban Nha.  Và ngay con đường nơi tôi đang ở cũng mang tên Jefferson Davis, một tổng thống Mỹ chỉ huy lực lượng miền Nam ly khai và cả hai tướng chỉ huy cuộc Nội Chiến Mỹ (1861-1865 với trên nửa triệu người chết và gần nửa triệu người bị thương vong tàn phế) là Ulysses Grant và Robert Lee đều được đặt tên cho những con đường khắp nước Mỹ.

 

Nói về “triết lý” tránh thay chữ, đổi tên của Mỹ, một thực tế mà ai cũng thấy được tại Mỹ, rằng là: “Tên gọi chỉ là phương tiện không quan trọng.  Quan trọng là ai trả thuế và ai thâu thuế từ những tên gọi đó.”  Nước Mỹ thâu thuế “ác liệt” nhất trên thế giới, nhưng phần đông, người trên thế giới lại thích ở Mỹ vì Mỹ chuộng thực tế hơn là những danh từ hoa mỹ.  Liệu “chủ nghĩa thực dụng” trong danh xưng có đáng cho thế hệ mới Việt Nam quan tâm tham khảo và cân nhắc không?

 

Sau bình phong Long Mã, Quốc Học vẫn còn nhưng Đồng Khánh đã thay tên.  Có người bằng lòng, có người chẳng quan tâm, nhưng cũng có người ước mong lấy lại tên cũ.  Nước Việt Nam mình đang bước vào ngưỡng cửa sinh hoạt kinh tế, văn hoá và giáo dục toàn cầu.  Dĩ nhiên, ta không nhắm mắt chê của người, khen của ta hay ngược lại.  Nhưng dẫu sao thì nếu có cơ hội nhìn quanh, nhìn ra xa hơn, nhìn người, nhìn mình để suy nghĩ vẫn nên làm.  Tiếng chim gọi đàn sau Bình Phong Long Mã vẫn rộn ràng và ấm áp hơn là chỉ có gió Nồm và bụi nước sông Hương vào những buổi chiều lộng gió.

 

Sacramento, tháng 9 – 2006

Trần Kiêm Ðoàn
Số lần đọc: 3538
Ngày đăng: 25.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bến nước - Trần Xuân Linh
Đến hẹn lại…lũ . - Lê Duy
Câu thơ-yên ngựa - Lê Xuân Quang
Món nợ không thể đòi - Nguyễn Ngọc Tư
Thành phố tuổi thơ tôi... - Lê Vĩnh Tài
Văn hóa không phải bột nêm . - Trần Nhương
Sách “Đông Chu Liệt Quốc ” - NXB Văn Học 2005 – Một sản phẩm của... con buôn . - Phạm Lưu Vũ
Hỡi tờ xanh - ghê gớm – của ta ơi ! - Lê Xuân Quang
Mênh mang thương nhớ… - Lê Vĩnh Tài
Về Quê Bùi Giáng - Nguyễn Nguyên An
Cùng một tác giả
Cầm chầu HÁT BỘI (truyện ngắn)
Cơm Hến, (dân gian)
Bờ bên kia (truyện dài)
Duyên Tu-1 (truyện ngắn)
Duyên Tu-2 (truyện ngắn)
“Thế à ! ” (phê bình)
Nam mô A-ME-RI-CA (truyện ngắn)
Xuân trong ta (văn hóa)
Thế Hệ Kế Thừa (đối thoại)