Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.210.919
 
Liệu có cần bàn đến danh xưng “ Nhà Văn”
Nguyễn Đức Thiện

Thêm một lần nữa anh N.T lại có bài viết về vấn đề: Thế nào thì được gọi là một nhà văn. Tôi nói như thế để thể hiện điều anh N.T muốn nói, còn đặt vấn đề như anh: Nhà văn anh phải làm gì thì nó to tát quá, rộng rãi quá vì nó liên quan đến cả công việc bếp núc của một nhà văn, ý tưởng của họ và chuỗi dài sự nghiệp của một con người. Đây hình như là lần thứ hai anh lên tiếng, lần đầu ở báo tỉnh, lần sau ở một tờ báo văn nghệ cũng của tỉnh. Cách đây hơn hai mươi năm tôi có một anh bạn chỉ có trình độ lớp 4 bổ túc ở Khu gang thép Thái Nguyên. Vậy mà anh ấy rất say việc viết văn và viết báo. Anh viết rất cực nhọc. Một bài chừng 100 chữ thôi có khi mất của anh hết cả một ngày. Chữ anh, như anh tự mô tả: như những cọng dây thừng, như những cọng rơm quấn lấy nhau, rối rít. Điều đáng nói là anh rất thành công. Bài của anh in khắp nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh. Mọi người gọi anh là Nhà văn Ngô Khuyến Phong, nhà báo Ngô Khuyến Phong. Anh cười tươi lắm và viết nhiều hơn, in nhiều hơn. Người ta gọi anh như thế bằng tất cả sự thương mến với công việc anh làm. Đương nhiên anh chưa phải là hội viên của cả hai hội: nhà báo và nhà văn. Gần đây, ngoài trại viết của Hội nhà văn dành cho các hội viên, các hội chuyên ngành và các Hội văn học nghệ thuật các tỉnh, trong đó có Tây Ninh, thì tất cả những ai có khả năng viết văn và làm thơ, đều được mời đi dự trại, và ở đó người ta hồn nhiên gọi nhau là những nhà văn, nhà thơ. Không gọi thế, gọi là gì bây giờ, vì thực tế họ đang làm công việc đó. Cho nên, nhà văn hay nhà thơ, chỉ là dùng để chỉ về công việc của một người đeo đuổi chớ không phải là một tước hiệu nào đó do cấp nào đó ban phát mà có.

 

Tuy nhiên phải nói đến một điều: công việc của nhà văn là một thứ công việc rất đặc thù. Mỗi tác phẩm của họ là một tác phẩm độc quyền, không có phiên bản thứ hai. Để có một tác phẩm văn học, người theo đuổi công việc này phải toàn tâm toàn ý và hăm hở “ liều mình như chẳng có”. Có người bảo: văn chương giống như cái chợ. Ai thích thì vào không thích thì thôi. Vào không mua, không bán, thì dạo chơi. Thích thì dạo lâu, không thích thì thoáng qua rồi đi. Nghĩa đen đúng là như vậy. Không thiếu  gì người đã hăm hở bước vào nghề văn chương với nhiệt huyết rất cao. Nhưng chỉ một thời gian, có khi vì hoàn cảnh, có khi vì những việc khác hấp dẫn hơn, và cũng có khi lực bất tòng tâm, họ chia tay với văn chương mà không lời từ biệt. Nhưng cũng có người, ngày này sang tháng khác, năm này qua năm khác, lầm lũi một mình viết và cho ra đời những tác phẩm của mình. Cho nên, ai từng những ai đã từng ghé “ chợ văn chương”, từng cầm bút viết thành tác phẩm đều có thể gọi họ là nhà văn, thậm chí, chính họ cũng có quyền xưng danh là nhà văn, nhà thơ nữa mà chẳng ai có quyền bắt bẻ, chẳng ai có quyền bắt buộc họ bỏ đi danh xưng kia. Còn những người suốt đời lầm lũi kia thì phải có một cơ quan quan tâm đến họ, nuôi dưỡng họ và tạo điều kiện cho họ làm tốt hơn công việc của mình, đó là Hội Nhà văn. Những người đã tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội nhà văn là những người sống chết với công việc sáng tác văn học. Bản thân họ thì cũng như bao nhiêu công dân khác, phải hoàn thành nhiệm vụ chính của mình như mọi người. Ở Việt Nam, không có ai là nhà văn chuyên nghiệp cả. Mỗi người phải có một việc gì đó để mà sống: công nhân, công chức thì lãnh lương. Nông dân thì phải cày cuốc. Giáo viên thì phải lên lớp giảng bài. Kể cả những anh thương binh, bệnh binh cũng sống bằng trợ cấp thương tật. Có cả những người tật nguyền sống nhờ vào sự thương yêu của gia đình, vợ, con… để mà viết văn. Cho nên, trước khi gọi ra cái tên nhà văn, họ được gọi đúng với chức danh công việc chính mình làm: Công nhân, công chức, nông dân, giáo viên… Cho đến bây giờ, những nhà văn, nhà thơ là hội viên gọi là được tổ chức nghề nghiệp quan tâm, song thực tế vẫn còn rất nhiều hạn chế. Một nhà văn dưới tuổi bảy mươi may lắm ba bốn năm mới được tài trợ sáng tác một lần. Nhà văn nào sung mãnh trong sáng tác thì vài năm một lần được tham gia trại viết để hoàn thành tác phẩm. Cái mà họ được thường xuyên nhất là một số ấn phẩm do Hội nhà văn chủ trì in ấn. Chỉ xin dẫn một ví dụ: Nhà thơ hội viên cũng như bao nhiêu nhà thơ không phải hội viên khác, một khi muốn xuất bản tác phẩm của mình đều phải tự lo hai việc: kinh phí in ấn và, đầu ra cho tác phẩm. Thế thì có sự ưu ái nào dành riêng cho nhà thơ không hội viên hay nhà thơ hội viên đâu. Thơ, chưa phải là hàng hoá để người ta tranh mua, tranh bán, thì người làm thơ bằng nhau tất. Ai cũng phải tự lo cho tác phẩm của mình thôi.

 

Được là như vậy. Còn trách nhiệm của nhà văn lại quá nặng nề. Một khi đã chấp nhận gia nhập hội nhà văn tức là phải chấp nhận sự công hiến. Viết đến đây, tôi xin kể một chuyện vui: Có một nhà văn động viên một người viết vào Hội. Người kia hỏi: “ Vào hội để làm gì?” . Anh nhà văn kia cười: “ Vào để khỏi phải viết nữa”. Anh ấy hài hước như vậy vì thực tế có những người vào hội rồi, vỗ ngực xưng danh “ ta là nhà văn”, rồi bẵng bặt có khi vài ba năm sau mới viết được một truyện ngắn, hoặc một bài ngăn ngắn để nhắc với mọi người rằng “ ta là nhà văn”. Thế nên, điều lệ mới đây của hội nhà văn đã phải nhắc đến thời hạn không sáng tác của nhà văn để giới hạn độ “ lỳ” của những nhà văn chỉ cần có cái danh xưng.

 

            Không có khái niệm “ giấy tờ”  gì cho một danh xưng. Không thể có nhà văn có giấy và nhà văn không có giấy. Không có khái niệm nhạc sĩ có giấy hoặc không có giấy. Không ai quy hoạ sĩ có giấy và hoạ sĩ không có giấy… Nên anh N.T cũng chẳng cần phải băn khoăn để tranh luận với những người lý giải, ông này là nhà thơ, còn ông kia chỉ là lều thơ. Ong này là nhà văn còn ông kia chỉ là tác giả. Danh xưng chỉ có ý nghĩa chỉ công việc một người đang làm: viết văn thì là nhà văn, làm thơ thì gọi là nhà thơ, vẽ tranh thì gọi là hoạ sĩ, sáng tác, nghiên cứu âm nhạc thì gọi là nhạc sĩ. Tất cả những người làm những công việc ấy, thuộc loại hình nghệ thuật nào thì cố gắng phấn đấu gia nhập hội chuyên ngành, để được quan tâm hơn và có đà để hoàn thành những tác phẩm tốt hơn. Còn khi không phải là hội viên thì họ vẫn làm những công việc được khoác lên họ những danh xưng: nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ… Đâu có cần phải bàn nhiều đến một danh xưng.

 

            Cũng khó đòi như anh N.T muốn: là nhà văn thì phải có tác phẩm, nhiều người viết rất nhiều, có bao nhiêu sách xuất bản, nhưng chẳng một ai biết thì cũng chưa hẳn là một nhà văn. Chuyện một nhà văn viết rất nhiều mà không có độc giả chưa hẳn là họ viết dở. Nó còn lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố nữa, giả tỷ như khâu phát hành chẳng hạn. Nhà thơ muốn in một tập thơ 500 cuốn thôi phải mất từ 5- 7 triệu đồng. Cho là bán hết đi, thì cũng chỉ có 500 độc giả của đất nước 87 triệu dân này có khác gì một phần tư giọt muối bỏ xuống đại dương. Tác giả văn xuôi, ưu ái hơn được các nhà xuất bản đầu tư cũng chỉ in được chừng 1000 cuốn, cho là bán hết đi, cũng chỉ có chừng 1000 độc giả ở đất nước 87 triệu dân. Nhà văn nào chơi sang, mua sách của mình bằng tất cả nhuận bút, mang về tặng bạn bè thân thích, nhiều cũng chỉ được trăm người. Còn để tìm sách mà đọc vào thời điểm này ư? E khó khăn không khác gì mò kim đáy biển. Cho nên, người viết cứ viết. Họ làm cái việc mà trách nhiệm họ phải làm. Người viết sợ nhất hai sự cô đơn. Thứ nhất cô đơn với chính mình. Tức là ngậm tăm viết không được. Thứ hai, cô đơn với chính nơi mình ở: viết cứ viết chẳng có ai biết đến. Nếu được chọn, người viết chon cái cô đơn thứ  nhất, ở đó họ xoay sở rồi thế nào cũng có lúc ra được tác phẩm, dở hay chưa cần biết. Còn cái cô đơn thư hai: tốt nhất là quên đi, lúc nào cũng nghĩ đến nó sẽ tạo ra cho mình sự đố kỵ không cần thiết và làm cho mình bé nhỏ đi trước những người xung quanh và nhất là bé nhỏ đi trước những người cùng đeo đuổi nghiệp văn chương.  

 

            Đến đây tôi xin kể một chuyện nữa để kết thúc bài viết này: có một lần, một anh bạn không biết vì lý do gì mắng vào xơi xơi vào mặt tôi: “ anh là cái gì, là nhà “ dăng “ hả? Nhà “ dăng” là cái quái gì?” Tôi không dám cãi một câu. Thì bởi: nhà văn thì cũng bình thường thôi, như bao nhiêu người bình thường khác. Chỉ có một cái không bình thường đó là sau những lời mắng mỏ cay nghiệt kia, tôi tự nhủ: phải viết nhiều hơn. Và nhất là phải viết cho hay hơn để mà có cho mình những độc giả. Đó cũng là thiên chức của một nhà văn.

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 4700
Ngày đăng: 28.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phạm Lam Anh Nữ Sĩ – Người mở đầu cho thơ ca Quảng Nam. - Nguyễn Hàn Chung
Vài lời mở đầu : Trong Hiện thực & sáng tạo tác phẩm văn nghệ.NXB Hội Nhà Văn- 2006 - Nguyễn Khắc Phê
Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ - Kỳ 4: Rong ruổi đất phương Nam - Trần Đình Thu
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ cuối: Chia tay dòng thơ lãng mạn - Trần Đình Thu
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ 1: Chú bé si tình Nguyễn Bính - Trần Đình Thu
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ 2: Giữa phố phường Hà Nội - Trần Đình Thu
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ 3: Bài thơ tạo ra hiệu ứng kỳ lạ nhất - Trần Đình Thu
Mười năm ....chợt nhớ Nguyễn Tuân - Nguyễn Khắc Phê
Nguyễn Thiên Đạo - Nghệ sĩ VN duy nhất có tên trong từ điển : “LE PETIT LA ROUSSE” - Nguyễn thụy Kha
Khoa cử ở Việt Nam - Tạ Đức Tú
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)