Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.108
123.229.704
 
Hai bên cửa khẩu Mộc Bài
Huỳnh Kim

Sáng ngày 27-9-2006, Việt Nam và Campuchia khánh thành cột mốc đầu tiên trên tuyến biên giới hai nước ở cửa khẩu Mộc Bài - Bavet thuộc hai tỉnh Tây Ninh và Svay Rieng. Chiều hôm đó, đã thấy nhiều du khách chụp hình kỉ niệm tại đây. Cột mốc này nằm trên tuyến đường xuyên Á. Hai bên cột mốc, đang mọc lên hai khu kinh tế cửa khẩu mà mỗi bên, có một dáng vẻ riêng…

 

Tưng bừng casino

Trước sự kiện này một bữa, chúng tôi đã thuê xe ôm lên tới bến phà Neak Loeung, cách biên giới khoảng 110 cây số. Anh Val Thi, chạy xe ôm kiêm phiên dịch, rủ đi tiếp 60 cây số nữa tới Phnom Penh nhưng tôi quyết định quay về để kịp ngủ đêm tại Bavet. Ở bến phà Neak Loeung, thấy xe đò xuống phà mà hành khách vẫn ngồi đầy trên mui; vài em nhỏ bán vé số (có cả vé số của tỉnh Tây Ninh) nói được tiếng Việt. Suốt hành trình, không gặp người ăn xin.

 

Chiều tối về tới Bavet, chúng tôi gặp lại những chiếc xe tải lớn từ Phnom Penh qua, đang đổ hàng cách cửa khẩu vài cây số. Những lô hàng rượu, thuốc lá, quần áo, giày dép… từ Thái Lan về nhanh chóng được chuyển vào các căn nhà nằm ven quốc lộ 1. “Nó sẽ được xé lẻ băng đồng về Mộc Bài chứ không đi qua cửa khẩu” - anh Val Thi giải thích.

 

Từ cửa khẩu ngược lên chừng năm cây số, điện đã sáng trưng một vùng biên giới, các khu casino bắt đầu vào ca đêm. Ngoại trừ casino Las Vegas đang xây dang dở ở gần trường đá gà có tên là Xuyên Á, các casino khác lộng lẫy ánh đèn màu mà dù ở cách xa vài trăm mét vẫn đọc rõ tên: Volvo, New World, Bavet Mộc Bài, Kings Crown, Ma Cau…

 

Chở tôi chạy trong mưa đêm rả rích, anh Val Thi nói: “Dân Bavet mua điện kéo từ bên Tây Ninh qua nhưng họ xài điện sang hơn dân Mộc Bài”. Thật ra, cũng như bên kia đường biên giới, sau lưng những “khu kinh tế” cặp hai bên quốc lộ như thế này là những cánh đồng lúa và xóm làng nghèo khó; nhiều nhà chưa có điện, phải thắp sáng bằng bình ắc-qui.

 

Tối hôm đó, chúng tôi ghé vào hai khu casino Bavet Mộc Bài và Kings Crown, mỗi nơi độ nửa giờ. Trời mưa mà người từ cửa khẩu vẫn đổ qua đông, lớp đi xe hơi, lớp chạy xe gắn máy. Trong casino Kings Crown, có gần 1.000 người đang quây quần bên các sòng bài; bên kia có khoảng 500 khách. Anh Val Thi nói: “Hơn 90% khách là từ Việt Nam qua. Nhiều người chơi thâu đêm suốt sáng. Họ được phục vụ miễn phí khách sạn và ăn uống tại chỗ”. Chen trong đám đông, bám theo tôi là một cô gái khá xinh mang bản tên Khmer mà nói tiếng Việt giọng ngọt ngào: “Đổi đô-la chơi bài đi anh”.

 

Tối bữa đó, trong căn nhà trọ bình dân cách cửa khẩu chừng bảy cây số, anh Val Thi cho biết Chính phủ Campuchia chỉ cho mở casino ở các cửa khẩu biên giới giáp với Việt Nam và Thái Lan. Còn ông To Oun, chủ nhà trọ, thì cho hay giá đất ở đây ba năm trước, một mét tới (1 mét x 50 mét) 200 đô-la Mỹ, còn bây giờ là 10.000 đô-la. Ông To Oun cũng nói, khu casino này còn được “tiếp sức” bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài; như ở trên cánh đồng lúa gần nhà ông, một ông chủ Đài Loan đã thuê 20 héc ta đất để xây nhà máy sản xuất xe đạp xuất khẩu.

 

Xếp hàng… giảm giá

Trước khi sang Campuchia, chúng tôi đã ngủ hai đêm ở nhà trọ Tiến Dũng thuộc xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, cách chợ đường biên Mộc Bài gần hai cây số. Ông Xiêm, chủ nhà trọ, cho biết nhà của ông cũng như toàn bộ dân cư ở xã này sẽ phải di dời khi khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài mở rộng. Ông Xiêm nói: “Chưa ai chịu giá đất đền bù tối đa chỉ 125.000 đồng/mét vuông. Vì họ lo sẽ giống như hàng trăm hộ đã ra đi hai năm trước đây, bây giờ nhiều người không chạy xe ôm thì hàng ngày phải đi xếp hàng giảm giá”.

 

Cái cảnh “xếp hàng giảm giá” này đã quá quen thuộc với người dân địa phương. Hôm đó là thứ hai, mới 8 giờ sáng đã có gần 1.000 người xếp hàng trước cổng khu thương mại Mộc Bài. Bên trong là siêu thị Thế kỉ Vàng, siêu thị Smiling và chợ đường biên Mộc Bài với những kho hàng nhập khẩu bán miễn thuế. Lúc đầu không phải xếp hàng; nay thì mỗi người, bằng chứng minh thư hoặc hộ chiếu, được cấp một phiếu mua hàng miễn thuế trị giá 500.000 đồng trong một ngày. Đa phần dân nghèo ở đây chuyên đi xếp hàng để mua rượu ngoại và phụ tùng xe gắn máy Thái Lan bán lại; mỗi ngày một người kiếm được khoảng 10.000 đồng. Trong khi đó, đội quân xe ôm đông khoảng 300 người, chạy giỏi một người kiếm được 80.000 đồng/ngày.

 

Thấy chúng tôi loay hoay chụp hình, một ông nông dân chìa tấm chứng minh thư tên Nguyễn Văn Lung ra, mời: “Tôi mua rượu cho anh nghen. Trả tôi 8.000 đồng thôi”.

 

Ông Đặng Xuân Đức, Giám đốc Công ty Chợ Đường biên Mộc Bài nói rằng nên tăng lên hai triệu đồng cho mỗi phiếu mua hàng giảm giá để người dân nghèo và cả doanh nghiệp được lợi hơn. Công ty của ông đã đầu tư vào đây hơn 35 tỉ đồng, thu hút 70 doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh hàng miễn thuế. Tháng 8-2006, các doanh nghiệp này bán hàng được hơn 25 tỉ đồng. Ông Đức nói, ngoài ba kho hàng đã đầy kín, sang năm công ty sẽ xây thêm hai kho nữa.

 

Bên kia con đường xuyên Á đối diện khu chợ này là một trung tâm thương mại vừa kinh doanh vừa xây dựng. Trên cánh đồng lúa rộng gần 50 héc ta ngày nào, giờ đây đã là Trung tâm Thương mại Hiệp Thành.

 

Đi tắt qua cổng siêu thị Thế kỉ Vàng, chúng tôi gặp trụ sở Ban Quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nằm gần trụ sở hải quan và biên phòng. Ông Dương Thành Vấn, trưởng phòng Kế hoạch và đầu tư của ban này, cho biết cả khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài sẽ rộng hơn 21.000 héc ta, bằng một nửa diện tích hai huyện Bến Cầu và Trảng Bàng, với các khu công nghiệp, khu thương mại, khu dân cư và khu du lịch sinh thái.

 

Ông Vấn nói: “Hiện nay đang làm khu thương mại và đô thị 1.355 hécta nhưng ngân sách tỉnh và nhà đầu tư mới đền bù được hơn 400 héc ta; nhiều nơi còn “da beo” vì kẹt cơ chế đền bù giải tỏa và chưa có cơ sở hạ tầng”.

 

Về chuyện “xếp hàng giảm giá”, ông Vấn cho biết máy tính ghi nhận mỗi ngày có khoảng 4.000 khách, riêng chủ nhật có tới 10.000 khách tham gia, trong đó chỉ có 10% là từ Campuhcia qua. “Chúng tôi mong muốn đảo ngược tỉ lệ này, 90% khách từ phía Campuchia qua thì mới đúng nghĩa là khu kinh tế cửa khẩu” - ông Vấn nhấn mạnh./.

Huỳnh Kim
Số lần đọc: 4365
Ngày đăng: 03.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mẹ - Mặt Đất Bao Dung - Nguyễn Nguyên An
Làm gì…. cho những người vô gia cư - Nguyễn Nguyên An
Về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư - Lê Phú Khải
Biên giới Tây Nam, mùa nước nổi - Huỳnh Kim
Tỏ tình với cuộc sống - Trần hữu Lục
Nơi Nguồn Sông Chim Hót - Nguyễn Nguyên An
Nẩu lòng đất đai - Võ Ðắc Danh
Thư Sài Gòn - Trần hữu Lục
Xuôi ngược tàu TN 1/2 - Nguyễn Nguyên An
Mêkông trong trí tưởng - Huỳnh Kim
Cùng một tác giả
Hàn vi (thơ)
(thơ)
Xa nhau (thơ)
Đêm (thơ)
Thu (thơ)
Nuôi cu (thơ)
Cánh Bướm nâu (truyện ngắn)
đất (thơ)
(thơ)
Đây là Scotland. (lịch sử)