Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.088
123.232.598
 
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn : Hội nghị lý luận phê bình II tại Đồ Sơn
Nguyễn Thanh Mừng

So với Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ I cách đây 3 năm tại Tam Đảo, Hội nghị II tại Đồ Sơn có số lượng đông hơn bởi lần này, ngoài các nhà lý luận phê bình, còn một số nhà văn nhà thơ tiêu biểu. Bà xã tôi có giấy mời đích danh, còn tôi đi theo giấy mời đại diện giành cho cả 64 Hội VHNT các tỉnh thành trong toàn quốc. Nhiều đại biểu có chung một ý nghĩ rằng đừng quá kỳ vọng mọi vấn đề sẽ được giải quyết rốt ráo trong một hội nghị, dù là một hội nghị cấp quốc gia sang trọng với những đối tượng tinh túy của nghề nghiệp. Nhưng phần “phong trào” của một tổ chức như Hội Nhà văn là phần không thể xem nhẹ, nó đưa những đồng nghiệp từ bốn phương trời có cơ hội gặp nhau, bình tĩnh lắng nghe nhau trong hội trường, ngoài hành lang và không loại trừ những cuộc trao đổi chuyện trò trên đường tham quan dã ngoại hay ngồi bên bàn trà bàn rượu. Vẫn biết, cuối cùng văn chương chỉ thực sự khởi hành khi nhà văn cô đơn đối diện với trang giấy trắng trong đêm, các khái niệm lớn lao như tâm huyết, tài năng, truyền thống, hiện đại, dân tộc, quốc tế v.v... sẽ bùng nổ và thăng hoa ở đấy, nhưng sự giao lưu của đồng nghiệp các thế hệ trong bối cảnh thơ mộng của trời mây non nước cũng là một cách thức hay ho, kiểu như “quần phương hiến thụy”.

 

Ngày đầu tiên từ Hà Nội xuống, hàng trăm người đã được ban tổ chức chia làm hai nhóm, nhóm đi thăm đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhóm đi đảo Hòn Dáu. Một đại biểu khái quát vui rằng đây là dạng đi thực tế của nhà văn, bởi trước nhất phải có hiện thực đời sống, sau đó mới tính chuyện sáng tác rồi tiếp theo là phê bình lý luận. Đồ Sơn nằm giữa hai cửa sông Lạch Tray và Văn Úc là lục địa cổ thuộc bộ Thang Truyền đời vua Hùng, địa hình ví như một con rồng đang chầu về viên ngọc là Hòn Dáu, đuôi quẫy ra khơi làm thành Bạch Long Vĩ. Tháp   trên đỉnh núi Vạn Sơn là Tường Long còn lại nền, viên gạch chân có hai hàng chữ Hán "Lý gia đệ tam đế, Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo" cho biết đời vua Lý thứ 3, tức Lý Thánh Tông, niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình năm thứ tư, theo dương lịch là năm 1057. Chùa Vân Bản cạnh đó có một quả chuông đồng cổ thời Trần đã từng bị ngâm dưới nước biển mấy trăm năm, nhưng được đúc với một tỷ lệ vàng quá cao nên mãi năm 1958 ngư dân mới trục lên được mà vẫn nguyên vẹn, tiếng còn ngân mấy trăm dặm. Có một điều, hầu như nhà văn nào cũng tiếc không ra kịp lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, một lễ hội độc đáo và duy nhất ở nước ta, được tổ chức vào 9/8 âm lịch hàng năm, mới diễn ra cách đây đúng 3 ngày. Nó gắn với tục thờ cúng thuỷ thần và tục hiến sinh, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển Hải Phòng. Tương truyền ngư dân Thần Hoà theo gió mùa ra biển đánh cá bị bão dạt vào bán đảo Đồ Sơn. Khốn khổ vì thiếu nước ngọt, ngư dân khấn cầu thần linh. Trước khi một trận mưa lớn đổ xuống, có người nhìn thấy một ông già tóc bạc phơ ngoài biển, tay cầm gậy trúc ngước trông đôi trâu chọi nhau dưới trăng sáng. Từ đó, người dân lập đền thờ thần, tổ chức những cuộc chọi trâu và lưu truyền đến ngày nay. Chuyện ấy xảy ra đã một nghìn tám trăm năm rồi. Lại có người cho rằng tục chọi trâu có từ 1741, hồi Nguyễn Hữu Cầu lập bản doanh ở Đồ Sơn làm nên cuộc khởi nghĩa Quận He. Ai đến đây cũng được giới thiệu về bến tàu "Không Số", nơi xuất phát của những con tàu không số huyền thoại “đường Hồ Chí Minh trên biển” hết sức thần kỳ của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến Mỹ. Các nhà văn có thể tìm hương vị biển Đồ Sơn như cá khô, tép xăm, mực khô, xá sùng, hàu, mắm tôm, vây cá nhám, bong bóng cá dưa, cá sủ trong chợ Cầu Vồng. "Dinh Bảo Đại"trên đồi được đầu tư phục chế từ biệt thự Bảo Đại. Cả hàng nghìn mét vuông gồm đại sảnh, nơi vua Bảo Đại tiếp khách, phòng ngủ của Nam Phương hoàng hậu và của các hoàng tử, công chúa, các phòng ăn, phòng trà, phòng đọc sách và cả hầm rượu, bếp riêng cho hoàng gia. Ai muốn làm vua và hoàng hậu, có ngay ngai vàng và sắc phục chụp ảnh kỷ niệm. Khu Casino Đồ sơn trước là khách sạn Vạn Hoa - một toà nhà cổ kiến trúc theo kiểu gô-tích châu Âu, khuôn viên đẹp, có bãi đỗ trực thăng. Nay nơi này dùng làm trung tâm hội nghị quốc tế, casino dời xuống khu xây dựng mới bên dưới. Đền Bà Đế ở chân núi Độc cuối bến Xăm là ngôi đền linh thiêng, tương truyền bắt đầu từ câu chuyện tình duyên ngang trái của một thôn nữ hồn nhiên với chúa Trịnh Giang. Truyền thuyết Bà Đế được cuốn La Légende de Ba De của nhà Đông phương học người Pháp Panh Mumier ghi lại đầu tiên, nhà in IDEO Hà Nội ấn hành năm 1930. Vạt áo cẩm bào phủ lên áo nâu non của cô gái cắt cỏ da trắng tóc dài, môi hồng chúm chím đã để lại cái thai oan khuất, bị dân làng gọt đầu bôi vôi, cho đeo đá dìm xuống sông. Khi vị chúa đa tình quay lại đón rước thì người tình có tiếng hát mượt mà chim phải dừng sóng phải lặng ấy đã gửi linh hồn vào vòi vọi mây xanh! Cuối khu II Đồ Sơn có tàu thuỷ cao tốc đón khách du lịch đi tham quan Hòn Dáu, đảo Cát Bà và vịnh Hạ Long. Sóng biển mùa này rất tợn, thuyền cao tốc phải đi đường vòng, nhưng đoàn vẫn đến đích, vượt núi bình thản ra tế Nam Hải Thần Vương, một bộ tướng đời Trần mà các tàu thuyền ngư dân làm điểm tựa tâm linh, hương khói mỗi khi ra khơi vào bến. Sau đó, trèo lên ngọn núi với lối đi quanh co ngoạn mục, vòng vèo trên những bậc cầu thang gỗ đến đỉnh ngọn đèn biển cao 25 mét đứng trò chuyện. Thật ấn tượng, thật tuyệt vời! Rời đảo, tất cả vòng về Casino, mỗi người được phát cho cái thẻ đeo lên cổ để vào tận các sòng bạc mà quan sát. Đây là điều mới lạ. Tất cả các đoàn tham quan thông thường đều đứng ngoài mà ngắm. Chỉ những con bạc nước ngoài mới vào được bên trong qua năm bảy lần cửa bảo vệ với những nhân viên có khuôn mặt rất bí hiểm. Tối, trên chuyến xích lô, một số người có ý tiếc rằng hồi chiều mệt quá không đi và hỏi tôi sự vụ thế nào. Tôi bảo tuy mới lướt qua, nhưng giá viết bút ký, tôi cũng đủ tự tin mô tả, khỏi lóng ngóng. Ở casino Đồ Sơn, khách đánh bạc với công ty, không có chuyện khách sát phạt nhau. Nghe bảo chơi theo luật quốc tế, chơi sòng phẳng trên nguyên tắc may rủi, không có chuyện lừa bịp và hơn mười năm qua, đã được khách tín nhiệm. Mỗi năm casino nộp thuế gần 30 tỉ. Lên thang máy, sau khi qua bộ phận máy scanner kiểm tra, vào trong căn phòng trải thảm lộng lẫy, có tám chiếc bàn màu xanh. Đó là các môn chơi. Có bàn chơi bằng các con bài tây, có bàn lại dùng một khối hình kiểu “chiếc nón kỳ diệu”. Thay vì chiếc kim chỉ số, quyết định vận mệnh đỏ đen là một viên nhựa tròn như quả bóng bàn nảy công cốc trên hai mâm xoay ngược chiều nhau. Tất cả các bàn trong casino đều có camera theo dõi, ngoài ra, có các floor man người nước ngoài mặc áo đỏ ngồi trên các ghế cao kiểm soát. Cầm càng các bàn chơi là các chàng trai, cô gái Việt đóng vai trò chủ cái, thoăn thoắt điều khiển những chiếc xẻng nhựa để hót chíp. Người sành sõi có thể nhận biết được tay nghề của chủ cái qua sự điêu luyện trong chia bài, thu ngân. Đánh bạc ở đây, người ta phải đổi tiền mặt ra xèng hoặc chíp. Khi đánh không hết hoặc khi thắng bạc, xèng, chíp được đổi thành tiền mặt. Mệnh giá của các đồng chíp ở đây là từ 1 USD  lên đến 5.000 USD. Slot- machine nghĩa là máy giật xèng, người đánh với máy. Giật cái tay quay kia sau khi bỏ các đồng xèng vào khe này, thế là xong. Các loại hình khác như Baccarat, Black jack, Roullet, Big - Small... thì dùng chíp, tức những miếng nhựa tròn in hoa văn đặc biệt và có mệnh giá khác nhau. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh- tác giả những “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng ngàn” đang nổi như cồn- huơ tay bảo từ bé đến giờ ông chưa hề mê cờ bạc, như một trận đồ bát quái không hiểu nổi. Hôm sau gặp nhà văn Bão Vũ, nghe anh nói rằng anh đã lấy bối cảnh này để viết truyện ngắn “Ván bài Tỉ điểm tử”. Tôi đã đọc nhiều Bão Vũ và lặng lẽ một tình cảm với văn anh. Nhà văn Bão Vũ ngồi cạnh tôi trong hội trường, bất chấp người ta đang phát biểu tham luận, vô tư đọc thuộc lòng bài “Đám cưới Huyền Trân” và cho biết tác phẩm nào của tôi trên mạng, anh cũng lấy xuống để đọc dần. Vì quý mến, thế thôi. Chút ân nghĩa văn chương ấy ở đời, sâu nặng biết dường nào.

 

Đồ Sơn lâu nay nổi tiếng vì thân phận những cô Kiều khi du khách bình thường cũng không khó phân biệt trong số các nhà nghỉ đâu là lầu Xanh hay lầu Ngưng Bích. Với 22,5 km bờ biển với 2450 mét bãi cát mịn dùng làm bãi tắm lý tưởng, có vẻ gì gợi đến “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia...” Trên những chuyến xích lô rong ruổi quanh thị xã đêm, chúng tôi đã được anh xích lô vui tính lượn qua dãy phố hẹp và bảo rằng ở đây chỉ mùa hè mới có tiếng ve ca lanh lảnh, nhưng bốn mùa thì có đủ lanh lảnh ca ve. Ấy là một thực tế sôi động. Có vẻ như Đồ Sơn đang vươn mình vượt thoát khỏi tình trạng nhếch nhác trong quy hoạch, trong kiểu chèo kéo của các hàng quán ven bờ biển với lối chém chặt cò con rất phi du lịch. Có vẻ như Đồ Sơn đang hối hả chuyển mình. Quyết tâm của Hải Phòng nói chung và Đồ Sơn nói riêng để đưa Đồ Sơn trở về đúng vị trí của nó, lộng lẫy và chuyên nghiệp trong ấn tượng du khách. Những chương trình thu hút đầu tư lớn song song việc khánh thành Do Son Resort Hotel là khách sạn 4 sao chuẩn quốc tế đầu tiên cùng với việc mở tuyến bay thẳng Ma Cao- Sân bay Cát Bi, tuyến tàu taxi Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long sẽ là một lợi thế mới thu hút du khách đến với Đồ Sơn. Những đợt sóng của Đồ Sơn trong thời hội nhập, mở cửa với bối cảnh toàn cầu hóa, bên cạnh những mở mang kiến thiết tưng bừng vẫn còn lưu lại không ít xót xa, nổi đình nổi đám như vụ lùm xùm về đất đai mà  báo Văn nghệ Trẻ phối hợp với Hội Nhà văn vừa ra hai tập “Đau lắm Đồ Sơn ơi”. Biết làm sao được?

 

Xét đến cùng, chuyện vui lắm buồn cũng nhiều đâu chỉ một Đồ Sơn. Ngay trong thực tế của đời sống lý luận phê bình nước ta cũng thật thiên hình vạn trạng, đến nỗi người cầm chịch bên cạnh biểu dương thành tựu phải đề dẫn những yếu kém bằng hai từ “loạn chuẩn” để chỉ những căn bệnh trầm kha của một thể loại. Ấy là điều có thật và tất yếu xảy ra khi văn học đổi mới trong sự đổi mới của toàn xã hội, chịu tác động rất mạnh của yếu tố dân chủ, thị trường và cá nhân. Không một quốc gia, dân tộc nào có thể đứng ngoài xu thế chung của lịch sử, sự phong phú và phức tạp của phát triển đan xen nhiều yếu tố, tạo nên những xung đột đa chiều trong quá trình xác lập các giá trị mới. Tinh thần chung mà BCH Hội Nhà văn đưa ra để nghị sự là như vậy. Một ngày rưỡi ngồi trong hội trường lắng nghe hăm lăm trên sáu chục tham luận đăng ký và cả ý kiến nói vo, tôi nhận ra rất nhiều điều để suy ngẫm. Việc tổng kết hội nghị và hướng mở ra đã được Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh làm rất chu đáo và các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã tường thuật kỹ càng.

 

Trên đường về, trong ánh trăng Rằm tháng Tám, nhà văn Trung Trung Đỉnh (chắc đang nhậu) nhắn đùa với vợ chồng tôi: “Trung Thu là của thiếu nhi- Cớ sao người lớn lại đi chơi nhiều- Đi chơi rồi lại làm liều- Làm liều lại đẻ ra nhiều thiếu nhi”. Tôi cũng nhắn đùa lại ngay tắp lự: “Nghĩ thương các cháu thiếu nhi- Đứa thì  viết truyện, đứa thì làm thơ- Mơ sau đi khắp bến bờ- Bút nghiên thần diệu có cơ tung hoành”.      
Nguyễn Thanh Mừng
Số lần đọc: 3996
Ngày đăng: 13.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lê Phú Khải, Người đầu tiên nêu khẩu hiệu “chung sống với lũ” - Nguyễn Thị Kỳ
Nỗi buồn của má - Linh Phương
Việc lớn trước mắt : chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự - Lại Nguyên Ân
Thử nhìn về những người làm văn nghệ tỉnh lẻ. - Hồ Chí Bửu
Panduranga và bài hát cây xương rồng - Đinh Thị Như Thuý
Tản mạn chuyện nhà văn. - Nguyễn Đức Thiện
Chút tâm sự sau Bình Phong Long Mã . - Trần Kiêm Ðoàn
Nơi tôi gửi lại tuổi thơ... - Nguyễn Thị Hậu
Bến nước - Trần Xuân Linh
Đến hẹn lại…lũ . - Lê Duy