Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.213.573
 
Nó và 9 m2
Lãng Hiển Xuân

Khi chuyện này được chép ra đây, thì nó đã an bài trong một căn phòng cũng 9 m2 diện tích. Và bố nó cũng đã đủ thời gian để ngẫm nghĩ lại những điều gì mà ông ta đã tạo ra. Còn mẹ nó, chỉ biết ngồi nhìn chiếc xe “Wave” của nó nằm trong góc nhà để mà than thân trách phận...

                                                                   *

            Như bao người con gái khác đồng trang lứa, nó lớn lên trong sự yêu thương hy vọng của những người sinh ra nó. Con người ta dù xấu đến mức nào đi chăng nữa cũng không thể thù ghét đứa con của mình đã sinh ra. Ông ngoại nó là một bác sĩ già, hiền đến mức bạc nhược trước một thằng con rể như bố nó. Mẹ nó vốn là nữ sinh của một trường rất nghiêm túc - trường của bên nhà dòng Đức mẹ mến thánh giá - chỉ vì ham vui mà đã rơi vào vòng tay của bố nó. Ông nội nó là địa chủ từ thời trước, nhà giàu có nổi tiếng khắp cái tỉnh lẻ này. Điều nổi tiếng hơn nữa là ông ta có đến sáu bà vợ, bố nó là con út của bà vợ thứ sáu. Thuở thanh niên bố nó cũng rất nổi tiếng về tiêu tiền và sống phóng túng. Trước giải phóng, cả vùng đều biết đến bố nó như là một tay chơi không biết sợ là gì. Trong một lần bạn bè thách đó nhau, bố nó đã để lại trong lòng mẹ nó cái bào thai mà sau này sinh ra nó. Nó sinh ra trong nỗi buồn của mẹ và ông ngoại.

           

            Miền Nam hoàn toàn giải phóng thời thế đổi thay, địa vị của con người ở trong đó cũng có những xáo trộn. Bố nó không còn được ngang tàng như trước đó nữa mà đã đến với mẹ nó như là để tìm một chỗ náu thân. Chính vì lẽ đó nên bố nó thường hay cáu giận và thường đánh đập mẹ nó mỗi khi có điều gì trái ý. Cuộc sống của mẹ nó giờ chỉ như là một sự cam chịu nhẫn nhịn. Còn ông ngoại nó không chịu được cảnh đó nên phải vào trong Nam sống với một người con khác và để lại cho bố mẹ nó một căn nhà cổ nép trong một khu vườn cây trái sum suê.

 

            Nó lớn lên một cách trắng trẻo ngoan ngoãn, trong im lặng. Đến thuở thiếu nữ, tuy hiếm khi thấy nó cười, nhưng những lần nó cười là y như là sắp hút hồn người khác vào trong mắt nó. Với một cơ thể cân đối, bộ ngực đầy đặn, dáng đi nhẹ nhàng và đôi mắt thăm thẳm đã làm cho rất nhiều người khác phái không thể không ngắm nhìn. Ngày nó bắt đầu trở thành thiếu nữ, bố mẹ nó phải nhường căn phòng của hai người cho nó. Nó rất sung sướng và tự hào với căn phòng này. Căn phòng tuy đơn sơ với 9 m2 diện tích, nhưng lại là thế giới thiếu nữ riêng của nó. Nó luôn được thấy vô cùng tự do trong căn phòng của nó. Những khát vọng thiếu nữ, những thầm kín học trò, những nỗi buồn vu vơ và cả những hẹn hò trong tâm tưởng đều được nó chất đầy trong căn phòng 9 m2 ấy.

 

            Mỗi lúc đi học hay đi chơi về, nó đều đứng trước gương để tự ngắm mình, tự hỏi và tự trả lời những câu hỏi thiếu nữ của nó. Ngoài cái cửa ra vào luôn được khép chặt, căn phòng của nó còn có hai cái cửa sổ vuông vắn được ngăn bằng những chấn song kiểu cũ dọc từ trên xuống dưới. Một cái quay về hướng Nam là của mùa mưa với những bài thơ thiếu nữ được chép đầy trong trong trang vở học trò, một cái kia là của mùa nắng với những bài hát của Trịnh Công Sơn mà nó rất thích và thường ngâm nga mỗi khi hứng chí. Cuối hai cái cửa sổ đó là những dãy hàng rào tre nhỏ như những bụi cây hóp. Đối với bạn học đồng trang lứa thì căn phòng đó chính là một căn phòng hạnh phúc mà đứa nào cũng ước ao. Ngoài mẹ nó ra chẳng ai dám vào căn phòng của nó, trừ những bức ảnh của các băng nhạc nhẹ nổi tiếng và một vài đứa bạn gái. Cho đến khi nó tốt nghiệp Đại học thì căn phòng ấy vẫn là căn phòng thiếu nữ đầy ăm ắp mộng mơ và kỷ niệm.

 

            Người ta thường nói: “Con gái nhờ phúc cha...” Nhưng từ khi sinh ra và lớn lên, dường như nó chưa vướng vào chuyện nào phải buồn khổ cả.Chỉ đôi lúc nó phải buồn bởi những lần  bố mẹ nó cãi nhau và kết thúc là sự bạo hành của bố nó dồn lên người mẹ nó, một người đàn bà cam chịu. Hồi mẹ nó sinh đứa em trai sau nó, nghe mẹ nó hát ru em bằng một câu ca dao xưa: “Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng...” Nghe thế, nó đã ngồi nhìn ra cái cửa sổ và ứa ra những giọt nước mắt. Tuy nó chẳng biết “Tam tòng tứ đức...” là như thế nào, nhưng trong gia đình nó, mỗi mệnh lệnh của bố nó là mọi người phải có nghĩa vụ thi hành.

 

            Ngày nó sắp tốt nghiệp Đại học là lúc cửa hàng buôn bán đồ cổ, hàng lưu niệm của gia đình nó đang đà làm ăn phát đạt, nhất là những món hàng chạm khắc gỗ. Bố nó phải thuê một nhóm thợ về nhà và đi lùng mua những cội mít già để sản xuất bán cho người nước ngoài. Không biết bố nó đã dùng loại hoá chất gì mà khi phun vào những món đồ gỗ mít ấy thì chúng bóng lên trông giống đồ cổ từ xưa để lại. Những lúc rảnh, nó lại phải ra quầy hàng để trông hàng và bán hàng cho bố mẹ nó. Từ đây, cuộc sống của nó đã được định đoạt qua những món đồ giả cổ đó.

           

            Jonh, một khách hàng quen thuộc của gia đình nó, qua về Việt Nam như cơm bữa.Một người quốc tịch Anh nhưng thuộc những chi tiết trên ông Phật La Hán còn hơn thuộc đất nước của mình. Jonh rất mê những con rồng triều Nguyễn, bởi như Jonh nói: Trông nó ngạo nghễ và dữ dằn hơn những con rồng ở ngoài Bắc. Biết là đồ giả cổ nhưng Jonh không hề phàn nàn,vì nếu không thì làm sao mà đưa qua cửa khẩu hải quan được và lẽ đương nhiên giá tiền cũng là tương ứng. Có lần Jonh nói đùa: “Ở bên này chỉ toàn đồ giả chỉ có thiếu nữ là thật!” Và Jonh đã phải trả giá cho điều này.

 

            Jonh mê nó bắt đầu từ cái miệng của bố nó và cả một ít vốn từ tiếng Anh của mẹ nó. Nhưng chủ yếu là mê cái chất thiếu nữ trong con người nó. Lần đầu tiên gặp nó, Jonh đã bị choáng ngợp. Trong không gian của phòng khách, giữa những món đồ không biết đâu giả đâu thật thì nó nổi bật lên như một sự thật hiển nhiên và lấp lánh trước mặt Jonh. Vừa bước vào nhà lúc đi học về, bắt gặp ánh mắt sững sờ của Jonh nó đã tự rủa thầm trong bụng. Bố nó bắt nó “Hê lô!”, nhưng nó chỉ lý nhí “Chào... chào ông!” như mọi thiếu nữ khác, bao nhiêu vốn tiếng Anh đã học bay vuột đi đâu mất khỏi đầu nó. Từ đó, chẳng biết bố nó đã hứa gì với Jonh, nhưng những lúc đi học về, lỡ gặp ánh mắt xanh lơ của Jonh là nó lại quáng quíu ngọng nghịu. Càng ngày Jonh càng qua lại Việt Nam nhiều hơn và những món quà quý xuất xứ từ Anh, Mỹ của Jonh đã làm cho cả nhà lấp láy, và nó cũng đã bớt ngọng nghịu quáng quíu mỗi lúc đi học về. Sự có mặt của Jonh dần trở nên quen thuộc trong gia đình nó.

           

            Hôm nó dự lễ trao bằng cử nhân, một lẵng hoa Hồng vàng đã làm cho nó ngợp đi trong ánh mắt thèm khát của bạn bè. Nhưng thực ra trong nó cũng chưa thấy lay động gì trước ánh mắt xanh lơ đắm đuối của Jonh. Đôi lần Jonh có nhã ý mời nó đi chơi riêng nhưng nó từ chối.

 

            Một lần chỉ có hai bố con, bố nó bảo: “Việc làm ăn của nhà mình phát đạt một phần là do Jonh giúp đỡ. Nồi gạo của nhà mình đầy hay vơi là do con. Con cố giúp ba đưa Jonh đi chơi và thăm thú đây đó, hơn nữa ba cũng không biết tiếng Anh nên ba rất trông chờ vào con. Con có thương mẹ và em thì con giúp ba với nghe!...”Nghe bố nó nói vậy nó lại nghĩ: “Chưa chắc ba đã đúng, nhưng ba nói cũng có lý của ba, hơn nữa đi chơi thăm thú đây đó với Jonh chưa hẳn đã là xấu, một đôi lần thì cũng chẳng có chi mà phải ngại sợ!”.

 

            Thế rồi mỗi dịp đi chơi ngắn ngủi cùng Jonh trở về, nó lại thấy trong ánh mắt xanh lơ của Jonh cứ ánh lên một điều gì đó mà trái tim thiếu nữ nhún nhảy của nó chưa thể nhận ra nổi. Những cái cầm tay vô tình, những lần quàng vai hợp lý và cả những va chạm như không để ý đã dội lên trong nó những luồng điện cảm mới. Và nó cứ nghĩ Jonh là người tốt như một sự khẳng định.

            Một lần Jonh vừa sang đúng với dịp sinh nhật của nó, Jonh đã tặng cho nó một con “Mọi đen” cởi truồng trông thật ngộ nghĩnh.Mắt thì cứ nhắm tít lại nhưng lưỡi lại thè ra như là để chế nhạo, như là rất thích thú với cái thân xác trần truồng của mình. Còn mái tóc thì trông bù xù như mái tóc của ca sĩ Bác-ba-ra ở bên Mỹ. Bạn nó đứa nào cũng khoái con “Mọi đen” ấy. Dù Jonh chưa một lần được đặt chân vào căn phòng thiếu nữ của nó, nhưng con “Mọi đen” ấy cũng đã có được một vị trí xứng đáng trong căn phòng này.

 

            Hôm đó, lúc tan cuộc vui, Jonh hỏi nó: “Em thích sang sống bên Anh không?” Nó bảo: “Thích, nhưng được sống ở trong căn phòng của em còn thích hơn!” Jonh lại nói: “Anh chưa được vào căn phòng của em nhưng anh có thể cho em được nhiều căn phòng hơn thế!” Nghe Jonh nói vậy, nó chỉ cười: “Anh chưa vào thì biết căn phòng của em như thế nào mà bảo hơn với kém!”. Nó nói xong đôi mắt xanh lơ của Jonh lại ánh lên vời vợi. Cùng đêm đó, khi các bạn nó đã về hết,không thấy bố mẹ nó nhắc đi ngủ sớm như mọi khi, nó và Jonh đã cùng ngồi nghe những con dế hát đến tận khuya...

           

            Chẳng biết định mệnh là như thế nào, nhưng những cái ngẫu nhiên đã làm thay đổi cuộc sống của nó, một thiếu nữ vô tư trong sáng. Đến một ngày, đó là ngày sinh nhật của Jonh và được gọi là ngày định mệnh của nó. Những cây nến trên cái bàn được kê vội ở ngoài vườn nhà nó cứ lung linh theo giai điệu của bản nhạc “Happybritday” được phát ra từ chiếc máy “Compac dis” xách tay nho nhỏ mà Jonh mang từ nước ngoài về để tặng nó và nó cũng lung linh như những ngọn nến ấy. Từ chiều, để tỏ ra là người lịch sự, nó cũng đã mua ba chục bông hồng nhung bằng số tiền dành dụm thiếu nữ của nó. Chìm trong khung cảnh đầy mê hoặc ấy là khuôn mặt tròn trĩnh với đôi mắt đen nhánh lấp lánh trong ánh sáng từng cây nến của nó. Jonh trìu mến: “Mắt em hôm nay có lửa!”. Nó cười, nhìn những giọt nến chảy nhễu xuống mặt bàn và nói: “Nước thì có chứ lửa thì không có đâu!”...

           

            Hôm ấy, lần đầu tiên nó uống rượu và lại là rượu Tây. Sự e ngại của nó đã được bố nó chặn trước như là một mệnh lệnh: “Không sao đâu, con cứ uống thử đi rồi biết, mấy ai có rượu Tây mà uống.Con gái Sài Gòn uống cả chai có việc gì đâu! Uống cho Jonh nó vui !” Nó thì nghĩ đơn giản: “Có chết đâu mà sợ, người ta có lòng, mình có bụng, thử một tí xem sao!” Thế là đêm đó nó đã say từ lúc nào và không biết gì đã xảy ra nữa. Sáng ra tỉnh dậy người nó đau nhừ. Nhìn căn phòng bị xáo trộn, nó bắt đầu lờ mờ nhận ra có một điều gì đó đã xảy ra trong đêm qua. Nhỏm người dậy không nổi, nó oà khóc. Cái cơ thể thiếu nữ của nó đã không tuân theo ý muốn của nó như mọi khi. Nhìn xuống bộ quần áo xộc xệch xẹo xọ trong người, ngực nó trào lên một cơn uất nghẹn. Một ly rượu Tây, một sự trả giá và một cuộc đời thiếu nữ vừa đi qua vào trong miền vô hạnh.

 

            Nghẹn đắng, hụt hẫng, chơi vơi, mọi thứ dưới chân nó như vừa sụt xuống tận một nơi nào. Đôi mắt nó thường ngày đen nhánh thì giờ đây bỗng nhiên trắng dã nhìn đăm đắm lên trần nhà. Tiếng kẹt cửa rụt rè kéo nó trở về với thực tại. Nhìn nụ cười mỹ mãn và đôi mắt xanh lơ long lanh tràn trề hạnh phúc của Jonh, nó hiểu tất cả. “Cút đi!...” Nó hét lên một tiếng, cả cái cơ thể nhàu nhò của nó cũng bật lên theo rồi rơi phịch xuống chiếc giường lẻ loi như chiếc gối. Mẹ nó lao vào căn phòng của nó với khuôn mặt mang đầy nước mắt, Jonh quỳ xuống dưới chân giường nó lắp bắp những câu gì không rõ nghĩa, còn bố nó thập thò nơi cửa phòng với một ánh mắt vô hồn.

 

            Những ngày tiếp theo, sau một lần tự tử không thành nhờ có Jonh phát hiện, nó chìm đâu đó trong một miền vô thức. Không ăn, không uống, không nói, không cười. Mắt nó, lúc thì nhắm nghiền, lúc thì mở trợn to ra không hề chớp.

 

            Thân thể thì nằm yên bất động. Vẳng đâu quanh nhà nó là những tiếng cãi nhau của bố mẹ nó và được kéo dài bởi tiếng khóc nỉ non của mẹ nó. Căn phòng thiếu nữ của nó giờ như một căn phòng cách ly trong bệnh viện. Sự im lặng trong phòng đã làm cho hai cái cửa sổ giống như là cửa sổ của một trại giam nằm ở ngoại ô Thành phố. Bất lực trước trạng huống của nó, Jonh đã phải về nước vì hết hạn hộ chiếu mà không nói được với nó điều gì cả. Những lá thư thống thiết của Jonh gửi qua cho nó chỉ có bố nó và một Trung tâm Cenlet đọc và trả lời.

 

            Lúc nó tỉnh trí trở lại bình thường thì cơ thể nó đã bắt đầu căng dần cùng với những cơn nôn mửa khó chịu. Sau một lần bố mẹ nó lại đánh cãi nhau, mẹ nó đã vào căn phòng của nó và mang theo lời khuyên muôn đời của phái nữ. Nó hiểu, không thể để hậu quả của đêm tai nạn kia cứ lớn mãi lên trong bụng nó. Còn bố nó thì ra vẻ thông cảm: “ Ba không ngờ con lại bị say khi mới uống có một chút rượu. Mà thật ra Jonh nó cũng thương và quý con lắm, ba tưởng con cũng biết và đồng tình với nó,sắp tới đây Jonh nó sẽ sang lại, hay là ba cho con và Jonh làm lễ cưới luôn nhé!” Nghe bố nó nói xong, nó lại nảy bật người lên không nói gì và lại chìm vào cơn mê khác trong miền vô thức...

 

            Ngày Jonh trở lại, nó đã trở thành một con người khác lặng lẽ trong căn phòng của nó. Dù hậu quả của cái đêm ấy không còn dấu tích trên người nó, nhưng đã có một kết quả khác đang lớn dần lên trong đầu nó.

 

            Sự thật thà là điều duy nhất làm hại Jonh trong những ngày tiếp theo. Khi còn ở trong một cái ngưỡng nào đó thì con người ta rất dễ dàng để chấp nhận một sự phục tùng, nhưng khi đã vượt ra ngoài giới hạn đó rồi thì sự bất phục tùng lại trở lên vô hạn. Nó cũng vậy, từ chỗ nó là công cụ của bố nó và là “nồi cơm” của gia đình nó như bố nó thường nói, thì giờ đây nó chỉ còn là tài sản của chính những suy nghĩ nằm trong đầu nó. Khi Jonh chưa kịp nói và thanh minh với nó điều gì thì đã bị nó tố cáo với cơ quan pháp luật về tội hiếp dâm của Jonh. Trước cơ quan pháp luật, Jonh đã thật thà đem tình yêu và ước muốn của mình ra để tự bào chữa. Nhưng sự thật thà của Jonh đã bắt Jonh phải rời khỏi Việt Nam và còn phải để lại một khoản bồi thường mà bất cứ ai nằm mơ cũng chẳng thể thấy được.

 

            Sau khi Jonh về nước, nó đã hoàn toàn trở thành một con người khác và sống một cách xa hoa như chưa bao giờ thế. Căn phòng của nó bây giờ được chất thêm rất nhiều vật dụng đắt tiền và các tiện nghi tân tiến khác. Mỗi lúc đi chơi bời đâu đó trở về căn phòng,nó chỉ cần cằm ngửa ra giường là có thể điều khiển được tất cả mọi tiện nghi có ở trong đó qua một bảng điều khiển cầm tay rất tiện lợi. Để có được sự tiện nghi đó, nó đã phải thuê cả những chuyên gia chuyên thiết kế các khách sạn để thực hiện. Căn phòng của nó giờ đây đã mất đi một cửa sổ và chỗ đó lồi ra ngoài thêm một khoảng để dành cho một cái “toa-lét” hạng sang như phòng của một phòng trong khách sạn “ba sao”. Còn phía bên trên cái cửa sổ kia cũng được u lên một cục của cái máy điều hoà nhiệt độ đắt tiền. Đám bạn của nó coi căn phòng ấy như là một thiên đường mà con người ta phải có nghĩa vụ vươn tới. Nhưng trong nó vẫn còn có điều gì đó tức tối chưa thật thoả mãn...

 

            Thuở còn thiếu nữ, những mơ ước của nó thường hay đuổi theo những vầng mây trắng bay ngoài ô cửa sổ, rồi đậu lên trên những phiến lá xạc xào trong gió sớm. Còn bây giờ, nó chỉ ao ước được sử dụng những phương tiện mới nhất có ở trên thị trường, kể từ cái tăm xỉa răng trở lên. Mà rồi điều đó cũng chóng làm nó chán. Có lần nó nói với bạn nó: “Phòng của mình còn thiếu một thứ phương tiện nữa, đó là Đàn ông! Thứ này dễ kiếm nhưng khó mà mua được!”  Bạn nó cứ tưởng là nó nói đùa, nhưng mà thật, nó chẳng đùa một tí nào hết...

                                                                   *

            Một lần nữa, sự ngẫu nhiên đã lại đưa Bazak đến với nó và cũng bằng con đường của cái cửa hàng buôn bán đồ cổ và hàng lưu niệm của bố mẹ nó. Bazak là người Thuỵ Sĩ, rất mê sưu tập đồ cổ Phương Đông, đặc biệt là tượng vũ nữ Chàm bằng đá sa khoáng. Với những dáng điệu uyển chuyển nhưng mang đầy tính phồn thực của các bức tượng vũ nữ “Áp sa ra” làm cho Bazak say như nghiện ma tuý, đã đi khắp dải đất miền Trung nhưng Bazak vẫn chưa kiếm đủ. Tình cờ ghé lại cửa hàng của nhà nó, Bazak thấy có một bức tượng vũ nữ “Áp sa ra” bị gãy mất hai tay và một nửa thân dưới. Bức tượng này, bố nó xin được của một người nông dân đã nhặt được trong một lúc đi làm ruộng. Biết là đồ cổ thật một trăm phần trăm nên Bazak không thể dấu được sự đam mê thích thú của mình. Thấy thế bố nó cứ lửng lơ để Bazak phải đi tới đi lui kèo nài ngã giá, cuối cùng phải mua với một cái giá rất chi là đồ cổ.!

 

            Giống như Jonh, lần đầu gặp nó, Bazak cũng bị sững sờ trước một ma lực vô hình toát ra từ nó. Giờ đây ma lực ấy càng rõ nét hơn bởi cái cơ thể đầy đặn ấy đang được bồi đắp thêm lên trong một môi trường vật chất thừa thãi và nó còn được tôn lên nhờ bộ quần áo “model” đắt tiền xuất xứ từ Pari mà không phải ai cũng có được. Với một làn da nõn nà qua những đợt “kích cầu” vật chất đối chọi với mái tóc dài đen nhánh phủ vắt qua bộ ngực căng tròn như ngực của một vũ nữ “Áp sa ra” đã làm Bazak mê mẩn và ao ước.

 

            Đúng như nó từng nói: Đàn ông chỉ là phương tiện! Và lần này phương tiện của nó cũng là đồ ngoại một trăm phần trăm như nó muốn. Với đôi người, phương tiện là đồ trang sức. Đôi người khác, phương tiện để phục vụ cho cuộc sống. Còn với nó, vừa là trang sức, vừa để làm ăn kiếm sống và còn là cả khoái cảm sử dụng nữa!

            Cũng như Jonh, Bazak cũng rất trong sáng và mãn nguyện khi đem tình yêu của mình gởi cho nó, chỉ có điều Jonh không được thụ hưởng tình yêu cho dù chỉ là sự giả tạo. Những ngày ở cùng nó trong căn phòng 9 m2 ấy, Bazak vô cùng thoả mãn khi được ôm trong tay một phẩm vật Phương đông, một phẩm vật không dễ gì dùng tiền mà kiếm được. Nhưng có điều, mãi mãi Bazak không thể nào biết được là phẩm vật ấy sở hữu mình hay là mình sở hữu phẩm vật ấy!

 

            Những ngày tiếp theo, nó và Bazak sống trong sự đam mê bất tận của khoái cảm sử dụng phương tiện mà bố mẹ nó không có ý kiến gì cả. Những ánh mắt dị nghị, nhũng lời đàm tiếu của hàng xóm cũng bị nó phớt lờ đi như không nghe, không thấy. Còn Bazak thì lúc nào cũng như con nghiện nên không biết trong đầu nó đang nghĩ gì. Một hôm bố nó bảo: “ Con đã lớn, quyền lựa chọn là của con, nếu con muốn sống với nó thì con bảo nó cưới xin đàng hoàng. Cứ như thế này mãi hàng xóm bà con người ta nói ra nói vào, ba không muốn!” Nó im lặng không trả lời mà còn nhìn bố nó như là một người từ hành tinh khác đến. Bởi bố nó đâu biết rằng, một kịch bản đã được sắp sẵn trong đầu nó để dành cho Bazak ngay từ cái lần Bazak ngỏ ý đòi cưới nó để đưa về Thuỵ Sỹ...

 

            Sau lần say rượu, nó bị Jonh lấy mất đi sự trong trắng quý giá của một đời con gái, nó đã trở nên căm thù tất cả đàn ông trên đời này. Nó lao vào các cuộc chơi tình ái chẳng qua là để rửa những uẩn ức của nó và để trả thù cho những cái nó bị mất đi mà vĩnh viễn không thể nào lấy lại được. Nó đi tìm những khoái cảm mới trong việc sử dụng phương tiện để quên đi chính nó. Nó nghĩ, mọi phương tiện đều có thể thay đổi được nếu trong tay cầm những đồng tiền đủ mạnh! Bazak đã đem lại cho nó tất cả, những khoái cảm của Thượng đế và cả những khoái cảm sử dụng phương tiện. Nhưng cái phương tiện nó đang sử dụng kia không giống như chiếc “Wave” hay cái điều hoà nhiệt độ treo tường, mà còn có ý thức và sắp đến lúc không còn tuân theo sự điều khiển của nó nữa. Và...

                                                                     *

            Bazak nằm kia, gương mặt thật mãn nguyện như là một ân huệ cuối cùng dành cho mình. Nhìn hàng ria mép màu vàng tơ như màu lông của một chú gà con, gắn trên cái miệng thơm như miếng “pho mát”của Bazak, nó bật cười. Chẳng biết khi nãy Bazak lẩm bẩm điều gì nhưng bây giờ khi thấy Bazak nằm như một chú chó con no sữa, nó không khỏi có chút chạnh lòng. Trên cái giá sách mà không có cuốn sách nào, con “Mọi đen” như đang lè lưỡi ra để mà chế nhạo nó. Nó nhìn Bazak rồi nhìn xuống cái thân hình loã thể với những cơ phận đầy đặn từ trên xuống của nó, nó thầm cám ơn Thượng đế, một thoáng tiếc rẻ khi cơn khát hưởng thụ lại chợt ùa đến...

 

            Hôm sau, Bazak trở về nước, mọi việc tưởng như an bài khi nó nhận được một khoản tiền khá lớn và một bộ hồ sơ xin đăng ký kết hôn. Nhưng khoảng một thời gian sau lại nhận được tin Bazak bị đột tử. Bazak chết vì bị nhiễm độc thuỷ ngân. Chỉ mình nó biết nguồn thuỷ ngân ấy xuất xứ từ một cái ống cặp đo nhiệt độ lẫn vào trong món tôm chua mà Bazak ưa thích...

Người ta thấy nó chẳng vui cũng chẳng buồn,chỉ thấy đôi mắt nó ngày càng thăm thẳm hơn. Nó vẫn sống một cách xa xỉ và phóng túng. Trong căn phòng của nó, thỉnh thoảng cũng thấp thoáng bóng đàn ông nhưng nó không dừng ở một ai cả. Trong một chuyến đi biển về, nó bị một tai nạn xe máy. Cú va chạm không đủ làm tróc sơn chiếc “Wave” nó đang cưỡi, nhưng không hiểu sao về đến nhà nó mới ói mửa và bị hôn mê. Trong nhà cứ tưởng vì nó uống quá chén nên cứ để nó ngủ. Hôm sau, thấy nó vẫn còn hôn mê mới đưa đi bệnh viện cấp cứu. Không ngờ, sau cú va chạm, lúc ngã xuống mặt đường đầu nó va phải một vật gì, chỉ để lại một cục u nhỏ, chính vết thương này đã gây nên sự hôn mê đó. Nhờ có những phương tiện của bệnh viện, sau một tháng nó tỉnh lại, nhưng trí nhớ của nó đã ra đi vĩnh viễn.

 

Từ đó về sau, mỗi khi đến mùa nắng nóng, nó lại phóng chạy ra đường như bị ai đuổi phía đằng sau. Có hôm nó cứ để cái thân thể trần truồng đầy đặn của nó diễu ra phố, vừa đi lưỡi của nó cũng thè ra y như con “Mọi đen” mà Jonh đã tặng nó hồi trước. Không biết trong những lúc như thế, cuốn phim hồi ức trong đầu nó có hiện lên hình ảnh của Jonh, của Bazak và cả căn phòng đầy đủ tiện nghi của nó hay không, nhưng bố mẹ nó lúc này mới thấy hết được hậu quả của những gì trước đó.

Để kiểm soát nó, bố mẹ nó đưa nó đến bệnh viện tâm thần và bây giờ nó vẫn trần truồng ở trong đó, một căn phòng cũng 9 m2 diện tích.

 

1999 – 2000

Lãng Hiển Xuân
Số lần đọc: 2704
Ngày đăng: 21.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tội lỗi tự nhiên - Tiến Đạt
Mẹ trần gian - Trần Thị Ngọc Lan
Choáng - Đào Bá Đoàn
Bến bình yên - Đào Phạm Thùy Trang
Bức Tường - Nguyễn Nguyên An
Gió lùa trong nắng - Phạm Khánh Liêm
Phố mọi… - Hồ Chí Bửu
Tình mù - Nguyễn Thiện Cân
Chị và em - Đinh Thị Như Thuý
Đi Biển - Kim Quyên
Cùng một tác giả
Điểm nhìn (truyện ngắn)
Nó và 9 m2 (truyện ngắn)
Tôi, Em và Lão (truyện ngắn)