Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.379
 
Thị dân...
Đặng Huỳnh Lộc

Nếu chỉ kể những người trong thân tộc mà ông Hai Thiệt còn có thể nhớ mang máng mặt mày, dáng dấp thì họ cũng đã có mặt ở vùng Gò Mây hơn trăm năm nay. Nếu tính cả thời tổ tiên đến khai khẩn khi Bình Hưng Hòa mới còn là hai thôn Bình Hưng và Bình Hưng Đông thuộc trấn Phiên An thì dòng họ ông đến đất Gò Mây đã ba trăm năm lẻ. Ngôi mộ tổ dòng họ Nguyễn của ông hiện còn nằm ở ấp 8 được chôn vào năm Chính Hòa thứ 16. Ông Nội ông kể, đời vua thứ 6 của triều Hậu Lê là vua Lê Hy Tông lên ngôi năm 1676, lấy niên hiệu là Vĩnh Trị, đến năm 1681 thì lấy niên hiệu là Chính Hòa. Ông tổ của dòng họ ông mất vào năm Chính Hòa thứ 16, tức năm 1697.

 

Là con cháu của một dòng họ đã gắn bó với đất Gò Mây lâu đời, tình cảm làng xóm của ông Hai Thiệt như được truyền đời, thắm vào máu như một sự thâm căn cố đế. Cứ mỗi lần có việc phải xa Gò Mây vài hôm là ông cảm thấy như muốn ngặt mình... Ông đã quen tiếng chim chìa vôi xèo chiếc đuôi rẽ quạt, hót trong lùm hàng tre trước nhà mỗi sáng, tiếng con cu gù mỗi trưa ở tán gừa sau vườn, tiếng bò ọ đòi chuồng mỗi khi chiều xế... Năm hôm, ba bửa mới có một chiếc máy bay lạc đường xẹt ngang rền rú phá sự yên tĩnh vùng quê của ông. Là nông dân ngoại thành, nhưng ông không lạ gì đời sống thành thị, ông không thể chịu nổi việc đánh giá giá trị của một con người được đo, được đếm bằng những sở hữu riêng tư, ngỡ ngàng với việc người này so đo tài sản người khác. Ông quen với lối sống dung dị nông thôn và xem đó là một sự mẫu mực. Ông Hai Thiệt thích sự yên tĩnh của miền quê của ông, nơi có con đường từ nhà ông đi ra ngoài xóm nằm cạnh lũy tre ngang qua khu mộ ông bà...

 

Cái xóm ông Hai Thiệt đang ở, hầu hết là dân nghèo, mấy năm gần đây một số gia đình bỗng khá lên nhờ bán đất. Vậy là bỗng chóc, trong xóm tách biệt kẻ giàu người nghèo. Mấy căn nhà cũ nát, vô giá trị giờ trở thành cơ hội cho những người sẵn vốn. Giá trị miếng đất không còn tính theo chiều dọc. Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ mặt một con đường, một xóm nhà đổi thay thấy rõ, đất đai bị chia hẹp, những căn nhà gầy dẹp như những tấm bảng "thực nghiệm" lênh khênh trên ruộng lúa mọc lên, bất cần thẩm mỹ, bất kể cảnh quan... Cả xóm bỗng chóc trở thành chen chúc mang dáng dấp thị thành...

 

Ông Hai Thiệt thấy mà chưa kịp nghĩ, cho tới sáng nay, khi sang nhà thằng em ở Ngã Năm Chuồng Chó dự đám cúng cơm, nghe nó nói, anh giờ đã thành thị dân, mà ông bỗng giật mình! Nó nói bằng giọng cởi mỡ, mừng dùm mà trong bụng ông nghe giận. Vậy là nó muốn nói ông sống theo kiểu có thể coi phim hài cười hô hố khi nhà bên cạnh có đám ma, không còn biết xẻ chia mất mát, buồn vui với xóm, với làng. Đó là điều mà thuở giờ ông đã ghét cay, ghét đắng! Nếu nó không có bà con chắc là có chuyện.

 

Nhưng khi đạp xe về gần tới nhà, ông lại thấy thằng em ông nói có lý, xóm ông giờ manh mún trong quy hoạch phân lô, nhiều căn nhà hàng ba ào ra vệ đường phô trương sự bề thế, sang trọng. Một loại kiến trúc kiểu gì thì ông không biết, nhưng khi nhìn kỹ thì ông như người khách lạ khi đi giữa xóm mình! Vậy mà lâu nay ông không để ý. Thằng em ông nói nói có lý, ông đã có sự vô tâm của một thị dân với làng xóm xung quanh. Nhưng ông Hai Thiệt không hiểu là lối sống thị dân đã nhiễm vào ông hay những công trình kiến trúc nhà ở mọc lên dần xóa đi cảnh quan quen thuộc đã đẩy ông trở thành thị dân?

 

Trước mặt ông Hai Thiệt là một ngôi biệt thự mới xây. Đó là nhà thằng Tư vừa bán đất. Tháng trước ông nghe nó nói, sẽ mướn kiến trúc sư vẽ một căn nhà theo ý nó. Vậy là căn nhà này đây, mái chóp, mái vòm, mái củ hành, mặt tiền nhôm kính và một khoảng sân kính cổng, cao tường. Giờ sao ông thấy khó vô nhà nó quá! Làm sao ông còn có thể dẫn con bò sữa cột góc ổi trước nhà thằng Tư như trước để vào nhà nó lê la uống trà, nói chuyện. Hình như chuyện dành đất để làm vườn, trồng cây đã bị thằng Tư xem là lãng phí, còn vị kiến trúc sư thì đã làm đúng theo yêu cầu của nó, không kể gì đến tập quán định cư, quan hệ xóm làng! Kia nữa là nhà thằng Tám nằm quay ngang, chắc là nó cất theo hướng tuổi? Hai căn nhà của hai anh em nó nằm chỏi ngược thiệt khó coi. Vậy mà tụi nó cũng cất được bằng giấy phép hẳn hoi.

 

Ông Hai Thiệt lại chợt nhớ đến mấy căn nhà ở Bàu Cát, mặt tiền nhôm, kính, đồ sộ, sáng trưng nhưng khi chếch góc nhìn thì lại giống như một căn nhà mã chở trên xe vào Bình Hưng Hòa để đốt. Mới đây, ông qua chợ Bàu Cát bằng con đường tắt mà ông vẫn hay đi, bỗng ông giật mình thấy có mấy căn nhà mới cất đã tận dụng hết từng mét vuông đất, đưa chân móng ra sát lề đường, làm cho đường phố ngày xưa làm cho ông cảm thấy vừa phải, thân mật bỗng trở thành chật hẹp. Xung quanh, mấy cao ốc vừa được cấy xen vào, làm cho không gian ông đã quen mắt bỗng bị phá vỡ, chật chội. Nơi ngày xưa ông vẫn thường lui tới, thân thuộc, giờ bỗng thấy mình trở thành khách lạ. Dường như càng có nhiều cao ốc thì lại tách biệt với ông.

Bỗng ông thấy vướng mắt khi quẹo xe vô con đường vào xóm. Sao con đường hôm nay chật hẹp? Ờ, thằng Sáu đã phá cái bờ tre để cất nhà. Mà chắc là nó bán đất cho người khác cất nhà? Cái bờ tre là của nó, để hay phá là tùy nó. Nhưng mất cái bờ tre nên ông thấy lạ, nhìn bức tường gạch chưa tô chiếm mất trên bờ tre cũ ông càng thấy chướng. Vậy là con đường làng vô xóm nhà ông đã hẹp lại. Mà con đường lệ là nằm trên đất thằng Hai, trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nó, nó đang nộp thuế. Nghe đâu là nó đang kêu bán. Không chừng rồi sẽ mất cả con đường lệ vô xóm. Càng nghĩ ông càng thấy sao mà lộn xộn. Thì ra, xóm ông đang hình thành một thứ văn hóa ở phô trương, đua đòi, mà lâu nay ông không để ý.

 

Về đến sân nhà, ông mừng thầm khi thấy có mấy chiếc xe dựng cập bờ cau trước sân. Vậy là nhà có khách? Chắc mấy thằng cháu vừa bán đất đến thăm? Đang ngà rượu, ông muốn uống với ai đó thêm vài ly nữa. Khi ông vào nhà thì không phải, ba vị khách lạ hoắc ngồi cạnh chiếc bàn đặt giữa nhà trước bàn thờ ông bà. "Chắc là tụi cò đất đến gạ ông bán đất đây"? Ông thoáng nghĩ. Ba vị khách ngồi tỉnh khô.

 

- Mấy chú là ai? - Ông hỏi.

Cả ba đứng lên gần như nhất loạt đưa tay ra. Ông lúng túng không biết bắt tay người nào trước. Một người nói:

- Tụi cháu ở huyện...

- Ờ, tưởng ai. Cũng là con cháu trong nhà...

Người khách nói tiếp, đổi giọng:

- Tụi tui đến gặp ông có việc...

Ông Hai Thiệt cảm thấy bị hẫng. Đang định đi thẳng lấy chai rượu, nhưng ông khựng lại:

- Chú cứ nói...

- Tụi tui đến gặp ông để thông báo là khu vực này nằm trong khu quy hoạch dân cư bậc cao, tụi tui đến kiểm kê để đền bù.

- Nghĩa là sao? - Ông Hỏi.

 

Khách nói:

- Nghĩa là ông cũng như bà con ở đây phải đi khỏi chỗ này, giao lại mặt bằng để nâng cấp hạ tầng cơ sở. Ông sẽ được nhận đền bù năm chục ngàn một mét vuông đất ruộng và chín chục ngàn một mét vuông đất thổ cư. Gia đình ông sẽ được ưu đãi tái định cư một nền nhà hai trăm mét vuông, nếu ông muốn mua thêm thì phải trả một triệu mốt một mét vuông. Trước mắt, gia đình ông sẽ được giải quyết một căn chung cư ở ngang khu công nghiệp Vĩnh Lộc để ở, còn ông muốn nhận đất ở nơi khác thì tùy.

- Ở nơi khác là ở đâu? - Ông hỏi.

- Cái đó thì tụi tui không biết. Ngày mai ông đến hỏi ban dự án!

Khách lạ giao cho ông một bản kê khai, rồi dặn:

- Cũng nói với ông luôn, ông có nhận tiền đền bù thì nhận, không nhận thì mai mốt nhà nước ra quyết định thu hồi đất thì không được đền bù.

Khách lạ vừa đi, bỗng chốc ông Hai Thiệt nghe tỉnh rượu. Nhưng lạ quá. Khi có rượu thì ông Hai Thiệt cảm thấy như trong đầu ông còn có cái gì đó, giờ tỉnh rượu thì lại như trống không.

- Bà đâu? - Bỗng ông lớn tiếng.

 

Vợ ông đang nấp phía sau vách buồng bước ra: "Giờ ông tính sao"? "Tính sao"?!... Ông Hai Thiệt gằn giọng hỏi lại mà như tự hỏi.

"Tính sao"? Ông lại thầm tự hỏi. Ông nhớ đến căn chung cư của con em cao lêu nghêu bên hương lộ 14. Đành là cái chung cư hào nhoáng như trong ảnh, trên phim, nhưng làm sao có chỗ cột mấy con bò sữa? Rồi sẽ sống sao đây với cái gia đình mười bốn người, gồm ba thế hệ như gia đình ông trong một căn chung cư như căn chung cư của con em? Sao người ta không cất cho ông một căn nhà lấp ráp gì đó, rẻ tiền cũng được mà nó hợp với cách sống của ông cũng như những người như ông, đang chiếm số đông và đang làm cho thành phố này vận động?

 

Cạnh nhà ông Hai Thiệt là nhà của một nhà thơ. Chắc là cũng muốn gần với bờ tre, tiếng chim mà nhà thơ này đã đến mua đất, cất nhà sống cạnh ông chừng năm năm nay. Giờ này chắc nhà thơ đã về? Ông vói tay lên góc bàn thờ cầm chai rượu, bước ra cửa. Tiện tay ông gỡ hai con khô chuột máng trên sào quần áo.

Cửa nhà đang mở, phía sau đang lóc cóc tiếng máy đánh chữ mà ông đã quá quen thuộc hàng đêm như quen tiếng con bò ọ đòi chuồng.

- Nhậu Tín ơi! - Ông gọi.

Tiếng máy đánh chữ ngừng bặt. Tiếng nhà thơ từ nhà sau: "Cháu đây"!

- Nhậu mày! - Ông nói mà chưa nhìn thấy mặt.

 

Nhà thơ bước ra: "Cháu đang kẹt bài báo, nhưng nhậu được".

Ông Hai Thiệt ngồi bệt xuống nền gạch. Gạch men mát lạnh làm ông nghe ớn lạnh xương sống. Ông uống. Nhà thơ uống. Sao hôm nay rượu không ngon như mọi khi. Mỗi ly rượu nuốt vào, ông Hai Thiệt nghe trong cổ họng như vướng một vật gì đăng đắng như mật cóc. "Bửa nay buồn quá mậy"? Ông nói. "Để cháu kêu anh Ba Hòa, anh Sáu Quang"! Nhà thơ nói.

 

Ông uống mà nghe trong rượu có mật cóc. Nhà thơ đã say, bắt đầu đọc thơ: "Dẫu có sống giữa trời cuội vẫn là con nông dân". Ông nói: "Sao hôm nay buồn quá mậy"! Nhà thơ lại đọc thơ: "Cái còn thì vẫn còn nguyên, cái tan thì tưởng vững bền cũng tan". Lỗ tai tuổi già đã nghển ngãng, đầu đã chếnh choáng hơi men. Ông nghe nhà thơ đọc thơ mà không hiểu lắm, giống như người già ăn bắp ran, hột nào bễ thì béo. Nhưng ông biết là nhà thơ đang nói về mình.

 

Tiệc nhậu chưa tàn, nhưng ông đã. Như mọi khi, ông đứng lên, về nhà.

Về đến nhà, ông Hai Thiệt như tỉnh rượu khi nhìn thấy tờ giấy kê khai của ba người khách lạ để lại nằm ở góc bàn trước bàn thờ ông bà. Đi quanh quẩn trong nhà, định làm một cái gì đó, nhưng không biết làm gì. Đốt điếu thuốc, ông leo lên võng. Ngoài cửa, bờ tre đang rì rào gió, tiếng tre kẻo kẹt nghiến vào nhau như truyền từ đất đến tai ông, làm ông nghe trong đầu lại chếnh choáng hơi men. Ông cảm thấy mình bồng bềnh.

 

Vừa tảng sáng, ông Hai Thiệt đốt thuốc lội cập bờ tre ra Hương lộ 13, đến chỗ Ban dự án, bên dưới tấm bảng lớn giữa trời có đề chữ New Hop. Phía trước Ban dự án vừa được treo một bản đồ có nhiều màu xanh đỏ. Tấm bản đồ chia nhiều ô vuông rối rắm. Nhiều người ở cạnh xóm ông cũng có mặt. Một người trong Ban dự án giải thích với ông đây là tấm bản đồ quy hoạch phân lô và chỉ cho ông xem ô vuông thuộc đất của xóm ông đã bị cắt nhiều đường. Ông nhìn mà không hiểu. Trên tấm bản đồ hình như chỉ có đất xóm ông mà không có làng xóm của ông trong đó. Tấm bảng đồ hoàn toàn vắng đi sự có mặt của con người, những con người cụ thể, sống động, phải lo toan, biết buồn vui, có nhân cách và có tính cách mà ông từng biết. Ông nghĩ, xóm ông không cần có khu dân cư bậc cao như ba người khách lạ hôm qua đã nói. Đối với ông chỉ cần có một làng xóm yên lành, lưu dấu lịch sử đất đai, tồn tại bản sắc văn hóa cộng đồng làng xóm trong truyền thống định cư. Và, khi cái xóm ông được quy hoạch thành khu dân cư bậc cao thì hơn ba trăm gia đình với hơn một ngàn con người, trong đó có nhiều con cháu của ông sẽ hình thành tâm lý, nhân cách sao đây? Hình như những điều đó nằm ngoài sự quan tâm của những người quy hoạch khi hình thành nên tấm bản đồ? Rồi đây, khi xóm ông thành khu dân cư bậc cao, không chừng cái đình làng Gò Cát, nơi từng được tổ tiên ông xem là cái “ngù rồng” của một con rồng trong chính nhánh Cửu Long cũng lại sẽ kín cổng, cao tường và xa lạ như đình Tân Thạnh?

- Nguyễn Văn Thiệt!

 

Ông Hai Thiệt giật mình nghe ai đó vừa kêu đúng tên mình. Hóa ra là cô thư ký của Ban dự án đã gọi. Ông bước vào, ngồi trước cô thư ký mặt đang lạnh tanh làm ông mường tượng gương mặt con ông đốc phủ sứ Trần Tử Ca khi đi thu lúa ruộng mà ông Nội ông hay kể.

- Ông ký tên nhận tiền đền bù nhà, đất và hoa màu... - Cô thư ký nói.

- Tôi không nhận thì có sao không? - Ông hỏi.

- Thì coi như ông chống, mai mốt có quyết định thu hồi thì ông không được đền bù!

Ông lưỡng lự. Trong đầu ông lại liên hồi tự nghĩ "nhận, không nhận; nhận, không nhận..." như hồi nhỏ ông chơi trò bói hoa. Nhận thì coi như ông đã bán đi thành quả tổ tiên, mà không nhận thì coi như ông đã bỏ đi công lao khai phá, gìn giữ của mấy chục đời giao lại cho ông.

- Ông nhanh cho, nhận hay không thì bảo. Tôi bận lắm! - Cô thư ký giục.

Ông ký tên như một cái máy. Nhận gói tiền đã được gói sẵn có tấm giấy đề tên họ ông có đầy đủ số nhà, xóm ấp mà nghe hụt hẫng.

 

Bước ra cửa, ông đút gói tiền dấu dưới lớp áo, phía trước bụng mà cảm thấy như đang vụng trộm. Hồi nhỏ ông cũng đã dấu mấy trái ổi dưới lớp áo, trước bụng như vậy khi cùng mấy đứa bạn hái trộm ổi của bà Ba. Ông đi về nhà trong tâm trạng chếnh choáng nửa say, nửa tỉnh.

Đi ngang nhà của nhà thơ, thấy nhà mở cửa. Ông ghé vào. Sổ bó tiền vô góc nhà, ông đi thẳng ra sau. Nhà thơ đang ngồi, hai vai nhô lên  khỏi mép bàn.

Nhà còn rượu hôn Tín? – Ông lên tiếng.

Còn sớm quá mà chú?

Tao nhậu một mình!

Sao vậy?

Buồn!

Thì cháu nhậu với chú.

Ông uống. Nhà thơ uống. Vẫn là thứ rượu mà ông và nhà thơ uống mỗi ngày, nhưng hôm nay ông không nghe có mùi vị gì. Ông uống. Nhà thơ uống. Rồi nhà thơ bắt đầu đọc thơ:

Ánh trăng qua đồng trở thành liềm gặt

Ngọn gió qua đồng ngọn gió màu xanh

Ngẫn nhìn trời sao long lanh

Thấy ông thần nông, thấy sông ngân chảy

Nơi con người có niềm vui gặt hái

Đôi bàn tay chai biết nắm chặt đời mình.

Ông ngồi nghe mà không thật hiểu. Nhưng ông biết là nhà thơ đang nói về ông. Bất giác ông nhìn vào hai bàn tay chai sần và cảm thấy như mình đã không còn có thể nắm chặt cuộc đời mình như trước.

Đặng Huỳnh Lộc
Số lần đọc: 2720
Ngày đăng: 24.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi sẽ đến , tìm sẽ gặp - Trần hữu Lục
Canh Bạc - Võ Ðắc Danh
Mái chùa che chở hồn dân tộc… Đêm qua sân trước một cành mai - Trần Kiêm Ðoàn
Paris , Mùa thu tím… - Nguyễn Thị Hậu
Thời Của Ngựa - Võ Ðắc Danh
Người H.Mông hôm nay . - Nguyễn Thị Thu Hiền
Hai bên cửa khẩu Mộc Bài - Huỳnh Kim
Mẹ - Mặt Đất Bao Dung - Nguyễn Nguyên An
Làm gì…. cho những người vô gia cư - Nguyễn Nguyên An
Về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư - Lê Phú Khải