Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.216.139
 
Không thể tuỳ tiện dùng chữ “Đại hiếu ”, “Đại anh hùng ”!
Lê Hoài Lương

(Trao đổi với Nguyễn Quang Hiển, tác giả bài báo “Hình ảnh Trần Quang Diệu- Bùi Thị Xuân”, Tiền Phong chủ nhật, 22-10-2006)

 

Cuốn tiểu thuyết lịch sử viết theo kỹ thuật chương hồi Tây sơn bi hùng truyện (TSBHT- NXB Văn Hoá Thông Tin, 2006) của Lê Đình Danh mới đây gây xôn xao dư luận trên các diễn đàn báo in, báo điện tử không phải vì giá trị văn học đặc sắc của nó mà về một vài chi tiết liên quan tới 2 tướng lĩnh anh hùng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Tác giả Lê Đình Danh đã không nhất quán về xây dựng hình tượng 2 nhân vật lịch sử này khi đoạn cuối sách đã cho 2 người đầu hàng Gia Long để cứu mẹ, cứu các con. Hơn thế, Diệu- Xuân còn quỳ mọp khấu đầu lạy  cừu thù này thưa: “Tội của thần chết là đáng lắm. Mẹ thần nay đã ngoài tám mươi tuổi không thể làm hại cho xã tắc được. Xin bệ hạ tha chết cho mẹ thần, thần dù tan xương nát thịt cũng muôn đội hoàng ân”- tr. 592, tập 2 (nhấn mạnh chữ in nghiêng- LHL). Và rất nhiều chi tiết nữa khiến Sở Văn hoá thông tin Bình Định làm công văn gởi Bộ Văn hoá và các ban ngành liên quan đề nghị thu hồi cuốn sách trên, lý do vi phạm điều cấm luật xuất bản, đó là “xuyên tạc lịch sử, hạ thấp nhân phẩm, xúc phạm anh hùng dân tộc…” Bài báo của tác giả Nguyễn Quang Hiển (NQH) trích rất kỹ công văn này các trang 586, 587, 592…của cuốn sách và đưa ra những lý lẽ bảo vệ TSBHT bằng những lập luận tán dương hết mức: “tôi lại chỉ thấy hình ảnh danh tướng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân trong Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh mới đích thực là “Đại hiếu với nhà, đại anh hùng đối với nước”. Xin trao đổi với NQH mấy ý mà tác giả này hùng hồn chứng minh, tán dương:

 

1.Về lịch sử: NQH viết: “Nếu nói là “không đúng sự thật lịch sử” thì trước tiên ta nên thống nhất dựa vào tư liệu nào để công nhận đó là “sự thật lịch sử”? Tôi cho rằng sử liệu được biên soạn dưới triều Nguyễn Gia Miêu viết về triều Tây Sơn nếu đúng thì cũng không đủ thậm chí không viết hoặc viết sai sự thật vì họ không muốn những gì tốt đẹp của “kẻ thù không đội trời chung” được nhân dân biết đến.” Và “sao lấy nó làm chuẩn mực”. Trước hết lập luận này cố tình bỏ qua cụm từ sau của công văn: “tư liệu được biên soạn dưới triều Nguyễn và các sách liên quan đến lịch sử xuất bản gần đây”. Với một vương triều loé sáng rồi vụt tắt trong sự trả thù thảm khốc của triều Nguyễn cả trăm năm, liệu còn cứ liệu nào của sử triều đó nếu không qua những đối chiếu, góp nhặt từ sử Nguyễn, sử Tàu, sách Pháp, sách của các bậc trí giả từ bấy đến giờ? (xin nói nhỏ với NQH, trừ sử sách nhà Nguyễn, đã có hàng loạt sách của các tác giả Trần Trọng Kim, Trần Văn Tuân, Hoa Bằng, Phan Trần Chúc, Tạ Chí Đại Trường, Bùi Văn Lang, Lam Giang, Đặng Quý Địch, Đinh Sĩ An, Quách Tấn, Nguyễn Khắc Thuần, Đỗ Bang, Văn Tân… đến không dưới 50 cuốn đấy!). Vậy theo lập luận của NQH “đến khi tôi đọc được một tư liệu (viết bởi một người Pháp, không phải sử gia triều Nguyễn) ghi lại lời Trần Quang Diệu xin Gia Long cho mẹ mình được sống thì tôi mới vỡ lẽ: đúng rồi! Trần Quang Diệu dám sống để chịu về Phú Xuân bị hành hình vì ông là người đại hiếu!” Tư liệu (?) nào thì không thấy NQH ghi rõ, vả lại nếu có thì chỉ có người Pháp mới đáng tin ư? Và nếu sử Việt không đáng tin thì cả “Đại Việt sử ký toàn thư” có nhiều sử gia viết nhiều trăm năm sau sự kiện xảy ra cũng cần xem lại, chờ ông Tây ông Tàu nào cùng thời phát biểu mới công nhận? Liệu cái cách chọn căn cứ lịch sử của NQH đã ổn chưa?

 

2. Về chữ “đại hiếu”: Hẳn tác giả TSBHT và NQH đều biết chuyện bà mẹ Từ Thứ trong Tam quốc diễn nghĩa. Theo mưu của Trình Dục, Tào Tháo bắt Từ mẫu để ép gọi Từ Thứ đang giúp  Lưu Bị về với mình, bị Từ mẫu cự tuyệt, Trình Dục giả chữ viết Từ mẫu viết thư gởi Từ Thứ, Thứ lầm mưu chia tay đầy nước mắt với Lưu Bị về Tào. Gặp con, Từ mẫu “đập tay xuống bàn mắng rằng: “Đồ nhơ nhuốc kia! Mày trôi dạt mấy năm nay tao tưởng học hành cũng đã khá, ai ngờ mày còn ngu thế! Mày đã đọc sách nên biết trung hiếu không thể vẹn được cả đôi. (…) Nay chỉ tin một mảnh thư giả, không suy xét kỹ càng, vội bỏ chỗ sáng đâm đầu vào hang tối, rước lấy tiếng xấu. Thật là đồ ngu! Tao còn mặt mũi nào trông thấy mày nữa!…”, rồi vào sau bình phong treo cổ tự tử. Một trụ cột Tây Sơn như Trần Quang Diệu từ thời khởi nghiệp, 1771, cầm quân vào nam ra bắc lẫy lừng hơn 30 năm, từng là Tây Sơn thất hổ tướng, Đại đô đốc, Thái phó, đến thời mạc vận  1802, lẽ nào không hiểu phải hành xử thế nào là hiếu với người mẹ cùng ngần ấy năm tự hào về con trai mình, lại tự nguyện đầu hàng để quỳ mọp khấu đầu trước kẻ thù nói câu nói “trứ danh” nêu trên để xin cho mẹ già được sống? Trần mẫu chắc cũng không lạ gì chuyện Tam Quốc, cái cách con mình hèn hạ làm thế, với bà chỉ là sự sỉ nhục, đó là đại bất hiếu! Bà, theo lô gíc này chỉ còn đường tự đập đầu mà chết vì nhục chớ không phải chờ khi nghe Gia Long sai đem Trần Quang Diệu chém ngang lưng mới “vùng đứng lên giơ gậy chỉ mặt Gia Long mắng(  cái câu rất buồn cười – LHL ): - Thằng tiểu nhân kia! Chém đầu cũng chết việc gì phải chém ngang lưng cho phơi gan lòi ruột. Ta quyết không vì thân già này mà để các con chịu nhục.” (tr. 592, t.2) rồi mới tự vẫn. Cái cách xây dựng tình huống, nhân vật quá non tay của Lê Đình Danh lại được NQH khen là “đại hiếu”, thật hết biết!

 

3. Về chữ “đại anh hùng”: NQH lập luận rằng “người làm tướng thua trận mà không dám tự vẫn là hèn, dám tự vẫn là dũng, dám nhẫn nhục sống để thực hiện một lý tưởng cao cả là đại dũng” (in nghiêng nhấn mạnh- LHL), rồi “dám sống để thân xác bị hành hạ còn ngàn lần khó hơn dám chết”… Cái triết lý “đại dũng”, “đại anh hùng” mà NQH hết lời tán tụng từ thực tế TSBHT của tác giả Lê Đình Danh buồn cười ở chỗ: dũng là dám quỳ mọp gọi kẻ thù là bệ hạ, xưng thần, là tự nhận tội thần chết là đáng lắm, là muôn đội hoàng ân… chỉ để thể hiện cái “đại anh hùng” dám sống để thực hiện lý tưởng cao cả là cứu mẹ theo cái cách đầy sỉ nhục đã phân tích trên. Chữ đại dũng, đại anh hùng đơn giản và kỳ cục thế sao? Lại nữa, cũng từ TSBHT, Võ Văn Dũng, Đặng Xuân Bảo bị bắt mà không tự sát, họ không anh hùng ư? Dũng thì được cứu thoát, Bảo, sau khi mắng Gia Long, nín thở mà chết khiến “Gia Long thất kinh than:- Thật là một sự chết lạ xưa nay chưa từng thấy. Tướng Tây Sơn trung dũng hơn người. Nếu Cảnh Thịnh là một đấng minh quân e rằng ta khó mà phục quốc.” (tr. 588, t.2), hoặc Quang Bàn “dùng chiếc đũa đâm mạnh vào lỗ tai mà chết. Vua Gia Long thất kinh nghĩ thầm: con của Nguyễn Huệ đến thằng nhỏ này cũng khí khái anh hùng như vậy mà Quang Toản là người nối ngôi lại hèn hạ u mê. Ay vậy là trời giúp ta!” (tr. 597, t.2) Vậy chuyện bị bắt mà không tự sát của Đặng Xuân Bảo, Quang Bàn có hèn không?

 

4. Tác giả bài báo NQH khuyên “hãy chịu khó đọc hết cả đoạn văn” kẻo “sa vào sai lầm một cách chân thành” rồi dẫn chứng đoạn Bùi Thị Xuân nhìn cảnh chồng con bị chết thảm mới mắng Gia Long “tiên đế ta như hùm còn ngươi như cẩu”, “ngươi rước ngoại bang tàn hại lương dân”, “thằng tiểu nhân Phúc Anh”… Nếu theo lô gíc này và biết chắc thế nào cũng bị hành hình thảm khốc, việc Bùi nữ tướng mắng Gia Long (vốn được nhiều sử sách ghi chứ không phải sáng tạo của Lê Đình Danh), có gì đáng nói, đáng viết giọng coi thường độc giả thế? Thậm chí cách dàn dựng này còn coi thường Bùi Thị Xuân nữa! Xin kết bài viết bằng một thắc mắc nhỏ dành cho NQH, tác giả này bảo đọc TSBHT và công văn Sở VHTT Bình Định “với góc độ của một độc giả”, liệu “độc giả” này có vô tư với những lập luận kiểu “giả mù sa mưa”, hoặc cố tình “đánh tráo khái niệm” trong cách nhìn nhận về cái gọi là “sự thật lịch sử”? Và trên hết, xin đừng tuỳ tiện dùng các từ “đại hiếu”, “đại dũng, đại anh hùng” vào mục đích không trong sáng nào đó!

Lê Hoài Lương
Số lần đọc: 2909
Ngày đăng: 27.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trước thềm thế kỷ XXI, Đọc lại Pauh Catwai - Inrasara
Giới thiệu Trường ca Chăm của Inrasara - Trà Chân
Đọc thơ Nguyễn Sĩ Cứ - Nguyễn Trọng Tạo
Dương Tường với “ THƠ NGOÀI LỜI”. - Đào Bá Đoàn
Những hành trình qua trống rỗng : Bài 2 - Nguyễn Chí Hoan
Bàn thêm về cách hiểu và dịch bài thơ : PHONG KIỀU DẠ BẠC - Nguyễn Khắc Phi
Hạt sạn đáng tiếc từ một cuốn sách - Lê Hoài Lương
Nhân hội nghị lý luận phê bình văn học lần thứ II: Đào tạo lực lượng trẻ về lý luận phê bình: cần thiết và cấp bách - Nguyễn Tý
Đọc Linh Sơn của Cao Hành Kiện - Trương Thái Du
Sức trẻ Hải Triều - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ám ảnh (truyện ngắn)
Phận người gió bay (truyện ngắn)
Chợ chiều (truyện ngắn)
Con rắn (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Hương xa xứ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Đàn ông đã chết (truyện ngắn)
Hiến xác (truyện ngắn)
Tiếng chuông chiều (truyện ngắn)
Một ngón tay nho nhỏ (truyện ngắn)
Sách cháy (truyện ngắn)
Lỗi tại mẹ Âu Cơ (truyện ngắn)
Mênh mang chiều An Dũ (truyện ngắn)
Ái quốc (truyện ngắn)