Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.083
123.233.269
 
Người xa lạ
Lương Minh Vũ

Tôi không ưa ông ta, cái lão Việt kiều xa lạ ấy, ngay phút gặp đầu tiên, khi ông ta vừa bước vào nhà tôi, bắt tay chào hỏi. Mắt nhìn, miệng cười. Nụ cười cố tạo sự thân thiện, nhún nhường. Vẻ từng trải và sự lịch thiệp hơi quá ở độ tuổi chớm già. Cũng còn một cái gì đó rất Việt Nam trong cung cách văn minh Âu Mỹ. Bất chấp những điều đó, tôi vẫn không ưa. Có một sự giống nhau đến bàng hoàng với tôi : Cũng trạc tuổi trên năm mươi và điều này khủng khiếp hơn : Cũng cụt cánh tay trái như tôi. Song, lại khác. Ông ta có một cánh tay giả với bàn tay đeo găng bất động thò ra ngoài tay áo và một bộ mặt tươi tỉnh. Cả hai thứ đó tôi không có. Hình như sự gần nhau của hai kẻ què cụt chỉ gợi lên ý nghĩ khôi hài. Chính điều đó gây cho tôi cảm giác thương tổn, khó chịu. Như thể ông mang sự giống nhau đến để nhạo báng tôi.

 

Có thể, cảm giác khó chịu bắt đầu từ hôm qua. Khi về nhà, Thủy- con gái tôi, bảo có một ông Việt kiều đến  thăm “ Có chuyện gì vậy? ” tôi cau mày. “ Con không biết, ông ấy bảo muốn gặp ba, đưa tấm cạc này, nói ngày mai sẽ trở lại ”. Tôi cầm tấm carte de visite in bằng hai thứ tiếng Việt Anh “Lê Hoàng Minh. Nhà doanh nghiệp ở Mỹ. Địa chỉ… Điện thoại…” “ Ông ấy có nói chuyện gì với con không? ”. “ Ông hỏi thăm gia cảnh rồi việc học hành của con. Hỏi con có muốn vào đại học, ông giúp đỡ. Ba có quen với ổng hở ”. “ Không ! ba không quen ”.

 

Bây giờ, ông ta ngồi trước mặt tôi. Có một sự ngượng ngập trong cách giải thích cuộc thăm viếng :

- Tôi đến tỉnh này đã hơn tháng nay, làm một số việc mang tính từ thiện. Ồ! Chỉ là việc nhỏ thôi, không đáng gì. Nhưng tôi cảm thấy vui…

- Nhưng ông gặp tôi có việc gì ? Tôi thì giúp được gì cho công việc của ông. Tôi hỏi chen vào, lạnh tanh.

- Chuyện thế này ông ạ. Tôi đang bảo trợ một số học sinh giỏi nhưng khó khăn ở tỉnh ta. Tình cờ tôi biết cháu Thủy con ông học rất giỏi. Nhưng vì hoàn cảnh không vào đại học được. Cháu nghỉ gần năm nay, thật tiếc. Tôi biết cháu thiếu mẹ, ông lại là thương binh…tôi mong được giúp cháu…

Thấy được nỗi nghi ngại căng thẳng trên mặt tôi, ông hơi lúng túng nói :

-Chuyện ông là do cậu Chính cho biết. Về nay, trong công việc thỉnh thoảng tôi có gặp gỡ với cậu Chính ở tòa báo.

 

“ A! Cậu Chính! Nó tính chơi xỏ mình ”. Tôi nghĩ, lòng càng thêm bực bội. Chính là phó tổng biên tập tờ báo tỉnh nhà mà tôi là cộng tác viên. Tuần trước, đã xảy ra sự bất đồng trong công việc. Đúng hơn là trong quan điểm cá nhân. Chính phân công tôi tiếp xúc với ông Việt kiều này để viết một bài báo liên quan đến công việc từ thiện của ông ta. Cậu ta không ngạc nhiên lắm, nhưng cũng bực mình trước sự từ chối thẳng thừng của tôi, tuy vậy cũng xuống nước thuyết phục :

 

- Em biết, hình như anh không ưa giới Việt kiều ở nước ngoài về, công nhận cũng có người này người nọ, mất gốc, tự mãn, hợm hĩnh. Nhưng phần đông đều thiết tha với Tổ quốc. Chẳng hạn ông Lê Hoàng Minh này, những gì ông ta làm cũng đáng ghi nhận : Giúp đỡ bệnh viện, trường học, quỹ học sinh nghèo… Ông ta về thăm quê hương chứ không phải kinh doanh, lại dốc hầu bao vào những việc thuần nhân đạo, chẳng lợi lộc gì cho ông ta cả.

 

- Có đấy ! - Tôi cười khẩy - Khi đủ giàu để không cần tiền nữa thì người ta cần những cái khác. Tiếng tăm chẳng hạn. Tôi tin rằng cậu sẽ làm hơn ông ta mười lần nếu cậu chỉ giàu bằng nửa ông ta.

 

- Sao anh cay nghiệt thế. Có thể ngày xưa họ đối địch với chúng ta. Nhưng đã hơn hai mươi năm rồi, chiến tranh đã lùi xa. Chủ trương ta là cởi mở và tha thứ. Nhất là với kẻ lỗi lầm biết ăn năn. Ta cảnh giác nhưng không có nghĩa là thành kiến và hằn thù. Đánh kẻ chạy đi…

- Đủ rồi! Tôi đã thuộc bài học đó từ hồi còn chiến tranh, ngay cả lúc thân thể mất mát, cái chết luôn rình rập. Tôi thành kiến ư  ? Thì cũng chẳng ai bị ảnh hưởng vì thành kiến một thằng nhà báo địa phương quèn và thương tật này.

- Thôi! Thôi! Chịu anh rồi – Chính giả lả- Việc gì phải nặng nề thế. Em sẽ phân công người khác vậy.

Thế là tôi thoát. Vậy mà hôm nay, cậu ta lại giới thiệu lão Việt kiều đến đề nghị bảo trợ việc học của con gái tôi. Cậu ta định mở mắt tôi chăng ? Xem tôi phản ứng ra sao, sĩ diện mức nào khi chính mình được giúp đỡ.

 

- Rất cảm ơn hảo ý của ông – Tôi bắt đầu. Cố giữ giọng lịch sự đúng mức - Cháu không vào đại học, đúng là do gia đình có khó khăn, nhà chỉ hai cha con, cái chính là cháu không nỡ xa tôi cảnh đơn chiếc, thương tật. Cháu ở nhà may thêu gia công và quán xuyến việc nhà để cha con gần nhau. Chúng tôi đã quen với hạnh phúc đơn giản ấy. Cháu là đứa ngoan, hiếu thảo. Để cháu thiệt thòi là điều tôi đau xót, nên năm tới, dù thế nào tôi cũng cho cháu vào đại học. Nói chung, cái khó chúng tôi thuộc phạm vi tình cảm, mà tình cảm thì không thể giải quyết thỏa đáng bằng vật chất phải không ? Tôi sẽ cảm ơn ông hơn nữa, nếu ông chuyển phần giúp cháu đến các em khác, khó khăn hơn, không thiếu ở tỉnh này.

 

Ông ta hơi ngỡ ngàng trước cung cách lạnh nhạt, khách khí của tôi.

- Tôi hiểu. Xin lỗi nếu tôi vô tình xúc phạm lòng tự trọng của ông. Tôi quốc tịch Mỹ nhưng là người Việt. Thật ra những gì tôi làm khi về quê hương là tầm thường, nhỏ bé so với những gì tôi nhận được từ quê hương. Ông đừng cười, có vẻ khuôn sáo, nhưng đó là sự thật lòng mình : Tôi là kẻ đau khổ. Tôi đoán ông cũng thế - Ông ta bỗng trầm giọng như tâm sự - Tôi cũng có hai đứa con. Nhưng một đứa chết vì tai nạn lúc mới năm tuổi, một đứa thất lạc khi còn trong bụng mẹ. Có lẽ vì vậy tôi rất yêu mến trẻ em, nhất là trẻ em bất hạnh. Về mặt con cái, ông thật là hạnh phúc hơn tôi.

 

Đột ngột ông ta trở lại vui vẻ mà tôi ngờ là giả tạo : Một nụ cười méo mó trên gương mặt vừa trầm tư, u uất, cũng không tự nhiên trong cách pha trò gượng gạo :

 

- Sao chúng ta không là bạn nhỉ ? Tôi với ông cùng tật nguyền như nhau. Bạn bè, có dịp, tôi kể ông nghe chuyện đời tôi, cũng khá ly kỳ. Biết đâu, cho ông ý tưởng viết những bài báo hay và cũng giúp tôi nhẹ đi phần nào chăng ? Nhưng… Hình như ông đang bận. Xin lỗi đã quấy rầy ông. Hẹn ông dịp khác vậy. Hay là lúc nào tiện, mời ông ghé đến chỗ tôi. Tôi đang ở khách sạn Bình Minh trong thị xã. Rất mong được tiếp ông.

 

Vài hôm sau, lẽ ra tôi đã quên. Nhưng có cái gì thôi thúc khiến tôi tìm đến và được nghe ông ta kể chuyện, một chuyện “ khá ly kỳ” như ông nói.

 

*

Tôi là một sỹ quan an ninh chế độ cũ. Năm 197… là trưởng ty An Ninh Quân Đội ở một địa bàn sát bên Sài Gòn. Cương vị ấy phải là thiếu tá trở lên. Tôi mới đại úy. Có lẽ do sự ưu ái, tin tưởng của cấp trên. Cũng có thể vì trẻ tuổi, có năng lực, lại có qua những khóa học ở Mỹ và Mã Lai. Có thành tích vừa phá vỡ một mạng lưới cộng sản cài trong quân đội. Tất nhiên tôi có nhiều kẻ thù. Cả những người lính cùng phe cũng e dè và căm ghét cụm từ “ an ninh quân đội ”. Tôi thoát hai cuộc ám sát của phía bên kia. Có lẽ nếu tôi chết lúc ấy sẽ sòng phẳng mọi chuyện và sau này sẽ không bị cuốn vào trò chơi ác nghiệt của số phận.

 

Nó bắt đầu khi tôi quen và si mê một người con gái, là vũ nữ một vũ trường ở Sài Gòn. Nơi tôi vẫn đến sau những công việc căng thẳng. Nàng là sinh viên Luật Khoa, có nhan sắc và nghề gái nhảy là một cách làm thêm để tiếp tục việc học. Quanh nàng, có nhiều người săn đón, kể cả những kẻ quyền chức quân đội và dân sự. Họ tìm đến để du hí, để trốn tránh vợ con và chạy trốn cái cảm giác ngột ngạt trong cái xã hội đầy nhiễu nhương, loạn lạc và đầy rẫy tệ nạn. Trong số ấy có tôi, lúc ấy vẫn độc thân. Tôi chinh phục nàng theo cách của tôi : kiên nhẫn, trầm tĩnh và chừng mực. Không vồ vập, suồng sã như những kẻ khác. Rồi từ chỗ thỏa mãn tính hiếu thắng tuổi trẻ tôi đã yêu nàng thật sự. Nàng cũng tỏ ra mến tôi. Ngày càng thân mật, cảm tình đặc biệt với tôi hơn.

 

Nhưng xin nói ngay, tất cả tình cảm đó là giả tạo. Bởi vì nàng là Cộng sản. Một chiến sĩ hoạt động nội thành. Thì ra nàng tiếp cận chúng tôi là để phục vụ cho công tác đặc biệt của mình.Tất cả đều nằm trong các chỉ thị, kế hoạch của tổ chức.

 

Tôi choáng váng, biết sự thật đó khi nàng đã bị bắt. Có sự chỉ điểm của một tên chiêu hồi. Một cuộc phục kích vây bắt của lực lượng an ninh thuộc Tổng Nha Cảnh Sát trong một lần gặp gỡ, liên lạc giữa nàng và hai người đàn ông khác. Xảy ra một cuộc đụng độ không cân sức. Hai người đàn ông vượt thoát bằng mô tô nhưng một người đàn ông trúng đạn, bị thương, té xuống đường, cùng bị bắt với nàng…

 

Khi tôi đến trại giam thì nàng đã oằn oại, rũ rượi như tàu lá héo trước những đòn tra tấn nhưng vẫn cương quyết ngậm miệng. Tôi quá hiểu sự khủng khiếp, man rợ ở chốn địa ngục này. Hiểu những gì đang chờ đợi nàng, bất kể nàng khai hay không khai.

 

Bằng mọi cách, tôi phải cứu nàng. Không đơn giản chút nào, nhưng không phải không làm được. Tôi cũng có chút quyền lực. Có những quan chức đàn anh đỡ đầu. Tôi huy động những gì mình có, như kẻ đánh bạc gom hết vào ván bài chơi bằng mạng sống của nàng và tình yêu của tôi. Tôi lập kế hoạch… và thành công. Cũng có nhiều trở ngại, rắc rối nhưng cuối cùng cũng thành công. Tôi đã tranh thủ sự đồng tình của thượng cấp, vận dụng mọi cách cần thiết, đề nghị bên Tổng Nha Cảnh Sát chuyển nàng cùng hồ sơ sự vụ sang An Ninh Quân Đội, mà tôi với tư cách trưởng ty, sẽ trực tiếp thẩm vấn, điều tra với lý do : Cần triệt phá một đường dây Việt cộng có liên quan đến nàng ở một đơn vị quân đội thuộc vùng công tác của tôi. Họ phản đối, nhưng cuối cùng cũng giao cho tôi. Vả lại, họ biết chẳng moi được điều gì nơi nàng.

 

Tôi bố trí nàng ở một nơi riêng để săn sóc, chữa thương và chờ thời gian để nhận chìm sự việc. Thực chất là giam lỏng, có người giám sát chặt chẽ. Tôi yêu và sợ mất nàng. Tôi muốn chinh phục nàng bằng những việc làm của tôi. Đối xử tử tế, thỏa mãn mọi yêu cầu trừ việc trả tự do hoàn toàn, cho đến khi nào nàng là vợ tôi, lệ thuộc vào tôi từ thể xác đến linh hồn và từ bỏ luôn cả lý tưởng của mình. Nhưng tôi đã thất bại. Tôi càng khâm phục, khốn thay lại kích thích tình yêu trong tôi.

 

Thật bất ngờ, nàng bỗng đề nghị sẽ đáp ứng tình cảm của tôi nếu tôi giải thoát cho người đồng chí bị bắt cùng nàng, đang bị thương chờ đưa ra khai thác. Đến đây, tôi đã gây ra một tội ác cụ thể mà trước đó tôi chỉ thực hiện gián tiếp, trung gian qua các tài liệu hồ sơ, qua các phương án kế hoạch. Còn xét xử, tra tấn, bắn giết là việc của kẻ khác. Tôi hứa với nàng sẽ giải thoát cho người ấy và tôi sẽ thực hiện đúng nếu không khám phá người đàn ông ấy chính là người yêu của nàng. Nàng hy sinh để cứu hắn. Tôi đau khổ, ghen tuông và thành độc ác. Tôi phái một tên trung sĩ thuộc hạ, chở người đàn ông nọ ra ngoại thành vờ thả. Sau khi bảo viết mấy chữ cho nàng tin thì thủ tiêu luôn . Thật ra, cho đến lúc ấy tôi đã hiểu, tiêu diệt hết cộng sản là điều vô vọng. Cộng sản có mặt ở khắp mọi nơi, toàn phần hay nửa phần trong mỗi người dân, cả những người thân và thậm chí những kẻ cùng chiến tuyến với tôi. Chính người Mỹ đã cho tôi hiểu điều đó. Qua sự việc của nàng, tôi càng thấm thía. Tôi mệt mỏi. Tất cả những gì tôi làm là vì công việc, vì địa vị bản thân chứ không phải vì căm thù. Còn trường hợp này lại là vì tình cảm. Việc này đến giờ, vẫn đè nặng lên lương tâm tôi.

 

Tôi đạt được điều mình muốn. Nàng sống với tôi, thành vợ tôi, dù có yêu hay không. Vả lại, nàng không còn cách nào khác. Vẫn trong tình trạng bị giám sát. Sức khỏe lại suy yếu sau vụ tra tấn và càng suy yếu hơn khi bắt đầu có mang đứa con của tôi. Đó là những ngày tháng 4 năm 1975. Những ngày đánh dấu sự cáo chung của chế độ Sài Gòn. Sau đó chắc ông đã hiểu. Tôi cũng trong số người di tản. Tôi đã tìm mọi cách để đưa nàng đi theo, kể cả van xin, cầu khẩn. Nàng từ chối bằng thái độ kiên quyết, lạnh lùng bảo với tôi nàng sẽ phá thai, xóa hết ân tình, đường ai nấy đi. Không vương vấn, hệ lụy với tôi. Hôm sau, trong cảnh hỗn loạn, nàng rời khỏi tôi vĩnh viễn. Còn tôi, một kẻ bại trận mọi mặt, không biết có giữ được tính mạng mình, còn mong gì giữ được nàng…

 

Đến đây, ông ta dừng lại. Rót nước, lấy thuốc lá mời tôi rồi cũng bằng động tác một tay, chậm rãi nhồi thuốc vào ống pip của mình, châm lửa hút. Đằng sau làn khói, một khuôn mặt giá băng. Tôi hỏi cái điều nãy giờ thắc mắc nhưng không có trong câu chuyện : “Xin lỗi, còn cánh tay ông…”

- À! Tai họa này ở Mỹ. Thật trớ trêu là tật nguyền này lại không phải do chiến tranh. Chắc tôi đã bị trừng phạt, dù trốn tránh ở phương trời nào. Thượng đế có mặt khắp mọi nơi. Qua Mỹ, tôi kinh doanh. Tôi đã từng học ở Mỹ, có bạn bè người Mỹ, thông thạo ngôn ngữ họ. Tôi thích nghi, hòa nhập nhanh hơn người khác và thành đạt trong việc làm ăn. Tôi vẫn độc thân, vẫn hoài vọng về nàng, về giọt máu của tôi ở Việt Nam không biết ra sao. Bất ngờ một thuộc hạ cũ sang Mỹ cho tôi biết nàng đã chết. Anh ta chỉ biết có thế. Còn số phận đứa con thì không rõ. Hai năm sau, tôi lấy một người vợ Mỹ, cũng trong giới kinh doanh. Chúng tôi có một đứa con trai nhưng cuộc sống không hạnh phúc. Hai tính cách và hai kiểu ứng xử văn hoá khác nhau. Chúng tôi đang tính chuyện ly dị thì cái ngày định mệnh ấy xảy ra. Trên chiếc xe riêng do vợ tôi lái đưa chúng tôi về nhà, cô đã uống rượu và tai nạn xảy ra. Cô chết tức thời. Tôi và đứa con trai được đưa đến bệnh viện. Cánh tay tôi bị nát nghiến, còn con tôi thì không cứu được… Cháu lúc ấy mới năm tuổi ông ạ.

 

Ông ta lại ngừng. Trong giọng nói, tôi nghe một âm sắc nghẹn ngào cố nén. Lòng tôi bỗng chùng xuống :

- Tôi hiểu… xin thành thật chia buồn với ông.

Một sự im lặng. Nhưng tôi cảm nhận những gì đang diễn ra trong lòng ông. Một lúc sau, bình tâm lại, ông kể tiếp :

- Sau đó, tôi thừa hưởng tài sản của vợ, giàu có hơn. Nhưng tiền bạc thì có ý nghĩa gì khi người ta đau khổ, mất hết người thân, cô độc ở một nơi xa lạ, không phải quê hương mình. Tôi thu hẹp dần công việc làm ăn. Đi du lịch hầu hết các nước phương đông, nhưng lại e ngại không dám về đất nước mình, dù nỗi nhớ khắc khoải. Cuối cùng, tôi cũng đã trở về vì số phận đứa con thất lạc, mà không còn sợ sự trừng phạt ở quê hương.Vì mọi sự xử phạt sẽ không thấm vào đâu so với linh hồn đang buồn khổ của tôi. Khi trở về, thật cảm kích. Mọi việc không như tôi nghĩ. Mọi người đều tốt. Tất cả đã tha thứ và không ai nhắc đến hận thù qúa khứ.

- Xin lỗi! Tôi hỏi hơi nhẫn tâm. Tại sao ông nghĩ rằng con ông có hiện diện trên đời? Ông vừa bảo chị ấy phá thai …

- Nàng nói trong lúc hận tôi, nhưng tôi có niềm tin là nàng sẽ không làm việc đó.

- Vậy đến giờ ông đã có được manh mối gì chưa?

- Không ông ạ! Quả là khó khăn. Đã hai mươi năm vật đổi sao dời, năm ngoái tôi có về tìm. Chẳng kết quả gì. Năm nay, tôi lại về, đã ba tháng rồi. Chắc số phận tôi phải chịu vậy. Vài hôm nữa tôi sẽ quay về Mỹ.

- Ông chấm dứt việc tìm kiếm sao ? Tôi ngạc nhiên.

- Tôi không biết phải làm sao. Về pháp lý tôi là người nước ngoài không ở lâu được. Tôi cũng còn nhiều việc phải làm. Về Mỹ, có người quen ở Sài Gòn hứa giúp đỡ. Có tin tức sẽ báo sang, nhưng ít hy vọng lắm ông ạ. Ông ta thở dài - dù sao tôi vẫn tin cháu được bình an vui sống ở một nơi nào đó. Nó được sinh bởi người mẹ tốt, thượng đế sẽ công bằng với nó cũng như đã công bằng với tôi. Tôi có dự định một ngày nào đó, sẽ tìm một nơi xa, đến một thiền viện ở Tây Tạng hay Miến Điện chẳng hạn. May ra thấy hạnh phúc, thanh thản trong sự tu hành. Từ nay đến đó, đem chút gì của mình giúp ích người khác. Nhất là với trẻ em.

Khi tiễn tôi ra cửa, ông ta sực nhớ, nói khẩn khoản :

- Còn chuyện này. Chuyện con ông đấy mà. À! Cháu Thủy, cháu thật ngoan. Để ghi dấu sự quen biết, ông hãy cho tôi được hân hạnh giúp cháu nhé. Mai tôi về Sài Gòn. Đây là địa chỉ…số điện thoại… ông đồng ý thì nhớ liên lạc với tôi. Tạm biệt, cám ơn ông về cuộc viếng thăm. Chúc ông may mắn.

 

Một cách vô thức, tôi đút tờ giấy ông ta trao vào túi. Nhưng lại rất ý thức trong lời từ chối tuy cương quyết, vẫn không kém phần nhã nhặn và lịch sự. Rồi chia tay.

 

*

Câu chuyện đến đây, lẽ ra có thể chấm dứt. Như thế là quá đủ, và nếu có mang màu sắc lâm ly đến nỗi một nhà báo tỉnh lẻ bất tài như tôi có thể viết được thành tiểu thuyết, thì với tôi chẳng hấp dẫn gì. Biết bao máu, nước mắt, nỗi bi thương còn rơi rớt lại một cách dai dẳng từ cuộc chiến tranh đã đi qua từ lâu. Tôi cũng là người tham dự và để lại một phần thân thể mình trong cuộc chiến ấy. Cũng không nhớ hết bao nhiêu lần chứng kiến cảnh mất mát, thương tâm. Chuyện ông Việt kiều với những nhân vật quanh ông, cũng chỉ là một giọt  nước thêm vào biển đau thương của dân tộc. Không còn gì để bận tâm. Hãy quên đi. Tôi tự nhủ lòng mình.

Nhưng đời sống nào có đơn giản.

 

Tôi ở nhà liền ba hôm. Đến tòa soạn vào một buổi chiều. Rủ cậu Chính ra quán nước, gọi hai chai bia. Rồi đem toàn bộ câu chuyện ông Việt kiều kể cho cậu ta nghe.

- Thì ra là vậy. Hèn gì ông ta rất yêu thích trẻ em. Dù sao ông ta cũng là một kẻ bất hạnh, đáng thương. Chính nhận xét sau một lúc trầm ngâm. Tôi đắn đo, do dự rồi nói ra cái điều mà đáng lý không nên nói :

- Nói thật với cậu, tôi đã biết tung tích của đứa con ông ta.

Chính trố mắt, kinh ngạc nhìn tôi :

- Thật ư ? Sao anh không nói cho ông ta biết ?

- Tôi không thể. Tôi đã hứa… một người bạn thân tôi đã nuôi nó từ bé. Anh không muốn ai biết, nhất là cha ruột nó.

- Thế bây giờ nó ở đâu ? Trai hay gái?

- À! Một cậu con trai, thông minh, tuấn tú. Đang sống ở Sài Gòn với cha nuôi. Anh ấy cũng thương binh cụt tay như tôi. Cậu biết là ai không? Chính là người yêu của cô vũ nữ hoạt động cách mạng cùng bị bắt với cô.

- Uả? Anh ta đã bị giết…

- Đúng vậy. Tên đại úy ra lệnh thủ tiêu. Nhưng hắn không thể ngờ người trung sĩ thuộc hạ hắn ra lệnh lại là người của ta, đã cứu anh ấy. Về đến cứ, vết thương ở tay anh bị hoại thư, phải cưa đi. Tôi với anh ấy cùng đơn vị. Mấy tháng sau, đụng một trận càn, lại đến lượt tôi bị thương. Thương tật giống nhau nên càng thương nhau. Kỳ lạ phải không ? Chưa hết. Đến ngày giải phóng anh ấy gặp lại người yêu cũ ở Sài Gòn trong tình trạng sức khỏe suy sụp lại mang thai. Có rất nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra, có tôi chứng kiến, nhưng không cần thiết phải kể lại. Tất cả đã qua rồi. Vài tháng sau khi sinh đứa con. Cô ấy mang bệnh và chết. Anh ta nhận nuôi đứa bé trong vô vàn khó khăn. Ôi! Hai mươi năm… Bây giờ, lại có kẻ về tìm con, chính là kẻ thù ra lệnh giết anh, chiếm đoạt người yêu của anh. Theo cậu, anh ta sẽ sử xự như thế nào ?

- Em hiểu – Chính bối rối - Anh ấy đau khổ và cao thượng. Không thể đòi hỏi ở anh điều gì hơn nữa với kẻ từng gây đau khổ, ân oán với mình.

- Vậy thì cậu lầm. Anh ấy không còn oán thù, nó đã thuộc quá khứ. Nhưng tôi rất hiểu anh ấy. Anh sẽ không bao giờ tiết lộ đứa con, vì nó là hiện tại và tương lai, là hạnh phúc, là niềm an ủi duy nhất của anh. Anh ấy không thể có con. Sau này, cũng có một người đàn bà khác sống với anh nhưng vì lý do gì đó đã bỏ anh. Từ đó, anh ấy càng yêu thương thằng bé hơn mọi thứ trên đời. Anh không muốn san sẻ tình cảm ấy với bất cứ ai.

Chính im lặng. Cậu ta bị câu chuyện cuốn hút. Nói sau một hồi suy nghĩ :

- Thật kỳ lạ. Một sự ngẫu nhiên của số phận. Em không rõ, nếu trong cuộc mình sẽ làm sao. Cũng có thể sẽ làm như anh ấy. Những việc thế này, thú thật, vượt quá sự hiểu biết, phán xét của em. Tuy nhiên, em lại nghĩ… - Chính ngập ngừng - Sự thật vẫn là sự thật. Ta không thể trốn tránh được chính mình. Mọi việc sẽ an bài từ sự thật ấy. Còn điều này - Chính nhìn tôi tò mò - Tại sao lại cho em biết chuyện này?

Tôi đứng dậy, nói trong lúc chia tay :

- Đơn giản thôi. Cậu là người trẻ tuổi, lại nhân hậu, không thành kiến. Suy nghĩ sẽ khách quan hơn. Tôi muốn biết những suy nghĩ ấy để quyết định có nên báo cho anh bạn tôi biết chuyện lão Việt kiều về tìm con hay không. Lâu nay, anh ấy chỉ lo sợ việc này. Chỉ vậy thôi.

 

*

Tôi lầm lũi về nhà khi phố xá bắt đầu lên đèn. Người và xe cộ nườm nượp. Thế giới mỗi ngày thêm đông, sao còn hiện hữu những mảnh đời đơn côi, hiu quạnh. Lòng tôi trống trải. Không biết mình buồn hay vui, chỉ thấy một nỗi dửng dưng. Cái cảm giác còn lại sau những lần đi qua khổ đau, mất mát trong đời. Một cơn đau nhức chợt nhói lên âm ỉ chỗ xương cụt nơi cánh tay. Lại sắp trở mùa. Thời gian cứ luân phiên thay đổi và trôi đi… Tôi đứng trước nhà, nhìn qua khe cửa sổ. Dưới ánh điện, Thủy, con gái tôi, đang cúi đầu bên chiếc máy khâu, trên bàn, một mâm cơm đã dọn ra, còn đậy nắp lồng bàn. Cháu đang chờ tôi về để cùng ăn bữa cơm chiều. Cái không khí đầm ấm đã bao nhiêu năm… Tôi rón rén quay lại. Đi như chạy đến trạm điện thoại công cộng, lấy tờ giấy ở túi ra xem lại. Tôi kẹp ống liên hợp vào má và vai trái, tay phải ấn số. Vài giây im lặng. Bỗng dưng tận đáy lòng, bùng lên một ước muốn, mơ hồ và độc địa là lão Việt kiều đi vắng. Sẽ không ai nghe máy. Chỉ cần qua đêm nay, ngày mai lão sẽ sang Mỹ. Rồi sau này, có biệt tăm tận Tây Tạng hay Ấn Độ gì gì… cũng mặc xác lão. Mọi sự sẽ chìm trong sâu kín  “Xin lỗi! Ai ở đầu dây? ” - Tiếng lão Việt kiều. Cùng lúc, lương tâm và lòng chính trực trong tôi thức dậy và lên tiếng : Hãy để mọi sự an bài từ sự thật. “ Tôi đây, thưa ông… Vâng! Gã nhà báo tỉnh lẻ một tay đây… Sao?…Mới quen ư ?...Không hẳn thế. Thật ra tôi với ông không phải là người xa lạ. Đã từng biết nhau hai mươi năm trước… Ồ! Vâng! Dĩ nhiên tôi đã nhận ra ông từ hôm mới gặp… Sao?  Ông chưa nhớ ra tôi ư ? Nhưng thôi không quan trọng. Tôi chỉ muốn báo cho ông việc này quan trọng hơn : Chắc là ngày mai ông nên gác chuyến về Mỹ… Phải! Tôi cho là quan trọng đối với ông… Ngày mai gặp sẽ nói thêm. Còn bây giờ cũng xin được nói ra : Con gái tôi…Vâng! Cháu Thủy! Sự thật nó không phải là người xa lạ với ông. Nó chính là đứa con thất lạc mà ông đang tìm đấy ”.

Lương Minh Vũ
Số lần đọc: 2548
Ngày đăng: 03.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bóng Tôi ... (Phần 1) - Hồ Chí Bửu
Bóng Tôi ... (Phần 2) - Hồ Chí Bửu
Chuyện ba mươi năm sau - Đặng Hoàng Thái
Một buổi sáng không có tiếng gà - Đào Bá Đoàn
Hãy bò đi... - Đào Bá Đoàn
Đối diện cùng sinh tử - Văn Chấn Ngọc
Quê hương - Trần Thị Ngọc Lan
Cái nợ đồng lần - Nguyễn Đức Thiện
Niềm Hạnh Phúc Nhỏ Bé - Nguyễn Nguyên An
Cánh bèo trôi ngược nước - phần 1 - Trương Hoàng Minh
Cùng một tác giả
Sơn Nữ (truyện ngắn)
Nhịp nối thời gian (truyện ngắn)
Pháp trường trắng (truyện ngắn)
Tri kỷ (truyện ngắn)
Người xa lạ (truyện ngắn)
Hạt cát (truyện ngắn)