Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.220.197
 
Thơ Tuyết Nga- Ảo giác vết thương chìm
Nguyễn Trọng Tạo

Hình như có lần tôi đã nói về thơ: "Thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười, gần với khổ đau hơn là reo hát, gần với sẻ chia hơn là chiếm đoạt, gần với chiến thắng mình hơn là răn người...". Hay nói như G. Lorca: "Thơ gần với máu hơn là mực". Không hiểu sao khi đọc tập thơ Ảo giác  của Tuyết Nga, tôi lại bỗng nhớ đến quan niệm ấy. Và một điều kỳ lạ nữa, tập thơ khiến tôi ám ảnh về Anna Akhmatova - một nữ thi sĩ Nga sinh trước Tuyết Nga đúng 70 năm (1889) - mà số phận được báo trước trong câu thơ đề tặng của Maria Tsvetaeva: "Đời chị là một cái rùng mình - Đến bao giờ thì hết được?". Thơ Tuyết Nga thường buốt nhói những cái rùng mình của một tâm hồn đa cảm: từng trải mà ngây thơ, khát khao và tuyệt vọng, thông minh và dại khờ, khắt khe mà vị tha, trong trẻo mà cuộn xiết. Đấy là thơ của người biết hoá thân vào con chữ để hiện ra hình ảnh của chính mình, hay nói cách khác, người thi sĩ biết đứng lặng lẽ ở ngoài thơ để nhìn ngắm và ngẫm ngợi về bản thân mình hiện diện trong thơ. Phải chăng, thơ, đấy là cuộc đối thoại xuất thần của tâm tưởng:

 

                 Hãy nói với ta hương bưởi thơm ra sao ngày Mẹ 18 tuổi

                 ...Mẹ đã dấu hoa cùng với giọt nước mắt ở đâu

                 để nuôi ta khôn lớn?

                 Ta, vị hoàng đế lên 3 trong vương quốc riêng Cuộc-Đời-Của-Mẹ

                 Nhưng Mẹ đã vĩnh biệt ta vào một sáng trong đời

                 Ta thành kẻ hành khất không nước mắt.

                                                        (Hoa tầm xuân)

 

      Đấy là nỗi đau của "kẻ hành khất không nước mắt", hay nỗi đau của vết thương không có sẹo? Nỗi đau luôn hiện diện trong thơ Tuyết Nga như những vết thương chìm. Sự từng trải đã làm nên kinh nghiệm sống, và bản lĩnh đã khiến cho Tuyết Nga biết nén lại nỗi đau mà mình cảm thấy. Những nỗi đau được thu dấu trong tâm hồn, và được nuôi dưỡng để tạo nên hồn thơ đầy trắc ẩn, cho đến lúc nó rùng mình hiện ra trong câu chữ:

 

                     Lời ta là những mảnh thuỷ tinh rơi mãi

                     trái tim co ro nhón gót hãi hùng

                     máu rỏ xuống âm thầm kỷ niệm

                     những giọt màu rong rêu.

                                                         (Ảo giác 2)

 

     Tuyết Nga không phải là người đối lập với niềm vui, mà chị mang chứa một nỗi đau phản kháng trước những niềm vui nông nổi, giả tạo, những bi uẩn nhờn nhợt, rẻ tiền. Chị nhìn thấy "trong đám cưới của người bạn bị bạc tình/ hạnh phúc/ như tờ lịch được đóng đinh", và chị nhìn thấy cả những hình ảnh quái đản của mọi ngươì trong đám cưới xa xót ấy:

 

                      Và em thấy mọi người là loài chim cánh cụt

                      trong bữa tiệc của người bạn chán đời

                      nơi niềm vui

                      như đồng tiền giật tạm.

                                                           (Ảo giác 2)

 

     Một cái nhìn thật sắc sảo, xuyên thẳng vào bản chất, vào đáy thẳm sự thật. Nhưng cái nhìn của Tuyết Nga sắc mà không lạnh, cao đạo mà không nhạo báng. Nhờ thế mà nhiều lúc chị nhìn thấy được những điều thật lạ: "Rong chơi khoác chiếc áo Cô đơn" và "Tham lam sụp chiếc mũ Khổ đau" đi về phía "ngọn lửa kham khổ" vừa được "nhóm lên từ đống thời gian mệt mỏi lụi tàn" như một ảo giác xa xăm. Những ảo giác đau buồn mà ấm áp trong thơ Tuyết Nga luôn tái hiện suốt tập thơ như một môtip chủ đạo của tâm hồn thi sĩ. Không khó để nhặt ra những ảo giác ấy:

 

                      - Rồi một ngày bạc nắng ngoái tìm nhau

                      - Trái tim buồn như một trái cây rơi

                      - Đốm vàng u ẩn một triền sông

                      - Đừng tin xẻ nửa mùa thu được

                        Lững thững sông mòn mỏi bãi xa

                      - Màu thời gian bạc con đường cỏ mọc

                      - Hanh phúc với tay chạm vào nước mắt

                        Gió gom về từng mảnh dung nhan

                      - Có lúc niềm vui mang hình mảnh vỡ

                        Rơi long cong xuống ngày tháng khê nồng...

 

     Ngòi bút thơ của Tuyết Nga dường như muốn thoát ra khỏi các đề tài để hướng thẳng vào tình yêu và thân phận. Cứ tưởng chị là một cây bút chối từ văn học đề tài. Với chị, đề tài chỉ là một cái vỏ bọc đã khô. Chị đi tìm vị ngọt ngào và đắng chát trong nhân quả thân phận và tình yêu, ở đấy chị chia sẻ, an ủi và dâng hiến chứ không phải là nói những lời biện hộ. Nói cách khác, thơ Tuyết Nga chính là sự bóc trần bản thân thi sĩ theo quan niệm của Marcel Reich - Ranicki: "Nhà thơ là những kẻ hoan lạc chuyên nghiệp, có khác chăng là  không phải họ thi ca hoá sự loã lồ". Quan niệm này có vẻ hợp với thơ Tuyết Nga, bởi thơ chị không mang vẻ đẹp bốc đồng đỏng đảnh của kẻ trẻ tuổi bị hút vào cuộc tình mà là vẻ đẹp của một mệnh phụ đoan trang:

                 

                   Thèm đóng gói được mùi đất ải cánh đồng hoàng hôn

                                                                            chim ngói bời bời

                  đóng gói được dáng con đò uể oải

                  cả lối mòn phơ phất bóng cau

                  đóng gói được một trời sao rụng trong mắt anh phút khuất nẻo

                                                                                                     chân trời

                  đóng gói được nỗi nhớ em run rẩy

                  ngưng long lanh trên mí mắt âm thầm.

                                                                       (Nhật ký cuối thế kỷ)

     

      Vẻ đẹp lạ lùng ấy hiện lên lộng lẫy trong bài thơ Bản nháp, một bài thơ tình tràn đầy nồng nàn và khắc khoải đớn đau. Đây là bài thơ vạm vỡ, dâng tràn tình yêu của con người hoà nhập với thiên nhiên rộng lớn, nhưng lại mang chứa sự đối lập sâu sắc về giới tính - sự đối lập của âm dương cộng hưởng. Những ấn tượng mãnh liệt đã hoá thành ảo giác. Ánh mắt, vòm ngực, cánh tay của người trai hay là hình ảnh hùng vĩ của thiên nhiên hiện lên ám tượng người thơ:

 

                Ánh mắt của đại ngàn vạn tuổi vách đá thâm u ánh lửa cháy rừng

                Vòm ngực của cánh đồng vô tận tiếng hú dài hoang lạnh hoàng hôn

                Cánh tay những vòng ôm của sóng đáy vực sâu nhoà lẫn

những chân trời                                                                           

                Anh

                Bản nháp của tình yêu một sớm.

 

     Và đây là hình ảnh của phái yếu hay là thời gian vô hình đang mục rữa:

 

              Trái tim như phế tích nép lặng im hiu hắt phía đêm dài

              Kỷ niệm lở trơ nỗi niềm phai nhạt

              Những vui buồn loang lổ tháng năm

              Lời yêu như cỏ rối miên man không khuất được nhớ thương

                                                                                  đang mục rữa

              Em

              Bản nháp của tình yêu đầy dập xoá.

 

     Sự đối lập âm dương cộng hưởng với sự "chấm phá bản năng tìm kiếm chính mình" mà vẫn chỉ là "những bản nháp của tình yêu rơi xuống" ! Đây là một trạng thái rất lạ trong thơ Tuyết Nga - một trạng thái sống chấp nhận hay chối bỏ mãi mãi còn bí ẩn. Và hai từ "bản nháp" chính là lời tự thú kì bí của người thơ:

                 Những chân dung không màu đầy dập xoá

                 Tình yêu phác lên bất lực chính mình.

 

     Hạnh phúc và nỗi đau trong thơ Tuyết Nga cứ được bóc dần vào tận lõi làm hiện ra sự thức tỉnh tận lòng người. Đấy là những ám ảnh kết tủa long lanh trong ký ức người thơ. Tuyết Nga thổ lộ rằng, chị chỉ làm thơ khi bị tiếng gọi của ký ức hối thúc. Điều đó không chỉ đúng với riêng chị mà đúng với tất cả các nhà thơ làm thơ bởi ám ảnh quá khứ. Ám ảnh quá khứ là cả một dây chuỗi liên tưởng được chắp nối, kể cả quá khứ xa và quá khứ gần, thậm chí cả hiện tại cũng có thể biến thành quá khứ khi liên tưởng phóng nhanh về phía tương lai. Cái đặc sắc của Tuyết Nga là biết dừng lại ở những ấn tượng sâu thẳm trong tâm hồn, những ấn tượng lạ như những bí mật riêng lẻ với những hình ảnh riêng tư nhất. Ngay cả những bài thơ viết cho con của chị cũng đều phát khởi từ cộng hưởng của ký ức hiện tại và ký ức qúa khứ: tuổi thơ của con và tuổi thơ của chính mình:

 

                  Giọt nắng sún răng lò cò quanh cửa

                  giọt nắng ỷ eo theo bà đi chợ

                  lễ mễ khiêng cả chiếc bánh đa tròn

                                   (Nói với con về bà ngoại)

                  Gió nói với con đại ngàn thăm thẳm

                  sóng kể với con bãi bờ mê đắm

                  câu hát dắt con phiêu lãng những chân trời

                                  (Mẹ chẳng thể nào...)

 

      Những câu thơ thật tự nhiên, không bị gò bó bởi niêm luật, vần vèo. Câu chữ cứ dắt díu nhau tung tẩy, bỗng bất ngờ cắt lát, gập khúc theo cảm xúc quặn thắt của trái tim, khiến những bài thơ tự do nhập vào dòng chảy hiện đại. Những cảm xúc mới mẻ, những nhịp điệu nhanh gấp, những ý tưởng buông bắt, cùng với cảm quan trẻ trung, hiện đại... thơ Tuyết Nga lặng lẽ thở sâu hơi thở trong sạch của thời đại ngày nay.

 

                 Rồi một mai ngôi nhà đang xây kia sẽ lại là di tích

                 ta cũng thành một quá khứ xa xăm...

                                                                    (Viết ở phố Hiến)

 

     Rất hiếm thấy ở chị những điệu thơ truyền thống, nhưng không phải vì thế mà xa rời dân tộc. Hồn Việt được nuôi dưỡng trong cách nhìn tinh tế và đằm thắm của hồn thơ nữ tính. Thảng hoặc, ta thấy ẩn hiện trong bài thơ tự do bóng dáng lục bát, nhưng không hẳn là thơ lục bát (Đi tìm lời ru) . Cũng thấy có những nhịp thơ lẩn quất cách nói của Xuân Quỳnh: "Tằm đẫy trên nong/  ong trong vòm nhãn/ sen nở trên đầm, người cấy cày trên đất" (Viết ở phố Hiến), khiến ta nhớ "Nước trong phích, hoa trong bình gốm cũ". Nhưng đấy chỉ là chút ảnh hưởng đáng yêu mà không phải nhà thơ nào cũng tránh được. Cái chính là Tuyết Nga đã tạo dựng được một giọng thơ cho riêng mình, một giọng thơ đẹp, sangvang; tất nhiên nó không phải là sự bắt chước vẻ nhăn mặt của Đông Thi xưa, mà là vẻ đẹp thực sự của cái chau mày Tây Thi thời hiện đại:

 

                    Nỗi nhớ xếp hàng trong máy nhắn tin

                    ... Mỹ viện xoá nhoà ký ức về nhau

                    ... Cổ vật lòng ta mai sau.  

                                               (Nhật ký cuối thế kỷ)

     Trong cái giọng thơ đẹp, sangvang ấy luôn ẩn chứa một chút gì xót xa đắng đót và nhân hậu bao dung. Khá nhiều bài thơ của Tuyết Nga  mà đoạn kết thường xuất hiện một chữ "thôi" như một thái độ không cố chấp, vị tha, ôn hoà hay thủ phận. Cũng có khi chữ "thôi" mang ý nghĩa kiêu bạc và buồn:

 

                    - thôi anh mong nhớ sẽ theo về

                                                 (Không đề 2)

 

                    - thôi ta đi cùng nhau thêm một lần cuối nữa

                                                  (Ký ức)

 

                    - thôi anh hãy xem nụ cười bình thản

                       với một ngọn gió buồn đâu đó nữa là tôi

                                                  (Thơ tặng hoạ sĩ vẽ chân dung)

 

                    - thôi em... thôi em... dòng sông đã chảy

                      ru em... ru em... mặt trời không tuổi

                      thôi nào trái tim...

                                                  (Dòng sông đã chảy)

 

                    - nào thôi con đường nhỏ quanh co nữa làm gì

                      lòng đâu còn ánh lửa mà ta về lối khuya.

                                                  (Sông Đuống chiều cuối năm)

 

                    - gió cũng xưa mất rồi

                       chỉ mình con mới sinh thôi.

                                                  (Đi tìm lời ru)

 

       Gần 20 năm trước, chữ "thôi" này của Tuyết Nga cũng đã xuất hiện trong câu kết của bài thơ "Viết trước tuổi mình":

 

                   - Thôi em tin cùng anh, niềm tin can đảm ấy.

 

     "Thôi" là hết mà vẫn không là hết. "Thôi" là chấp nhận mà vẫn còn miễn cưỡng. "Thôi" là dứt mà vẫn đầy xao động. "Thôi" là chối từ mà vẫn cứ băn khoăn... Sự xuất hiện nhiều lần chữ "thôi" trong thơ Tuyết Nga như một thông báo về giọng điệu tâm hồn, về sự hình thành thi pháp đầy nữ tính của chị, nó tạo nên phong cách nghệ thuật riêng lẻ, ký hoạ nên chân dung tác giả. Nhưng trong sâu xa của ý nghĩa, chữ "thôi" trong thơ Tuyết Nga chính là niềm an ủi, xoa dịu nỗi đau đớn âm thầm của những vết thương chìm trong tâm hồn một người thơ đa cảm.

                                                               # # #

 

     20 năm làm thơ, Tuyết Nga chỉ cho in 2 tập thơ mà mỗi tập chỉ vài chục bài, nhưng chị đã khẳng định tâm hồn thơ đa cảm, thông minh và sắc sảo của mình với khá nhiều giải thưởng đáng trân trọng: Giải thưởng tác phẩm xuất sắc của Uỷ ban toàn quốc Văn học nghệ thuật Việt Nam 1993, Giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1995, Giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương (Nghệ An, 1996). Trong khi không ít người làm thơ thi nhau chạy đua về số lượng đầu sách thì Tuyết Nga lặng lẽ đứng về phiá nỗi đau, chăm chút cho từng câu thơ, từng cảm xúc bất thường chợt đến. Có những khoảng trống không thể vội vã lấp đầy. Trầm tĩnh và bình tĩnh cũng là cách thơ của Tuyết Nga. Và với tập thơ thứ 2 này, Ảo giác (nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2002), chị đã đĩnh đạc bước tới một độ cao mới đối diện trước bầu trời rộng lớn của thi ca. Vâng, đấy là sự tiếp bước Xuân Hương, Xuân Quỳnh... những nữ sĩ tài danh của thơ ca chúng ta.

                          

Hà Nội, ngày 8 tháng Ba, 2003
Nguyễn Trọng Tạo
Số lần đọc: 2722
Ngày đăng: 03.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về bộ tiểu thuyết lịch sử của Hoài Anh. - Đông La
Hồng Nhu tuổi hồi xuân - Nguyễn Khắc Phê
Không thể tuỳ tiện dùng chữ “Đại hiếu ”, “Đại anh hùng ”! - Lê Hoài Lương
Trước thềm thế kỷ XXI, Đọc lại Pauh Catwai - Inrasara
Giới thiệu Trường ca Chăm của Inrasara - Trà Chân
Đọc thơ Nguyễn Sĩ Cứ - Nguyễn Trọng Tạo
Dương Tường với “ THƠ NGOÀI LỜI”. - Đào Bá Đoàn
Những hành trình qua trống rỗng : Bài 2 - Nguyễn Chí Hoan
Bàn thêm về cách hiểu và dịch bài thơ : PHONG KIỀU DẠ BẠC - Nguyễn Khắc Phi
Hạt sạn đáng tiếc từ một cuốn sách - Lê Hoài Lương