Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.725
 
"Nhớ Chùa" một chữ "Thiện" vô bờ (phần 2)
Ngọc Thiên Hoa

(tiếp theo phần 1)

      2. Bốn đoạn thơ tiếp theo:

 Tấm lòng hiền lương hướng Phật:

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh giải thoát vọng cao siêu

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân làng sống mến yêu

Vì vậy làng tôi sống thái bình

Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh

Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm

Xây dựng tương lai xứ sở mình

Tối đến dân quê đón gió lành

Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân hiền mọi mái tranh

Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào

Thôn trên xóm dưới dạ nao nao

Dân làng tắm gội lên chùa lễ

Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào

Ta nghe như trong tiếng chuông chùa có hình ảnh những con người nhà quê lam lũ với cuộc sống ''sắn ngô gạo bắp''  và tâm thức hiền lương không có chữ ''Hơn Thua'' tranh quyền, đoạt lợi. Khi con người có được cõi lòng thanh tịnh, liêm khiết như thế thì đi đâu cũng có quê hương, ở đâu cũng có chữ Phật. Ngày thì có chữ ''Nhàn''. Đêm thì được chữ ''An''. Cuộc đời không lấy chữ ''đói nghèo'' là huệ lụy! Nhiệm màu thay! Một tiếng kinh cầu là ngàn lời giải thoát. Một tràng tụng niệm thay thế khối ưu tư. Tâm sinh loạn tất tâm diệt loạn. Lòng nổi giông, lòng tất diệt giông! Giới cảnh đạt được như thế thì ngàn vàng cũng hóa hư không, bạc tiền cũng tan theo gió thổi!

Vào cửa Phật tức là:

Thân hòa cùng ở,

Miệng hòa không tranh cải,

Ý hòa đồng vui,

Giới luật hòa đồng giữ,

Hiểu biết hòa cùng giải,

Lợi hòa chia đồng.

Vào cửa Phật chính là quy y Tam Bảo. Đó là: ''Quy y Phật, không quy y Thiên, Thần, Quỷ, Vật"  như Thích Thanh Từ (win.org) có giảng: "Quy y Pháp, không quy y ngoại đạo tà giáo". "Quy y Tăng, không quy y bạn dữ nhóm ác". Chúng ta đã chọn lựa những vị hiền đức nương theo, khiến đời mình về gần với đức hạnh. Bạn dữ nhóm ác đối với người biết đạo cần phải tránh xa. Bởi vì "gần mực thì đen gần đèn thì sáng" hay "gần đồ tanh hôi mình bị hôi lây, gần vật thơm tho mình được thơm lây". Vì thế chúng ta phải can đảm đi đúng đường của mình đã chọn, dù có bị khinh khi mạ lỵ, ta cũng cứ thế mà đi. Bởi vì chúng ta đâu phải là kẻ mù quáng, mà đành bỏ cái tốt gần cái xấu. Khẵng định lập trường rõ ràng là người có ý chí cương quyết. Nếu người tu hành mà thiếu ý chí nầy, dễ bị gió lung lay''.

Người học Phật là người biết kinh Phật. Phật tử không thể thiếu lời ''Kinh''. Tỳ Kheo không lặng thinh chữ ''Kệ''. Chùa chiền không thể vắng hồi  chuông. Lời cầu nguyện làm sao quên tiếng mõ? Cho nên, chuông mõ là biểu tượng của chốn tu hành thanh tịnh và là nơi dung chứa những kẻ bỏ đồ đao, lập tâm thành Phật hay là nơi mở lòng cho Lan chôn cành Lan, cho Điệp vùi xác Bướm! Thế nhưng: Tâm có oan nghiệt thì dù có ở chùa nào thì lòng cũng tâm động cảnh trần gian! Ở nơi đâu cũng sầu tình lục dục! Ấy mới là khổ đau của nhân thế! Mượn hồi chuông, muợn tiếng mõ để quên đời là ý này!

Trong ''Nghi thức chuông mõ'' (win.net), Phúc Trung có cắt nghĩa: ''Chuông luôn luôn ở bên tay trái của tượng Phật hay Bồ Tát, mõ bên tay phải. Nguời thỉnh chuông gọi là Duy na, người gõ mõ gọi là Duyệt chúng. Tiếng chuông phát ra âm thanh lắng động, đêm khuya nghe tiếng chuông lòng chúng ta sẽ lắng động, thanh thản, phiền não dường như tiêu tan. Bài kệ đọc khi nghe có tiếng chuông:

Văn chung thinh phiền não khinh,

 Trí huệ trưởng Bồ đề sanh,

 Ly Ðịa ngục xuất hỏa khanh

Nguyện thành Phật độ. chúng sanh

Án Dà Ra Ðế Da Ta Bà Ha (3 lần)

(Nghĩa là: Nguyện cho tiếng chuông nầy vang khắp nơi, ở Ðịa ngục u ám Thiết vi cũng được nghe, ở trần thế được thanh tịnh chứng quả, hết thảy chúng sanh đều thành bực chánh giác và bài kệ sau: Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ đi, trí tuệ tăng trưởng thêm, sanh tâm Bồ đề, rời khỏi địa ngục, không bị lửa địa ngục thiêu đốt, nguyện thành Phật để độ hết chúng sanh.)...Cho nên tiếng chuông rất quan trọng, lại nữa trong khi tụng kinh, tiếng chuông báo hiệu cho người dự được biết sắp chuyển qua niệm danh hiệu khác, sắp hết một bài kinh hay kệ, bắt đâu lạy xuống cũng như khi đứng lên được nhịp nhàng. Thỉnh thoảng trong bài kinh dài có thỉnh chuông để cho người dự tĩnh thức trong lúc tụng kinh.''

Và ta hiểu vì sao Nguyễn Du trong truyện Kiều đã đem tiếng chuông chuyển thành ''tiếng chày nện sương'' buồn thê thiết:

Sớm khuya lá bối phiến mây

Ngọn đèn khiêu nguyệt, tiếng chày nện sương.

Nhưng nhà thơ vĩ đại đã để cho Thúy Kiều vào chùa tu hành mà chẳng thể nào đắc đạo chính vì Kiều tâm không yên, không thể tĩnh như Thiền sư Nhất Hạnh trong ''Pháp môn thực tập, langmai.org):

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe!

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm

Với Mãn Giác, vị thi nhân tuổi trẻ này cũng trải qua thử thách của sự nhận thức bằng tâm. Nhưng hồi ức rồi cũng qua. Thực tại mới nằm lại. Chúng gậm nhấm tâm hồn thi nhân. Kỷ niệm có đong đầy thì hiện tại mới thương vay. Khổ vậy đó. Ta hãy xem, thi nhân Huyền Không đã biến giải  nỗi lòng này như thế nào qua hai đoạn thơ cuối cùng?

III. Hai đoạn cuối:

Niềm ray rứt và mơ ước an lành:

Biết đến bao giờ trở lại quê

Phân vân lòng gửi nhớ nhung về

Tang thương dù có bao nhiêu nữa

Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông

Lòng khoắc khoải với tiếng chuông chùa vọng mãi thành nỗi ''nhớ lạ lùng''. Hiện thực trước mắt của thi nhân vẫn là: Xa quê, xa làng, xa chùa. Cảnh đất nước trong giai đoạn chung của lịch sử vẫn còn ''tang thương'' trong điển tích ''Tang điền thương hải'' (ruộng nương hóa biển xanh). Quách Tấn tác giả ''Xứ trầm hương'' nổi tiềng cũng có bài ''Nhớ chùa'':

Nhớ chùa lòng muốn lên thăm

Sườn non đã dốc, đá dăm lại nhiều

Lắng tai nghe tiếng chuông chiều

Mặt hồ lắng sóng, mây điều bay qua

Nhớ chùa của Quách Tấn là cái nhớ khó vượt qua bởi thiên nhiên tạo: ''Sườn non đã dốc, đá dăm lại nhiều''. Lòng người có phải do dự vì ngại núi, e sông?

Hóa ra, ngôi chùa cũng là nguồn cảm hứng của thi ca, âm nhạc! Là nơi mà  ''hồn dân tộc'' được ''chở che'' bằng tấm lòng từ bi của Phật. Và cửa chùa cũng nói lên được ''nếp sống muôn đời của tổ tông''. Đó là sự khẳng định Phật giáo đã có nguồn gốc từ Trung Hoa qua giáo phái ''Đại tông'' và Phật giáo Việt Nam đã hơn mấy nghìn năm trải qua bao thăng trầm vẫn tiếp tục thể hiện sức sống mãnh liệt của nó.  Kinh Bắc là cái nôi của nhà Phật. Chùa Một Cột biểu tượng của một nền Phật giáo chính thống Việt Nam song song cùng Nho Giáo trước khi Thiên chúa giáo nhập nội! Những ngôi chùa nghìn năm cổ kính đã là chứng nhân cho ''nếp sống muôn đời của tổ tông'' với những câu ca dao, tục ngữ kêu gọi người người thương yêu nhau: ''Nhiểu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng'' hay ''Thương người như thề thương thân'' hoặc ''Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy là khác giống nhưng chung một giàn'' cũng từ cái nền Phật giáo thấm nhuần tình nhân đạo mà ra.  Những vị vua đời trước như Lý Công Uẩn đã hết lòng nâng niu truyền thống văn hóa mang đặc thù màu áo Phật pháp đầy tình nhân đạo bằng cách lập nhiều chùa chiền và xây dựng thánh miếu. Vua nhà Trần như Trần Nhân Tông bỏ cung son, phát nguyện, thụ giới theo Phật. Đạo Phật ngàn năm trước đó từ Ấn Độ mà đức Thích Ca đã sáng lập nên.

 ''Người Việt Nam đã kế thừa và phát huy được tinh hoa của nền Phật Giáo Ấn độ, nhưng vẫn mang bản sắc riêng của dân tộc. Sĩ Nhiếp là bậc hiền tài được nhân dân tôn trọng như Vua nên được gọi là Sĩ Vương đã thừa nhận điều nầy:

Nước Nam sông núi dáng thần linh

Văn hiến mở khai dạng Phật kinh

Thánh Mẫu quả nhiên sanh Thánh tử

Mưa lành nhuần tưới giúp dân sinh

(Trích sách đồng)

Những ngôi chùa cùng song song tồn tại với người tu hành. Người xa nhà nhớ nhà. Người ly hương nhớ quê. Người tu hành không nhớ chùa thì còn biết nhớ cái chi?. Chùa chiền phải có sắc màu huyền diệu, tạo cho người cảm giác bình yên khiến cho người cảm thấy thiêng liêng mà cuối đầu thành tâm ngưỡng mộ.

Ngôi chùa của Chu Mạnh Trinh trong ''Thú Hương sơn'' xa vời, kiểu cách quá thể:

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt

Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây.

Chùa Trong của Nguyễn Nhược Pháp thì như sang trọng, quý phái:

Động thẳm bóng xanh ngời

Gấm thêu trần thạch nhủ

Ngọc nhuốm hương trầm rơi

(Chùa Hương, Võ Văn Tường, Huỳnh Như Phương, win.net)

Thơ của người tu hành thường ''Không bến hạn'' lại khô khan nhưng thơ của Huyền Không thời hai mươi như ''Mây trắng thong dong'' vẫn có chút ướt át của nắng ngập vàng, của con đường chạy dài theo kỷ niệm, của những hàng tre biết nói và tiếng chuông gợi nhớ quê hương biến ''không gian thành chiếc áo'' nhiệm màu. Tràn ngập nắng và có mùi thơm của trầm hương, thơ Huyền Không với bài ''Nhớ chùa'' coi như cho ta nếm chút ''Hương trần gian'' khi làm ''Kẻ lữ hành đơn độc''..

Ngôi chùa của Huyền Không là ngôi chùa nào hay chỉ là một ngôi chùa trong tâm tưởng?. Mười tuổi, Viết Tín đã được anh chị chú bác cho đi học ở chùa Thiên Minh, Huế. Nhưng ngôi chùa này giờ đây không biết có còn không? Không mà có. Có mà không. Cái không nằm trong cái có và cái có lại chẳng hiện thân. Miễn là trong Huyền Không, ngôi chùa là đỉnh cao của lòng từ bi, là phát quang của trí tuệ cứu nhân, độ thế. Còn hay mất? Tồn tại hay không tồn tại chẳng có gì phân vân...Lòng có chùa thì chùa ở trong lòng. Tâm có Phật thì Phật chứng trong tâm. Tiếng chuông chùa Mãn Giác gợi cho ta một ''Phong Kiều dạ bạc'' của Trương Kế bất hủ:

 Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

 Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.

 Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,

 Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

 Bản dịch hay nhất là bản dịch của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,

 Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ .

 Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

 Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Tiếng chuông Thiên Mụ hay chuông chùa Hàn San hoặc chuông Thiên Minh vẫn là những tiếng chuông báo cho người thức tỉnh trước thời gian vang trong không gian buồn man mác...

So sánh về giá trị thẩm mỹ trau chuốt của thi ca, thơ Huyền Không chỉ mới ở vòng thực tập nhưng vượt lên trên tất cả để tồn tại, để bất hủ, Huyền Không đã không uổng một kiếp hiến thân cho nhà Phật khi tìm ra chân lý sống cho đời: Hãy sống bẳng tấm lòng. Tấm lòng tự nhiên không cần trâu chuốc vẫn sáng trong như ngọc, như hoa Ưu Đàm nghìn năm chỉ nở một lần. Tìm trong cái Không để cho Có và hoán chuyển cái Có thành Không mới chính là sự nhiệm màu của Phập pháp vô biên! Đó là sự thông minh mà một tôn giáo chính thống, hiện đại cần phải có như Mahathera Dhammananda có viết trong ''What is this religion?'': ''Every man must have a religion and that religion must be one which will appeal to the intellectual mind''.

Năm mươi tám năm sau, Huyền Không đã chứng minh cho ta thấy sự biến hóa diệu kỳ của Phật pháp. Ngài đắc đạo với hơn ba mươi lăm tác phẩm để đời mà bài thơ từ thời hai mươi này là một trong những điều kỳ diệu bất tử của Huyền Không.

 Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông

Mãn Giác đã...mãn nguyện khi về với đời. Ra đi hay trở về cũng chỉ là sự luân hồi của một kiếp con người! Dù sao đi nữa, Mãn Giác cũng vẫn là con người. Xác người thì phải trả về cát bụi và tâm linh mới là  tồn tại như ''mây trắng thong dong...''

Tiếng chuông chùa ngân lên. Nỗi nhớ chùa trở về. Mùa thu kết thúc ở trên cây không còn bóng lá nhưng mái chùa ngày xưa và bây giờ ở nơi đâu của Huyền Không vẫn ngập tràn nắng vàng trí tuệ và chỗ che chở cho ''hồn dân tộc'' thoát khỏi kiếp nạn thiên tai, nhân tai. Lời kinh cầu nguyện của Người chắc chắn là như thế!

''Nhớ chùa'' bài thơ thất ngôn, chín khổ, không kiểu cách, mộc mạc như chân lý hiển nhiên không dấu chấm phẩy như ''con đường đỏ chạy lang thang...'' và người đến đích thì hiếm hoi mà kẻ còn nặng nợ ''ngũ giới'' thì còn nhiều. Sự giác ngộ bằng tâm linh để thương cha, hiếu mẹ không biết đến bao giờ mới hạnh thông!

Mỗi chúng ta có sẵn một mái chùa. Và song thân ta đấy chính là Phật trong chùa. Tìm ở đâu cho xa xôi vời vợi! Đó là một chữ ''THIỆN'' vô bờ mà Huyền Không để lại cho ta!

Nam mô Mãn Giác siêu linh về miền cực lạc!

Tháng 10/15/06

Ngọc Thiên Hoa

(thành tâm hương bái)

Tư liệu tham khảo có sử dụng:

1. ''Nhớ chùa''. Thơ HT Mãn Giác (quangduc.com).

2. ''Đường Huyền Tông'' (vi.vikipedia.org)

3. ''Bước đầu học Phật'' (Thích Thanh Từ, cusi.fee).

4. ''Nhớ chùa''. Thơ Quách Tấn

5. ''Chùa Hương'' (Võ Văn Tường, Huỳnh Như Phương, win.net).

6. ''Nghi thức chuông mõ'' (Phúc Trung, win.net).

7. ''Tiếng chuông chùa'' (Quảng Thông, Tập san nghiên cứu Phật học

thuvienhoasen.org).

8. ''Làng tôi'' (Văn Cao, vietnammusic.com).

9. ''Làng tôi'' ( Chung Quân, vietnammusic.com).

10. ''Cương nhu phối triển...'' (Nguyễn Văn Sen, vovinam.com).

11. ''Pháp môn thực tập'' (Nhất Hạnh, langmai.org).

và một số trang web site có liên quan datviet.com, asiafanatic.net...

Xin trân trọng cám ơn.

 

Ngọc Thiên Hoa
Số lần đọc: 4012
Ngày đăng: 04.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Tuyết Nga- Ảo giác vết thương chìm - Nguyễn Trọng Tạo
Những cảm nhận về tập thơ "Những tháng năm ở rừng " của Nguyễn Anh Nông - Đổ Trọng Khơi
Về bộ tiểu thuyết lịch sử của Hoài Anh. - Đông La
Hồng Nhu tuổi hồi xuân - Nguyễn Khắc Phê
Không thể tuỳ tiện dùng chữ “Đại hiếu ”, “Đại anh hùng ”! - Lê Hoài Lương
Trước thềm thế kỷ XXI, Đọc lại Pauh Catwai - Inrasara
Giới thiệu Trường ca Chăm của Inrasara - Trà Chân
Đọc thơ Nguyễn Sĩ Cứ - Nguyễn Trọng Tạo
Dương Tường với “ THƠ NGOÀI LỜI”. - Đào Bá Đoàn
Những hành trình qua trống rỗng : Bài 2 - Nguyễn Chí Hoan