Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.150
123.203.102
 
Hình như có người “cởi áo” trước hư không
Đặng Thân

Đã 20 năm từ ngày cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cất lên hai từ mà chắc chắn sẽ còn lại với ký ức người Việt rất lâu: “CỞI TRÓI”. Cởi trói cho ai và vì sao phải cởi trói thì mọi người đã biết và bàn tán suốt 20 năm nay rồi, chắc không phải bàn thêm. Nhưng cũng xin nói rõ là cởi trói cho giới văn nghệ nước nhà.

 

Hai tiếng “cởi trói” vang lên đầy quyền lực! Tiếng nói quyền lực của một nhà chính trị, là “lệnh vua ban”. Có chuyện một Địa lý gia nổi tiếng khi đi qua vùng Hưng Yên hồi những năm 70 nhìn thấy một ngôi mộ đầy cát khí tốt đẹp khác thường đã phải thốt lên “mả nhà ai mà đẹp thế nhỉ ?” Hỏi ra mới biết đấy là mả cụ thân sinh ra cố Tổng bí thư. Phải chăng thế là mả đã táng hàm rồng, tích đức lớn, từ đây rồi sẽ “phi long tại thiên” mà cùng dân tộc làm nên cả một cuộc chấn hưng, kim thiền thoát xác. Nhờ đó mà nông dân có gạo, mọi người mới đủ cơm áo được như hôm nay. Công ông thật phi thường! Ông là người có tấc lòng ưu ái với văn nghệ từ lâu. Suốt cuộc chiến đánh Mỹ ông phụ trách miền Nam cho đến ngày thống nhất và làm nên kỳ tích ở Sài Gòn trước khi lên lãnh đạo đất nước. Khi còn kháng chiến ông ở dưới hầm suốt mấy chục năm nhưng có đủ cả một thư viện hàng vạn cuốn sách, phần lớn do anh chị em hoạt động nội thành mua về cho ông từ những nhà sách “đồi truỵ phản động”[1]. Thấy “sếp” toàn đọc “sách cấm” (một điều không ai dám tưởng tượng vào thời kỳ ấy) nhiều đồng chí có lúc không kìm được tinh thần “phê và tự phê” đã phải gay gắt: “Tại sao anh có thể đọc những loại sách này được nhỉ?” Tất nhiên cái tủ sách ấy ngoài Marx, Engels… ra còn có Hegel, Heidegger, Schopenhauer, Bergson, Kant, Tolstoy, Balzac, Hugo, Kafka, Hemingway, Henry Miller, Krishnamurti… mà phổ biến nhất ở miền Nam lúc ấy là “siêu nhân” Nietzsche và “siêu thoát” Phật; chưa kể những Nhã Ca, Nguyễn Mạnh Côn hay Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thụy Long[2]… Ông nhẹ nhàng mà rằng: “Đọc đi đã rồi hẵng phê bình”. Phải chăng cái mớ “đồi trụy phản động” ấy đã phần nào đó giúp ông có được một vision khoáng đạt, sâu sắc và uyên áo, tránh được giáo điều để sau này làm nên một công cuộc mà tên gọi của nó đã đi vào từ điển nhiều nước trên thế giới – “DOI MOI”. Chính từ “doi moi” với “những việc cần làm ngay” rồi ông mới hô tiếp “cởi trói”.

 

Sau khi để lại dấu ấn của một “chân long”, ông đã ra đi gọn nhẹ nên không hề vướng vào cảnh “kháng long hữu hối” mà là “kiến quần long vô thủ”. Đã 90 năm kể từ ngày ông sinh ra, con số 9 của ngôi “cửu ngũ” này để lại trong tôi muôn vàn ám ảnh, lẫn những bùi ngùi, chợt nhớ lời một bài ca:

Trường Giang cuồn cuộn chẩy về đông

Sóng vùi dập hết anh hùng

Ông đã “doi moi”, đã “cởi trói” cho Văn nghệ Việt Nam, vậy thì trong những bậc tiên phong của Văn nghệ ai là người “cởi” đầu tiên? Có phải chăng đó là Tố Hồng Vương gia Đại hiệp, Chế Giáo đầu, Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi, Mã Khởi, Trần Công Vương, Nghĩa Đô Đại hiệp tiền bối hay Dương Thu Mạc Sầu?[3] Tướng về hưu chăng (cởi bỏ quân phục)?

 

Có một người tự xưng (hay tự kỷ ám thị?) là “truyền nhân của rồng” xuất thân thật lạ lùng. Không biết nhà có mả táng hàm rồng không mà to gan tự vận vào thân như thế? Chỉ biết rằng sau khi Nguyễn Văn Linh hô “cởi trói” thì chính người này là một trong những nhân vật đã cất lên tiếng thét đầu tiên trong Văn nghệ từ một tỉnh lẻ nọ. Người này đã bước qua “lối nhỏ” để sau này có một tuyên ngôn động trời.

Có lối nhỏ vương cây xấu hổ

Em sợ nó khép cánh

Biết làm sao bây giờ

Chính lối này đưa em tới anh

                                 (Lối nhỏ)

Chỉ một lối đi nhỏ bé mà sao khó bước qua vậy đấy! Phải chăng do người này quá to lớn nên khó bước. Không! Đó là một bóng hồng thật nhỏ, thật xinh. Và đây là chân dung:

Uy lực của em

Một vẻ đẹp không luật lệ

Sự bất thường chen nhau về hội tụ

Trong khuôn hình tạo hoá đúc ra em

                                                 (Mai)

Vậy con người ấy từ đâu tới mà có vẻ đẹp dị kỳ như vậy?

Cha mẹ tôi bôn ba tứ xứ

bỏ cao nguyên Hoàng thổ

gieo hạt giống vào đầu sóng ngọn gió

tôi sinh ra giấc ngủ không yên bình ...

 

tuổi thơ bắt đầu từ mùa lũ

miên man con chữ nhân, chi, sơ

à ơi lời ru của mẹ

nặng như hồn người quá khứ

 

tôi lớn lên không yểu điệu thục nữ[4]

bài học Ngu Công[5] bén tiếng quê người

đêm mơ tám con hạc qua biển

bao giờ trở thành Bát tiên[6]

                                                (Du nữ ngâm)

Đó là những gì ta biết được qua những lời bộc bạch trong thơ của chị. Xuất xứ từ Trung Hoa nên phải chăng chị đã tự gọi mình là “truyền nhân của rồng”? Sinh ra nơi “đầu sóng ngọn gió” Hải Phòng rồi lớn lên “từ mùa lũ” của đất nước này. Trải qua bao nỗi đau kỳ lạ của kiếp người Việt chị đã phát điên. Có ai hiểu cho chị không? Vì “một vẻ đẹp không luật lệ” chăng? Hay vì “sự bất thường chen nhau về hội tụ”? Chắc chị cũng chẳng hiểu hết mọi nguyên do, hay cùng lắm cũng chỉ đổ tại thực tế phũ phàng của thời đại chị. Chị có biết trong huyết quản của chị có dòng chẩy tình tứ của Trường Giang, cơn thịnh nộ của Hoàng Hà không? Nơi mà Mao Trạch Đông đã tả:

Chín dòng cuồn cuộn xuôi Trung Quốc

Con đường thăm thẳm xuyên Nam Bắc[7]

Cái đại lực hun đúc từ thời Phục Hy ấy ai dám không bảo là rồng? Một con rồng lớn lạc vào cõi lao lung thử hỏi bao nhiêu sinh lực hoá vô dụng trong bất lực tột cùng sẽ hoá vào đâu? Cái dòng cuồn cuộn ấy trong từng tế bào chị đã không có cửa ra, chỉ nghe tiếng sóng sa bồi dội lên ngoài “cửa Cấm”. Đến đá cũng phải tan ra và cháy thành tro nữa là thi nhân. Thế nhưng hãy tìm hiểu thì như thể nỗi đau của chị nó có xuất xứ nhẹ nhàng lắm:

Tôi sẽ khỏi bệnh

Lại dịu dàng hát bên chiếc khung thêu ngày ấy

Không cần bác sỹ

Không cần những viên thuốc đắt tiền

Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến

Một nhành hoa dại thôi

                           (Trong nhà thương điên)

Nỗi đau nghe thật tình! Cái nỗi đau thi sỹ:

nhịp tim chạm phải ngày đông cứng

trí não va vào đêm sạt lở

không gian chật chội quá

muốn chôn tất cả vào thơ

 

đường vào mộ địa gập ghềnh con chữ

cỗ xe tang câm lặng

chở ham muốn

hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố

lăn bánh nhọc nhằn...

                                    (Thi sĩ)

Và:

Con thiêu thân lao thẳng vào trang viết

Tìm luồng sáng ở kẽ chữ chân câu

                                    (Vô đề 2)

Thi sỹ đời nào mà chẳng đau nhưng hiếm có đời nào lại đau nhiều như thế (Xin phép không phải bình gì thêm về thơ của chị vì “tự chúng đã nói lên tất cả” như nhà thơ Mỹ Wayne Karlin đã nói). Thế nhưng Hồ Chí Minh đã viết trong Ngục trung nhật ký:

Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại

Lung khai trúc sản xuất chân long[8]

Trong cơn đau miên man cả lục phủ ngũ tạng, nhân tình thế thái ấy chị đã thốt ra những lời như thơ để rồi có người chép được đem đi đăng báo. Chính những lời thơ u uất ấy đã trở thành tiếng thét “cởi trói” của người nghệ sỹ tiếp sau tiếng hô của nhà chính trị. Khi mà cả xã hội đang kín bưng. Khi mà mọi người đều kín miệng. Khi mà trời im tiếng sấm. Khi mà tất cả đều bức bối và đói khát. Đói cơm và khát tinh thần. Tiếng thét ấy là một tiêng sét.

Tất cả rồi sẽ qua đi, qua đi

Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng

Nếu không có một lần

Một lần như đêm nay

Sau phút giây

Êm đềm trên ghế đá

Anh không cài lại khuy áo ngực cho em

                                              (Tan vỡ)

Nếu “CỞI TRÓI” là tiếng hô của nhà chính trị thì “CỞI ÁO” chính là tiếng gọi đầu tiên của người nghệ sỹ gọi bầy, để làm nên “DOI MOI”.

 

Nhiều bạn trẻ chắc sẽ bật lên: chuyện vặt ấy mà. Bạn hãy nghe câu chuyện này: Có người đàn ông nào lại không suy nghĩ về cha mình. Khi 20 tuổi anh ta nói: cha ta thật là tầm thường, ta sẽ hơn hẳn ông ấy cho mà xem. Khi 30 tuổi anh ta mới bắt đầu nhớ tới những lời khuyên của cha mình. Khi 40 tuổi anh ta thấy cha mình thật là tài giỏi. Khi 50 tuổi anh ta thấy mình không thể nào giỏi hơn được cha mình. Khi 60 anh ta thấy cha thật là vĩ đại.

 

Nói đến “cởi áo” không ai không nhớ đến thời Phục Hưng với những bức hoạ khoả thân trác tuyệt của các thiên tài như Giotto, da Vinci, Raphael, Michaelangelo, Titian, Rembrandt… Tại sao không còn ai vẽ khoả thân đẹp được như họ nữa nhỉ? Tại vì không còn thiên tài hội hoạ nào nữa? Không! Thế giới sau đó vẫn còn đầy những đại danh của Cézane, Renoir, Picasso, Van Gogh… nhưng không còn ai vẽ khoả thân vừa thực vừa huyền vừa linh như thời Phục Hưng được nữa. Vì để có được sự đột khởi “một lần và mãi mãi” ấy phải có một tiền đề là cả ngàn năm Trung cổ. Hơn ngàn năm ấy cả thế giới sống trong đêm đen vì “những gì thuộc về con người đều là tội lỗi”, “chỉ đến khi về với nước Chúa thì mới là cuộc đời đích thực để vui hưởng hạnh phúc”… Ngàn năm nô lệ, phỉ báng chính bản thân con người, cái tôi đích thực bị đè nén, không tự do, không tiếng nói. Xã hội đó với những tiểu vũ trụ của nó bị trùm kín từ đầu đến chân không được biết, không được khám phá dù chỉ là một chút chi cái con người đích thực của mình. Xung quanh thì đầy rẫy những giàn thiêu, nhục hình tàn khốc, đói rét, bệnh dịch, áp bức giết chóc thảm thương… Chỉ có trong cảnh khốn cùng tưởng như vô vọng trong trường cửu ấy thì cái sức ép khủng khiếp đó mới làm bật lên được tiếng nói con người. TIẾNG NÓI CON NGƯỜI! Cái gì của con người phải trả về cho con người. Trong lúc này thì người ta chỉ cần “mình dám là chính mình” đã là siêu đẳng lắm, đâu dám mơ “mình vượt qua chính mình”. Đâu có dễ mà có thể cởi được một cái cúc áo trước hàng triệu người khi khắp bàn dân thiên hạ còn đang ngơ ngác.

 

Bạn hãy đọc đi đọc lại bài "Tan vỡ" này đi! Bạn nghĩ gì trước câu nói ấy của một người con gái: “[Tại sao] sau phút giây êm đềm trên ghế đá anh không cài lại khuy áo ngực cho em?” Người con gái ấy không những đã “cởi áo” mà còn đòi hỏi thái độ và ý thức nâng niu, trân trọng cái tâm thế và hành vi “cởi áo” ấy. Cái đó mới là ý nghĩa cao cả của văn hoá và văn nghệ. Văn hoá cũng như người con gái ấy, không gươm không súng, vậy mà muôn đời bất diệt, như có người đã nói: khi tất cả mọi thành quả hiển hách về chính trị, quân sự, kinh tế qua đi, chỉ có văn hoá là còn lại. Các vua Trần, vua Lê đâu còn ở với chúng ta nữa, nhưng những nếp sống thanh kỳ và những tập tục văn minh của các cụ ta xưa vẫn còn đang sống cùng chúng ta nay.

 

20 năm đã qua. Giờ đây các nữ sỹ Việt Nam mới làm được nhiều chuyện ghê gớm lắm lắm. Họ thoải mái nói “muốn vuốt ve Huế… nơi nhậy cảm nhất của cơ thể”, “khoả thân trong chăn thèm chồng”, “yêu nhau ngày chảy máu” hay làm tình với các tiền nhân trên bàn thờ[9]… Chuyện yêu đương mùi mẫn, loạn luân, đồng dục, hiếp dâm, thông dâm… đã thành thời sự hàng ngày. Không ai thấy lạ hay tính “giải phóng” gì nhiều trong những chuyện ấy nữa. Cách mạng tình dục và văn hoá phương Tây tràn vào nữa đã biến mọi chuyện thành bình thường như ăn bánh, như uống trà, như đi làm, đi chợ. Nhưng nếu không có một lời “cởi áo” ngày ấy… Cũng như những bức tranh Phục Hưng, sẽ chẳng bao giờ chúng ta còn có được một màn “cởi áo” mang tính giải phóng “cởi trói” tột cùng mà lãng mạn, bâng khuâng như thế, ngoạn mục như thế!

 

Cởi áo ra đi, cho trái tim ứ nghẹn được đập tự nhiên. Trái tim ấy cần đập như ngày phải có ánh sáng, đêm phải đen, người phải yêu. Các nhà khoa học đã tính được sức chịu đựng của con người là họ có thể nhịn ăn một tuần, nhịn uống một ngày. Vậy trái tim có thể nhịn đập được bao lâu? Có thể chịu được đè nén trong bao lâu? Có ai trên đời có thể tin được có những con người với những trái tim bị dồn nén hàng thế kỷ? Hỡi những người chưa từng sống trong một tháng ngày nào với trái tim bị đè nén xin đừng vội nói gì về một người đầu tiên dám “cởi áo” trước vĩnh hằng.

Người cuồng nữ ấy giờ vẫn đẹp lạ lùng sau bao biến cố - “mỹ nhân tự cổ như danh tướng”[10]. Cái cuồng của người nữ sỹ ấy là cái cuồng đầy nhân tính. Hãy cuồng lên đi, hỡi những con tim còn nhân tính! Nếu để ý kỹ người ta sẽ thấy những bàn chân người cuồng để lại những dấu vết khổng lồ như thế nào trên mặt hành tinh. Hàng ngàn năm trước Lão Đam đã sống giữa khôn và dại, giữa hữu dụng và vô dụng như một kẻ quê mùa mộc mạc, ấm ớ. Sau ông lại còn bỏ đời mà đi không hề luyến tiếc, để lại cho vạn triệu đời sau một “cuồng nhân” mà tư tưởng của ông thì nhân loại dùng mãi không hết. Cái thái độ vỗ bồn ngồi hát của Trang Tử khi vợ chết thì ai dám không bảo là điên. Các cụ ấy có điên thì mới phát hiện ra cái “thiên địa bất nhân” lúc nào cũng “dĩ vạn vật vi sô cẩu”, từ đó mà khuyến dụ mọi người tìm được hạnh phúc trần gian trong cõi vô thường. Bên Trung Hoa còn có ngài Tăng Tế Điên thì không nói được gì về ông nữa rồi. Cái điên của ông thì phải bậc siêu phàm vượt thoát mọi định chế gò bó mà con người bóp nặn ra mới có nổi. Còn cái danh hiệu “thằng điên” là những từ mà số đông không tiếc lời để gọi các bậc như Copernic, Einstein… khi lần đầu nghe những phát hiện của họ về thế giới. Cái hay của con người là hay đi tìm hiểu các quy luật để dựa vào đó mà suy nghĩ, hành động. Hình như đó cũng chính là cái “tồn ngu” khi mà nhiều người dựa dẫm vào những định chế không biết ai đẻ ra, để rồi đẩy nhau vào cõi tranh tụng liên miên mà quên đi quy luật chung nhất thường hằng nhất. Vì thế mà con người từ đời này sang đời khác cứ phải thay nhau mà hô hào tìm đường “cởi trói” ra khỏi những cái dây xích do chính mình tạo ra. Về vấn đề này nhà Thiền có câu chuyện dạy rằng cả Thiện và Ác cũng đều là những dây xích, nếu Thiện là xích vàng, Ác là xích sắt, thì hãy dùng cái xích vàng mà cởi cái xích sắt. Tất nhiên mục đích cuối cùng là phải quẳng cả hai cái xích ấy đi (Chuyện này tin hay không, dùng hay đừng là xin tùy ý, xin đừng ép là ý của người viết). Phải chăng vì thế mà nữ sỹ đã có lúc hỏi Lý Bạch:

Nếu thi nhân đang sống bây giờ

Liệu có gieo mình vì trăng

Khi biết nó

xù xì và khô cằn

                                    (Hỏi Lý Bạch)

Lạ lùng và bí ẩn. Giờ đây rong ruổi trên những “lối nhỏ” khắp cõi trần hoàn, con chim oanh ấy lại tiếp tục “vi vu”:

Hà Nội

Mùa thu rồi nhỉ

Yểu điệu đài các mà làm gì

Chẳng hẹn vàng lá vẫn rơi

Thả mình đi em

Gương soi …

 

Màu tím của ngày hôm qua

Màu hồng ngày hôm kia

Và màu trắng trong ngày xưa nữa

Bội mùa hư không …

 

Khâu lại chiếc ba lô chưa kịp rũ bụi

- Ừ, em đi

Lại một hành trình không chú thích

Thân gái dặm trường

Mùa nào mà chẳng hư không

                                 (Vi vu)

Mùa nào mà chẳng hư không ư? Chị ngẫm ra điều đó từ bao giờ vậy hả chị Dư Thị Hoàn ? [11]

 

Hà Nội, Thứ Sáu 13

_________________________

[1]Theo An ninh Thế giới.

[2]“Người ta kể trường hợp ông NL, một cán bộ vào tiếp thu văn hoá miền Nam có dịp đọc cuốn Loan mắt nhung của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Ông thích cuốn sách đó, mang về Bắc trình ông Tố Hữu. ....... (Nguyễn Văn Lục, "Nhật ký ghi lại, sau 30 tháng Tư", Giao Điểm 7-2004)

[3]Các nhân vật trong Võ lâm ngoại sử của Tiểu Ngọc.

[4]Hình ảnh người con gái trong Kinh Thi (DTH).

[5]Nhân vật kiên gan bền chí trong điển cố "Ngu Công dời núi" của Trung Quốc (DTH).

[6]Tám con hạc cõng tám vị tiên qua biển trong truyền thuyết dân gian Bát Tiên quá hải của Trung Quốc (DTH).

[7]Nam Trân, Thơ và từ của Mao Trạch Đông.

[8]Dịch nghĩa: Người hay ưu sầu là rất có ưu điểm / Nhà lao mở cửa ắt con rồng đích thực sẽ xuất hiện.

[9]Các ý thơ và ý tưởng của Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Phương Lan, Đỗ Hoàng Diệu.

[10]Nữ văn sỹ, luật sư, giáo sư Đại học Denver (Hoa Kỳ) Dương Như Nguyện có một kiến giải độc đáo: “Văn chương cần tuổi tác và kinh nghiệm, giống như rượu ngon, giống như mỹ nhân tự cổ như danh tướng, càng nhiều tuổi càng sắc sảo (trong tiêu chuẩn gourmet, nếu thật sự là mỹ nhân, thì phải già đi mới đẹp. Nếu không tại sao người ta lại ví mỹ nhân với danh tướng? Có tướng nào trẻ măng mà có kinh nghiệm chiến trường đủ để trở thành danh tướng hay không, kể cả Napoléon và Alexandre? Thúy Kiều 16 làm sao thu hút cho bằng Thúy Kiều 35, khi mặt hồ thu đã long lanh ngấn lệ vì đường đời, và trái tim đã trưởng thành đủ để mang tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ?” (Dương Như Nguyện, "Tôi muốn nắm bắt nét đẹp của nền văn hoá quê hương tôi", Viet Mercury #346 9.9.2005).

[11] Nhà thơ Dư Thị Hoàn tên thật là Vương Oanh Nhi.

Đặng Thân
Số lần đọc: 3821
Ngày đăng: 06.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
"Nhớ Chùa" một chữ "Thiện" vô bờ (phần 2) - Ngọc Thiên Hoa
Lõi “Trầm “ từ “Những tháng năm ở rừng “ của Nguyễn Anh Nông - Nguyễn Hưng Hải
Nhân đọc những bài quanh cuốn "Tây Sơn bi hùng truyện" của tác giả Lê Đình Danh : Bàn về "Bịa đặt", "Trung “ và "Hèn"... - V.B.S
Thơ Tuyết Nga- Ảo giác vết thương chìm - Nguyễn Trọng Tạo
Những cảm nhận về tập thơ "Những tháng năm ở rừng " của Nguyễn Anh Nông - Đổ Trọng Khơi
Về bộ tiểu thuyết lịch sử của Hoài Anh. - Đông La
Hồng Nhu tuổi hồi xuân - Nguyễn Khắc Phê
Không thể tuỳ tiện dùng chữ “Đại hiếu ”, “Đại anh hùng ”! - Lê Hoài Lương
Trước thềm thế kỷ XXI, Đọc lại Pauh Catwai - Inrasara
Giới thiệu Trường ca Chăm của Inrasara - Trà Chân
Cùng một tác giả
Thùng Thuốc Nổ (truyện ngắn)
Cú Hých Về Nguồn (truyện ngắn)
ngái em (thơ)
Người thầy của em. (truyện ngắn)
Yêu (tuyển truyện)
Ma nhòa (truyện ngắn)
6i +Hi i (thơ)
Đặng Thân: Viết (phỏng vấn)