Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.200
123.205.220
 
Thưa lại cùng ông Hồ Thanh Thuỷ
Hà văn Thùy

Trong Kienthucngaynayonline số 25/10, trả lời câu hỏi của bạn đọc về mối quan hệ giữa hai ngôn ngữ Việt-Hán mà tôi trình bày tại một bài viết, ông Hồ Thanh Thuỷ có những kiến giải theo chủ ý riêng của ông. Nay xin thưa lại như sau.

 

Những vấn đề về ngôn ngữ học lịch sử là rất phức tạp và đễ gây tranh cãi, những cuộc cãi lộn của đám thầy bói xem voi. Bởi lẽ trong khi cố sống cố chết cãi chữ “mơ” của Việt hay của Hán thì cả hai bên đều mù tịt chẳng biết người Hán là ai, người Việt là ai rồi cội nguồn gốc gác ra sao? Đấy chính là giới hạn của tri thức cội nguồn của Việt hay của Hán suốt thế kỷ XX.

 

Chỉ đến cuối năm 1998, khi những tác giả của Dự án đa dạng di truyền người Hán (Chinese Human Genome Diversity Project) công bố kết quả nghiên cứu của mình, chúng ta mới có được chiếc chìa khóa thần giúp giải quyết rốt ráo những vấn đề của tiền sử Á Đông. Đã nhiều lần trình bày kết quả nghiên cứu này*, ở đây tôi xin miễn nhắc lại mà chỉ nêu những điều quan hệ trực tiếp:

 

1/ Người Hán là ai? Người Việt là ai?

 

Khoảng 70.000 năm trước, người hiện đại Homo Sapiens từ Trung Đông theo ngả Nam Á tới Trung và Bắc Việt Nam. Tại đây hai đại chủng Mongoloid và Australoid hoà huyết tạo ra những chủng Indonesien, Melanesien, Vedoid và Negritoid tràn lan khắp lục địa Đông Nam Á. Khoảng 50.000 năm trước, người từ Đông Nam Á di cư tới châu Úc, sau đó là New Guinea và các đảo ngoài khơi. Khoảng 40.000 năm trước, do băng hà tan, khí hậu trở nên ấm áp, người từ Đông Nam Á đi lên khai thác lục địa Trung Hoa. Do phân bố thời gian dài trên địa bàn rộng, người Đông Nam Á đã phân ly thành những bộ lạc khác nhau mà sau này lịch sử gọi bằng tên chung là Bách Việt. Trong cộng đồng Bách Việt, người Lạc Việt có nhân số đông nhất và giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Trên đất Trung Hoa, trung tâm của Bách Việt là Ngũ Lĩnh ở phía nam và Thái Sơn phía bắc. Người Việt tôn Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông làm những vị vua tổ của mình.

 

Cũng khoảng thời gian trên, có lẽ là muộn hơn ít nhiều, một vài nhóm Mongoloid từ Đông Nam Á theo con đường Ba Thục lên định cư tại Tây Bắc Trung Quốc. Đó là tổ tiên của những bộ lạc Mông Cổ thiện chiến sống du mục trên các đồng cỏ Thiểm Tây, Cam Túc sau này.

 

Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ du mục vượt sông Hoàng Hà chiếm đất của người Việt. Người Mông Cổ nhanh chóng hoà huyết với dân bản địa tạo ra chủng Mongoloid phương Nam.

Hầu hết sách sử viết rằng: “Người Hán tràn qua sông Hoàng Hà chiếm đất của người Bách Việt.” Đấy là sai lầm lớn do không hiểu nguồn gốc người Hán. Trong thực tế, người tràn qua Hoàng Hà chiếm đất của người Việt là chủng Mongoloid phương Bắc mà không thể là người Hán vì lúc đó người Hán chưa ra đời! Cái gọi là “người Hán” chỉ xuất hiện sau năm 2600 TCN, khi người Mông Cổ hoà huyết với người Bách Việt sinh ra chủng mới Mongoloid phương Nam. Chủng mới này làm nên dân Hoa Hạ thời Đường Ngu… rồi khi Lưu Bang lập nhà Hán, gọi là người Hán.

 

Người Bách Việt chủng Indonesien, melanesien sống khắp địa bàn Trung Quốc từ 30-40000 năm trước, sau 2600 TCN do sự chung đụng  hoà huyết với người Hoa Hạ Momgoloid phương Nam nên cũng chuyển dần sang Mongoloid phương Nam, sống bên ngoài Cửu Châu, bị gọi là Di, Man, Nhung. Chính những người Việt mới này trở về Việt Nam, hoà huyết với người bản địa tạo thành người Việt hiện đại vào khoảng 2000 năm TCN.

 

Từ cội nguồn và lịch sử được trình bày trên thì Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông là người Việt, tên Việt, phát âm và ký tự theo cách của người Việt. Sau này hội nhập văn tự cùng ngôn  ngữ Trung Hoa, được ký tự bằng chữ Hán, đọc theo tiếng Hán. Dù được đọc theo cách nào thì đó cũng là những người Việt với tên Việt.

 

Ông Hồ Thanh Thuỷ cho rằng: “Những Thần Nông, Đế Nghiêu, Đế Thuấn… là những tên bằng tiếng Hán của các nhân vật người Trung Hoa…” Điều này cần được bàn lại. Thần Nông người Việt là không thể bàn cãi. Còn Nghiêu, Thuấn thì cũng không như ông nói. Ta biết, khi chiến thắng Si Vưu, họ Hiên Viên được người Mông Cổ tôn làm Hoàng Đế. Họ Hiên Viên và cả Hoàng Đế thuộc chủng Mông Cổ phương Bắc. Nhưng tại sao sau Hoàng Đế không phải là Cốc Đế, Chí Đế mà lại lại là Đế Cốc, Đế Chí? Có thể nghờ rằng hai vị đế này không còn nguyên con Mongoloid phương Bắc nữa mà là dân lai: Mongoloid phương Nam. Nghiêu và Thuấn cũng tương tự, là những đứa con lai Việt và được đặt tên theo lối Việt như những trẻ khác. Khi lớn lên, nhờ tài năng, đức độ được tôn làm vua sống giữa cộng đồng mà người Việt chiếm ưu thế nên được ghép chữ “Đế” trước tên gọi theo thói quen của người Việt. Thời kỳ này đang còn truyền hiền chứ chưa truyền tử. Như vậy, có lẽ đúng hơn thì: “Đế Cốc” là tên Việt được đặt cho người Trung Hoa? Rất có thể, được gọi theo lối Việt “Đế Cốc” lại là vinh dự cao cho người được tôn vinh vì người Mông Cổ tuy thắng trận nhưng luôn nhìn văn hoá Việt với con mắt ngưỡng mộ?

 

Phải chăng hiện tượng này cũng được phản ánh trong văn tự Trung Hoa? Lúc đầu tình cờ tôi nhận ra hiện tượng “trung+ tâm” trong kinh Thi nhưng sau đó thấy cả trong Thư, Dịch. Học giả Lê Mạnh Thát cũng tìm ra ở Lục độ tập kinh. Nay ông Hồ Thanh Thuỷ còn phát hiện trong Toàn Đường thi đại từ điển. Điều này chứng tỏ rằng: trong quá trình hình thành ngôn ngữ Trung Hoa, có thời kỳ cách nói “trung+tâm” của người Việt là phổ biến. Như vậy là ngôn ngữ Việt hoà nhập ngôn ngữ Hán một cách tự nhiên nhi nhiên. Từ thế kỷ VI, huyễn hoặc bởi vị trí con trời tự phong cho mình, trí thức Trung Hoa bỏ dần lối nói mà họ cho là của Man, Di? Rất có thể cú pháp xuôi không phải độc quyền của tiếng Việt. Nhưng trong sự so sánh cụ thể giữa Hán và Việt thì đó là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt giữa hai ngữ. Đấy là chưa kể đến sự bất lực của cái gọi là ngữ pháp lịch sử, ngôn ngữ học lịch sử, những khoa học dựa trên sự so sánh ngôn ngữ, đã dẫn tới kết luận sai lầm tệ hại: 70% tiếng Việt mượn từ Hán!

 

2/ Có hay không việc người Hán tiếp thu toàn bộ từ vựng của người Việt?

 

Ý kiến này bị phản đối là điều tất nhiên vì nó quá lạ tai. Tôi không chứng minh bằng ngôn ngữ học lịch sử mà bằng nhân chủng học và lịch sử.

  

Đến thiên niên kỷ thứ IV TCN, người Bách Việt sống ở Đông Á rất đông, chiếm tới 54% nhân số thế giới. Mạn nam Hoàng Hà, đất Cửu Châu là vùng đất nông nghiệp phát triển, dân cư tập trung cao. Khi người Mông Cổ tràn xuống thì tuy thắng trận nhưng lập tức bị vây giữa biển người bản địa. Một cách bản năng, việc hoà huyết lập tức diễn ra. Đồng thời là hoà nhập văn hoá mà trước hết là tiếng nói. Chỉ trong vòng vài ba thế hệ, ở Trung Nguyên, người Mongoloid phương Bắc thuần chủng không còn mà trong dân cư xuất hiện đám người lai Mongoloid phương Nam. Người Bách Việt (Indonesien, Melanesien) thuần chủng cũng biến mất để hoá thân thành người Hoa Hạ (chủng Mongoloid phương Nam). Lớp người lai này được gọi là Viêm Hoàng tử tôn (con cháu của Viêm Đế và Hoàng đế) thừa hưởng toàn bộ văn hoá của cha Mông mẹ Việt hay mẹ Mông cha Việt. Lịch sử đã diễn ra theo kịch bản đó, vậy tại sao những đứa con lai này lại không tiếp thu toàn bộ văn hoá của cha, mẹ, ông, bà mình? Nói người Hán tiếp thu toàn bộ từ vựng của người Bách Việt là hoàn toàn có cơ sở, một điều tất nhiên không thể khác trong hoàn cảnh nhân chủng và lịch sử như vậy.

 

Không phải phóng bút viết bừa, cũng không phải tự tôn hay tự ty dân tộc. Vấn đề là trả lại công bằng cho lịch sử!

 

3/ Quê hương cây mơ ở đâu?

Đúng như ông Hồ Thanh Thuỷ viết, tôi không hề bận tâm quê hương cây mơ ở đâu! Điều tôi quan tâm là, ít nhất, 15.000 năm trước, người Bách Việt đã từ Trung Quốc đi lên Siberia rồi vượt qua eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Như vậy, người Bách Việt với số dân hơn nửa nhân loại, chiếm lĩnh địa bàn mênh mông không chỉ Đông Nam Á, Đông Á mà còn Đông Bắc Á trong thời gian dằng dặc 30-40000 năm. Vậy lẽ nào đưa được con gà, con chó, cây lúa, khoai sọ lên miền Bắc lại không đưa cả cây mơ? Thêm nữa, cây mơ (Prunus) là loài cây phân bố toàn cầu (cosmopolis) thì ai cấm nó mọc ở nam Hoàng Hà hay cả ở Hương Sơn Việt Nam? Ai dám bảo con cháu của Phục Hy- vị lương y đầu tiên của nhân loại- không biết dùng trái mơ làm vị thuốc trị những bệnh về hô hấp? Điều này cũng có nghĩa là từ xưa rồi, hàng vạn năm trước khi đẻ ra người Hán, “mơ” đã có trong từ vựng của cao tằng tổ nỉ của họ là Bách Việt. Người Hán, là con cháu của những người Việt đó tại sao không dùng mơ trị bệnh và tiếp thu từ “mơ” vào trong vốn từ của mình? 

 

4/ Có một sự kiện lịch sử mà ông Hồ Thanh Thuỷ dễ quên: Năm 1949, khi chiếm Đài Loan, đội quân người Hán của Tưởng Giới thạch đã đàn áp khốc liệt người bản địa gồm người gốc Phúc Kiến, Lưỡng Quảng và người Cao Sơn, di duệ của dòng Bách Việt. Lúc đó vẫn còn hy vọng giành lại Hoa lục nên Tưởng phất cao ngọn cờ Đại Hán mong lôi kéo người Hoa Lục. Chỉ sau này, trước thế lực của Trung Quốc ngày một mạnh, không còn cơ hội trở về lục địa nữa, những lãnh tụ sau Tưởng như Lý Đăng Huy người gốc Đài Loan mới chủ trương anh hùng nhất khoảnh: nâng cao vai trò của người bản địa, truyền bá ngôn ngữ Đài Loan, nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai nước, nêu khẩu hiệu Đài Loan của người Đài Loan… Lịch sử chẳng qua là con bài trong tay nhà chính trị ! Cuốn Bách Việt nguyên lưu dữ văn hoá của La Hương Lâm  do Trung Hoa thư điếm Đài Loan in năm 1955 là công trình khảo cứu giá trị cho thấy không chỉ Đài Loan mà phần lớn Trung Quốc vốn là địa bàn của Bách Việt.

 

Mới đây, trên talawas, tôi có viết Sự phản thùng của tri thức. Hội chứng này cũng thường xảy ra nơi những vị uyên thâm khi cao tuổi, bộ nhớ chật ních dữ liệu, trở nên xơ cứng, không tiếp thu nổi những gì mới mẻ trái với tín điều của mình. Nhờ cơ số đạn tích trữ dư thừa, các vị sẵn sàng xả súng bắn những gì trái tai gai mắt. Một việc làm hữu ích cho học thuật. Nó hạ gục những cái mới giả. Còn với những cái mới thật, nó như những lời phản biện, như ngọn lửa giúp biết tuổi vàng…Tôi gọi đó là những kháng thể giúp cho văn hoá tự thanh lọc. Vì lẽ đó, tôi chân thành cảm ơn ông Hồ Thanh Thuỷ là người đã đọc và cho nhận xét về bài viết của tôi.                               

 

Phú Thọ Hoà  25.10.2006

* Xin xem: Hà Văn Thuỳ- Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hoá sẵn trên máy chủ Google

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 4846
Ngày đăng: 06.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Câu đối xưa...câu đối nay ! - Lê Xuân Quang
Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hàn . - Hà văn Thùy
Ngôn từ thời “Hội Nhập” - Cao Thị Thịnh
Nghệ thuật câu đối Hán Nôm - Tạ Đức Tú
Những bài văn... dễ sợ! - Nguyễn Văn Cải
Tiếng Việt - Tiếng Mỹ rắc rối ... - Lê Anh Tuấn
Về một số từ HÁN VIỆT chỉ đôi lứa - Tạ Đức Tú
Cái hay của “Nói lái”. - Mai Văn Sang
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)