Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.389
 
Trần Hoài Dương và tuyển tập vừa xuất bản
Triệu Xuân

Trần Hoài Dương Truyện chọn lọc là tuyển tập vừa được Nhà xuất bản Văn học ấn hành, Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa tổng phát hành từ đầu tháng 10-2006. Sách được làm công phu, bìa trang nhã, trình bày đẹp. Nhà văn Trần Hoài Dương đã trích ra ba triệu đồng từ số tiền nhuận bút của tuyển tập này ủng hộ cho Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam do nhà văn Triệu Xuân khởi xướng, báo Sài Gòn Giải phóng thành lập. (VNSCL). 

 

Người ta bảo Văn là người, với Trần Hoài Dương, câu này chính xác! Trần Hoài Dương là con người hiền hậu, ăn nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường, luôn yêu thương nâng niu những vẻ đẹp của con người, luôn cảm nhận cuộc sống một cách trân trọng và sâu sắc. Tôi biết Trần Hoài Dương từ cuối thập kỷ Chín mươi của thế kỷ XX. Văn của anh, thật đúng như con người anh, nhẹ nhàng, giản dị mà đằm thắm, tha thiết. Quê anh cùng tỉnh Hải Dương với tôi, nơi có những mùa mưa dầm. Trời tuôn rất ít nước mà sao nước thấm rất sâu trong lòng đất. Mưa dầm thấm lâu, văn của Hoài Dương cũng là một thứ mưa dầm!  

 

Nhà văn Trần Hoài Dương tên khai sinh là Trần Bắc Quỳ, sinh ngày 8-11-1943, quê quán: Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp Trường Báo chí Trung ương khóa I năm 1961, Hoài Dương về làm biên tập tại Tạp chí Học tập ( sau là Tạp chí Cộng sản ). Hai năm 1969-1970, Hoài Dương đi thực tế ở Trường giáo dục trẻ em phạm pháp của Bộ Giáo dục. Từ 1971-1981, làm ở báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, biên tập viên, sau phụ trách Ban Văn xuôi. Từ 1982-1992 làm biên tập Nhà xuất bản Măng non, sau là Nhà xuất bản Trẻ, là Trưởng ban Văn học. Từ 1992 đến nay, anh  là nhà văn tự do, chuyên viết cho thiếu nhi.

 

Trần Hoài Dương khởi đầu sự nghiệp văn học bằng truyện ngắn. Tính đến nay, anh đã xuất bản hơn hai chục tác phẩm, chỉ có năm tác phẩm là truyện dài. Cuốn sách đầu tay xuất bản khi anh mới tròn 20 tuổi là Em bé và bông hồng (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng, 1963). Kế đó là: Đến những nơi xa (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng 1968); Cây lá đỏ (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng, 1971); Cuộc phiêu lưu của những con chữ (truyện đồng thoại, Nxb Kim Đồng, 1975); Con đường nhỏ (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng, 1976); Hoa của biển (truyện dài, Nxb Kim Đồng, 1976); Người tù vượt ngục và em nhỏ trên đảo (truyện dài, Nxb Kim Đồng, 1979); Lá non (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng, 1981); Áng mây (tập truyện ngắn, Nxb Hà Nội, 1981); Bên ngoài mái trường (tiểu thuyết, Nxb Phụ nữ, 1983); Những ngôi sao trong mưa (tập truyện ngắn, Nxb Long An, 1988); Mầm đước (truyện dài, Nxb Trẻ 1994); Nhớ một mùa hoa thạch thảo (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng 1994); Cô bé mảnh khảnh (truyện ngắn chọn lọc, Nxb Kim Đồng, 1996); Nắng phương Nam (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng, 1998); Trần Hoài Dương Truyện chọn lọc (Nxb Văn học, 1998); Cỏ hoa thì thầm (tập truyện ngắn, Nxb Kim Đồng,1999); Miền xanh thẳm (truyện dài, Nxb. Kim Đồng, 2000). Ngoài ra còn nhiều kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó đã có năm kịch bản được dựng thành phim.

 

Ở nước ta, nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi ngày càng hiếm. Việc dạy văn và học văn trong trường phổ thông đang có rất nhiều vấn đề bức xúc. Học sinh ngại học môn Văn học, phần lớn học theo kiểu đối phó. Cứ đà này, đến một lúc nào đó, con em chúng ta sẽ quay lưng với văn học. Mà Văn học là Nhân học! Thế hệ trẻ không thích học văn, (chỉ đọc truyện tranh) không đọc tác phẩm văn học nữa thì liệu tâm hồn con người Việt Nam sẽ ra sao? Không có văn học nghệ thuật, con người sẽ biến thành rôbốt! Trong nỗi lo ấy, tôi, Triệu Xuân, nhân việc tái bản lần thứ bẩy hai cuốn tiểu thuyết Trả giá và Bụi đời1, đã quyết định dành số tiền nhuận bút 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng) để lập Quỹ khuyến khích học sinh giỏi văn. Chỉ với số tiền nhuận bút ít ỏi trên thì cùng lắm chỉ trao được mười phần học bổng là hết! Thế là tôi kêu gọi bạn bè thân thiết, những người say mê văn học nghệ thuật cùng góp tấm lòng vàng cho Quỹ. Tưởng rằng khó khăn, ai ngờ bạn bè thân hữu và những nhà hảo tâm nhiệt liệt hưởng ứng! Sau cuộc gặp gỡ thân mật, bạn bè thân hữu đã góp thêm được mười lăm triệu nữa là tròn ba chục triệu! Tôi đem ý tưởng thành lập Quỹ khuyến khích học sinh giỏi văn và ba chục triệu đồng đến báo Sài Gòn Giải phóng (SGGP), đề nghị báo SGGP đứng ra thành lập Quỹ. Tôi rất mừng khi Tổng Biên tập báo và cả ban lãnh đạo báo nhiệt liệt hoan nghênh, đồng ý với đề nghị của tôi. Ngày 27 tháng Mười vừa qua, tại báo SGGP, Lễ ra mắt Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam đã được tổ chức trọng thể. Ngay trong buổi lễ, các nhà văn nhà thơ, các nhà doanh nghiệp, các mạnh thường quân đã đóng góp cho Quỹ. Tổng số tiền lập Quỹ đã đạt gần 300 triệu đồng! Dự kiến, cuối tháng 11-2006, Quỹ PTTNVH VN trao giải thưởng đợt  đầu tiên cho học sinh giỏi văn và tôn vinh các nhà giáo dạy giỏi văn tại thành phố Hồ Chí Minh. Sang năm 2007, Quỹ sẽ mở rộng hoạt động ra các tỉnh thành trong toàn quốc. Hy vọng rằng, đây là một nghĩa cử góp phần kích thích việc học văn, say mê đọc sách văn học trong học sinh phổ thông nước ta.   

 

Nhà xuất bản Văn học từ xưa tới nay rất trân trọng những tác giả viết cho thiếu nhi, mà Trần Hoài Dương là một trong những tác giả đầy tâm huyết với giới trẻ. Đọc văn Trần Hoài Dương, dù đã bước vào tuổi năm mươi tư, tôi ngỡ mình trẻ lại tuổi ấu thơ. Tôi vẫn thấy rưng rưng cảm giác trẻ thơ những ngày đến trường, học hành, vui chơi cùng bè bạn, những lúc đắm mình trong trò chơi của trẻ con vùng quê nghèo Ninh Giang, Hải Dương, lâng lâng cảm giác trên lưng trâu ngắm cò bay, mây bay, nghe tiếng sáo diều. Lòng người trỗi lên bao ước mơ, khát vọng khi dõi theo những cánh buồm nâu trôi trên dòng sông Lê (nhánh của sông Luộc)... Văn Trần Hoài Dương không ồn ã mà sâu lắng, giúp ta nghe được cả tiếng tí tách của chồi non mùa xuân, hướng tâm hồn ta tới bến bờ của yêu thương, trân trọng, những ước ao đầy tính lãng mạn và vẻ đẹp thánh thiện. Chả thế mà nhà văn Tô Hoài bảo rằng trang văn hay không có tuổi! Văn Trần Hoài Dương không có tuổi! Nó quyến rũ cả ông già bẩy tám chục tuổi. Tô Hoài viết trong thư gửi Trần Hoài Dương:

 

“Ở quê tôi, giêng hai là những tháng yêu kiều nhất trong một năm! Thinh không bảng lảng, mơ màng, chẳng phải sương mù, cũng không mưa thành hạt, bóng nước li ti dây dợ loăng quăng phả ấm mặt người giữa đường đi lành lạnh. Cả đêm không nghe mưa, nhưng sáng ra, ngoài vườn thấy lưng tàu lá cải xanh mọng, những giọt nước đọng ủ hơi sương đêm viền quanh mép lá, từng chuỗi hạt nước sương long lanh đậu trên lá. Chợt một đàn chim khuyên bay lướt qua, tiếng ríu rít vút xa xa không gì sáng trong hơn.

 

Không hiểu sao, đọc truyện chọn lọc của Trần Hoài Dương, tôi cứ hình dung ra một thoáng tháng giêng, tháng hai đẹp đơn sơ như thế. Không biết tôi đang là trẻ thơ, tôi không nhớ tôi đã là một ông lão, tôi không biết tuổi đương đọc những sáng tác không có tuổi. Mỗi sáng tác hay thường khiến cho người đọc đánh mất tuổi như vậy.

 

Trần Hoài Dương đã chia những Truyện chọn lọc ra ba phần: Những truyện tưởng tượng, Những truyện về đời thường và Những mẩu chuyện nhỏ. Nhưng ở Những ngôi sao trong mưa hay trong Lá non hay gặp Cô bé mảnh khảnh… từng cái bình phong mở ra khép lại, tôi cũng không thể phân biệt rõ ràng được. Bởi vì tập truyện cứ bất chợt như thực lại không thực, khi thật xa lại khi gần trước mặt, đã mơ hồ lại hiển nhiên, là cuộc đời thường ngày hay là tưởng tượng, những con người  ngẩn ngơ mà hồn nhien này.

Chỉ cảm được cây bút và tâm hồn người đã viết ra thành chữ, từng chữ đem lại cho tôi cảm giác yêu đời, nhớ đến hạt sương tàu lá cải và biết quý những con vật, những đồ vật quanh mình. Tôi nhận ra đấy là những khơi gợi vun đắp nên tấm lòng nhân hậu, tin yêu”.

Như trên đã nói, Trần Hoài Dương khởi nghiệp văn bằng truyện ngắn. Thế nhưng đọc truyện dài của anh, tôi thấy anh rất chắc tay khi viết tiểu thuyết. Nghề viết tiểu thuyết cực lắm. Chỉ nội việc làm tư liệu không thôi đã ngốn mất của tôi vài năm trời, thậm chí gần chục năm trời cho mỗi tác phẩm, như khi tôi viết Trả giá, Bụi đời, Sóng lừng, Cõi mê… Trần Hoài Dương là người khiêm tốn, trong năm tác phẩm dài hơi, anh chỉ đề một cuốn là tiểu thuyết, còn lại anh đề truyện dài. Tôi biết, để viết được cái Miền xanh thẳm1, anh đã phải lao động rất công phu trước khi viết. Vốn sống của anh dồi dào. Ý tưởng, cảm xúc của anh luôn đạt tới độ chín. Ngôn từ của anh, có lẽ nhờ đọc nhiều, đi nhiều và quan trọng hơn, nhờ thời gian dài anh làm biên tập văn giúp anh diễn đạt câu chữ trong sáng. Thế mạnh của Hoài Dương là miêu tả. Văn tả cảnh tả người của anh giàu hình ảnh, lời ít, ý nhiều. Đọc Miền xanh thẳm, không hiểu sao, tôi cứ nghĩ Trần Hoài Dương còn có thể viết được nhiều, nhất là tiểu thuyết. Người viết tiểu thuyết ở ta ngày càng hiếm!       

Về nghề nghiệp, Nhà văn Trần Hoài Dương tâm sự: “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang, bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ. Tôi cũng hy vọng những trang viết của tôi không chỉ dành riêng cho trẻ em đọc mà còn cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn có những giây phút sống yên bình trong thế giới trắng trong của cái Đẹp và cái Thiện”.

Sáu mươi tư tuổi đời, hơn bốn mươi năm cầm bút viết cho thiếu nhi, Trần Hoài Dương đã có nhiều tác phẩm bổ ích cho trẻ nhỏ. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương năm 1968, tác phẩm Cuộc phiêu lưu của những con chữ. Giải Nhất kịch bản phim cho thiếu nhi tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 (1983), kịch bản phim hoạt hình Bé rơm. Giải A tác phẩm Tuổi xanh năm 1993, tác phẩm Một thoáng heo may phương Nam. Tác phẩm này còn  đoạt Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và trẻ em năm 1994. Giải B (không có giải A) cuộc vận động sáng tác kịch bản múa rối do đoàn Nghệ thuật Múa rối Tp. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2000, kịch bản Huyền thoại Cửu Long Giang. Giải B cuộc vận động sáng tác truyện và tranh truyện cho thiếu nhi năm 1999-2000 của Nhà xuất bản Kim Đồng và Giải thưởng loại B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001: tác phẩm Miền xanh thẳm.

Thế nhưng, tôi nghĩ, giải thưởng lớn nhất Trần Hoài Dương đạt được là hàng trăm ngàn bạn nhỏ yêu thích sách của anh. Không chỉ bạn nhỏ, mà cả người lớn tuổi như ông Tô Hoài, như tôi, cùng nhiều người khác cũng rung động khi đọc văn của anh!



1 Trả giá, Bụi đời, hai cuốn tiểu thuyết của nhà văn Triệu Xuân, NXB Văn học tái bản lần thứ bẩy, tháng 8-2006.  

1 Giải thưởng của Hội Nhà vănViệt Nam năm 2001.

Triệu Xuân
Số lần đọc: 4961
Ngày đăng: 08.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hình như có người “cởi áo” trước hư không - Đặng Thân
"Nhớ Chùa" một chữ "Thiện" vô bờ (phần 1) - Ngọc Thiên Hoa
"Nhớ Chùa" một chữ "Thiện" vô bờ (phần 2) - Ngọc Thiên Hoa
Lõi “Trầm “ từ “Những tháng năm ở rừng “ của Nguyễn Anh Nông - Nguyễn Hưng Hải
Nhân đọc những bài quanh cuốn "Tây Sơn bi hùng truyện" của tác giả Lê Đình Danh : Bàn về "Bịa đặt", "Trung “ và "Hèn"... - V.B.S
Thơ Tuyết Nga- Ảo giác vết thương chìm - Nguyễn Trọng Tạo
Những cảm nhận về tập thơ "Những tháng năm ở rừng " của Nguyễn Anh Nông - Đổ Trọng Khơi
Về bộ tiểu thuyết lịch sử của Hoài Anh. - Đông La
Hồng Nhu tuổi hồi xuân - Nguyễn Khắc Phê
Không thể tuỳ tiện dùng chữ “Đại hiếu ”, “Đại anh hùng ”! - Lê Hoài Lương
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)